Đăng vào: 11 tháng trước
CHƯƠNG 11
Tù Nhân Hy Vọng
Các tù nhân ngươi có hi vọng, và sẽ an toàn trở về nơi ngươi. Hôm nay ta bảo ngươi rằng, Ta sẽ trở lại cùng ngươi.
Xachari 9:12
“Hy vọng là giấc mơ của người còn thức.”
–Aristotle
Có một câu chuyện kể liên quan đến một hệ thống trường học tại một thành phố lớn, soạn ra một chương trình đặc biệt nhằm giúp các học sinh theo kịp bài tập suốt thời gian dài lưu trú tại bệnh viện thành phố. Ngày nọ một giáo viên làm việc trong chương trình này nhận được cú điện thoại, bảo cô giao bài tập về nhà cho một đứa trẻ nọ. Cô này nói ngắn gọn với giáo viên của đứa bé, ghi tên và số phòng của đứa bé. Giáo viên đứng lớp giải thích, “Hiện tại trong lớp của cậu học sinh đang học danh từ và trạng từ.” “Tôi rất biết ơn nếu cô có thể giúp cậu ta hiểu được những khái niệm này để cậu không bị rớt lại qúa xa.”
Người giáo viên giám sát chương trình của bệnh viện đã tới thăm cậu vào chiều hôm đó. Tuy nhiên, khi đưa bài tập, không có ai nghĩ là phải cho cô giáo này biết là cậu bé đã bị bỏng nặng và mức độ đau đớn cậu đang đối diện là lớn thế nào. Vẻ mặt bực bội trên khuôn mặt cậu bé đang đau đớn, người giáo viên lắp bắp nói, “Trường em đã gửi cô đến đây để giúp em học danh từ và trạng từ.” Đêm đó khi cô rời bệnh viện, cô cảm thấy mình không dạy được bao nhiêu.
Nhưng hôm sau, khi cô trở lại bệnh viện, người y tá chạy đến cô và hỏi, “Cô đã làm gì với đứa bé vậy?” Cảm giác như cô đã làm điều gì sai, cô giáo bắt đầu xin lỗi. Người y tá đang hứng khởi, nói, “Không, không, cô không hiểu ý tôi, chúng tôi đã lo lắng cho cậu bé đó, nhưng từ ngày hôm qua, toàn bộ thái độ của nó đã thay đổi. Cháu chống chọi lại bệnh tật và đáp ứng với sự điều trị. Như thể là cậu quyết định sống.”
Hai tuần sau, cậu bé giải thích chuyện xảy ra. Trước khi giáo viên được chỉ định thăm bệnh viện đến, cậu mất hết hy vọng. Nhưng mọi sự đã thay đổi khi cô xuất hiện trong phòng bệnh viện. Cậu nhận biết một điều đơn giản, và cậu giải thích thế này, “Người ta sẽ không gửi giáo viên dạy danh từ và trạng từ đến với một cậu bé sắp chết phải không nào?”
Sức mạnh của hy vọng thật lạ lùng. Bị giam hãm trong bệnh viện, bị bệnh tật vây quanh, bị thất vọng, nghe tin xấu, cậu bé muốn bỏ cuộc. Nhưng chỉ với một giáo viên với cách thức làm việc hữu ích và một bài tập về nhà cũng đủ đem đến hy vọng để thay đổi cái nhìn của cậu bé về cuộc sống xung quanh và cho cậu lý do để tiếp tục. Nếu một người mà có thể đem nhiều hy vọng như thế, hãy tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra nếu chunh quanh bạn thường xuyên có những người như thế. Chuyện gì xảy ra nếu có 5, 10, hay 20 người như thế?
Hãy nghĩ cuộc đời bạn sẽ như thế nào. Sự thật thì bạn sẽ bị ảnh hưởng và tác động sâu sắc bởi những điều xung quanh. Nếu bạn lấp đầy cuộc đời mình bằng những con người, sự kiện và hoạt động nuôi dưỡng hy vọng, thì bạn sẽ tràn đầy hy vọng và lạc quan. Nhưng nếu bạn lấp đầy cuộc đời mình bằng những con người không có hy vọng và chọn tham gia vào những hoạt động gây nản lòng và tiêu cực, bạn sẽ thất vọng và đau khổ đều đều. Tất cả đều nằm ở chỗ là mỗi ngày bạn vây quanh mình những điều gì.
Điều này không có nghĩa chúng ta có thể tránh tất cả những tiêu cực trong cuộc sống. Một số điều quanh chúng ta không do chúng ta chọn, nhưng chúng ta có thể chọn điều nào là tốt nhất.
Hy Vọng Quanh Bạn
Xa-cha-ri 9:12 dùng một cụm từ rất thú vị khi nói về mối quan hệ của chúng ta với hy vọng. Trong câu Kinh Thánh này, Chúa nói dân sự của Ngài là “tù nhân hy vọng.” Ngài phán, “Các tù nhân ngươi có hi vọng, và sẽ an toàn trở về nơi ngươi. Hôm nay ta bảo ngươi rằng, ta sẽ trở lại cùng ngươi.”
Tôi thích lối mô tả này- “tù nhân hy vọng.” Hãy nghĩ về ý này. Nếu bạn là tù nhân hy vọng, thì bạn không có chọn lựa về chuyện này: bạn không thể tiêu cực, không thể lo lắng, không thể tuyệt vọng. Khi có những lúc khó khăn, và khi bạn đối diện với thất vọng, thì hy vọng quanh bạn sẽ khiến bạn đứng lên trong đức tin. Mọi thứ quanh bạn đều nói với bạn rằng Chúa đang mở lối, và khi chuyện đó xảy ra thì có điều gì đó khuấy động trong tâm linh bạn. Bạn được dạn dĩ để tin và công bố, “Những điều tốt đẹp sẽ xảy cho tôi và qua tôi.”
Lúc đầu tôi chọn tựa đề cuốn sách này là “tù nhân hy vọng,” nhưng chúng tôi quan ngại, độc giả có thể không hiểu nếu không giải thích, cho nên chúng tôi quyết định lấy tựa Hãy Thắp Sáng Hy Vọng! Tôi thích ý tưởng này: chúng ta tràn đầy hy vọng đến nỗi chúng ta thành tù nhân hy vọng. Bạn có sẵn sàng sống cuộc đời chịu giam trong ngục tù hy vọng không?
Chúa muốn chúng ta được giam trong hy vọng, tin rằng Ngài có thể thay đổi những gì cần thay đổi. Hy vọng của chúng ta nơi Chúa! Ngài có thể làm bất cứ điều gì! Dù chúng ta cảm thấy thế nào hay hoàn cảnh ra sao, chúng ta tin Chúa đang làm việc và chúng ta sẽ thấy những thay đổi tích cực vào đúng thời điểm. Đó là lý do phải quyết định hy vọng và không bỏ cuộc. Khi bạn rơi vào bế tắc – khi sức lực nao núng và giảm sút – câu chuyện vẫn chưa kết thúc đâu. Sức của Chúa không có giới hạn. Sức của Ngài không cạn kiệt. Nếu bạn vững vàng trong hy vọng, bạn không thể nào thua… vì Chúa không thể nào thua. Vì Chúa ở về phía bạn, nên chiến thắng là điều chắc chắn.
Chúa kêu gọi tôi vào chức vụ hầu việc Ngài nhiều năm trước đây, nhưng tôi nói thật với bạn rằng sự thành công không xảy ra tức thì. Cần phải làm việc chăm chỉ, và có nhiều đêm tôi thắc mắc không biết tôi có nghe tiếng Chúa chính xác hay không. Không phải lúc nào người ta cũng đón nhận tôi, có nhiều buổi nhóm tôi thắc mắc không biết người ta có đến dự hay không. Tôi và nhà tôi đã trải qua nhiều, nhiều năm tháng chuẩn bị và tin cậy Chúa xây dựng một chức vụ toàn cầu như bây giờ. Suốt những năm tháng đó, tôi đã bị cám dỗ bỏ cuộc nhiều lần. Nhưng lời chứng của tôi là: Tôi vẫn còn đây!
Dù tôi vẫn có những thắc mắc và nghi ngờ, cả khi tôi nghĩ tôi không đủ sức để tiếp tục, tôi biết Chúa có thể mở lối nơi mà dường như không có lối. Nhà tôi và tôi đặt hy vọng nơi Ngài, và Ngài làm trỗi vượt hơn điều chúng tôi mong đợi.
Nếu bạn quyết định trở thành tù nhân hy vọng – sống vây quanh bởi lòng mong đợi vui vẻ rằng Chúa sẽ làm điều tốt đẹp – thì điều đó có thể xảy ra cho bạn. Dù giấc mơ hay mục tiêu Chúa đặt trong lòng bạn là gì đi nữa, bạn sẽ thấy nó ứng nghiệm. Có thể nó không xảy ra lúc bạn nghĩ nó xảy ra, có thể nó không xảy ra theo cách bạn nghĩ nó xảy ra, nhưng Chúa sẽ làm việc một cách lạ lùng để làm trỗi hơn những mong đợi lớn lao của bạn. Bạn không cần phải làm cho nó xảy ra bởi sức của mình. Điều duy nhất bạn cần làm là kiên nhẫn – đừng bỏ cuộc. Hãy vây quanh bạn bằng niềm hy vọng và quan sát Chúa ban phước cho bạn theo cách mà bạn chưa hề nghĩ ra.
… Chưa ai thấy, chưa ai nghe điều ấy. Chưa ai tưởng tượng được điều Thượng Đế chuẩn bị cho những người yêu mến Ngài.”
1Cô-rinh-tô 2:9
Tôi tin Chúa có nhiều bất ngờ thú vị đang chờ bạn, những điều Ngài chuẩn bị đang chờ bạn. Hãy thắp sáng hy vọng của bạn!
Những Thứ Không Thể Mang Theo
Khi tù nhân bước vào buồng giam, anh ta không thể mang bất cứ hàng lậu nào theo. Không có vật dụng bên ngoài hay vật phi pháp nào được phép đến gần anh ta. Những thứ đó được xem là nguy hiểm và vì thế không được phép. Bạn là một loại tù nhân khác – bạn là tù nhân của hy vọng. Xung quanh bạn không phải là gạch đá và bê tông; Chúa muốn vây quanh bạn bằng sự tốt lành, ân sủng và hy vọng của Ngài. Dù bạn quay qua bên nào, dù bạn nhìn đâu, bạn đều có thể kinh nghiệm vui mừng, bình an, tự tin và phước hạnh của Chúa. Đây là cuộc sống mà Chúa Giê-su chịu chết để ban cho bạn.
Nhưng quan trọng là phải hiểu rằng có một số thứ bạn không thể mang theo khi bạn bước vào môi trường hy vọng bởi vì nó nguy hiểm. Nếu bạn được hy vọng vây quanh, thì đây là một danh sách “hàng lậu” bạn có cơ may phải bỏ lại:
- Những lời tiêu cực
- Lối suy nghĩ nạn nhân
- Sánh mình với người khác
- Cái nhìn chua chát về cuộc sống
- Than phiền và oán trách
- Thái độ tự thương hại
- Thất vọng và nản lòng
Đời sống của tín hữu không cần phải bị áp chế bởi những gánh nặng này của kẻ thù. Bạn không cần phải sống đau buồn và vô vọng. Nhờ Chúa giúp, bạn có thể rũ bỏ mọi lời dối trá gây nản lòng, gây tập chú vào bản thân và gây tiêu cực của kẻ thù mà sống trong môi trường hy vọng. Bạn có thể xây dựng đời mình trên lẽ thật Lời Chúa thay vì trên những lời dối trá của kẻ thù.
Câu Kinh Thánh tôi thường trích là 1Phi-e-rơ 5:7.
Kinh Thánh nói:
Hãy giao mọi lo âu cho Ngài vì Ngài chăm sóc anh chị em.
Chúng ta phải trao lo lắng. Từ này có nghĩa là ném hay quăng! Đây há không phải là một hình ảnh đẹp sao? Chúng ta không chỉ cởi lo lắng ra rồi và đặt nó lên cái ghế cạnh chúng ta, chỗ chúng ta có thể nhặt lại, mà chúng ta còn phải ném nó đi luôn. Chúng ta ném càng xa càng tốt, không bao giờ nhặt lại nữa. Chúng ta trao nó cho Chúa và Ngài chăm sóc chúng ta.
Hãy khước từ những lời dối trá cho rằng Không ai thích tôi. Không ai muốn ăn trưa với tôi. Tôi sẽ không bao giờ hết bệnh này. Tôi sẽ không được thăng tiến tại chỗ làm. Chắc tôi sẽ không bao giờ lập gia đình được. Đừng vây quanh mình bằng những tư tưởng tuyệt vọng này. Hãy quăng mọi lo lắng cho Chúa ngay lúc bạn cảm nhận nó xuất hiện, và rồi mọi thứ trong đời bạn sẽ bắt đầu tiến triển. Bất an và lo lắng đã từng đè nặng bạn thình lình không còn quyền lực trên bạn nữa. Bây giờ bạn có thể kinh nghiệm những gì Chúa Giê-su gọi là «sự nhẹ nhàng, thảnh thơi và tươi mới» cho linh hồn bạn (xem Ma-thi-ơ 11:29).
Vườn Hy Vọng
Tôi đã nói nếu chúng ta sống trong vườn hy vọng, thì sẽ có điều gì đó sẽ nẩy nở. Thường thì có nhiều loại hoa khác nhau được trồng trong vườn, và luôn luôn có mầm sống mới mọc lên. Hoa này tàn thì hoa kia nở. Người chủ vườn không bao giờ thiếu hoa trong đời. Tại nhà chúng tôi có ba khóm hoa khác nhau. Một khóm hoa nở lúc đầu xuân, khóm kia nở lúc cuối xuân và khóm còn lại nở vào đầu mùa hè. Lúc nào chúng tôi cũng có hoa.
Tôi nhận ra rằng tôi sẽ không tận hưởng những bông hoa, dù là có bao nhiêu đi nữa, nếu tôi không để thời gian chiêm ngưỡng nó. Tương tự, chúng ta cần luôn để thời gian nhìn những điều tốt đẹp đang xảy ra quanh chúng ta. Truyền thông đại chúng tường thuật mọi tin tức xấu đang xảy ra trên thế giới, nhưng vẫn có nhiều điều tốt đẹp quanh chúng ta nếu chúng ta chủ định tìm kiếm nó.
Có lúc chúng ta quá bận rộn giải quyết nan đề của mình nên không để thời gian tìm kiếm điều tốt đẹp trong cuộc sống. Tôi nghĩ điều quan trọng mà chúng ta cần làm những gì mà khủng hoảng và khó khăn đòi hỏi, nhưng cũng để thời gian nhìn thấy điều tốt đẹp trong cuộc sống. Chúng ta có thể nói những điều tốt đẹp là đối trọng với những khó khăn. Giống như thêm nêm muối, nêm tiêu cho thức ăn vậy. Chúng ta sẽ tìm thấy sức mạnh nhiều hơn để đối diện với những thử thách khi chúng ta để thời gian nhìn xem những gì nở rộ mỗi ngày trong khu vườn hy vọng.
Tôi quyết định ngừng viết vài phút và xem thử điều gì nở rộ trong khu vườn của tôi hôm nay. Tôi thấy tôi cảm thấy thật sự khỏe, tôi nhớ tối qua tôi đã ngủ rất ngon, hôm nay mặt trời mọc, tôi đã nói chuyện với ba trong bốn người con của tôi và bây giờ mới 10h30 sáng, và sáng nay chồng tôi đã ôm tôi. Tuy nhiên, một đứa cháu của tôi gặp khó khăn, một người bạn thân của tôi bị ung thư, tôi có rất nhiều công việc để làm tuần này, và điện thoại của tôi thì bị hư. Nếu chúng ta luôn để thời gian nhìn những gì đang nở rộ trong khu vườn hy vọng của chúng ta thì không có chuyện nào gọi là “nan đề” mà chúng ta không thể vui vẻ giải quyết được.
Có lẽ bạn không để ý điều đó, nhưng tôi cảm thấy chắc chắn có điều gì đó đang nở rộ trong cuộc đời bạn. Tôi khích lệ bạn để thời gian phát hiện ra nó.
Cải Thiện Môi Trường Của Bạn
Đôi lúc chúng ta phải tranh đấu để có hy vọng. Chúng ta phải gác qua tiếng nói của thế gian cố nhấn chìm hy vọng. Điều quan trọng là quanh chúng ta phải là những con người không tiêu cực và ám thế. Ít nhất thì chúng ta cần một số người có hy vọng và những người lan truyền hy vọng. Khi bị tổn thương hay xử lí những nỗi đau rất dễ chúng ta bám lấy ai đó để chúng ta kể lể những nan đề của chúng ta. Chia sẻ nỗi đau với bạn bè hay nhờ cầu nguyện thì không có gì sai cả, nhưng chúng ta không nên chọn những người mà bản thân họ không có chút hy vọng gì. Có lẽ bạn kể với một người bạn tiêu cực về rắc rối của bạn, thì cô ta sẽ nói, “Rắc rối của tôi còn rối rắm hơn rắc rối của bạn.” Bạn biết tôi đang nói đến hạng người nào rồi. Tôi muốn khích lệ bạn cải thiện môi trường quanh bạn hôm nay. Hãy dập tắt những tiếng nói tiêu cực và thay vào đó hãy vây quanh mình bằng hy vọng. Xin Chúa đem ai đó đến khích lệ bạn thường xuyên hơn. Thay vì chơi với những người cứ nhắc lại nan đề của bạn, hãy tìm người nào nói với bạn là bạn sẽ vượt qua và Chúa ở về phía bạn. Rất dễ biện hộ cho nỗi tuyệt vọng của chúng ta bằng cách nói, “Quanh tôi có quá nhiều người tiêu cực kéo tôi xuống. Công việc của tôi rất nhàm chán, và ai cũng than phiền suốt cả ngày.” Đó là lúc bạn phải đấu tranh cho hy vọng. Hãy có trách nhiệm tìm ai đó không tiêu cực, và đừng lắng nghe những lời đàm tiếu tại văn phòng. Thay vì đi ăn trưa với những người than phiền, hãy đi ra ngoài dạo bộ. Nếu bạn gặp ảnh hưởng tiêu cực trong gia đình và đó là ảnh hưởng mà bạn không thể tránh né, thì ít ra cũng hãy cân bằng ảnh hưởng tiêu cực bằng những mối quan hệ tích cực khác, là những mối quan hệ sẽ giúp cho bạn thảnh thơi đôi chút khỏi những con người không có hy vọng.
Hãy biến việc học Lời Chúa là ưu tiên trong cuộc đời bạn. Lời Chúa có quyền năng để làm cho chúng ta ngẩng đầu lên và ban cho chúng ta hy vọng trong bất cứ hoàn cảnh nào. Một điều khác bạn có thể làm để vây quanh mình bằng hy vọng là lắng nghe nhạc thờ phượng và những bài giảng bồi linh đầy ơn. Với kỹ thuật sẵn có ngày nay, có nhiều cơ hội để xem và nghe những sứ điệp bồi linh và âm nhạc mang lại sự khích lệ. Dù đó là đĩa CD, máy nghe kỹ thuật số, một ứng dụng trên điện thoại, hay video – bất cứ thứ nào tiện lợi cho bạn và lịch làm việc của bạn – hãy để thời gian lấp đầy bạn bằng Lời Chúa cách đều đặn.
Kẻ thù vây quanh chúng ta với những con người toan mưu ác và với những hoàn cảnh đau đớn, nhưng Lời Chúa dạy Ngài vây phủ chúng ta bằng sự hiện diện của Ngài và nhiều ơn phước.
Chúa là nơi ẩn núp tôi; Chúa bảo hộ tôi khỏi sự gian truân; Chúa lấy bài hát giải cứu mà vây phủ tôi.
Thi Thiên 32:7
Các núi vây quanh Giê-ru-sa-lem thể nào, Chúa vây phủ dân sự Ngài thể ấy, từ rày cho đến đời đời.
Thi Thiên 125:2
Hãy Thắp Sáng Hy Vọng!
Nếu bạn đang bị vây quanh bởi những điều tiêu cực, nghi ngờ, bất ổn, lo lắng hay thất vọng, này là lúc để có sự thay đổi. Bạn không cần phải để những thứ này cai trị đời sống bạn nữa. Bạn có thể thay đổi môi trường của mình – bạn có thể sống trong hy vọng. Ngay cả trước khi bạn có sự thay đổi trong hoàn cảnh, bạn cũng có thể thay đổi trong tâm hồn. Bạn có thể chọn làm tù nhân hy vọng và mong Chúa phục hồi gấp đôi mọi thứ bạn mất trong đời.