CHƯƠNG 2: Theo Người Lãnh Đạo

Thắp Sáng Hy Vọng

Đăng vào: 5 tháng trước

.

CHƯƠNG 2

Theo Người Lãnh Đạo

Tôi ở gần Ngài, tay phải Ngài nâng đỡ tôi.

Thi Thiên 63:8

“Hy vọng là một lời mà Chúa đã viết lên trán của mỗi người”

—Victor Hugo, Les Misérables

Trong tất cả các trò chơi vượt thời gian mà trẻ em hay chơi, trò đi “theo người lãnh đạo” có lẽ là phổ biến nhất. Dù đó là ở trường mẫu giáo, tiểu học hay chỉ là cùng chơi với bạn bè trong công viên, một lúc nào đó các em xếp thành một hàng gồm các bạn đồng trang lứa làm một việc là đi theo người lãnh đạo. Bạn có nhớ là mình đã từng chơi không? Bạn có nhớ sự thử thách khi phải đi theo dấu chân của người phía trước bạn, ngay cả khi chính họ cũng đi theo dấu chân của người trước họ? Chui qua hầm, đi ngang qua các cửa, leo lên cầu thang, đi xuống dốc. Bạn đi vòng khắp cả sân.

Một trong những điều tôi nhớ nhất về trò chơi “theo người lãnh đạo” nằm ở chỗ sự hứng thú của trò chơi liên hệ trực tiếp vào khả năng của người lãnh đạo. Nếu chúng tôi có một người lãnh đạo khá chậm chạp, không có sự sáng tạo, hay khả năng định hướng kém, thì trò chơi sẽ gián đoạn ngay – mấy đứa trẻ sẽ mất hứng thú và đi tìm trò khác chơi. Tương tự, nếu người lãnh đạo quá nhanh, quá múa máy, hay hách dịch và đòi hỏi thì trò chơi sẽ không kéo dài lâu bởi vì không có ai theo kịp. Để trò chơi thành công, chúng ta phải có người lãnh đạo đúng – người lãnh đạo di chuyển với tốc độ hoàn hảo, giữ cho trò chơi được hứng khởi, và đưa chúng ta đến nơi chúng ta muốn đi.

Sự lãnh đạo là chìa khóa. Đây là một sự thật được nhấn mạnh suốt cả thời thơ ấu, bước vào tuổi vị thành niên, và thậm chí khi chúng ta bước vào “thế giới người lớn.” Nếu bạn có một huấn luyện viên có sự hiểu biết, thì bạn sẽ có một đội khá thành công. Nếu bạn đủ may mắn có được một người thầy đầy cảm hứng và thúc đẩy, thì bạn sẽ học được về một chủ đề nào đó nhiều thứ hơn là không có thầy. Nếu ông chủ của bạn thách thức bạn trở thành người tốt nhất và đặt để bạn ở một vị trí để thành công, thì có lẽ bạn sẽ thích công việc và làm tốt công việc được giao. Bạn tận hưởng một kinh nghiệm được bao nhiêu và mức độ thành công mà bạn đạt được đều có liên hệ trực tiếp đến người mà bạn chọn đi theo.

Những nguyên tắc này đúng ở sân chơi, ở sân bóng, trong phòng học, và ở bàn hội nghị thì cũng đúng trong các lĩnh vực thầm kín khác trong cuộc đời bạn – lãnh đạo vẫn là chìa khóa. Bạn chọn theo ai hay điều gì sẽ quyết định mức độ bạn tận hưởng cuộc sống của mình. Nhưng tôi không nói đến việc đi theo một ông chủ, một người thầy hay theo bậc cha mẹ; tôi đang nói đến một quyết định lớn hơn: chọn đi theo Chúa và kế hoạch của Ngài cho cuộc đời bạn.

Nếu bạn sống theo chương trình riêng của mình – cố tìm ra mọi vấn đề, cố làm theo kế hoạch của riêng bạn – thì cơ may là bạn sẽ khốn khổ và bất hạnh.

Không phải vì kế hoạch của bạn vốn là xấu, nhưng vấn đề là kế hoạch của Chúa vẫn là tốt hơn vô vàn.

Mỗi lần bạn an phận với kế hoạch của mình thay vì đầu phục kế hoạch của Chúa là bạn phận an với điều thứ yếu. Ngoài ra, bạn phải dồn hết nỗ lực và căng thẳng để ép mình thực hiện kế hoạch của bạn. Ngay khi bạn gặp phải một trở ngại -trường học từ chối đơn xin việc của bạn, nỗ lực làm ăn thất bại, người mà bạn hy vọng cưới bỏ bạn, nhà thì không bán được – áp lực chồng chất vì bạn cảm thấy phải dùng sức mình để giải quyết nan đề. Nếu bạn là lãnh đạo, rất dễ đánh mất hy vọng, vì bạn biết rõ những thiếu sót, những thất bại và những giới hạn của mình.

Nhưng nếu bạn muốn sống một cuộc đời tràn đầy hy vọng, điều hay nhất bạn có thể làm là trao vai trò lãnh đạo cho Chúa. Hãy để Ngài làm người lãnh đạo, và quyết định theo Ngài bằng cả tấm lòng, tin rằng Ngài có một kế hoạch lớn lao và Ngài sẽ làm trọn kế hoạch đó. Hãy ngừng đọc một lát và tự hỏi bản thân: Mình có thật sự theo Chúa quyết liệt không hay mình đang bắt Chúa theo mình? Trong Chúa, bạn tìm thấy một người lãnh đạo di chuyển ở một tốc độ hoàn hảo và giữ mọi sự luôn hấp dẫn, và dầu Ngài có thể đưa bạn đến một số nơi mà bạn không dám đến, thì một cách siêu nhiên cuối cùng bạn cũng đến đúng nơi, đúng thời điểm. Việc chờ đợi Chúa không có nghĩa bạn chỉ ngồi đó mà không làm gì hết. Thật ra, ngược lại mới đúng. Bạn vẫn lên kế hoạch cho tương lai, và bạn vẫn làm việc siêng năng để hoàn thành công việc phía trước bạn, nhưng bạn làm những việc này sau khi bạn để thì giờ với Chúa, xin Ngài hướng dẫn. Và khi bạn lên kế hoạch, bạn không nên bám chặt nó. Bạn trải qua mỗi ngày với thái độ như vầy Chúa ơi, con tin Ngài có một kế hoạch cho cuộc đời con. Hãy chỉ cho con hướng nào mà Ngài muốn con đi. Hãy đóng cánh cửa nào không nằm trong kế hoạch của Ngài và mở mọi cánh cửa cơ hội nào Ngài muốn con bước vào. Hãy hướng dẫn con hôm nay và mỗi ngày.

Khi mọi thứ gặp trục trặc và hoàn cảnh trở nên khó khăn, người nào đi theo sự dẫn dắt của Chúa sẽ không hoảng sợ. Họ tin rằng Ngài sẽ dùng bất kỳ hoàn cảnh – thuận hay nghịch – để thực hiện kế hoạch và mục đích của Ngài. Chúng ta ai cũng phạm lỗi lầm và chúng ta học rất nhiều bài học, nhưng nếu chúng ta cứ tràn đầy hy vọng, chúng ta có thể tận hưởng hành trình. Có thể chúng ta sẽ phải rẽ sang hướng khác mà chúng ta không dự định. Nhưng cuối cùng kế hoạch của Chúa sẽ thắng cuộc.

Tin Cậy Chúa, Không Tin Bản Thân

Rất dễ để có mong đợi lớn lao cho sự tăng trưởng thuộc linh, cho hôn nhân, cho sức khỏe, cho con cái, cho các mối quan hệ, cho công việc và cho tài chính của bạn khi bạn để Chúa làm người lãnh đạo và tin rằng Ngài có một kế hoạch lớn lao cho cuộc đời bạn. Tin rằng Chúa có một mục đích cho cuộc đời bạn, và chọn đi theo sự hướng dẫn của Ngài để nhìn thấy mục đích đó được hoàn thành là một sự thực hành đức tin trọn vẹn.

Việc này giống “trò chơi thả mình té và tin có người đỡ,” có lẽ bạn thấy người ta chơi đâu đó. Trong trò chơi này, một người cho phép mình té, ngã người ra sau mà không có lưới để đỡ và không có đệm lót dưới, lúc đó có một người khác đứng phía sau và hứa sẽ đỡ lấy người té trước khi người đó chạm đất.

Khi bạn nói, “Chúa ơi, con chọn đi theo sự dẫn dắt của Ngài. Con tin kế hoạch của Ngài là hoàn toàn tốt hơn kế hoạch của con,” thì cũng giống như tin ai đó sẽ đỡ lấy bạn. Nhưng có một sự khác biệt lớn:

Chúa không chỉ đỡ bạn; Ngài đỡ lấy bạn và sau đó đem bạn lên cao hơn chỗ hiện tại của bạn.

Học tin cậy Chúa hoàn toàn là điều tôi phải học qua nhiều năm tháng và vẫn đang học hỏi mỗi ngày. Trước đây tôi có thói quen chỉ tin tưởng bản thân. Tôi đã hình thành thói quen này sau nhiều năm cố gắng tin tưởng con người, kết thúc chỉ là sự thất vọng và tổn thương. Sau đó tôi quyết định không bao giờ tin tưởng ai nữa. Những kinh nghiệm đau đớn này đã khiến tôi tin rằng Nếu bạn muốn một điều gì đó được thực hiện đúng, chính bạn phải làm. Nếu bạn không nhờ ai bất cứ chuyện gì hay không mở lòng ra với họ thì họ không thể làm bạn thương tổn. Nhưng lối suy nghĩ này không lành mạnh, nó không chỉ ngăn tôi không tin cậy người khác mà còn gây ra nan đề lớn hơn – nó ngăn trở tôi tin cậy Chúa. Đó là một thói quen xấu mà tôi cần Chúa giúp để bỏ nó.

Lời Chúa nói rất rõ về việc tin cậy Chúa thay vì tin cậy bản thân. Châm Ngôn 3: 5–6 nói:

Hãy hết lòng nhờ cậy Chúa. Đừng ỷ lại vào sự hiểu biết riêng của con. Trong mọi việc làm hãy nhớ đến Chúa, thì Ngài sẽ giúp con đi đúng lối.

“Tin cậy” Chúa đơn giản là tin Ngài yêu thương bạn, Ngài là tốt lành, Ngài có quyền năng để giúp bạn, Ngài muốn giúp đỡ bạn, và Ngài sẽ giúp đỡ bạn. Nhiều lúc chúng ta tin cậy mọi người ngoại trừ Chúa, hay chúng ta tin cậy mọi người trước khi chúng ta tin cậy Chúa. Chúng ta tin cậy bạn bè, ngân hàng, thị trường chứng khoán, lãnh đạo hay tài năng riêng hơn là tin cậy Chúa và Lời Ngài. Bạn đã bao giờ nghe ai đó nói, “Mọi thứ tôi biết thì tôi đã làm rồi, nhưng chẳng điều nào hiệu quả; tôi e là giờ tôi không thể làm gì được nữa ngoài việc phải cầu nguyện?

Hầu hết chúng ta đã nói điều đó, và đó là một câu nói thật tình. Một cách nói khác là “Tôi đã cố giúp bản thân và thất bại, tôi đã thử nhờ những người khác nhưng cũng thất bại, chẳng có việc nào tôi làm kết quả, nên tôi đoán tôi không còn ai ngoài trừ thử tin cậy Chúa!”

Cầu nguyện phải là tuyến phòng thủ của chúng ta trong bất kỳ trận chiến thuộc linh nào, chứ không phải nỗ lực cuối cùng sau khi mọi chuyện đã thất bại. Chúa muốn chúng ta để Ngài làm đầu trong đời sống chúng ta. Ngài muốn chúng ta đặt lòng tin nơi Ngài…trong mọi lúc… về mọi sự.

Ngài muốn chúng ta hy vọng nơi Ngài, có đức tin nơi Ngài, bởi vì khi chúng ta làm thế, chúng ta sẽ không sống cuộc đời thất vọng, không kết quả. Ngài sẽ dẫn dắt chúng ta vào cuộc sống đắc thắng, dư dật, tràn đầy niềm vui mà Chúa Giê-su chịu chết để ban cho chúng ta. Có nhớ một bài hát rất hay có lời, “Không hy vọng gì khác hơn là hy vọng nơi Chúa Cứu Thế Giê-su, Đấng công chính của tôi” không? Hãy đặt tất cả hy vọng nơi Chúa và sẵn sàng cho chuyến hành trình thú vị và hấp dẫn nhất mà bạn có thể tưởng tượng.

Cách Để Đi Theo Sự Dẫn Dắt Của Chúa

Nếu bạn quyết định đi theo người Lãnh Đạo (Chúa Giê- su), thì Rô-ma 8:1 nói rằng, là tín hữu, chúng ta có thể “sống và bước đi không theo sự xui khiến của xác thịt, mà theo sự chỉ bảo của Thánh Linh.” Một trong những cách bạn có thể biết là bạn có đang đi theo xác thịt (kế hoạch riêng của bạn) thay vì Thánh Linh (kế hoạch của Chúa) là bạn không có bình an và đang tranh chiến. Nếu bạn suy nghĩ muốn làm điều gì đó mà không có bình an, thì đừng có làm.

Ví dụ: Có thể bạn đang tìm việc, nhưng công việc duy nhất bạn được thuê đúng chuyên ngành của bạn là phải đi lại khắp cả nước. Nhưng nếu bạn chưa cầu nguyện về điều đó, và bạn đưa ra quyết định mà không hỏi Chúa, tự thuyết phục mình rằng bạn sẽ phải đi lại nhiều bởi đây công việc duy nhất mà người ta thuê bạn, có thể là bạn “rước họa vào thân” vào những năm sau đó. Nếu cả gia đình bạn không muốn đi thì quyết định của bạn sẽ gây ra xung đột và bất ổn. Lúc đó bạn nên chờ đợi và tìm kiếm Chúa để có sự chỉ dẫn rõ ràng hơn.

Vấn đề nằm chỗ này: Nếu tâm trí bạn lo lắng và bạn không có bình an, và quyết định của bạn gây ra rắc rối, thì đừng làm việc này! Rất thường chúng ta cố thuyết phục mình để làm việc nào đó mà không có chút bình an thì đó là “rước họa” vào. Trong ví dụ ở trên, lý trí bạn sẽ nói như vầy: “Phải, mình không muốn đi lại nhiều và gia đình mình phản đối việc này, và đây không phải công việc mình tìm, những có lẽ cũng ổn thôi. Nhưng đây là công việc tốt nhất mà người ta thuê mình. Mình chán ngáy việc chờ đợi rồi.” Hãy cẩn thận với kiểu lý luận này, và dù bạn cảm thấy không còn kiên nhẫn nữa, nếu bạn không có bình an về việc phải di chuyển, thì bạn thà chờ đợi cho đến khi Chúa đem đến cho bạn một cơ hội tốt hơn.

Tôi hiểu bạn cần tài chính để lo cho gia đình và bản thân, nhưng tốt hơn rất nhiều nếu bạn làm một công việc nào đó gần nhà đang khi chờ một công việc hoàn hảo hơn là đi lại khắp nơi mà không có bình an. Hãy để bình an làm trọng tài trong cuộc đời bạn, chấm dứt mọi thắc mắc nổi lên trong đầu bạn (xem Cô-lô-se 3:15).

Dù bạn đang ở trong hoàn cảnh nào đi nữa, nguyên tắc này vẫn đúng. Dù đó là việc tìm vợ/chồng, chọn hội thánh, quyết định mua hàng, đặt ra những giới hạn lành mạnh trong mối quan hệ, danh sách còn nữa. Hãy luôn luôn biến việc đi theo sự khôn ngoan và bình an của Chúa thành mục tiêu của bạn.

Khi bạn không chắc nên quyết định thế nào – khi bạn không chắc là bạn đang đi theo những ước muốn riêng hay theo sự hướng dẫn của Chúa – thì hãy trông chờ vào trọng tài. Hãy để sự bình an cầm còi! Ngay cả khi bạn đã quyết định đi theo sự hướng dẫn của Chúa trong cuộc đời bạn, sẽ có những lúc bạn phạm lỗi lầm. Khi điều đó xảy ra thì đừng nản lòng; đó là một phần trong sự học hỏi! Các môn đồ đã phạm lỗi lầm khi họ đi theo Chúa Giê-su. Thậm chí bạn không cần phải xấu hổ để rồi phải bỏ cuộc không làm điều gì đó mà bạn nghĩ đó là Chúa, dù trước đây bạn không nhận ra nó. Bạn chỉ cần nói, “Tôi đã sai lầm,” và tiếp tục. Tôi đã nhỡ mất kế hoạch toàn hảo của Chúa rất nhiều lần, và bạn cũng sẽ như thế. Thật ra, đó là một trong những cách chúng ta học cách lắng nghe Chúa cách chính xác hơn. Đôi lúc bạn cần bước ra và thử làm điều gì đó để tìm hiểu xem liệu có thật sự đó là Chúa hay không. Nếu bạn đã làm hết mọi sự bạn có thể để khám phá ý muốn của Chúa trong hoàn cảnh của bạn và bạn không có chỉ dẫn rõ ràng, thì hãy làm điều gì có trong lòng bạn và tin rằng Chúa sẽ dẫn dắt bạn khi bạn tiến hành. Tôi thường nói rằng không ai lái được chiếc xe đang đậu, cả Chúa cũng không. Nếu cuộc đời chúng ta đang dậm chân, chúng ta cần cho nó chạy và ít ra di chuyển theo hướng nào đó. Thường chúng ta chỉ phát hiện ra khi chúng ta bước ra!

Chúa ở Với Bạn và Ngài Đang Dẫn Dắt Mọi Bước Đường

Vì là một tín hữu, tốt là chúng ta nên biết chúng ta không bao giờ cô đơn. Hãy để tôi nói cách rõ hơn: Bạn không bao giờ cô đơn. Chúa không dẫn dắt bạn từ xa; Ngài đang sống trong lòng bạn và bước đi với bạn từng bước, dù bạn có trải qua chuyện gì đi chăng nữa. Dù dường như không có ai đứng với bạn, và có thể bạn cảm thấy cô đơn khi bạn trải qua thời điểm khó khăn, hãy đặt hy vọng nơi Chúa, vì Ngài hứa ở với bạn và hướng dẫn bạn.

Khi chúng ta đối diện với những sự khó khăn trong đời, và đôi lúc tất cả chúng ta đều trải qua, thì ma quỷ muốn chúng ta tuyệt vọng, chứ không phải hy vọng. Nó sẽ cố khiến bạn tập chú vào nan đề thay vì vào Chúa Giê-su và nhiều lời hứa của Ngài. Đang khi Giô-suê đi qua đồng vắng, Chúa bảo ông hãy chăm xem các lời hứa, chớ xoay khỏi lời hứa và đừng quay bên hữu hay bên tả, để ông được thịnh vượng trong tất cả các đường lối mình (xem Giô-suê 1:4-7). Khi nan đề đến, đừng để những sự bận tâm và lo lắng của thế gian làm cho bạn tuyệt vọng. Hãy trở thành tù nhân của hy vọng và nhận gấp đôi phần thưởng từ Chúa.

Hỡi những kẻ tù có trông cậy, các ngươi khá trở về nơi đồn lũy, chính ngày nay ta rao rằng sẽ báo trả cho ngươi gấp hai.

Xa-cha-ri 9:12

Mới đây tôi có đọc về một người đang học lái máy bay. Trong một bài học, giáo viên bảo anh ta lái máy bay vào sườn dốc và tăng tốc. Người học trò đã làm theo lời giáo viên, nhưng anh ta không được chuẩn bị cho điều tiếp theo. Không lâu sau khi anh ta bắt đầu đâm đầu máy bay xuống, thì động cơ gặp trục trặc và máy bay bắt đầu mất kiểm soát. Với ánh mắt hoảng sợ, người học viên trông chờ giáo viên giúp, nhưng giáo viên không nói lời nào. Người học viên nhanh chóng lấy lại bình tĩnh và chỉnh lại máy bay theo như anh đã được huấn luyện – sự huấn luyện đã được thử lửa lần đầu.

Sau khi máy bay được làm cho thăng bằng và được an toàn để bay lại, người học viên quay qua phía giáo viên và bắt đầu tỏ vẻ sợ hãi và thất vọng. Như thể người giáo viên đã biến mất lúc anh cần, và học viên của anh ta không vui về chuyện này. Sau khi nghe sự tức giận từ người học viên, người giáo viên dạy bay điềm tỉnh trả lời, “Dù anh có lái máy bay ở tọa độ nào đi nữa, tôi đều có thể giúp anh bay ra khỏi đó. Nếu anh muốn học bay, hãy bay lên và bay lại lần nữa. Dù người học viên đã trải qua một thử thách về bay, và dù anh ta cảm thấy cô đơn trong những giây phút kinh hoàng, giáo viên luôn có mặt ở đó suốt thời gian này. Giáo viên sẽ không để điều gì xảy ra với người học viên của mình. Thật ra, anh ta đang sử dụng nghịch cảnh để dạy dỗ và trang bị cho học viên của mình kỹ năng cần có trong tương lai.

Tôi chia sẻ câu chuyện đó với bạn bởi vì sẽ có những lúc trong cuộc đời khi bạn cảm thấy như thể bạn đang lao dốc, những lúc dường như động cơ của bạn bị trục trặc và bạn mất kiểm soát. Hôn nhân đổ vỡ, giấc mộng tan tành, phát hiện căn bệnh, con cái sai trật, lòng tin mất đi, việc làm không còn. Trong những lúc khó khăn như thế, cảm thấy hoảng sợ và thắc mắc mình sẽ rất cô đơn là điều tự nhiên. Nhưng chỉ vì bạn cảm thấy cô đơn, sợ hãi, bị bỏ rơi trong thoáng chốc không có nghĩa là bạn phải như thế. Chúa ở ngay đó với bạn; Ngài không bỏ bạn.

Phục Truyền 31:8 nói Chúa “sẽ không bao giờ lìa bạn, không bao giờ bỏ bạn,” và trong Ma-thi-ơ 28:20, Chúa Giê- su hứa, “Ta luôn ở với các ngươi.” Đây chỉ là hai trong số nhiều lần trong Lời Chúa mà Chúa đảm bảo với bạn rằng Ngài sẽ không bao giờ để bạn đi qua những sự khó khăn một mình. Cả trong những ngày khó khăn nhất của bạn, ngay cả giữa những hoàn cảnh thử thách nhất, hãy biết rằng bạn không cô đơn.

Hãy Thắp Sáng Hy Vọng!

Bạn đam mê điều gì nhất? Điều nào khiến bạn hứng khởi dù bạn mới chỉ nghĩ về nó thôi? Thành lập một tổ chức phi lợi nhuận? Làm tình nguyện trong cộng đồng của bạn? Xây dựng một công ty? Xây dựng mái ấm? Nhận được bằng cấp? Nhiều lúc những ước ao của lòng bạn quá mạnh mẽ bởi vì Chúa là Đấng đặt nó trong lòng bạn. Dù bạn đang hy vọng điều gì, hãy trình dâng điều đó cho Chúa, xin Ngài chỉ dẫn, và nếu bạn thấy bình an, thì hãy thực hiện các bước để biến nó thành hiện thực. Theo Chúa không phải là ngồi đó chờ thời, mà là can đảm tiến bước. Hãy bước tới và thắp sáng hy vọng của bạn…Chúa sẽ dẫn dắt bạn đến một điều gì đó tốt hơn là bạn tưởng tượng.