Đăng vào: 11 tháng trước
CHƯƠNG HAI: NHỮNG VÍ DỤ VỀ SỰ NỔI LOẠN TRONG CỰU ƯỚC (1)
Kinh Thánh: Sáng 2:16-17; 3:1-6; La. 5:19
SỰ SA NGÃ CỦA A-ĐAM VÀ Ê-VA
Con Người Sa Ngã Vì Không Thuận Phục
Chúng ta hãy xem câu chuyện về A-đam và Ê-va trong Sáng Thế Ký chương 2 và 3. Sau khi A-đam được tạo dựng, Đức Chúa Trời dặn dò ông vài điều. Ngài truyền cho A-đam đừng ăn trái của cây kiến thức về thiện và ác. Chúng ta phải nhận thức rằng đây không chỉ là vấn đề ăn hay không ăn trái cấm. Nhưng Đức Chúa Trời đặt A-đam dưới một loại uy quyền với ý định là A-đam sẽ thuận phục uy quyền ấy. Đức Chúa Trời giao phó [và đặt] toàn cõi sáng tạo dưới uy quyền của A-đam để A-đam quản lý và trở nên uy quyền trên toàn cõi sáng tạo. Đồng thời, Đức Chúa Trời đặt A-đam dưới uy quyền của chính Ngài để A-đam học biết thuận phục uy quyền. Chỉ những người thuận phục uy quyền mới có thể tự mình làm uy quyền.
Theo thứ tự sáng tạo của Đức Chúa Trời thì trước hết Ngài tạo dựng A-đam rồi đến Ê-va. Đức Chúa Trời đã định rằng A-đam làm uy quyền và Ê-va sẽ ở dưới uy quyền của A-đam. Đức Chúa Trời lập người này làm uy quyền và người kia thuận phục. Trong cõi sáng tạo cũ và cõi sáng tạo mới, thứ tự trước sau là nền tảng của uy quyền. Người nào được tạo dựng trước sẽ là uy quyền. Người nào được cứu trước sẽ là uy quyền. Do đó, chúng ta đến nơi nào, thì ý tưởng đầu tiên của chúng ta là tìm kiếm những người Chúa muốn mình thuận phục. Dầu ở đâu, chúng ta cũng cần phải nhận thấy uy quyền, và thuận phục uy quyền.
Sự sa ngã của con người xuất phát từ việc không thuận phục uy quyền. Ê-va đã không hỏi lại A-đam; bà đã tự quyết định. Bà nhìn thấy trái ăn được và đẹp mắt, vì vậy bà tự tiện quyết định. Trước khi với tay hái trái, việc đầu tiên bà làm là vận dụng trí óc để suy nghĩ và nhận lấy sự cám dỗ. Sau đó, bà đảm nhiệm quyền làm đầu bằng cách đưa tay ra hái. Vì thế, việc Ê-va hái trái không phát sinh từ sự thuận phục. Trái lại, hành động đó ra từ quyết định của bản ngã. Bà không những vi phạm mạng lệnh của Đức Chúa Trời, mà còn xem thường uy quyền của A-đam. Nổi loạn chống lại uy quyền đại diện của Đức Chúa Trời là nổi loạn chống lại chính Đức Chúa Trời. A-đam nghe lời của Ê-va mà hái trái. Điều này còn tệ hại hơn; đó là bất tuân mạng lệnh trực tiếp của Đức Chúa Trời. Kết quả là A-đam cũng xem thường uy quyền của Đức Chúa Trời và đã nổi loạn.
Mọi Công Tác Cần Được Thực Hiện Từ Sự Thuận Phục
Trong khi chúng ta sống trên đất này, câu hỏi đầu tiên mà chúng ta không nên nêu lên là mình có nên làm điều gì đó không. Trái lại, trong khi thực hiện điều gì, chúng ta cần phải hỏi mình đang thuận phục ai. Đây không phải là vấn đề làm hay không làm. Đây là vấn đề chúng ta phải thuận phục ai. Nếu không thuận phục thì không có công tác và không có sự phục vụ. Khi A-đam nhận lấy trái cây, câu hỏi thứ nhất lẽ ra cần phải nêu lên là việc làm này có phải là thuận phục Đức Chúa Trời không. Mọi công tác của một Cơ Đốc nhân đều cần phải phát sinh từ sự thuận phục. Chúng ta không tự ý khởi xướng gì cả; mọi sự đều là đáp ứng lại. Không hoạt động nào là ở thế chủ động; mọi sự đều ở thế thụ động. Nói cách khác, mọi sự cần phải được Đức Chúa Trời khởi xướng; chúng ta không nên khởi xướng gì cả.
Không những Ê-va ở dưới uy quyền của Đức Chúa Trời, nhưng bà còn ở dưới uy quyền mà Đức Chúa Trời đã thiết lập là A-đam. Ê-va phải thuận phục một mạng lệnh và một uy quyền “gấp đôi”. Ngày nay đối với chúng ta cũng vậy. Ê-va chỉ nghĩ trái cây ấy có thể ăn được. Còn về việc ăn [trái cây ấy], bà không biết mình cần phải thuận phục ai. Ngay từ ban đầu, Đức Chúa Trời muốn con người thuận phục chứ không phải đề nghị ý kiến của mình. Tuy nhiên, hành động của Ê-va phát xuất từ ý kiến riêng của bà chứ không phải ra từ sự thuận phục. Bà không thuận phục sự sắp đặt của Đức Chúa Trời cũng không thuận phục uy quyền của Đức Chúa Trời. Thay vào đó, bà đề nghị ý kiến riêng của mình, phạm tội đối với Đức Chúa Trời, và bị sa ngã. Sa ngã là hành động mà thiếu sự thuận phục. Một hành động không có sự thuận phục đằng sau hành động ấy là nổi loạn.
Một người càng thuận phục thì người ấy càng ít hoạt động. Vào lúc bắt đầu theo đuổi Chúa, một người hoạt động nhiều mà thuận phục ít. Khi người ấy tiến lên, những hoạt động càng ngày càng giảm cho đến cuối cùng thì chỉ còn sự thuận phục. Khi nhiều người chạm trán với công việc, họ thích hành động. Họ không thích ngồi yên một chỗ. Thuận phục hay không, họ cũng không quan tâm đến. Do đó, nhiều công việc được thực hiện bởi bản ngã chứ không phải bởi lắng nghe và thuận phục.
Đúng Và Sai Đều Ở Trong Đức Chúa Trời
Con người không nên làm bất cứ điều gì phát xuất từ sự hiểu biết đúng sai, mà cần phải làm mọi sự xuất phát từ sự vâng phục. Nguyên tắc biện biệt đúng sai là nguyên tắc sống bởi đúng và sai. Trước khi A-đam và Ê-va ăn trái cây ấy, cái đúng hay sai của họ ở trong Đức Chúa Trời. Nếu không sống trước mặt Đức Chúa Trời thì họ không biết gì cả; cái đúng hay sai của họ chỉ là chính Đức Chúa Trời. Nhưng sau khi tiếp lấy cây kiến thức về thiện và ác thì con người tìm thấy nguồn để biện biệt đúng sai mà không cần đến Đức Chúa Trời. Do đó, sau khi sa ngã, con người không cần tìm kiếm Đức Chúa Trời. Con người có thể tự lực cánh sinh. Con người có thể tách mình khỏi Đức Chúa Trời và đánh giá đúng sai. Đó là sự sa ngã. Công tác cứu chuộc làm cho chúng ta quay về với Đức Chúa Trời là Đấng đáp ứng cho vấn đề đúng sai của chúng ta.
Cơ Đốc nhân Cần Thuận Phục Uy Quyền
Mọi uy quyền đều bắt nguồn từ Đức Chúa Trời vì mọi sự đều được Đức Chúa Trời sắp đặt trật tự. Nếu truy nguyên bất cứ uy quyền nào, cuối cùng chúng ta sẽ gặp Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời ở trên mọi uy quyền, và mọi uy quyền đều ở dưới Ngài. Một khi chạm đến uy quyền của Đức Chúa Trời thì chúng ta chạm đến chính Đức Chúa Trời. Công việc của Đức Chúa Trời căn bản không phải được thi hành bởi quyền năng mà là bởi uy quyền. Ngài duy trì mọi sự bởi lời, là điều thuộc về uy quyền của Ngài. Công trình sáng tạo được hình thành nhờ lời uy quyền của Ngài. Lời của Ngài là uy quyền của Ngài. Chúng ta không biết uy quyền của Đức Chúa Trời hành động thế nào. Nhưng chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời hoàn thành mọi sự qua uy quyền của Ngài.
Viên đội trưởng có người đầy tớ bị bệnh biết rằng có một uy quyền cao hơn mà mình cần phải thuận phục, cũng như có những người ở dưới ông thuận phục ông. Vì vậy, ông chỉ cần Chúa nói một lời, và ông tin rằng khi ấy vấn đề sẽ được giải quyết. Ông biết mọi uy quyền đều ở trong bàn tay của Chúa; ông tin uy quyền của Chúa. Đó là lý do tại sao Chúa phán rằng Ngài chưa từng thấy đức tin nào lớn hơn đức tin ấy. Gặp uy quyền của Đức Chúa Trời giống như gặp Đức Chúa Trời. Ngày nay, Đức Chúa Trời bổ nhiệm các bậc uy quyền ở mọi nơi trong vũ trụ. Tất cả những quỹ đạo trong vũ trụ đều được Ngài thiết lập; mọi đường lối trên thế giới đều được Ngài lập nên. Vì vậy, tất cả những điều ấy đều ở dưới uy quyền của Ngài. Xúc phạm đến uy quyền của Đức Chúa Trời là xúc phạm đến chính Đức Chúa Trời. Một Cơ Đốc nhân cần phải thuận phục uy quyền.
Bài Học Đầu Tiên Cho Một Công Tác Viên Là Thuận Phục Uy Quyền
Vị trí của chúng ta là một mặt ở dưới uy quyền của những người khác, và mặt khác có những người khác ở dưới uy quyền của chúng ta. Ngoại trừ chính Đức Chúa Trời, thì mọi người, kể cả Chúa Jesus, đều phải thuận phục uy quyền ở trên đất. Chúng ta cần phải nhìn thấy uy quyền khắp mọi nơi. Cả trong gia đình lẫn tại trường học đều có uy quyền. Khi nhìn thấy một người cảnh sát ở trên đường, dầu anh em có thể biết rằng người ấy không có tài năng, và trình độ học vấn của người ấy không bằng mình, nhưng anh em vẫn phải xem người ấy là uy quyền được Đức Chúa Trời chỉ định. Khi một vài anh em đến với nhau, lập tức họ cần phải biết nên đứng trong thứ bậc thế nào. Mọi người cần phải biết chỗ mình đứng. Một công tác viên cần phải biết ai là uy quyền trên mình. Một số người chưa bao giờ nhận thức được ai là uy quyền trên mình. Họ chưa bao giờ thuận phục ai cả. Đối với chúng ta đừng bao giờ nên có chuyện đúng hay sai, tốt hay xấu. Nơi nào chúng ta đến, trước hết chúng ta cần phải biết ai là uy quyền. Nếu biết mình phải thuận phục ai thì tự phát anh em sẽ biết mình nên ở vị trí nào trong Thân Thể, và anh em sẽ đứng trong vị trí thích hợp của mình. Nhưng ngày nay có nhiều Cơ Đốc nhân thậm chí không có chút ý tưởng nào về sự thuận phục. Đối với họ mọi sự đều hỗn loạn; đối với họ không có vấn đề được gọi là giữ vị trí của mình. Thuận phục là bài học đầu tiên cho những người công tác. Thật ra đó là phần chính yếu trong công tác của họ.
Cần Phục Hồi Sự Thuận Phục
Khi A-đam sa ngã, trật tự trong vũ trụ bị phá hủy. Chúng ta đừng bao giờ cố gắng phân biệt giữa tốt và xấu, mà cần phải thuận phục uy quyền. Con người có xu hướng tự mình phán đoán tốt hay xấu. Họ cảm thấy điều này tốt còn điều kia thì không tốt. Sự phán đoán của con người có vẻ như sáng suốt hơn sự xét đoán của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, đó là một tình trạng ngu dại và sa ngã. Điều ấy phải được cất đi khỏi chúng ta, vì điều đó không gì khác hơn là sự nổi loạn.
Sự thuận phục ít ỏi mà chúng ta nhận thấy hiện nay vẫn chưa đủ. Một số người nghĩ rằng được báp-têm và từ bỏ giáo phái cũng đủ rồi. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ. Có nhiều học sinh trẻ nghĩ rằng Đức Chúa Trời đang sửa trị họ bằng cách đòi hỏi họ phải thuận phục các thầy cô. Có nhiều người vợ nghĩ rằng Đức Chúa Trời đang sửa trị họ bằng cách đòi hỏi họ thuận phục một người chồng mà họ không có thể nào sống dưới quyền người ấy được. Có nhiều Cơ Đốc nhân vẫn đang sống trong sự nổi loạn. Thậm chí họ vẫn chưa học được bước cơ bản nhất về sự thuận phục.
Sự thuận phục trong Kinh Thánh là thuận phục uy quyền được Đức Chúa Trời chỉ định. Đến nay lời giảng dạy về sự thuận phục còn nông cạn biết bao! Sự thuận phục là nguyên tắc cơ bản. Nếu vấn đề uy quyền chưa được giải quyết thì không thể thực hiện được điều gì một cách tốt đẹp. Đức tin là nguyên tắc mà nhờ đó chúng ta nhận được sự sống, trong khi thuận phục là nguyên tắc mà nhờ đó chúng ta cư xử trong cuộc sống của mình. Tất cả những sự chia rẽ và các giáo phái trong hội thánh ngày nay đều phát sinh từ sự nổi loạn. Để phục hồi uy quyền, trước hết sự thuận phục phải được phục hồi. Nhiều người quen hành động với tư cách là người lãnh đạo; họ chưa từng biết đến sự thuận phục. Nhưng chúng ta phải học biết thuận phục. Thái độ ấy phải trở nên phản ứng của chúng ta.
Về uy quyền, Đức Chúa Trời không giấu chúng ta một điều gì cả. Trong hội thánh, dù trực tiếp hay gián tiếp, Đức Chúa Trời đã chỉ cho chúng ta thấy thế nào là thuận phục uy quyền. Nhiều người chỉ biết thuận phục Đức Chúa Trời, chứ không biết thuận phục các uy quyền. Vì mọi uy quyền đều phát xuất từ Đức Chúa Trời nên mọi người phải thuận phục uy quyền. Tất cả những nan đề của con người đều do sống ngoài lãnh vực thuộc uy quyền của Đức Chúa Trời.
Không Có Sự Hiệp Một Của Thân Thể Nếu Không Có Uy Quyền Của Đầu
Ngày nay, Đức Chúa Trời đang theo đuổi đường lối khôi phục sự hiệp một của Thân Thể Đấng Christ. Để có sự hiệp một của Thân Thể thì trước hết phải có sự sống của Đầu rồi đến uy quyền của Đầu. Nếu không có sự sống của Đầu thì không có Thân Thể. Cũng vậy, nếu không có uy quyền của Đầu thì không có sự hiệp một của Thân Thể. Chúng ta phải cho phép sự sống của Đầu cai trị để Thân Thể có thể trở nên một. Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta không những thuận phục Ngài mà còn phải thuận phục mọi uy quyền đại diện của Ngài. Tất cả các chi thể phải học biết thuận phục lẫn nhau. Thân Thể là một. Đầu và Thân Thể cũng là một. Chỉ khi nào uy quyền của Đầu thắng thế thì ý chỉ của Đức Chúa Trời mới có thể hoàn thành. Đức Chúa Trời muốn hội thánh làm vương quốc của Đức Chúa Trời.
Một Vài Điểm Về Bài Học Thuận Phục Uy Quyền
Cuối cùng, một đầy tớ của Đức Chúa Trời sẽ chạm trán với uy quyền trong vũ trụ, trong cộng đồng của mình, tại nhà mình hay trong hội thánh. Nếu một người chưa từng gặp uy quyền của Đức Chúa Trời thì làm sao người ấy có thể thuận phục Đức Chúa Trời? Đây không phải là vấn đề giáo lý hay giáo điều. Nếu là giáo lý hay giáo điều thì điều này vẫn còn trừu tượng đối với chúng ta. Một số người nghĩ rằng thuận phục uy quyền là một điều rất khó. Nhưng khi một người gặp Đức Chúa Trời thì điều đó không khó. Trừ phi Đức Chúa Trời thương xót chúng ta, không ai có thể thuận phục uy quyền của Đức Chúa Trời. Do đó có một vài điểm chúng ta cần phải học biết:
(1) Phải có một linh thuận phục.
(2) Phải có một sự huấn luyện về sự thuận phục. Một vài người giống như người dã man; họ không thể thuận phục uy quyền nào cả. Trong mỗi căn nhà, chúng tôi đều chỉ định một người quản lý với hi vọng rằng chúng ta đều học được sự thuận phục. [Lời Chú Thích của Người Dịch: Ở đây chỉ về các ký túc xá của đợt huấn luyện mà trong dịp đó tác giả đã chia sẻ các bài giảng này]. Mỗi người cần phải tiếp nhận sự huấn luyện bằng cách đứng trong vị trí đúng đắn. Một người đã học được bài học này hay đã được huấn luyện sẽ không cảm thấy bị giới hạn cho dầu được chỉ định ở nơi nào. Tự phát người ấy sẽ sống bày tỏ tính thuận phục mà không có gì khó khăn cả.
(3) Một người phải học tập làm uy quyền đại diện. Một người công tác cho Đức Chúa Trời không những phải học tập thuận phục uy quyền, mà còn phải học tập làm uy quyền đại diện của Đức Chúa Trời trong hội thánh và trong nhà. Nếu Đức Chúa Trời giao phó cho người ấy nhiều điều, và nếu người ấy đã học biết thuận phục uy quyền của Đức Chúa Trời, thì người ấy sẽ không cảm thấy kiêu ngạo về bất cứ điều gì. Tuy nhiên, có một số người đã học biết thuận phục người khác lại nhận thấy rằng mình không biết cách làm uy quyền [đại diện] khi được Đức Chúa Trời đem đến một nơi nào đó để công tác. Vì vậy, không những chúng ta phải học biết thuận phục uy quyền, mà chúng ta cũng phải học biết làm uy quyền và đứng vào vị trí đúng đắn. Một mặt, hội thánh chịu khổ vì nhiều người không thuận phục. Mặt khác, hội thánh chịu khổ vì nhiều người không biết cách làm uy quyền [đại diện] bằng cách đứng vào vị trí đúng đắn.