Bài 9: TIN TRONG LÒNG LÀ TIN NHƯ THẾ NÀO(PHẦN 2)

Ngưỡng Cửa Đức Tin

Đăng vào: 5 tháng trước

.

Bài 9: TIN TRONG LÒNG LÀ TIN NHƯ THẾ NÀO(PHẦN 2)

Kinh Thánh:IICo 5:1,6-8Ch 3:5-7.

Lẽ Thật Trọng Tâm: Tin với cả tấm lòng là tin bằng tâm linh, không phụ thuộc vào tâm trí hay thân thể.

Những điều thuộc linh cũng thực hữu như những điều vật chất. Đức Chúa Trời cũng thực hữu như là Ngài có thể xác vật lý, mặc dầu Ngài không có thể xác vật lý. Đức Chúa Trời là Thần Linh.

Jêsus hiện giờ có thân thể vật lý, nhưng không phải bằng thịt và máu. Sau khi sống lại, Ngài hiện ra cho các môn đệ, và họ nghĩ Ngài là thần linh (hay là ma). Nhưng Jêsus phán, “hãy sờ Ta . . . ma chẳng có xương có thịt. . .” (Lu 24:39).

Trong một trường hợp khác, đang khi Phierơ cùng một số môn đệ khác đang đánh cá, họ thấy Chúa trên bờ biển. Ngài gọi họ, và họ đến với Ngài và ăn cá đang khi Ngài nướng trên lửa than.

Hiện giờ Ngài có thân thể vật lý, tức là một thân thể phục sinh bằng xương bằng thịt. Và Jêsus, Đấng hiện giờ đang ở trên trời trong thân thể vật lý, cũng thực hữu như Đức Thánh Linh hay Đức Chúa Cha.

Bạn hãy để ý chúng ta không nói Đức Chúa Trời là bóng ma, mà nói Đức Chúa Trời là Thần Linh. Một số người nghĩ rằng Đức Chúa Trời là bóng ma, nghĩa là Ngài là một ảnh hưởng phi nhân tính nào đó. Cho dù chúng ta nói Đức Chúa Trời là linh, thì điều đó cũng không có nghĩa là Đức Chúa Trời không có hình dạng hay hình thể trong lĩnh vực thuộc linh, bởi vì Đức Chúa Trời có hình thể thật sự. Các thiên sứ là những linh, tuy nhiên thiên sứ cũng có hình thể, hay thân thể của linh.

Trong một trường hợp nọ khi dân Ysơraên bị vây quanh bởi quân đội Syri, đầy tớ của tiên tri Êlisê đầy nỗi sợ hãi khi ông thấy vô số ngựa và xe ngựa của kẻ thù vây quanh thành. Êlisê chỉ trả lời, “chớ sợ, những người ở với chúng ta đông hơn những người ở với chúng nó. Đoạn, Êlisê cầu nguyện mà rằng: Đức Giêhôva ôi, xin mở mắt kẻ tôi tớ tôi, để nó thấy được. Đức Giêhôva mở mắt người ra, thì người thấy núi đầy những ngựa và xe bằng lửa xung quanh Êlisê” (IIVua 6:16,17). Thỉnh thoảng, khi Đức Chúa Trời muốn, các thiên sứ cũng có thể mặc lấy hình thể trong lĩnh vực vật lý để con người có thể thấy họ.

Trong Xuất Êdíptôký 33 chúng ta thấy Đức Chúa Trời nói chuyện với Môise “mặt đối mặt” (câu 11), dù Môise không thấy mặt Đức Chúa Trời, vì có đám mây che phủ. “Ngươi sẽ chẳng thấy được mặt Ta: vì không ai thấy mặt Ta mà còn sống” (câu 20).

Sau đó Đức Chúa Trời phán với Môise, “Khi sự vinh hiển Ta đi ngang qua, Ta sẽ để ngươi trong bộng đá, lấy tay Ta che ngươi, cho đến chừng nào Ta đã đi qua rồi. Ta sẽ rút tay lại, và ngươi sẽ thấy phía sau Ta; nhưng thấy Ta chẳng được” (câu 22,23).

Dù Đức Chúa Trời là Thần Linh, song chúng ta biết rằng Ngài có mặt, mũi, chân, tay, tức là một loại hình thể nào đó. Dù là thần linh nhưng Ngài thực hữu như là Ngài có thân thể vật lý. Những điều thuộc linh thực hữu như những điều vật chất.

IICo 5:1,6-8

1Vì chúng ta biết rằng nếu trại tạm trú của chúng ta dưới đất bị hủy diệt, chúng ta còn có nhà vĩnh cửu ở trên trời là nhà do Đức Chúa Trời xây dựng chứ không phải do loài người làm ra. . .

6Vì thế, chúng ta luôn luôn tin tưởng và biết rằng khi nào còn sống trong nhà của thân xác thì chúng ta xa cách Chúa.

7(Vì chúng ta sống bởi đức tin, chứ không phải bởi điều mắt thấy).

8Chúng ta tin tưởng và mong ước rời khỏi thân xác để về nhà với Chúa thì tốt hơn.

Khi thân thể chúng ta đặt trong mồ mả, chúng ta vẫn có nhà ở với Chúa không bởi tay con người, chúng ta sẽ sống đời đời ở thiên đàng. Ai sẽ lìa khỏi thân thể? Chính chúng ta, con người thật, con người người bề trong.

Trong IPhi 3:4 tâm linh chúng ta được gọi là “người ẩn mật trong lòng.” (BNC). Ở đây chúng ta lại thấy từ “lòng” nữa. Con người bề trong, tức là tâm linh chúng ta, được gọi là con người ẩn mật. Người đó là người trong lòng, trong tâm linh. Nó ẩn khuất trong con người vật lý hay con người thiên nhiên. Trong Ro 7:22 tâm linh được gọi là “người bên trong” (“vì theo con người bề trong thì tôi thích kinh luật của Đức Chúa Trời”). Vậy chúng ta thấy “con người bên trong” và “con người ẩn mật” nầy đưa cho chúng ta một định nghĩa của Đức Chúa Trời về tâm linh con người.

Con người thật là tâm linh và con người có một thân thể và một hồn. Qua tâm linh con người tiếp xúc với lĩnh vực thuộc linh. Qua hồn con người tiếp xúc với lĩnh vực hiểu biết. Qua thân thể con người tiếp xúc với lĩnh vực vật lý.

Chúng ta không thể tiếp xúc với Đức Chúa Trời bằng tâm trí chúng ta. Chúng ta cũng không thể tiếp xúc với Đức Chúa Trời bằng thân thể chúng ta. Chúng ta có thể tiếp xúc với Đức Chúa Trời chỉ bằng tâm linh chúng ta.

  1. Lời Đức Chúa Trời-Chìa Khóa Dẫn Đến Đức Tin Của Tấm Lòng

Khi chúng ta nghe Lời Đức Chúa Trời rao giảng, chúng ta nghe bằng tâm trí thiên nhiên. (Trước khi chúng ta tin Chúa, Đức Thánh Linh dùng Lời Chúa, phán với tấm lòng hay tâm linh chúng ta). Chúng ta đọc ở ICo 2:14“Nhưng người thiên nhiên không thể nhận lãnh ân phúc do Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời ban…” Một bản khác dịch, “Người thiên nhiên hay tâm trí thiên nhiên không hiểu những điều của Thánh Linh Đức Chúa Trời, bởi sựấy là ngu dại cho người, người cũng chẳng có thể biết được, vì phải phân biệt cách thuộc linh”.

Chúng ta không hiểu Kinh Thánh bằng tâm trí. Phải dùng tâm linh mới hiểu được. Chúng ta hiểu Kinh Thánh bằng tâm linh hay tấm lòng. Đó là lý do chúng ta đọc một đoạn Kinh Thánh nào đó hàng chục lần nhưng cũng không hiểu được nghĩa thật của nó. Rồi thì một ngày nọ bất chợt chúng ta hiểu được những gì Đức Chúa Trời bày tỏ cho chúng ta qua Lời của Ngài. Chính lúc đó chúng ta mới thật sự hiểu tấm lòng chúng ta. Đó là lý do chúng ta phải lệ thuộc Thánh Linh Đức Chúa Trời để mở mắt và soi sáng Lời Chúa cho chúng ta.

Vì vậy, tin bằng tấm lòng nghĩa là tin bằng tâm linh. Làm sao tâm linh nhận được đức tin mà tâm trí lại không thể nhận được? Câu trả lời là: qua Lời Đức Chúa Trời.

Khi Jêsus phán, “…Con người sống không phải chỉ nhờ bánh, nhưng cũng nhờ mọi lời phán của Đức Chúa Trời” (Mat 4:4). Ngài đang nói về thức ăn thuộc linh. Ngài dùng từ ngữ thiên nhiên để chuyên chở ý tưởng thuộc linh.

Tâm linh chúng ta đầy sự tin chắc và bảo đảm khi chúng ta suy gẫm Lời Đức Chúa Trời. Lời Chúa là thức ăn của tâm linh và của đức tin. Lời Đức Chúa Trời là thức ăn làm cho tâm linh chúng ta mạnh mẽ.

Tin bằng tấm lòng nghĩa là tin mà không lệ thuộc vào những gì thân thể vật lý hay các giác quan vật lý nói cho chúng ta biết. Vì con người vật lý tin những gì mình thấy bằng con mắt vật lý, nghe bằng lỗ tai vật lý hay cảm nhận qua các giác quan vật lý. Nhưng tâm linh, hay tấm lòng thì tin Lời Chúa mà không để ý gì đến việc thấy, nghe, hay cảm nhận.

Ch 3:5-7

5Hãy hết lòng tin cậy Đức Giêhôva, chớ nương cậy nơi sự thông sáng của con.

6Phàm trong các việc làm của con, khá nhận biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ dẫn các nẻo của con.

7Chớ khôn ngoan theo mắt mình; hãy kính sợ Đức Giêhôva, và lìa khỏi sự ác.

Phần lớn nhiều người thực hành tốt câu 5, nhưng họ thực hành ngược lại. Họ tin cậy bằng cả sự hiểu biết mà lại không nương cậy nơi tấm lòng! Gia 1:19 nói, “…Mỗi người phải mau nghe, chậm nói, chậm giận.” Đây là câu Kinh Thánh khác mà chúng ta có khuynh hướng thực hành ngược lại. Chúng ta thì mau nói, mau giận, nhưng lại chậm nghe.

Do đó câu 7 trong đoạn Kinh Thánh trên nói, “Chớ khôn ngoan theo mắt mình…” Nói cách khác, “Đừng khôn ngoan theo tri thức thiên nhiên của con người, là điều khiến bạn hành động tách biệt với Lời Đức Chúa Trời.”

Trong Tân ước chúng ta thấy câu Kinh Thánh đối chiếu tương tự với câu nầy, “( Vì vũ khí chiến đấu của chúng tôi không phải là loại vũ khí xác thịt nhưng là quyền năng của Đức Chúa Trời để phá hủy các thành lũy;) Đánh đổ các (lý luận), và mọi sự kiêu căng nghịch với sự hiểu biết về Đức Chúa Trời, chúng tôi cũng bắt mọi tư tưởng phải vâng phục Đức Cơ Đốc” (IICo 10:4-5).

  1. Sự Bình An-Kết Quả Đức Tin Của Tấm Lòng

Nếu chúng ta muốn bước đi bởi đức tin, Lời Đức Chúa Trời phải chiếm hàng đầu trên mọi thứ khác. Và khi chúng ta hết lòng tin cậy Chúa, thì sự bình an và yên tĩnh sẽ đến với tâm linh chúng ta. “Còn chúng ta đã tin nhận nên được vào sự yên nghỉ…” (He 4:3). “Sự bình an của Đức Chúa Trời là bình an vượt trên mọi hiểu biết, sẽ bảo vệ tấm lòng và tâm trí anh chị em trong Đức Cơ Đốc Jêsus” (Phi 4:7). “Người nào để trí mình nương dựa nơi Ngài, thì Ngài sẽ gìn giữ người trong sự bình an trọn vẹn: vì người nhờ cậy Ngài” (Es 26:3).

Lời Đức Chúa Trời nói, “Nhưng Đức Chúa Trời của tôi sẽ cung cấp đầy đủ mọi nhu cầu cho anh chị em theo như sự giàu sang vinh hiển của Ngài trong Đức Cơ Đốc Jêsus” (Phi 4:19). Trong tâm linh chúng ta biết rằng mọi sự chúng ta cần sẽ được chu cấp. Chúng ta không lo lắng hay bất an. Nếu chúng ta đang lo lắng, thì chúng ta không tin. Tấm lòng chúng ta sẽ can đảm khi chúng ta đọc Lời Chúa. Khi chúng ta suy gẫm Lời Chúa, sự tin chắc của chúng ta trở nên sâu đậm hơn. Sự tin chắc trong tâm linh chúng ta không lệ thuộc lý trí hay hiểu biết con người. Thậm chí nó có thể trái ngược với lý trí con người hay bằng cớ vật lý. Do đó tin Đức Chúa Trời bằng tấm lòng nghĩa là tin mà không lệ thuộc thân thể.

Bác sĩ Lilian Yeomans (là một Bác sĩ y khoa, bà đã được Đức Chúa Trời giải cứu khỏi đời sống nghiện ngập và sau đó bỏ nghề bác sĩ để cống hiến cuộc đời còn lại của bà để giảng về sụ cứu rỗi và sự chữa lành của Đức Chúa Trời. Bà cũng là tác giả của cuốn sách Heaing from Heaven-ND) nói, “Đức Chúa Trời rất hài lòng khi con cái Ngài bước đi bằng chân không trên Lời Đức Chúa Trời.”

Lý do mà nhiều người bị thất bại là vì họ chấp nhận sự thất bại. Nhưng Lời Đức Chúa Trời nói, “Hỡi các con bé nhỏ! Các con thuộc về Đức Chúa Trời và đã chiến thắng chúng nó, vì Đấng ở trong các con vĩ đại hơn kẻở trong thế gian” (IGi 4:4). Đức Thánh Linh dấy lên trong chúng ta, và chúng ta biết rằng chúng ta không thể bị đánh bại. Chúng ta biết bởi vì chúng ta tin!

  1. Câu Gốc Thuộc Lòng:

“Hãy hết lòng tin cậy Đức Giêhôva, chớ nương cậy nơi sự thông sáng của con” (Ch 3:5).

BÀI HỌC ÁP DỤNG:

“Hãy làm theo đạo, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình…” (Gia 1:22)