CHƯƠNG MƯỜI HAI: LOẠI NGƯỜI ĐƯỢC ĐỨC CHÚA TRỜI DÙNG ĐỂ LÀM UY QUYỀN ĐẠI DIỆN CỦA NGÀI

Uy Quyền và Thuần Phục

Đăng vào: 11 tháng trước

.

CHƯƠNG MƯỜI HAI: LOẠI NGƯỜI ĐƯỢC ĐỨC CHÚA TRỜI DÙNG ĐỂ LÀM UY QUYỀN ĐẠI DIỆN CỦA NGÀI

THUẬN PHỤC UY QUYỀN ĐẠI DIỆN VÀ LÀM MỘT UY QUYỀN ĐẠI DIỆN

Con cái Đức Chúa Trời phải học tập để nhận biết uy quyền và tìm xem ai là người mình cần phải thuận phục. Hễ đến bất cứ nơi nào, điều đầu tiên chúng ta nên hỏi là mình cần phải ở dưới quyền của ai. Ngay khi chuyển đến một nơi nào đó thì chúng ta không nên trông mong được làm chủ bắt người khác thuận phục mình. Thay vào đó, chúng ta cần phải như viên đội trưởng, là người đã nói với Chúa Jesus rằng: “Vì tôi cũng là người ở dưới quyền [người khác], lại có binh lính dưới tôi nữa” (Mat. 8:9). Đây là một người thật sự biết uy quyền. Ông có thể thuận phục uy quyền; vì vậy, chính ông có thể làm uy quyền đại diện. Chúng tôi đã nói Đức Chúa Trời nâng đỡ và duy trì toàn thể vũ trụ bằng uy quyền của Ngài. Ngài cũng sinh ra con cái của Ngài bằng uy quyền của Ngài (Gi. 1:12) và gắn bó họ với nhau bằng uy quyền của Ngài. Vì vậy, nếu một người độc lập, có tính cá nhân chủ nghĩa và không lệ thuộc vào bất cứ uy quyền đại diện nào được Đức Chúa Trời chỉ định, thì người ấy là người ngoài đối với sự quản trị của Đức Chúa Trời trên toàn vũ trụ. Người ấy không thể hòa thuận với con cái khác của Đức Chúa Trời, và như vậy, người ấy không thể hoàn thành công việc của Đức Chúa Trời trên đất ngày nay. Đức Chúa Trời đã thiết lập uy quyền đại diện trong hội thánh; hội thánh được uy quyền của Đức Chúa Trời xây dựng và duy trì. Do đó, mọi con cái của Đức Chúa Trời nên tìm kiếm uy quyền mình cần phải thuận phục để có thể phối hợp với người khác một cách thích hợp. Đáng tiếc là nhiều người đã thất bại ở điểm này.

Nếu không biết đối tượng đức tin của mình thì chúng ta không thể tin gì cả. Nếu không biết đối tượng tình yêu của mình thì chúng ta không thể yêu ai cả. Nếu muốn một người tin điều gì thì trước hết chúng ta phải cho người ấy thấy đối tượng đức tin của người ấy. Nếu muốn một người yêu người nào thì trước hết chúng ta phải cho người ấy thấy đối tượng của tình yêu người ấy. Tương tự như vậy, nếu chúng ta không biết đối tượng để thuận phục thì chúng ta sẽ không biết cách thuận phục. Để hướng dẫn một người thuận phục, trước hết chúng ta phải cho người ấy biết cần phải thuận phục ai. Có nhiều uy quyền đại diện trong hội thánh mà chúng ta cần phải thuận phục. Khi thuận phục họ, chúng ta thuận phục Đức Chúa Trời. Nhiều người có thể giảng dạy về sự thuận phục, nhưng chính họ lại không thể thuận phục uy quyền nào cả. Chúng ta phải là một người thuận phục uy quyền rồi chính chúng ta mới có thể làm một uy quyền đại diện. Hơn nữa, chúng ta không thể chỉ thuận phục những ai chúng ta yêu thích; chúng ta phải học tập thuận phục mọi uy quyền ở trên mình. Thậm chí một viên cảnh sát trên đường cũng là đối tượng để chúng ta thuận phục.

CẦN ĐỐI DIỆN VỚI UY QUYỀN MỘT CÁCH THÔNG SUỐT

Trong hội thánh có nhiều uy quyền. Họ ở trên anh em, và anh em phải học tập thuận phục tất cả. Anh em phải học tập đối diện với mọi loại uy quyền, và phải nhìn nhận uy quyền trong những người khác. Một khi gặp uy quyền trong một người thì lập tức anh em phải học tập thuận phục người ấy. Anh em không nên xem xét người ấy cách kỹ càng rồi mới quyết định có nên thuận phục người ấy hay không. Nếu anh em xét xem một người có đáng thuận phục không rồi mới chịu thuận phục thì anh em chỉ gặp được chính người ấy; anh em chưa gặp được chính uy quyền. Nếu một người chưa từng gặp uy quyền thì chính người ấy không bao giờ có thể làm uy quyền. Nếu một người không biết cách thuận phục uy quyền thì người ấy không thể làm uy quyền đại diện của Đức Chúa Trời. Nếu trước hết không xử lý sự nổi loạn trong chính mình thì không biết cách để là một người có uy quyền. Nếu trước hết không phán xét tội nổi loạn thì chúng ta không thể biết uy quyền là gì. Con cái của Đức Chúa Trời không nên làm một đám hỗn độn và thiếu tổ chức hay một đám đông gồm những người thiếu kỷ luật. Nếu không có chứng cớ về sự thuận phục giữa vòng con cái Đức Chúa Trời thì sẽ không có hội thánh, và sẽ không có chức vụ và không có công tác. Chúng ta phải nhận thức đây là một nan đề nghiêm trọng. Chúng ta phải chịu xử lý rất nghiêm túc trước mặt Chúa, và phải đối diện với vấn đề uy quyền một cách thông suốt. Chúng ta phải học tập thuận phục lẫn nhau, và phải thuận phục các uy quyền đại diện. Có như vậy sau đó chúng ta mới có thể bắt đầu học tập làm một uy quyền đại diện.

Ba Điều Kiện Để Làm Uy Quyền Đại Diện

Hôm nay, chúng ta sẽ xem xét loại người Đức Chúa Trời dùng làm uy quyền đại diện của Ngài. Để làm uy quyền đại diện của Đức Chúa Trời, (ngoài việc biết uy quyền của Đức Chúa Trời và thuận phục uy quyền của Ngài) một người phải hội đủ ba điều kiện cơ bản.

Nhận Biết Rằng Mọi Uy Quyền Đều Phát Xuất Từ Đức Chúa Trời

Một uy quyền đại diện phải ghi nhớ rằng mọi uy quyền đều phát xuất từ Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời là Đấng đã thiết lập mọi uy quyền. Dầu một người có ít hay nhiều uy quyền, uy quyền ấy vẫn phát xuất từ Đức Chúa Trời. Không có một uy quyền nào vốn ở trong một người nào, và không ai có thể tự chỉ định mình làm uy quyền. Những ý kiến riêng của chúng ta không thể trở nên luật lệ cho những người khác, và các ý kiến, quan điểm và đề nghị của riêng chúng ta không đáng được người khác quí trọng; chúng không có gì trổi hơn những người ở dưới chúng ta. Chúng ta phải ghi nhớ rằng mọi uy quyền đều phát xuất từ Đức Chúa Trời. Thật ra, uy quyền duy nhất thật sự là uy quyền thì phát xuất từ Đức Chúa Trời, và chỉ uy quyền như vậy mới có thể đòi hỏi người khác thuận phục. Chúng ta chỉ có thể yêu cầu các anh chị em thuận phục uy quyền trong chúng ta vốn phát xuất từ Đức Chúa Trời. Một uy quyền đại diện chỉ có thể làm người đại diện cho uy quyền của Đức Chúa Trời. Một người không thể tự cho là có uy quyền trong chính mình chỉ vì mình đã trở nên uy quyền đại diện. Đó là một nan đề cơ bản giữa vòng chúng ta ngày nay. Mọi uy quyền đại diện đều phải ghi nhớ rằng họ chỉ là những uy quyền đại diện của Đức Chúa Trời; họ không có uy quyền trong chính mình.

Dầu ở trong thế gian, trong hội thánh hay trong công việc của Đức Chúa Trời, chúng ta cũng phải luôn luôn ghi nhớ rằng chúng ta tuyệt đối không có uy quyền nào trong chính mình. Không ai trong chúng ta có uy quyền nào trong chính mình. Chúng ta phải ghi nhớ rằng không ai trong toàn thể vũ trụ có uy quyền ngoại trừ Đức Chúa Trời. Các uy quyền chúng ta thấy ngày nay không gì khác hơn là con người thi hành uy quyền của Đức Chúa Trời; không có uy quyền nào là tự tạo. Những viên cảnh sát chỉ thi hành pháp luật. Cũng vậy, các vị thẩm phán chỉ thi hành pháp luật. Họ chỉ có thể thi hành pháp luật, chứ không thể làm ra pháp luật. Mọi viên chức và các bậc cầm quyền trên thế giới đều được Đức Chúa Trời thiết lập và chỉ để thi hành pháp luật. Họ thi hành pháp luật nhân danh uy quyền của Đức Chúa Trời. Họ không thể tự mình ban hành bất cứ luật lệ nào cả. Cũng vậy, mọi uy quyền trong hội thánh ngày nay đều là những người đại diện cho uy quyền của Đức Chúa Trời. Lý do chúng ta có uy quyền đơn giản là vì chúng ta đại diện uy quyền của Đức Chúa Trời. Không có yếu tố nội tại nào ở trong chính chúng ta để phân biệt chúng ta với những người khác hay ban cho chúng ta quyền làm một người có quyền hành.

Một người trở nên uy quyền vì người ấy hiểu biết ý chỉ của Đức Chúa Trời, tâm trí của Đức Chúa Trời và những tư tưởng của Đức Chúa Trời. Một người không trở nên uy quyền nhờ dựa vào ý niệm riêng hay ý kiến riêng của mình, mà nhờ hiểu biết ý chỉ và nỗi ao ước của Đức Chúa Trời. Một người không thể trông mong người khác thuận phục ý muốn riêng hay ý kiến riêng của mình. Mức độ một người đại diện cho uy quyền tùy thuộc vào mức độ người ấy hiểu biết ý chỉ và tư tưởng của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời chỉ định một người làm uy quyền đại diện vì so với những người khác người ấy biết ý chỉ và tư tưởng của Ngài hơn, chứ không phải vì người ấy có nhiều đề nghị hơn, ý kiến hay hơn hay tư tưởng cao hơn. Thật ra, trong hội thánh, đó là loại người chúng tôi sợ nhất. Họ nghĩ mình có những ý tưởng và ý kiến tốt hơn, và xem mình là uy quyền mà tự áp đặt chính mình trên người khác.

Nhiều anh em đồng công và thánh đồ trẻ tuổi chưa học được những bài học ấy; họ không biết ý chỉ hay các tư tưởng của Đức Chúa Trời. Đó là lý do tại sao Đức Chúa Trời đã đặt họ dưới anh em. Là uy quyền đối với họ, anh em có trách nhiệm cho họ biết ý chỉ và tư tưởng của Đức Chúa Trời. Xin ghi nhớ rằng anh em không có gì trong chính mình để có thể đòi hỏi người khác thuận phục. Chỉ khi nào quen thuộc đối với ý chỉ của Đức Chúa Trời thì anh em mới có thể đòi hỏi người khác thuận phục uy quyền ở trong anh em. Mỗi khi phải xử lý một người nào đó, anh em phải có sự bảo đảm từ Đức Chúa Trời rằng anh em hiểu ý chỉ của Ngài, và anh em biết những gì Đức Chúa Trời muốn thực hiện trong trường hợp ấy. Một khi sáng tỏ về đường lối của Chúa đối với việc xử lý tình huống ấy thì anh em có thể hành động với tư cách là uy quyền. Chỉ khi ấy anh em mới có thể phục vụ người khác bằng uy quyền của mình. Thiếu điều ấy thì anh em sẽ không sở hữu chút uy quyền nào để người khác cần phải thuận phục.

Không người nào chưa học biết thuận phục uy quyền của Đức Chúa Trời hay không biết gì về ý chỉ của Ngài lại có thể trở nên uy quyền đại diện của Đức Chúa Trời. Giả sử, một người đại diện cho một công ty để thương lượng về công việc với những người khác. Người ấy không thể nêu lên đề nghị theo ý kiến riêng của mình. Người ấy không thể đưa ra một lời hứa dựa vào ý thích riêng của mình, và không thể tự quyết định ký hợp đồng. Trước hết, người ấy phải tìm hiểu kế hoạch của vị giám đốc mình và biết ông muốn người ấy nói gì và với những hoàn cảnh cùng điều kiện thế nào thì người ấy có thể ký hợp đồng. Cũng vậy, nếu một người muốn làm uy quyền đại diện của Đức Chúa Trời thì trước hết người ấy phải hiểu ý chỉ cùng đường lối của Đức Chúa Trời. Chỉ khi ấy người đó mới có thể thi hành uy quyền của Đức Chúa Trời. Để làm uy quyền đại diện, trước hết một người phải quen với người mà mình đại diện. Người ấy không thể có ý kiến riêng, tư tưởng riêng hay lời nói riêng của mình. Trước hết uy quyền đại diện của Đức Chúa Trời phải biết ý chỉ của Đức Chúa Trời. Người ấy không thể truyền cho các anh chị em chỉ thị mà Đức Chúa Trời không ban hành. Giả sử anh em bảo một người làm gì đó, và giả sử người ấy có cơ hội cùng anh em đến với Chúa để dò hỏi về vấn đề ấy. Nếu Đức Chúa Trời không công nhận những gì anh em đã nói với các anh em khác thì anh em sẽ bị bỏ mặc mà tự đại diện cho chính mình chứ không thể đại diện cho Đức Chúa Trời. Đó là lý do tại sao anh em phải hiểu ý chỉ của Đức Chúa Trời và nhân danh Đức Chúa Trời thi hành ý chỉ ấy. Nếu anh em làm như vậy thì Đức Chúa Trời sẽ công nhận những gì anh em làm. Anh em có thể có uy quyền chỉ khi nào Đức Chúa Trời công nhận quyết định của anh em. Bất cứ điều gì phát xuất từ chính anh em không mang chút uy quyền nào cả.

Trong những vấn đề thuộc linh, chúng ta phải học tập để luôn luôn leo cao hơn và đào sâu hơn. Chúng ta phải luôn luôn tìm kiếm sự hiểu biết sâu xa và phong phú hơn về đường lối và ý chỉ của Đức Chúa Trời. Chúng ta cần nhiều khải thị và cần học hỏi nhiều. Chúng ta cần học biết nhiều điều và có được mọi loại kinh nghiệm. Chúng ta phải nhìn thấy những gì người khác chưa nhìn thấy và chạm đến những gì người khác chưa chạm đến. Những gì chúng ta làm phải căn cứ vào những gì chúng ta đã học được trước mặt Chúa, và những gì chúng ta nói phải căn cứ vào những gì chúng ta đã nhận thấy và kinh nghiệm trước mặt Ngài. Nếu chúng ta có đủ kinh nghiệm trước mặt Chúa, và nếu đã học biết đường lối của Ngài một cách đầy đủ, thì chúng ta sẽ có sự mạnh dạn để tuyên bố rằng đây là những gì chúng ta biết được từ Đức Chúa Trời, đây là những gì chúng ta học được từ Ngài, và đây là những gì chúng ta đã kinh nghiệm trong Ngài. Khi làm như vậy, chúng ta sẽ có uy quyền. Nếu không có Đức Chúa Trời thì không có uy quyền. Nhưng người chưa nhìn thấy gì trước mặt Đức Chúa Trời thì không có uy quyền trước mặt loài người. Mọi uy quyền đều căn cứ vào sự hiểu biết và sự học hỏi của chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời. Một số người lớn tuổi hơn tưởng rằng họ có thể áp đặt các quan niệm của mình trên những người trẻ tuổi hơn. Có lẽ một số anh em nghĩ rằng họ có thể ép buộc các chị em phải nghe theo mình, và có lẽ một số người nhanh nhẹn nghĩ rằng họ có thể ép buộc những người chậm chạp nghe theo mình. Nhưng những hành động tự tiện ấy sẽ không bao giờ hiệu nghiệm. Nếu muốn làm một uy quyền đối với người khác và muốn người khác thuận phục uy quyền của mình, điều đầu tiên anh em phải làm là chính mình phải biết uy quyền. Anh em phải nhận thức rằng anh em không có uy quyền trong chính mình. Những gì anh em cần phải có là nhận biết Đức Chúa Trời và hiểu biết ý chỉ của Ngài. Chỉ khi ấy anh em mới có thể làm một người đại diện cho uy quyền của Đức Chúa Trời.

Học Tập Chối Bỏ Chính Mình

Điều kiện cơ bản thứ hai của một uy quyền đại diện là học tập chối bỏ chính mình. Trước khi được sáng tỏ về ý chỉ của Đức Chúa Trời, một người không nên mở miệng và không nên thi hành uy quyền. Uy quyền đại diện của Đức Chúa Trời không những về mặt tích cực phải biết uy quyền của Ngài, nhưng về mặt tiêu cực cũng phải học tập chối bỏ chính mình. Xin ghi nhớ rằng cả Đức Chúa Trời cũng như các anh chị em đều không quý trọng ý kiến của anh em. Tôi e rằng người duy nhất trên khắp thế giới quý trọng ý kiến của anh em là chính anh em. Nếu anh em nghĩ rằng ý kiến của mình là tốt nhất, Đức Chúa Trời quý trọng ý kiến của anh em, và các anh chị em đều tôn trọng ý kiến của anh em, thì anh em đang sống trong mộng. Đừng quá ngu dại đến nỗi đơn phương áp đặt ý kiến của mình trên người khác. Chúng tôi sợ những người có nhiều ý kiến, và cũng sợ những người có nhiều ý tưởng, tức những người thích làm cố vấn cho người khác. Chúng tôi sợ những người quá chủ quan. Nhiều người rất chủ quan, và thích làm cố vấn cho người khác. Họ đề nghị và hoạch định cho người khác trong mọi vấn đề. Ngay giây phút có cơ hội là họ đưa ra những đề nghị của mình. Những người như vậy không bao giờ có thể làm tổng thống, chủ tịch hay cảnh sát viên. Tuy nhiên, dù có thể họ không ở trong một địa vị nào đó, nhưng họ nghĩ rằng mình biết những người đang được đặt vào những địa vị như vậy nên làm gì. Họ thích đề nghị cho người khác. Ngay khi có cơ hội là họ mở miệng bày tỏ ý tưởng của mình và loan báo ý kiến của họ trước mặt những người khác. Cho dầu không có cơ hội, họ vẫn cố xen vào một hai lời nói. Nếu không thể tìm được cơ hội để nói trước mặt người khác, họ sẽ cố nói sau lưng người khác. Xin ghi nhớ rằng Đức Chúa Trời không bao giờ chỉ định người có nhiều ý kiến, đề nghị và quan điểm để làm uy quyền đại diện của Ngài. Chúng ta không yêu cầu một người thích tiêu tiền quản lý trương mục ngân hàng của chúng ta, vì chúng ta không muốn bị lỗ lã. Cũng vậy, Đức Chúa Trời không yêu cầu một người thích bày tỏ ý kiến của mình làm uy quyền đại diện của Ngài, vì Ngài cũng không muốn lỗ lã.

Trước hết Chúa phải triệt để phá vỡ bản ngã của chúng ta rồi chúng ta mới có thể trở nên uy quyền đại diện của Ngài. Theo như tôi quan sát thì tôi chưa từng thấy Đức Chúa Trời chọn một người đầy dẫy ý kiến làm uy quyền đại diện của Ngài. Trước hết người ấy phải trải qua công tác phá vỡ của Đức Chúa Trời và từ bỏ hứng thú can thiệp vào công việc của người khác và hành động như là cố vấn của người khác. Đức Chúa Trời muốn chúng ta đại diện cho uy quyền của Ngài chứ không phải thay thế uy quyền của Ngài. Phải, chúng ta giống Đức Chúa Trời nhiều phương diện. Nhưng Ngài vẫn là Đấng tể trị trong Bản Thể Đức Chúa Trời Tam Nhất và địa vị của Ngài. Ý chỉ của Ngài thuộc về một mình Ngài; ý chỉ ấy tối cao và tể trị trên mọi sự khác. Ngài không bao giờ đến xin chúng ta lời khuyên, và không bao giờ muốn chúng ta làm cố vấn của Ngài. Đó là lý do tại sao uy quyền đại diện của Đức Chúa Trời không được chủ quan. Tất nhiên, để tiến hành công việc thì cần có những quyết định và phán đoán. Nói như vậy không có nghĩa là Đức Chúa Trời chỉ dùng những người không có ý tưởng, ý kiến hay phán đoán gì cả đối với bất cứ điều gì. Điều ấy có nghĩa là chúng ta phải thật sự được phá vỡ, sự khôn ngoan của chúng ta phải được phá hủy, và những ý kiến cùng đề nghị của chúng ta phải được đập tan rồi Đức Chúa Trời mới có thể dùng chúng ta. Nan đề cơ bản đối với nhiều người là, theo bản chất, tâm trí của họ thật năng động; họ nói nhiều và đưa ra nhiều đề nghị. Họ vốn khôn khéo và thích làm cố vấn cho người khác. Những người như vậy phải cầu xin Đức Chúa Trời thương xót. Họ cần sự xử lý và phá vỡ căn bản. Đây không phải là một khẩu hiệu, một sự dạy dỗ hay một loại bắt chước trống rỗng. Một người phải nhận được sự xử lý và phá vỡ căn bản, và phải bị một vết thương không bao giờ lành hẳn; sự khôn ngoan riêng, ý kiến riêng và ý tưởng riêng của người ấy phải được đập tan và phá vỡ. Một người như vậy tự phát sẽ được giải phóng khỏi những tư tưởng riêng và quan niệm riêng của mình. Một người đã trải qua sự sửa trị của Đức Chúa Trời là người sống trong sự kính sợ trước mặt Chúa. Người ấy sẽ không còn dám phát biểu một cách bất cẩn nữa. Người ấy sẽ luôn luôn sợ phạm lỗi lầm. Hễ vết thương của Đức Chúa Trời còn lưu lại trên người ấy, thì người ấy sẽ cảm thấy đau đớn ngay khi chuyển động, và không cần ai nhắc nhở người ấy về vết thương của mình.

Nếu một người chỉ biết giáo điều về sự tan vỡ và chỉ đóng kịch bằng cách bắt chước người khác ngậm miệng mình lại, thì sớm muộn gì bản chất thật của người ấy cũng bị phơi bày. Nhiều người có bản chất nói nhiều và đầy dẫy ý kiến. Khó thấy họ ngậm miệng lại và không bày tỏ ý kiến của mình. Những người như vậy có thể nhận được một số giáo điều về sự tan vỡ và nhận thức rằng họ không nên nói quá nhiều hay đưa ra quá nhiều đề nghị. Nếu họ bắt đầu bắt chước người khác và theo gương người ta thì không bao lâu những lá vả của họ sẽ khô héo (Sáng. 3:7), và tình trạng ẩn giấu bên trong của họ sẽ bị phơi bày. Chúng ta không thể tự kiềm chế bằng ý chí của mình. Nếu cố gắng tự kiềm chế bằng ý chí của mình, thì bản ngã của chúng ta sẽ bị phơi bày ngay khi chúng ta tham dự vào một cuộc thảo luận sôi nổi, và chúng ta sẽ thấy mình lại phải xưng tội với Đức Chúa Trời. Chúng ta không cần gì hơn là sự giết chết bản ngã của mình bằng ánh sáng của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời phải để chúng ta đâm đầu vào tường cho đến khi sọ của chúng ta nứt ra và xương cốt của chúng ta rời rã. Chúng ta phải trải qua một kinh nghiệm như kinh nghiệm của Ba-la-am trong Dân Số Ký 22:25. Đức Chúa Trời cần gây cho chúng ta thương tích để ngay khi chúng ta lại chuyển động thì sẽ cảm thấy đau đớn và không dám nêu lên đề nghị nào nữa. Khi một người bị thương, thì người khác không cần khuyên người ấy đi chậm; người ấy sẽ tự nhiên bước chậm lại. Đó là cách duy nhất giải cứu chúng ta khỏi bản ngã của mình. Đó là lý do tại sao tôi thường nói chúng ta cần những vết thương. Những người khác phải tìm thấy những vết thương không bao giờ lành hẳn trong chúng ta. Không còn cách nào khác để tiếp tục tiến lên ngoại trừ nhờ xưng tội và xử lý triệt để trước mặt Đức Chúa Trời.

Những người là uy quyền đại diện phải học tập đừng nêu lên ý kiến riêng hay bày tỏ ý tưởng riêng của mình. Họ không được có thói quen can thiệp vào công việc của người khác. Một số người nghĩ rằng họ là những thẩm phán tối cao; họ nghĩ rằng mình biết cách quản lý mọi sự, bất kể đó là việc trong thế gian, việc trong hội thánh, hay bất cứ việc gì. Họ nghĩ rằng mình biết mọi sự, và họ có ý kiến và giải pháp cho mọi sự. Khi người khác đến với họ, họ vui vẻ đưa ra những lời khuyên của mình. Nếu người khác không đến với họ thì họ vẫn tự động đưa ra những lời khuyên của mình như thể truyền bá phúc âm. Những người đầy dẫy ý kiến như vậy chưa từng được sửa trị; họ chưa từng trải qua sự xử lý khốc liệt nào cả. Có thể họ đã kinh nghiệm một vài sự xử lý nhỏ nhoi và nông cạn, nhưng vẫn còn đầy dẫy những ý kiến, ý tưởng và phương pháp. Họ có vẻ như toàn năng và toàn tri. Những ý kiến của họ giống như những món hàng được trưng bày tại cửa hàng bách hóa. Những người như vậy không bao giờ có thể làm uy quyền. Mọi uy quyền đại diện của Đức Chúa Trời đều phải có một điều kiện cơ bản _ họ không được có thiên hướng đưa ra ý kiến cách bất cẩn hay chỉ trích một cách thiếu suy nghĩ. Thậm chí họ không nên bày tỏ ý kiến của mình bằng cách lằm bằm hay [ấp ủ] trong lòng những đề nghị không phát biểu. Chỉ những người bản ngã được xử lý đến mức độ như vậy mới đủ điều kiện làm uy quyền đại diện của Đức Chúa Trời.

Cần Liên Tục Tương Giao Với Chúa

Những người làm uy quyền đại diện của Đức Chúa Trời cần phải có một điều kiện thứ ba – họ phải có sự tương giao liên tục và mật thiết với Chúa. Không những phải có sự đồng cảm mà còn phải có sự thông công. Một số người suốt ngày đầy dẫy ý kiến. Những người như vậy phải tập bỏ đi những ý kiến của mình. Mỗi khi một người có ý kiến, người ấy phải mang ý kiến đó đến với Chúa và tìm hiểu xem một ý kiến như vậy là của xác thịt hay thuộc về Đức Chúa Trời. Nhờ đó, Đức Chúa Trời sẽ dần dần mặc khải nỗi ao ước của lòng Ngài cho người ấy. Đó là nhu cầu cơ bản. Đối với nhiều người, nan đề căn bản là họ mở miệng mình ra mà chưa từng đến gần Đức Chúa Trời. Họ bày tỏ những ý kiến của mình một cách bừa bãi, phát ngôn cho Chúa một cách thiếu suy nghĩ vì họ xa cách Đức Chúa Trời. Một người càng dễ nói đến danh của Đức Chúa Trời thì điều đó càng chứng tỏ là người ấy xa cách Đức Chúa Trời. Chỉ những người gần gũi Đức Chúa Trời mới kính sợ Ngài, và chỉ những người ấy mới cảm thấy gớm ghiếc các ý kiến lung tung bừa bãi. Ví dụ, nhiều dân làng tại Kuling đây làm nghề đốn gỗ. Họ có thể tự do chỉ trích chính quyền và các nhà lãnh đạo của quốc gia chúng ta. Nhưng tại Nam Kinh hay Trùng Khánh (các thủ phủ tại Trung Quốc), người ta không nghe dân chúng chỉ trích như vậy. Tuy quần chúng tại đây nói năng về Tổng Thống cách tự do, nhưng nếu vị Tổng Thống đến Kuling thì mọi người sẽ gọi ông ấy là “Thưa Ông” hay “Thưa Ngài Tổng Thống” một cách kính trọng. Không ai dám gọi ông một cách thiếu tôn trọng. Cũng vậy, chỉ những người gần gũi Đức Chúa Trời mới kính sợ và tôn trọng Ngài. Họ không dám bước đi một cách phóng túng và nhơn danh Chúa mà nói năng khinh suất.

Chúng ta phải nhận thức rằng tương giao là một điều kiện cơ bản để làm một uy quyền. Càng đến với Chúa và gần gũi Ngài thì chúng ta càng ý thức về những lỗi lầm của mình. Chúng ta sẽ nhận thấy rằng nhiều hành động trước kia mình cho là đúng nhưng thật ra là sai. Chúng ta càng biết Đức Chúa Trời thì nhiều điều càng tỏ ra khác hẳn đối với chúng ta. Mười hay hai mươi năm về trước chúng ta khẳng định về nhiều điều. Bây giờ quan điểm của chúng ta về những điều ấy như thế nào? Có thể nhiều lúc anh em tự nhủ: “Tại sao tôi đui mù đến thế? Tại sao tôi lại quá tự tin và chắc chắn là mình đúng?” Cũng một điều trước kia dường như có vẻ đúng mà bây giờ có thể tỏ ra là hoàn toàn sai trật. Một khi đã gặp mặt đối mặt với Đức Chúa Trời thì anh em không còn tin chắc nơi lời nói của mình nữa, sẽ không còn quá tự tin nữa, và anh em bắt đầu sợ mình sai lầm. Nếu những điều trước kia chúng ta tin chắc [là đúng] bây giờ có thể chúng ta đã nhận thấy là sai trật, thì những điều ngày nay chúng ta rất chắc chắn rồi đây sẽ ra thế nào? Vậy, nếu là những người liên tục tương giao với Chúa thì chúng ta sẽ không bao giờ mở miệng mình ra một cách hấp tấp. Người nào càng ít biết chính mình thì người ấy sẽ càng khoe khoang về những gì mình biết. Nói năng một cách bừa bãi là bằng chứng cho thấy một người xa cách Đức Chúa Trời.

Kính sợ Đức Chúa Trời không phải là sự đóng kịch bề ngoài. Chỉ những người liên tục đến gần Đức Chúa Trời mới có thể kính sợ Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, một người phóng túng không tự kiểm chế mình thì cách xa Đức Chúa Trời. Ngay khi nữ vương Sê-ba trông thấy Sa-lô-môn thì bà mất tinh thần (1 Vua. 10:4-5). Nhưng ngày nay, ở đây có điều gì đó trổi hơn Sa-lô-môn (Mat. 12:42). Khi đến trước mặt Chúa thì chúng ta cũng cần phải “mất tinh thần”; chúng ta không nên cả gan nói danh Ngài một cách hời hợt hay mở miệng mình ra một cách hấp tấp. Chúng ta cần phải như một đầy tớ chờ đợi tại cửa, nói với Đức Chúa Trời là chúng ta không biết gì cả. Nguyện Chúa giải cứu chúng ta khỏi bệnh nói ra những gì mình không hiểu và đoán xét những gì mình không biết. Đôi khi chúng ta phải hành động ngay, nhưng chúng ta không phải là một người liên tục tương giao với Đức Chúa Trời, và chúng ta quyết định do sự thôi thúc bất ngờ. Đối với nhiều người, đây là một nan đề lớn. Không nan đề nào nghiêm trọng hơn việc một đầy tớ của Đức Chúa Trời hấp tấp nói ra khi người ấy chưa chắc chắn về ý chỉ của Đức Chúa Trời. Người nào đoán xét một vấn đề trước khi sáng tỏ về vấn đề ấy trước mặt Chúa thì thật sự là một nan đề lớn; người như vậy không bao giờ sáng tỏ, nhưng luôn luôn nói. Chúng ta có thể sáng tỏ về ý chỉ của Đức Chúa Trời khi nào chúng ta luôn luôn sống trước mặt Ngài và đến gần Ngài.

Chúa Jesus nói: “Con chẳng có thể tự mình làm gì được, duy làm điều Con thấy Cha làm, vì hễ điều gì Cha làm, Con cũng làm như vậy” (Gi. 5:19). Ngài cũng nói: “Ta không thể tự mình làm gì cả, Ta phán xét theo như Ta nghe và sự phán xét của Ta là công bình vì Ta không tìm kiếm ý Ta, nhưng ý muốn của Đấng đã sai Ta” (c. 30). Chúng ta phải học tập nghe, hiểu và nhìn. Tất cả những khả năng ấy đều có được nhờ mật thiết tương giao với Chúa. Chỉ những người sống trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời mới có thể nghe, hiểu và nhìn. Chỉ những người đã học tập những bài học mới có thể biết ý chỉ của Đức Chúa Trời, và chỉ khi sống trong sự hiện diện của Chúa, họ mới có thể nói với các anh chị em. Khi các nan đề dấy lên giữa vòng các thánh đồ hay trong hội thánh, những người ấy sẽ biết phải làm những gì. Nếu không thực hành như thế, người ấy sẽ sử dụng danh Chúa cách vô ích.

Xin cho tôi được tự do nói thẳng một điều. Ngày nay, nhiều đầy tớ của Đức Chúa Trời có nan đề là họ quá táo bạo, hay nói mạnh hơn là họ quá liều lĩnh. Họ chưa từng học tập để nghe lời Đức Chúa Trời, và họ chưa bao giờ thấy khải thị nào hay hiểu ý chỉ của Đức Chúa Trời, nhưng họ lại cả gan phát ngôn cho Đức Chúa Trời! Tôi xin hỏi anh em: Trong khi nói, anh em có loại uy quyền gì? Ai đã ban cho anh em uy quyền? Điều gì làm cho anh em khác biệt so với những anh chị em khác? Nếu anh em không tin chắc những gì mình nói là lời của Đức Chúa Trời thì anh em đang nắm giữ uy quyền gì? Nếu tôi đem anh em và người đã tranh chấp với anh em đến với Chúa thì anh em có tự tin mà nói rằng mọi lời anh em đã nói đều là của Chúa không? Nếu Đức Chúa Trời công nhận những lời nói của anh em thì mọi sự đều ổn thỏa. Nhưng nếu Đức Chúa Trời không công nhận những lời nói của anh em thì anh em thật sự có uy quyền gì? Anh em phải ghi nhớ rằng uy quyền được ủy thác cho anh em; chứ trong thực chất, uy quyền ấy không phải là của anh em. Nếu anh em không đại diện cho uy quyền của Đức Chúa Trời thì anh em có quyền gì mà phát biểu hay công tác?

Tất cả những uy quyền đại diện của Đức Chúa Trời đều phải sống trước mặt Đức Chúa Trời và học tập tương giao với Ngài. Anh em phải được Ngài xử lý, và trên thân thể của mình phải có những vết sẹo. Khi nói với các thánh đồ hay trong hội thánh, anh em đừng xen bản ngã của mình vào trong lời nói nhưng phải tin chắc rằng có uy quyền ở đằng sau những lời mình nói. Đừng bao giờ để bị lừa gạt mà nghĩ rằng anh em có uy quyền gì trong chính mình. Đừng nghĩ rằng uy quyền bắt nguồn từ trong anh em. Anh em phải mãi mãi ghi nhớ rằng Đức Chúa Trời là Đấng duy nhất có uy quyền, và không ai khác có uy quyền. Kinh Thánh rõ ràng nói rằng mọi uy quyền đều thuộc về Đức Chúa Trời.

Ngày nay, nếu trong tôi có bất cứ uy quyền nào thì uy quyền ấy phát xuất từ Đức Chúa Trời. Tôi chỉ là ống dẫn mà nhờ đó uy quyền tuôn chảy. Ngoại trừ điểm khác biệt này, tôi cũng giống như mọi người khác; tôi không khác biệt gì so với một người ngu dại nhất. Điều làm cho tôi khác hẳn những người khác và ban cho tôi uy quyền là Đức Chúa Trời chứ không phải là bất cứ điều gì trong chính tôi. Vì vậy, chúng ta phải học tập kính sợ Đức Chúa Trời và tương giao với Ngài. Đây không phải là một vấn đề có thể xem nhẹ. Chúng ta nên nói với Chúa rằng: “Con không có gì khác với tất cả các anh chị em”. Nếu Đức Chúa Trời sắp đặt để chúng ta gánh vác uy quyền và học tập làm uy quyền đại diện thì chúng ta phải học tập sống trước mặt Ngài và liên tục tương giao với Ngài. Chúng ta phải cầu xin Ngài bày tỏ cho chúng ta thấy nỗi ao ước của lòng Ngài. Chỉ khi nào thấy được điều gì trước mặt Đức Chúa Trời thì chúng ta mới có thể cung ứng điều đó cho các anh chị em, và chỉ khi ấy chúng ta mới có đủ điều kiện để làm một uy quyền đại diện.

Tại sao chúng tôi lại dùng chữ thông công khi bàn về sự tương giao với Đức Chúa Trời? Lý do là vì sự tương giao không phải là điều gì đó chúng ta có thể làm một lần đủ cả trước mặt Chúa; sự tương giao đòi hỏi chúng ta liên tục sống trong sự hiện diện của Chúa. Thông công là sự luyện tập suốt cả đời. Chúng ta có thể học tập vài bài học căn bản một lần là đủ cả. Nhưng sống trong sự hiện diện của Chúa là một vấn đề liên tục. Một khi chúng ta rời xa Chúa thì uy quyền trở nên lầm lạc, và hương vị sẽ thay đổi. Vậy, chúng ta phải liên tục sống trước mặt Chúa và luôn luôn kính sợ Ngài. Chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ rằng mình cần phải là những người đã trải qua sự đoán xét của Đức Chúa Trời. Vì Đức Chúa Trời muốn dùng chúng ta nên chúng ta phải luôn luôn sống trong sự hiện diện của Ngài.

Ba điều trên là những điều kiện cơ bản để làm một uy quyền đại diện. Uy quyền thuộc về Đức Chúa Trời, và chúng ta chỉ là người đại diện cho Ngài. Mọi uy quyền đều thuộc về Đức Chúa Trời. Vì vậy, con người không thể chủ quan mà phải chối bỏ chính mình. Đó là lý do tại sao chúng ta cần sống từng giây phút trong mối tương giao với Ngài. Vì uy quyền thuộc về Đức Chúa Trời nên chúng ta không có uy quyền riêng của mình. Chúng ta chỉ là những người đại diện. Uy quyền không thuộc về tôi; vì vậy, tôi không thể chủ quan. Tôi phải sống trong sự tương giao. Một khi mối tương giao bị gián đoạn thì uy quyền không còn nữa. Những người có uy quyền bị đặt vào một tình thế khó xử – họ không thể rũ bỏ và không thể buông lơi. So với những quan niệm con người thì điều này khác biệt biết bao. Không ai thật sự biết Đức Chúa Trời lại muốn làm uy quyền. Làm một uy quyền đại diện là vấn đề trọng đại; đó là một điều nghiêm trọng.

KHÔNG THIẾT LẬP UY QUYỀN RIÊNG CỦA MÌNH

Vì Đức Chúa Trời là Đấng thiết lập uy quyền nên các uy quyền đại diện không cần cố gắng xây dựng uy quyền riêng của mình. Tôi biết một vài anh chị em trước kia quá dại dột đến nỗi nghĩ rằng họ có thể chỉ đạo những người khác bằng uy quyền của mình. Họ cố gắng xây dựng uy quyền riêng. Theo cái nhìn của Đức Chúa Trời, điều ấy thật dại dột. Hê-bơ-rơ 5:4 nói: “Vinh dự ấy không ai tự chiếm được, mà chỉ người nào được Đức Chúa Trời kêu gọi”. Đối với uy quyền cũng như vậy; không ai có thể tự chiếm được uy quyền. Khi Đức Chúa Trời cho người nào làm uy quyền [đại diện] thì người ấy sẽ có uy quyền. Vì thế, không cần đòi hỏi những người khác vâng phục. Nếu những người khác cứ khăng khăng trong sự sai trật thì hãy để họ sai trật. Nếu những người khác không vâng phục thì hãy cứ để họ yên. Nếu những người khác muốn theo con đường riêng của mình thì hãy cứ để họ theo con đường ấy. Chúng ta đừng bao giờ tranh luận với người khác. Nếu tôi không được Đức Chúa Trời chỉ định làm uy quyền, tại sao tôi lại đòi hỏi những người khác vâng lời? Mặt khác, nếu tôi là uy quyền được Đức Chúa Trời chỉ định thì tại sao tôi phải lo ngại việc những người khác không thuận phục mình? Nếu uy quyền ở với tôi thì khi những người khác không vâng phục tôi là họ không vâng phục Đức Chúa Trời. Vậy thì tại sao tôi lại phải quan tâm đến việc người khác không vâng phục? Nếu uy quyền ở với tôi thì khi những người khác tranh luận với tôi là họ tranh luận với Đức Chúa Trời. Trên khắp thế giới không điều nào nghiêm trọng hơn điều này. Chúng ta không cần ép buộc người khác lắng nghe mình; chúng ta có thể cho mọi người tự do làm những gì họ muốn. Nếu Đức Chúa Trời ủng hộ uy quyền ấy thì chúng ta còn phải sợ gì nữa? Anh em có bao giờ thấy một vị vua trên đất hậu thuẫn cho những người hầu hạ mình không? Không! Tuy nhiên, nếu anh em là uy quyền đại diện, Đức Chúa Trời sẽ duy trì, nâng đỡ và thậm chí hậu thuẫn cho anh em.

Chúng ta càng biết uy quyền và càng có những cánh cửa mở, khải thị và chức vụ, thì chúng ta sẽ càng cho những người khác quyền tự do theo con đường riêng của mình. Chúng ta đừng bao giờ nói ra một lời nào để biện minh cho uy quyền của mình; ngược lại, chúng ta cần phải cho người khác quyền tự do hoàn toàn. Những người khác nên đến với chúng ta càng tự phát càng tốt. Nếu họ không muốn chúng ta làm uy quyền trên họ, hay nếu họ lảng tránh chúng ta, thì chúng ta không cần ép buộc họ chấp nhận mình. Nếu trong chúng ta có uy quyền thì người nào khao khát Chúa sẽ vui lòng đến với chúng ta. Điều ghê sợ nhất là người nào biện hộ cho uy quyền của mình để thiết lập uy quyền cho chính mình. Không ai có thể thiết lập uy quyền của mình. Những gì một người có thể cung ứng cho người khác tại một địa phương không bao giờ có thể được thay thế bởi một người nào khác. Nếu anh em có một chức vụ và những người khác không thuận phục anh em thì họ là những người sẽ chịu thiệt thòi. Sự cai trị của Đức Chúa Trời là một điều huyền nhiệm. Nhiều người nghĩ rằng mình đang tăng trưởng về mặt thuộc linh, nhưng nếu họ không tiếp tục vâng phục, ánh sáng của Đức Chúa Trời sẽ dừng lại. Có thể họ không nhận biết điều đó sau chỉ một hai ngày, nhưng ít lâu sau chắc chắn họ sẽ sa ngã.

Chúng ta có một tấm gương tốt nơi Đa-vít. Ông là một người không bao giờ cố gắng thiết lập uy quyền riêng của mình. Sau khi Sau-lơ bị từ bỏ và Đa-vít được Đức Chúa Trời xức dầu để làm vua, nhưng ông vẫn trải qua nhiều năm ở dưới quyền Sau-lơ. Ông đã không tự tay xây dựng uy quyền riêng của mình. Nếu Đức Chúa Trời đã chỉ định anh em làm uy quyền thì anh em phải có khả năng trả giá để cho phép những người khác chống đối, không vâng phục và nổi loạn nghịch lại anh em. Nhưng nếu anh em không phải là uy quyền được Đức Chúa Trời chỉ định thì thậm chí có xây dựng uy quyền riêng của mình cũng vô dụng. Tôi không thích nghe một số người chồng nói với vợ mình rằng: “Anh là uy quyền được Đức Chúa Trời chỉ định, và em phải vâng phục anh”, hay một số trưởng lão nói với các thánh đồ trong hội thánh rằng: “Tôi là uy quyền được Đức Chúa Trời chỉ định”. Nếu anh em là uy quyền đại diện thì tự phát những người khác sẽ thuận phục anh em. Nếu không thuận phục thì họ sẽ thụt lùi, và nếu chống đối anh em thì họ sẽ không thể tiếp tục tiếp lên về mặt thuộc linh. Phao-lô nói rằng mọi người ở A-si đã xây bỏ ông (2 Tim. 1:15). Những người từ bỏ Phao-lô không bao giờ có thể tiến lên về mặt thuộc linh. Anh chị em ơi, đừng bao giờ cố gắng xây dựng uy quyền riêng của mình. Nếu Đức Chúa Trời đã chỉ định anh em làm uy quyền thì hãy đơn giản chấp nhận điều đó. Nếu Đức Chúa Trời không chỉ định anh em làm uy quyền thì tại sao anh em lại phải tranh đấu cho điều đó? Mọi uy quyền tự lập phải được xóa sạch giữa vòng chúng ta. Chúng ta phải để Đức Chúa Trời thiết lập mọi uy quyền, và chúng ta đừng cố gắng xây dựng uy quyền riêng của mình. Nếu Đức Chúa Trời thật sự ủy thác cho chúng ta làm uy quyền thì những người khác chỉ có hai con đường để theo: họ có thể không vâng phục và sa ngã hay họ có thể vâng phục và được phước.

KHI UY QUYỀN ĐẠI DIỆN BỊ THỬ NGHIỆM

Khi một uy quyền đại diện được thử nghiệm, người ấy phải tin tưởng sự cai trị của Đức Chúa Trời. Không cần phải lo âu, biện hộ, tự thanh minh hay làm bất cứ điều gì. Tôi ghê sợ và không ưa những người nói: “Tôi là uy quyền được Đức Chúa Trời chỉ định”. Khi bắt tay vào công việc, chúng ta sẽ nhận thấy nhiều sự chống đối, bất pháp và nổi loạn. Nhưng nếu thật sự là uy quyền đại diện thì chúng ta không cần phải xây dựng uy quyền riêng của mình hay cố gắng duy trì uy quyền ấy. Nếu người nào nổi loạn thì người ấy không nổi loạn chống chúng ta mà là chống lại Đức Chúa Trời. Nếu người ấy nổi loạn thì không phải xúc phạm đến uy quyền của chúng ta mà xúc phạm đến uy quyền của Đức Chúa Trời. Chúng ta ở đây chỉ để hành động với tư cách là uy quyền đại diện. Đối tượng bị lăng nhục, chỉ trích và chống đối là Đức Chúa Trời chứ không phải là chúng ta. Nếu Đức Chúa Trời có thể chịu đựng những điều ấy thì sao chúng ta không thể chịu nổi? Chúng ta là ai? Chúng ta chỉ là những người thấp hèn bước theo Jesus Christ người Na-xa-rét. Chúng ta bị xem thường cũng đúng thôi. Nếu chúng ta chưa nhìn thấy điều này thì nguyện Chúa thương xót chúng ta. Chúng ta phải nhận thức rằng khi những người khác xúc phạm đến uy quyền, họ không xúc phạm đến chúng ta, nhưng xúc phạm đến uy quyền ở trong chúng ta. Tôi có thể nói từ kinh nghiệm bản thân. Nếu uy quyền của chúng ta thuộc về Đức Chúa Trời và những người khác chống đối và làm tổn hại chúng ta, thì họ là những người chịu thiệt thòi; họ không có tương lai gì cả về mặt thuộc linh; khải thị của họ sẽ dừng lại. Sự cai trị của Đức Chúa Trời là một vấn đề vô cùng nghiêm túc! Chúng ta phải học tập không tin tưởng nơi chính mình. Chúng ta phải kính sợ Đức Chúa Trời và biết uy quyền là gì. Nguyện Chúa đầy ân điển đối với chúng ta!