Đăng vào: 11 tháng trước
CHƯƠNG 1
Nâng Mức Độ Mong Đợi Lên
Hãy trông đợi sự cứu giúp của Chúa, hãy vững chí, can đảm và chờ đợi Ngài tiếp cứu.
Thi Thiên 27:14
“Lòng mong đợi tột đỉnh là chìa khóa cho mọi vấn đề.”
—Sam Walton
Hãy để tôi kể cho bạn một câu chuyện về một người phụ nữ tên Betty. Cô là một tín hữu. Cô đọc Kinh Thánh điều đặn. Betty làm tình nguyện bằng cách phát chăn cho người vô gia cư một tháng một lần. Betty có vẻ là người rất tốt phải không nào?
Có một điều mà bạn cần biết về Betty: Bạn bè gọi cô là “Betty Tin Dữ” khi không có mặt cô. Họ cảm thấy kinh khủng về biệt danh của cô, công bằng mà nói, cô đã tự gán cho mình biệt danh đó; cô là mẫu người lúc nào cũng mong đợi và tiên đoán có điều tồi tệ nào đó trong mọi hoàn cảnh. Tôi sẽ nêu cho bạn một ví dụ.
Hè năm ngoái, Betty và chồng cô (Phil Thất Bại) có một kỳ nghỉ gia đình với hai đứa con của họ (Will bất tài và Megan tầm thường). Tôi cho bạn biết Phil là một người chồng đáng yêu, Will và Megan là những đứa bé rất tuyệt vời, nhưng Betty không hy vọng gì nhiều ở họ. Cô cũng không trông đợi nhiều ở họ. Cô là loại người luôn giả định điều tồi tệ nhất, nên họ mới có biệt danh như thế.
Nhiều tháng trước đây, Phil và Betty lên kế hoạch nghỉ hè một tuần tại một địa điểm du lịch nổi tiếng, nhưng khi càng giáp ngày đi, Betty biết đó sẽ là một thảm họa. Lúc đang lái xe 300 dặm tới điểm du lịch, Betty cứ phàn nàn, “Đây là một ý tồi. Đường tới công viên để vui chơi chắc xa quá. Em nghĩ khách sạn không được tốt như quảng cáo. Em cá là sẽ có mưa cả tuần.” Phil và mấy đứa cố trấn an Betty rằng mọi thứ sẽ ổn thỏa – họ có thể làm điều tốt nhất trong mọi hoàn cảnh – nhưng tâm tính chua chát của Betty không hề thay đổi. Tội nghiệp Phil, Will và Megan…lái xe 300 dặm mà cứ như hành trình cực nhọc 1000 dặm vậy.
Thật không ngoa khi nói kỳ nghĩ xảy ra ở mức đúng như Betty mong đợi. Các con đường tại công viên nước xa hơn bình thường một chút. Phil, Will và Megan không bận tâm – đường dài cho họ thêm chút thời gian để vui vẻ với nhau và lên kế hoạch tiếp theo sẽ chơi trò nào – nhưng Betty thì rất buồn. “Mình biết thế nào chuyện này cũng xảy ra,” cô cằn nhằn.
Nhà hàng họ chọn ăn tối đêm đầu tiên cũng không có hoàn hảo. Cô bồi bàn cho Phil và Betty biết là nước ngọt mà họ yêu cầu đã hết. Phil chọn đồ uống khác; Betty chọn thái độ chán nản. Cô thở dài, “Thật không thể tin nổi!” Điều khiến cô “tức nước vỡ bờ” chính là phòng khách sạn. Khi gia đình đã ổn định phòng ốc để nghỉ đêm, họ phát hiện TV không hoạt động. “Tôi biết, tôi biết, tôi biết mà!” Betty bực tức, càu nhàu. “Tôi biết là khách sạn này không tốt mà.” Phil gọi cho tiếp tân, và bảo trì nhanh chóng đem một cái TV mới lên, nhưng lòng cô đã bị thương tổn.
Betty Tin Dữ có chuyến du lịch tin dữ…đây chính là điều cô đã mong đợi.
Vấn Đề là Tấm Lòng
Câu chuyện của Betty là một câu chuyện tưởng tượng về một người mà có lúc rất giống bạn và tôi.
Tất cả chúng ta đều thấy mình rơi vào những thái độ bi quan và lòng mong đợi kém cỏi – mô tả khí hậu thì nói “trời hơi nhiều mây” thay vì “trời có ít nắng,” nhìn thấy ly nước thì nói “nước tới nửa ly,” thay vì nói “ly nước chưa đầy.”
Đối với Betty, những sự mong đợi kém cỏi đã khiến cô không thể vui hưởng kỳ nghỉ hè, nhưng đối với nhiều người, sự mong đợi thấp khiến họ không thể vui hưởng cuộc sống. Mỗi ngày họ sống với thái độ tiêu cực, bới lông tìm vết, chỉ trích, hiếm khi hy vọng điều tốt nhất bởi vì họ quá bận rộn trông đợi điều tệ hại nhất. Khi mọi sự không được trơn tru thì họ nghĩ Tôi có cảm giác hôm nay là một ngày tồi tệ, và khi mọi sự diễn ra tốt đẹp họ nghĩ Điều này có lẽ không kéo dài lâu. Dù đó là ngày tốt hay ngày xấu, dù trên đỉnh núi hay dưới thung lũng, họ đều không tận hưởng cuộc sống … vì họ không hề mong đợi là họ có thể hưởng. Có lẽ bạn và tôi không tệ như Betty, nhưng thành thật mà nói thì bất kỳ nỗi tuyệt vọng dù ở mức độ nào cũng đều có một sức ảnh hưởng tàn phá trên đời sống chúng ta. Tại sao lại không tin điều tốt nhất và mở cửa để xem thử những gì Chúa sẽ làm?
Những sự mong đợi kém cỏi không chỉ là vài lời than phiền về ngày thứ hai sao dài hơn bình thường hay có cảm giác là sáng thức dậy mà vô cùng chản nản. Những sự mong đợi kém cỏi là triệu chứng của một nan đề sâu xa hơn, một nan đề thuộc linh. Một người có thể có tiền sử thất vọng, khiến người đó hình thành một thói quen mong đợi những sự thất vọng. Một số người có lòng tự trọng kém cỏi đến nỗi họ cho rằng họ chẳng xứng đáng gì, nên họ không hề mong đợi điều đó. Rồi có những người không biết Chúa là tốt lành và Ngài muốn làm những điều tốt lành cho con cái Ngài. Những nguy cơ mà các triệu chứng này gây ra thật có ý ý nghĩa. Nếu chúng ta phải mô tả những gì diễn ra trong tâm hồn như cách chúng ta mô tả một căn bệnh trong thân thể thì nó sẽ như thế này:
Bác sỹ: Anh nói là anh bị bệnh về thuộc linh và tình cảm. Hãy cho tôi biết các triệu chứng của anh.
Bệnh nhân: Bác sỹ ơi, tôi có một cảm giác tồi tệ về tương lai. Tôi có rất nhiều sự thất vọng trong cuộc đời, và tôi hiếm khi thấy mọi sự sẽ tốt đẹp cho tôi và gia đình tôi.
Bác sỹ: Các triệu chứng của anh cho tôi biết mọi thông tin tôi cần biết. Anh bị nhiễm ca bệnh tuyệt vọng rất trầm trọng.
Các triệu chứng của Betty là sống tiêu cực, hay lo lắng và than phiền. Các triệu chứng này do tình trạng tấm lòng của cô gây ra: sự vô vọng. Thay vì hy vọng một kỳ nghỉ tuyệt vời dành cho gia đình, thì Betty lại nghĩ đến điều tệ nhất. Đường đi sẽ rất xa. Chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy một nhà hàng tốt. Khách sạn sẽ thật là kinh khủng. Không hề có hy vọng trong bất cứ lối suy nghĩ nào ở đây. Tuy nhiên, Phil, Will và Megan có những biểu hiện khác. Họ tích cực, lạc quan, vui mừng và sẵn sàng tận dụng mọi hoàn cảnh. Họ đầy niềm hy vọng, và niềm mong đợi của họ lên đến đỉnh cao.
Điều quan trọng cần nhận ra là hoàn cảnh đối với Betty và gia đình cô thì giống nhau, nhưng cách họ phản ứng với hoàn cảnh này là khác hẳn. Cả nhà đều đứng xếp hàng dài chờ, đều ăn tại cùng một nhà hàng, đều ngồi xem trước cùng cái tivi bị trục trặc. Khi những chuyện này xảy ra, thì những mong đợi kém cỏi của Betty được xác chứng, khiến cô muốn bỏ cuộc. Những người còn lại trong gia đình, những mong đợi cao của họ bị thách thức, nhưng họ chọn hy vọng và vui mừng, khiến họ tìm cách để ứng phó với các hoàn cảnh và tiến bước, tận hưởng mỗi bước đường.
Với hình ảnh này trong đầu, hãy để tôi hỏi bạn một câu quan trọng: các triệu chứng của bạn là gì? Nếu bạn phải đưa ra một sự đánh giá thành thật từ tấm lòng thì bạn tìm thấy gì trong đó?
Bạn có giống Phil, Will và Megan? Hứng khởi về tương lai, mong đợi hôm nay sẽ tốt hơn hôm qua và ngày mai sẽ tốt hơn cả hôm nay? Bạn có thức dậy mỗi buổi sáng với lòng mong muốn vui vẻ rằng Chúa sẽ làm điều diệu kỳ trong cuộc đời bạn không?
Hay bạn giống Betty Tin Dữ hơn? Bạn có thấy mình lúc nào cũng nghĩ đến điều tệ hại nhất không? Bạn có lo lắng về nhiều rủi ro xảy ra trước khi nó xảy ra không? Bạn có nói những từ ngữ như Lại nữa rồi, việc này sẽ không bao giờ hiệu quả, đáng lẽ tôi không nên biết những việc chua chát này, và tôi có cảm giác không may về chuyện này?
Kết Nối Đức Tin
Đánh giá tấm lòng chúng ta là một bài tập quan trọng khi chúng ta cùng bắt đầu hành trình hy vọng này, bởi vì hy vọng nơi Chúa và lòng mong đợi tích cực liên hệ rất chặt chẽ với đức tin. Hãy chỉ cho tôi một người có những mong đợi kém cỏi thì tôi sẽ chỉ cho bạn một người ít dùng đến đức tin.
Nhưng hãy chỉ cho tôi một người có những mong đợi lớn lao và tôi sẽ chỉ cho bạn một người hành động với đức tin dạn dĩ. Hãy nhớ rằng chúng ta đang nói về việc có lòng mong đợi nơi Chúa. Đây không chỉ là một thái độ tích cực mà nó là việc tin cậy Chúa chăm sóc bạn và mọi sự liên quan đến bạn.
Lời Chúa nói rằng đức tin – lòng mong đợi tích cực, đầy hy vọng – làm đẹp lòng Chúa (xem Hê-bơ-rơ 11:6), và nhiều lần trong các sách Phúc Âm, chúng ta thấy Chúa Giê-su đã động lòng hành động vì cớ đức tin – lòng mong đợi – của những người mà Ngài gặp (xem Ma-thi-ơ 9:29, Mác 5:34, Luca 7:50 và Luca 17:19). Một phép lạ như thế được tìm thấy trong Mác chương 10. Tôi thích câu chuyện này, và tôi nghĩ nó có tầm quan trọng lớn lao cho bạn và tôi ngày nay vì nó nói về tầm quan trọng của lòng mong đợi.
Mác 10:46–47 nói:
… Sau đó họ đến thành Giê-ri-cô. Khi Chúa Giê-su cùng các môn đệ sắp rời nơi ấy cùng với đoàn dân thì có một người ăn xin mù tên là Ba-ti-mê, con của Ti-mê, đang ngồi bên đường. Khi nghe Chúa Giê-su người Na-xa-rét đi ngang qua anh liền kêu lớn “Giê-su, con của Đa-vít ơi, xin thương xót tôi!
Nếu bạn suy nghĩ về câu chuyện này, Ba-ti-mê có mọi lý do để trông đợi điều tệ nhất. Ông là một kẻ ăn xin mù, mỗi ngày ngồi bên đường, cố gắng sống sót nhờ mấy đồng lẻ bố thí. Ông đang sống một cuộc đời rất khó khăn, và nếu ai đó không còn mong đợi gì thì bạn nghĩ ngay đến ông Ba-ti-mê. Ông ta có lẽ đã nghĩ Điều này thật vô dụng. Nó sẽ không mang lại kết quả gì. Không có gì thay đổi đâu. Có lẽ Chúa Giê-su sẽ không để ý gì tới mình. Sao lại phải thắp sáng hy vọng làm gì? Không có ai trách cứ ông này cả.
Nhưng Ba-ti-mê dám hy vọng điều lớn lao hơn trong cuộc sống. Ông bắt đầu suy nghĩ về những gì có thể xảy ra thay vì những điều không thể xảy ra. Mức độ mong đợi của ông không có giảm sút khi ông bắt đầu la lên hết sức, “Giê-su, con của Đa-vít, xin hãy thương xót tôi!”
Bạn có nghe được sự cương quyết trong giọng nói của ông không? Như thể Ba-ti-mê quyết định rằng ông sẽ không đời nào bỏ lỡ cơ hội này. Dù nhiều người trong đám đông “mắng ông, quở ông, bảo ông hãy im đi” (xem Mác 10:48), Ba-ti-mê không im lặng. Ông lại la lớn hơn nữa cho đến khi Chúa Giê-su dừng lại và gọi ông đến.
Đây là một trong những phần tuyệt vời nhất của câu chuyện này: Khi người ta đem Ba-ti-mê đến với Giê-su, Chúa đã hỏi ông một câu hỏi gần như không ai có thể nghĩ tới. Trong câu 51, Chúa Giê-su nói với người ăn xin mù này, “Ngươi muốn Ta làm gì cho ngươi đây?”
Nghe như một câu hỏi lạ, phải không? Có lẽ các môn đồ đã suy nghĩ “Ngươi muốn Ta làm chi cho ngươi?”Chúa ơi, sờ sờ như thế này mà? Người đàn ông này bị mù. Sao Ngài có thể hỏi ông ta như vậy? Nhưng Chúa Giê-su hỏi một câu hỏi có ẩn ý – Ngài đang hỏi Ba-ti-mê: Ngươi mong đợi điều gì? Ngươi chỉ mong có một bữa ăn? Người muốn có ai đó dắt ngươi đi lòng vòng? Ngươi chỉ mong có của bố thí thôi sao? Tất cả điều này chắc chắn là điều Ba-ti-mê cần, và nếu ông ta sống với đức tin nhỏ bé như thế, có lẽ ông ta sẽ thỏa mãn với một trong những điều này.
Nhưng Ba-ti-mê có mức độ mong đợi cao hơn. Khi Chúa Giê-su hỏi, “Ngươi muốn Ta làm chi cho ngươi?” Ba- ti-mê không lưỡng lự, ông ta không cần phải suy nghĩ về câu hỏi đó, ông ta không thắc mắc liệu mình có đang xin quá nhiều không. Ba-ti-mê nói cách dạn dĩ, “Thưa Thầy, con muốn được sáng mắt lại.” Chắc bạn biết phần còn lại của câu chuyện. Chúa Giê-su động lòng bởi đức tin của Ba-ti-mê. Câu 52 nói: “Chúa Giê- su bảo: ‘Hãy đi, đức tin ngươi đã chữa lành ngươi.’ Lập tức người mù được sáng mắt và đi theo Chúa Giê-su.”
Bởi vì Ba-ti-mê đủ can đảm để tin cậy Chúa về điều tốt nhất, cho nên đó chính xác là điều ông nhận được từ Chúa. Trong đời sống bạn cũng vậy, đây là lý do mức độ mong đợi của bạn rất quan trọng đối với cuộc đời mà bạn sẽ sống. Nếu bạn không mong đợi Chúa làm điều lớn lao trong cuộc đời bạn, thì Ngài sẽ không làm. Nhưng nếu bạn dám nâng mức mong đợi và bắt đầu mong rằng Chúa muốn làm điều lớn lao trong cuộc đời bạn, thì bạn sẽ bắt đầu mơ ước, tin cậy, cầu xin và hành động với sự tin quyết, dạn dĩ, vì biết rằng Chúa ở về phía bạn và có một kế hoạch lớn lao cho cuộc đời bạn.
Giả dụ bạn thắc mắc liệu việc bạn mong đợi những điều tốt lành từ Chúa có chấp nhận được không, thì hãy đọc và suy gẫm kỹ câu Kinh Thánh này trong Ê-sai.
Chúa muốn tỏ lòng từ bi Ngài cho ngươi, Ngài mu- ốn đứng dậy an ủi ngươi. Chúa là Thượng Đế công bằng, ai trông đợi Ngài giúp đỡ sẽ hớn hở.
Ê-sai 30:18
Chúa tìm kiếm người nào để Ngài có thể thể hiện sự tốt lành của Ngài, và nếu bạn đang trông mong (mong đợi) Chúa thể hiện sự tốt lành với mình, thì bạn đủ tiêu chuẩn. Hãy mong đợi Chúa ban cho bạn chính Ngài bởi vì Ngài quan trọng hơn mọi thứ khác, nhưng hãy nhớ rằng Ngài có mọi thứ mà chúng ta cần.
Ba Bước Để Nâng Mức Mong Đợi
Có thể bạn đọc chương này và nghĩ rằng, Bà Joyce ơi, nghe thì hay thật đó, nhưng tôi phải trông đợi nhiều hơn như thế nào đây? Tôi phải hẹn hết người này đến người khác, không trả nổi các chi phí, cố gắng có được miếng ăn cho con cái hay để công ty khỏi phải nợ nần. Cả đời tôi làm việc đổ mồ hôi công sức để được như bây giờ.Thì hỏi làm sao tôi có thể nâng mức trông đợi của mình đây?
Có nhiều điều tôi có thể nói về đức tin – hàng ngàn sách vở đã được viết về chủ đề này – nhưng tôi muốn nêu cho bạn ba bước cơ bản để bạn có thể bắt đầu hôm nay. Ba bước này sẽ giúp bạn nâng mức mong đợi của mình.
-
- Tin.
Con cái Đức Chúa Trời được gọi là “những người tin” là có lý do. Khi bạn bị cám dỗ nghi ngờ, cám dỗ để bỏ cuộc, bị cám dỗ để thối lui, hãy chọn tin cậy.
Niềm tin là nền tảng cho đức tin của bạn. Hãy tin cậy lời Chúa. Hãy tin các lời hứa của Ngài là thật. Hãy tin là Ngài yêu thương bạn, và tin rằng Ngài dành điều tuyệt đẹp cho cuộc đời bạn. Chúa Giê-su nói nếu chúng ta chỉ tin mà thôi thì chúng ta sẽ thấy vinh hiển Chúa (xem Giăng 11:40). Vinh hiển là sự bày tỏ về tất cả những điều tuyệt vời của Chúa.
-
- Cầu xin.
Gia-cơ 4:2 nói, “Các ngươi không có vì không cầu xin.” Khi bạn đã chọn tin cậy Chúa có thể đáp ứng mọi nhu cầu trong cuộc đời bạn, hãy dạn dĩ xin Chúa đáp ứng các nhu cầu đó. Hãy chia sẻ giấc mơ của bạn với Ngài. Giống như Chúa Giê-su hỏi Ba-ti-mê, “Ngươi muốn Ta làm chi cho ngươi?” Ngài cũng hỏi câu hỏi tương tự. Hãy can đảm đủ để xin Chúa làm điều chỉ Ngài mới có khả năng thực hiện. Rõ ràng, tất cả chúng ta nên muốn ý muốn của Chúa và tin rằng nếu điều chúng ta đang cầu xin không tốt cho chúng ta, thì Chúa sẽ không ban cho chúng ta nhưng thay vào đó Ngài sẽ cho chúng ta điều tốt hơn.
-
- Ngửa trông
Mỗi ngày bạn sống, hãy mong đợi Chúa đáp lời cầu nguyện của bạn, đáp ứng nhu cầu của bạn và hoàn thành giấc mơ Chúa ban cho bạn. Dù bạn chưa thấy sự bày tỏ về điều bạn đang khao khát, hay nếu nó chưa có xảy ra theo như bạn hy vọng, thì điều đó không có nghĩa Chúa không có làm việc. Hãy tiếp tục có một thái độ trông ngóng, và hãy chắc chắn là bạn để ý mọi sự Chúa đang thực hiện. Hãy cảm tạ Chúa về những điều này đang khi bạn chờ đợi điều bạn khao khát và cần bây giờ.
Dù bạn hy vọng gì cho ngày nay – một đời sống sâu nhiệm hơn với Chúa, muốn biết hơn về Lời Chúa, có một hôn nhân bền vững hơn, một sự cải thiện về tài chính, một cơ hội trở lại trường học, một cơ hội cho chức vụ, một khởi đầu tươi mới – nếu những điều này ở trong lòng bạn (và nếu phù hợp với Lời Chúa), thì hãy tin cậy, hãy cầu xin, hãy mong đợi và hy vọng.
Sự Thay Đổi Đến Khi Có Lòng Mong Đợi Cao Hơn
Cuộc đời bạn sẽ chỉ dừng ở mức mà bạn mong đợi. Không có nghĩa là lòng mong đợi của bạn lập tức thay đổi môi trường hay hoàn cảnh xung quanh, nhưng lòng mong đợi sẽ thay đổi cách bạn phản ứng với môi trường và hoàn cảnh đó.
Lòng mong đợi của bạn thay đổi chính bạn. Nó khiến bạn có khả năng chờ đợi một sự thay đổi trong hoàn cảnh của bạn với một thái độ vui vẻ. Nó khiến bạn trở thành một tín hữu dạn dĩ, tin quyết, tràn đầy niềm vui, tin rằng Chúa có một kế hoạch lớn lao cho cuộc đời bạn.
Đây là một câu chuyện ngắn tôi tình cờ đọc, bày tỏ niềm vui đến với lòng mong đợi lớn lao.
Có hai anh em sinh đôi giống hệt nhau. Mọi thứ đều giống nhau trừ một điều. Một người thì lạc quan, tràn đầy hy vọng và luôn nhìn thấy khía cạnh tích cực của cuộc đời trong mọi hoàn cảnh. Còn người kia thì bi quan, ám thế, chỉ nhìn thấy nhược điểm của mọi hoàn cảnh.
Cha mẹ rất lo lắng về những thái cực của sự lạc quan và bi quan trong hai cậu con trai của mình đến nỗi họ phải đưa chúng đến bác sỹ. Bác sỹ đề nghị một kế hoạch. Ông nói, “Vào ngày sinh nhật tới, hãy cho đứa bi quan một chiếc xe đạp mới, và đưa cho đứa lạc quan một đống phân ngựa.
Làm việc này hơi kì cục. Suy cho cùng, cha mẹ này luôn đối xử công bằng với hai cậu con trai. Nhưng trong trường hợp này họ quyết định cần lời khuyên bác sỹ. Cho nên khi đến ngày sinh nhật hai cậu, cha mẹ đưa cho cậu bi quan chiếc xe đạp đua đắt giá nhất. Khi nó thấy chiếc xe, lời đầu tiên nó nói là “Con sẽ té xe và gãy chân mất.”
Họ đưa cho cậu lạc quan một hộp phân được bọc kỹ càng. Cậu mở ra, nhìn cậu bối rối trong chốc lát, rồi cậu chạy ra ngoài la lên “Ba mẹ không lừa con được đâu! Nơi nào có nhiều phân thế này, chắc phải có con ngựa con!”
Hãy Thắp Sáng Hy Vọng!
Tôi muốn khích lệ bạn hãy nâng mức mong đợi của bạn hôm nay, dù hoàn cảnh xung quanh bạn có thế nào đi nữa. Chúa vĩ đại hơn mọi ngăn trở bạn đối diện. Đừng nghĩ rằng nơi mà bạn đã từng đến hay nơi mà bạn hiện đang đứng, chỉ có thế thôi. Đừng tin rằng tiểu sử của bạn là số phận của bạn. Thay vào đó hãy chọn tin cậy Chúa sẽ làm điều tốt đẹp hơn trong cuộc đời bạn. Chúa Giê-su hỏi “Ngươi muốn Ta làm chi cho ngươi?” Đó là một câu hỏi đầy quyền năng, vậy hãy bước tới và thắp sáng hy vọng của bạn. Chắc hẳn phải có «con ngựa con» ở đâu đây!