Chương 8: Khoa Học Và Kinh Thánh Có Mâu Thuẫn Không?

Vì Sao Chúng Ta Tin?

Đăng vào: 11 tháng trước

.

Chương 8: Khoa Học Và Kinh Thánh Có Mâu Thuẫn Không?

Nếu có một câu hỏi nào phát sinh nhiệt lượng nhiều hơn ánh sáng thì đó là câu hỏi này: Khoa học và Kinh Thánh có nhất trí với nhau không? Chắc chắn có sự mâu thuẫn. Về một phương diện, có những Cơ Đốc nhân qui cho Kinh Thánh nói những điều mà Kinh Thánh không thật sự nói; những lời khẳng định xem ra rất xa lạ với khoa học. Mặt khác, có những nhà khoa học cho rằng sự giải thích triết học của họ cũng giống với những sự kiện khoa học (khoa học chủ nghĩa). Khi những lời giải thích này xem ra không phù hợp với Kinh Thánh, một lần nữa vấn đề lại nảy sinh.

Đối với câu hỏi: “Một số nhà khoa học và một số Cơ Đốc nhân có bất đồng với nhau không?” thì ta có thể mạnh dạn trả lời là “có”. Chúng ta chỉ cần nhớ lại giáo hội đã bắt bớ Ga-li-lê về việc ông tuyên bố mặt trời quay xung quanh trái đất, phiên toà của ông Scopes vào năm 1925 về việc giảng dạy sự sáng tạo và tiến hoá trong trường học hay cuộc đối chất về vấn đề nô lệ xảy ra cách đây hai thế kỷ giữa Wilberforce và Huxley thì biết ngay đó chính là trường hợp nầy.

Nh ng C ơ Đ c nhân nhi t tình nh ư ng hi u bi ế t sai l m

Như tôi đã nói, một phần của vấn đề bắt nguồn từ một số những Cơ Đốc nhân có tấm lòng nhưng thiếu hiểu biết, họ gán cho Kinh Thánh những điều mà thật ra Kinh Thánh không hề nói. Một ví dụ cổ điển và rất tai hại là niên đại của Kinh Thánh được tính theo cách của Giám Mục James Usser (1582-1656), một người đồng thời với Shakespeare. Ông nầy đã rút một loạt các niên đại từ những bảng gia phả trong Kinh Thánh và kết luận rằng thế giới được tạo dựng vào năm 4004 T.C.

Nhiều người nghi ngờ kể cả nhân vật lừng danh như Lord Bertrand Russell, đã tưởng rằng tất cả những Cơ Đốc nhân đều tin rằng sự sáng tạo xảy ra vào năm 4004 T.C. Trước đây ít lâu, tôi đến thăm một sinh viên nội trú tại trường đại học thuộc miền trung viễn tây. Anh ta làm một bài thi đúng-sai trong môn học về văn minh Tây phương. Có một câu hỏi như sau: “Theo Kinh Thánh thì trái đất đã được hình thành năm 4004 T.C.”

Tôi nói: “Theo tôi có lẽ giáo sư của anh muốn anh ghi câu này là đúng chứ?”

Chàng sinh viên đáp: “Đúng vậy”.

Tôi nghĩ thầm điều đó thật hay. Rồi rút trong túi ra cuốn Kinh Thánh, bản in của Đại học Oxford, tôi hỏi: “Tôi đố anh chỉ được cho tôi chỗ nào trong Kinh Thánh đã nói như thế.”

Người sinh viên hết sức bối rối khi không tìm được niên đại đó ở trang đầu của Sáng Thế Ký. Muốn giúp anh kia, một sinh viên Tin Lành khác đi cùng với tôi nhanh chóng chỉ: “Nó nằm ở trang 3 đó!”

Cả hai đều rất ngạc nhiên khi biết rằng ngày mà Giám Mục Ussher tính toán xuất hiện trên một vài cuốn bản Kinh Thánh bằng tiếng Anh chứ không hề có trong nguyên tác.

Mặt khác, vài nhà khoa học còn tự tiện tuyên bố những điều vượt ngoài phạm vi các sự kiện. Thật ra những lời khẳng định đó chỉ là những lời giải thích mang tính triết học về các dữ kiện chứ không hề có thẩm quyền ngang hàng với chính các dữ kiện. Tiếc là đối với tâm trí của người nghe thì ít khi họ phân biệt được sự kiện và những lời giải thích.

Khi nhà khoa h c phát bi u

Dường như khi một khoa học gia phát biểu về bất kỳ đề tài nào, thì người ta có thể tin tưởng ông hơn. Có thể ông ta nói ngoài lãnh vực của mình, nhưng sự kính trọng dành cho những lời khẳng định trong lãnh vực của ông hầu như được chuyển một cách vô thức cho tất cả những gì ông ta nói. Ai có thể tranh luận với một trình độ học vấn uyên bác như vậy? Chẳng hạn, Carl Sa-gan, một nhà văn nổi tiếng và cựu giáo sư về ngành thiên văn học của trường đại học Cornell, minh họa sự chuyển biến từ khoa học sang “khoa học chủ nghĩa”, một ý kiến triết học cá nhân. Tạp chí Tin Tức Nước Mỹ và Tường Trình Thế Giới (U.S. News and World Report) phỏng vấn ông về đề tài khoa học và tôn giáo. Khoa học là lãnh vực của ông ta; nhưng tất nhiên tôn giáo thì không. Tuy nhiên, ông ta cũng đưa ra một lời tuyên bố thật táo bạo: “Vũ trụ hiện là hay đã là và sẽ luôn là chính nó”; “Bất cứ điều có ý nghĩa mà con người chúng ta có là những thứ chúng ta tự tạo “; và “Nếu chúng ta phải thờ phượng một quyền lực to lớn hơn chúng ta, thì thờ phượng mặt trời và những ngôi sao không hợp lý sao?” Nhưng tại sao chúng ta lại phải thờ phượng thiên nhiên nếu như theo điều ông nói thì nó chỉ là “kết quả của một sự tình cờ mò mẫm và là một phần của một tiến trình vô nghĩa?” 1

Đ c tin b nghi ng

Một lãnh vực khác thường gây nên sự chống đối, ấy là câu hỏi rằng những điều không thể chứng nghiệm được bằng phương pháp khoa học thì có thật và có giá trị hay không. Vài người có thể vô tình hay cố ý đã quyết đoán rằng nếu một lời tuyên bố không thể được chứng minh trong phòng thí nghiệm bằng những phương pháp của khoa học tự nhiên, thì nó không đáng tin cậy và không thể chấp nhận là đáng tin tưởng được. Những khám phá của khoa học được coi là khách quan, do đó là thật; những lời tuyên bố đòi hỏi phải chấp nhận bằng đức tin đều bị nghi ngờ.

E. O. Wilson, một nhà sinh vật học được rất nhiều người kính nể, minh họa quan điểm này trong cuốn sách của ông có tựa đề Về Bản chất Con người (On Human Nature). Ông nói rằng: “Khía cạnh cuối cùng mang tính quyết định bởi chủ nghĩa tự nhiên khoa học, sẽ đến từ khả năng giải thích tôn giáo truyền thống, đối thủ chủ yếu của nó là một hiện tượng vật chất hoàn toàn.” 2

Nhưng chúng ta còn có nhiều cách thức và phương tiện khác hơn phòng thí nghiệm để đạt đến sự hiểu biết chân thật và xuất sắc. Hãy xem xét tiến trình nam nữ yêu nhau. Lẽ dĩ nhiên điều này không thể tạo được trong phòng thí nghiệm bằng cách sử dụng những dụng cụ khoa học, nhưng chỉ những ai đã từng kinh nghiệm tình yêu mới thú nhận rằng sự hiểu biết của họ về tình yêu là không chắc hay không thật tình. Những định kiến khác của khoa học bao gồm sự hiện hữu của chân lý, những quy luật hợp lý, tính thoả đáng của ngôn ngữ và con số. Vấn đề đơn giản là những niềm tin thật sự hợp lý có thể biện minh được đang hiện hữu trong vô số những lãnh vực nằm ngoài phạm vi của khoa học. 3 Phương pháp khoa học chỉ thích hợp cho những thực tế có thể đo lường được bằng đơn vị vật lý.

Đức Chúa Trời là một thực tại khác hẳn loại thực tại của thế giới tự nhiên mà khoa học đang khảo sát. Đức Chúa Trời không chờ đợi loài người khám phá Ngài bằng phương pháp tra cứu, sưu tầm dựa trên kinh nghiệm của họ; Ngài là một hữu thể thần linh, hiện hữu bên ngoài không gian và thời gian. Nhưng Ngài cũng là một hữu thể con người, Đấng đã bày tỏ chính Ngài qua lịch sử và con người vẫn có thể kinh nghiệm sự hiện diện của Ngài trong đời sống cá nhân mình.

Nhà khoa h c s d ng đ c tin

Đức tin không hề gây hại đến sự hiểu biết về thực tại. Thật vậy, chính khoa học cũng dựa trên những giả thuyết phải được chấp nhận bằng đức tin trước khi tiến hành những cuộc khảo sát.

Vũ trụ rất có trật tự. Nó hoạt động theo một khuôn mẫu, do đó người ta có thể kiểm nghiệm và tiên đoán cách vận chuyển của nó. Điều này bao gồm luôn tính nhất quán của thế giới chúng ta và nó sẽ tiếp tục như đang hiện có. Chẳng hạn, táo sẽ luôn rơi xuống, chứ không bay lên!

Chân lý khách quan tồn tại và người ta có thể biết được. Nếu đối tượng nghiên cứu của các nhà khoa học thuần túy mang tính vật chất và tự nhiên, thì tất cả những nỗ lực sẽ bị hạn chế trong những hiện tượng tự nhiên này. Một người có thể nói rằng chân lý của những nhà khoa học không thể mở rộng ra ngoài những lãnh vực có thể đo lường được. Giả thuyết căn bản ấy là những vật nào người ta không thể kiểm nghiệm bằng kính hiển vi hay kính viễn vọng thì chắc chắn nó không hiện hữu.

Mức độ đáng tin cậy của những cảm nhận bằng giác quan. Đây là một giả thuyết phi vật chất khác cần phải được chấp nhận bằng đức tin. Một người phải tin rằng những giác quan của chúng ta đáng tin cậy trong việc giúp chúng ta phác họa một bức tranh về vũ trụ và giúp chúng ta hiểu được tính trật tự của nó.

Tính lặp đi lặp lại của một thí nghiệm trong phòng thí nghiệm. Khi một khoa học gia đưa ra một công trình và được một khoa học gia khác lặp lại thì kết quả của nó phải giống nhau. Chẳng hạn, bỏ khí hydro và oxy chung với nhau một lượng thích hợp, trong cùng một điều kiện, chúng ta sẽ được nước…. Tuy nhiên, theo điều chúng ta đã thảo luận, có nhiều thứ, như lịch sử thì không thể được lặp lại trong phòng thí nghiệm.

Theo điều ngày nay chúng ta biết và cần ghi nhận là phương pháp khoa học, bắt nguồn vào thế kỷ thứ 16 trong vòng những người vốn là Cơ Đốc nhân. Họ bất đồng với những quan niệm đa thần giáo của người Hy Lạp vốn xem xét thế giới như là cái bất thường và không đều đặn, vì vậy không thích hợp cho những cuộc nghiên cứu có hệ thống. Sau đó họ lý luận rằng vũ trụ phải có trật tự và đáng để nghiên cứu bởi vì nó là công việc của một Đấng tạo hóa thông sáng. Khi theo đuổi những khám phá có tính khoa học, họ càng tin quyết rằng họ đang suy nghĩ về những tư tưởng của Đức Chúa Trời theo ý Ngài.

Điều cần nhìn nhận sâu sắc hơn nữa, ấy là khoa học không thể đưa ra những phán đoán về giá trị của những vật nó đo lường. Nhiều người đang chiến đấu trên các tiền tuyến khoa học đang nhận thức được rằng không có gì trong chính khoa học có thể hướng dẫn họ trong việc áp dụng những khám phá của họ. Không có gì trong chính khoa học xác định hoặc năng lượng hạt nhân sẽ được dùng để tiêu diệt các thành phố hay diệt trừ căn bệnh ung thư; đó là một phán đoán có tính quyết định nằm ngoài phương pháp khoa học.

Khoa học có thể cho chúng ta biết một hiện tượng nào đó xảy ra như thế nào, chớ không hề cho ta biết tại sao lại xảy ra cách nhất định như vậy. Khoa học chẳng bao giờ giải đáp cho chúng ta biết là có mục đích gì cho vũ trụ này. Theo cách nói của một nhà văn, khoa học có thể cho chúng ta “biết như thế nào”; chứ không thể cho chúng ta “biết tại sao.” 4 Chúng ta lệ thuộc vào sự mạc khải của nhiều loại thông tin, vắng bóng điều nào cũng để lại cho chúng ta một bức tranh dang dở.

C hai phía đ u có nh ng đ nh ki ế n

Mọi người đều có thế giới quan, một hệ thống những định kiến qua đó chúng ta gạn lọc tất cả những thông tin khác. Cơ Đốc nhân tin rằng khoa học là con đường dẫn tới việc khám phá Chân lý với chữ C viết hoa. Cũng vậy, Đức Chúa Trời tồn tại, sống động trong công trình sáng tạo của Ngài và là cấu trúc căn bản cho mọi mối liên hệ của chúng ta. Một Cơ Đốc nhân không thấy có gì xung khắc giữa lý luận hay sự thông minh và niềm tin vào một Đức Chúa Trời siêu nhiên. Những Cơ Đốc nhân đồng thời cũng là những khoa học gia không tự cho mình là những người điên thông minh (intellectual schizophrenics) mà chỉ xem mình đang nối gót những Cơ Đốc nhân sáng lập khoa học hiện đại.

Để minh họa điều này, William Paley của thế kỷ XVIII cho chúng ta biết quan điểm như sau:

Giả sử tôi thấy một cái đồng hồ nằm trên đường, và người ta hỏi tôi làm thế nào cái đồng hồ lại nằm ở đó. Tôi không thể trả lời …. chắc cái đồng hồ tự nhiên nằm ở đó. Dĩ nhiên phải có người làm ra cái đồng hồ đó, nó đã có trước khi tôi thấy nó… một người thợ đã làm ra cho mục đích chúng ta tìm thấy nó; một người nào đó hiểu cấu trúc của đồng hồ và thiết kế công dụng của nó. 5

Điều này diễn tả tính định kiến của Cơ Đốc nhân. Đức Chúa Trời, Đấng sáng tạo, tồn tại trước khi thế giới này được tạo dựng, Ngài đã là và là “người thợ” tạo ra nó và thiết kế nó. Cùng với những dữ liệu khác, người ta nhìn thấy khoa học qua cái máy lọc tập trung vào Đức Chúa Trời này.

Toàn bộ sự mạc khải của Kinh Thánh được xây dựng trên tiền đề này; Đức Chúa Trời đã bày tỏ chính Ngài, và Ngài chính là Đấng sáng tạo. Chúa Giê-xu phán: “Các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi.” (GiGa 8:32). Chúng ta có thể phân biệt giữa sự thật và điều sai trái.

Mặt khác, nhà khoa học theo thuyết bất khả tri (hay vô thần), cũng có những tiền giả định khác với thuyết của Cơ Đốc nhân. Dù những khám phá đầy chi tiết và phức tạp, nhưng kết cấu thuyết tiến hóa cơ bản của Darwin vẫn tồn tại mạnh mẽ và thậm chí còn được bảo vệ. Sự thay đổi đột ngột (đột biến) và chọn lọc tự nhiên có liên quan. Nhà khoa học vô thần Richard Dawkins công bố rằng tất cả mọi vật, kể cả bộ óc của chúng ta, có thể bị “suy giảm” xuống nền tảng vật chất của nó. Ông nói rằng: “Chúng ta là những bộ máy còn sống một con người máy robot được lập trình cách mù quáng để duy trì những phân tử ích kỷ (của tế bào di truyền mà chúng tồn tại) gọi là những gien di truyền.” Về sau, dường như ông suy nghĩ lại và cho rằng: “Những đối tượng và hiện tượng được sách vật lý mô tả còn đơn giản hơn một đơn bào trong cơ thể của tác giả viết sách đó nữa.” 6

Tác động của câu chuyện người chế tạo đồng hồ của Paley vẫn còn và không gây ra một sự chú ý nhỏ nào với lập luận không thể tranh cãi được. Tiếp tục cuộc tranh luận, Dawkins viết cuốn sách Người Làm Đồng Hồ Mù để chế giễu ý tưởng “người thợ” của Paley và giải thích sự hiện diên của chiếc đồng hồ, ông ủng hộ ý tưởng chọn lọc tự nhiên: “Nó không có trí óc và không có con mắt của trí óc. Nó không đặt kế hoạch cho tương lai. Nó không có khải tượng, không có tầm nhìn xa, không có tầm nhìn gì cả. Nếu người ta bảo nó phải đóng vai trò của một người thợ đồng hồ trong tự nhiên thì nó là một thợ đồng hồ mù! ” 7

Chi ế c h p đen đ ượ c m ra

Những cuộc tranh luận liên tục sử dụng câu chuyện người thợ đồng hồ của Paley đã đưa ra sự khó hiểu và thậm chí người ta thắc mắc về những chi tiết của cuộc sống tự nhiên. Michael Behe, nhà sinh vật học về tế bào, trong cuốn sách của ông tựa đề Chiếc hộp đen của Darwin (Darwin’s Black Box) khai mở vài tiến trình rất cần cho sự sống, như là tình trạng máu đông hay thị lực. Mặc dù, Darwin có thể nhận thức những thay đổi từ từ và giải thích những sự thay đổi có thể quan sát được, nhưng hầu như ông không biết gì về sự phức tạp của những tiến trình ở cấp độ phân tử. Một trong số những minh họa của Behe giải thích võng mạc của mắt thích nghi và sắp xếp lại nó như thế nào khi tiếp xúc với ánh sáng. Khi ánh sáng chiếu vào võng mạc, một lượng tử ánh sáng (photon) phản ứng với một phân tử gọi là 11-cis retinal (màng lưới trong võng mạc), sắp xếp nó lại thành trans-retinal trong vòng một phần ngàn tỷ giây. (Một phần ngàn tỷ giây là xấp xỉ khoảng thời gian cần để ánh sáng di chuyển hết chiều dài một cọng tóc của con người) 8. Một chuỗi các phản ứng hóa học tiếp tục xảy ra, mỗi bước cần thiết cho bước tiếp theo, tất cả đều cần thiết để chúng ta có thể thấy được. Không có một sự giải thích nào khác ngoài một sự thiết kế đầy khôn ngoan cho tất cả những phản ứng này. Chỉ loại bỏ một cái đơn giản cũng làm cho chúng ta không nhìn thấy được. Làm sao một chuỗi những phản ứng như vậy lại có thể xảy ra dần dần nếu tất cả đều cần cho thị giác? Ở đây ngành sinh hóa đã chỉ ra cho chúng ta một niềm tin hướng đến một người thiết kế.

Có thể trưng dẫn thêm một minh họa tương tự khác. Chức năng chi tiết của ước chừng 30 ngàn gien trong cơ thể con người lớn tiếng chỉ ra một người lập trình vô cùng thông minh. Những DNA (phân tử cơ bản của tế bào di truyền), protein (chất đạm) và RNA (acid ribonucleic) là những nhà băng thông tin lưu giữ những chi tiết về đặc điểm cá nhân của chúng ta: chiều cao, tóc, màu mắt, dấu vân tay, tế bào não v.v… Trừ những cặp sinh đôi đồng dạng, mỗi người giữ một hồ sơ riêng của mình. Được tạo nên bởi một thang xoắn hóa học, chúng rất rắc rối và đặc biệt đến nỗi Behe kết luận rằng chắc chắn phải có một Đấng Thiết Kế. Thuật ngữ đáng nhớ của ông dành cho gien của con người là một sự phức tạp không thể giảm bớt được; không cái nào có thể bỏ qua được. 9

Ý nghĩ về sự “không thể giảm đi được” của một đơn phân tử được Behe minh họa trong việc thiết kế một cái bẫy chuột. Một miếng gỗ, một lò xo, một miếng gan hay miếng phó mát, tất cả đều phải ở đó. Lấy ra bất kỳ một phần nào thì bạn không thể bắt con chuột được. Tương tự như vậy, một phân tử là một sự phức tạp không thể giảm đi được, mặc dù phức tạp hơn cái bẫy chuột gấp ngàn lần.

Bộ máy phân tử rõ ràng được thiết kế như một con tàu vũ trụ hay một máy vi tính. Bạn không thể giải thích nguồn gốc của bất cứ một khả năng sinh học nào (như thị giác chẳng hạn) trừ khi bạn có thể giải thích bộ máy phân tử khiến nó làm việc. 10 Có thể nào một sự phức tạp khó tin như vậy lại có thể hoạt động chung với nhau bởi một sự xuất hiện tình cờ những phân tử này cùng một nơi một lúc được? Nó nằm ngoài phạm vi của thống kê học. Nó chỉ ra “một bản thiết kế đầy sáng suốt.” Tuy nhiên, khoa học tiến hóa của Darwin vẫn tiếp tục phủ nhận khả năng về một Đấng Thiết Kế để giải thích, nếu không nói là không thể giải thích được những tính chất phức tạp này của thiên nhiên.

Xem xét ý nghĩa c a s ti ế n hóa

Bất cứ khi nào thuật ngữ tiến hóa được sử dụng, chúng ta phải cẩn thận xem mình muốn nói gì. Và cũng có thể tìm ra điều người khác muốn nói khi họ dùng từ ngữ đó.

Chúng ta có thể gọi chính quá trình là thuyết tiến hóa (evolutionism). Những người theo thế giới quan này tin rằng vũ trụ được tiến hóa mãi mãi đặc biệt dành cho nền tảng của những tiến trình tự nhiên, chọn lọc tự nhiên và sự đột biến. Dựa vào tính ngẫu nhiên, nó là “sự sống sót của những cái phù hợp nhất” (một tiến trình có thể được nhìn thấy rõ ràng trong hai phân loại).

Ø Đầu tiên là quá trình tiến hóa nhỏ, được mô tả là một quá trình biến đổi và phát triển liên tục nhưng chỉ trong một loài. Nhà tự nhiên học người Thụy Điển Carolus Linnaeus giải thích rằng một loài là một trong số bảy phân loại của tất cả động vật và thực vật. Những nhóm đó là: (1) giới, (2) ngành, (3) lớp, (4) bộ, (5) họ, (6) giống, (7) loài. Giới là nhóm lớn nhất, và loài là nhóm nhỏ nhất. Thành viên của loài có một mức độ tương tự cao trong vòng chúng nó và thường giao phối chỉ trong loài với nhau. G. A. Kerbut, nhà tiến hóa học, mô tả quá trình tiến hóa nhỏ như là quá trình “được quan sát qua một khoảng thời gian, nhiều loài động vật sống phải trải qua nhiều sự thay đổi để hình thành được một loài.” 11 Lưu ý là quá trình này được nhấn mạnh là trong cùng một loài.

Trong quá trình tiến hóa nhỏ, những thay đổi chỉ là những biến đổi của nhiễm sắc thể, sự bất thường của gien, hay quá trình lai giống để phát sinh nhiều chủng loại mới. Những thay đổi này luôn luôn diễn ra bên trong một loài riêng biệt nào đó. Người ta thường nói: “Ngựa vẫn là ngựa” hay “Không một động vật nguyên sinh nào có thể biến thành người. ”

Chẳng hạn, nếu có sự đột biến diễn ra bên trong gien của con sâu đất, cung cấp cho nó một sự khéo léo cao hơn chống lại loài chim sâu săn mồi, sự tiếp diễn của quá trình đột biến này sẽ tốt cho sự tranh đấu sống sót của loài sâu đất. Sự đột biến này sẽ cải tiến loài sâu – nhưng chỉ như là một con sâu thôi (chứ không phải cải thiện thành một con khác). Đây là quá trình tiến hóa nhỏ trong một loài đơn lẻ.

Quá trình tiến hóa nhỏ cho phép những sự biến đổi mới nảy sinh nhưng không phải là sự phát triển của một loài sang một phân loại cao hơn. Bằng chứng nầy có thật và những học giả Tin Lành đương thời cũng đồng ý rằng loại tiến hóa nhỏ này có xảy ra. 12

Ø Quan điểm thứ hai là quá trình tiến hóa lớn, hay tiến hóa vĩ mô, trong đó đòi hỏi sự chuyển hóa những thông tin di truyền lên một phân loại cao hơn và phức tạp hơn, theo quan điểm nầy qua quá trình đột biến và chọn lọc tự nhiên những giới hạn, được loại bỏ.

Ø A. E. Wilder Smith, giáo sư ngành dược chỉ ra rằng những yếu tố này cùng với sự ngẫu nhiên “không thể cung cấp thông tin cần thiết để thêm những cái chân vào một con cá, rồi cho phép nó rời khỏi nước mà đi trên mặt đất. Chẳng hạn, ngành cổ sinh vật học không hề biết những mắt xích thất lạc (những dạng chuyển đổi) giữa cá voi và động vật có vú trên đất liền vốn đã được thiết lập. Những mắt xích trung gian của loại này có thể cũng không có khả năng tồn tại. Hơn 120 năm ngành địa chất học bỏ công tìm kiếm những mắt xích này mà không được gì. 13 Thật vậy, rất sai lầm khi nói về một mắt xích thất lạc, vì có tới hàng ngàn mắt xích như thế bị thất lạc!

Đ c Chúa Tr i phù h p v i nh ng đi u này nh ư th ế nào?

Đối với một số người, Đức Chúa Trời chỉ được nhắc đến khi nào cuộc sống và sự hiện hữu không còn một lời giải thích nào khác. Những nhà khoa học vô tín thường có khuynh hướng nhìn về quan điểm này như là bằng chứng cho thấy rằng khoảng cách giữa thuyết hữu thần và khoa học đang được thu hẹp dần. Họ có thể nói rằng: “Cho chúng tôi đủ thì giờ và con người có thể giải thích được tất cả mọi thứ trong vũ trụ hoạt động như thế nào.”

Quan điểm này sẽ không thích hợp với sự mô tả về Đấng tạo hóa mà chúng ta xem xét trong chương hai. Đức Chúa Trời, Đấng tạo dựng thế giới này không chỉ là Đấng tạo hóa mà còn là Đấng duy trì. “Ngài có trước muôn vật, và muôn vật đứng vững trong Ngài” (CoCl 1:17). Vũ trụ sẽ sụp đổ nếu không có sức mạnh bảo trì của Đấng tạo hóa. Thuyết cơ giới khoa học bày tỏ vũ trụ được duy trì liên tục như thế nào không đồng nghĩa với việc duy trì nó. Quan điểm về một Đấng tạo hóa sống động liên tục tham dự vào công trình sáng tạo được gọi là thuyết hữu thần (theism).

Giả sử Đức Chúa Trời lấy năng lực duy trì của Ngài từ vũ trụ và “lên cót đồng hồ cho nó tự chạy.” Hãy thử suy nghĩ về điều đó! Như cách Phillip Johnson nói, điều này có nghĩa là Đức Chúa Trời lập ra những luật lệ, dựng lên những cấu trúc vật lý rồi nghỉ hưu. Quan điểm này gọi là thần luận (deism) (niềm tin có Chúa dựa trên đức tin nhiều hơn là dựa trên lý thuyết tôn giáo).

Một câu hỏi thường gặp là: “Có thể nào Chúa đã tạo dựng thế giới này nhưng sử dụng quá trình tiến hóa?” Một câu hỏi cần thiết trong câu trả lời có thể là: Bạn có ý gì khi nói đến tiến hóa? Với định nghĩa thông thường của nó, tiến hóa là quá trình thuần túy mang tính vật chất, thiếu suy nghĩ, không được hướng dẫn, không có mục đích.

Đức Chúa Trời không phù hợp với định nghĩa này được! Quan niệm về hành động đầu tiên của Đức Chúa Trời theo sau bởi kế hoạch sáng tạo dần dần được khơi mở gọi là thuyết dần dần, một giả thuyết mà theo Johnson thì không được những tài liệu về hóa thạch hỗ trợ: “Nếu Đức Chúa Trời đã tạo dựng thế giới bằng việc sử dụng tiến hóa thì Ngài sẽ chọn cách không để cho những bằng chứng vương vãi đây đó như vậy.” 14 Đức Chúa Trời không có chỗ nào trong quá trình này cả. Trong Kinh Thánh không có phần ký thuật nào nói về một Đức Chúa Trời thích hợp với hình ảnh này.

Mặt khác, thuyết hữu thần xem Đức Chúa Trời là Đấng tạo hóa và Ngài tích cực liên quan trong vai trò giám sát thế giới và con người mà Ngài tạo dựng. 15 Ngài vô hình nhưng có thật và có liên quan với thế giới này.

Những tiến bộ gần đây trong những lãnh vực như kết cấu di truyền, vi trùng học, vật lý học thiên thể, v.v… đang kích thích những khả năng thực tế và những câu hỏi mới cho khoa học. Ba tư tưởng nhấn mạnh tập trung vào từ ngữ mấu chốt, thông tin (information):

Ø Cuộc sống không chỉ bao gồm vật chất (những chất hóa học) mà còn thông tin nữa.

Ø Thông tin có nguồn gốc từ đâu (hay từ ai)?

Ø Những thông tin phức tạp, đặc trưng đến từ một bộ óc vô cùng thông minh.

Những tiến bộ trong khoa học đem lại niềm tin vào sự kiện rằng cuộc sống không xuất hiện do một sự ngẫu nhiên mù quáng nhưng do một bộ óc thông minh, kết quả của một sự hiểu biết phi thường. Những khám phá gần đây sẽ bảo vệ cho thuyết hữu thần hơn là chống đối nó. Và dĩ nhiên, những yếu tố nguồn cội của cuộc sống xuất phát từ đâu? Có thể nào chúng chỉ được tiến hóa? Hiện nay người ta đang thắc mắc về cái gọi là “thuyết nấu xúp”, tức là giả thuyết cho rằng cuộc sống bắt đầu trong nước xốt hóa chất nguyên thủy. Giải thích hợp lý nhất là Đức Chúa Trời sáng tạo những yếu tố đó.

Khoa H c và Kinh Thánh có xích l i g n nhau h ơ n kh ô ng?

Một vài tiến bộ mới trong khoa học đã ủng hộ quan điểm của Cơ Đốc nhân về một Đức Chúa Trời là Đấng tạo hóa theo những cách rất đáng ngạc nhiên. Điều này không có nghĩa là những nhà khoa học sẽ trở nên những người theo thuyết hữu thần hết, nhưng trong vô số lãnh vực có sự hòa hợp giữa cả khoa học và Kinh Thánh.

Ø Vũ trụ có một khởi điểm. Vào tháng 4 năm 1992, tin tức truyền thông đại chúng và những nhà khoa học công bố khắp hoàn cầu một khám phá vĩ đại. Vệ tinh của Cosmic Background Explorer (CBOE) tìm thấy một “sự khẳng định tuyệt vời cho sự kiện tạo dựng của vụ nổ Big Bang nóng bỏng. ” “Đây là điều thú vị nhất từng xảy ra trong cả cuộc đời tôi”, Carlos Frank ở trường đại học Durham bên Anh nói như vậy. Đây là một khám phá thế kỷ, nếu không phải là của mọi thời đại” nhà vật lý học nổi tiếng người Anh Stephen Hawking khẳng định.

George Smoot thuộc trường đại học California tuyên bố: “Chúng tôi đã tìm thấy những bằng chứng cho sự ra đời của vũ trụ. Giống như là nhìn xem Đức Chúa Trời vậy.”

Dĩ nhiên, những phản ứng này đề cập đến sự khám phá của vụ nổ Big Bang, khởi nguồn của vũ trụ. Về cơ bản, mô hình vụ nổ Big Bang cho rằng toàn bộ vũ trụ vật lý – tất cả vật chất và năng lượng, ngay cả bốn chiều không gian và thời gian – nổ ra từ một trạng thái đông tụ, nhiệt độ, và sức ép không thể xác định hay gần như không xác định được. Vũ trụ bành trướng từ một khối lượng nhỏ hơn rất nhiều so với cái dấu chấm ở cuối dòng của câu nói này nữa, và bây giờ vẫn còn tiếp tục bành trướng. 16

Thời gian cũng có một khởi điểm. Như chúng ta đã biết Đức Chúa Trời hiện hữu bên ngoài thời gian của chúng ta. Ngay cả Stephen Hawking cũng nói: “Thời gian cũng phải có khởi điểm của nó.” Những chương đầu của Sáng Thế Ký kể câu chuyện về một Đức Chúa Trời hiện diện trước cả thời gian, bên ngoài thời gian và thế giới mà Ngài tạo dựng. Ngài không phải là đối tượng của chiều dài, chiều rộng, chiều cao hay thời gian. Ngài là Đấng làm cho thời gian hiện hữu. Ngược lại, đối với chúng ta, thời gian chỉ di chuyển tới phía trước.

Ø Đức Chúa Trời gây ra những ảnh hưởng ngay trước cả thời gian. “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất.” (SaSt 1:1). Sau đó “Vì muôn vật đã được dựng nên trong Ngài, bất luận trên trời, dưới đất, vật thấy được, vật không thấy được… Ngài có trước muôn vật và muôn vật đứng vững trong Ngài” (CoCl 1:16-17). Ngài tồn tại từ trước khi Ngài phán: “Hãy có sự sáng.” Con người thì hữu hạn, có một khởi đầu và kết thúc. Đức Chúa Trời là Đấng không có giới hạn, không có khởi đầu và kết thúc.

Ø Một sự hòa hợp tốt đẹp của những hằng số vũ trụ (cosmic constants). Có những quy luật vũ trụ cố định của cả thái dương hệ và toàn bộ vũ trụ làm cho cuộc sống của chúng ta có thể tồn tại trên trái đất. Những điều này quá chính xác đến nỗi nếu có bất kỳ cái nào thay đổi trong một phần rất nhỏ thôi thì chúng ta cũng không thể tồn tại được. Hugh Ross dẫn chứng ra 25 điều ảnh hưởng đến nhiệt độ trái đất, các mùa và toàn bộ bầu khí quyển của chúng ta. Nếu những điều này được điều chỉnh bằng một ly thôi, đôi khi chỉ nhỏ bằng một phần triệu của một phần trăm thôi thì không có một sự sống nào có khả năng tồn tại hết. 17

Trong số những hằng số vũ trụ này có vài điều rất thực tế với chúng ta như lực hấp dẫn, độ nghiêng của trục trái đất, tỉ lệ của khí oxy với khí nitrô trong không khí, tầng ozon, những tác động địa chấn, khí CO2 và mức nước bốc hơi, tốc độ của những ngôi sao bay cách xa nhau ra, sự giãn nở của vũ trụ, vận tốc ánh sáng, nội chuyên lực của vũ trụ, lực điện từ và khối lượng của proton. Sự hiện hữu của những điều này là bằng chứng cho thấy không thể có sự ngẫu nhiên để giữ những hằng số này.

Ngu n g c c a con ng ườ i

Khi chúng ta xem xét sự tiến hóa và nguồn gốc của con người, Kinh Thánh cung cấp cho chúng ta hai vấn đề không cần bàn cãi:

Ø Đức Chúa Trời đã tạo dựng trời và đất một cách phi thường và có mục đích (SaSt 1:1).

Ø Đức Chúa Trời đã tạo dựng người đàn ông và người đàn bà đầu tiên một cách phi thường và có mục đích (1:27).

Chúng ta không đi ra khỏi hai giới hạn này. Tài liệu Sáng Thế Ký cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời dựng nên A-đam rồi sau đó dựng nên Ê-va từ hông sườn của A-đam, và cả hai đều được dựng nên “theo ảnh tượng của Đức Chúa Trời”. Khi Đức Chúa Trời hà sinh khí vào A-đam, làm cho A-đam khác biệt với bất cứ vật nào khác mà Ngài đã tạo dựng. Đây là điều đầu tiên! Nó cũng loại trừ những ý kiến của một vài người cho rằng con người tiến hóa từ bất cứ tổ tiên của loại động vật nào.

Khi đọc những lời đề cập trong Tân Ước khẳng định A-đam và Ê-va như là vấn đề lịch sử là điều rất ích lợi (RoRm 5:12, 14; ICo1Cr 15:22-45; IICo 2Cr 11:3; ITi1Tm 2:13-14; Giu Gd 1:11). Khi hiểu cẩn thận về những phân đoạn này sẽ giúp chúng ta khẳng định câu chuyện Sáng Thế Ký không phải là một chuyện huyền thoại nữa.

Francis Schaeffer nói: “Đức Chúa Trời ban cho chúng ta những chân lý tôn giáo trong một cuốn sách về lịch sử và cũng là một cuốn sách đề cập đến cả vũ trụ. Vậy thì còn có ý nghĩa gì nữa khi Đức Chúa Trời ban cho chúng ta những chân lý tôn giáo mà lại đem đặt nó vào một cuốn sách hoàn toàn sai về mặt lịch sử và vũ trụ?” 18

Còn tu i c a trái đ t thì sao?

Theo sự ký thuật của Kinh Thánh, có một số Cơ Đốc nhân giả định rằng trái đất chắc là được hình thành khoảng mấy ngàn năm trước khi Chúa Giê-xu giáng sinh. Nhưng theo khoa học họ lại tin rằng trái đất phải đến hàng triệu hàng tỉ năm tuổi và họ cảm thấy ngờ vực về điều đó. Câu hỏi là, liệu chúng ta có thể truy ra tuổi của trái đất từ những dữ liệu Kinh Thánh không?

Chúng ta hãy xem xét cách sử dụng của chữ ngày trong tiếng Hê-bơ-rơ. Có thể nào nó mang ý nghĩa là một khoảng thời gian hơn là một ngày 24 tiếng hay không? Trong SaSt 1:31 từ ngữ được sử dụng để mô tả sự hoàn tất của ngày thứ sáu, trong thời gian đó Đức Chúa Trời dựng nên A-đam và Ê-va.

2:15-25 mô tả những hoạt động đầy sáng tạo của Đức Chúa Trời vào “ngày” đó. Nó cũng mô tả những hoạt động của A-đam: đặt tên tất cả các loài vật, ngủ say, sự tạo dựng Ê-va – tất cả trong ngày thứ sáu! Theo lối mô tả sát nghĩa nhất, dường như ngày thứ sáu là một khoảng thời gian dài hơn.

Trong những phân đoạn khác của Kinh Thánh, cách sử dụng cùng một từ ngữ này cho thấy rằng quan niệm của Chúa về ngày không được giới hạn lắm. Ví dụ như “Vì một ngàn năm trước mắt Chúa khác nào ngày hôm qua đã qua rồi” (Thi Tv 90:4) và “Trước mặt Chúa một ngày như ngàn năm” (IIPhi 2Pr 3:8). Nhà địa chất học Davis Young lưu ý về “ngôn ngữ của SaSt 1:1-31 (ví dụ, sự phát triển của cây cối vào ngày thứ ba) ám chỉ mạnh mẽ về những quá trình phát triển và nẩy nở tự nhiên, bắt nguồn từ quy định trong lời phán của Đức Chúa Trời (“Đất sanh cây cỏ”).”

Cần ghi nhận rằng một số học giả Tin Lành thông minh cao độ đã diễn giải những chuyện trong Sáng Thế Ký theo cách mô tả ngày 24 tiếng đồng hồ, với Đức Chúa Trời dựng nên một vũ trụ “tăng trưởng” (grown-up), và chúng ta cũng cần xem xét những lý lẽ của họ. Tuy nhiên, Young nói về điều này: “Một nhà địa chất học Cơ Đốc không cần phải kết luận rằng tất cả những đặc trưng của địa chất học đều được tạo dựng với sự xuất hiện của năm tuổi. Ông ta có thể kết luận rằng những tảng đá, núi và những đặc trưng địa chất học khác trong sáu ngày sáng tạo được hình thành qua những quá trình tương tự với những cái trong hiện tại. Và ông ta có quyền sử dụng những bằng chứng chứa đựng trong những tảng đá đó để xây dựng lại quá khứ dựa vào sự tương đồng với hiện tại. Điều nầy cũng giúp chúng ta tránh vấn đề tại sao Đức Chúa Trời lại sáng tạo một tảng đá thoạt nhìn giống như nó được tạo ra do tác động băng hà mà thật ra là không phải.” 19

Để kết luận, Kantzer viết: “Vì vậy, là những người học Kinh Thánh, chúng ta cứ chấp nhận mình thiếu hiểu biết về tuổi của trái đất. Chúng ta không có lời chứng của Kinh Thánh để loại bỏ giá trị của niên đại địa chất học thường được chấp nhận. Hãy để những nhà khoa học chiến đấu với nó trên nền tảng của những bằng chứng khoa học, nhưng chúng ta không nên ủng hộ vị trí yếu thế của khoa học bằng việc diễn dịch sai Kinh Thánh vì mục đích đó. Đức Chúa Trời hiếm khi thích ứng chỉ để thỏa mãn tính tò mò của chúng ta.” 20 Trong những vấn đề mà Đức Chúa Trời chọn giữ im lặng, chúng ta cũng nên chọn chấp nhận yên lặng.

M t chuy ế n xe l a di chuy n liên t c

Giả thuyết khoa học cố nhào nặn một lời giải thích hợp lý nhất dựa trên những dữ liệu có sẵn. Không có điều gì tuyệt đối cả. Khoa học là một chuyến xe lửa chuyển động liên tục. Một tổng quát hóa của ngày hôm qua là một giả thuyết bị bài bác ngày hôm nay. Đó là một lý do khiến chúng ta phải có óc thực nghiệm để thử chấp nhận một dạng nào đó trong các giả thuyết tiến hóa như lời giải thích cuối cùng của sinh học. Do đó, cố gắng chứng minh Kinh Thánh bằng khoa học là điều rất nguy hiểm. Nếu Kinh Thánh gắn bó chặt chẽ với những giả thuyết khoa học ngày nay, thì chuyện gì sẽ xảy ra 10 năm sau đây khi khoa học đổi khác?

Nhà thần học W. A. Criswell dẫn chứng: “Vào năm 1861…. Viện khoa học của Pháp xuất bản một cuốn sách nhỏ trong đó họ dẫn ra 51 sự kiện khoa học bác bỏ Lời của Đức Chúa Trời. Ngày hôm nay không có một nhà khoa học nào trên thế giới tin vào dù chỉ một trong số 51 điều gọi là sự kiện khoa học mà năm 1861 được xuất bản để bác bỏ lại Lời của Đức Chúa Trời. Không một người nào hết!” 21

Những nhà khoa học chịu suy nghĩ thừa nhận rằng tiến hóa không phải là một trường hợp đóng và mở, nhưng họ cảm thấy phải chấp nhận giả thuyết ấy bất chấp một số yếu tố có vẻ mâu thuẫn và không giải thích được.

G. A. Kerbut, một nhà tiến hóa học, viết về viễn cảnh của những sinh viên thần học tại Cambridge, trong thế kỷ trước, đã chấp nhận một cách bình thản những giáo điều và những sự dạy dỗ mà họ không tự kiểm nghiệm lại. Sau đó Kerbut quan sát thấy những sinh viên hiện tại cũng làm điều tương tự. Ông viết:

Trải qua mấy năm rồi, tôi dạy cho các sinh viên đại học về nhiều khía cạnh khác nhau của sinh vật học. Điều rất thông thường là trong lúc trò chuyện với nhau, tôi hỏi một sinh viên rằng anh ta có biết một bằng chứng hiển nhiên nào về sự tiến hóa không. Câu hỏi nầy thường tạo ra nơi người sinh viên một nụ cười kẻ cả… “Vâng, thưa thầy, có chứ. Có những bằng chứng hiển nhiên thuộc cổ sinh vật học, cơ thể học đối chiếu, bào thai học, phân loại học và những phân phối về địa lý”, người sinh viên thao thao bất tuyệt như người ta vẫn nói trong các trường mẫu giáo.

Tôi hỏi: “Anh có cho rằng thuyết tiến hóa là lối giải thích đúng nhất đã được đưa ra từ trước đến nay để giải thích mối liên hệ hỗ tương giữa các sinh vật hay không?”

Anh ta đáp: “Thưa thầy, sao lại không. Lẽ dĩ nhiên là phải như vậy rồi. Vì không hề có một lối giải thích nào khác ngoại trừ lối giải thích theo tôn giáo của một số tín đồ Cơ Đốc theo chủ nghĩa bảo thủ, và thưa thầy, tôi nghĩ rằng những người uy tín trong giáo hội mà theo kịp trào lưu cũng không còn chủ trương các quan điểm đó nữa.”

“Vậy là anh tin vào thuyết tiến hóa chỉ vì không có một thuyết nào khác?”

“Ồ, thưa thầy, không phải vậy. Tôi tin nó vì những bằng chứng hiển nhiên tôi vừa nêu ra trên kia.”

Tôi lại hỏi: “Anh có đọc cuốn sách nào trình bày các bằng chứng hiển nhiên về sự tiến hóa chưa?”

“Có chứ, thưa thầy.” Và anh ta nêu tên các tác giả của cuốn sách giáo khoa phổ thông. “Và thưa thầy, tất nhiên là còn cuốn The Origin of Spieces của Darwin nữa.”

Tôi hỏi: “Anh đọc cuốn này chưa?”

“Dạ, tôi chưa đọc hết, thưa thầy.”

“Được 50 trang đầu rồi chứ?”

“Vâng, thưa thầy, cỡ đó nhưng có lẽ ít hơn một chút.”

“Tôi hiểu rồi. Và chừng đó cung cấp cho anh một sự hiểu biết chắc chắn về tiến hóa rồi chứ?”

“Vâng, thưa thầy.”

“Thế thì bây giờ anh đã hiểu chắc một luận cứ rồi, anh có thể chỉ cho tôi thấy chẳng những các điểm bênh vực cho luận cứ ấy, mà cũng có thể đưa ra những điểm chống lại nó nữa chứ?”

“Thưa thầy, có lẽ vậy.”

Đến đây thì câu chuyện chuyển sang một bầu không khí ngột ngạt hơn. Chàng sinh viên nhìn tôi giống như là tôi đã chơi một ván bài lận vậy. Có lẽ anh ta sẽ cảm thấy khá buồn khi tôi cho rằng anh ta chẳng có khoa học chút nào trong quan điểm của mình nếu anh ta chỉ nhai lại những giáo điều và khi được chất vấn, chỉ lặp lại như một con két quan điểm của vị Tổng Giám Mục hiện thời chủ trương thuyết tiến hóa. Thật ra thì anh ta cũng chỉ hành động như một số các sinh viên có đạo khác đã bị anh ta khinh dể. Anh ta đã lấy đức tin chấp nhận những điều mà mình không thể hiểu được bằng tâm trí và khi bị chất vấn lại muốn dựa vào một danh tác nào đó, như trường hợp trích dẫn cuốn The Origin of Spieces.

Tôi đã đề nghị chàng sinh viên đó ra về, và đọc thêm những bằng chứng hiển nhiên bênh vực và chống đối thuyết tiến hóa, rồi trình bày thành một bài luận. Một tuần lễ trôi qua, chàng sinh viên ấy trở lại với bài luận về bằng cớ hiển nhiên của sự tiến hóa. Thường thì bài luận luôn được làm thật kỹ bởi vì các sinh viên biết được rằng họ khó lòng mà thuyết phục tôi được. Sau khi đọc bài luận và đến vấn đề liên hệ tới những bằng chứng chống lại thuyết tiến hóa, chàng sinh viên mỉm một nụ cười hơi lúng túng và nói: “Thưa thầy, tôi đã đọc qua nhiều sách, nhưng không thể tìm thấy gì trong các sách khoa học chống lại sự tiến hóa. Tôi nghĩ rằng chắc thầy không bằng lòng một luận cứ của tôn giáo.”

“Anh nói khá đúng, tôi sẽ không chấp nhận. Tôi chỉ muốn một luận cứ khoa học chống lại sự tiến hóa mà thôi.”

“Vậy thì thưa thầy dường như không có một cuốn sách nào cả, và chính sự kiện đó đã là một bằng cớ hiển nhiên bênh vực cho thuyết tiến hóa.”

Sau đó tôi chỉ cho anh ta thấy rằng thuyết tiến hóa đã có từ đời thượng cổ và bảo anh ta phải xem cuốn The History of Biological Theories của Radi. Sau khi đã chắc chắn là chàng sinh viên đã ghi chú cuốn sách ấy để sau này tra cứu, tôi tiếp tục:

“Trước khi có thể quả quyết rằng thuyết tiến hóa là cách giải thích đúng nhất về mọi hình thức và cấp bậc của sự sống ngày nay, ta khảo sát mọi ẩn ý mà thuyết ấy có thể chủ trương. Thường thì khi thuyết ấy đã được áp dụng, chẳng hạn, việc phát triển của ngựa, và thấy có thể áp dụng được, người ta liền mở rộng nó ra cho cả mọi loài động vật mà không cần đưa thêm hoặc ít hoặc nhiều những bằng chứng hiển nhiên khác.

“Tuy nhiên có bảy giả định căn bản thường không được nhắc đến trong những cuộc bàn cãi về sự tiến hóa. Nhiều nhà chủ trương thuyết tiến hóa thường không biết đến sáu giả định đầu mà chỉ xét đến giả định thứ bảy mà thôi.

Giả định thứ nhất là những vật không có sự sống đã sanh ra những vật có sự sống v.v…, nghĩa là có ngẫu sinh.

Giả định thứ hai là hiện tượng ngẫu sinh chỉ xảy ra một lần mà thôi.

Giả định thứ ba là các siêu vi khuẩn, vi trùng, thảo mộc và thú vật đều có liên hệ họ hàng với nhau.

Thứ tư … là nguyên sinh động vật (protozoa) sinh ra biến thể động vật (metazoa).

Thứ năm … là có nhiều loại động vật không xương sống vốn có liên hệ họ hàng với nhau.

Thứ sáu … là các động vật không xương sống sinh ra các động vật có xương sống.

Thứ bảy … là các loại động vật có xương sống và cá sinh ra loài lưỡng thê, loài lưỡng thê sinh ra giống bò sát, giống bò sát sinh ra loài chim và động vật có vú. Lắm lúc nó được diễn tả bằng ngôn từ khác, ví dụ như: loài lưỡng thê và loài bò sát ngày nay có cùng một nguồn gốc, tổ tiên với nhau, và v.v…

“Vì những chủ đích đầu tiên của cuộc bàn cãi về tiến hóa này, tôi coi như những người hậu thuẫn cho thuyết tiến hóa đều chủ trương rằng cả bảy giả định trên đây đều có giá trị, và các giả định đó cấu thành thuyết tiến hóa nói chung.

“Điểm thứ nhất tôi muốn nêu ra là ngay trong bản chất, cả bảy điều giả định kể trên đều không thể kiểm chứng bằng thí nghiệm. Chúng chỉ phỏng đoán rằng có một chuỗi các biến cố đã xảy ra trong quá khứ. Như thế, cho dù có thể mô phỏng một vài biến cố trong số ấy dưới các điều kiện hiện tại, điều đó không có nghĩa là các biến cố ấy bắt buộc phải xảy ra trong quá khứ, tất cả những gì nó có thể minh chứng là một sự thay đổi như thế có thể xảy ra. Thế nên, dù ngày nay một con vật bò sát có thể trở thành một động vật có vú, vì hiện tượng ấy tuy rất đáng lưu tâm vẫn không chứng tỏ được rằng đó là cách thức loài có vú đã ra đời. Rủi thay, cả đến sự thay đổi đó, chúng ta cũng không tạo ra được; trái lại, chúng ta phải lệ thuộc vào nhiều bằng chứng bị hoàn cảnh giới hạn để giả định như trên.” 22

Gi cho nh ng s ki n đúng s th t

Để kết luận cho vấn đề tiến hóa, có hai thái cực. Thứ nhất là lời giả định về tiến hóa đã được chứng minh không hề nghi ngờ và bất cứ ai có trí suy nghĩ đều phải chấp nhận. Thứ hai là lời nhận định rằng tiến hóa “chỉ là một giả thuyết”, với rất ít bằng chứng hỗ trợ nó. Cái gọi là mâu thuẫn giữa khoa học và Kinh Thánh thường là mâu thuẫn giữa việc diễn giải giữa sự kiện và thực tế.

Như J. P. Moreland nói : “Trái với chính bản thân sự kiện, định kiến mà một người đem lại cho sự kiện quyết định cho kết luận của người ấy. Chẳng hạn, một người nghe người ta mách lại rằng người ta bắt gặp vợ ông đi dạo phố với một người đàn ông khác. Hiểu rõ vợ của mình, ông rút ra một kết luận từ sự việc này khác với những điều người trong phố đàm tiếu. Những kết luận khác nhau không phát sinh từ những sự kiện khác nhau nhưng từ những định kiến đem tới sự kiện.” 23

Mỗi lần chúng ta đọc và nghe, hãy hỏi: “Định kiến của người này là gì?” để chúng ta có thể làm sáng tỏ những kết luận trong sự hiểu biết này. Nhìn chung không có gì mang tính khách quan hoàn toàn cả.

Nhiều người đã nhận thấy rằng Đức Chúa Trời có thể hành động theo những cách kỳ diệu và trong quá khứ Ngài thường chọn hành động như vậy. Kinh Thánh bày tỏ rằng Ngài gắn bó với công trình sáng tạo nguyên thuỷ của Ngài và tiếp tục mối quan hệ đầy khôn ngoan và đầy mục đích đó với nó. Khi có những vấn đề chưa có sự giải thích rõ ràng, thì khoa học và Kinh Thánh có vài dấu hiệu để trở thành những đồng minh mạnh mẽ.

Đ c thêm

Dembski, William A., ed. Mere Creation: Science, Faith & Intelligient Design. Downers Grove, Ill: InterVasity Press, 1998.

Ratzsch, Del. Science & Its Limits. Downers Grove, Ill: InterVarsity Press, 2000.