CHƯƠNG MƯỜI BA: NỀN TẢNG UY QUYỀN ĐẠI DIỆN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI – KHẢI THỊ

Uy Quyền và Thuần Phục

Đăng vào: 5 tháng trước

.

CHƯƠNG MƯỜI BA: NỀN TẢNG UY QUYỀN ĐẠI DIỆN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI – KHẢI THỊ

Kinh Thánh: Xuất. 3:1-12; Dân. 12:1-15

Trong Cựu Ước, uy quyền vĩ đại nhất mà Đức Chúa Trời đã chỉ định là Môi-se. Chúng ta có thể học được nhiều bài học nơi ông. Tạm thời chúng ta để sang một một bên những sự xử lý có tính bao quát và kéo dài suốt đời mà Môi-se đã trải qua. Thay vào đó, chúng ta sẽ chú ý đến sự mô tả phản ứng của ông khi uy quyền của mình bị xúc phạm, nhạo báng, chống đối và khước từ. Môi-se bị khước từ và chống đối vài lần, và mỗi lần ông đều phản ứng một cách đúng đắn.

Trước khi Môi-se được Đức Chúa Trời chỉ định làm uy quyền, ông đã giết chết một người Ai Cập, là người từng sát hại một người bà con của ông. Về sau, ông khuyên bảo hai người Hê-bơ-rơ đừng tranh cãi với nhau. Nhưng hai người Hê-bơ-rơ ấy quay lại hỏi ông: “Ai đặt ông làm vua, làm quan án cho chúng tôi?” (Xuất. 2:14). Khi ấy, Môi-se chưa học được bài học của mình; ông không biết đến thập tự giá hay ý nghĩa của sự phục sinh; ông hành động hoàn toàn bởi sức mạnh của xác thịt mình. Kết quả là ông không thể chịu nổi cuộc thử nghiệm. Ông đã giết người, khiển trách những người khác và tỏ ra rất mạnh dạn, nhưng bên trong ông lại yếu đuối. Ngay khi bị thử nghiệm thì ông sợ hãi. Trong nỗi sợ hãi, ông bỏ chạy vào đồng vắng tại xứ Ma-đi-an, và ở đó bốn mươi năm để học tập bài học của mình (cc. 11-22). Sau khi ông trải qua nhiều cuộc thử nghiệm, Đức Chúa Trời cho ông thấy khải tượng về bụi gai cháy. Bụi gai trông như đang cháy, nhưng không bị tàn lụi. Lửa không thiêu trụi bụi gai. Sau khi Đức Chúa Trời bày tỏ cho Môi-se thấy khải thị này, Ngài kêu gọi ông và lập ông làm uy quyền. Sau khi được huấn luyện và được kêu gọi, ông hội đủ điều kiện để làm một nhà lãnh đạo. Sau khi trở nên một nhà lãnh đạo, ông bị những người khác khước từ nhiều lần. Lần kia, A-rôn là anh của ông và Mi-ri-am là chị của ông trách mắng, chỉ trích và không nhìn nhận ông là uy quyền đại diện. Chúng ta hãy xem ông đã phản ứng thế nào.

PHẢN ỨNG CỦA UY QUYỀN ĐẠI DIỆN KHI BỊ PHỦ NHẬN

Không Nghe Những Lời Nhạo Báng

Theo Dân Số Ký 12:1-2, Môi-se cưới một phụ nữ Ê-thi-ô-bi, và A-rôn cùng với Mi-ri-am chỉ trích ông về điều ấy. Trong phân đoạn này, chúng ta nhận thấy mức độ thiệt thòi thuộc linh họ phải chịu do nhạo báng uy quyền đại diện, và chúng ta cũng nhìn thấy phản ứng của Môi-se với tư cách là uy quyền đại diện của Đức Chúa Trời. Trên thực tế, A-rôn và Mi-ri-am thách thức Môi-se: “Môi-se ơi, làm sao chỉ có ông, là người đã cưới người phụ nữ Ê-thi-ô-bi, mới có thể phát ngôn cho Đức Chúa Trời? Chúng tôi không làm như vậy được sao? Ông là dòng dõi của Sem mà lại đi cưới dòng dõi của Cham. Một người như ông lại có thể làm người phát ngôn cho Đức Chúa Trời sao? Có thể nào chúng tôi là những người chưa từng cưới người nào thuộc dòng dõi của Cham lại bị ngăn không được làm môi miệng của Đức Chúa Trời sao?” Có thể họ đã tranh cãi nhiều với em dâu của mình, nhưng nan đề thật sự là họ đã đụng chạm đến Môi-se là uy quyền đại diện. Tại điểm này, câu 2 nói: “Đức Giê-hô-va nghe điều đó”. Câu ấy không nói Môi-se nghe điều đó. Ở đây chúng ta thấy một người không bị lời nói của con người đụng chạm. Ông là một người vượt lên trên sự nhạo báng của con người. Chúng ta nhìn thấy một người siêu việt, một người của uy quyền. Mọi sự chống đối, nhạo báng và nổi loạn đều ở dưới chân của người ấy. Ông để Đức Chúa Trời lắng nghe những lời nói ấy trong khi chính ông không để chúng lọt vào tai.

Những ai ao ước làm người cung ứng lời Đức Chúa Trời, tức những ai muốn phát ngôn cho Đức Chúa Trời, và khao khát hướng dẫn các anh chị em, cần phải học tập không để tai đến những lời nhạo báng. Chúng ta cần phải để Đức Chúa Trời lắng nghe những lời nói ấy; chúng ta nên để dành những lời ấy lại cho Đức Chúa Trời. Chúng ta đừng bao giờ để ý đến việc người ta chỉ trích hay nhạo báng mình như thế nào. Những người tìm xem người ta nói gì về mình rồi nổi giận, căm phẫn hay hận thù đều không đủ tư cách làm một uy quyền đại diện. Những người có thể bị ảnh hưởng vì những lời nhạo báng hay có thể bị những lời như vậy đè bẹp thì không thể làm uy quyền đại diện. Môi-se là người không bị những lời nhạo báng tác động.

Không Biện Minh

Khi bị nhạo báng, ông không tự biện minh. Mọi sự biện minh, phân trần và phản ứng đều cần phải phát xuất từ Đức Chúa Trời chứ không phát xuất từ con người. Những người tìm cách tự biện minh thì chưa biết đến Đức Chúa Trời. Không người nào từng bước đi trên trái đất này mà có nhiều uy quyền hơn Đấng Christ. Nhưng khi ở trên đất, Chúa không bao giờ tự biện minh. Ngài là người duy nhất không bao giờ tự biện minh cho mình. Uy quyền và sự biện minh xung khắc với nhau. Khi chúng ta cố biện minh trước mặt một người nào đó thì có nghĩa rằng người đó là quan tòa của chúng ta. Mỗi khi biện minh trước mặt những người chỉ trích mình, chúng ta cho họ biết rằng họ cao hơn chúng ta. Một người biện minh là người ở dưới sự đoán xét của người khác. Những người tự biện minh hoàn toàn không có uy quyền. Khi nào một người tự biện minh thì người ấy đánh mất uy quyền của mình. Có thể Đức Chúa Trời ủy thác uy quyền của Ngài cho chúng ta, nhưng nếu chúng ta tự biện minh trước mặt con người thì chúng ta đã đánh mất uy quyền của mình vì chúng ta van xin họ làm quan tòa [xét xử] mình.

Phao-lô là uy quyền đại diện đối với người Cô-rin-tô, nhưng ông nói: “Nhưng đối với tôi, hoặc bị anh em hay ngày của loài người tra xét, tôi xem là việc rất nhỏ nhặt; tôi cũng không tự tra xét chính mình” (1 Cô. 4:3). Sự biện minh chỉ có thể phát xuất từ Đức Chúa Trời. Chúng ta nên chuyển mọi lời nhạo báng và chỉ trích cho Chúa. Khi những lời nhạo báng của con người [chồng chất] quá nhiều, thì Đức Chúa Trời sẽ hành động. Nhưng nếu tự biện minh với bất cứ người nào, thì trên thực tế, chúng ta làm cho người ấy trở nên quan tòa của mình. Nếu tìm cầu sự thông cảm từ bất cứ người nào thì chúng ta ngã xuống dưới chân người ấy. Vậy, chúng ta đừng bao giờ tự biện minh và đừng bao giờ tìm cầu sự thông cảm từ bất cứ người nào.

Đầy Dẫy Tính Khiêm Hòa

Trong Dân Số Ký 12:2, Đức Chúa Trời nghe những lời nhạo báng, và Ngài hành động trong câu 4. Nhưng trong câu 3 có một lời xen vào giữa: “Vả con người Môi-se rất khiêm hòa, hơn tất cả mọi người trên thế gian”. Đó là điều chúng ta tìm thấy trong một uy quyền đại diện được Đức Chúa Trời chỉ định. Tại sao Môi-se lại không nghe những lời nhạo báng của họ? Có lẽ Môi-se nghĩ rằng mình thật sự sai trật và không muốn tranh luận với họ. Đức Chúa Trời không thể lập một người ương ngạnh làm uy quyền của Ngài. Ngài không thể chỉ định một người hung hăng làm uy quyền đại diện của Ngài. Các uy quyền Đức Chúa Trời thiết lập trong hội thánh đều khiêm hòa và kín đáo. Đức Chúa Trời không chỉ định những người có sức hấp dẫn, lôi cuốn mạnh mẽ làm uy quyền của Ngài; Ngài chỉ định những người không những khiêm hòa một cách chung chung, mà còn khiêm hòa đến mức độ tính khiêm hòa của họ trổi hơn mọi người trên khắp đất. Nói cách khác, họ khiêm hòa như Đức Chúa Trời.

Một uy quyền đại diện không bao giờ có thể xây dựng uy quyền riêng của mình. Một người càng cố gắng xây dựng uy quyền riêng của mình thì người ấy càng ít có điều kiện để làm uy quyền. Uy quyền là từ Đức Chúa Trời; vậy nên, sự biện minh cũng phải từ Đức Chúa Trời. Chúng tôi cầu nguyện để không gặp phải quá nhiều người cứng cỏi. Đừng có quan niệm sai lầm là một người cứng rắn và có khả năng sẽ làm một uy quyền đại diện tốt. Chúng ta cần phải rất sáng tỏ rằng chỉ có người nào như Phao-lô, khi có mặt thì yếu ớt, mới có thể làm uy quyền. Chúa nói rằng vương quốc của Ngài không thuộc về thế gian này, và vì vậy mà những người phục vụ Ngài không cần phải tranh đấu (Gi. 18:36). Vương quốc của Đức Chúa Trời không phải được thiết lập nhờ tranh đấu. Mọi uy quyền có được nhờ tranh đấu đều không phải là uy quyền từ Đức Chúa Trời.

Xin ghi nhớ rằng Môi-se khiêm hòa hơn mọi người trên mặt đất. Đó là lý do tại sao ông có thể làm một uy quyền đại diện. Nếu tôi yêu cầu anh em liệt kê những nét đặc trưng của một uy quyền đại diện, tôi tin rằng chín trên mười người trong anh em sẽ liệt kê những điều như bề ngoài dễ coi, sức lôi cuốn mạnh mẽ, đầy quyền năng hay diện mạo oai nghiêm. Suy nghĩ của con người cho là một uy quyền cần phải có khả năng, oai nghiêm, đầy quyền năng, cương quyết và có khẩu tài. Nhưng những nét đặc trưng ấy không đại diện cho uy quyền; trái lại, chúng chỉ đại diện cho xác thịt. Trong Cựu Ước, không uy quyền nào khác được Đức Chúa Trời chỉ định mà vĩ đại như Môi-se, nhưng ông lại là một người khiêm hòa nhất. Khi còn ở Ai Cập, ông khá hung dữ. Ông giết chết một người Ai Cập và khiển trách hai người Hê-bơ-rơ. Ông xử lý người khác bằng cánh tay xác thịt của mình, nhưng khi ấy Đức Chúa Trời không dùng ông làm uy quyền của Ngài. Chỉ sau khi ông trải qua sự thử nghiệm và xử lý của Đức Chúa Trời, ông trở nên rất khiêm hòa đến nỗi tính khiêm hòa của ông trổi hơn mọi người trên mặt đất, thì ông mới trở nên một uy quyền. Một người thật sự càng ít giống một uy quyền thì lại càng cảm thấy mình là một uy quyền. Một người càng nghĩ mình là một uy quyền thì lại càng ít có khả năng làm một uy quyền.

KHẢI THỊ LÀ NỀN TẢNG CỦA UY QUYỀN

Dân Số Ký 12:4 chép: “Thình lình Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se, A-rôn và Mi-ri-am rằng: Cả ba các ngươi hãy ra đến lều nhóm họp”. Đến đây Chúa phán một cách thình lình. Thình lình có nghĩa là điều gì đó bất ngờ. Có thể A-rôn và Mi-ri-am đã chỉ trích Môi-se nhiều lần, nhưng thình lình Chúa gọi họ đến lều nhóm họp. Nhiều người dễ dàng chỉ trích và hành động nghịch lại uy quyền một cách nông nổi. Họ chỉ trích người khác một cách bừa bãi vì họ sống trong lều riêng của mình cách xa lều nhóm họp. Khi ở trong lều riêng của mình, một người dễ dàng chỉ trích. Nhưng một khi bước vào lều nhóm họp thì mọi sự đều rõ ràng đối với người ấy. Cả ba đều đến trước lều nhóm họp, và Đức Giê-hô-va nói với A-rôn cùng Mi-ri-am rằng: “Hãy nghe lời Ta” (c. 6a). Trước hết họ thắc mắc là Đức Chúa Trời chỉ phán với Môi-se thì có công bằng không, và bây giờ Đức Chúa Trời cũng triệu họ lại để nghe lời Ngài. Điều này cho thấy rằng họ chưa từng học tập nghe lời của Đức Chúa Trời và chưa từng biết Ngài phán như thế nào. Vào ngày ấy, Đức Giê-hô-va phán với họ lần đầu. Đức Chúa Trời thật sự phán, nhưng Ngài phán những lời khiển trách chứ không phải những lời khải thị. Đó không phải là để biểu hiện vinh quang của Đức Chúa Trời, mà là để phán xét những hành động của họ. Ngài phán: “Hãy nghe lời Ta”. Tại đây dường như Ngài nói: “Trước kia Ta chưa nói gì, nhưng bây giờ hãy để Ta nói vài lời”. Có thể lời ấy cũng có nghĩa là: “Các ngươi nói quá nhiều và quá thường xuyên. Bây giờ, hãy cho Ta một cơ hội để nói. Các ngươi là những người nói rất thạo, hôm nay hãy lắng nghe lời của Ta”. Một người nói nhiều thì không thể nghe lời của Đức Chúa Trời; chỉ một người khiêm hòa mới có thể nghe lời của Ngài. Môi-se khiêm hòa chứ không nói nhiều. Ông có thể quay qua con đường nào Chúa muốn; ông có thể tiến hay thoái. Nhưng A-rôn và Mi-ri-am thì bướng bỉnh.

Sau đó, Đức Chúa Trời phán: “Nếu trong các ngươi có một tiên tri nào…” (c. 6b), như thể Ngài không biết có một tiên tri giữa vòng họ. Nghe dường như Đức Chúa Trời quên mất điều gì đó. Nhưng Đức Chúa Trời phán rằng dù có một tiên tri, cùng lắm là Ngài phán với người ấy trong khải tượng hay trong giấc mơ (c. 6c). Nhưng đối với Môi-se thì Đức Chúa Trời đích thân nói bằng miệng một cách rõ ràng chứ không phải bằng những lời mập mờ (c. 8). Đó là lời biện minh của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời phán với Môi-se qua những khải thị và ánh sáng; những điều ấy rất rõ ràng. Môi-se không tự biện minh. Chính Đức Chúa Trời là Đấng biện minh cho ông. Sự thật là mọi người được sai đến trong danh của Chúa để nói với con cái Đức Chúa Trời đều có ít nhiều uy quyền. Nhưng tôi hi vọng anh em không thiết lập uy quyền riêng của mình. Tôi hi vọng anh em sẽ không tự biện minh. Khải thị được ban cho một mình Môi-se chứ không ban cho A-rôn hay Mi-ri-am. Người nào được đối mặt nói chuyện với Đức Chúa Trời mới là uy quyền được Ngài chỉ định. Sự thiết lập uy quyền căn cứ vào sự lựa chọn của Đức Chúa Trời; đó là công việc của Đức Chúa Trời, và con người tuyệt nhiên không thể can thiệp. Sự nhạo báng của con người cũng không hủy bỏ uy quyền được. Đức Chúa Trời có thể chỉ định Môi-se, và cũng có thể hủy bỏ việc ấy. Nhưng dù đó là chỉ định hay hủy bỏ thì cũng là công việc của Đức Chúa Trời; con người không có quyền thắc mắc điều đó. Con người không thể hủy bỏ uy quyền của Môi-se bằng những lời nhạo báng. Giá trị của một người trước mặt Chúa không dựa vào việc người khác đánh giá người ấy, cũng không dựa vào việc người ấy tự đánh giá chính mình. Giá trị của một người trước mặt Chúa dựa vào sự khải thị. Khải thị là tiêu chuẩn Đức Chúa Trời đo lường và đánh giá. Sự thiết lập uy quyền căn cứ vào khải thị của Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời đánh giá một người dựa vào sự khải thị. Ngay khi một người bị Chúa để sang một bên thì người ấy mất đi khải thị của mình, và Đức Chúa Trời không còn phán với người ấy nữa. Đức Chúa Trời phán rằng Môi-se là đầy tớ của Ngài và Ngài nói với ông mặt đối mặt. Nếu Đức Chúa Trời ban cho chúng ta khải thị thì mọi sự đều tốt đẹp. Nếu Ngài không ban cho chúng ta khải thị thì không gì có hiệu quả cả. A-rôn và Mi-ri-am than phiền, và Đức Chúa Trời dường như hỏi rằng: “Các ngươi có bao nhiêu khải thị? Mọi khải thị của Ta đều bày tỏ cho Môi-se”.

Để học tập làm uy quyền, chúng ta phải xét xem mình là gì trước mặt Chúa. Khi chúng ta bắt tay vào công việc, thì sự thử nghiệm không ở trong sự đo lường của A-rôn hay Mi-ri-am, mà ở trong sự đo lường của Đức Chúa Trời. Nếu Đức Chúa Trời ban cho chúng ta khải thị, và chúng ta có một lời rõ ràng từ Ngài và tương giao với Ngài mặt đối mặt, thì không ai có thể phủ nhận chúng ta. Nhưng nếu con đường hướng lên không rõ ràng và [cửa] trời không mở ra cho chúng ta, thì không gì mang lại ích lợi cho dầu mọi cánh cửa trên đất đều mở ra cho chúng ta. Nếu [cửa] trời mở ra cho chúng ta thì chúng ta sẽ có sự biện minh của Đức Chúa Trời. Chúng ta sẽ có chứng cớ về sự kiện mình là con Đức Chúa Trời, tức chứng cớ về quyền làm con. Khi Chúa được báp-têm, trời mở ra (Mat. 3:16). Báp-têm là một biểu hiệu về sự chết. Khi bị đóng đinh trên thập tự giá, Chúa bước vào sự chết và được đặt trong mồ. Khi sự tối tăm vô cùng mịt mù, khi cơn đau lên đến cực điểm và khi mọi cánh cửa đều đóng lại, thì trời mở ra. Khải thị là nền tảng của uy quyền. Chúng ta phải học tập đừng tự chiến đấu hay tự biện hộ. Chúng ta không nên như A-rôn hay Mi-ri-am, kêu gào đòi uy quyền. Nếu sau khi rời khỏi đây mà anh em tranh đấu để có uy quyền thì điều đó chứng minh là anh em đang ở trong xác thịt và sự tối tăm. Điều đó cũng chứng minh anh em chưa thấy gì cả trên núi này.

ĐẦY TỚ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

Trong Dân Số Ký 12:7, Đức Chúa Trời phán: “Đầy tớ Môi-se của Ta… trung tín trong cả nhà Ta”. Về sau, lời này được trích dẫn trong sách Hê-bơ-rơ thuộc Tân Ước. Hê-bơ-rơ cho chúng ta thấy rằng Môi-se, như một biểu tượng của Đấng Christ là Con Đức Chúa Trời, thật trung tín trong cả nhà Đức Chúa Trời (3:2). Dường như Đức Chúa Trời hàm ý muốn nói với A-rôn và Mi-ri-am rằng: “Có lẽ Môi-se không hoàn toàn trung tín trong nhà của các ngươi khi người cưới một phụ nữ Ê-thi-ô-bi. Nhưng người phục vụ dân Ta và trung tín trong cả nhà Ta. Các ngươi chỉ trích người vì có lẽ vợ ông đã không làm một người em dâu tốt trong nhà của các ngươi, nhưng người là đầy tớ của Ta. Tại sao các ngươi không sợ chỉ trích Môi-se đầy tớ Ta?”

Đức Chúa Trời gọi Môi-se là đầy tớ của Ngài. Đối với tôi, tôi làm đầy tớ của Đức Chúa Trời có nghĩa là tôi thuộc về Đức Chúa Trời. Tôi là cơ nghiệp của Đức Chúa Trời, và đã được bán cho Đức Chúa Trời. Nếu tôi có bị thiệt thòi thì đó là sự thiệt thòi của Đức Chúa Trời chứ không phải của tôi. Khi những người chủ nô lệ bị mất nô lệ của mình thì họ bị mất mát tài sản. Môi-se là đầy tớ của Đức Chúa Trời, điều này có nghĩa ông là tài sản của Đức Chúa Trời, và khi người nào chỉ trích đầy tớ của Ngài thì Đức Chúa Trời chắc chắn phải bước ra biện hộ cho ông. Chúng ta không phải tự biện hộ, và không cần xây dựng uy quyền riêng của mình. Đó là công việc của Đức Chúa Trời. Tôi là đầy tớ của Ngài, và khi tôi bị chỉ trích thì Đức Chúa Trời sẽ bước ra. Nếu Đức Chúa Trời không bước ra thì tôi bước ra có ích gì? Tại sao lại cần xây dựng uy quyền riêng của tôi? Nếu Đức Chúa Trời là Đấng chỉ định tôi làm uy quyền thì tôi không nên làm bất cứ điều gì để củng cố chính mình; tôi chỉ cần để khải thị biện minh cho mình. Nếu tôi cũng tìm thấy khải thị và nguồn cung ứng trong người khác nữa thì điều ấy chứng minh rằng Đức Chúa Trời chưa biện minh cho tôi. Nhưng nếu Đức Chúa Trời đã lập tôi thì Ngài sẽ “khóa” những người khác lại để biện minh cho tôi. Nếu anh em là một uy quyền đại diện và những người khác tranh chấp về điều này thì họ tranh chấp với Đức Chúa Trời. Nếu họ có chút sự sống nào trong mình thì họ sẽ kinh nghiệm [bầu] trời đóng lại, và họ sẽ thuận phục anh em và thừa nhận uy quyền của anh em.

Tôi hi vọng không người nào đứng lên tuyên bố mình là uy quyền. Anh em cần phải để thời gian và sự khải thị biện minh cho mình. Khải thị là lời biện minh tốt nhất. Giả sử, anh em nói rằng Đức Chúa Trời đã chọn mình và anh em có khải thị cùng uy quyền. Nếu những người khác phản đối và nổi loạn chống lại anh em, và nếu họ đến với Đức Chúa Trời và cũng nhận được sự khải thị, thì điều đó có nghĩa là Đức Chúa Trời chưa biện minh cho anh em và cũng chưa ủng hộ anh em. Trong trường hợp như vậy, anh em có tự giải bày cũng vô ích. Nếu anh em trung tín trong cả nhà của Đức Chúa Trời và đặt mọi sự mình có vào trong nhà Ngài, và nếu anh em nhận thấy Ngài “khóa” những người khác lại, thì đó có nghĩa là Ngài đã chỉ định anh em làm uy quyền của Ngài. Uy quyền là điều gì ở trong tay Đức Chúa Trời chứ không tùy thuộc vào anh em. Nan đề lớn nhất ngày nay là bản ngã của con người. Nếu hiểu được uy quyền và đường lối của Đức Chúa Trời thì anh em sẽ nhận biết những gì tôi đã nói đi nói lại nhiều lần, đó là khi những người khác tranh cãi với chúng ta thì họ tranh cãi với Đức Chúa Trời vì anh em thuộc về Đức Chúa Trời. Ngay khi những người khác chạm đến anh em thì Đức Chúa Trời đóng [bầu] trời của họ lại, và họ không cách nào khác hơn là phải quay lại và ăn năn, công nhận anh em là uy quyền của Đức Chúa Trời. Vậy, không cần xây dựng uy quyền riêng của mình. Mọi sự đều tùy thuộc vào sự biện minh của Đức Chúa Trời. Nếu Đức Chúa Trời “khóa” những người khác lại, điều ấy có nghĩa là Ngài đã chỉ định anh em làm uy quyền.

KHÔNG CÓ NHỮNG CẢM XÚC RIÊNG TƯ

Ở cuối câu 8, Đức Chúa Trời phán: “Vậy, tại sao các ngươi không sợ chỉ trích đầy tớ Ta, là Môi-se?” Đức Chúa Trời biết rằng có vài điều cần phải sợ. Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời; Ngài biết tình yêu thương là gì, ánh sáng là gì, vinh quang là gì, và sự thánh khiết là gì. Thậm chí Đức Chúa Trời cũng biết sự sợ hãi là gì vì Ngài e sợ cho A-rôn và Mi-ri-am. Ngài hỏi: “Vậy, tại sao các ngươi không sợ chỉ trích đầy tớ Ta, là Môi-se?” Đức Chúa Trời không sợ gì cả, nhưng Ngài nói với A-rôn và Mi-ri-am rằng chỉ trích Môi-se là một điều ghê sợ. Đối với Đức Chúa Trời, đó là một vấn đề đáng sợ. Lẽ ra họ phải sợ trừ phi họ hoàn toàn ở trong tình trạng tối tăm, ngu dốt và vô lý. Đến đây, Đức Chúa Trời dừng lại. Ngài chưa thi hành sự phán xét của Ngài, nhưng Ngài bỏ đi, cơn giận của Ngài nổi phừng phừng cùng họ (c. 9).

Đức Chúa Trời tốn nhiều sức lực để duy trì uy quyền của Ngài. Tôi xin nghiêm túc lặp lại điều này: Đức Chúa Trời duy trì uy quyền riêng của Ngài; Ngài không duy trì uy quyền của Môi-se. Chúng ta có thể nói một cách cung kính rằng khi đầy tớ của Đức Chúa Trời phạm một lỗi lầm, thì đó là chuyện riêng của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời không nói: “Các ngươi đã chỉ trích Môi-se”; mà Ngài nói rằng họ đã chỉ trích “đầy tớ Ta, là Môi-se”. Ở trường hợp này, đầy tớ của Đức Chúa Trời ngẫu nhiên là Môi-se. Nhưng giả như đó là một người nào khác thì cũng sẽ y như vậy; cũng là “đầy tớ Ta” cộng với tên của người đầy tớ ấy. Tại đây, Đức Chúa Trời duy trì uy quyền riêng của Ngài; Ngài không duy trì uy quyền của Môi-se. Đức Chúa Trời không để người nào xúc phạm đến uy quyền của Ngài. Ngay khi con người nổi loạn chống lại uy quyền của Ngài thì Ngài quay đi trong cơn phẫn nộ.

Ngay khi Đức Chúa Trời bỏ đi thì đám mây bị cất đi khỏi chiếc lều ấy (c. 10). Đám mây tượng trựng cho sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Đám mây dời đi có nghĩa là sự hiện diện của Đức Chúa Trời bị cất khỏi. Về mặt biểu tượng thì khi đám mây di chuyển là Đức Chúa Trời di chuyển, và đền tạm cũng di chuyển. Nhưng lần này, khi đám mây di chuyển, thì Mi-ri-am bị phung. Về mặt biểu tượng thì sự di chuyển của đám mây đánh dấu khởi đầu cuộc hành trình của dân Israel. Nhưng vào ngày ấy, họ không thể tiếp tục cuộc hành trình vì cuộc nổi loạn đã khởi phát. Khi A-rôn nhìn thấy điều ấy, ông lo sợ vì ông đã tham gia vào cuộc nổi loạn này. Vì Mi-ri-am là người cầm đầu cuộc nổi loạn này nên bà là người bị phung.

Môi-se không mở miệng mình. Hễ đền tạm không truyền đạt khải thị nào thì Môi-se không mở miệng. Ông đã học tập bài học của mình. Mặc dầu có tài hùng biện, ông ngậm miệng lại và không mở miệng cho đến khi A-rôn nài xin sự tha thứ. Những người chưa kiềm chế được tấm lòng và môi miệng của mình thì không đủ tư cách làm uy quyền. Nhưng người có uy quyền của Đức Chúa Trời chắc chắn cũng có uy quyền trong lòng cũng như trong miệng mình. Khi A-rôn nài xin Môi-se, thì ông kêu van cùng Đức Giê-hô-va. Trước đó, Môi-se là một người ngoài cuộc. Trong ông không có lời lằm bằm nào. Trong ông không có sự khiển trách hay chỉ trích nào cả. Khi A-rôn nài xin ông, thì ông cầu nguyện. Đó là thập tự giá. Tại đây chúng ta nhận thấy Môi-se là một người không có cảm xúc riêng tư nào cả. Khi ông thấy Mi-ri-am bị phung và A-rôn nài xin vì sợ, lập tức ông kêu van cùng Đức Chúa Trời. Ông không nói một cách lạnh lùng rằng: “Được, để làm ơn làm phước cho anh, có lẽ tôi sẽ cố nài xin Đức Chúa Trời cho anh”. Không! Lập tức Môi-se kêu van cùng Đức Chúa Trời. Ông không có cảm xúc riêng tư nào cả. Ông không có ý tưởng nào về việc thanh minh hay trừng phạt. Khi mục đích của Đức Chúa Trời được thực hiện, lập tức ông tha thứ. Uy quyền là để thi hành mạng lệnh của Đức Chúa Trời chứ không phải để tự tôn cao chính mình. Uy quyền đại diện cần phải đem sự hiện diện của Đức Chúa Trời đến với con cái của Ngài chứ không phải đem đến sự hiện diện của chính mình. Chúng ta ở đây để đem người khác đến dưới uy quyền của Đức Chúa Trời chứ không phải đến dưới uy quyền của chúng ta. Chúng ta bị khước từ là một điều nhỏ nhoi. Trong câu 13, Môi-se cầu nguyện rằng: “Ôi, Đức Chúa Trời! Tôi cầu khẩn Ngài chữa cho chị ấy”. Đây là một người thật sự có đủ tư cách làm uy quyền vì ông không có cảm xúc riêng tư nào. Nguyện Chúa giải cứu chúng ta khỏi những cảm xúc riêng tư của mình. Khi một người vướng vào cảm xúc riêng tư của mình thì công việc của Đức Chúa Trời chịu thiệt thòi và Ngài bị giới hạn.

Môi-se không lấy sự đau khổ của Mi-ri-am và A-rôn làm vui. Ngược lại, ông cầu xin Đức Chúa Trời thương xót và cầu nguyện để Mi-ri-am được chữa lành. Nếu Môi-se không nhận được sự thương xót và không biết gì về ân điển của Đức Chúa Trời thì ông đã nói với A-rôn: “Vì anh đã nói Đức Chúa Trời cũng phán với anh nữa thì tại sao anh không tự mình cầu nguyện với Đức Chúa Trời?” Hay ông có thể nói với Đức Chúa Trời rằng: “Nếu Ngài không biện minh cho con thì con sẽ bỏ cuộc”. Dường như Đức Chúa Trời cho Môi-se cơ hội để tự biện minh. Môi-se không cầu xin cơ hội ấy, mà nó tự đến. Môi-se có thể nói: “Nếu Đức Chúa Trời im lặng thì tôi không thể làm gì được. Nhưng bây giờ, vì Đức Chúa Trời đã làm một điều nên tôi có thể lợi dụng cơ hội này mà tự biện minh”. Nhưng ông đã không lợi dụng cơ hội để tự biện minh hay trả thù. Ông có thể nói với Đức Chúa Trời rằng: “Anh chị con chỉ trích con. Nếu Ngài không làm gì cho con thì con sẽ bỏ cuộc”. Con người dễ dàng nắm lấy dịp Đức Chúa Trời biện minh để tự biện minh và trả thù. Nhưng Môi-se không tự biện minh, cũng không lợi dụng sự biện minh của Đức Chúa Trời. Ông không có cảm xúc riêng tư nào cả; ông là người không sống trong bản ngã của mình. Sự chỉ trích ấy dường như rất tầm thường đối với ông. Xác thịt của Môi-se đã hoàn toàn được xử lý. Ông không trả thù, mà ngược lại, còn cầu xin Đức Chúa Trời chữa lành cho Mi-ri-am. Điều này giống như Đấng Christ cầu nguyện trên thập tự giá cho những kẻ bắt bớ Ngài (Lu. 23:34). Một số người nghĩ rằng làm uy quyền đại diện của Đức Chúa Trời là một điều dễ dàng. Nhưng đó không phải là một điều dễ dàng. Một người phải hoàn toàn tự làm cho mình trống không rồi mới có thể làm một uy quyền đại diện.

Môi-se thật sự là một người đại diện cho Con Đức Chúa Trời. Ông có thể hành động với tư cách là uy quyền đại diện của Đức Chúa Trời vì ông thật sự đại diện cho Đức Chúa Trời. Ông không bị xác thịt chạm đến, và không tự bảo vệ hay tự biện minh. Ông không trả thù những kẻ công kích ông. Đó là lý do tại sao uy quyền của Đức Chúa Trời có thể tuôn chảy qua ông mà không bị cản trở. Chúng ta có thể nói rằng ông thật sự là một người đã gặp uy quyền của Đức Chúa Trời. Ông tuyệt nhiên không bị xác thịt, con người thể xác hay bản ngã chạm đến. Do đó, ông có đủ tư cách làm uy quyền đại diện của Đức Chúa Trời.