CHƯƠNG MƯỜI LĂM: NỀN TẢNG UY QUYỀN ĐẠI DIỆN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI – SỰ PHỤC SINH

Uy Quyền và Thuần Phục

Đăng vào: 5 tháng trước

.

CHƯƠNG MƯỜI LĂM: NỀN TẢNG UY QUYỀN ĐẠI DIỆN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI – SỰ PHỤC SINH

Kinh Thánh: Dân Số Ký chương 17

Mục đích của Dân Số Ký chương 17 là cho chúng ta thấy cách Đức Chúa Trời xử lý sự nổi loạn của dân Israel. Trong chương mười sáu có một cuộc nổi loạn chưa từng thấy, nhưng chương mười bảy nói đến việc kết liễu cuộc nổi loạn ấy, cho thấy cách xoay khỏi sự nổi loạn và sự chết. Đức Chúa Trời đã làm gì? Ngài minh chứng với mọi người rằng uy quyền đại diện là theo sự chỉ định của Ngài. Ngài bày tỏ cho dân Israel thấy nền tảng và lý do của việc Ngài chỉ định uy quyền. Nền tảng ấy thiết yếu đối với mọi uy quyền được Đức Chúa Trời chỉ định. Nếu thiếu nền tảng này thì một người không thể làm một uy quyền đại diện.

SỰ PHỤC SINH LÀ NỀN TẢNG CHO UY QUYỀN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

Đức Chúa Trời truyền mười hai người lãnh đạo lấy mười hai cây gậy theo mười hai chi phái Israel, và đặt chúng trong lều nhóm họp trước rương chứng cớ. Sau đó Ngài phán: “Và gậy của người nào mà Ta chọn sẽ trổ hoa” (c. 5). Cây gậy là một khúc gỗ. Đó là một nhánh cây bị tước đi lá và rễ. Nó từng xanh tươi nhưng bây giờ đã chết. Nó từng nhận được nhựa sống từ cây, có khả năng trổ hoa và kết trái, nhưng bây giờ đã chết. Cả mười hai cây gậy đều không có lá, không có rễ, khô héo và chết. Cây nào trổ hoa thì cây đó được Đức Chúa Trời chọn. Ở đây chúng ta thấy sự phục sinh là nền tảng sự lựa chọn của Đức Chúa Trời. Đó cũng là nền tảng của uy quyền.

Chương mười sáu nói đến sự nổi loạn của con người chống lại uy quyền đại diện của Đức Chúa Trời và thể nào con người đã chống đối uy quyền được Đức Chúa Trời chỉ định. Chương mười bảy bàn về việc Đức Chúa Trời biện minh cho uy quyền được Ngài chỉ định. Nền tảng Đức Chúa Trời dùng biện minh cho uy quyền được Ngài chỉ định là sự phục sinh. Nhờ sự phục sinh, Ngài ngăn sự lằm bằm của con người lại. Tất nhiên, con người tuyệt đối không có quyền chất vấn Đức Chúa Trời, nhưng Đức Chúa Trời đã tự hạ mình bày tỏ cho họ biết lý do và nền tảng cho uy quyền được Ngài chỉ định. Nền tảng để Ngài chỉ định uy quyền là sự phục sinh. Điều này làm cho dân Israel ngậm miệng lại.

Cả A-rôn lẫn dân Israel đều là dòng dõi của A-đam và cả hai đều thuộc xác thịt. Theo bản chất và bản tính thiên nhiên của họ thì cả hai đều là con của sự thạnh nộ; họ không có gì khác nhau. Cả mười hai cây gậy đều như nhau. Chúng đều là những cây gậy trụi lá và rễ, chết và không có sự sống. Điều này cho chúng ta thấy nền tảng của sự phục vụ là điều gì đó tách rời với sự sống thiên nhiên của mình. Sự sống phục sinh chúng ta nhận được từ Đức Chúa Trời, ban cho chúng ta uy quyền. Uy quyền không liên hệ gì đến con người nhưng liên hệ đến sự phục sinh, là điều được biểu hiện qua con người. So với tất cả những người khác, A-rôn không có gì khác biệt. Điểm khác biệt là ông được Đức Chúa Trời chọn lựa và ban cho sự sống phục sinh. Từ điểm ấy, chúng ta nhận thấy rằng nền tảng của uy quyền là sự phục sinh.

SỰ TRỔ HOA CỦA CÂY GẬY LÀ MỘT KINH NGHIỆM KHIÊM NHƯỜNG

Mười hai cây gậy trải qua một đêm trước rương chứng cớ. Đức Chúa Trời làm cho cây gậy của A-rôn ra nụ, trổ hoa và sinh ra những trái hạnh nhân chín. Đó là một cây gậy chết, nhưng Đức Chúa Trời đặt quyền năng sự sống vào trong nó. Môi-se gom tất cả gậy đặt trước rương chứng cớ và bày ra cho dân Israel thấy. Gậy của A-rôn trổ hoa có ý nghĩa gì? Trước hết, cây gậy trổ hoa làm cho chủ của nó khiêm nhường. Thứ hai, nó làm cho miệng của chủ những cây gậy khác ngậm miệng lại. Chúng ta sẽ phản ứng thế nào nếu ngày hôm sau chúng ta cầm lên một cây gậy khô giống như cây của A-rôn, là cây đã chết, không còn hi vọng trổ hoa, rồi ngạc nhiên khám phá nó trổ nụ, nở hoa và kết trái? Trong nước mắt chúng ta sẽ thừa nhận với Đức Chúa Trời rằng đó là công việc của Ngài. Điều đó không liên quan gì đến chúng ta. Đó là vinh quang của Ngài chứ không phải vinh quang của chúng ta. Tự phát, chúng ta sẽ được làm cho trở nên khiêm nhường trước mặt Đức Chúa Trời. Đó là ý của Phao-lô khi ông nói: “Nhưng chúng tôi đựng báu vật này trong bình đất, hầu tỏ ra quyền năng lớn lao quá đỗi này là bởi Đức Chúa Trời, chớ chẳng phải từ chúng tôi” (2 Cô. 4:7). Chỉ những kẻ ngu dại mới cố kiêu ngạo. Một người đã nhận được ân điển từ Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ ngã xuống trước mặt Ngài và nói: “Đây là công việc của Đức Chúa Trời. Tôi không có gì để khoe khoang cả. Mọi sự đều tùy thuộc vào sự thương xót của Đức Chúa Trời chứ không phải con người ước muốn hay xông xáo mà được. Không điều gì tôi đang có mà không do mình đã nhận lãnh. Mọi sự tôi có đều phát xuất từ sự lựa chọn của Đức Chúa Trời”.

Ở đây chúng ta thấy nền tảng của uy quyền không tùy thuộc vào con người, không liên quan gì đến con người cả. Khi A-rôn lại hầu việc Chúa với uy quyền mình, có thể ông đã nói với Chúa rằng: “Cây gậy của tôi đã chết như những cây gậy khác. Tôi có thể phục vụ trong khi họ không thể phục vụ. Tôi có uy quyền thuộc linh còn họ thì không. Nhưng điều này không liên quan gì đến cây gậy của tôi. Cây gậy của tôi cũng khô héo như những cây gậy của họ. Không gậy nào của chúng ta đáng kể cả; những cây gậy ấy không phải là vấn đề. Chúng không phải là lý do. Lý do duy nhất là sự thương xót của Đức Chúa Trời. Ấy là Đức Chúa Trời đã lựa chọn tôi”. Từ đó, ông không còn có thể phục vụ bằng cây gậy của mình nữa, mà bằng cây gậy trổ hoa của mình.

DẤU HIỆU CỦA CHỨC VỤ – SỰ PHỤC SINH

Một cây gậy chỉ về địa vị con người, trong khi sự trổ hoa chỉ về sự sống phục sinh. Nói về mặt địa vị thì mười hai người lãnh đạo của mười hai chi phái đều chiếm địa vị lãnh đạo. A-rôn đại diện cho chi phái Lê-vi, và đối với việc đại diện cho chi phái riêng của mình thì ông không có gì khác so với những người lãnh đạo kia. A-rôn không thể hầu việc Đức Chúa Trời căn cứ trên địa vị của mình, vì địa vị của ông giống như mọi người khác. Thật ra, đó là lý do tại sao các chi phái khác chống đối quyền lãnh đạo của ông. Nhưng Đức Chúa Trời đã làm gì? Ngài truyền mang mười hai cây gậy đặt trong lều nhóm họp trước rương chứng cớ qua một đêm. Cây gậy của người nào mà Đức Chúa Trời đã chọn sẽ trổ hoa. Đó là sự phục sinh. Sự phục sinh là dấu hiệu Đức Chúa Trời công nhận. Ngài chỉ công nhận những người đã vượt qua sự chết và sự sống lại làm đầy tớ của Ngài. Vậy nên, dấu hiệu của chức vụ là sự phục sinh. Một người không thể căn cứ vào địa vị của mình để hầu việc Đức Chúa Trời, mà phải căn cứ vào sự lựa chọn của Đức Chúa Trời. Sau khi Đức Chúa Trời làm cho cây gậy của A-rôn trổ nụ, nở hoa và kết trái, các chi phái nhìn thấy điều đó, và họ không còn gì để nói nữa.

Uy quyền không phải là điều một người có thể tranh đấu giành lấy, mà do Đức Chúa Trời thiết lập. Điều đó không liên quan gì đến địa vị lãnh đạo của chúng ta. Làm một uy quyền hay không tùy thuộc vào việc chúng ta đã trải qua sự chết và sự sống lại chưa. Không có gì trong chính chúng ta khiến mình biệt riêng làm một uy quyền thuộc linh. Mọi sự đều tùy thuộc vào ân điển, sự lựa chọn và sự phục sinh. Một người phải suy thoái đến mức độ tối tăm và mù quáng lắm mới có thể kiêu ngạo. Tự bản thân, không cây gậy nào trổ hoa cho dầu để nó một mình suốt cả cuộc đời. Nan đề ngày nay là khó tìm thấy một người cúi xuống xưng nhận mình cũng giống như mọi người khác.

CHỈ NHỮNG KẺ NGU DẠI MỚI KIÊU NGẠO

Khi Chúa Jesus đi vào Giê-ru-sa-lem trên con lừa con, dân chúng reo hò: “Hô-sa-na! Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến!” (Mác 11:9). Khi lừa con nghe dân chúng hô: “Hô-sa-na” và thấy họ trải những nhánh cây trước mặt Chúa, nó có thể xoay lại hỏi Chúa: “Họ hoan hô Ngài hay tôi?” Nó có thể xoay sang lừa mẹ và nói: “Rốt cuộc thì con hơn mẹ”. Nếu lừa con làm như vậy thì nó không biết Đấng đang cỡi trên mình. Nhiều đầy tớ của Đức Chúa Trời thường ngu dại như vậy. Lừa con ấy không khác gì những lừa con khác. Sự khác biệt là Chúa cỡi trên lưng nó. Ấy không phải lừa con được ngợi khen mà chính là Chúa đang ngồi trên lừa con. Khi những người khác hô: “Hô-sa-na”, không phải họ hoan hô anh em. Những cành lá và áo ngoài trên mặt đất không phải trải ra vì anh em. Chỉ một người ngu dại mới nói rằng mình hơn những kẻ khác.

Khi A-rôn nhìn thấy cây gậy của mình trổ hoa, không phải ông là người đầu tiên ngạc nhiên, và sấp mình xuống trong nước mắt thờ phượng Chúa và nói: “Tại sao gậy của tôi trổ hoa? Cây gậy của tôi không giống như những cây gậy của mọi người khác sao? Tại sao vinh quang và quyền năng vĩ đại như vậy được ban cho tôi? Cây gậy của tôi không bao giờ tự trổ hoa được”. Điều thuộc về xác thịt luôn luôn là xác thịt. A-rôn cũng giống như mọi người dân khác của Đức Chúa Trời. Sau kinh nghiệm ấy, những người khác có thể vẫn bị đánh lừa nhưng A-rôn thì không. Đúng ra A-rôn phải nhận thức rằng mọi uy quyền thuộc linh đều từ Đức Chúa Trời. Ngày nay chúng ta cũng cần nhận thức mình hoàn toàn không có nền tảng để kiêu ngạo. Chúng ta có sự thương xót vì Đức Chúa Trời vui lòng ban cho chúng ta sự thương xót. Tự trong chính mình chúng ta không đủ [khả năng] để đảm trách chức vụ này; sự đầy đủ của chúng ta đến từ Đức Chúa Trời (2 Cô. 3:5). Điều lạ lùng là một người có thể tuyên bố sống trước mặt Chúa mà lại không khiêm nhường. Nếu hôm đó lừa con ấy cho rằng những lời tung hô nhắm vào nó thì nó cực kỳ tự tin và ngu dại biết bao! Sẽ đến một ngày chúng ta nhận thức điều ấy đáng xấu hổ biết bao. Cho dầu chúng ta khao khát vinh quang, vinh quang của chúng ta nằm trong tương lai chứ không ở trong hiện tại.

Tất cả các anh chị em trẻ tuổi phải học tập khiêm nhường. Anh em phải nhận thức rằng ấy không phải mình là người có khả năng tiến lên. Đừng nghĩ rằng chỉ vì anh em đã học được vài bài học thuộc linh nên anh em khác biệt với những người khác. Mọi sự đều tùy thuộc vào ân điển của Đức Chúa Trời, và mọi sự đều từ Đức Chúa Trời. Trong chính mình chúng ta không thể làm gì cả. A-rôn biết Đức Chúa Trời làm cho cây gậy trổ hoa; đó là việc làm bởi quyền năng siêu nhiên. Qua sự trổ hoa, Đức Chúa Trời phán với dân Israel, và cũng phán với A-rôn. Từ ngày ấy, A-rôn biết sự phục vụ căn cứ vào sự trổ hoa chứ không căn cứ vào chính mình. Ngày nay nếu muốn hầu việc Chúa, chúng ta cũng phải nhận thức rằng sự phục vụ của mình dựa vào sự phục sinh, và sự phục sinh dựa vào Đức Chúa Trời chứ không dựa vào chúng ta.

PHỤC SINH LÀ GÌ?

Bây giờ câu hỏi của tôi là: Phục sinh là gì? Phục sinh là mọi sự không ra từ sự sống thiên nhiên của chúng ta, không ra từ chính chúng ta, và không căn cứ vào khả năng của chúng ta. Sự phục sinh nói đến những điều vượt trổi trên chúng ta, là điều tự chúng ta không thể làm được. Bất cứ cây gậy nào cũng có thể được khắc hoa và sơn màu, nhưng không ai có thể làm cho nó trổ hoa. Chúng tôi chưa từng nghe nói về một cây gậy nào vẫn có thể ra nụ và nở hoa sau khi đã được sử dụng vài thập niên. Đó là việc làm của Đức Chúa Trời. Không người đàn bà nào trên thế giới từng sinh đẻ sau khi tử cung của mình đã đóng lại, nhưng Sa-ra sinh ra Y-sác (La. 4:19). Đó là việc làm của Đức Chúa Trời. Vậy nên, Sa-ra tượng trưng cho sự phục sinh. Phục sinh là gì? Phục sinh có nghĩa là tự mình một người không thể làm bất cứ điều gì, có nghĩa là người ấy chỉ có thể làm điều đó nhờ Đức Chúa Trời. Điều ấy có nghĩa là không phải bởi chính mình mà bởi Đức Chúa Trời. Phục sinh có nghĩa là một người không kể đến những gì mình “là” mà chỉ tin tưởng vào những gì Đức Chúa Trời “là”. Anh em thông minh hơn những người khác hay có tài hùng biện hơn người khác là việc nhỏ. Nếu anh em có bất cứ điều gì thuộc linh, điều thuộc linh ấy không căn cứ trên chính anh em mà dựa vào việc làm của Đức Chúa Trời trong anh em. Giả sử, A-rôn ngu dại đến nỗi nói với người khác rằng: “Cây gậy của tôi khác với gậy của anh. Cây gậy của tôi nhẵn nhụi hơn, bóng loáng hơn, và thẳng thớm hơn. Đó là lý do tại sao nó trổ hoa”. Điều đó thật là ngu dại và ngớ ngẩn biết bao! Nếu một giây phút nào chúng ta nghĩ rằng mình khác biệt với những người khác thì đó là ý tưởng ngu dại nhất. Cho dầu có một điều gì khác biệt trong chúng ta đi nữa thì đó cũng chỉ là kết quả do việc làm của Đức Chúa Trời. Sự phục sinh có nghĩa là mọi sự ra từ Đức Chúa Trời.

Tên Y-sác có nghĩa là “tiếng cười”. Tại sao Áp-ra-ham gọi con mình là “tiếng cười”? Ông gọi con mình là Y-sác vì hai lý do. Trước hết, Đức Chúa Trời hứa với Áp-ra-ham là Sa-ra sẽ sinh ra một con trai. Khi nghe vậy, Sa-ra cười. Bà cười là điều tự nhiên. Khi nhìn đến chính mình, bà không thể không cười được. Thời kỳ sinh đẻ của bà đã qua, và tử cung của bà đã đóng lại. Làm sao bà có thể sinh con được? Bà nghĩ điều đó không thể xảy ra được. Vì vậy, khi Đức Chúa Trời nói với Áp-ra-ham rằng bà sẽ có con, thì bà cười. Thứ hai, khi Sa-ra sinh được một người con một năm sau, bà thật sự cười vì sung sướng. Vậy nên, Đức Chúa Trời gọi tên của con trẻ ấy là Y-sác (Sáng 18:10-15; 21:1-3, 6-7), có nghĩa là “tiếng cười”. Lần đầu tiên bà cười là vì tính chất không thể thực hiện được của lời hứa. Lần thứ hai bà cười là vì ngạc nhiên khám phá ra điều ấy có thể xảy ra được. Nếu một người chưa bao giờ kinh nghiệm tiếng cười đầu tiên thì người ấy không bao giờ có thể kinh nghiệm tiếng cười thứ hai. Nếu một người chưa từng nhận biết sự bất năng của mình thì người ấy không bao giờ có thể kinh nghiệm khả năng của Đức Chúa Trời. Sa-ra biết chính mình; bà biết rất rõ về chính mình. Bà biết rằng mình không thể thực hiện điều đó được. Nhưng ngay khi nhìn việc làm của Đức Chúa Trời thì bà có thể cười. Sự phục sinh là gì? Sự phục sinh có nghĩa là Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta một điều gì đó mà chúng ta không có trong chính mình. Kinh Thánh làm chứng nhiều lần rằng tự con người không thể làm được. Nhưng nhiều người nghĩ rằng họ có thể làm được. Đối với vấn đề phục vụ, nếu một số người thật sự cười chính mình và nói: “Tôi không thể làm được”, thì họ lại thấy mình cười nữa và nói: “Tôi không thể làm được. Tôi đã nhìn thấu chính mình. Chúa đã thực hiện điều đó cho tôi”. Nếu có biểu hiện uy quyền nào trong mình, chúng ta cần phải nói với Chúa rằng: “Ngài là Đấng đã thực hiện điều đó. Điều đó không phải là công việc của con”. Sự phục sinh có nghĩa là anh em không thể làm được và Đức Chúa Trời là Đấng thực hiện mọi sự.

PHỤC SINH LÀ NGUYÊN TẮC ĐỜI ĐỜI TRONG SỰ PHỤC VỤ

Nguyên tắc trong mọi sự phục vụ nằm nơi cây gậy trổ hoa. Đức Chúa Trời trả lại mười một cây gậy cho những người lãnh đạo, nhưng giữ lại cây gậy của A-rôn ở trong rương chứng cớ để làm một vật kỷ niệm đời đời. Điều này có nghĩa là sự phục sinh là một nguyên tắc đời đời trong sự hầu việc Đức Chúa Trời của chúng ta. Đầy tớ của Chúa là một người đã chết và sống lại. Đức Chúa Trời làm chứng nhiều lần với dân Ngài rằng uy quyền để hầu việc Đức Chúa Trời nằm trong sự phục sinh chứ không phải nơi bản thân người nào đó. Mọi sự phục vụ cho Chúa đều phải trải qua sự chết và sự phục sinh rồi mới được Đức Chúa Trời chấp nhận. Phục sinh có nghĩa là mọi sự đều thuộc về Đức Chúa Trời chứ không thuộc về chúng ta. Điều ấy có nghĩa là chỉ Đức Chúa Trời mới có khả năng còn chúng ta thì bất năng. Phục sinh có nghĩa là mọi sự đều được Đức Chúa Trời thực hiện chứ không phải bởi chính chúng ta. Tất cả những người nghĩ về mình quá cao hay có một nhận xét sai lạc về chính mình thì chưa bao giờ nhận thức sự phục sinh là gì. Đừng ai lầm lẫn nghĩ rằng tự mình có thể làm mọi sự. Nếu một người tiếp tục nghĩ rằng mình có khả năng, có thể làm gì đó, và hữu dụng, thì người ấy chưa biết sự phục sinh. Có thể người ấy biết giáo lý về sự phục sinh, lý do của sự phục sinh, hay kết quả của sự phục sinh, nhưng người ấy chưa biết đến sự phục sinh. Tất cả những người biết sự phục sinh đều mất hi vọng nơi chính mình; họ biết mình không thể làm được. Hễ sức mạnh thiên nhiên còn lại thì quyền năng phục sinh không có chỗ để biểu hiện. Hễ Sa-ra có thể sinh con thì Y-sác không thể ra đời. Những gì chúng ta có thể làm đều thuộc về lãnh vực thiên nhiên, và điều không thể xảy ra cho chúng ta đều thuộc về lãnh vực phục sinh.

Khả năng của Đức Chúa Trời không được biểu hiện trong cõi sáng tạo của Ngài nhưng trong sự phục sinh. Quyền năng vĩ đại nhất của Đức Chúa Trời không được biểu hiện qua cõi sáng tạo mà qua sự phục sinh. Khi quyền năng của Đức Chúa Trời được biểu hiện trong cõi sáng tạo, quyền năng ấy không cần sự chết đi trước. Nhưng khi quyền năng ấy được biểu hiện trong sự phục sinh thì cần sự chết đi trước. Mọi vật thọ tạo đều không cần có điều gì đi trước rồi mới dựng nên chúng được, nhưng mọi sự trong sự phục sinh đều có điều gì đó đi trước nó. Nếu một người có thể tồn tại bằng những gì người ấy sở hữu từ trước, thì người ấy chưa có kinh nghiệm gì về sự phục sinh. Nếu khả năng của một người mà theo những gì người ấy có từ trước, thì người ấy chưa có sự phục sinh. Nếu người ấy vẫn là những gì mình “là” từ trước, thì chưa có sự phục sinh. Nếu những gì một người hiện có là những gì đã có trước kia thì người ấy chưa có sự phục sinh. Chúng ta phải công nhận mình không thể làm gì cả, không là gì cả, và không có gì cả. Chúng ta như một con chó đã chết. Nếu chúng ta thừa nhận điều ấy, và nhận thấy điều gì đó vẫn sống động trong mình, thì đó là sự phục sinh. Sự sáng tạo không đòi hỏi sự hiểu biết về sự chết, nhưng sự phục sinh đòi hỏi chúng ta ngã xuống, sấp mình trước mặt Đức Chúa Trời, và xưng nhận với Ngài rằng: “Con không thể làm gì cả. Con không là gì cả, và con không có gì cả. Con là như vậy. Nếu con có thể làm bất cứ điều gì cho người khác thì đó là vì Ngài đã ban điều ấy cho con. Nếu con có thể làm bất cứ điều gì, thì đó là vì Ngài đã thực hiện điều đó qua con”. Một khi sấp mình trước mặt Chúa như vậy thì mọi sự chúng ta có đều trở nên công việc của Đức Chúa Trời trong chúng ta. Từ nay trở đi, chúng ta sẽ không bao giờ lầm lẫn mà sẽ nhận thức rằng mọi sự chết chóc đều thuộc về chúng ta và mọi sự sống động đều thuộc về Đức Chúa Trời. Chúng ta phải tách rời chính mình khỏi Chúa một cách rõ ràng; mọi sự liên quan đến sự chết đều thuộc về chúng ta, và mọi sự liên quan đến sự sống đều thuộc về Chúa. Chúa không bao giờ lẫn lộn, nhưng chúng ta thì thường xuyên lẫn lộn. Một người phải đến chỗ cùng đường về chính mình rồi mới được thuyết phục về sự cực kỳ vô dụng của mình. Sau khi Sa-ra sinh Y-sác, bà không bao giờ ngu dại đến nỗi nghĩ rằng sức lực riêng của mình đã gánh vác điều đó. Con lừa con sẽ không lầm lẫn tưởng rằng những tiếng tung hô nhắm vào nó. Đức Chúa Trời phải đem chúng ta đến một giai đoạn mà tại đó chúng ta không còn lẫn lộn những gì thuộc về Đức Chúa Trời với những gì thuộc về chúng ta nữa.

Người nào là uy quyền cần phải biết điều đó; bằng mọi cách người ấy không nên lầm lẫn. Đừng hiểu lầm uy quyền. Uy quyền thuộc về Đức Chúa Trời chứ không thuộc về chúng ta; chúng ta chỉ là những người quản lý uy quyền. Chỉ những người nhìn thấy điều ấy mới có đủ tư cách làm một uy quyền đại diện. Anh chị em ơi, khi anh chị em bắt tay vào công việc mình, tôi hi vọng không ai trong chúng ta ngu dại đến nỗi nghĩ rằng chúng ta có quyền hành gì trong chính mình. Ngay khi xúc phạm đến nguyên tắc phục sinh thì anh em mất đi uy quyền, và ngay khi cố phô bày uy quyền của mình thì anh em lập tức mất đi uy quyền. Một cây gậy khô không thể phô bày gì cả ngoại trừ sự chết. Nhưng khi có sự phục sinh, anh em có uy quyền, và uy quyền này nằm nơi sự phục sinh chứ không nơi sự sống thiên nhiên. Mọi sự chúng ta có đều thiên nhiên. Vậy, uy quyền không nằm nơi chúng ta mà nằm nơi Chúa.

BÁU VẬT TRONG BÌNH ĐẤT

Lời của Phao-lô trong 2 Cô-rin-tô 4:7 tương xứng với lời dạy ở đây. Tôi thường nghĩ rằng trong chương này, Phao-lô vẽ một bức tranh kỳ diệu. Ông tự sánh mình với một chiếc bình bằng đất, tức chiếc bình làm bằng đất sét. Ông ví sánh quyền năng phục sinh ở trong mình với một báu vật. Điều này cũng như dầu quí giá trong bình bằng ngọc. Ông biết rất rõ chính mình chỉ là chiếc bình bằng đất. Nhưng báu vật ở trong ông tạo nên quyền năng tuyệt hảo. Có một sự khác biệt rất lớn giữa hai điều này. Phao-lô nói rằng quyền năng phục sinh ấy là một báu vật và đó là một quyền năng lớn lao quá đỗi. Đây thật sự là lời nói của một người thành thật; ông mô tả quyền năng ấy cách trung thực – “quyền năng tuyệt hảo”. Sau đó, ông nói rằng mình bị đè ép mọi mặt, nhưng ông không bị gò bó nhờ hiệu quả của báu vật ấy. Trong chính mình, ông không thể tìm ra lối thoát, nhưng với báu vật thì không phải ông hoàn toàn không có lối thoát. Trong chính mình, ông bị bắt bớ, nhưng với báu vật, ông không bị bỏ rơi. Trong chính mình, ông bị đánh ngã, nhưng với báu vật, ông không bị tiêu diệt. Về phần mình thì ông bị đè ép mọi mặt. Nhưng về phần báu vật thì ông không bị gò bó. Một mặt có sự chết, nhưng mặt khác có sự sống. Một mặt, chúng ta không ngừng được giải cứu khỏi sự chết, nhưng mặt khác, chúng ta sinh sản sự sống. Một mặt, sự chết hành động, và mặt khác, sự sống được biểu hiện. 2 Cô-rin-tô chương 4 và 5 bày tỏ trọng tâm chức vụ của Phao-lô. Ở đây chúng ta tìm thấy không gì khác hơn là nguyên tắc sự chết và sự phục sinh. Mọi sự trong chúng ta đều là sự chết, và mọi sự trong Chúa đều là sự phục sinh.

UY QUYỀN Ở NƠI SỰ PHỤC SINH

Nếu có uy quyền trong chúng ta thì uy quyền ấy phát xuất từ Đức Chúa Trời chứ không phải từ chúng ta. Chúng ta không bao giờ nên lầm lẫn điều ấy. Chúng ta cần phải thấy một cách rõ ràng rằng mọi uy quyền đều phát xuất từ Chúa. Chúng ta ở đây trên đất chỉ để duy trì uy quyền của Ngài; chúng ta không ở đây để duy trì uy quyền riêng của mình. Uy quyền không thuộc về chúng ta. Bất cứ khi nào tin cậy Chúa thì chúng ta nhìn thấy uy quyền. Bất cứ khi nào bày tỏ sự sống thiên nhiên thì chúng ta trở nên giống như mọi người khác, và tuyệt nhiên không còn chút uy quyền nào trong chúng ta nữa. Chỉ điều gì phát sinh từ sự phục sinh mới đem đến uy quyền. Uy quyền căn cứ trên sự phục sinh chứ không căn cứ trên chính chúng ta. Không cây gậy tầm thường nào được đặt trước mặt Đức Chúa Trời. Chỉ một cây gậy phục sinh mới được đặt trước mặt Ngài. Hơn nữa, sự phục sinh được tìm thấy trong cây gậy trổ hoa. Đó không phải là sự phục sinh chung chung mà là sự phục sinh trọn vẹn. Đó không chỉ là biểu hiện mập mờ của sự sống phục sinh mà là một sự sống ra nụ, nở hoa và sinh trái. Đó là sự sống phục sinh trong tình trạng trưởng thành. Chỉ người trưởng thành trong sự sống phục sinh mới có thể hành động với tư cách là uy quyền đại diện của Đức Chúa Trời. Sự sống phục sinh được bày tỏ qua chúng ta càng nhiều thì chúng ta càng có uy quyền.