CHƯƠNG 5: Tìm Hiểu Con Người Mới Trong Bạn

Thắp Sáng Hy Vọng

Đăng vào: 5 tháng trước

.

CHƯƠNG 5

Tìm Hiểu Con Người Mới Trong Bạn

Chúng ta không phải che mặt vì chúng ta thấy vinh quang của Chúa và chúng ta được biến hóa trở nên giống như Ngài. Sự biến hóa ấy trong chúng ta càng mang vinh quang rực rỡ hơn nữa vì vinh quang đó đến từ Chúa là Thánh Linh.

2Cô-rinh-tô 3:18

“Có ba điều cực kỳ cứng cỏi: sắt thép, kim cương và tìm hiểu bản thân.”

—Benjamin Franklin

Thay đổi không dễ dàng chút nào – ngay cả thay đổi tốt cũng cần phải làm quen. Khi Chúa thay đổi chúng ta, chúng ta cần thời gian để tin quyết rằng mình thật sự được thay đổi. Sứ đồ Phao-lô biết điều này là thật.

Khi chúng ta nghĩ về Phao-lô, chúng ta nghĩ đến một người khổng lồ thuộc linh, là trước giả của nhiều sách Tân ước. Khi ai đó đứng lên trong hội thánh và nói, “Chúng ta hãy đọc những lời Phao-lô nói trong Rô-ma,” hay “Như Phao-lô nói trong sách Galati…” thì không ai thắc mắc về điều đó. Nhưng có một thời gian khi Phao lô chưa tiếng tăm thì ai cũng thắc mắc ông. Ông trước đây không phải là một sứ đồ vĩ đại; ông chỉ là người bình thường có tên mới nhưng vẫn còn tiếng xấu: Người Pha-ri-si của những Pha-ri-si. Kẻ bắt bớ hội thánh đầu tiên. Con người không đáng tin cậy. Nên tôi thắc mắc không biết có một giai đoạn điều chỉnh hay không – một thời gian mà Phao-lô cảm thấy mình giống Sau-lơ hơn là giống Phao-lô. Tôi không biết Phao-lô có cần thời gian để rũ bỏ Sau-lơ không. Tôi không biết liệu ông bắt tay với ai đó và nói, “Xin chào, tôi là Sau . . . lơ . . . ý tôi là Phao-lô. Tôi là Phao-lô.”

Phần lớn phụ nữ đã lập gia đình (ở Mỹ) điều biết thay đổi tên cần thời gian để làm quen. Bạn từng là Mary Smith, nhưng bây giờ bạn là Mary Styborski. Bạn từng là Sally Jones, nhưng giờ bạn là Sally Rigglestein. Cần thời gian để cảm thấy thoải mái với cái tên mới, nhưng hãy nhớ Phao-lô đang xử lí vấn đề còn hơn là đổi tên – Phao- lô đón nhận sự thay đổi tấm lòng và bản chất. Hãy tưởng tượng ông nói, “Xin chào, tôi là Phao-lô. Bây giờ tôi là một môn đồ của Chúa Giê-su, tôi muốn nói với quí vị về Ngài.” Người ta chắc hẳn nhìn một người đã từng bắt bớ Cơ Đốc Nhân nay thành một người giảng đạo Chúa này và nghĩ Khoan đã! Đây chính là gã Sau-lơ. Tôi đã nghe về hắn ta. Hắn bắt bớ và bỏ tù các Cơ Đốc Nhân…Tôi không tin hắn và tôi thấy khó mà tin hắn đã thật sự thay đổi.

Đang khi chúng ta chỉ phỏng đoán nhiều người trên đường phố phản ứng với con người mới của Phao-lô, thì Kinh Thánh cho chúng ta biết chính xác cách mà các sứ đồ phản ứng – họ không tin chuyện này. Họ không được thuyết phục Phao-lô là một con người mới. Công Vụ 9:26 nói: “Khi Sau-lơ trở về Giê-ru-sa-lem, thì ông tìm cách gia nhập nhóm các tín hữu nhưng ai cũng e ngại. Không ai tin ông là tín hữu thật.» Chỉ khi Ba-na-ba đứng trước các sứ đồ và xác nhận cho con người của Phao-lô thì họ mới xem xét đến việc chấp nhận ông. Tất nhiên, chúng ta biết cuối cùng họ đã chấp nhận ông, và phần còn lại của câu chuyện là lịch sử của Kinh Thánh. Nhưng có một cụm từ trong câu Kinh Thánh trên tôi muốn bạn để ý: “Họ không tin ông là môn đồ thật.” Điều duy nhất có thể khiến cho câu đó thêm bi thảm là khi nói như thế này: Phao-lô không tin ông thật sự là một môn đồ.

Bạn thấy đó, Phao-lô không thể kiểm soát tư tưởng của các sứ đồ. Ba-na-ba phải nói chuyện với các sứ đồ, và Chúa phải thay đổi tấm lòng họ. Điều này nằm ngoài tầm tay của Phao-lô. Điều duy nhất Phao-lô có thể làm là kiểm soát thái độ của ông. Lẽ thật phải được nói ra, dù người khác tin gì không quan trọng. Điều thật sự quan trọng là điều Phao- lô tin. Nếu ông không bao giờ chấp nhận con người mới của ông trong Chúa, thì ông chắc đã không bao giờ sống đúng định mệnh của ông. Bạn hãy tưởng tượng Phao-lô sống với suy nghĩ Ước gì mình có thể đi đây đó giảng dạy Lời Chúa. Đó là điều lòng mình muốn làm. Nhưng mình từng là kẻ bắt bớ hội thánh. Mình sẽ mãi là Sau-lơ. Hay nếu ông suy nghĩ Mình có một sự khởi đầu muộn màng trong cuộc đời. Mình không đời nào có thể làm mọi điều mình ước ao làm cho Chúa. Mình là một Sau-lơ quá lâu rồi. Nếu ông có thái độ như vậy, Phao-lô chắc đã khốn khổ và ông đã không thể hoàn thành tất cả mọi điều Chúa muốn ông làm.

Nhưng một khi Chúa bắt đầu làm việc trong đời sống ông, Phao-lô đã hiểu ông không còn là Sau-lơ, nên ông không còn sống như Sau-lơ nữa. Ông không còn nghĩ, nói hay hành động như một người Pharisi. Mọi sự bây giờ đã khác rồi. Ông đã được thay đổi. Ông đã nhận hy vọng. Và ông chọn hành động như thế.

Chính Phao-lô, người được Thánh Linh thần cảm, đã viết:

Nếu ai thuộc về Chúa Cứu Thế thì người ấy là một người mới. Mọi việc cũ đã qua đi hết, hiện giờ mọi việc đều đã đổi mới.

2Cô-rinh-tô 5:17

Chịu phép cắt bì hay không cắt bì chẳng quan trọng gì hết. Điều quan trọng là cái nếp sống mới mà Thượng Đế đã tạo dựng.

Galati 6:15

Phao-lô tràn đầy hy vọng, và ông phấn khởi về cuộc sống của mình vì “mọi sự đều trở nên mới” đã đến – bây giờ ông có “một bản chất mới trong Chúa Cứu Thế Giê-su.” Phao-lô không còn lẫn quẫn trong lối suy nghĩ, cách ăn nói, cách lo lắng, cách làm việc và hành động như Sau-lơ. Ông đã được thay đổi. Phao-lô chấp nhận những điều mới mẻ Chúa làm trong cuộc đời ông, những cơ hội mới ở trước mặt ông, và một con người mới Chúa định cho ông trở thành.

Hãy Rũ Bỏ Con Người Cũ

Những gì đúng trong cuộc đời Phao-lô cũng đúng trong cuộc đời bạn. Bạn cũng là một tạo vật mới (do được tái sinh và có bản chất mới trong Chúa Giê-su) và bạn cũng có thể kinh nghiệm “mọi sự đều trở nên mới.” Bạn không còn là người của trước đây nữa. Chúa đã làm rất nhiều việc trong cuộc đời bạn – Ngài đã thay đổi bạn. Tôi tin chắc, giống như tôi, bạn còn một chặng đường dài để trở nên hoàn hảo, nhưng tôi cũng biết chắc rằng bạn đã tiến bộ và đã đi được một quãng đường dài hướng đến sự thay đổi tích cực. Nếu bạn dừng lại và suy nghĩ về con người cũ của mình – những nan đề bạn đã từng tranh chiến – thì bạn sẽ thấy rất phấn khởi vì Chúa đã đem bạn tiến rất xa. Chồng tôi, Dave, sáng nay vừa mới nói với tôi về một người đàn ông anh ấy cùng chơi gôn. Người đàn ông này chia sẻ với nhà tôi rằng vợ anh ta, dù là một Cơ Đốc Nhân, chưa bao giờ thắng được cảm xúc về sự lạm dụng lúc nhỏ. Suốt nhiều năm cô gặp vấn đề về tâm trí và tình cảm, và hiện tại đang mang rất nhiều chứng bệnh trong thân thể do sống căng thẳng nội tâm. Khi tôi và nhà tôi nói về chuyện này và thảo luận tại sao một số người cũng có quá khứ y như thế lại hoàn toàn khỏe mạnh, trong khi đó người khác thì không, cả hai chúng ta đều có kết luận giống nhau. Để được phục hồi khỏi đau đớn của quá khứ, chúng ta phải thật sự tin chúng ta là những con người mới trong Chúa. Chúng ta phải hoàn toàn rũ bỏ con người cũ và học sống đời sống phục sinh mà Chúa Giê-su đã cung ứng. Chúng ta phải chấm dứt đồng hóa mình với con người tội lỗi, bị tổn thương hay bị lạm dụng trước đây của chúng ta mà hãy bắt đầu đồng hóa với con người mới mà Chúa đã tạo dựng chúng ta trong Chúa.

Trong cuộc đời của một tín hữu, hy vọng được đâm rễ khi biết rằng Chúa thay đổi mọi sự. Được đổi đời, được tái sinh, được biến đổi: Đây là tin tức tốt lành của Phúc Âm. Tự bản thân, bạn đã bị chết mất, bị tan nát, bị xa cách Chúa và không có hy vọng. Nhưng vì cớ tình yêu lớn lao của Ngài, Thượng Đế đã sai Chúa Giê-su đến để bạn được tìm lại, được chữa lành, được hòa lại với Ngài, và được phục hồi hy vọng. Ơn cứu rỗi chính là sự thay đổi – thay đổi có thể xảy ra nhờ tình yêu của Chúa dành cho bạn và tôi.

Ơn cứu rỗi không chỉ là vấn đề thay đổi mà còn liên hệ đến đời sống mỗi ngày của bạn với Chúa nữa. Suốt cả Kinh Thánh, bất cứ khi nào một cá nhân nào đó gặp gỡ Chúa thì có sự thay đổi. Áp-ram trở thành Áp-ra-ham (xem Sáng Thế 17:5). Sa-rai thành Sa-ra (xem Sáng Thế 17:15). Gia-cốp thành Y-sơ-ra-ên (xem Sáng Thế 32:280.

Si-môn thành Phi-e-rơ (xem Giăng 1:42). Sau-lơ thành Phao-lô (xem Công Vụ 13:9). Không chỉ đổi tên mà còn đổi đời nữa. Người chăn cừu trở thành vua chúa. Kẻ trốn chạy trở thành nhà lãnh đạo quốc gia. Tên đánh cá trở thành môn đồ. Người Pharisi trở thành sứ đồ.

Nhưng điều quan trọng cần để ý, cùng với Phao-lô, khi Chúa đem lại thay đổi trong đời sống của những người nam và người nữ này, họ đã chấp nhận con người mới mà Chúa tạo dựng họ trở thành. Đa-vít không sống với lối suy nghĩ của một cậu bé chăn cừu; ông ôm ấp vai trò của một vị vua. Môi-se không còn sợ trốn vua Pha-ra-ôn nữa, ông dạn dĩ công bố, “Hãy để cho dân ta đi!” Phi-e-rơ không còn sợ hãi; ông đứng lên và giảng cho hàng ngàn người vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Mỗi người đều đã ôm ấp những gì Chúa đã làm và những gì Ngài đang làm trong đời sống họ…và bạn cũng có thể làm như vậy. Sự thật thì nếu bạn không ôm ấp những gì Ngài đang làm, thì bạn sẽ tranh chiến liên tục và sống một cuộc đời ở mức thấp hèn, xa rời với cuộc sống đầy hứng khởi, đầy quyền năng vốn thuộc về bạn trong Chúa Giê-su.

Để tôi hỏi bạn: Bạn có tin Chúa yêu bạn vô điều kiện không? Bạn có tin TẤT CẢ tội lỗi bạn được tha thứ không? Bạn có tin mình là một tạo vật mới có một tấm lòng và tâm linh mới không? Bạn đã chấp nhận chính mình chưa? Bạn có thích bản thân mình không? Bạn có tin tương lai có những điều thú vị cho bạn không?

Nếu bạn tin những điều này, thì hãy để tôi chúc mừng bạn bởi vì bạn đang trên đường tiến đến những điều diệu kỳ. Nếu bạn không tin những điều này, thì giờ là lúc để học Lời Chúa cho đến khi bạn tin. Hãy tin những lời hứa trong Lời Chúa hơn là bạn tin cảm giác của bạn, và đừng bao giờ bỏ cuộc cho đến khi bạn có chiến thắng. Hãy đổi mới tâm trí bạn theo những thực tại sáng tạo mới. Bạn là sự công bình của Thượng Đế trong Chúa Giê-su! Bạn được xưng công chính và thánh hóa nhờ huyết Chúa Giê-su. Bạn có tài năng và khả năng của Chúa! Chúa sống trong bạn và Ngài sẽ không bao giờ lìa hay bỏ bạn! Khi bạn nhận ra bạn là một con người mới, bạn có một hy vọng mới.

Con người trước đây của bạn, những lỗi lầm quá khứ của bạn, những bất công xảy ra cho bạn, những sự tranh chiến của bạn – những điều đó không còn kìm hãm bạn nữa. Đừng cứ nói với bản thân Tôi có một nan đề là giận dữ. Tôi không thể kiểm soát sự nóng nảy của mình. Không, đó là con người cũ của bạn. Chúa đã thay đổi bạn bên trong, và bạn đang được biến đổi bởi quyền năng của Ngài bên trong bạn. Bây giờ bạn là người đầy dẫy sự bình an và vui mừng của Chúa. Hãy chấp nhận con người đó. Chúng ta bắt đầu bằng cách tin Phúc Âm, sau đó chúng ta đổi mới tâm trí qua việc học Lời Chúa, và chúng ta bắt đầu sống trong thực tại của con người mới trong Chúa Giê-su.

Thay vì sống với lối suy nghĩ nạn nhân, rồi nói với bản thân Mình không tin ai được. Mình không bao giờ có một mối quan hệ lành mạnh do những rắc rối trong quá khứ, hay nói, Mình chẳng tốt đẹp gì, mà hãy chấp nhận quyền năng chữa lành của Chúa trong cuộc đời bạn. Bạn là một con người mới. Ngài đang chữa lành mọi thương tổn và phục hồi những mất mát của bạn. Đúng vậy, Ngài sẽ ban cho bạn phước hạnh gấp đôi bù lại những gì bạn đã mất (xem Ê-sai 61:7). Nếu trong quá khứ bạn đã bị tổn thương, điều đó không khiến bạn thành nạn nhân suốt quãng đời còn lại.

Bạn có thể vượt qua nỗi đau đó và sống một đời sống chiến thắng. Bạn là một tạo vật mới trong Chúa, tràn đầy sức mới và hy vọng mới. Hãy nhớ rằng lai lịch của bạn không phải là định mệnh của bạn! Bạn có thể sống tự tin mỗi ngày, biết rằng bạn sẽ mạnh mẽ hơn trước đây bởi vì mỗi ngày Chúa đang làm công việc lớn lao trong cuộc đời bạn. Điều đó không có nghĩa bạn đã hoàn thành mọi thứ bạn muốn hoàn thành, và không có nghĩa bây giờ bạn làm mọi sự đều hoàn hảo, nhưng có nghĩa là bạn có thể có hy vọng mới. Một niềm hy vọng truyền cảm hứng để bạn nói như Phao-lô: “Tôi không nghĩ rằng mình đã đạt được mục tiêu hay đến mức toàn thiện rồi đâu, nhưng tôi vẫn đang cố gắng theo đuổi để có thể chiếm được phần thưởng vì chính tôi đã bị Chúa Cứu Thế chiếm lấy rồi.” (Philíp 3:12). Đừng phí một ngày nào nữa mà nói, “Tôi không làm được, tôi không thành công được hay tôi không đủ tốt.” Đây là những lời không có hy vọng. Có thể những điều này mô tả con người cũ của bạn, nhưng chắc chắn nó không mô tả con người mới của bạn trong Chúa. Bạn là con cái Chúa. Bạn là người chiến thắng bội phần. Bạn là đầu, chứ không phải đuôi. Bạn là sự công bình của Thượng Đế trong Chúa Giê-su. Đấng ở trong bạn lớn hơn kẻ ở trong thế gian.

Con Người Mới Của Bạn Có Một Cơ Nghiệp

Khi bạn trở thành một tín hữu, bạn bước vào một gia đình mới – gia đình của Chúa. Bây giờ bạn có anh chị em trong Chúa, là những người biết những gì bạn trải qua và khích lệ bạn liên tục, và bạn có Cha thiên thượng, Đấng không bao giờ bỏ bạn. Một trong những phước hạnh bạn nhận từ Cha thiên thượng là một cơ nghiệp. Ê-phê-sô 1:18 nói:

Tôi cũng cầu xin Thượng Đế mở trí anh chị em để hiết biết về hy vọng mà Ngài đã kêu gọi chúng ta, đồng thời biết sự giàu có và vinh hiển của ân lành mà Thượng Đế đã hứa cho dân Ngài.

Qua Chúa Giê-su, Ngài đã cung ứng một cơ nghiệp cho mỗi chúng ta. Nghĩa là chúng ta không phải là những đầy tớ được thuê mướn, làm việc để có chút gì đó từ Chúa, nhưng chúng ta là con cái Ngài và chúng ta là những người thừa hưởng. Vì là những người cùng hưởng cơ nghiệp với Chúa Giê-su, chúng ta hưởng những gì Chúa đã giành được và hy sinh cho chúng ta.

Kinh Thánh nói mọi sự của Ngài là của chúng ta (xem Giăng 16:15). Và khi bạn nhận biết bạn có một cơ nghiệp từ Chúa, nó sẽ thay đổi cách bạn nhìn vấn đề. Các nan đề của bạn dường như không còn to lớn nữa, nỗi thất vọng của bạn không còn quan trọng nữa, tương lai không còn quá đáng sợ nữa – bạn có thể tràn đầy niềm vui và hy vọng, vì Chúa đã cung ứng mọi sự bạn cần!

Chúng ta phục vụ một Thiên Chúa tốt lành, Ngài muốn đổ đầy những điều tốt đẹp vào cuộc đời bạn. Nếu bạn cứ sống mỗi ngày lo lắng làm sao trả mọi chi phí, sợ rằng bạn sẽ không được thăng tiến trong công việc, cay đắng về những lời người khác nói sau lưng bạn, thì bạn không sống như một người con biết mình có một cơ nghiệp. Lo lắng, sợ hãi và cay đắng là những tính xấu của con người cũ. Con người mới trong bạn có thể tin tưởng, tự tin và tha thứ, bởi vì bạn tin Chúa có thể lấy bất cứ điều gì xảy ra với bạn và hóa giải nó thành ích lợi cho bạn – Ngài có nhiều điều tốt lành dành trữ cho bạn. Nếu người khác được thăng tiến đó thì rõ ràng là Chúa dành điều tốt hơn cho bạn. Đừng lo lắng hay buồn bã. Hãy chấp nhận con người mới trong bạn – nhận biết rằng bạn có một cơ nghiệp lớn lao trong Chúa – và thắp sáng hy vọng về điều Chúa sẽ dạy dỗ bạn và thể nào Ngài tiếp trợ cho bạn qua hoàn cảnh này. Nếu ai đó nói xấu bạn, thay vì trở nên cay đắng, hãy xin Chúa cách xử lý tình huống đó. Trong quá khứ, bạn có lẽ nổi nóng và xua đuổi người đó, nhưng đó là con người cũ của bạn. Kể từ đó Chúa đã đem bạn đi một quãng đường thật xa rồi. Trong Ngài bạn có một cơ nghiệp, và Ngài có thể biến hoàn cảnh đó thành điều gì đó tốt đẹp.

Có Những Mong Đợi Mới Hơn Và Lớn Hơn

Chúng ta bắt đầu cuốn sách này bằng cách nói về những mong đợi. Và khi chúng ta kết thúc chương này và phần thứ nhất này, tôi muốn khích lệ bạn hãy bắt đầu nâng lòng mong đợi lên. Hãy có hy vọng tiến xa hơn! Càng hy vọng thì bạn càng dễ sống bởi đức tin. Tôi cầu nguyện Chúa gây dựng đức tin của bạn qua năm chương đầu tiên này – đó là lý do tôi nghĩ này là lúc hãy mong đợi nhiều hơn từ Chúa. Ngài yêu thương bạn rất nhiều và muốn ban phước dư dật cho đời sống bạn (xem Ê-phê-sô 3:20).

Chúng ta hay nói một phụ nữ mang thai là đang “thai nghén.” Đó là lý do cô ta bắt đầu lập kế hoạch. Cô hành động theo sự thai nghén của mình – mua quần áo, mua bình sữa, lắp đặt nôi và chuẩn bị phòng cho bé. Chúng ta cần hành động giống như người đang “thai nghén.” Buổi sáng thức dậy chúng ta nên thức dậy lập kế hoạch để Chúa làm điều gì đó lớn lao. Nhờ Chúa giúp, chúng ta có thể nghĩ Hôm nay có thể là ngày đó. Này là ngày Chúa đã làm nên và điều gì đó lớn lao chắc chắn xảy ra cho tôi. Dù Chúa không làm chính xác điều bạn đang cầu xin, hãy cố gắng mở rộng tầm nhìn của bạn. Có thể bạn đang cầu xin điều gì đó nhưng Chúa lại nghĩ điều khác tốt hơn. Đừng chỉ xin điều tốt, hãy tin và hy vọng điều lớn lao hơn.

Thức dậy mỗi ngày hãy nói “Tôi vui vẻ và tự tin mong đợi điều diệu kỳ sẽ xảy ra hôm nay. Vợ/chồng tôi sẽ chúc phước tôi. Các con tôi sẽ ngoan. Tôi sẽ có tin tức tuyệt vời tại chỗ làm. Chúa sẽ cho tôi một cơ hội để chúc phước ai đó. Phước hạnh sẽ đến khi nhận thư. Hôm nay tôi sẽ kinh nghiệm một thay đổi lớn.” Đừng sợ tin cậy, tin tưởng và nói ra phúc lành cho ngày mới từ lúc bạn thức dậy. Tôi quyết định gọi cuốn sách này là “The Happy Book” (Sách Mang Lại Hạnh Phúc). Tôi tin ai đọc sách này sẽ hạnh phúc hơn trước đây. Hy vọng là một sự mong đợi tràn đầy niềm vui và tự tin rằng điều gì đó tốt đẹp sắp xảy ra!

Hy vọng cất đi những giới hạn của lòng mong đợi. Bạn đang mong đợi ít hay nhiều từ Chúa? Có lẽ bạn hy vọng nửa vời rằng Chúa sẽ làm điều gì đó. Có lẽ bạn hy vọng mơ hồ về điều tốt đẹp nào đó, nhưng tôi muốn thách thức bạn hãy hết lòng tin cậy những điều lớn lao hơn trước đây. Tôi muốn thách thức bạn tin rằng Chúa có thể dùng bạn một cách lớn lao hơn. Nếu bạn đang viết nhạc, sao không tin Chúa cho bạn viết những bài hát hay chưa từng sáng tác trước đây? Nếu bạn giảng dạy Lời Chúa, sao không tin Chúa cho bạn sứ điệp đầy quyền năng, thật lạ lùng mà chưa từng giảng trước đây để phóng thích những tội nhân? Nếu bạn đang nuôi dạy con cái, sao không tin con cái bạn lớn lên thành người thay đổi thế giới? Sao không tin bạn sẽ được thăng tiến trong công việc? Sao không tin bạn sẽ gặp người mà bạn sẽ cưới và có một đời sống diệu kỳ? Sao không tin bạn có thể vượt qua tổn thương đó? Sao không tin bạn có thể thay đổi đời sống của những người xung quanh?

Này là lúc hãy bắt đầu sống với lòng mong đợi mới tràn đầy hy vọng. Hãy tin rằng nếu điều tốt đẹp có thể xảy ra cho người khác, thì nó cũng có thể xảy ra cho bạn!

Hãy Thắp Sáng Hy Vọng!

Khi bạn nhìn vào gương hôm nay, tôi hy vọng bạn sẽ thấy mình như Chúa thấy bạn. Bạn không phải là một con người bị hư mất, bị tan nát, bị thất bại, vô vọng nữa. Bạn không phải là người không thể kiểm soát tâm trí hay tình cảm của mình, và bạn cũng không phải là người không thể bỏ qua quá khứ được. Bạn còn làm hơn thế nữa. Bạn là người chiến thắng bội phần (xem Rô-ma 8:37). Bạn là một tạo vật mới trong Chúa Giê-su, và Chúa đang làm việc trong đời sống bạn. Chúa đang đổi thay bạn từng chút một và từng hồi từng lúc. Bạn có thể sống khác trước đây vì bạn là người chiến thắng. Hãy tin những lẽ thật này. Hãy tiến tới và thắp sáng hy vọng của bạn!