CHƯƠNG MƯỜI TÁM: CUỘC SỐNG VÀ TẤM LÒNG CỦA MỘT UY QUYỀN ĐẠI DIỆN

Uy Quyền và Thuần Phục

Đăng vào: 11 tháng trước

.

CHƯƠNG MƯỜI TÁM: CUỘC SỐNG VÀ TẤM LÒNG CỦA MỘT UY QUYỀN ĐẠI DIỆN

Kinh Thánh: Mác 10: 35-45

UỐNG CHÉN CỦA CHÚA VÀ DỰ PHẦN VÀO BÁP-TÊM CỦA NGÀI

Thời gian còn ở trên đất, Chúa hiếm khi dạy dỗ người khác cách làm một uy quyền. Đó là vì mục tiêu của Ngài trên đất không phải để thiết lập uy quyền giữa vòng loài người. Mác 10:35-45 chứa đựng sự dạy dỗ rõ ràng nhất về cách làm một uy quyền. Bất cứ người nào muốn làm một uy quyền phải đọc phân đoạn này; đó là sự dạy dỗ của chính Chúa. Tại đó, Ngài cho chúng ta thấy cách làm một uy quyền. Chúng ta đều biết rằng cuộc đối thoại ấy do Giăng và Gia-cơ khởi xướng; họ muốn ngồi bên phải và bên trái của Chúa trong vinh quang Ngài. Họ biết rằng một lời thỉnh cầu như vậy thì có phần nào quá thẳng thừng, nên họ rất ngại đề cập điều đó với Chúa một cách trực tiếp. Thay vào đó, họ nói: “Chúng tôi muốn hễ điều gì chúng tôi xin thì Thầy làm cho cả” (c. 35). Trước hết họ nói với Chúa như vậy để bảo đảm được Chúa hứa. Nhưng Chúa không trả lời họ ngay. Ngài hỏi: “Các ngươi muốn Ta làm gì cho các ngươi?” (c. 36). Vì Ngài không biết họ muốn gì nên không thể hứa với họ điều gì cả. Đến đây, họ nói: “Xin cho chúng tôi được ngồi một đứa bên mặt, một đứa bên trái Thầy trong vinh quang của Thầy” (c. 37). Lời thỉnh cầu này hàm ý hai điều. Thứ nhất, họ muốn gần gũi Chúa, và thứ hai, họ muốn uy quyền trong vinh quang. Họ ao ước gần gũi Chúa là điều thích đáng; một lời thỉnh cầu như vậy được nêu lên một cách đúng đắn. Nhưng điều họ muốn không phải chỉ bấy nhiêu; họ còn muốn uy quyền trong vinh quang nữa. Họ muốn đứng trên mười môn đồ kia. Chúa đã nói gì với họ? Trước hết, Ngài nói Ngài không biết họ muốn Ngài làm gì. Sau đó, Ngài nói ngay cả chính họ cũng không biết mình đang xin điều gì (c. 38a).

Họ nghĩ rằng ngồi bên phải và bên trái là điều Ngài có thể tặng hay ban cho họ. Nhưng Chúa bảo họ vấn đề không đơn giản như vậy. Họ muốn gần gũi Chúa và có uy quyền. Chúa không nói lời thỉnh cầu của họ là sai trật, Ngài cũng không nói việc ao ước ở bên phải và bên trái Ngài là sai trật. Ngài nói với họ rằng muốn ở bên phải và bên trái Ngài, họ phải uống chén của Ngài và chịu báp-têm bằng báp-têm của Ngài. Gia-cơ và Giăng tưởng rằng họ có thể giành được địa vị chỉ nhờ cầu xin. Nhưng Chúa bảo họ rằng đó không phải là vấn đề cầu xin mà là vấn đề uống chén của Chúa và dự phần vào báp-têm của Ngài. Đó không phải là vấn đề cầu nguyện. Đó không phải là vấn đề cố gắng ngồi bên phải hay bên trái Chúa. Nếu một người không uống chén của Chúa và không chịu báp-têm bằng báp-têm của Ngài thì người ấy có cầu xin cũng vô ích. Nếu một người không uống chén của Chúa và không được báp-têm bằng báp-têm của Ngài, người ấy không thể gần gũi Ngài, cũng không thể có uy quyền gì cả. Chúa không có quyền tự do ban địa vị và uy quyền cho bất cứ ai. Chỉ những người uống chén của Ngài và được báp-têm bằng báp-têm của Ngài mới được ban cho địa vị và uy quyền. Uống và báp-têm là nền tảng. Nếu nền tảng sai trật thì phần ở trên không thể đúng đắn. Giả sử một đứa bé lên núi hái hoa rồi trồng lại những bông hoa ấy xuống đất. Tuy em tưởng rằng mình trồng một vườn hoa, nhưng các bông hoa ấy không có rễ. Gia-cơ và Giăng sai trật trong vấn đề gốc rễ. Để gần gũi Chúa và có uy quyền trong vinh quang, họ cần uống chén của Ngài và chịu báp-têm bằng báp-têm của Ngài. Nếu các môn đồ không uống chén của Ngài và không chịu báp-têm bằng báp-têm của Ngài, thì họ không thể gần gũi Ngài, cũng không thể nhận được uy quyền và địa vị. Đó là điều không bao lâu sau họ sẽ hiểu. Đó là điều liên quan đến hiện tại chứ không chỉ liên quan đến tương lai.

CHÉN CỦA CHÚA LÀ GÌ?

Chén của Chúa là gì? Chén của Ngài chỉ mang một ý nghĩa.

Khi Chúa ở tại vườn Ghết-sê-ma-nê, một cái chén ở trước mặt Ngài. Đó là chén công chính của Đức Chúa Trời mà Ngài phải uống. Nhưng Ngài cầu xin Cha rằng: “Nếu có thể được, xin cho chén này qua khỏi Con; dầu vậy, không theo ý Con, nhưng theo ý Cha” (Mat. 26:39). Ở đây chúng ta nhận thấy một cách rõ ràng chén và ý chỉ của Đức Chúa Trời là hai điều khác biệt. Ở thời điểm ấy, chén là chén, và ý chỉ của Đức Chúa Trời là ý chỉ của Đức Chúa Trời; hai điều ấy chưa trở thành một. Chén có thể thay đổi, nhưng ý chỉ của Đức Chúa Trời không bao giờ có thể thay đổi. Chúa cầu xin để biết chén có thể qua khỏi [Ngài] hay không. Nhưng Ngài không cầu xin tránh khỏi ý chỉ của Đức Chúa Trời. Chén có thể qua khỏi, nhưng Ngài tuyệt đối phải thi hành ý chỉ của Đức Chúa Trời. Chén không phải là một điều thiết yếu, không phải là điều còn mãi, mà chỉ là thứ yếu. Nếu chén không phải là ý chỉ của Đức Chúa Trời thì Ngài sẵn lòng để nó qua khỏi. Nhưng nếu chén ấy là ý chỉ của Đức Chúa Trời thì Ngài sẽ uống nó. Thái độ của Chúa thật rõ ràng. Nếu ý chỉ của Đức Chúa Trời là tôi uống chén này thì tôi sẽ uống. Nếu ý chỉ Ngài là tôi không uống chén này thì tôi sẽ không uống. Lời của Ngài thật sự thúc đẩy chúng ta thờ phượng. Ngài không bao giờ có thể đảo ngược thứ tự của lời Ngài. Nếu Ngài cầu nguyện theo thứ tự ngược lại thì sai trật rồi. Nói cách khác, điều Ngài nhất quyết theo đuổi tại khu vườn ấy là nhận biết chén có phải là ý chỉ của Đức Chúa Trời hay không. Trước khi chén và ý chỉ của Đức Chúa Trời trở thành một, Chúa có thể cầu nguyện như vậy. Thật ra, Ngài cầu nguyện như vậy ba lần (c. 44). Nhưng khi biết rằng chén và ý chỉ của Đức Chúa Trời là một, Ngài nói với Phi-e-rơ ở ngoài khu vườn ấy rằng: “Chén mà Cha đã ban cho Ta, Ta sẽ không uống sao?” (Giăng 18:11). Trong khu vườn ấy Ngài có thể xin chén được cất đi, vì chén và ý chỉ của Đức Chúa Trời chưa trở thành một. Ngoài khu vườn ấy, chén và ý chỉ của Đức Chúa Trời là một. Vào thời điểm ấy, chén đã trở nên khác; đó là điều đến từ Cha. Đó là lý do tại sao Chúa nói : “Chén mà Cha đã ban cho Ta, Ta sẽ không uống sao?”

Tại đây, chúng ta tìm thấy bài học thuộc linh sâu xa nhất. Chúa không hấp tấp thậm chí khi Ngài sắp đến thập tự giá. Ngài chỉ muốn thi hành ý chỉ của Đức Chúa Trời. Ngài không chuyên chú vào sự đóng đinh. Tuy sự đóng đinh của Ngài thật trọng yếu, nhưng nó không thể thay thế ý chỉ của Đức Chúa Trời. Mặc dầu sự đóng đinh của Chúa là điều tối quan trọng, Ngài vẫn ở dưới ý chỉ của Đức Chúa Trời. Tuy Chúa đến để trở nên của tế lễ vãn hồi cho tội lỗi của nhiều người, và tuy Ngài đến cốt để bị đóng đinh cho nhiều người, nhưng thập tự giá không bao giờ có thể vượt qua ý chỉ của Đức Chúa Trời. Ngài không đến thập tự giá chỉ vì thập tự giá hữu ích và cần thiết đối với sự cứu rỗi của loài người. Ngài không đến vì sự đóng đinh mà để thực hiện ý chỉ của Đức Chúa Trời. Ngài đến thập tự giá chỉ sau khi Ngài nhận biết ý chỉ của Đức Chúa Trời là thập tự giá. Ngài đến thập tự giá vì một lý do đơn giản – đó là ý chỉ của Đức Chúa Trời. Ngài không bị đóng đinh chỉ vì sự đóng đinh. Ý chỉ của Đức Chúa Trời cao hơn thập tự giá. Vậy nên, sự đóng đinh của Chúa không chỉ là vấn đề thập tự giá mà còn là vấn đề thực hiện ý chỉ của Đức Chúa Trời. Ngài đến thập tự giá vì Cha muốn sự đóng đinh.

Chúng ta có thể nhận thấy rằng chén là không cần thiết, có thể bỏ qua, nhưng ý chỉ của Đức Chúa Trời thì tất yếu. Chúa không cầu xin ý chỉ của Đức Chúa Trời cất khỏi mình. Ngài không có mối liên hệ trực tiếp với thập tự giá; đó chỉ là mối liên hệ gián tiếp. Mối liên hệ trực tiếp của Ngài là với ý chỉ của Đức Chúa Trời. Đó là lý do tại sao trong vườn Ghết-sê-ma-nê Ngài cầu nguyện để chén được cất khỏi Ngài. Ngài muốn bước đi trong ý chỉ của Đức Chúa Trời. Ngài chọn ý chỉ của Đức Chúa Trời chứ không chọn thập tự giá. Vậy, chén của Chúa cho thấy Ngài thuận phục uy quyền tối cao của Đức Chúa Trời. Ngài tự sấp mình xuống để chọn ý chỉ của Đức Chúa Trời, và mong muốn duy nhất của Ngài là thi hành ý chỉ của Đức Chúa Trời. Đó là lý do tại sao Ngài hỏi Gia-cơ và Giăng: “Các ngươi có thể uống nổi chén Ta uống không?” (Mác 10:38). Nói cách khác, Ngài hỏi rằng họ có thể tự sấp mình xuống để chọn ý chỉ của Đức Chúa Trời cũng như Ngài tự sấp mình xuống trước mặt Đức Chúa Trời để chọn ý chỉ của Ngài hay không.

Điều này cũng giống như việc Áp-ra-ham dâng Y-sác lên mà tôi đã bàn đến trước đây. Cuối cùng, Áp-ra-ham nhận lại Y-sác. Có lẽ nhiều người đã dâng Y-sác của mình. Khi được yêu cầu lấy lại Y-sác thì họ có nan đề. Đối với họ, dường như đó là hành động làm mất thể diện. Nhiều người gắn bó trực tiếp với sự dâng mình của họ. Những người khác gắn bó trực tiếp với sự chịu khổ. Còn những người khác nữa gắn bó trực tiếp với công tác của họ. Nhưng chúng ta cần phải trực tiếp tự gắn bó vào một điều duy nhất, đó là ý chỉ của Đức Chúa Trời. Uống chén của Chúa có nghĩa là chúng ta không nên gắn bó trực tiếp vào bất cứ điều gì. Nếu một cái chén nào không phải là ý chỉ của Đức Chúa Trời thì chúng ta đừng tiếp nhận chén ấy. Mặc dầu mọi người đều biết Chúa đang đi đến thập tự giá, vào giờ phút cuối cùng Ngài vẫn cầu nguyện để biết thập tự giá có phải là ý chỉ của Đức Chúa Trời hay không. Mọi sự đều tùy thuộc vào ý chỉ của Đức Chúa Trời chứ không tùy thuộc vào chúng ta. Nhiều người công tác chỉ vì chính công tác. Một khi nhận lấy một công tác nào thì họ không thể nhận lấy bất cứ điều gì cả. Họ bị dính chặt vào công tác của mình và chìm đắm trong công tác ấy. Họ không còn thời giờ để xem xét ý chỉ của Đức Chúa Trời nữa. Họ khăng khăng nắm lấy công tác của mình cho đến cuối cùng. Đó không phải là công tác vì ý chỉ của Đức Chúa Trời mà công tác vì công tác. Chúa tuyệt đối vì ý chỉ của Đức Chúa Trời đến nỗi thậm chí Ngài có thể từ bỏ thập tự giá. Khi hiểu ý chỉ của Đức Chúa Trời là thập tự giá, Ngài tiếp nhận điều đó mà không xét gì đến sự đau đớn. Uống chén có nghĩa là từ bỏ ý chỉ riêng của mình và thuận theo ý chỉ của Đức Chúa Trời. Chúa hỏi các môn đồ rằng họ có thể thuận theo ý chỉ của Đức Chúa Trời như Ngài đã thuận theo ý chỉ của Đức Chúa Trời hay không. Đó là chén của Chúa. Nếu một người muốn gần gũi Chúa hay nhận được vinh quang, thì người ấy phải vâng phục ý chỉ của Đức Chúa Trời.

Vâng phục ý chỉ của Đức Chúa Trời là vấn đề quan trọng. Đó là một vấn đề lớn lao. Nếu một người có thể nói thao thao rằng mình vâng phục ý chỉ của Đức Chúa Trời, thì có thể người ấy chưa nhìn thấy tầm quan trọng lớn lao của ý chỉ của Đức Chúa Trời. Vâng phục ý chỉ của Đức Chúa Trời có nghĩa là liên hệ trực tiếp đến ý chỉ của Ngài. Mọi sự khác đều có thể thay đổi. Thậm chí thập tự giá, là chén thạnh nộ của Đức Chúa Trời, cũng có thể thay đổi. Nhưng ý chỉ của Đức Chúa Trời không bao giờ có thể thay đổi. Con người phải mãi mãi thuận phục uy quyền của Đức Chúa Trời rồi mới có thể vâng phục ý chỉ của Đức Chúa Trời. Khi đọc lời cầu nguyện tại Ghết-sê-ma-nê, chúng ta phải chạm đến linh ấy. Vườn Ghết-sê-ma-nê nói lên cao điểm sự thuận phục của Chúa khi Ngài ở trên đất. Ngài đã không áp đặt ý chỉ của Đức Chúa Trời vào chén ấy. Đây là một nguyên tắc sâu nhiệm. Ý chỉ của Đức Chúa Trời là đối tượng để Ngài thuận phục, còn chén của Đức Chúa Trời không phải là đối tượng. Từ ngày đầu tiên đến ngày cuối cùng, Đấng Christ trung thành cách kiên định đối với ý chỉ của Đức Chúa Trời. Ngài hoàn toàn vâng phục ý chỉ của Đức Chúa Trời cho đến cuối cùng. Đối với Ngài, vấn đề này quan trọng hơn bất cứ điều nào khác. Tôi tin rằng kinh nghiệm của Chúa tại vườn Ghết-sê-ma-nê khi còn ở trên đất là khải thị sâu nhiệm nhất. Chúng ta phải biết chính Đấng Christ qua một kinh nghiêm sâu xa như vậy. Mãi đến một vài giờ trước khi [lên] thập tự giá, Ngài vẫn chưa dấn thân vào công tác thập tự giá; Ngài chỉ dấn thân vào việc vâng phục ý chỉ của Đức Chúa Trời. Vậy, sự kêu gọi cao nhất không phải là công tác, sự chịu khổ hay thập tự giá, mà là ý chỉ của Đức Chúa Trời. Đó là lý do tại sao Chúa hỏi Gia-cơ và Giăng rằng “Các ngươi có thể uống được chén Ta uống không?” Dường như Chúa muốn nói: “Nếu người nào muốn đến gần Ta và nhận lấy một địa vị trong vinh quang cao hơn những con cái khác của Đức Chúa Trời, thì người ấy phải như Ta, thuận phục ý chỉ của Đức Chúa Trời và nhận lấy ý chỉ ấy làm mục tiêu duy nhất. Chỉ những người như vậy mới có thể đến gần Ta và ngồi bên phải và bên trái Ta”. Chúng ta có thể gần gũi Chúa và có thể ngồi bên phải và bên trái Ngài hay không tùy thuộc vào sự kiện chúng ta có thể uống chén của Ngài hay không, đó là dâng lên [Ngài] sự vâng phục hoàn toàn đối với ý chỉ của Ngài.

BÁP-TÊM CỦA CHÚA LÀ GÌ?

Báp-têm của Chúa là gì? Báp-têm được Chúa nói đến rõ ràng không phải là báp-têm dưới sông Giô-đanh, vì sự kiện ấy đã qua rồi. Báp-têm mà Chúa sắp trải qua thì gần đến, chỉ về sự chết của Ngài trên thập tự giá. Trong Lu-ca 12:50, Chúa nói: “Nhưng có một báp-têm Ta phải chịu, Ta bị đè nén biết bao cho đến chừng nào được thành tựu!” Trong tác phẩm Sự Giải Phóng của Chúa, Aus tin-Sparks nói rằng điều này chỉ về việc Chúa mong muốn giải phóng chính mình. Chúa mong muốn giải phóng chính mình. Chữ bị đè nén có nghĩa là bị tù túng hay bị giới hạn. Đấng Christ có một thân thể được biệt thánh mà trong đó bao gồm mọi sự phong phú của Đức Chúa Trời. Nhưng sự phong phú vinh hiển như vậy bị xác thịt kiềm hãm, và Ngài bị giới hạn và tù túng biết bao! Nếu sự phong phú ấy được giải phóng ra thì tuyệt diệu biết bao! Một mặt, thập tự giá là để cứu chuộc tội lỗi. Mặt khác, thập tự giá là để giải phóng sự sống. Đức Chúa Trời giải phóng sự sống của Ngài qua thập tự giá. Chúa mong mỏi sự sống ấy được giải phóng. Tuy nhiên, trước khi chịu đóng đinh, sự sống ấy bị giới hạn ở trong Ngài. Vậy nên, ý nghĩa cơ bản và chính yếu của báp-têm ấy là giải phóng sự sống.

Sau đó, Chúa nói rằng một khi sự sống của Đức Chúa Trời được giải phóng thì sự sống ấy sẽ nhen cháy lên như lửa ở trên đất. Kết quả của báp-têm ấy sẽ là gì? Kết quả là một điều gì giống như lửa, một điều gì đem đến sự chia rẽ thay vì hòa bình trên đất (c. 51). Một khi lửa chạm đến một vật gì đó thì vật đó bốc cháy. Từ thời điểm ấy trở đi, nhà này chống lại nhà kia, các tín đồ sẽ chống lại những người vô tín, những người có sự sống sẽ chống lại những người không có sự sống, và những người có lửa sẽ chống lại những người không có lửa. Đó là ý nghĩa của việc chịu báp-têm bằng báp-têm của Chúa. Một khi sự sống được giải phóng, được buông ra và tuôn đổ thì sẽ có sự chia rẽ. Bất cứ nơi nào sự sống này đến, sự sống ấy sẽ không đem lại hòa bình mà đem lại tình trạng xung đột. Một số người biết Chúa và một số người không biết Chúa, và sẽ có xung đột. Một khi sự sống vào nhà nào thì trong nhà ấy sẽ có xung đột. Những người đã trải qua báp-têm ấy lập tức sẽ được tách khỏi những người chưa trải qua báp-têm ấy. Chúa đang nói rằng: “Ta sẽ đi đến thập tự giá để giải phóng sự sống Ta. Điều này sẽ mang lại xung đột. Các ngươi có thể chịu nổi điều này không? Các ngươi có thích điều này không?” Trước hết có sự chết rồi có sự giải phóng sự sống. Đó là báp-têm. Kết quả của báp-têm là chia rẽ. Những người chết không thể xung đột với nhau; chỉ những người có sự sống mới có thể xung đột. Lời của Chúa chỉ về sự kiện sự chết hành động trong chúng ta và sự sống hành động trong những người khác (2 Cô. 4:12). Báp-têm của Chúa là cất đi cái vỏ ở bên ngoài và giải phóng sự sống của Ngài nhờ sự chết. Ngày nay, đó là những gì chúng ta đang theo đuổi. Chúng ta phải phá vỡ cái vỏ ở bên ngoài rồi sự sống ở bên trong chúng ta mới có thể tuôn ra.

Khi chúng tôi ở tại Custom Lane [Lời chú thích của người dịch: Ở Phúc Châu tại chân núi Kuling], tôi nêu lên rằng sự sống không thể giải phóng trừ phi trước hết con người bề ngoài bị phá vỡ. Con người bề ngoài của chúng ta đã kìm hãm sự sống của Ngài và ngăn sự sống ấy lại không cho tuôn ra. Chúng ta phải nhận thức rằng nếu người bề ngoài chưa được phá vỡ thì sự sống không thể tuôn ra. Một khi cái vỏ bên ngoài của một người được phá vỡ thì người ấy trở nên rất dễ gần gũi và sự sống dễ dàng tuôn ra. Nếu không thì sự sống bị giam cầm; linh của con người không được giải phóng, và sự sống không tự do tuôn chảy. Giảng giải 2 Cô-rin-tô 4:12 là một việc. Làm cho người khác chạm đến sự sống là một việc hoàn toàn khác. Nhiều người nghĩ câu này chỉ là giáo điều. Tôi xin lặp lại: Nếu người bề ngoài của anh em không bị phá vỡ, thì không có sự sống nào tuôn ra. Một khi cái vỏ bên ngoài của một người được phá vỡ thì người ấy trở nên rất gần gũi. Điều này cũng giống như một hạt lúa mì rơi vào lòng đất; sự sống ở bên trong bộc phát khỏi lớp vỏ của nó và tự phát mọc ra từ khe nứt ấy. Đây là điều Chúa nói trong Giăng 12:24: “Hạt lúa mì nếu không rơi xuống đất và chết đi, thì cứ ở một mình; nhưng nếu chết đi, thì kết quả nhiều”. Khi một hạt lúa mì rơi xuống đất, cái vỏ vỡ ra, và sự sống tuôn ra. Ngay sau đó, Chúa nói: “Ai yêu sự sống hồn của mình thì mất nó, ai ghét sự sống hồn của mình trong thế giới này, sẽ giữ nó đến sự sống đời đời. Nếu ai hầu việc Ta, người ấy hãy theo Ta; Ta ở đâu, đầy tớ Ta cũng sẽ ở đó; nếu ai hầu việc Ta, Cha Ta sẽ tôn trọng người ấy” (cc. 25-26). Nếu ai muốn giữ lại “cái vỏ” của mình thì người ấy sẽ không thể tuôn sự sống ra. Ngay khi một người mất đi cái vỏ của mình thì người ấy sẽ kết quả nhiều.

Có hai phương diện về thập tự giá – phương diện cứu chuộc và phương diện giải phóng sự sống. Trong Mác 10:35-45, Chúa không nói về sự chết của Ngài; Ngài chỉ đề cập đến báp-têm của Ngài, vì Ngài không muốn những người khác nghĩ rằng Gia-cơ và Giăng có thể tham dự vào công tác cứu chuộc của Ngài. Công tác cứu chuộc được hoàn thành chỉ bởi Đấng Christ là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của chúng ta; không ai khác có thể dự phần vào hay làm bất cứ điều gì cho công tác ấy. Nói đến sự cứu chuộc thì chúng ta không có phần trong sự chết của Chúa trên thập tự giá. Nhưng chúng ta có phần trong sự giải phóng sự sống của Ngài. Đó là lý do tại sao khi nói đến thập tự giá, Chúa chỉ nêu lên phương diện của sự chết liên quan đến báp-têm của Ngài. Sự chết ấy liên quan đến sự giải phóng sự sống của Ngài chứ không liên quan gì đến sự cứu chuộc cả. Chúa phán rằng Ngài sắp trải qua một báp-têm. Điều này có nghĩa là cái vỏ bề ngoài của Ngài sẽ bị vỡ ra và sự sống sẽ được giải phóng, cũng như một hạt lúa mì phá vỡ cái vỏ của nó và kết quả nhiều. Một người chịu báp-têm bằng báp-têm của Chúa có nghĩa là người ấy bị phá vỡ và bị đánh hạ trước mặt Chúa và sự sống được tuôn ra. Nếu người bề ngoài chưa được phá vỡ thì sự sống của Chúa rất khó tuôn ra. Có thể anh em có sự sống ở bên trong mình, nhưng sự sống ấy không thể tuôn ra. Anh em có thể ngồi rất gần một người khác, nhưng sự sống ở bên trong anh em không thể tuôn ra hay chạm đến người ấy.

Kết quả của báp-têm ấy là lửa và chia rẽ. Một khi sự sống ấy tuôn ra thì trên đất không còn hòa bình, mà thay vào đó sẽ có chia rẽ. Nhiều người bị sự sống ấy chia rẽ. Có sự khác biệt lớn giữa những người bước theo Chúa và những người không bước theo Chúa. Cũng có sự khác biệt lớn giữa những người thuộc về Chúa với những người không thuộc về Ngài. Ngay khi một người chạm đến sự sống của Đấng Christ thì người ấy sẽ theo một con đường khác. Có nhiều sự xung đột giữa những người có Chúa và những người không có Chúa, giữa những người biết Đức Chúa Trời và những người không biết Đức Chúa Trời, giữa những người trả giá và những người không trả giá, giữa những người trung tín và những người không trung tín, và giữa những người chấp nhận thử thách với những người không chấp nhận thử thách. Dường như Chúa muốn nói rằng: “Các ngươi có bằng lòng chịu hậu quả của việc nhận lấy báp-têm của Ta không? Các ngươi muốn ở bên phải và bên trái Ta; các ngươi muốn khác biệt. Nhưng các ngươi có bằng lòng chịu hậu quả của việc nhận lấy báp-têm của Ta và trở nên khác với những con cái khác của Đức Chúa Trời ngày nay không? Để ngồi bên phải và bên trái Chúa và có một địa vị vinh hiển, chúng ta phải uống chén của Ngài và chịu báp-têm bằng báp-têm của Ngài, điều này có nghĩa là chúng ta phải thừa nhận ý chỉ của Đức Chúa Trời vượt trên mọi sự, phải phá vỡ cái vỏ bên ngoài, và tuôn sự sống ra. Chỉ những người như vậy mới biết ý nghĩa của việc ngồi bên phải và bên trái Chúa. Đó là con đường của Cơ Đốc nhân.

Trên thực tế, lời Chúa nói với Gia-cơ và Giăng là: “Trước hết các ngươi phải uống chén của Ta và trải qua báp-têm của Ta rồi mới có thể ngồi bên phải và bên trái Ta trong vinh quang. Các ngươi có thể uống chén ấy và có thể chịu báp-têm bằng sự báp-têm ấy không?” Họ đáp: “Có thể chịu được” (10:39). Hai người ấy đòi hỏi Chúa, nhưng không biết lời thỉnh cầu của mình nghiêm trọng thế nào. Họ không phải là những người duy nhất; tất cả dòng dõi A-đam đều như vậy. Chúa giải thích kỹ các điều kiện, và họ đáp là mình có thể làm được. Chúa cho họ biết sự kiện rằng ngồi bên phải và bên trái Ngài đòi hỏi họ phải uống chén Ngài và chịu báp-têm bằng báp-têm của Ngài. Nhưng thậm chí khi nói điều ấy, Ngài vẫn không hứa cho họ ngồi bên phải và bên trái Ngài. Ngài có ý muốn nói rằng nếu một người không uống chén Ngài và không chịu báp-têm bằng báp-têm của Ngài thì chắc chắn người ấy sẽ không thể ngồi bên phải hay bên trái Ngài. Nhưng cho dầu uống chén Ngài và trải qua báp-têm của Ngài, họ vẫn có thể không được ngồi bên phải hay bên trái Ngài, vì vinh dự ấy tùy thuộc vào sự sắp đặt của Cha (c. 40). Nếu một người không uống chén của Chúa và không chịu báp-têm bằng báp-têm của Ngài thì chắc chắn người ấy sẽ không thể ngồi bên phải hay bên trái Ngài. Nhưng cho dầu có uống chén Ngài và chịu báp-têm của Ngài, họ có lẽ vẫn không được ngồi bên phải hay bên trái Ngài. Những người không uống chén của Chúa và không chịu báp-têm bằng báp-têm của Chúa chắc chắn không được ngồi bên phải hay bên trái Ngài. Nhưng những người uống chén Ngài và chịu báp-têm bằng báp-têm của Ngài không nhất thiết có thể ngồi bên phải hay bên trái Ngài. Có lẽ Gia-cơ và Giăng muốn hỏi rằng: “Thế thì chúng tôi còn có thể nói gì được nữa?” Nếu một người không uống chén và chấp nhận báp-têm thì chắc chắn là người ấy không đủ tư cách. Và nếu một người uống chén ấy và chịu báp-têm ấy thì có thể người ấy đủ tư cách, nhưng điều đó vẫn tùy thuộc sự sắp đặt của Đức Chúa Trời. Trong lời thỉnh cầu của mình, Gia-cơ và Giăng có thể nhắm trật trọng tâm, nhưng khi trả lời, Chúa không thể không chính xác. Nếu Chúa ban cho Gia-cơ và Giăng chỗ ngồi bên phải và bên trái Ngài, thì trong suốt hai ngàn năm lịch sử của hội thánh, hai chỗ ngồi ấy đã không còn nữa. Có thể những chỗ khác vẫn còn trống, nhưng hai chỗ ấy thì đã bị hai người đó chiếm rồi; chúng trở thành hai chỗ dành riêng cho hai môn đồ ấy, và những người khác hẳn đã nản lòng khi bước đi trên con đường của Chúa. Chúa không đáp lời yêu cầu của họ, và hai chỗ ấy vẫn còn trống. Vài người giữa chúng ta có thể vẫn còn cơ hội để chiếm hai chỗ ấy. Vì vậy, bài học này vẫn áp dụng cho chúng ta. Nhưng điểm chính của phân đoạn này không nằm trong những lời bàn luận đi trước mà trong những điều đề cập sau đó.

MỘT UY QUYỀN KHÔNG THỐNG TRỊ HAY ĐIỀU KHIỂN, MÀ TỰ HẠ MÌNH ĐỂ PHỤC VỤ

Ngay sau đó, Chúa bàn về uy quyền. Câu 41 nói rằng khi mười môn đồ khác nghe nói về lời thỉnh cầu của Gia-cơ và Giăng thì phẫn nộ. Dường như Gia-cơ và Giăng âm thầm xin Chúa, nhưng về sau mười môn đồ kia khám phá ra. Sau đó, Chúa dạy dỗ họ. Đây là chủ đề của trọn phân đoạn. Ngài họp các môn đồ lại và dạy họ những điều liên quan đến vinh quang trong tương lai. Ngài nói: “Các ngươi biết rằng những người được tôn cai trị dân Ngoại bang đều chủ trị họ, và các quan lớn thì cầm quyền trên họ. Tuy nhiên giữa vòng các ngươi thì không phải như vậy; nhưng bất cứ ai muốn làm lớn giữa vòng các ngươi, thì phải làm đầy tớ của các ngươi; còn bất cứ ai trong các ngươi muốn làm đầu, thì phải làm nô lệ mọi người. Vì ngay cả Con Loài Người đã đến không phải để được phục vụ, bèn để phục vụ, và phó mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người” (cc. 42-45). Câu hỏi của hai môn đồ dẫn đến cuộc thảo luận về uy quyền. Chúa nói với họ rằng vấn đề này không nằm trong tương lai mà là ngay hiện tại. Tinh thần của chủ đề này không những được áp dụng cho vinh quang trong tương lai mà còn áp dụng cho ngày nay. Chúa giới thiệu tinh thần ấy sẽ được áp dụng từ ngày đó cho đến hiện tại. Đây là hai người muốn ngồi trên ngai để cai trị những người khác. Chúa cho họ thấy giữa vòng dân Ngoại bang, có những người được tôn lên làm những người cai trị và các quan lớn thì chủ trị họ. Giữa vòng dân Ngoại bang có sự khao khát quyền hành. Con người thích được làm vua; họ thích cai trị người khác hay làm một nhân vật vĩ đại để điều khiển người khác. Nhưng giữa vòng chúng ta thì không như vậy. Một số người giữa vòng chúng ta theo đuổi vinh quang trong tương lai thì thật tốt đẹp, nhưng những người như vậy không nên có ý tưởng chủ trị con cái của Đức Chúa Trời ngày nay. Họ không nên có ý tưởng điều khiển hay cai trị người khác.

Con người muốn ngồi bên phải hay bên trái Chúa thì không có gì sai trật cả. Nhưng giữa vòng con cái Đức Chúa Trời đừng tranh giành để đoạt lấy uy thế. Không nên có ý tưởng tranh giành quyền lực hay ý định điều khiển những người khác. Nếu làm như vậy thì chúng ta sẽ bị rơi vào tình trạng giống như dân Ngoại bang. Không gì khó coi hơn việc một người tranh giành uy quyền. Điều xấu xa nhất là một người cố gắng điều khiển người khác một cách công khai. Tham vọng làm uy quyền hay làm một nhân vật vĩ đại là tinh thần thuộc về người Ngoại bang. Chúng ta cần phải xua đuổi tinh thần ấy ra khỏi hội thánh. Chúa chỉ có thể dùng những người biết chén của Ngài và tự nguyện chịu báp-têm bằng báp-têm của Ngài. Nếu uống chén Ngài và nhận lấy báp-têm của Ngài thì tự phát uy quyền sẽ thuộc về chúng ta. Đó là đường lối đã được Đức Chúa Trời chỉ định, là gốc rễ của mọi sự. Nếu không nhận lấy con đường này mà cố gắng đạt đến mục tiêu của mình, hay nếu không có gốc rễ mà cố gắng sinh ra trái, thì chúng ta sẽ cố gắng một cách vô ích. Chúng ta phải hiểu biết ý chỉ của Đức Chúa Trời một cách dư dật và phải chấp nhận mọi sự phá vỡ để sự sống ở bên trong có thể được tuôn ra. Địa vị của chúng ta trước mặt Chúa tùy thuộc vào sự sắp đặt của Đức Chúa Trời. Nếu người nào muốn trèo cao hơn những con cái khác của Đức Chúa Trời, hay nếu người nào muốn điều khiển và cai trị, thì tôi xin nói rằng một người như vậy trên thực tế là người Ngoại bang. Trước hết chúng ta phải xua đuổi tinh thần Ngoại bang ấy khỏi giữa vòng mình. Chúng ta không nên khoan dung tinh thần của dân Ngoại bang giữa vòng mình. Chúng ta theo đuổi tìm kiếm những người Đức Chúa Trời có thể sử dụng chứ không phải những người có thể cai trị người khác. Tinh thần Ngoại bang như vậy phải được triệt để gột sạch khỏi chúng ta rồi chúng ta mới có thể xuống núi giúp đỡ người khác hay quản lý công việc [Chúa].

Một người càng muốn làm uy quyền hay làm một nhân vật vĩ đại thì chúng ta càng không thể giao thác uy quyền cho người ấy. Đức Chúa Trời không bao giờ ban uy quyền cho những người muốn làm uy quyền của Ngài. Một người càng có nhiều tinh thần Ngoại bang thì Đức Chúa Trời càng ít dùng người ấy. Tôi hi vọng không ai trong chúng ta là những chính khách, lôi kéo, điều khiển và ngăn chặn người khác, trong khi chỉ để chính mình làm người ban hành sắc lệnh. Chúng ta không thể làm như vậy. Một người càng nhận thấy những nhược điểm của mình thì Đức Chúa Trời sẽ càng ban cho người ấy uy quyền. Vì đó là cách Chúa tuyển chọn con người nên đó cũng là con đường chúng ta cần phải theo. Chúng ta đừng bao giờ làm một chính khách và đừng bao giờ hành động theo kiểu làm chính trị. Đừng bao giờ nói rằng: “Nếu chúng ta không cho người này địa vị nào đó thì người ấy sẽ nổi loạn chống lại chúng ta”. Chúng ta không thể đối xử với những người khác như vậy. Trong nhà của Đức Chúa Trời, chúng ta chỉ có thể đi con đường thuộc linh theo nguyên tắc thuộc linh; chúng ta không thể dùng phương cách của các chính khách. Tôi hi vọng anh em sẽ trung tín. Anh em cần phải có thái độ khiêm hòa và mềm mại, nhưng phải trung tín trước mặt Chúa. Một người chỉ có thể được Đức Chúa Trời sử dụng sau khi đã phủ phục trước mặt Ngài. Khi một người còn đứng ngạo nghễ, Đức Chúa Trời không bao giờ có thể dùng người ấy.

Trong câu 42 và 43, Chúa nói rằng dân Ngoại bang có những người lãnh đạo và nhân vật vĩ đại cai trị họ, nhưng “giữa vòng các ngươi thì không phải như vậy đâu”. Tôi thích nhóm chữ giữa vòng các ngươi. Điều này có nghĩa là đối với vấn đề uy quyền có một sự khác biệt lớn giữa dân Ngoại bang và hội thánh. Nếu không cẩn thận đối với vấn đề này thì chúng ta sẽ không có cách nào tiến lên trong hội thánh. Dân Ngoại bang cai trị theo địa vị, nhưng hội thánh phục vụ theo sự sống thuộc linh của mình. Một khi hội thánh tiêm nhiễm cách thực hành ấy của dân Ngoại bang thì hội thánh sẽ bị hủy hoại. Hội thánh phải duy trì một bức tường ngăn cách nghiêm ngặt giữa mình và dân Ngoại bang. Giữa vòng dân Ngoại bang, người ta chỉ nhìn thấy sự tranh giành quyền lực. Giữa vòng chúng ta, ai càng nghĩ mình là uy quyền thì càng không đủ tư cách làm uy quyền. Người nào càng nghĩ mình có đủ tư cách thì người ấy càng không đủ tư cách. Chúng ta cần phải luôn luôn duy trì thái độ như vậy giữa vòng chúng ta.

AI MUỐN LÀM LỚN SẼ PHẢI LÀM ĐẦY TỚ, VÀ AI MUỐN LÀM ĐẦU SẼ PHẢI LÀM NÔ LỆ

Chúa dùng nhóm chữ giữa vòng các ngươi ba lần. Ngày nay, Chúa đang thiết lập uy quyền trong hội thánh. Những người làm lớn trong hội thánh, tức những người được Chúa lập làm những người quan trọng, thật ra là đầy tớ và nô lệ của mọi người. Người nào muốn làm lớn sẽ phải là đầy tớ của mọi người, và người nào muốn làm đầu sẽ phải là nô lệ của mọi người. Đó là uy quyền trong hội thánh. Ở đây, chúng ta nhận thấy để được Đức Chúa Trời chỉ định làm uy quyền thì một người phải đáp ứng hai đòi hỏi lớn. Thứ nhất là cần uống chén – tuyệt đối vâng phục ý chỉ của Đức Chúa Trời – và chấp nhận báp-têm – chấp nhận sự chết để tuôn ra sự sống. Thứ hai là không nên có tham vọng về quyền hành. Người ấy chỉ nên làm đầy tớ và nô lệ của mọi người. Một mặt, người ấy cần phải có nền tảng thuộc linh, cần phải tôn trọng ý chỉ của Đức Chúa Trời là điều chủ yếu và cao trọng nhất giữa mọi điều và cần phải tuôn ra sự sống của Chúa. Mặt khác, người ấy phải khiêm nhường, nghĩa là không quan tâm đến việc mình có uy quyền giữa vòng các anh chị em và thỏa lòng đối với việc mình làm đầy tớ và nô lệ. Đức Chúa Trời chỉ có thể sử dụng những người như vậy làm uy quyền của Ngài. Tất cả những người sẵn lòng làm đầy tớ sẽ được Chúa chỉ định làm lớn, và sẽ được giao cho uy quyền. Tất cả những người tự nguyện làm nô lệ, tức những người có lòng phục vụ các anh chị em khác, sẽ được Chúa chỉ định làm đầu. Nói cách khác, về một mặt một người phải có nền tảng thuộc linh, và về mặt khác phải có một thái độ và quan điểm đúng đắn đối với uy quyền. Người ấy phải hoàn toàn không khao khát uy quyền. Chỉ những người như vậy mới có thể làm uy quyền của Đức Chúa Trời.

Tôi đã thành thật trình bày hai điểm này trước mặt anh em. Nếu anh em không có được điểm thứ nhất, tức nền tảng thuộc linh, thì anh em có sở hữu điểm thứ hai là tính khiêm nhường cũng vô dụng. Cho dầu trở nên rất khiêm nhường, anh em vẫn vô dụng. Khi Chúa trả lời Gia-cơ và Giăng, thì trước hết Ngài bàn về tiêu chuẩn thứ nhất. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là một người sẽ được ngồi bên phải hay bên trái Chúa sau khi người ấy có một nền tảng thuộc linh. Chúa nói rằng điều ấy sẽ được ban cho bất cứ người nào Đức Chúa Trời muốn. Sau tiêu chuẩn thứ nhất thì cần đến điều kiện thứ hai, đó là làm đầy tớ và nô lệ giữa vòng các anh chị em. Những người đáp ứng hai điều kiện này, tự nhận thấy mình là những người không thích hợp và bất năng, là những người có đủ tư cách làm uy quyền. Chúa đang theo đuổi những người tự xem mình là những con người không đủ điều kiện, những đầy tớ và nô lệ không xứng đáng. Chúa nói rằng những người như vậy có thể làm những người quan trọng và đứng đầu. Để làm uy quyền, một người phải uống chén và tiếp nhận báp-têm. Nếu không thì mọi sự đều sẽ hư không. Nhưng ngoài điều này ra, người ấy cũng phải thật sự khiêm nhường, tự xem mình chỉ xứng đáng làm một đầy tớ (không những trong lời nói mà còn trong cảm nhận bên trong). Chúa nói rằng một người như vậy có thể làm lớn. Chúng tôi sợ loại khiêm nhường chỉ ở đầu môi chót lưỡi. Khiêm nhường phải là điều phát xuất từ tấm lòng.

Để làm một uy quyền đại diện, chúng ta phải đáp ứng điều kiện thuộc linh cũng như cần có sự khiêm nhường. Điều kiện để làm uy quyền căn cứ vào việc một người ý thức về sự bất năng và không xứng hợp của mình. Một điều chắc chắn là không người nào Đức Chúa Trời dùng trong Cựu Ước cũng như Tân Ước lại kiêu ngạo. Tôi có thể nói thẳng với anh em rằng hễ một người trở nên kiêu ngạo thì Đức Chúa Trời sẽ gạt người ấy sang một bên. Là một người công tác [cho Chúa] trên hai mươi năm, tôi chưa từng thấy một người kiêu ngạo nào được Chúa dùng. Cho dầu một người kiêu ngạo một chút ở nơi kín đáo, sớm muộn gì lời nói của người ấy cũng sẽ phơi bày người ấy ra, vì lời nói của một người luôn luôn bộc lộ tình trạng ẩn giấu của lòng người ấy. Thậm chí một người khiêm nhường cũng sẽ vô cùng kinh ngạc tại ngai phán xét. Tuy nhiên, sự kinh ngạc chờ đợi kẻ kiêu ngạo chắc chắn lớn hơn gấp mấy lần sự ngạc nhiên của người khiêm nhường! Chúng ta phải luôn luôn ý thức về sự vô dụng của mình, vì Đức Chúa Trời chỉ có thể dùng những nô lệ vô dụng. Chúng tôi không nói điều này để tỏ vẻ lịch sự. Chúng ta cần phải thành thật cảm thấy mình là những nô lệ vô dụng. Chúng ta có thể trông coi chiên hay cày ruộng, nhưng khi từ đồng ruộng trở về, chúng ta vẫn cần phải thừa nhận mình là những nô lệ vô dụng. Chúng ta cần phải luôn luôn đứng vào địa vị của một nô lệ (Lu. 17:10). Đức Chúa Trời không bao giờ giao thác uy quyền của Ngài cho người tự tin và quyết đoán. Chúng ta phải từ bỏ tính kiêu ngạo và học tập khiêm nhường và nhu mì. Chúng ta đừng tự biện hộ nhưng nên học tập biết chính mình và nhìn thấy nhiều điều từ quan điểm của Đức Chúa Trời.

Cuối cùng, Chúa phán: “Vì ngay cả Con Loài Người đã đến không phải để được phục vụ, bèn để phục vụ, và phó mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người” (Mác 10:45). Không phải Chúa đến để làm uy quyền mà để phục vụ. Một người càng có ít tham vọng và càng tự hạ mình trước mặt Chúa, thì theo cái nhìn của Đức Chúa Trời, người ấy càng hữu dụng. Một người càng đánh giá cao về mình và càng nghĩ là mình khác biệt so với những người khác, thì người ấy càng ít hữu dụng trong bàn tay của Chúa. Chúa mang hình thể của một nô lệ và trở nên một nô lệ cho mọi người. Ngài không bao giờ đoạt lấy uy quyền nào cả; mọi uy quyền của Ngài đều phát xuất từ Đức Chúa Trời. Chúa được nâng lên từ chỗ thấp hèn đến chỗ cao trọng. Đó là nguyên tắc của Ngài. Chúng ta đừng cố chiếm đoạt uy quyền xác thịt nào bằng đôi tay xác thịt. Chúng ta cần phải làm đầy tớ mọi người. Sau đó, khi Đức Chúa Trời phó thác một trách nhiệm nào đó cho chúng ta, chúng ta sẽ học tập đại diện cho Ngài. Nền tảng của uy quyền là chức vụ, và chỉ nơi nào có sự phục sinh mới có chức vụ. Khi một người có chức vụ, thì người ấy phục vụ, và khi một người phục vụ, thì người ấy có uy quyền. Nguyện Chúa giải cứu chúng ta khỏi những ý tưởng kiêu căng.

Một người cố gắng tiếm đoạt uy quyền của Đức Chúa Trời bằng bàn tay xác thịt của mình thì sẽ chịu sự phán xét khắc nghiệt! Chúng ta phải sợ uy quyền như sợ lửa địa ngục. Đại diện cho Đức Chúa Trời không phải là một vấn đề dễ dàng. Đó là một vấn đề rất lớn lao, là điều con người không thể thấu hiểu được, và là điều chúng ta không dám chạm đến bằng bàn tay của mình. Chúng ta cần phải đi theo con đường thẳng tắp trong sự vâng phục. Con đường của chúng ta là con đường vâng phục chứ không phải con đường uy quyền. Đó là vấn đề làm đầy tớ chứ không phải vấn đề trở nên vĩ nhân. Đó là vấn đề làm nô lệ chứ không phải vấn đề làm đầu. Môi-se và Đa-vít là những uy quyền vĩ đại, nhưng không ai trong họ xây dựng uy quyền riêng của mình. Đó cần phải là con đường của những người phục vụ với tư cách là uy quyền ngày nay. Chúng ta cần phải run rẩy với sự kính sợ trong khi thi hành uy quyền. Nguyện Chúa thương xót chúng ta.