Lời Giới Thiệu

Vì Sao Chúng Ta Tin?

Đăng vào: 12 tháng trước

.

Lời Giới Thiệu

Vì Sao Chúng Ta Tin? của Paul E. Little là một quyển sách giá trị nhằm giải đáp những thắc mắc về niềm tin Cơ Đốc, chẳng hạn Kinh Thánh và Khoa học có mâu thuẫn nhau không? Phép lạ có thể xảy ra không? Tại sao Đức Chúa Trời cho phép đau khổ và điều ác xảy ra? Những câu hỏi như trên cần được trả lời cách thỏa đáng.

Cuốn sách đã được ấn hành trên một triệu bản. Hàng triệu người đã tìm được trong cuốn sách nầy lời giải đáp hợp lý cho những thách thức hóc búa đối với Cơ Đốc giáo. Cuốn sách đã được hiệu đính nhiều lần và bản hiệu đính mới nhứt được bà Marie Little thực hiện năm 2000 với sự tham khảo ý kiến của các nhà khoa học và khảo cổ học. Bản hiệu đính này đã sử dụng những thông tin cập nhật của thế kỷ 21 nhằm cung ứng nền tảng vững chắc cho ai tìm kiếm chân lý.

Trong ấn bản mới này có thêm phần câu hỏi nghiên cứu cho mỗi chương và bảng liệt kê các sách tham khảo, rất tiện cho việc nghiên cứu cá nhân cũng như thảo luận từng nhóm. Cuốn sách này cũng được dùng làm tài liệu cho sinh viên học môn Biện Giáo.

Paul Little là giáo sư Đại Học Trinity Evangelical Divinity School cho đến khi qua đời. Cả hai Ông Bà Paul và Marie Little từng hầu việc Chúa với Hội Thông Công Sinh Viên Cơ Đốc Liên Đại Học (InterVasity Christian Fellowship) trong suốt 25 năm.

Để đáp ứng nhu cầu học hỏi các tôi con Chúa, Viện Thần Học Việt Nam đã dịch và ấn hành tập Vì Sao Chúng Ta Tin? theo bản hiệu đính mới nhứt này với sự cho phép bản quyền của nhà xuất bản InterVarsity Press. Chúng tôi xin chân thành cảm tạ quí tôi tớ con cái Chúa đã giúp đỡ trong việc chuyển ngữ, hiệu đính, dàn trang, ấn loát và tạo điều kiện thuận lợi để tập sách này đến tay người đọc.

Viện Thần Học Việt Nam

Tháng 12, 2003

Cuốn Sách Này Ra Đời Như Thế Nào?

“Sau 2000 năm, không có câu hỏi nào có thể làm cho Cơ Đốc giáo bị sụp đổ.” Với một lời tuyên bố đầy bí ẩn như vậy, chồng tôi, Paul, mở đầu khá thích hợp cho bài nói chuyện về Cơ Đốc giáo của mình với các sinh viên tại trường đại học.

Paul bước đến ngôi nhà “Hy Lạp” trong trường đại học Kansas để dự bữa ăn tối lúc 6 giờ chiều với nỗi lo sợ, vì tại đây anh sẽ trình bày bài nói chuyện trong vòng 15 phút và sau đó có giờ để thính giả đặt câu hỏi. Là nhân viên mới làm việc với Hội Thông Công Sinh Viên Cơ Đốc, anh rất lo sợ. Anh càng lo sợ hơn, phần vì đây là phòng hội của các sinh viên – những sinh viên ưu tú. Hơn nữa, đây còn là phòng hội của những sinh viên Do Thái được nhận học bổng! Sau đó anh thuật lại lời cầu nguyện của mình ngày hôm đó khi anh bước vào cửa ngôi nhà:

Lạy Chúa, Ngài biết con luôn vấp váp khi con cố giải thích rõ ràng về nền tảng Cơ Đốc giáo cho những người đầy nghi vấn. Tại sao con lại phải bắt đầu tại nơi dành riêng cho những sinh viên xuất sắc nhất? Họ sẽ đánh bại con và con sẽ không sống nổi đêm nay!

Paul kinh ngạc khi một chàng sinh viên trẻ tuổi đã quay trở lại với Chúa trong đêm đó nhờ tư tưởng “mới” đó là Đức Chúa Trời sẽ ban cho anh một đời sống mới và năng lực để sống đời sống đó. Sinh viên trẻ đó đã quyết định trở thành Cơ Đốc nhân.

Được khích lệ bởi sự đáp ứng của sinh viên này, Paul tiếp tục công việc của mình. Anh đi hết trường đại học này đến trường đại học khác, hướng dẫn các sinh viên trong cư xá và những nhóm ái hữu, bỏ ra hàng tiếng đồng hồ không hề mệt mỏi nói chuyện riêng với các sinh viên. Anh tìm mọi cách thu hút sự chú ý của những người chán nản, những người trí thức, và những vận động viên từ hàng trăm trường đại học khắp thế giới. Anh dùng những câu hỏi để kích thích suy nghĩ và giúp cho người nghe xem xét lại thế giới quan hiện tại của họ, từ thuyết tất định khoa học đến thuyết hiện sinh cực đoan. Anh thêm vào những mẩu chuyện vui với cách nói dí dỏm. Anh nói: “ Tin một điều gì đó không làm cho điều đó trở nên sự thật; chối bỏ không tin một điều gì đó cũng không làm cho điều đó trở nên giả dối.” “Nhiều người nói rằng họ không tin Kinh Thánh thật ra họ chưa bao giờ đọc Kinh Thánh.”

Trong hai mươi lăm năm diễn thuyết, Paul phát hiện ra rằng có mười hai câu hỏi thường được đặt ra, bất kể nhóm người đó thuộc loại nào. Anh nói: “Những câu hỏi cũng dễ đoán, nếu chúng ta suy nghĩ cặn kẽ câu trả lời cho những câu hỏi thường nghe, chúng ta sẽ có câu trả lời cho câu hỏi đúng. Câu trả lời đúng cho một câu hỏi sai thì chẳng ích lợi gì cả!” Từ việc suy gẫm Kinh Thánh cách cá nhân và nhờ những công trình nghiên cứu các học giả Kinh Thánh, anh đã đúc kết các câu trả lời của mình. Đó là cách quyển Vì Sao Chúng Ta Tin? ra đời.

Sứ điệp trong toàn bộ quyển sách mới được hiệu đính này là hoàn toàn của Paul. Tôi chỉ thêm vào một vài bằng chứng minh họa mới từ khảo cổ học và khoa học. Trong mỗi lãnh vực, tôi đều bám sát nền tảng Kinh Thánh là điều mà Paul đặc biệt chú ý. Hai học giả và cũng là nhân viên của Hội Thánh Cộng Đồng Willow Creek, Judson Poling và Brad Mitchell, đã giúp đỡ chúng tôi trong việc chuẩn bị bản hiệu đính này. Tôi rất biết ơn về sự chỉ dẫn của họ.

Đã qua hai mươi bốn năm kể từ ngày được tin khủng khiếp về cái chết của chồng tôi trong một tai nạn giao thông. Tôi kinh ngạc khi thấy Chúa vẫn còn dùng những câu trả lời này. Paul có lẽ sẽ lắc đầu và nói rằng: “Đây là công việc của Chúa; ánh sáng đến từ nơi Chúa.” Lời Kinh Thánh là chắc chắn và đáng tin cậy trong ánh sáng của bất cứ sự thách đố nào.

Như Paul đã nói, không ai có thể nghĩ ra một câu hỏi nào có thể phá đổ Cơ Đốc giáo mặc dù 2000 năm đã trôi qua. Nhiều câu chuyện tôi được nghe về cách Chúa dùng những lời trong sách này đã khẳng định những ảnh hưởng kỳ diệu của chân lý Chúa mà tất cả chúng ta tìm kiếm.

Mới đây tôi đưa quyển sách này cho một phụ nữ người Sikh trẻ tuổi có lòng tìm kiếm. Sau khi cô và chồng cô viếng thăm tôi nhiều lần trong phòng khách của tôi, cô nói với tôi: “Quyển sách này giải đáp tất cả các câu hỏi của tôi.” Cô trở thành một người theo Chúa hết lòng – và hơn thế nữa, một người vợ và một người mẹ tuyệt vời. Ân sủng Chúa thật lạ lùng.

Marie Little

Mt. Prospect, Illinois