Chương 7: Có Thể Có Phép Lạ Không?

Vì Sao Chúng Ta Tin?

Đăng vào: 11 tháng trước

.

Chương 7: Có Thể Có Phép Lạ Không?

Bạn có thật sự tin là Giô-na bị một con cá voi nuốt không? Và bạn có nghiêm túc nghĩ rằng Đấng Christ đã dùng 5 cái bánh và 2 con cá để hóa bánh cho 5000 người ăn không? Đó là chiều hướng và giọng điệu của những người nghi vấn thời nay. Họ bảo rằng chắc chắn những câu chuyện về “phép lạ” trong Kinh Thánh chỉ đơn thuần là những phương pháp hấp dẫn để trình bày những chân lý thuộc linh và không nên hiểu theo nghĩa đen.

Cũng như tất cả những câu hỏi đặt ra về Đức Chúa Trời và sự hiện diện của Ngài, chúng ta phải bắt đầu bằng việc nhận thức ra nguồn gốc – vấn đề căn bản có liên quan. Nếu không thì chúng ta chỉ bàn luận ở những cành cây nhỏ chứ không tới những nhánh lớn. Điều này thật sự đúng trong việc hiểu được những phép lạ. Đây không phải là khả năng xảy ra của một phép lạ cụ thể nào mà là toàn bộ ý niệm về phép lạ. Thiết lập sự đáng tin cậy của một phép lạ thì sẽ không đi tới tận gốc rễ được. Vấn đề rắc rối này liên quan tới toàn bộ khả năng có thể xảy ra của những phép lạ.

Quan ni m c a chúng ta v Đ c Chúa Tr i

Những câu hỏi về tính đáng tin cậy của những phép lạ cũng được mở rộng đến tính giá trị của những lời tiên tri được dự báo hay những hành động siêu nhiên. Tất cả những câu hỏi này xuất phát từ ý niệm về Đức Chúa Trời là Đấng người ta nhận thức như loài người chứ không phải là thần linh. Khi chúng ta đã chấp nhận sự hiện diện và phẩm chất của Đức Chúa Trời thì những phép lạ không còn là vấn đề nữa. Theo định nghĩa, Đức Chúa Trời là Đấng toàn năng. Nếu vắng bóng một Đức Chúa Trời như vậy thì ý niệm về phép lạ sẽ vô cùng khó chấp nhận, nếu không muốn nói là không thể chấp nhận được.

Ngày nọ tư tưởng này đến với tôi một cách mạnh mẽ khi đang nói chuyện với người bạn giáo sư người Nhật của tôi về thần tánh của Đấng Christ. Ông ấy nói “Tôi thấy khó tin nổi rằng một con người có thể trở thành Đức Chúa Trời.” Cảm biết được vấn đề của anh ta, tôi trả lời: “Đúng vậy, ông Kinichi ạ, tôi cũng thấy như vậy, nhưng tôi có thể tin được rằng Đức Chúa Trời có thể trở thành con người được. Ngay lập tức ông ta thấy sự khác nhau, và không lâu sau đó ông ta nhận thấy lý do căn bản cho việc Đức Chúa Trời trong Đấng Christ xuống trần gian, và ông ta tin Chúa.

Đ c Chúa Tr i có b gi i h n trong nh ng quy lu t t nhiên không?

Sau đó câu hỏi được đổi ngược lại là: “Có thật có một Đức Chúa Trời toàn năng, là Đấng đã tạo dựng vũ trụ nầy hiện hữu không?” Nếu có, chúng ta ít gặp khó hơn với những vấn đề phép lạ. Nếu vậy, Ngài sẽ vượt qua những quy luật tự nhiên mà chính Ngài là tác giả. Xem xét lại quan niệm căn bản của chúng ta về Đức Chúa Trời, một Đấng sống động, quyền năng và quan tâm sẽ giúp cho chúng ta suy nghĩ về những phép lạ.

Triết gia David Hume và những người khác định nghĩa phép lạ như một sự vi phạm quy luật tự nhiên. Tuy nhiên, chủ trương như thế lại thần thánh hóa luật tự nhiên. Nói theo một nghĩa nào đó Đức Chúa Trời trở thành một tù nhân của luật tự nhiên và do đó Ngài không còn là Đức Chúa Trời nữa.

Trong thời đại khoa học tân tiến ngày nay, loài người có khuynh hướng nhân cách hóa khoa học và luật tự nhiên. Điều này tránh né sự kiện rằng những quy luật này chỉ là những kết quả khách quan thu được từ quá trình khảo sát của chúng ta, đôi khi thậm chí tôn thờ quy luật tự nhiên. Một tín đồ Đấng Christ vẫn tin vào luật tự nhiên vốn biểu hiện theo luật nhân quả có thể quan sát được, lúc nào cũng vậy – năm này qua năm khác, thế kỷ này sang thế kỷ nọ. Nhưng đồng thời Kinh Thánh không hề giới hạn quyền hạn và năng lực của Đức Chúa Trời can thiệp theo thời điểm và cách thức mà Ngài chọn. Đức Chúa Trời vốn ở trên, vượt lên cao hơn, và ở bên ngoài quy luật tự nhiên, và Ngài không hề bị nó trói buộc.

Các định luật tự nhiên chẳng bao giờ tạo ra được bất cứ điều gì vì chính Đức Chúa Trời là nguyên nhân sáng tạo. Những định luật này chỉ đơn thuần là những sự mô tả về những điều đang xảy ra mà chúng ta quan sát được.

Phép l là gì?

Phép lạ là từ được sử dụng khá thoải mái ngày nay. Nếu một sinh viên kém cỏi thi đậu, anh ta bảo: “Thật là một phép lạ!” Hay khi một chiếc xe hơi cũ kỹ chạy được từ thành phố này sang thành phố khác, chúng ta nói: “Nó chạy được như thế, thật là một phép lạ!” Chúng ta dùng từ ngữ này ngụ ý cho bất cứ việc gì bất thường hay không ngờ tới. Chúng ta không nhất thiết nghĩ rằng bàn tay của Đức Chúa Trời đang can thiệp vào.

Theo sự ký thuật trong Kinh Thánh, phép lạ là hành động của Đức Chúa Trời. Nó mang một ý nghĩa hoàn toàn khác với điều chúng ta dùng trong lời nói hằng ngày. Cách dùng của Kinh Thánh là hành động của Đức Chúa Trời xen vào, để thay đổi hay làm gián đoạn diễn tiến thông thường của sự việc.

Ø Kinh Thánh tường thuật lại nhiều loại phép lạ, trong số đó một vài phép lạ có thể có cách giải thích tự nhiên . Chẳng hạn, câu chuyện trong XuXh 14:1-31 kể về việc Đức Chúa Trời rẽ một con đường xuyên qua Biển Đỏ để giúp cho dân Y-sơ-ra-ên thoát khỏi chế độ nô lệ ở Ai Cập. Một số người đã phỏng đoán rằng biển rẽ ra một cách tự nhiên do một cơn gió mạnh khiến nước dựng đứng lên. Có lẽ việc ấy xảy ra mà không có sự can thiệp của Đức Chúa Trời, nhưng phần lạ lùng chính là thời điểm. Ngọn gió lớn chỉ xảy đến khi dân Y-sơ-ra-ên vừa đặt chân đến bờ biển khi bị quân Ai Cập đuổi theo sát nút. Rồi sau đó khi tất cả dân Y-sơ-ra-ên đã vượt qua an toàn và đi trên đất khô, ngọn gió lại dịu xuống và ngừng hẳn để ngăn cản đội quân Ai Cập đuổi theo. Thời điểm chính là bằng chứng cho sự can thiệp kỳ diệu của Đức Chúa Trời.

Ø Mặt khác, cũng có nhiều phép lạ không thể nào giải thích được theo lẽ tự nhiên. Sự sống lại của La-xa-rơ từ cõi chết và sự phục sinh của Chúa Giê-xu Christ liên quan đến những năng lực xa lạ với chúng ta và nằm ngoài lĩnh vực gọi là quy luật tự nhiên. Những phần tường thuật về sự chữa lành bệnh tật của Chúa Giê-xu cũng theo sự giải thích tương tự.

Ø Chúng ta dễ bị cám dỗ giải thích những việc này như là những phản ứng tâm thể học (psychosomatic response), nhưng những sự chữa lành của Chúa Giê-xu rõ ràng nằm ngoài phạm trù này. Sự chữa lành bệnh phung là một trường hợp cụ thể. Rõ ràng bệnh phung không hề có nền tảng về tâm thể học bệnh phát triển khi vi trùng xâm nhập vào cơ thể. Những người phung được chữa lành kinh nghiệm quyền năng trực tiếp từ Đức Chúa Trời. Cũng vậy, có những trường hợp mà những bệnh nan y được chữa lành. Người đàn ông mù từ khi sinh ra không thể được kể là trường hợp tâm thể học được, ông ta được sáng mắt không phải là do nguyên nhân ấy (GiGa 9:1-41).

Ø Một ý niệm thông thường được nhiều người bày tỏ là những người thời xưa rất dốt nát, khờ khạo và mê tín. Chắc chắn có nhiều việc ngày xưa họ nghĩ là phép lạ thì ngày nay chúng ta biết rằng chẳng phải là phép lạ gì cả mà chỉ đơn giản là những hiện tượng họ đã không hiểu. Nhờ những phát minh của ngành khoa họchiện đại, ngày nay sự hiểu biết của chúng ta mở rộng đáng kể. Chẳng hạn, nếu ngày nay chúng ta điều khiển một chiếc máy bay hiện đại bay qua một bộ lạc sơ khai chắc họ sẽ quỳ rạp xuống đất mà thờ phượng “thần chim bằng bạc” trên bầu trời. Chắc họ sẽ tưởng rằng cảnh tượng mà họ quan sát là một hiện tượng siêu nhiên, một phép lạ. Tuy nhiên, chúng ta biết là máy bay chỉ đơn giản là việc áp dụng các nguyên tắc khí động lực học, chứ không có chút gì là phép lạ cả.

Trong trường hợp của người mù, phải có một cách nhìn thực tiễn về tình trạng của ông ta. Những người quan sát biết rằng từ thời khai thiên lập địa đến nay, chưa hề có ai thấy một người mù từ thuở lọt lòng lại có thể được sáng mắt. Họ không phải là những người ngu ngốc. Và chúng ta cũng không có lời giải thích tự nhiên nào về việc Chúa Giê-xu chữa lành cho người mù hơn là lời giải thích vào thời điểm đó. Và ngày nay, ai là người có thể giải nghĩa theo lẽ tự nhiên và hợp lý việc Chúa Giê-xu sống lại hơn thời bấy giờ? Chắc là chẳng có ai cả. Do đó chúng ta không thể đơn giản loại bỏ yếu tố siêu nhiên trong những câu chuyện được Kinh Thánh tường thuật lại.

Không h mâu thu n v i quy lu t t nhiên

Tuy nhiên, điều quan trọng cần phải chú ý là những phép lạ không hề có mâu thuẫn với bất kỳ một quy luật tự nhiên nào. Giáo sư J. N. Hawthorne phát biểu: “Phép lạ là những biến cố bất thường do Đức Chúa Trời tạo ra. Các định luật tự nhiên là sự tổng quát hoá những biến cố bình thường cũng do Đức Chúa Trời tạo ra.” 1

Đối với những Cơ Đốc nhân chịu suy tư, có hai quan điểm về mối quan hệ giữa những phép lạ với quy luật tự nhiên.

Ø Thứ nhất, những phép lạ hấp thụ một quy luật tự nhiên “cao hơn”, mà hiện tại chúng ta không hiểu được. Rõ ràng rằng dù khoa học hiện đại đã khám phá được nhiều điều lạ lùng, nhưng chúng ta vẫn còn là những con người dốt nát đứng trên bờ của đại dương tri thức. Chủ trương nầy cho rằng khi chúng ta hiểu biết nhiều hơn, chúng ta sẽ nhận thức được những việc ngày nay chúng ta nghĩ là phép lạ sẽ đơn thuần là tác động của những quy luật cao hơn trong vũ trụ mà bấy giờ chúng ta vẫn chưa biết.

Theo cái nhìn của khoa học hiện đại, định luật là điều xảy ra đều đặn và biểu hiện một cách nhất quán. Do đó bảo rằng một phép lạ là hậu quả của một định luật cao hơn, thì chúng ta sẽ không chấp nhận bất kỳ sự lệch lạc nào từ định luật tự nhiên.

Ø Thứ hai, những phép lạ trong Kinh Thánh là hành động sáng tạo – một hành động tối cao, siêu việt do quyền năng siêu nhiên của Đức Chúa Trời. Có lẽ quan niệm nầy có phần hợp lý hơn.

Nh ng phép l c a Kinh Thánh

Tương phản với các truyện tích về phép lạ của văn học ngoại đạo và của các tôn giáo khác, những phép lạ của Kinh Thánh không bao giờ có tính chất lập dị hay quái đản. Những phép lạ ấy không xảy ra lộn xộn và nằm rải rác trong những chuyện kể mà chẳng có ý nghĩa gì cả nhưng chúng luôn luôn có thứ tự và mục đích rõ ràng. Tất cả đều xoay quanh ba giai đoạn lớn của lịch sử Kinh Thánh:

Ø Xuất Ê-díp-tô

Ø Những tiên tri dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên

Ø Giai đoạn của Đấng Christ và Hội Thánh ban đầu.

Trong những phần ghi chép của Kinh Thánh về những phép lạ, mỗi phép lạ luôn luôn có chung một mục đích: để củng cố đức tin. Chúng xác nhận sứ điệp và người chuyển tải sứ điệp, hay bày tỏ tình yêu của Đức Chúa Trời bằng việc cất bỏ những sự đau đớn. Không bao giờ phép lạ được biểu diễn như một trò giải trí, theo kiểu mà những nhà ảo thuật làm trên sân khấu cho khán giả của mình.

Những phép lạ không bao giờ được thực hiện vì uy tín cá nhân để được tiền bạc hay thế lực. Trong đồng vắng ma quỷ cám dỗ Chúa Giê-xu dùng quyền phép của Ngài theo cách này, nhưng Ngài cương quyết từ chối. Ngài luôn hướng về Đức Chúa Trời là trung tâm trong khi thực hiện những phép lạ (xem LuLc 4:1-13).

Để đáp lại lời yêu cầu trực tiếp của người Do Thái muốn Ngài nói cho họ biết rõ ràng Ngài có phải là Đấng Mết-si-a hay không, Chúa Giê-xu trả lời: “Ta đã bảo các ngươi, mà các ngươi không tin; những việc ta nhân danh Cha ta mà làm đều làm chứng cho ta.” (GiGa 10:25). Một lần nữa Ngài lại nói rằng nếu họ ngần ngại không chịu tin vào những lời tuyên bố của Ngài thì họ nên tin Ngài “bởi công việc ta” (14:11).

Đức Chúa Trời dùng những phép lạ trong hội thánh đầu tiên để củng cố thêm sứ điệp của họ, những sứ điệp luôn được tập trung vào phép lạ của sự phục sinh. Chú ý sách Công Vụ.

Sao bây gi không còn?

Người ta thường nói: “Nếu thời đó Đức Chúa Trời làm những phép lạ, sao bây giờ Ngài không làm nữa? Nếu tôi thấy phép lạ thì tôi mới tin!” Câu hỏi này đã được chính Chúa Giê-xu trả lời. Ngài kể về một người giàu đang ở trong sự hành hạ của địa ngục, ngước mắt lên và cầu xin Áp-ra-ham sai người nào tới để cảnh cáo năm anh em của ông nếu không thì họ cũng sẽ đi tới một nơi khủng khiếp. Áp-ra-ham nói với ông ta rằng các anh em của ông đã có lời Kinh Thánh. Nhưng người nhà giàu phản đối và nói rằng nếu có người từ chết sống lại, thì anh em ông xúc động vì phép lạ và họ sẽ xoay bỏ lối sống hiện tại mà theo Chúa Giê-xu. Câu trả lời vẫn có thể được áp dụng ngày nay y như lúc đó: “Nếu không nghe Môi-se và các đấng tiên tri, thì dầu có ai từ kẻ chết sống lại, chúng nó cũng chẳng tin vậy.” (LuLc 16:31). Ngày nay vẫn thế.

Lời tuyên bố của Chúa Giê-xu có thể dành cho chúng ta giữa những áp lực của những tiêu chuẩn văn hóa trong thời đại chúng ta. Một cách vô thức, những định kiến rất hợp lý của chúng ta có thể loại trừ những khả năng của phép lạ. Những suy nghĩ của thời hậu hiện đại (postmodernistic) bảo chúng ta rằng phép lạ là điều không thể xảy ra được; không một bằng chứng nào có thể thuyết phục chúng ta rằng phép lạ đã từng xảy ra. Một lời giải thích khác theo quan điểm chủ nghĩa tự nhiên (naturalistic) tự động sẽ được nêu lên. .

Những phép lạ trong Kinh Thánh luôn luôn có mục đích. Nhiều lần dân chúng thấy quyền năng của Chúa Giê-xu bèn yêu cầu Ngài làm phép lạ hay ma thuật. Tuy nhiên, Ngài khẳng định nhiều lần rằng mục đích duy nhất của Ngài là giảng dạy chân lý thuộc linh, để bày tỏ những phẩm tính của Ngài và quyền năng của Cha Ngài. Lời tự định nghĩa của Ngài ban cho chúng ta sự sống, sự sống dư dật, và bày tỏ Đức Chúa Trời. “Ơn và lẽ thật bởi Đức Chúa Giê-xu Christ mà đến” (GiGa 1:17). Mỗi phép lạ đều hướng đến mục đích này.

Nh ng tài li u đáng tin c y làm sáng t nh ng phép l

Ngày nay phép lạ không còn cần thiết để làm nền tảng cho đức tin chúng ta vì chúng ta đã có những tài liệu phi thường với độ chính xác rất cao bày tỏ cho chúng ta chân lý của Đức Chúa Trời. Theo Ramm nhận xét: “Nếu những phép lạ có thể được nhận thấy bằng giác quan, chúng có thể được dùng làm bằng chứng (viết). Một khi chúng được kiểm chứng đầy đủ rồi, thì lời chứng ghi lại cũng có giá trị y như kinh nghiệm rõ ràng khi ta đứng trước biến cố xảy ra.” 2

Bất kỳ phiên tòa nào trên thế giới đều xét xử căn cứ vào những lời chứng đáng tin do chính miệng nhân chứng nói ra hay viết lên giấy. “Nếu sự sống lại của La-xa-rơ đã thật sự được Giăng chứng kiến và ghi lại trung thực trong khi ông vẫn còn lành mạnh, tỉnh trí thì với mục đích là làm bằng chứng, nó cũng có giá trị như chúng ta có mặt ở đó và chứng kiến vậy.” 3 Sau đó Ramm liệt kê những lý do giúp chúng ta biết rằng những phép lạ có bằng chứng thích hợp và đáng tin cậy. Chúng tôi xin tóm tắt như sau:

Ø Trước hết, những phép lạ của Chúa Giê-xu được thực hiện nới công cộng. Chúng không hề được thực hiện trong nơi kín giấu chỉ có hai ba người, rồi những người đó công bố cho cả thế giới. Có đầy đủ cơ hội để có thể kiểm chứng những phép lạ ngay tại chỗ. Một điều rất ấn tượng là những địch thủ của Chúa Giê-xu không bao giờ phủ nhận những phép lạ mà Ngài thực hiện. Hoặc là họ gán nó cho quyền lực của Sa-tan hay cố gắng tìm cách xóa bỏ bằng chứng, như trong trường hợp La-xa-rơ từ chết sống lại. Thực tế, họ nói: “Nếu chúng ta chẳng giết người đi trước khi dân chúng hay được việc đã xảy ra, thì cả thế gian sẽ kéo theo Người!”

Ø Thứ hai, những phép lạ của Chúa Giê-xu được thực hiện trước mặt những kẻ chưa tin. Ngược lại, phép lạ mà các giáo phái ngoại đạo và những nhóm người kỳ quặc rêu rao dường như chẳng bao giờ xảy ra khi có kẻ hoài nghi hiện diện để quan sát. Đối với Chúa Giê-xu thì sự việc không hề xảy ra như vậy.

Ø Thứ ba, những phép lạ của Chúa Giê-xu được thực hiện suốt ba năm chức vụ của Ngài, bao gồm các năng lực đa dạng. Ngài bày tỏ nhiều năng lực khác nhau. Ngài có quyền trên thiên nhiên, khi Ngài biến nước thành rượu. Ngài có quyền năng trên bệnh tật, khi Ngài chữa lành người phung và kẻ mù. Ngài có quyền trên quỷ dữ, khi Ngài đuổi chúng ra khỏi những người bị chúng hành hại. Ngài cũng có sự hiểu biết phi thường, khi Ngài biết Na-tha-na-ên đang ở dưới gốc cây vả. Ngài bày tỏ quyền năng tạo dựng của mình khi Ngài dùng năm cái bánh và hai con cá cho năm ngàn người ăn. Ngài đã có quyền trên luật thiên nhiên khi Ngài dẹp yên gió lớn và sóng biển của trận bão lớn. Và cuối cùng, Ngài bày tỏ quyền lực trên chính sự chết khi Ngài kêu La-xa-rơ và những người khác từ cõi chết sống lại.

Ø Thứ tư, không thể phủ nhận lời chứng của những người được chữa lành. Như đã nói từ trước, chúng ta có lời chứng từ những người như La-xa-rơ, mà việc được chữa lành không thể nào do các nguyên nhân của tâm thể học hay hậu quả của việc chữa trị không đúng với căn bệnh.

Ø Thứ năm, so sánh với những tôn giáo không phải là Cơ Đốc giáo khác, những phần tường thuật của Tân Ước về Chúa Giê-xu người Na-xa-rét là vô cùng đặc biệt, theo một phạm trù hoàn toàn khác, với một mục đích cũng hoàn toàn khác biệt. Chúng là một phần trong cái sứ điệp tổng thể đáng tin cậy: sự giáng sinh của Ngài, sứ điệp của Ngài về sự tha thứ, sự chết và sự phục sinh của Ngài.

Trong các tôn giáo phi Cơ Đốc, sở dĩ người ta tin phép lạ là vì họ đã tin tôn giáo trước rồi, nhưng đối với tôn giáo tin Kinh Thánh, những phép lạ là một phần trong số nhiều phương tiện để thiết lập một tôn giáo thật. Sự khác biệt này có tầm quan trọng rất lớn. Dân Y-sơ-ra-ên đã ra đời bằng một loạt phép lạ, năm sách đầu tiên của Cựu Ước được bao trùm bởi những điều kỳ diệu phi thường. Nhiều nhà tiên tri đã được xác nhận là phát ngôn nhân của Đức Chúa Trời nhờ quyền năng làm phép lạ của họ. Chúa Giê-xu không phải chỉ đến để giảng dạy mà thôi, nhưng còn để làm phép lạ, và những sứ giả thời đại này qua thời đại khác cũng làm những dấu kỳ phép lạ. Chính phép lạ đã chứng minh cho sự chân thật của tôn giáo trong mọi phương diện. 4

C. S. Lewis viết: “Tôi nghĩ rằng, tất cả những tính chất của Ấn Độ giáo sẽ không hề bị suy giảm nếu bạn vứt bỏ các phép lạ đi. Đối với Hồi giáo thì sự việc cũng gần đúng như vậy. Nhưng bạn không thể làm như vậy đối với Cơ Đốc giáo. Cơ Đốc giáo thật ra là truyện tích về một phép lạ vĩ đại. Một Cơ Đốc giáo theo thuyết tự nhiên sẽ loại bỏ tất cả phần đặc thù của Cơ Đốc nhân. ” 5

Nh ng phép l c a ngo i giáo

Những phép lạ được ký thuật bên ngoài Kinh Thánh không hề được trình bày thứ tự, trung thực và có mục đích như các phép lạ trong Kinh Thánh. Nhưng điều quan trọng hơn, như chúng ta thấy trong chương sáu, tính vững bền, xác thực đáng kinh ngạc, chứa đựng trong những phép lạ của Kinh Thánh bị mất. Những cuộc khảo sát tương tự đối với cả những ghi chép thế tục lẫn ngoại giáo về phép lạ cho thấy toàn bộ sứ điệp đã bị mất. Càng kết hợp những sự kiện này vào trong suy nghĩ của chúng ta, thì chúng ta càng nhận định chính xác hơn về những chân lý được công bố.

Suy nghĩ của chúng ta sẽ được hỗ trợ khi sử dụng cùng một tiêu chuẩn để xem xét những phép lạ và những sự chữa lành được khẳng định mà chúng ta nghe trong thời đại nầy. Tính nhất quán và mức độ đáng tin cậy của những phép lạ trong Kinh Thánh có thể trở thành tiêu chuẩn để chúng ta phân định những cái gọi là phép lạ và những sự chữa bệnh trong thời đại của chúng ta. Bạn sẽ thấy rằng chúng không thể chịu đựng được đầy đủ mọi mặt của cuộc khảo sát. Một bản trình bày tóm tắt sẽ cho thấy chúng không tương đương với các phép lạ trong Kinh Thánh. Sự kiện tìm thấy một vài phép lạ giả tạo không phải là bằng chứng để kết luận rằng tất cả các phép lạ đều là giả mạo, giống như việc khám phá được vài tấm giấy bạc giả không thể nào chứng tỏ rằng tất cả giấy bạc đều là giả. Nó giúp so sánh toàn bộ bức tranh với việc xem xét từng phần .

Nh ng báo cáo đ ượ c phóng đ i

Có vài chủ trương cố tìm cách giải thích các phép lạ dựa trên căn bản của việc phóng đại các báo cáo, đặc biệt là do những người đi theo Chúa Giê-xu. Nói chung, chúng ta có thể nói rằng con người thường nổi tiếng là thiếu chính xác trong việc trình bày những sự kiện và những ấn tượng của mình. Chỉ cần bày một trò chơi giản dị là “tin đồn”, một bí mật sẽ được thì thầm từ tai người này sang người khác quanh phòng và sẽ thấy những chi tiết được thay đổi khi tin được truyền đi. Theo quan điểm của khuynh hướng này, người ta cho rằng rõ ràng mức độ đáng tin cậy của bất cứ người quan sát nào có thể dễ dàng bị xét lại. Dựa trên căn bản này, chúng ta có thể xét lại những ghi chép của Phúc Âm về phép lạ như là những cuộc quan sát nhầm lẫn của những người quan sát tưởng tượng và thiếu chính xác.

Dầu loài người vốn có khuynh hướng này, nhưng các toà án vẫn không ngừng hoạt động, và nhân chứng vẫn được coi là có thể cung cấp những thông tin vô cùng bổ ích. Và mặc dù có thể có nhiều nghi vấn về một tai nạn xe, nhưng những chi tiết của nhân chứng có thể cung cấp thời gian, tốc độ của xe, vị trí và những điều khác. Không thể kết luận là tai nạn không hề xảy ra chỉ vì có sự không nhất quán trong câu chuyện của những nhân chứng. Như Ramm quan sát, một chiếc xe bị bẹp dúm và những người bị thương là những bằng chứng không thể bác bỏ mà tất cả đều phải chấp nhận. 6

Dĩ nhiên, chúng ta thấy rằng có rất nhiều giới hạn đối với một cuộc tranh luận được đưa ra như là mức độ đáng tin cậy của những nhân chứng. Tất cả những cân nhắc thận trọng sẽ giúp chúng ta thấy rằng khi theo đuổi tới cùng, các cuộc tranh luận có thể được dùng để bác bỏ chính những lời khẳng định mà nó muốn thiết lập. Chẳng hạn, những người kiểm soát tính đáng tin cậy hay không đáng tin cậy của một nhân chứng cũng phải chứng minh mức độ đáng tin cậy của mình. Nói cách khác, nếu một người nói rằng lời chứng của một người khác là không đáng tin cậy, thì cũng có khả năng tương tự cho rằng lời chứng của bản thân người đó cũng không đáng tin cậy.

Nh ng môn đ không th khách quan

Thỉnh thoảng có người đưa ra ý kiến đầy nghi ngờ là phải bác bỏ những câu chuyện phép lạ vì chúng được những môn đồ tin kính kể lại nên không mang tính khách quan. Nhưng những môn đồ là những người đã ở tại hiện trường và tận mắt thấy những phép lạ. Sự kiện họ là môn đồ của Chúa không có gì quan trọng cả. Vấn đề là: Họ có nói sự thật không? Như chúng ta đã thấy, những lời chứng do các nhân chứng tận mắt là những lời chứng tốt nhất chúng ta có thể chấp nhận, và hầu hết những môn đồ của Chúa đều từng đối diện với cái chết như là một thử nghiệm cho tính chân thật của họ.

Ngày nay, trước một toà án, chúng ta không thể nào nói rằng vì muốn bảo đảm tính khách quan của nhân chứng, chúng ta sẽ chỉ lắng nghe những người không có mặt tại hiện trường khi tai nạn xảy ra mà cũng không có liên quan gì đến tai nạn. Chúng ta cũng không thể bảo rằng chúng ta không chịu chấp nhận lời chứng của những nhân chứng hay nạn nhân, vì cho rằng họ bị “thành kiến”. Vấn đề tối quan trọng là sự chân thật, không phải là mức độ gần gũi hay mối quan hệ với sự kiện.

Câu h i mang tính tri ế t h c

Vấn đề phép lạ có thể xảy ra hay không không phải là vấn đề khoa học nhưng là vấn đề triết học. Khoa học chỉ có thể nói rằng những phép lạ không xảy ra theo diễn tiến thông thường của tự nhiên. Khoa học không thể cấm đoán những phép lạ được vì những quy luật tự nhiên không gây ra bất cứ cái gì và do đó cũng không thể cấm đoán bất cứ cái gì. Theo chúng ta được biết, những quy luật tự nhiên, chỉ là sự miêu tả những gì xảy ra.

Cơ Đốc nhân cũng chấp nhận quan điểm về quy luật tự nhiên. “Điều chính yếu đối với giáo lý hữu thần về phép lạ là cõi thiên nhiên mỗi ngày đều tuân theo sự chuyển vận cố hữu (có thể dự đoán được) của nó. Nếu cõi thiên nhiên chỉ hoạt động tùy hứng (không thể đoán trước được), chúng ta sẽ không thể nào khám phá được các phép lạ cũng như không thể nào thiết lập được một định luật tự nhiên.” 7

Sự khác nhau giữa Cơ Đốc nhân và một nhà khoa học là vấn đề triết học vì mỗi người có những định kiến khác nhau, căn bản của tất cả những ý kiến của chúng ta. Khi đó, khả năng nhìn thấy một việc gì như là một phép lạ, tùy vào định kiến của chúng ta, quan điểm của chúng ta hay thế giới quan của chúng ta.

Vậy thì tiền giả định của Cơ Đốc nhân là gì? Đức Chúa Trời hiện hữu, đã thiết lập quy luật tự nhiên, có thể làm ra nó hay phá vỡ nó, có thể chi phối nó hay không. Đức Chúa Trời phi thường nhưng cá nhân đứng ngay ở nền tảng của mọi hiện tượng, tự nhiên lẫn tâm linh. G. K. Chesterton nói: “Phép lạ là một điều kỳ diệu; nhưng nó rất đơn giản. Nó đơn giản bởi vì nó là phép lạ. Nó là quyền năng đến trực tiếp từ Đức Chúa Trời thay vì gián tiếp qua tự nhiên hay ý chí của con người.” 8

Vậy, còn tiền giả định của những nhà khoa học theo thuyết vô thần hay bất khả tri là gì? Đức Chúa Trời không hiện hữu, hoặc không thể hiện hữu. Những nhà khoa học(trừ khi họ là những Cơ Đốc nhân) nói chung thiết lập tất cả những nhận xét và ý kiến dựa trên những quan sát mang tính tự nhiên và vật chất, tin rằng không có một chọn lựa nào khác. Từ định kiến này, siêu nhiên không xâm nhập vào và thật vậy sẽ không được xem xét tới. Giống như bất cứ một người nào khác, nhà khoa học chỉ có thể hỏi: “Những dữ liệu của phép lạ về mặt lịch sử có đáng tin cậy không?” Nhà khoa học ấy không thể đi xa hơn.

Để kết luận những tư tưởng về phép lạ, như chúng ta đã thấy những phép lạ trong Kinh Thánh được gắn liền với điều Đức Chúa Trời muốn truyền đạt với chúng ta, chứ không phải chỉ là một phần phụ không quan trọng lắm. Nó cũng đem chúng ta trở lại với câu hỏi cơ bản, Đức Chúa Trời có hiện hữu không? Giải quyết câu hỏi đó thì các phép lạ không còn là vấn nạn. Vì tính nhất quán của luật tự nhiên – là điều tương phản với phép lạ – tùy thuộc vào tác giả của qui luật đó nên Ngài có thể vượt qua qui luật tự nhiên để hoàn tất mục đích tối hậu của Ngài.

Đ c thêm

Connelly, Dough. Miracles. Downers Grove, Ill.: InterVarsity Press, 1998.

Fischer, Robert B. God Did It, But How? Relationships Between the Bible and Science, 2nd ed. Ipswich, Mass.: American Scientific Affiliation, 1997.

Lewis, C.S. Miracles. New York: Simon and Schuster, 1996.