CHƯƠNG MỘT: TẦM QUAN TRỌNG CỦA UY QUYỀN

Uy Quyền và Thuần Phục

Đăng vào: 5 tháng trước

.

CHƯƠNG MỘT: TẦM QUAN TRỌNG CỦA UY QUYỀN

Kinh Thánh: La. 13:1-7; Hê. 1:3; Ês. 14:12-14; Mat. 6:13; 26:62-64

NGAI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI ĐƯỢC LẬP TRÊN UY QUYỀN

Các công việc của Đức Chúa Trời phát xuất từ ngai của Ngài; ngai của Đức Chúa Trời được lập trên uy quyền. Mọi sự đều được uy quyền của Đức Chúa Trời dựng nên, và mọi qui luật trên đất đều được ràng buộc với nhau bởi uy quyền. Vì vậy, Kinh Thánh nói rằng Đức Chúa Trời nâng đỡ muôn vật bởi lời, tức uy quyền của Ngài (Hê. 1:3b), chứ không nói Đức Chúa Trời nâng đỡ muôn vật bởi quyền năng của Ngài. Uy quyền của Đức Chúa Trời đại diện cho chính Đức Chúa Trời; quyền năng của Đức Chúa Trời chỉ đại diện cho những công việc của Ngài. Tội nghịch lại quyền năng của Đức Chúa Trời thì dễ được tha thứ, nhưng tội chống nghịch uy quyền Đức Chúa Trời không dễ gì được tha, vì phạm tội chống lại uy quyền của Đức Chúa Trời là phạm tội đối với chính Đức Chúa Trời. Trong toàn vũ trụ chỉ Đức Chúa Trời là uy quyền. Tất cả những uy quyền khác đều được Đức Chúa Trời chỉ định. Trong vũ trụ, không gì vĩ đại hơn uy quyền; không gì có thể vượt qua uy quyền. Do đó, nếu muốn hầu việc Đức Chúa Trời, chúng ta phải biết đến uy quyền của Đức Chúa Trời.

SỰ BẮT ĐẦU CỦA SA-TAN

Sa-tan trở thành Sa-tan vì hắn xâm phạm quyền hạn của Đức Chúa Trời. Hắn muốn đua tranh với Đức Chúa Trời và đứng đối lập với Ngài. Nổi loạn là nguyên nhân sa ngã của Sa-tan.

Cả Ê-sai 14:12-15 lẫn Ê-xê-chi-ên 28:13-17 đều nói đến sự vi phạm và sa ngã của Sa-tan. Ê-sai chương 14 nói với chúng ta rằng Sa-tan xâm phạm đến uy quyền của Đức Chúa Trời, trong khi Ê-xê-chi-ên chương 28 cho chúng ta biết rằng hắn xúc phạm đến sự thánh khiết của Đức Chúa Trời. Xúc phạm đến uy quyền của Đức Chúa Trời là vấn đề nổi loạn; điều này còn nghiêm trọng hơn là xúc phạm đến sự thánh khiết của Đức Chúa Trời. Phạm tội là vấn đề hành vi; tha thứ tội lỗi là điều dễ dàng. Nhưng nổi loạn là vấn đề nguyên tắc; tha thứ sự nổi loạn không phải là điều dễ dàng. Sa-tan, trong việc lập ngai của hắn trên ngai của Đức Chúa Trời, đã xúc phạm đến uy quyền của Đức Chúa Trời. Nguyên tắc của Sa-tan là nguyên tắc tự tôn. Tội hình thành không phải là nguyên nhân gây cho Sa-tan sa ngã. Trái lại, chính việc Sa-tan nổi loạn chống lại uy quyền của Đức Chúa Trời mà vì cớ ấy hắn bị Đức Chúa Trời kết án đã đưa đến hậu quả là làm cho tội lỗi phát sinh.

Vậy, nếu muốn hầu việc Đức Chúa Trời, chúng ta không bao giờ có thể xúc phạm đến vấn đề uy quyền. Làm như vậy là theo nguyên tắc của Sa-tan. Chúng ta không bao giờ có thể rao giảng lời của Đấng Christ theo nguyên tắc của Sa-tan. Rất có thể trong công việc của Đức Chúa Trời, về mặt nguyên tắc chúng ta đứng về phía Sa-tan trong khi về mặt giáo lý chúng ta đứng về phía Đấng Christ. Trong suốt thời gian ấy, chúng ta có thể tưởng rằng mình vẫn làm công việc Chúa. Đó là một điều rất gian ác. Sa-tan không sợ chúng ta giảng lời của Đấng Christ. Hắn chỉ sợ chúng ta thuận phục uy quyền của Đấng Christ. Chúng ta không bao giờ có thể hầu việc Đức Chúa Trời theo nguyên tắc của Sa-tan. Một khi nguyên tắc của Đấng Christ bước vào thì nguyên tắc của Sa-tan phải ra đi. Thậm chí bây giờ, Sa-tan vẫn là một kẻ tiếm đoạt trên không trung; mãi đến cuối sách Khải-thị hắn mới bị quăng ra. Chỉ khi nào gột sạch nguyên tắc của Sa-tan khỏi chính mình thì chúng ta mới có thể hi vọng hầu việc Đức Chúa Trời.

Lời cầu nguyện của Chúa trong Ma-thi-ơ 6:9-13 có nhóm chữ: “Xin đừng đem chúng con vào sự cám dỗ”. Sự cám dỗ nói lên công việc của Sa-tan. Cũng có một nhóm chữ khác là: “Nhưng giải cứu chúng con khỏi kẻ ác”. Điều này chỉ về chính Sa-tan. Sau đó, Chúa phán: “Vì vương quốc, quyền năng, vinh hiển đều thuộc về Cha đời đời. A-men”. Đó là lời tuyên bố quan trọng nhất. Vương quốc thuộc về Đức Chúa Trời và quyền năng cùng vinh hiển cũng vậy. Mọi sự đều thuộc về Đức Chúa Trời. Điều giải phóng chúng ta hoàn toàn khỏi Sa-tan là nhìn thấy sự kiện quí báu nhất – đó là vương quốc thuộc về Đức Chúa Trời. Sự quản trị của cả vũ trụ đều ở dưới [uy quyền của] Đức Chúa Trời. Do đó, chúng ta phải học tập thuận phục uy quyền của Đức Chúa Trời. Không ai có thể cướp đi vinh quang của Đức Chúa Trời.

Sa-tan chỉ cho Chúa thấy mọi vương quốc trên đất, nhưng Chúa nói rằng toàn bộ vương quốc các từng trời thuộc về Đức Chúa Trời. Chúng ta cần nhìn thấy uy quyền sau cùng sẽ thuộc về ai. Khi rao giảng phúc âm, chúng ta mang người ta đến dưới uy quyền của Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta phải thiết lập uy quyền của Đức Chúa Trời trên đất, có thể nào chính chúng ta lại không đáp ứng uy quyền sao? Nếu vậy thì làm thế nào chúng ta có thể đối phó với Sa-tan?

MỌI SỰ TRANH CHẤP TRONG VŨ TRỤ ĐỀU LÀ VẤN ĐỀ UY QUYỀN

Trọng tâm việc tranh chấp trong toàn cõi vũ trụ liên quan đến việc ai có uy quyền. Chúng ta phải đấu tranh với Sa-tan bằng cách khẳng định rằng uy quyền nằm trong tay Đức Chúa Trời. Chúng ta phải quyết tâm thuận phục và hậu thuẫn uy quyền của Đức Chúa Trời. Chúng ta phải đối diện thẳng với uy quyền của Đức Chúa Trời và phải có một nhận thức cơ bản về điều đó.

Trước khi nhận biết uy quyền, Phao-lô muốn tiêu diệt hội thánh trên mặt đất. Nhưng sau khi gặp Chúa trên đường đến Đa-mách, ông nhận thức rằng khó mà đá lại gậy nhọn (uy quyền của Đức Chúa Trời) bằng đôi chân của mình (sức lực của con người). Lập tức ông phủ phục xuống, thừa nhận Jesus là Chúa, và thuận phục lời chỉ dẫn của A-na-nia tại Đa-mách. Phao-lô đã gặp được uy quyền của Đức Chúa Trời. Vào lúc hoán cải, Phao-lô không những nhận thức về sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, mà còn nhận thức về uy quyền của Đức Chúa Trời.

Phao-lô là một người thông minh và có khả năng, trong khi A-na-nia là một anh em rất tầm thường, nhỏ bé. Kinh Thánh đề cập đến ông chỉ một lần. Nếu Phao-lô chưa gặp uy quyền của Đức Chúa Trời thì làm sao ông có thể lắng nghe những lời nói của A-na-nia? Trừ phi một người gặp uy quyền của Chúa trên đường đến “Đa-mách”, người ấy không thể thuận phục một anh em tầm thường, nhỏ bé tại “Đa-mách”. Điều này cho chúng ta thấy rằng người nào đã gặp uy quyền thì sẽ chỉ đối diện với uy quyền chứ không đối diện với con người. Chúng ta chỉ nên nghĩ đến uy quyền, chứ đừng nghĩ đến con người, vì sự thuận phục của chúng ta không phải đối với con người mà là đối với uy quyền của Đức Chúa Trời trong người ấy. Nếu thái độ của chúng ta không được như vậy thì chúng ta chưa biết uy quyền là gì. Nếu chúng ta đối diện với con người trước khi thuận phục uy quyền thì chúng ta hoàn toàn sai trật. Nếu trước hết chúng ta chạm đến vấn đề uy quyền rồi thuận phục con người, bất kể người đó là ai, thì chúng ta đang đi trên con đường đúng đắn.

Trong hội thánh, Đức Chúa Trời chỉ có một mục tiêu, đó là biểu lộ uy quyền của Ngài trong vũ trụ. Chúng ta có thể nhận thấy uy quyền của Đức Chúa Trời qua việc phối hợp trong hội thánh.

Đức Chúa Trời vận dụng hết sức lực của Ngài để duy trì uy quyền của Ngài. Uy quyền của Ngài mạnh mẽ hơn bất cứ điều gì khác. Chúng ta, những người rất tự tin nhưng thật ra mù lòa, phải đối diện thẳng với uy quyền của Đức Chúa Trời ít nhất một lần. Chỉ khi nào chúng ta tan vỡ thì mới có thể bước vào sự thuận phục. Khi ấy, chúng ta bắt đầu học biết uy quyền của Đức Chúa Trời là gì. Chỉ khi nào một người gặp uy quyền của Đức Chúa Trời thì người ấy mới có thể thuận phục uy quyền đại diện mà Đức Chúa Trời chỉ định.

ĐÒI HỎI LỚN NHẤT TRONG KINH THÁNH LÀ THUẬN PHỤC Ý CHỈ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

Đòi hỏi lớn nhất Đức Chúa Trời đặt trên con người không phải là vác thập tự giá, dâng hiến, dâng mình hay hi sinh quên mình. Đòi hỏi lớn nhất của Đức Chúa Trời đối với con người là thuận phục. Đức Chúa Trời truyền Sau-lơ đánh tan dân A-ma-léc và tận diệt tất cả những gì họ có (1Sa. 15:1-3). Nhưng sau khi Sau-lơ chiến thắng dân A-ma-léc, ông lại tha cho A-ga, vua A-ma-léc. Ông cũng quí những con chiên, bò tốt nhất và tất cả những gì tốt đẹp mà không hủy diệt chúng, thay vào đó còn hi vọng dâng chúng lên làm sinh tế cho Đức Chúa Trời (cc. 7-9, 14-15). Nhưng Sa-mu-ên nói với ông rằng: “Sự vâng lời tốt hơn sinh tế; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực” (c. 22). Sinh tế được đề cập đến tại đây là của lễ thiêu, là điều không liên quan gì đến tội lỗi cả. Đó là để Đức Chúa Trời chấp nhận và thỏa lòng. Tuy nhiên, Sa-mu-ên nói rằng nghe theo và vâng lời còn tốt lành hơn sinh tế. Đó là vì ngay cả loại sinh tế ấy cũng có thể xen lẫn với ý muốn riêng. Chỉ nghe theo và vâng lời mới là tôn trọng Đức Chúa Trời một cách tuyệt đối và tôn cao ý chỉ của Ngài.

Vâng phục là đầu kia của uy quyền. Để vâng phục, trước hết một người phải ngăn cản đừng để bản ngã xen vào. Một người phải cố gắng đừng vâng phục bằng bản ngã. Chỉ có thể vâng phục bằng cách sống trong linh. Vâng phục là sự bày tỏ cao nhất về việc đáp ứng ý chỉ của Đức Chúa Trời.

LỜI CẦU NGUYỆN CỦA CHÚA TRONG VƯỜN GHẾT-SÊ-MA-NÊ

Một số người xem lời cầu nguyện của Chúa trong vườn Ghết-sê-ma-nê, mà tại đó mồ hôi của Ngài nhỏ xuống như máu, là dấu hiệu cho thấy Ngài yếu đuối trong xác thịt và sợ hãi cái chén (Lu. 22:44). Nhưng điều đó không đúng. Theo nguyên tắc, lời cầu nguyện tại Ghết-sê-ma-nê giống như điều được ghi chép trong 1Sa-mu-ên 15:22. Lời cầu nguyện của Chúa tại Ghết-sê-ma-nê là sự bày tỏ cao nhất về việc thuận phục uy quyền của Đức Chúa Trời. Việc Chúa chúng ta thuận phục uy quyền của Đức Chúa Trời vượt xa việc Ngài hi sinh trên thập tự giá. Ngài tha thiết tìm biết ý chỉ của Đức Chúa Trời. Ngài không nói: “Con sẽ nhận lấy thập tự giá” hay “Con phải uống chén”. Ngài chỉ nghe theo và vâng phục. Ngài nói: “Nếu có thể được, xin cho chén này qua khỏi Con” (Mat. 26:39b). Tại đây không thấy ý thích riêng của Ngài, vì sau đó, Ngài nói: “Dầu vậy, không theo ý Con, nhưng theo ý Cha” (c. 39c). Ý chỉ của Đức Chúa Trời là tuyệt đối, nhưng chén (tức thập tự giá) thì không. Nếu ý chỉ của Đức Chúa Trời là Ngài không phải chịu đóng đinh thì Chúa Jesus đã bỏ qua thập tự giá rồi. Trước khi Chúa sáng tỏ về ý chỉ của Đức Chúa Trời thì “chén” và “ý chỉ của Đức Chúa Trời” là hai điều khác biệt. Nhưng sau khi Ngài sáng tỏ thì “chén” trở nên “chén” mà Cha đã ban cho Ngài, và chén cùng ý chỉ của Đức Chúa Trời trở nên một. Ý chỉ là đại diện của uy quyền. Vậy nên, khi sự thuận phục bắt nguồn từ việc nhận biết ý chỉ của Đức Chúa Trời, sự thuận phục ấy là sự thuận phục đối với uy quyền. Nếu không cầu nguyện và không sẵn lòng nhận biết ý chỉ của Đức Chúa Trời, thì làm sao có thể có sự thuận phục uy quyền?

Chúa lại phán: “Chén mà Cha đã ban cho Ta, Ta há chẳng uống sao?” (Gi. 18:11). Tại đây Chúa đang gìn giữ uy quyền của Đức Chúa Trời. Chúa đã không gìn giữ thập tự giá của riêng mình. Đồng thời, khi Ngài hiểu rằng uống chén (tức là chịu đóng đinh để cứu chuộc chúng ta) là ý chỉ của Đức Chúa Trời, lập tức Ngài nói: “Hãy thức dậy, chúng ta đi” (Mat. 26:46). Ngài vâng lời một cách mau mắn. Vì thập tự giá có nghĩa là hoàn thành ý chỉ của Đức Chúa Trời, nên sự chết của Chúa là sự bày tỏ cao nhất về [thái độ] thuận phục đối với uy quyền. Dẫu thập tự giá là trung tâm của toàn vũ trụ, nhưng nó vẫn không cao hơn ý chỉ của Đức Chúa Trời. Chúa bảo vệ uy quyền của Đức Chúa Trời (ý chỉ) hơn là Ngài bảo vệ thập tự giá của riêng mình (sinh tế).

Việc chúng ta phục vụ Đức Chúa Trời không phải là vấn đề tự nguyện hi sinh hay từ chối bản ngã. Đó là vấn đề hoàn thành ý chỉ của Đức Chúa Trời. Ấy không phải là vấn đề nhận lấy thập tự giá. Trái lại, đó là thuận phục ý chỉ của Đức Chúa Trời. Đây là nguyên tắc cơ bản. Nếu nguyên tắc nổi loạn hiện diện, thì thậm chí sinh tế cũng đem đến sự vui mừng và vinh quang cho Sa-tan. Sau-lơ có thể dâng lên chiên và bò đực, nhưng Đức Chúa Trời không công nhận đó là sinh tế vì nguyên tắc của Sa-tan đã hiện diện. Lật đổ uy quyền của Đức Chúa Trời là lật đổ Đức Chúa Trời. Thế nên, Kinh Thánh nói rằng nổi loạn cũng đáng tội bằng sự bói toán, và bất phục tùng giống như tội thờ thần tượng và thờ thần Thê-ra-phim (1Sa. 15:23).

Chúng ta, tức những người tham gia vào công việc Chúa, là các đầy tớ của Đức Chúa Trời. Như vậy, điều đầu tiên chúng ta chạm đến là vấn đề uy quyền. Chạm đến uy quyền thì cũng thật như chạm đến sự cứu rỗi. Đối với chúng ta, đó là bài học sâu xa hơn. Chúng ta phải được uy quyền chạm đến và tác động mạnh mẽ ít nhất một lần. Chỉ khi ấy chúng ta mới có thể thi hành công tác của Đức Chúa Trời. Trong mối liên hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời, không gì quan trọng hơn việc chạm đến uy quyền. Một khi đã chạm đến uy quyền, chúng ta sẽ nhìn thấy uy quyền cho dầu chúng ta có xoay trở đi đâu. Chỉ khi ấy chúng ta mới có thể được Đức Chúa Trời giới hạn, và chỉ khi ấy chúng ta mới có thể được Đức Chúa Trời dùng đến.

VIỆC XÉT XỬ CHÚA VÀ XÉT XỬ PHAO-LÔ

Trong Ma-thi-ơ chương 26 và 27, Chúa bị triệu đến hai cuộc xét xử: của tôn giáo trước mặt thầy tế lễ thượng phẩm (26:57-66) và của chính quyền dân sự trước mặt Phi-lát (27:11-14). Khi bị Phi-lát chất vấn, Chúa có thể trả lời hay không tùy ý, vì Ngài không bị luật lệ thế gian ràng buộc. Nhưng khi thầy tế lễ thượng phẩm trịnh trọng nhân danh Đức Chúa Trời hằng sống mà ra lệnh cho Ngài, thì Ngài phải trả lời. Đó là vấn đề thuận phục uy quyền. Một lần nữa trong Công vụ các Sứ đồ chương 23 lúc Phao-lô bị xét xử, sau khi ông nhận biết A-na-nia là thầy tế lễ thượng phẩm của Đức Chúa Trời thì ông sẵn sàng thuận phục. Chúng ta là những công tác viên của Chúa phải đi đến chỗ đối diện thẳng với vấn đề uy quyền này. Nếu không thì công tác của chúng ta sẽ không theo nguyên tắc ý chỉ Đức Chúa Trời, tức nguyên tắc thuận phục uy quyền. Thay vào đó, chúng ta sẽ theo nguyên tắc nổi loạn của Sa-tan, tức nguyên tắc công tác mà không cần đến ý chỉ của Đức Chúa Trời. Vấn đề này thực sự cần đến một khải thị lớn lao.

Trong Ma-thi-ơ 7:21-23, Chúa khiển trách những người nói tiên tri, đuổi quỉ và thực hiện nhiều công tác kỳ diệu trong danh Ngài. Công tác trong danh Chúa ấy có gì sai trật? Công tác ấy sai trật vì con người là nguồn của tất cả những công tác ấy. Tự chính mình, người ta công tác trong danh Chúa. Đó là hoạt động của xác thịt. Do đó, Chúa xem điều ấy là bất pháp. Công tác của họ không thể được xem là công tác. Sau đó, Chúa nói rằng chỉ những ai làm theo ý chỉ của Cha thì mới có thể bước vào vương quốc các từng trời. Điều này cho thấy rằng mọi công tác cần phải phát xuất từ việc thuận phục ý chỉ của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời phải là nguồn. Mọi công tác đều được Đức Chúa Trời phân công. Con người không nên tìm kiếm công tác nào cả. Chỉ khi nào con người có thể hiểu ý chỉ của Đức Chúa Trời trong sự phân công của Ngài thì mới có thể kinh nghiệm thực tại về uy quyền của vương quốc các từng trời.

NHẬN THỨC ĐƯỢC UY QUYỀN LÀ MỘT KHẢI THỊ LỚN LAO

Trong vũ trụ có hai điều vĩ đại là tin để được cứu rỗi và thuận phục uy quyền. Nói cách khác là tin cậy và vâng lời. Kinh Thánh bày tỏ cho chúng ta rằng tội là bất pháp (1Gi. 3:4). Trong La Mã 2:12, nhóm chữ “không luật pháp” giống như “bất pháp”. Bất pháp là coi thường uy quyền của Đức Chúa Trời, và coi thường uy quyền của Đức Chúa Trời là tội. Vi phạm là vấn đề hành vi, nhưng bất pháp là vấn đề thái độ và tấm lòng. Thời đại hiện tại là thời đại bất pháp; thế giới đầy dẫy tội lỗi bất pháp. Thậm chí kẻ bất pháp sắp hiện ra. Đồng thời, càng ngày uy quyền sẽ càng ít có được chỗ đứng trong thế gian hơn. Cuối cùng thì mọi uy quyền đều sẽ bị lật đổ. Điều còn lại sẽ là một triều đại bất pháp.

Như vậy, có hai nguyên tắc trong vũ trụ – uy quyền của Đức Chúa Trời và sự nổi loạn của Sa-tan. Chúng ta không thể một mặt hầu việc Đức Chúa Trời, và mặt khác theo đường lối nổi loạn với một linh nổi loạn. Tuy một người nổi loạn có thể rao giảng, nhưng Sa-tan sẽ cười nhạo, vì nguyên tắc của Sa-tan ở trong sự giảng dạy ấy. Hầu việc luôn luôn kèm theo uy quyền. Chúng ta có muốn thuận phục uy quyền của Đức Chúa Trời không? Đến một lúc nào đó, chúng ta là những người hầu việc Đức Chúa Trời phải có được sự hiểu biết cơ bản này. Việc ấy cũng giống như chạm đến điện. Một khi chạm đến điện thì một người không bao giờ dám bất cẩn đối với điện nữa. Cũng vậy, khi một người gặp được uy quyền của Đức Chúa Trời và được tác động mạnh mẽ [từ uy quyền ấy] thì mắt của người ấy sẽ được soi sáng. Người sẽ không những có thể biện biệt chính mình mà cũng có thể biện biệt những người khác nữa. Người ấy sẽ biết ai bất pháp và ai không bất pháp.

Nguyện Đức Chúa Trời thương xót chúng ta để chúng ta được giải cứu khỏi đường lối nổi loạn. Chỉ khi nào nhận biết uy quyền của Đức Chúa Trời và học được bài học thuận phục thì chúng ta mới có thể dẫn dắt con cái Đức Chúa Trời trên con đường đúng đắn.