CHƯƠNG 17: Hãy Để Hy Vọng Tràn Trề

Thắp Sáng Hy Vọng

Đăng vào: 11 tháng trước

.

CHƯƠNG 17

Hãy Để Hy Vọng Tràn Trề

Cầu xin Chúa là nguồn hy vọng ban cho anh chị em đầy dẫy mọi sự vui mừng và bình an khi anh chị em tin cậy Ngài, đến nỗi anh chị em đầy tràn niềm hy vọng bởi quyền năng Thánh Linh!

Rô-ma 15:13

Niềm vui thấm sâu hơn nỗi buồn

– Corrie Ten Boom

Ăn Thả Cửa!

Tôi cân nhắc kỹ làm sao để bắt đầu chương cuối này, nhưng tôi cứ liên tục nghĩ về những chữ này: ĂN THẢ CỬA! Tôi đã viết trên 100 cuốn sách, nhưng có thể nói là tôi chưa bao giờ bắt đầu một chương sách như thế này. “Ăn Thả Cửa” là thứ mà bạn không thường thưởng thức, nhưng khi thưởng thức bạn sẽ khai thác hết. Mới đây có một người mà tôi quen kể cho tôi nghe rằng anh ta đã đưa gia đình tới bữa tiệc buffet – ăn thả cửa vào dịp Lễ Tạ Ơn – đó là truyền thống gia đình của họ. Thay vì nấu ăn cả buổi sáng và rửa chén bát cả buổi chiều, thì mỗi kỳ nghỉ Lễ Tạ Ơn họ lại tới nhà hàng đó và tận hưởng buffet. Hết lần này tới lần khác họ tới bàn bày thức ăn để lấy thêm gà tây – hết dĩa khoai tây này tới dĩa khác, nào là món súp, món đậu xanh, khoai lang mỡ và nước sốt việt quất. Trong dịp đặc biệt này anh ta và vợ để con cái ăn tráng miệng thoải mái. Anh nói, “Bà Joyce ơi, chúng tôi chỉ đi ra ngoài ăn “tiệc buffet” một năm một lần, nhưng khi chúng tôi ăn là ăn xứng với đồng tiền bỏ ra!”

Tôi đề cập chuyện này khi chúng ta bắt đầu chương cuối này vì tôi nghĩ hy vọng là một món trong thực đơn buffet – món “ăn thả cửa” của Chúa. Ngài không chỉ mời một món, nhưng đó là món ngon. Ân sủng, hy vọng, tình yêu thương, ơn tha thứ, sự chấp nhận, sức mạnh, sự an toàn – đây chỉ là vài món mà Chúa ban cho “thả cửa”. Bạn nhận thêm ân sủng bao nhiêu lần cũng không hề hết. Bạn sẽ không bao giờ nhận cạn kiệt tình yêu thương của Cha. Do vậy, xin Chúa cho thêm nhiều hy vọng thì không bao giờ là đủ.

Dù bạn đang tin cậy Chúa về điều gì đi nữa – dù đó là vấn đề liên quan tới gia đình, sức khỏe tình cảm, sức khỏe thể chất, mối quan hệ, nghề nghiệp, tài chính, tương lai – thì cùng đừng giới hạn Chúa. Hãy quay lại bàn “tiệc buffet” và đổ đầy hy vọng bao nhiêu tùy thích. Khi người ta nói về bạn, họ phải nói, “Đó là người tràn trề hy vọng. Cho dù có chuyện gì xảy ra, cho dù hoàn cảnh xung quanh như thế nào, người này không bao giờ ngưng bám lấy Chúa.”

Hãy nhìn tâm hồn bạn như cái ly; đừng để cái ly này chỉ đầy một phần tư hy vọng. Đừng an phận với nửa ly hy vọng. Đầy được ba phần tư ly hy vọng cũng chưa đủ. Thậm chí bạn còn hơn là tràn trề hy vọng – hãy để hy vọng chảy tràn lan khắp nơi và chảy khắp mọi người. Hãy chọn tràn trề hy vọng nơi Chúa. Hãy tin Ngài sẽ làm trỗi vượt hơn, dư dật hơn mọi điều bạn cầu xin hay suy tưởng (xem Ê- phê-sô 3:20).

Chúa Của Sự Dư Dật

Một điều chúng ta biết về Chúa Giê-su đó là Ngài thích làm trỗi hơn những mong đợi. Không nghi ngờ gì về quyền năng của Ngài, bởi vì Ngài ban cho hơn là điều chúng ta cần; Ngài ban cho chúng ta những gì chúng ta cần…cộng thêm nữa. Đây là câu Kinh Thánh xác chứng nguyên tắc này:

Đức Chúa Trời có thể ban cho anh chị em mọi ân phước cách dư dật, để anh chị em luôn được đầy đủ mọi mặt, hầu anh chị em có thể chia sẻ một cách rời rộng trong các công tác từ thiện.

2Cô-rinh-tô 9:8

Chúa hứa cho bạn đủ nhu cầu và còn dư dật nữa để bạn có thể giúp người khác. Điều này nghe có vẻ là một lối sống vô cùng hấp dẫn, và chắc chắn tôi không muốn bỏ lỡ nó – còn bạn thì sao?

Trong Giăng 6, chúng ta tìm câu chuyện quen thuộc về việc Chúa Giê-su nuôi đám đông 5000 người (cộng phụ nữ và trẻ em). Các sứ đồ hoảng sợ bởi vì đám đông đang đói, và không có cách nào để có đủ thức ăn cho tất cả những người này. Đám đông thì đang đói, còn các môn đồ thì đang bất lực – cảnh trạng này không mấy khả quan.

Bạn có thể liên tưởng đến cảm giác bất lực đó không? Bạn có từng rơi vào tình huống mà nan đề quá lớn và bạn biết không có cách nào để tự mình giải quyết?

  • Hôn nhân của bạn đang rạn nứt, nhưng bạn không biết cách giải quyết.
  • Bạn cảm thấy cô đơn và nản lòng, nhưng bạn không biết xử lý thế nào.
  • Bạn thất sủng tại công sở, nhưng không biết xử trí ra sao.
  • Thu nhập của bạn không đủ trang trải mọi chi phí, nhưng bạn không biết cách giải quyết.
  • Con cái bạn đang gặp khó khăn tại trường, nhưng bạn không biết cách giải quyết.

Đây có thể là cách các môn đồ cảm nhận. Dân chúng ngửa trông họ, nhưng họ cảm thấy tuyệt vọng. Vấn đề của họ thì quá lớn, nhưng khả năng của họ thì quá nhỏ. Nên họ làm điều duy nhất họ có thể làm – họ đến với Chúa Giê-su. Lời Chúa cho biết Chúa Giê-su lấy những thứ nhỏ nhặt họ có (năm cái bánh và hai con cá), Ngài cầu nguyện và bắt đầu nhân cấp lên.

Lúc đầu, các môn đồ có lẽ đã nghĩ mấy món này chỉ có thể nuôi hai hay ba người mà thôi. Nhưng sự cung ứng cứ tiếp tục đến từ tay của Chúa. Mười người được ăn, 100 người được ăn, 500 người được ăn, 1000 người được ăn. Thật ngạc nhiên, sự cung ứng cứ tiếp tục đến và đến. Và phần chú ý nhất của câu chuyện không chỉ là việc mọi người được cho ăn – mọi người ăn no nê và thỏa dạ …và vẫn còn 12 giỏ thức ăn còn lại. Chúa Giê-su tiếp trợ dư dật.

ĂN THẢ CỬA!

Nếu Chúa Giê-su làm thỏa mãn đám đông đang đói, hãy tưởng tượng điều mà Ngài có thể cho linh hồn đói khát của bạn. Dù bạn đang trải qua điều gì hôm nay, cũng chẳng ăn thua gì so với quyền năng của Chúa trong đời bạn. Bạn không có lý do gì để lo lắng và sợ hãi – hy vọng luôn ở đây. Cùng một Chúa Giê-su đã cung ứng quá nhiều thức ăn đến nỗi dư 12 giỏ còn lại – Ngài cũng cung ứng cho bạn.

Đừng chần chờ mà hãy tin và cầu xin Chúa làm những điều không tưởng trong đời bạn. Một điều Chúa thích làm là Ngài lấy những điều tưởng chừng không thể và biến nó thành có thể. Khi biển cả cản trở lối đi của dân sự Ngài, Ngài đã rẽ biển ra. Khi có chiến thắng mà mặt trời bắt đầu lặn, thì Ngài bảo mặt trời hãy đứng yên. Khi đám đông xào xáo đói bụng, Ngài nuôi họ từ bửa ăn của cậu bé. Mỗi lần Ngài chuyển động thì có chiến thắng, có ánh sáng và có thức ăn để dành. Đừng xin Chúa đủ sống qua ngày; hãy thử xin Ngài nhiều hơn nữa. Đừng xin với động cơ ích kỷ còn không bạn sẽ không nhận được gì, nhưng nếu bạn muốn có nhiều hơn để bạn có thể thành nguồn phước cho những người bị tổn thương và thiếu thốn, bạn có thể mong trỗi vượt hơn, dư dật hơn mọi điều bạn có thể hy vọng, cầu xin hay suy tưởng (Ê-phê-sô 3:20).

Trong Luca 5 chúng ta thấy có một câu chuyện về việc Chúa Giê-su đến với các môn đồ của Ngài sau khi họ đánh cá suốt đêm mà không bắt con cá nào. Ngài bảo họ hãy chèo ra ngoài sâu và thả lưới xuống lần nữa. Khi họ thả, điều diệu kỳ xảy ra.

Họ thả lưới xuống, được nhiều cá lắm, đến nỗi lưới phải đứt ra. Họ bèn ra vọi gọi đồng bạn mình ở thuyền khác đến giúp; bạn kia đến chở cá đầy hai chiếc thuyền, đến nỗi gần chìm.

Luca 5:6-7

Nghĩ Đến Nguồn Cội

Rất thường khi có vấn đề, chúng ta nhận những lời khuyên tệ hại, hoặc chúng ta bị thất vọng bởi bạn bè, là người nói với chúng ta, “Bạn đã mong gì vậy, hãy xem xét căn nguyên.” Nói cách khác, họ nói rằng những gì chúng ta đặt hy vọng thì thật mỏng manh và chắc chắn chúng ta đã bị tổn thương.

Một trong những lý do nhiều người không tràn trề hy vọng là vì họ đặt hy vọng không đúng đối tượng. Họ dựa vào công việc, vào mối quan hệ, vào nền kinh tế, vào lý tưởng chính trị, vào giấc mơ và thậm chí vào vợ/chồng để làm cho họ hạnh phúc và thỏa mãn những nhu cầu của họ thay vì ngửa trông nơi Chúa. Thoạt nhìn những thứ trên không có gì sai, nhưng nó không bao giờ được trù tính là cội nguồn của hy vọng. Chúa mới là nguồn duy nhất không hề cạn. Chúng ta đã nói ở phần đầu sách về tầm quan trọng của hy vọng đó là có Chúa là cội nguồn, nhưng rất dễ cho chúng ta đi trệch khỏi chân lí quan trọng này nên tôi đưa vào ý này lần nữa trong chương cuối này.

1Cô-rinh-tô 8:6 nói:

Nhưng đối với chúng ta, chỉ có một Đức Chúa Trời là Cha; mọi vật do Ngài sáng tạo và chúng ta sống cho Ngài; và chỉ có một Chúa là Chúa Cứu Thế Giê-su, nhờ Ngài mọi vật hiện hữu và chúng ta cũng nhờ Ngài mà sống.

Chúa là “Cội Nguồn của Mọi Sự” và Ngài là Đấng mà “chúng ta nhờ Ngài mà sống.” Nếu hy vọng của bạn đặt trên thứ nào khác hơn là Chúa, thì bạn sẽ thất vọng. Nhiều tín hữu sống trong căng thẳng cảm xúc vì họ lệ thuộc không đúng chỗ. Nếu hy vọng của bạn nơi con người, nơi chương trình, hoặc ngay cả nơi bản thân thì bạn sẽ hứng chịu thất vọng và đau đớn hết lần này tới lần khác bởi vì những thứ này là những nguồn cung ứng giới hạn. Và bạn càng cố múc từ những cái giếng khô này càng lâu thì thất vọng sẽ càng thấm thía và ê chề hơn.

Thi Thiên 42:11 nói, “Hỡi linh hồn ta, tại sao ngươi chán nản? Vì sao ngươi lo lắng trong mình ta? Hãy hy vọng nơi Đức Chúa Trời, vì ta sẽ còn ca ngợi Ngài, là Đấng Cứu Rỗi và Đức Chúa Trời hằng giúp đỡ ta.

Đa-vít đã làm một việc rất khôn ngoan trong câu Kinh Thánh này. Dù ông cảm thấy ngã lòng, và dù ông không nhất thiết là cảm thấy hy vọng, nhưng ông bắt đầu thuyết phục mình đặt hy vọng nơi Chúa. Ông nói với bản thân Hôm nay tôi sẽ hy vọng nơi Chúa, tôi sẽ ca ngợi Ngài. Dù tôi cảm thấy muốn hay không muốn cũng không quan trọng. Chúa là nguồn cung ứng của tôi, và tôi sẽ đặt hy vọng nơi Ngài! Ông bỏ qua tâm trạng của mình và quyết định hy vọng nơi Đấng Cội Nguồn duy nhất có thể giúp ông. Đa-vít đã kinh nghiệm quyền năng giải cứu của Chúa trong quá khứ, và ông biết Chúa thành tín.

Tôi không thể nào đếm được bao nhiêu lần Chúa bày tỏ sự thành tín của Ngài trong đời tôi, và có lẽ bạn cũng nói như vậy. Sao chúng ta phí thời gian lệ thuộc vào những thứ mỏng manh? Hãy đặt hy vọng của chúng ta vào đúng cội nguồn và tránh được nhiều nỗi thất vọng.

Hy Vọng Trông Ra Sao

Thác Niagara là một trong những cảnh tuyệt vời và ngoạn mục nhất ở cả Bắc Mỹ. Dù bạn chưa đến đó để tận mắt chứng kiến, chắc chắn bạn đã thấy sự hùng vĩ của nó trên truyền hình hay trong ảnh. Dòng nước chảy xiết và tiếng thác nước đổ là một nguồn cảm hứng thật sự. Kì quan và vẻ đẹp của thế giới mà Chúa tạo dựng không ngớt làm cho tôi ngạc nhiên.

Tôi nghĩ một điều thú vị về thác Niagara là sự thật rằng nó không bao giờ cạn. Hơn 6 triệu mét khối nước chảy xuống thác mỗi phút và điều này không bao giờ kết thúc. Không có ngày nào mà thác Niagara ngừng chảy và các nhân viên kiểm lâm cho mọi người về để họ có thể làm sạch nguồn cung cấp nước. Hết phút này đến phút khác, hết giờ này đến giờ khác, hết ngày này đến ngày khác, thác nước vẫn cứ chảy.

Nếu bạn tới thăm thác Niagara, bạn biết bạn không thể đi đến bất cứ chỗ nào mà không bị tác động. Khi bạn đi bộ qua công viên, trước khi bạn nhìn thấy nó, bạn đã có thể nghe tiếng thác rồi. Tiếng thác nước đổ trên những hòn đá phía dưới là rất lớn. Khi bạn đến gần hơn, thì bạn sẽ bắt đầu cảm thấy những hơi nước. Các giọt nước tung tóe lên không, và bất cứ ai đến gần vẻ đẹp thiên nhiên này đều bị ướt đẫm. Đó là một kỳ quan bất tận, gây ảnh hưởng sâu đậm cho tất cả những ai đến gần thác.

Cảnh này vẽ nên một bức tranh tuyệt vời về hy vọng sẽ ra thế nào trong đời bạn. Như dòng sông không hề cạn, hy vọng cứ mãi tuôn chảy. Bạn có thể bơi trong đó, uống trong đó, và chia sẻ nó cho người khác – dù bạn có múc nó bao nhiêu đi nữa, nó cũng không cạn. Châm Ngôn 23:18 hứa: “Niềm hy vọng của con sẽ không bị cắt đứt.” Điều này có nghĩa là không có khi nào bạn đến dòng sông hy vọng mà thấy nó cạn tới đáy. Bởi vì Chúa là đời đời, hy vọng nơi Ngài là mùa xuân vĩnh hằng. Mỗi ngày trong đời, bạn có thể đến với Ngài, tràn đầy đức tin và hy vọng, tin rằng Ngài sẽ chu cấp những gì bạn cần.

Hy vọng không chỉ là dòng sông không hề cạn, mà hy vọng là thác nước ảnh hưởng những ai đến gần. Bạn có thể nghe nó, thấy nó và cảm nhận nó trong bầu không khí quanh bạn. Khi bạn tràn trề hy vọng, nó không chỉ ảnh hưởng đời sống bạn, mà nó còn ảnh hưởng tất cả những người quanh bạn. Hy vọng của bạn sẽ tràn ra họ. Họ càng tiếp xúc với bạn, họ càng nghe tiếng chảy xiết của thác nước và cảm nhận hơi nước trong không khí. Không bao lâu, họ sẽ nói, “Tôi thích được ở gần bạn, bạn có điều gì đó khác biệt. Tôi cảm thấy hy vọng khi nói chuyện với bạn.”

Khi bạn thức dậy mỗi buổi sáng, hãy tin Chúa về điều gì đó tốt đẹp xảy ra trong đời bạn, hãy nghĩ về thác nước. Mỗi khi bạn bị cám dỗ để nản lòng và từ bỏ giấc mơ Chúa đã đặt vào lòng bạn, hãy nghĩ về thác nước. Và mỗi khi có ai đó xung quanh bạn cần sự khích lệ, hãy nghĩ về thác nước. Hy vọng không phải là một tia nước. Hy vọng không phải là dòng suối. Hy vọng là cơn thác chảy xiết mà mọi người khắp thế giới sẽ đổ về chiêm nghiệm.

Bạn Sẽ Tin Điều Nào?

Cái thế gian hay chỉ trích và hoài nghi này sẽ liên tục cảnh báo bạn đừng có thắp sáng hy vọng. Thế gian sẽ nói với bạn, “Vấn đề không được giải quyết trong quá khứ,” hay “Đừng tự đưa mình vào chỗ thất vọng.” Có thể bạn được khuyên là phải “sáng suốt” và đừng mong đợi quá nhiều, nhưng Chúa bảo chúng ta mong đợi vượt khỏi những cái hợp lý. Ngài muốn chúng ta mong nhiều hơn nữa.

Tôi muốn khích lệ bạn hãy làm ngược với những gì thế gian làm. Đừng để tâm trí xác thịt cai trị đời sống bạn. Hãy đổi mới tâm trí bạn theo như Lời Chúa và học suy nghĩ như Chúa. Trong mỗi chương của sách này, chúng ta đã thấy những câu Kinh Thánh và những lời hứa của Chúa khích lệ bạn hy vọng điều tốt nhất của Ngài cho đời sống bạn. Chúng ta đã thấy những gương trong Kinh Thánh. Chúng ta đã nghe những câu chuyện về những con người bình thường như bạn và tôi – những người nam, người nữ dám hy vọng rằng Chúa sẽ làm thành lời hứa của Ngài. Câu hỏi đặt ra : Bạn sẽ chọn gì đây? Bạn chọn hy vọng hay vô vọng? Bạn có sẵn sàng sống với lòng mong đợi vui vẻ rằng hôm nay điều tốt đẹp sẽ xảy ra trong bạn, qua bạn, cho bạn, cho gia đình bạn, cho con cái bạn, trong thế gian, cho bạn bè, trong hoàn cảnh của bạn, ngay tại chỗ làm của bạn, ngay trong chính quyền sở tại của bạn … không? Một điều chắc chắn: Vô vọng và tiêu cực sẽ không bao giờ cải thiện bất cứ điều gì, nhưng hy vọng và đức tin nơi Chúa thì có khả năng mang lại nhiều điều, vậy thì tại sao chúng ta lại không muốn thử?

Một lời dối trá trắng trợn mà kẻ thù sẽ nói với bạn để ngăn bạn không sống trong quyền năng của hy vọng là bạn không xứng đáng. Ngươi không xứng đáng cầu xin thêm từ Chúa. Ngươi không xứng đáng tin điều tốt nhất của Ngài. Ngươi không xứng đáng vui hưởng cuộc sống của mình, bởi vì ngươi đã phạm rất nhiều lỗi lầm. Thế gian, xác thịt và ma quỷ sẽ nhắc bạn về những lỗi lầm và thất bại của bạn, những tội lỗi và thiếu sót của bạn, và sự định tội sẽ cố ngăn bạn đến với Chúa bằng một tấm lòng hy vọng.

Sự thật là thế này: bạn không xứng đáng nhận hy vọng…tôi cũng không. Tất cả chúng ta đều sai trật rất nhiều lần, và nếu hy vọng phụ thuộc vào công bình riêng của chúng ta, thì chúng ta không thể có được hy vọng. Nhưng quyền năng của Phúc Âm là khi Chúa nhìn chúng ta, Ngài không nhìn những nỗ lực không thành của chúng ta để có được sự công chính, mà Ngài nhìn thấy công việc trọn vẹn của sự công chính của Chúa Giê-su. Khi chúng ta còn sống trong tội lỗi, bị tan nát và xa cách Chúa, thì Chúa Giê-su đến và trả giá cho chúng ta. Sự chết của Ngài trả giá cho mọi tội lỗi, mọi lỗi lầm, mọi thất bại và mọi thiếu sót của chúng ta. Chúng ta không đời nào có thể đạt được bất cứ điều nào Chúa đã ban cho chúng ta, nhưng Chúa biết điều đó, nên Ngài không bảo chúng ta hãy làm thế. Chúng ta đã được ban cho hy vọng, không phải vì chúng ta trả giá để có hy vọng, nhưng vì Chúa Giê-su đã trả giá. Và giá mà Ngài trả không chỉ là đủ mà thôi.

Hy Vọng Mang Lại:

Sự vơi đi khỏi áp lực

Thay đổi tích cực trong tâm trạng Sự vơi đi nỗi buồn

Ước muốn mơ tiếp

Lời hứa về những ngày tốt đẹp phía trước Sự mềm mại cho tấm lòng cứng cỏi

Một tâm linh tươi mới

Động lực để hướng đến các mục tiêu Năng lượng cho linh hồn

Bình tĩnh cho tâm trí và cảm xúc Tự do khỏi lo lắng

Tự do khỏi sợ hãi

Niềm vui trong cuộc sống Kiên nhẫn khi đợi chờ Tự tin để không bỏ cuộc

Niềm tin rằng mọi thứ và mọi người có thể thay đổi Lời nhắc nhở rằng Chúa đang kiểm soát

Niềm phấn khởi về tương lai phía trước

Lòng tự tin rằng không bao giờ là quá trễ để làm lại cuộc đời.

Nhận thức rằng bạn không cô đơn

Đây chỉ là một phần nhỏ trong số những gì hy vọng có thể mang lại, nhưng thành thật mà nói, dù bạn sống với hy vọng mà không có điều nào trên đây xảy ra, thì hy vọng vẫn đáng để chúng ta có vì bạn sẽ hạnh phúc hơn khi có hy vọng hơn là không có.

Hãy Tiến Lên Và Thắp Sáng Hy Vọng!

Hy vọng không có giới hạn hay lằn ranh. Bạn càng tin, Chúa càng vui lòng. Nhưng nhớ rằng – hy vọng mạnh mẽ như Đấng ban hy vọng. Nếu hy vọng của bạn nơi con người, nơi công việc, hay nơi sức mạnh và khả năng riêng của bạn, bạn sẽ thấy mình bất hạnh và thất vọng. Tất cả những thứ đó đều có những giới hạn, nhưng Chúa thì không – hãy để Ngài làm nguồn hy vọng của bạn. Hãy sống mỗi ngày hát bài thánh ca (Thánh Ca số 266) được Edward Mote viết năm 1834.

Hồn tôi chỉ quyết neo luôn trong nơi

Công nghĩa với huyết Jêsus mà thôi

Thật tôi không dám ỷ sở năng tôi

Duy đứng vững chắc trên Jêsus thôi.

Nương trên Jêsus như tảng đá khối

Các chỗ đứng khác dường cát lún thôi

Thật bao nơi kia giống như sa bồi.

Dầu khi bóng tối khuất lấp

Thiên nhan Tôi quyết đứng vững trên ơn

Ngài ban Dầu gặp giông tố phong ba kinh thiên

Tôi quyết nắm chắc lấy neo bình yên.

Nhờ giao ước với huyết báu tuôn rơi

Tôi đứng vững giữa cơn ba đào sôi

Trời kia tuy cuốn, đất kia tiêu tan

Tôi núp bóng Chúa luôn luôn bình an.

Kìa khi Chúa đến với tiếng loa vang

Tôi sẽ đứng với Chúa trong hào quang

Mình tôi khoác áo trắng Chúa ban cho

Đứng trước Đấng Thánh tôi không sợ lo.

Hãy tiến lên và thắp sáng hy vọng của bạn! Không có lý do gì để không hy vọng. Hãy cùng với hàng triệu người khác đã bước vào hy vọng qua nhiều thế kỷ và họ đã không hề hối tiếc một khi họ đã làm vậy.