Đăng vào: 11 tháng trước
CHƯƠNG BỐN: SỰ HIỂU BIẾT CỦA ĐA-VÍT VỀ UY QUYỀN
Kinh Thánh: 1 Sa. 24:4-6; 26:9, 11; 2 Sa. 1:14
ĐA-VÍT ĐƯỢC NGAI VUA MÀ KHÔNG PHẢI PHẢN LOẠN
Trong lúc lập ra vương quốc Israel, Đức Chúa Trời chính thức thiết lập uy quyền của Ngài trên đất. Khi dân Israel vào xứ Ca-na-an, họ xin Đức Chúa Trời ban cho một vị vua, và Đức Chúa Trời sai Sa-mu-ên xức dầu cho Sau-lơ làm vị vua đầu tiên của họ (1 Sa. 10:1). Sau-lơ đã được Đức Chúa Trời chọn lựa. Đức Chúa Trời lập ông làm uy quyền, tức uy quyền đại diện của Ngài. Nhưng khi đã làm vua, ông lại không thuận phục uy quyền của Đức Chúa Trời. Ông xúc phạm đến uy quyền của Đức Chúa Trời. Vì không chịu giết vua A-ma-léc và những chiên bò tốt nhất nên ông đã phản loạn chống lại Đức Chúa Trời và không vâng lời Ngài. Vì vậy, Đức Chúa Trời gạt Sau-lơ sang một bên và xức dầu cho Đa-vít (1 Sa. 15 – 16). Tuy nhiên, Đa-vít lại ở dưới uy quyền của Sau-lơ. Ông là một trong những thuộc hạ của Sau-lơ và thậm chí còn là một người lính trong trại của Sau-lơ. Về sau, thậm chí ông trở nên con rể của Sau-lơ. Cả hai người này đều có dầu xức trên họ. Nhưng Sau-lơ thường tìm cách giết Đa-vít. Tại Israel có hai vị vua. Một người bị gạt sang một bên nhưng vẫn ngồi trên ngai, còn người kia đã được chọn nhưng chưa được tấn phong. Vào thời điểm ấy, Đa-vít sống trong một tình huống rất khó khăn.
Trong 1 Sa-mu-ên chương 24, chúng ta thấy Sau-lơ rượt đuổi Đa-vít trong đồng vắng Ên-ghê-đi. Khi Sau-lơ vào trong một cái hang để đi vệ sinh, Đa-vít và những người đi theo ông cũng đang ở trong hang ấy. Những thuộc hạ của Đa-vít đề nghị ông giết chết Sau-lơ, nhưng Đa-vít đã khước từ sự cám dỗ ấy. Ông không dám phản loạn chống lại uy quyền bằng chính bàn tay của mình (cc. 1-7). Đa-vít đã được Đức Chúa Trời xức dầu. Về phương diện ngai [vua] thì ông đứng ở vị trí đúng đắn đối với kế hoạch và ý chỉ của Đức Chúa Trời. Ông mà làm vua thì ai còn gì để nói? Nhưng nếu Đa-vít tự giúp chính mình trở thành một vị vua thì có gì sai trật không? Đó không phải là cách tốt đẹp để giúp Đức Chúa Trời hoàn thành ý chỉ của Ngài sao? Nhưng Đa-vít cảm nhận một cách sâu xa là mình không thể làm điều đó được. Nếu như ông đã giết chết Sau-lơ thì đó là theo nguyên tắc phản loạn chống lại uy quyền của Đức Chúa Trời, vì sự xức dầu của Đức Chúa Trời vẫn ở trên Sau-lơ. Tuy Sau-lơ bị khước từ, nhưng ông vẫn là người được Đức Chúa Trời xức dầu và thiết lập. Nếu giết chết Sau-lơ thì lập tức Đa-vít có thể trở thành một vị vua, và ý chỉ của Đức Chúa Trời đã không bị trì hoãn. Nhưng Đa-vít là người từ chối bản ngã của mình. Ông thà nhìn thấy quyền làm vua của mình hoãn lại và kế hoạch của Đức Chúa Trời đình trệ còn hơn là trở thành một kẻ phản loạn. Kết quả là cuối cùng ông cũng trở nên uy quyền của Đức Chúa Trời.
Đã có một thời kỳ Đức Chúa Trời lập Sau-lơ làm vua và Đa-vít ở dưới uy quyền của Sau-lơ. Nếu Đa-vít giết chết Sau-lơ thì ông đã giành được quyền làm vua với giá phải trả là [làm người] phản loạn. Do đó, dựa trên lập trường phản loạn thì ông đã sa ngã. Đa-vít không dám làm như vậy. Điều này cũng cùng một nguyên tắc như Mi-ca-ên không dám đoán xét rủa sả nghịch lại Sa-tan (Giu-đa câu 9). Uy quyền là một vấn đề rất lớn lao.
THUẬN PHỤC CÒN CAO HƠN CÔNG TÁC CỦA CHÚNG TA
Ngày nay, nếu một người [muốn] hầu việc Đức Chúa Trời thì phải thuận phục uy quyền. Thuận phục còn cao hơn công tác của chúng ta. Dầu Đa-vít ổn định trật tự cho cả vương quốc mà không ở dưới uy quyền của Đức Chúa Trời thì cũng chẳng ích lợi gì cả; ông vẫn giống như Sau-lơ. Trong Cựu Ước, Sau-lơ yêu thích chiên bò tốt nhất mà không hủy diệt chúng, ngược lại ông giữ chúng lại để dâng tế. Đây là cùng một nguyên tắc phản loạn như Giu-đa trong Tân Ước. Hắn phản Chúa vì yêu thích ba mươi miếng bạc (Mat. 26:14-16). Các của lễ không thể che đậy sự nổi loạn. Nếu Đa-vít muốn hoàn thành ý chỉ và kế hoạch của Đức Chúa Trời, có thể ông đã giết chết Sau-lơ. Rồi ông có thể hầu việc Đức Chúa Trời ngay lập tức. Nhưng Đa-vít không dám làm như vậy. Ông chờ đợi Đức Chúa Trời hành động. Ông sẵn lòng thuận phục. Đa-vít chỉ cắt đứt vạt áo choàng của Sau-lơ, và thậm chí khi ấy ông cũng cảm thấy cắn rứt trong lòng. Cảm nhận của ông nhạy như cảm nhận của một tín đồ Tân Ước. Điều chúng ta kết án không chỉ là giết người; thậm chí cắt áo ngoài của người khác bằng một con dao nhỏ cũng sai trật và phản loạn rồi. Nói sau lưng, có cái nhìn phẫn uất hay gian ác trong lòng có thể không phải là giết người, nhưng tương tự như việc cắt đứt áo ngoài của người khác, và chúng phát sinh từ một linh phản loạn.
Tận đáy lòng, Đa-vít là một người biết đến uy quyền của Đức Chúa Trời. Bị Sau-lơ rượt đuổi nhiều lần, nhưng ông vẫn thuận phục uy quyền của Đức Chúa Trời. Ông xem Sau-lơ là chúa, là người được Đức Giê-hô-va xức dầu. Điều này nói lên một vấn đề quan trọng. Thuận phục uy quyền không phải là thuận phục một người. Đó là thuận phục sự xức dầu trên một người, sự xức dầu ở trên người ấy khi Đức Chúa Trời lập người ấy lên làm uy quyền. Đa-vít biết sự xức dầu ở trên Sau-lơ. Ông công nhận Sau-lơ là người được Đức Chúa Trời xức dầu. Vậy nên, ông chỉ có thể tìm cách thoát thân; ông không thể tự tay mình làm hại Sau-lơ. Sau-lơ không vâng phục mạng lệnh của Đức Chúa Trời. Ông bị Đức Chúa Trời từ bỏ. Nhưng đó là việc giữa Sau-lơ và Đức Chúa Trời. Về phần Đa-vít thì ông thuận phục người được Đức Chúa Trời xức dầu. Đó là trách nhiệm của Đa-vít trước mặt Đức Chúa Trời.
ĐA-VÍT DUY TRÌ UY QUYỀN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI MỘT CÁCH TUYỆT ĐỐI
Đức Chúa Trời muốn uy quyền của mình được duy trì một cách tuyệt đối. Ngài phải phục hồi vấn đề này. Xin xem lại 1 Sa-mu-ên chương 26. Một điều tương tự như vậy xảy ra tại đồng vắng Xíp. Lần kia sự cám dỗ thứ hai lại đến. Sau-lơ đang ngủ, và Đa-vít đến chỗ ông ngủ. A-bi-sai muốn giết chết Sau-lơ, nhưng Đa-vít cấm ông. Đa-vít thề và nói: “Ai có thể giơ tay ra chống lại người chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va mà không phạm tội?” Đó là lần thứ hai Đa-vít tha mạng cho Sau-lơ. Ông chỉ lấy của Sau-lơ cây giáo và cái bình nước (cc. 7-12). So với lần trước, đây là sự tiến bộ. Ông không lấy gì từ thân thể của Sau-lơ. Thay vào đó, ông chỉ lấy những vật gần bên thân thể Sau-lơ. Ông bỏ cơ hội cứu lấy mạng sống của mình để thuận phục và duy trì uy quyền của Đức Chúa Trời.
Theo 1 Sa-mu-ên chương 31 và 2 Sa-mu-ên chương 1, Sau-lơ đã tự tử. Một thanh niên A-ma-léc đến với Đa-vít để nhận công trạng, nói rằng mình đã giết Sau-lơ. Thái độ của Đa-vít vẫn là từ chối bản ngã và thuận phục uy quyền của Đức Chúa Trời. Ông nói với người ấy rằng: “Cớ sao ngươi không sợ giơ tay lên giết người chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va?” (2 Sa. 1:14). Rồi ông truyền xử tử thanh niên đem tin ấy.
Vì Đa-vít duy trì uy quyền của Đức Chúa Trời nên ông được gọi là người theo lòng của Đức Chúa Trời. Vương quốc của ông được bảo tồn cho đến ngày nay, vì Chúa thuộc dòng dõi của Đa-vít. Chỉ những người thuận phục uy quyền mới có thể làm uy quyền. Đây là một vấn đề nghiêm trọng. Chúng ta phải nhổ tận gốc sự phản loạn khỏi giữa vòng chúng ta. Để làm một [người có] uy quyền, trước hết phải thuận phục uy quyền. Vấn đề này thật trọng yếu. Thiếu điều này, chúng ta không có cách nào tiến lên. Hội thánh là một cơ quan thuận phục. Không cần phải e ngại những người yếu đuối trong hội thánh, mà chỉ cần e sợ những người nổi loạn. Tận đáy lòng, chúng ta phải thuận phục uy quyền của Đức Chúa Trời. Chỉ khi ấy hội thánh mới được ban phước. Con đường trước mặt tùy thuộc vào chúng ta. Chúng ta ở đây sử dụng ngày giờ của mình một cách nghiêm túc.