Chương 3: BA MỨC ĐỘ QUAN HỆ

Đức Thánh Linh

Đăng vào: 5 tháng trước

.


3


BA MỨC ĐỘ QUAN HỆ

Như vậy các ngươi đã vô hiệu hóa lời của Đức Chúa Trời bằng truyền thống của mình. Hỡi những kẻ đạo đức giả, Ê-sai đã nói tiên tri về các ngươi thật đúng lắm, khi ông ấy bảo: dân này chỉ tôn kính Ta bằng đầu môi chót lưỡi, còn lòng chúng cách xa Ta lắm, việc chúng thờ phượng ta là vô ích; giáo lý chúng dạy toàn là quy tắc loài người.

Ma-thi-ơ 15:6-9

Ngày 1

Chúa Giê-su đã phán lời nghiêm trọng này cho người Pha-ri-si bởi vì họ đã để truyền thống của họ vượt trên Lời Đức Chúa Trời. Tôi định nghĩatruyền thống là một “hành vi, hành động, lối suy nghĩ được thừa hưởng rất lâu đời hay theo phong tục.” Rõ ràng, truyền thống tự thân nó không nhất thiết là xấu. Có rất nhiều truyền thống tốt đẹp mà tôi nên trân trọng với bạn bè và gia đình. Tuy nhiên, người Pha-ra-si đã đặt truyền thống (một lối suy nghĩ theo phong tục) trên Lời Đức Chúa Trời, làm cho Lời Chúa ra vô hiệu trong chính đời sống của họ. Sự thật này vẫn đúng ngày nay. Chúng ta phải đảm bảo rằng sự hiểu biết lẽ thật của chúng ta phải được vạch rõ bởi Lời ĐứcChúa Trời, không phải bởi những cảm giác thoáng qua, truyền thống hay triết lý của con người.

Chúa Giê-su tiếp tục giải thích rằng truyền thống của người Pha-ri-si đã tạo ra một sự gãy đổ trong mối quan hệ của họ với Đấng Tạo Hóa. Đúng vậy, Ngài tuyên bố rằng họ thờ phượng Chúa cũng vô ích bởi vì họ tin vào giáo lý (những sự dạy dỗ và hiểu biết) của con người. Sự thân mật với Đức Chúa Trời không bao giờ là một sự chọn lựa của người Pha-ra-si nếu họ không ăn năn về sự mù quáng của mình và chấp nhận lẽ thật. Tương tự, để vui hưởng một mối quan hệ thân mật với Đức Thánh Linh, chúng ta phải bỏ những tư tưởng, truyền thống của con người qua một bên và chấp nhận lẽ thật về Ngài đã được nói rõ trong Kinh Thánh. Còn không thì giống như những người Pha-ri-si, nỗ lực của chúng ta trong mối quan hệ thân mật với Đức Chúa Trời sẽ bị vô hiệu.

Giáo sư vĩ đại

Trước khi tôi trở nên gần gũi với Đức Thánh Linh, tôi thường đọc Kinh Thánh và suy nghĩ, Mình hết lòng yêu mến Chúa, nhưng sao mình thấy khô hạn quá. Sự thật thì tôi đã không mời Đức Thánh Linh can dự vào sự cầu nguyện và việc học lời Chúa của tôi. Tôi khám phá rằng chỉ có Đức Thánh Linh mới làm cho Kinh Thánh trở nên sống động trong lòng tôi. Qua sự dẫn dắt của Ngài, Kinh Thánh càng ngày càng có ý nghĩa, chứ không chỉ là văn tự chết – nó trở nên là thực thể sống động. Trong 2Cô-rinh-tô 3:6:

Ngài là Đấng đã ban cho chúng tôi khả năng làm những đầy tớ của giao ước mới, không phải giao ước bằng văn tự, nhưng giao ước bằng Thánh Linh, vì văn tự giết chết, nhưng Thánh Linh làm cho sống.

“Giao ước mới” – được bày tỏ qua Lời Đức Chúa Trời– không chỉ là một danh sách những quy tắc và luật lệ. Bản thân giao ước đó là sự sống, và nó hà hơi sự sống vào những ai làm theo luật lệ của nó. Chúng ta chỉ có thể vui hưởng sự đầy trọn của giao ước mới này qua Đức Thánh Linh, bởi vì Ngài là Đấng khải thị sự huyền nhiệm lạ lùng về bản chất của chúng ta trong Đấng Christ (sứ điệp của Tân Ước). Đây là lý do chúng ta phải mời vị Giáo sư vĩ đại, Đức Thánh Linh vào trong thì giờ chúng ta nghiên cứu.

Bạn đã bao giờ gặp một người giáo viên không hề đam mê những gì mình dạy không? Tôi thấy đó là những lớp học dở tệ. Đi qua hết giáo trình học giống như việc chịu khổ hình vậy. Tương tự, bạn đã bao giờ gặp một người giáo viên không thích sinh viên của mình không? Thật là một kinh nghiệm khốn khổ. Tin tuyệt vời là Đức Thánh Linh đam mê khải thị những sự mầu nhiệm của Lời Đức Chúa Trời, và Ngài cũng rất thích bạn! Ngài khát khao nhìn thấy bạn bước đi trong mỗi ân tứ mà Đấng Christ ban miễn phí cho bạn. Nếu chúng ta cầu xin và tìm kiếm, Ngài sẽ khải thị những sự mầu nhiệm của sự sống cho chúng ta.

Bầu không khí và sự hiện diện

Dường như chúng ta thường cố gắng sống đời sống Cơ Đốc mà không có sự hiện diện và tư vấn của Đấng Hướng Dẫn. Đúng vậy, Đức Thánh Linh thực tế là một Đấng xa lạ trong nhiều hội thánh ngày nay. Chúng ta vô tình đã thay thế sự hiện diện của Ngài bằng một bầu không khí sôi động. Sự thể là chúng ta đã không còn tin sự bày tỏ của Thánh Linh Đức Chúa Trời bởi vì đã có rất ít người đáp ứng hay đã có người cố gắng tạo ra sự hiện diện của Ngài một cách “lạ đời.”

Bạn đừng hiểu nhầm tôi. Tôi tin chúng ta cần bầu không khí sôi động trong các buổi nhóm của hội thánh. Đã có rất nhiều sự thay đổi cần thiết về văn hóa trong hội thánh vài năm qua, và một trong số đó là nâng cao bầu không khí sôi động. Hội thánh đã trở nên hợp thời và hấp dẫn hơn đối với thế gian. Tôi tin điều này làm Chúa vui lòng. Phao-lô nói, “Giống như tôi cố gắng làm hài lòng mọi người trong mọi sự, không tìm lợi ích riêng cho mình, nhưng cho nhiều người, để họ có thể được cứu (1Cô-rinh-tô 10:33). Chúng ta đã làm một công việc lớn lao nhờ vào sự sáng tạo cá nhân và sự tiến bộ của kỹ thuật, một số nơi có sự đổi mới nhất mà tôi đã từng đến chính là các hội thánh. Hội Thánh của Đấng Christ phải là những người đổi mới, những người liên tục đưa sự sáng tạo lên các cấp độ mới. Hội thánh sẽ không bao giờ thật sự bước vào vị thế quyền năng, tình yêu thương và thẩm quyền trên đất này nếu không mời Đức Thánh Linh vào trong mọi lĩnh vực của hội thánh. Hãy nhớ rằng Ngài là Đấng cộng tác trọng yếu trong mối quan hệ.

Tin mừng là chúng ta có thể có cả bầu không khí sôi động và sự bày tỏ của sự hiện diện Ngài. Tôi rất thích khi có cơ hội đến thăm các hội thánh vượt trội trong cả hai lĩnh vực này. Đừng cho phép bản thân mình trở thành nạn nhân của khái niệm cho rằng sự bày tỏ của sự hiện diện của Đức Thánh Linh sẽ ngăn cản người ta vào vương quốc Đức Chúa Trời. Chúng ta phải nhớ rằng người hư mất được kéo đến với, không phải bị khước từ bởi, các sứ đồ bởi cớ sự hợp tác của họ với Đức Thánh Linh. Bất cứ thành quả nào mà hội thánh đạt được mà không có sự can dự của Đức Thánh Linh sẽ chỉ là “dã tràng xe cát” mà thôi.

Ngay cả Chúa Giê-su, Con Đức Chúa Trời, không thực hiện một phép lạ nào cho đến khi Ngài nhận quyền năng của Đức Thánh Linh (xem Lu-ca 4:1-15). Chúng ta đọctrong Lu-ca 4:14-15, “Đức Chúa Giê-su trở về miền Ga-li-lê trong quyền năng của Đức Thánh Linh, danh tiếng Ngài được đồn ra khắp miền phụ cận. Ngài bắt đầu giảng dạy trong các hội đường và được mọi người khen ngợi.” Chú ý Kinh Thánh nói rằng Ngài “trở về trong quyền năng của Thánh Linh.” Đoạn này là câu chuyện ghi lại những gì diễn ra sau bốn mươi ngày Chúa Giê-su ở trong đồng vắng, nơi Ngài bị ma quỷ cám dỗ. Sau khi rời đồng vắng trong quyền năng của Thánh Linh, Chúa Giê-su quay trở lại Na-xa-rét và công bố:

Thần của Chúa ngự trên tôi, vì Ngài đã xức dầu lựa chọn tôi, để tôi rao báo tin mừng cho người nghèo, Ngài đã sai tôi để công bố lệnh phóng thích cho những người tù và sự sáng mắt cho những người mù, để giải thoát những người bị áp bức ra đi tự do, hầu công bố năm hồng ân của Chúa, (Lu-ca 4:18-19).

Bởi vì Chúa Giê-su vận hành trong quyền năng của Thánh Linh Đức Chúa Trời nên Ngài có thể hoàn thành ý muốn của Cha Ngài trên đất. Hội thánh, bởi cùng quyền năng này, cũng rao giảng Phúc Âm cho người nghèo thuộc linh, đem sự chữa lành cho những kẻ vỡ lòng, công bố sự tự do cho kẻ bị tù đày, mở mắt kẻ mù, phóng thích kẻ bị áp bức, và bày tỏ lẽ thật rằng cánh tay của Đức Chúa Trời không quá ngắn đến nỗi không thể cứu chúng ta. Nhưng chúng ta sẽ không bao giờ thực hiện những điều thiêng liêng này nếu không dựa vào quyền năng của Đức Thánh Linh. Chúa Giê-su cần quyền năng của Đức Thánh Linh – thì tại sao chúng ta lại không cần chứ?

Ngày 2

Có Chúa Giê-su nhiều hơn

Khát khao cháy bỏng của tôi đối với những ai hay đi nhóm hội thánh phải kinh nghiệm sự hiện diện bày tỏ của Chúa Giê-su Christ. Tôi nghe người ta nói, “Chúng ta cần có thêm Chúa Giê-su trong hội thánh này,” tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Nhưng ai khải thị Chúa Giê-su cho chúng ta? Đức Thánh Linh. Chúng ta đã học ở bài này Đức Thánh Linh không phải là một món hàng để cho chúng ta khao khát; Ngài là một Thân Vị cần được tôn trọng và mời gọi. Tại sao chúng ta lại không muốn Thần lẽ thật hiện diện trong mọi sự chúng ta làm? Chúa Giê-su nói với các môn đệ:

Ta còn nhiều điều nữa muốn nói với các ngươi, nhưng bây giờ các ngươi chưa lãnh hội nỗi. Khi Thần chân lý đến, Ngài sẽ dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật, vì Ngài sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng sẽ nói những gì Ngài đã nghe, và Ngài sẽ báo cho các ngươi những việc sẽ xảy đến. Ngài sẽ tôn vinh Ta, vì những gì Ngài nhận được về Ta, Ngài sẽ báo cho các ngươi. Tất cả những gì Cha có là của Ta, vì thế Ta nói: những gì Ngài nhận được về Ta, Ngài sẽ báo cho các ngươi. (Giăng 16:12-15)

Đức Thánh Linh tôn vinh Chúa Giê-su. Chúa Giê-su được khải thị cho chúng ta qua Đức Thánh Linh. Chúng ta không thể làm hỏng những gì Đức Chúa Trời đã thiết lập. Nếu chúng ta muốn có thêm Chúa Giê-su trong cuộc đời của mình, chúng ta phải bước đi trong sự thông công gần gũi với Đức Thánh Linh. Đây là lý do Đức Thánh Linh được gọi là Thánh Linh của Đấng Christ (xem 1Phi-e-rơ1:11; Rô-ma 8:9). Khi Đức Thánh Linh phán với chúng ta, Ngài đang nói về Chúa Giê-su. Đức Thánh Linh không chỉ là “một sự thêm vào cho đẹp mắt” trong cuộc sống Cơ Đốc mà Ngài chính là đặc tính của Đấng Christ trên đất này. Sự hiện diện tỏ bày của Ngài sẽ không được tìm thấy nơi nào Ngài không được tôn trọng. Chính vì vậy, nếu chúng ta không tôn trọng Đức Thánh Linh, thì sự hiện diện và quyền năng của Đấng Christ sẽ thiếu vắng đi trong cuộc đời chúng ta. Phải chăng đây là lý do thế gian (mục tiêu mà quyền năng biến đổi của Đấng Christ nhắm tới) thường coi hội thánh là không có sự sống và quyền năng?

Tình bạn sâu đậm với Đức Chúa Trời

Mục đích cuối cùng của sự thông công là tình bạn riêng tư sâu sắc. Thánh Linh Đức Chúa Trời khát khao làm bạn với bạn. Đúng vậy, Ngài mong mỏi sự kết giao gần gũi từ bạn. Gia-cơ nói, “Đức Thánh Linh trong chúng ta yêu chúng ta đến nỗi ghen tuông” (Gia-cơ 4:5). Ngài khát khao điều gì? Ngài khao khát sự thân mật với bạn và tôi. Đó là điều tất cả chúng ta đều muốn có với những người thân. Thánh Linh khao khát đến nỗi ghen tuông. Điều này có nghĩa Ngài không chấp nhận chúng ta giải trí với những người không phải là người phối ngẫu của chúng ta, ngay cả vợ tôi cũng sẽ không bao giờ chia sẻ những điều thầm kín trong lòng với tôi nếu tôi ve vãn một người phụ nữ khác.

Đức Chúa Trời khao khát sự tận hiến đầy trọn của chúng ta. Gia-cơ 4:4, “Kết bạn với thế gian là thù nghịch với Đức Chúa Trời” (Gia-cơ 4:4). Từ điển định nghĩa sự thù nghịch là “một cảm giác hay hoàn cảnh thù nghịch, căm thù, ác ý, địch thủ.” Đây là những từ ngữ rất mạnh. Chúng ta cần phải hỏi, tại sao làm bạn với thế gian lạitạo ra sự thù nghịch với Đức Chúa Trời?

Làm bạn với thế gian là dục vọng của xác thịt. Đó là sự theo đuổi lợi lộc, địa vị hay vị trí nào đó một cách ích kỷ. Đó là sự ham mê cái tôi xác thịt của chúng ta. Đức Thánh Linh biết rằng việc chúng ta theo đuổi những mục tiêu này sẽ dẫn tới sự trống vắng và vô nghĩa. Đức Chúa Trời, trong tình yêu thương ghen tuông của Ngài, không thích khi chúng ta đùa giỡn với những thứ làm tổn hại tâm hồn của chúng ta. Đừng bao giờ quên rằng Đức Chúa Trời là người Cha hoàn hảo; giống như những người cha tốt bụng khác, Ngài không thích nhìn con cái Ngài có điều gì khác hơn ngoài điều tốt nhất. Đây là lý do Ngài sẽ không chấp nhận chúng ta làm bạn với thế gian. Chúa Giê-su khao khát bạn kinh nghiệm sự sống dư dật (xem Giăng 10:10), Đức Thánh Linh bày tỏ ước muốn của Chúa Con. Hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời Ba ngôi có cùng một mục đích. Chúa thật sự khao khát một mối quan hệ thân mật với con cái của Ngài. Khi chúng ta đùa cợt với thế gian, chúng ta tự loại bỏ mình ra khỏi việc kinh nghiệm sự thân mật sâu sắc với Chúa. Thật là một sự mất mát đáng tiếc – việc này làm cho tấm lòng Cha tan nát!

Vượt hơn sự cứu rỗi

Tôi nhận ra rằng Đức Chúa Trời muốn chúng ta đi xa hơn là chỉ nhận sự cứu rỗi. Chỉ dừng lại ở chỗ “được cứu” là “chưa đủ.” Vâng, thực tại sự cứu rỗi rất là tuyệt vời đến nỗi vượt quá trí hiểu của chúng ta; nhưng có một chỗ trên thiên đàng chỉ mới là sự khởi đầu của tất cả những gì Đức Chúa Trời muốn ban cho chúng ta. Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài để chúng ta có thể vui hưởng sự sống diệu kỳ trên đất này. Tại sao? Bởi vì sẽ rất khó để chúng ta mở rộng Vương Quốc của Ngài một cách hiệu quả nếu chúng ta bị gò bó bởi những sự sợ hãi và mong muốn của thếgian này.

Phao-lô nói, “Vì sự luyện tập cơ thể chẳng ích lợi bao nhiêu, nhưng sự tin kính đạo đức ích lợi đủ mọi mặt, bởi trong đó có lời hứa cho cuộc sống hiện tại và cuộc sống hầu đến” (1Ti-mô-the 4:8). Chú ý chữ tin kính. Một người biết Đức Chúa Trời mới có sự tin kính bởi vì tin kính là giống Đức Chúa Trời. Để giống một người nào đó mà mình ít gần gũi tôi thấy rất khó. Khi chúng ta dành thời gian với ai đó, họ sẽ bắt đầu ảnh hưởng chúng ta. Đây là lý do Gia-cơ viết tiếp về việc làm bạn với thế gian, “Hãy đến gần Đức Chúa Trời và Ngài sẽ đến gần anh chị em.” (Gia-cơ 4:8). Đức Chúa Trời muốn dành thời gian với bạn để bạn trở nên giống Ngài. Chúng ta trở nên tin kính qua sự tri thức thân mật về Đức Chúa Trời, và cách duy nhất chúng ta có thể phát triển mối quan hệ sâu nhiệm này với Đức Chúa Trời là qua Thánh Linh của Ngài (xem 1Cô-rinh-tô 2).

Thường khi các tín hữu đọc, “Làm bạn với thế gian là thù nghịch với Đức Chúa Trời,” thì họ lập tức cố gắng cách ly mình hoàn toàn ra khỏi thế gian. Điều này, tất nhiên, chẳng có nghĩa lý gì cả. Làm sao hội thánh có thể chinh phục thế gian nếu hội thánh tách biệt với con người? Là hội thánh, chúng ta phải nhìn xem Chúa Giê-su là mẫu mực. Người hư mất được kéo đến với Chúa Giê-su. Ngài dành thời gian với người thâu thuế và gái điếm, là những người mà các lãnh đạo tôn giáo sùng đạo xem thường. Chúa thậm chí dự các bữa tiệc của họ – nhưng có điều gì đó rất khác biệt về Ngài. Chúa Giê-su là mẫu mực toàn hảo khi nói về việc sống trong thế gian mà không thuộc về thế gian. Tấm lòng của Ngài tan vỡ trước những con người này, người bị những người tôn giáo cuồng tín xa lánh. Tại sao Ngài lại quan tâm tới người mà bị những con người “sùng đạo” xem thường? Bởi vì Ngài biết họ khiêm nhường và đói khát một mục đích lớn lao hơn. Ngài không dự tiệc tùng của họ để trở thành một phần của những gìhọ theo đuổi; Ngài ở đó để chỉ cho họ một con đường mới. Tương tự, chúng ta được kêu gọi để hướng ra những người suy đồi đạo đức và đổ vỡ. Nếu hội thánh không trở thành đôi chân và cánh tay của Đấng Christ, thì ai sẽ làm đây? Chúng ta – và chỉ có chúng ta – là thân thể của Ngài. Qua quyền năng biến đổi của ân sủng, bây giờ chúng ta ở trong Đấng Christ. Chúng ta là những đại sứ của Ngài ( một sự mở rộng và đại diện cho bản chất của Chúa) trên đất. Nếu chúng ta không mang lẽ thật và ánh sáng của Đức Chúa Trời vào trong thế gian này, thì sẽkhông có ai thực hiện cả.

Ngày 3

Đấng nhu mì thầm lặng

Khi tôi bước đi với Đức Thánh Linh, tôi phát hiện ra rằng Ngài là một Đấng nhu mì. Ngài sẽ không bao giờ áp đặt ý muốn của Ngài lên chúng ta. Nếu chúng ta không muốn dính dáng tới Ngài, Ngài sẽ yên lặng.

Tôi đã đi lại hầu việc Chúa hơn 25 năm. Trong suốt thời gian đó, tôi thấy điều gì đó về những người tài xế đón tôi tại sân bay. Họ luôn tử tế và rất hữu ích, họ cung cấp những chi tiết và hướng dẫn cần thiết trong thời gian tôi ở lại và hầu việc Chúa. Nhưng điểm đặc trưng là họ sẽ không nó chuyện với tôi nếu tôi không đưa họ vào cuộc nói chuyện. Vì mục sư bảo họ đừng có bắt chuyện trước, trong trường hợp tôi cần làm việc hay chuẩn bị cho buổi nhóm khi đang đi xe. Tôi có rất nhiều tài xế tuyệt vời, có tấm lòng của một người tôi tớ trong nhiều năm tôi đi lại và tôi rất biết ơn họ. Vì lý do này, tôi hỏi tài xế của tôi về gia đình và sự kết nối của họ với hội thánh. Nếu tôi không bắt chuyện trước, chúng tôi có thể đi cả mộtchuyến xe mà không có cuộc nói chuyện ý nghĩa nào.

Tôi tin chúng ta cũng tìm thấy một thuộc tính tương tự trong Đức Thánh Linh. Ngài sẽ không nói chuyện với chúng ta trừ khi trước hết chúng ta đặt mình vào chỗ để nghe tiếng Ngài. Nếu chúng ta không nói chuyện với Ngài, Ngài sẽ yên lặng. Hãy nhớ rằng Gia-cơ nói Đức Chúa Trời đến gần chúng ta khi chúng ta đến gần Ngài. Chúng ta có trách nhiệm bước đi đầu tiên. Chúng ta phải chủ động bước vào sự thông công tuyệt vời với Ngài. Nói đơn giản hơn, lời mời tuyệt vời nhất mọi thời đại đã được gởi đến bạn. Giờ còn tùy vào bạn hành động mà thôi.

Nhiều tín hữu không biết lẽ thật này. Vì lý do đó tôi thường nghe những câu bình luận, “Tại sao Đức Chúa Trời lại không nói chuyện với tôi?” hay, “Nhiều năm rồi Chúa không nói chuyện với tôi gì cả.” Có phải những cá nhân này đang theo đuổi sự thông công với Đức Chúa Trời như Kinh Thánh dạy chúng ta? Nếu chúng ta muốn gần Đức Chúa Trời, thì ta phải tìm biết Ngài – và điều này nghĩa là chúng ta phải theo đuổi tình bạn với Thân Vị của Thánh Linh Ngài.

Tôi khích lệ bạn chủ động theo đuổi sự thông công với Đức Thánh Linh. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy cách Ngài đáp ứng lại. Giống như nhiều tài xế của tôi, Ngài vẫn sẽ là bạn của bạn dù bạn có thông công với Ngài hay là không bởi vì Ngài đã hứa không bao giờ lìa hay bỏ bạn (xem Hê-bơ-rơ 13:5). Nhưng nếu bạn không nói chuyện với Ngài, thì Ngài sẽ giữ im lặng, và bạn sẽ không bao giờ vui hưởng sự bày tỏ trọn vẹn về sự hiện diện của Ngài trong cuộc đời hay là hưởng được những lợi ích của sự thông công với Ngài.

Những sự sâu nhiệm của Chúa

Chúng ta hãy có một cái nhìn khác về Giăng 16:

Ta còn nhiều điều nữa nói với các ngươi, nhưng bây giờ các ngươi chưa lãnh hội nổi. Khi Thần chân lý đến, Ngài sẽ dẫn các ngươi vào mọi sự thật, vì Ngài sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng sẽ nói những gì Ngài đã nghe, và Ngài sẽ báo cho các ngươi biết những việc sẽ xảy đến. Ngài sẽ tôn vinh Ta, vì những gì Ngài nhận được về Ta, Ngài sẽ báo cho các ngươi. Tất cả những gì Cha có là của Ta, vì thế Ta nói; những gì Ngài nhận được về Ta, Ngài sẽ báo cho các ngươi.” (Giăng 16:12-15)

Chúa Giê-su nói điều này trong khoảng thời gian cuối cùng Ngài còn ở với các môn đồ trước khi Ngài chịu đóng đinh; buổi chiều ngày hôm đó Chúa Giê-su bị người La-mã bắt đi và bị dẫn đi kết án tử hình. Rõ ràng đây là giây phút cuối cùng để nói ra những lời quan trọng.

Chúa Giê-su nói, “Ta còn nhiều điều nữa nói với các ngươi, nhưng bây giờ các ngươi chưa lãnh hội nổi” (câu 12). Chúa Giê-su là tất cả đối với các môn đồ. Họ đã ở cùng Ngài trong nhiều năm. Mỗi người đã bỏ gia đình, bạn bè và nghề nghiệp để theo Ngài. Có thể các môn đồ nghĩ, Chúng con phải làm gì để có thể hiểu hết đây? Nhưng sau đó Chúa Giê-su hứa thêm rằng: “Khi Thần chân lý đến, Ngài sẽ dẫn các ngươi vào mọi sự thật” (câu 13). Nói cách khác, “Mặc dầu hiện tại Ta đang ở với các ngươi (trong xác thịt), nhưng các ngươi không ở vị trí để nhận lãnh mọi sự Ta ban cho các ngươi. Nhưng Ta sẽ phái Thánh Linh đến với các ngươi, và Ngài sẽ nói lời của Ta, khải thị ý muốn của Ta và chuẩn bị cho các ngươi nhữngsự sẽ xảy đến.” Một lời hứa tuyệt vời! Hãy nhớ lại những gì Ngài phán trước đó vào chiều cùng ngày:

Tuy nhiên, Ta nói thật với các ngươi; Ta đi là ích lợi cho các ngươi, vì nếu Ta không đi, Đấng an ủi sẽ không đến với các ngươi, nhưng nếu Ta đi, Ta sẽ phái Ngài đến với các ngươi. (Giăng 16:7)

Hy vọng những lời này mang lại một ánh sáng mới. Đến với Đức Chúa Trời không khó –ngược lại thì mới đúng. Tất cả chúng ta đều muốn được người chúng ta yêu thương biết tường tận. Đức Chúa Trời cũng như vậy. Khi Chúa Giê-su bước đi trên mặt đất này, Ngài chính là bản thể trọn vẹn của Cha Ngài đã được ban cho để chúng ta đến gần (xem Hê-bơ-rơ 1:1-3; Cô-lô-se 1:15-19). Nhưng chúng ta biết, bây giờ Chúa Giê-su ở bên hữu Đức Chúa Cha trên thiên đàng. Đức Thánh Linh là một Thân Vị trong Đức Chúa Trời Ba ngôi, Đấng ở với dân sự Chúa và cư ngự trong dân sự Chúa trên đất, cho nên để biết những điều sâu nhiệm của Đức Chúa Trời, chúng ta phải biết Thánh Linh của Ngài – Thần của sự thật.

Thô-ma nghi ngờ

Sau khi Chúa Giê-su được sống lại từ cõi chết, mười môn đồ của Ngài ở trong một căn phòng cửa khóa lại. Thình lình, Chúa Giê-su xuất hiện; các môn đồ rất ngạc nhiên và bị sốc. Chúa Giê-su phải thuyết phục họ rằng Ngài không phải là ma. Mười môn đồ vui mừng vì phép lạ sống lại của Ngài, và sau đó họ chia sẻ lại với Thô-ma, người đã không có mặt với họ lúc Chúa Giê-su hiện ra. Khi nghe tin, ông đáp lại một cách cộc lốc, “Nếu tôi không thấy dấu đinh trong hai bàn tay Ngài, nếu tôi không đặtngón tay tôi vào chỗ có dấu đinh, và đặt bàn tay tôi vào hông Ngài, tôi sẽ không tin” (Giăng 20:25).

Vài ngày sau, tất cả mười một sứ đồ có mặt trong một căn phòng, bỗng Chúa Giê-su lại hiện ra. Trước khi làm hay nói điều gì khác, Ngài lập tức quay qua Thô-ma, như thể Ngài đang nói, “Được rồi Thô-ma, chúng ta bàn về sự vô tín này nha.” Ngài phán với ông, “Hãy để ngón tay ngươi vào đây và hãy xem hai bàn tay Ta, cũng hãy đưa bàn tay ngươi ra và đặt vào hông Ta, đừng vô tín, nhưng hãy tin” (Giăng 20:25). Thô-ma đáp: “Lạy Chúa của con và Đức Chúa Trời của con!” Bây giờ hãy nghe những gì Chúa Giê-su phán:

Vì ngươi đã thấy Ta, nên ngươi tin, phước cho người chẳng hề thấy mà tin! (Giăng 20:29)

Thật ra Chúa Giê-su nói, “Thô-ma, sẽ có những người được phước, họ sẽ tin mà chẳng từng thấy Ta.” Trước đây tôi hay nghĩ, Chúa Giê-su khó tính quá. Ý tôi là Thô-ma đã hạ sát đất rồi. Ông cảm thấy xấu hổ lắm rồi. Ông đang ăn năn! Thế mà Ngài nhìn ông mà phán, “Phước cho những ai không thấy mà tin.” Tôi không hiểu tại sao Chúa lại khó với Thô-ma như thế. Rồi một ngày Chúa phán với tôi, “Ta không có quở trách Thô-ma, Ta chỉ nói sự thật thôi. Mức độ thân mật dành sẵn cho ai biết Ta bởi Thánh Linh là giá trị hơn mức độ hiểu biết Ta bằng mắt thấy.”

Ngày 4

Ba mức độ quan hệ

Chính xác thì Chúa Giê-su có ý gì khi Ngài nói câu này với Thô-ma? Để trả lời, tôi sẽ giải thích vì sao một sự thân mật sâu nhiệm có thể đạt được bởi đức tin mà không phải là mắt thấy.

Có ba mức độ quan hệ: mức độ thể xác, mức độ tâm hồn và mức độ thuộc linh. Mức độ thấp nhất (nông cạn nhất) là mức độ tự nhiên hay thể xác. Nhiều mối quan hệ lãng mạn bắt đầu ở đây, với những tư tưởng như: cô ấy xinh quá hay anh ấy đẹp trai quá, hay chúng ta làm quen đi. Tiếc thay, nhiều cặp đôi chỉ có một mối quan hệ ở mức độ này khi kết hôn. Họ nghĩ, Mình có thể bỏ qua sự thật rằng chúng tôi không có hợp nhau hay chúng tôi không thật sự nói chuyện và kết nối trong các vấn đề hay sở thích chung, bởi vì tôi bị hấp dẫn với anh ấy/cô ấy. Trong những trường hợp này, mức độ tâm hồn không được phát triển. Chuông đám cưới ngân vang, tuần trăng mật kết thúc và cuộc sống diễn ra. Cặp đôi này phải nhận ra rằng họ cần thiết lập một mức độ sâu nhiệm hơn với nhau, còn không họ sẽ chịu đựng một hôn nhân khổ sở. Nếu họ không kết ước một sự kết nối sâu nhiệm hơn, người phụ nữ sẽ theo đuổi những sở thích của mình với bạn bè, và người nam sẽ theo đuổi những sở thích của mình với bạn bè. Họ chỉ sống chung mà thôi. Đây không phải là ý định của Đức Chúa Trời dành cho hôn nhân.

Mức độ tiếp theo của mối quan hệ đó là tâm hồn hay tính cách của một người. Đây là mối quan hệ tồn tại giữa Đa-vít và Giô-na-than: “…tâm hồn của Giô-na-than và tâm hồn của Đa-vít gắn bó với nhau. Giô-na-than yêu thương Đa-vít như chính mình” (1Sa-mu-ên 18:1). Khi Giô-na-than chết, Đa-vít đã than khóc, “Giô-na-than anh hỡi,lòng tôi chết điếng vì anh; tôi thương mến anh biết bao; tình thương anh dành cho tôi thật quá tuyệt vời, còn hơn cả tình yêu người nữ yêu tôi” (2Sa-mu-ên 1:26). Đa-vít không có nói về quan hệ thể xác suy đồi. Không có sự thu hút thể xác nào giữa họ cả. Sự kết nối của họ là sự kết nối tâm hồn và hoàn toàn không có bất cứ khía cạnh thể xác trái tự nhiên nào. Thế nhưng họ vẫn có thể xây dựng một sự ràng buộc còn sâu sắc hơn sự ràng buộc của mối quan hệ thể xác (đây là ý nghĩa của những lời Đa-vít nói đến : “tình yêu của người nữ).

Mức độ tâm hồn là mức độ mà hôn nhân phải được xây dựng. Bạn đừng hiểu nhầm tôi, khía cạnh thể xác của mối quan hệ rất là quan trọng. Tôi bị cuốn hút bởi vợ tôi; đối với tôi nàng là người phụ nữ xinh đẹp nhất trần gian. Nhưng có những mức độ quan hệ sâu nhiệm hơn mà chúng ta có thể có và đạt được giữa vợ và chồng. Sự thật thì tôi được thu hút bởi tính cách của vợ tôi hơn là vẻ đẹp thể xác của nàng.

Thật đáng buồn, tôi đã nghe rất nhiều câu chuyện về người nam hay nữ bỏ người phối ngẫu của mình vì một ai đó họ gặp ở trên mạng. Vài năm trước, tôi giảng trong một hội thánh, có một quý ông bước đến với tôi sau giờ nhóm. Xung quanh ông có sáu đứa con nhỏ. Ông bế hai đứa trên tay, hai đứa đeo ông bên hông, và hai đứa thì chạy nhảy trong phòng giải lao. Người đàn ông có một sự buồn thảm thể hiện ra ở khuôn mặt, nên tôi hỏi, “Ông ơi, ông ổn chứ?” Ông nói, “Không ổn lắm. Hôm nay vợ tôi bỏ tôi và sáu đứa con để đi theo một người đàn ông cô gặp trên Internet.” Mối quan hệ tâm hồn của cô với người đàn ông khác đã phát triển đến mức cô ta sẵn sàng bỏ chồng sau nhiều năm cưới nhau. Sự kết nối tâm hồn mạnh đủ để chia rẻ người mẹ này khỏi khuynh hướng tự nhiên : chăm sóc và ở với con cái của mình.

Mức độ quan hệ tâm hồn thường ít đòi hỏi hay thậmchí là không có sự tương tác thuộc về thể xác. Đây là lý do các mối quan hệ lúc đầu là các mối quan hệ từ xa thường dẫn đến kết cuộc là một hôn nhân rất tuyệt vời. Không có những sự phân tâm liên quan đến sự hấp dẫn thể xác, cặp đôi đó có thể tập trung vào sự phát triển sự hòa hợp về tâm hồn.

Mức độ quan hệ cao nhất

Mức độ quan hệ cao nhất hay sâu sắc nhất là mức độ thuộc linh. Đây là mức độ mà Chúa Giê-su nói đến khi Ngài nói chuyện với Thô-ma. Phao-lô từng nói, “Vì ai biết được những gì trong lòng người, ngoại trừ tâm linh của người ấy? Cũng vậy, không ai biết được những gì trong lòng Đức Chúa Trời, ngoại trừ Thánh Linh của Đức Chúa Trời?” (1Cô-rinh-tô 2:11). Nói cách khác, bạn không thể biết tư tưởng thật sự hay động cơ của một người nếu bạn không cùng nhịp đập với tâm linh của người đó.

Như đã nói trước đó, tôi và Li-sa kỷ niệm ngày cưới lần thứ ba mươi. Một trong những ký ức tôi thích từ lúc chúng tôi ở gần nhau đó là chúng tôi ngồi cạnh cái bể bơi và bàn về những công việc Chúa. Chúng tôi thậm chí dành rất nhiều thời gian để nói về sứ điệp này. Khi tôi chia sẻ những gì Chúa đặt để trong lòng tôi, vợ tôi đáp lại bằng sự khôn ngoan và khải thị, điều đó càng soi sáng những gì Thánh Linh đã khải thị cho tôi. Vì cả hai chúng tôi đều có quan hệ thân mật với Đức Thánh Linh, nên chúng tôi có thể thông công với nhau ở mức độ thuộc linh sâu nhiệm.

Đây cũng là một trong số lý do Li-sa và tôi cầu nguyện với nhau. Nó kết nối chúng tôi về thuộc linh bởi vì chúng tôi đang thông công với nhau liên quan đến công việc Chúa. Cũng với lý do này, chúng tôi đã chỉ định cho nhân viên của Messenger International dành mười lăm phútmỗi ngày để cầu nguyện chung. Chúng tôi làm điều này bởi vì chúng tôi muốn đội của mình được kết nối thuộc linh với nhau. Kết quả của thời gian cầu nguyện chung làm cho mối quan hệ giữa các nhân viên thật lạ lùng. Điều này cũng đúng cho bất kỳ mối quan hệ nào: Sự thông công Lời Chúa và cầu nguyện sẽ phát triển mức độ sâu nhiệm nhất của sự thân mật giữa các cá nhân bởi vì đó là một sự kết nối thuộc linh.

Có sự khác biệt giữa sự thảo luận của lí trí về những điều thuộc linh và sự thông công thuộc linh đích thật. Đôi khi người ta bắt đầu nói với tôi về Kinh Thánh, và tôi biết rằng họ chỉ chuyển tải thông tin mà thôi. Làm sao tôi biết đều đó? Những gì họ nói rất buồn chán, tâm trí tôi trở nên mệt mỏi. Họ đang nói từ tâm trí mình, chứ không phải tâm linh. Rồi có người nói về những điều thuộc linh từ tâm linh của họ. Tôi đã nói chuyện với những người này nhiều giờ mà không thấy mệt mỏi bởi vì chúng tôi đang kết nối ở mức độ thuộc linh.

Ngày 5

Biết Đức Chúa Trời bởi Thánh Linh

Chúng ta xem trong 1Cô-rinh-tô 2:11 theo mạch văn:

Vì ai biết được những gì trong lòng người, ngoại trừ tâm linh của người ấy? Cũng vậy, không ai biết được những gì trong lòng Đức Chúa Trời, ngoại trừ Thánh Linh của Đức Chúa Trời.

Chữ những gì trong lòng người được xác định là “tình trạng hiện hữu hay thành phần kết cấu.” Phao-lô thực chất muốn nói rằng một người không thể biết “thành phần kếtcấu” thật của Đức Chúa Trời (có nghĩa là những điều sâu nhiệm trong lòng Ngài) mà không đến với Thánh Linh của Đức Chúa Trời. Khi nói “biết,” tôi có ý nói là có một sự hiểu biết vượt hơn sự hiểu biết bề ngoài, loại hiểu biết này không tốn nhiều nỗ lực. Thực tế mà nói mọi người ở Mỹ đều biết tổng thống của mình là ai, nhưng hầu hết chúng ta không có mối quan hệ cá nhân với ông. Chúng ta không biết những khát khao sâu thẳm của lòng, điều gì thúc đẩy ông và ông thật sự tin điều gì. Tương tự, chúng ta sẽ không bao giờ có bất cứ thứ gì ngoài “kiến thức phổ thông” về Đức Chúa Trời nếu chúng ta không khám phá Ngài qua Thánh Linh.

Phao-lô nói tiếp, “Bây giờ chúng ta đã nhận lãnh, không phải linh của thế gian, nhưng Đức Thánh Linh đến từ Đức Chúa Trời, để chúng ta có thể nhận biết những ân tứ Đức Chúa Trời ban cho chúng ta.” (2Cô-rinh-tô 2:12) Một câu nói thật kinh ngạc. Không ai biết những tư tưởng của Đức Chúa Trời ngoại trừ Thánh Linh của Ngài, nhưng Ngài đã ban cho chúng ta Thánh Linh! Qua mối quan hệ với Thánh Linh Đức Chúa Trời, bây giờ chúng ta có thể có sự thân mật với Đấng Tạo Hóa ở mức độ thuộc linh – mức độ quan hệ cao nhất.

Phao-lô đã đạt đến mức độ này với Đức Thánh Linh. Mặc dầu ông không bao giờ thấy Chúa Giê-su về thể xác, ông nói, “Thưa anh chị em, tôi muốn anh chị em biết rằng tin mừng tôi rao giảng cho anh chị em không đến từ loài người, vì tôi đã không nhận và không được dạy về tin mừng ấy từ người nào, nhưng từ sự mặc khải của Đức Chúa Giê-su Christ” (Ga-la-ti 1:11-12). Chúa Giê-su được khải thị cho Phao-lô bằng cách nào? Phao-lô nói rõ ràng rằng sự khải thị đó không đến từ bất cứ một con người nào. Nếu ông không nhận từ con người và ông chưa thấy Chúa Giê-su trong thân xác Ngài, thì chắc chắn ông đã nhận sự khải thị đó qua Thánh Linh của Đấng Christ (Đức Thánh Linh).

Có thể nào Phao-lô có được một mối quan hệ sâu nhiệm tuyệt vời với Chúa Giê-su khi mà ông chưa hề thấy Đấng Cứu Thế trong thân xác của Ngài? Phi-e-rơ, người đã nói chuyện với Chúa Giê-su khi Ngài còn trong thân xác, đã viết một bức thư vào cuối đời trong đó ông nói, “… Anh em yêu dấu của chúng ta là Phao-lô, đã viết cho anh chị em tùy theo sự khôn ngoan đã ban cho anh ấy. Anh ấy đã nói về điều đó trong tất cả các bức thư của mình. Trong các bức thư ấy có những điều khó hiểu… ” (2Phi-e-rơ 3:15-16). Phi-e-rơ là người đã nói chuyện với Chúa Giê-su mặt đối mặt trong nhiều năm. Ông có mặt khi Chúa Giê-su được làm cho vinh hiển tại trên núi hóa hình. Ông đã chứng kiến sự đóng đinh và sau đó thấy và thông công với Chúa Giê-su sau sự sống lại. Thế nhưng môn đồ này – người đã vui hưởng những năm tháng thông công với Chúa Giê-su trong xác thịt – nói rằng một số khải thị Phao-lô nhận được từ Thánh Linh là khó hiểu. Cá nhân tôi tin rằng điều đó cho thấy Phao-lô đã bước vào một mối quan hệ sâu nhiệm với Chúa Giê-su hơn là Phi-e-rơ đã từng có.

Bởi sự thần cảm của Đức Thánh Linh, Phao-lô đã viết đa số sách trong Tân Ước, dù ông chưa hề thấy Chúa Giê-su trong thân xác Ngài. Làm sao ông có thể làm điều đó? Bởi vì Thánh Linh là Đấng thật sự khải thị Chúa Giê-su. Hãy nhớ lại lời của Chúa Giê-su: “Còn nhiều nữa Ta muốn nói cùng các ngươi, nhưng các ngươi lãnh hội chưa nổi. Khi Thần lẽ thật đến, Ngài sẽ dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật (ban cho các ngươi sự khải thị đầy đủ” (Giăng 16:12-13). Phao-lô không thể nào đặt đức tin nơi Chúa Giê-su dựa trên những sự thông công tự nhiên với Ngài trước đó, bởi vì ông chưa hề nếm biết điều này. Ông phải tin và nhận mà không thấy bằng mắt trần. Điều này đã loại bỏ bất cứ khía cạnh thuộc thể nào cản trở những gì Thánh Linh cố gắng chỉ cho ông thấy. Đây là điều Chúa Giê-su nói đến trong lúc tiếp xúc với Thô-ma. Sự thật rằng Phao-

lô không hề có mối quan hệ thuộc thể với Chúa Giê-su để nhớ lại cho thấy ông hoàn toàn lệ thuộc vào mối quan hệ thuộc linh với Thầy của mình. Ông không còn lựa chọn nào khác.

Giống như Phao-lô, tôi và bạn đã được ban cho cơ hội để bước theo Chúa Giê-su mà không bị vướng bận với những hiểu biết sai lầm trước đó do sự tiếp xúc thể lí. Sự thật quan trọng là chúng ta có thể gần gũi Chúa Giê-su hơn mà không cần thấy Ngài bằng mắt trần. Không có được cơ hội thấy Chúa Giê-su trong thân xác Ngài, chúng ta phải thông công với Ngài qua Thánh Linh của Đấng Christ, Đấng ở trong chúng ta – thiết lập một mối quan hệ thuộc linh sâu nhiệm với Đức Chúa Trời. Thật kỳ diệu biết bao!

Kinh nghiệm Ngài ở mức độ sâu nhiệm nhất

Đức Chúa Trời biết rằng xác thịt của chúng ta (hiện tại) chưa được cứu chuộc. Tâm linh của chúng ta đã được cứu; nó giống ảnh tượng của Chúa Giê-su (xem 1Giăng 4:17). Tâm hồn chúng ta đang trong tiến trình được cứu (xem Gia-cơ 1:21). Nhưng thân thể vật lý của chúng ta chưa kinh nghiệm sự cứu chuộc.

Bạn có thấy là chúng ta rất dễ chán cái gì đó không? Một số người mua xe mới và chỉ vài tuần sau đó nó trở nên cũ kỹ rồi. Đây là bản chất của xác thịt chưa được cứu rỗi. Xác thịt không có chiều sâu; nó chỉ sống tạm và sẽ chóng chết đi. Nên bởi lòng tốt của Ngài, Đức Chúa Trời phán, “Ta không khải thị Chính Ta cho dân sự Ta theo phương diện thuộc thể. Ta sẽ mở một cách để họ thông công với Ta qua Thánh Linh của Ta để họ thật sự biết Ta.” Cũng giống như Đức Chúa Trời phán, “Ta sẽ có mối quan hệ từ xa với những con người mà Ta yêu thương để chúng thật sự biết tấm lòng của Ta.”

Là hội thánh, chúng ta là nàng dâu của Đấng Christ. Đức Chúa Trời đang chuẩn bị cho chúng ta một cuộc hôn nhân hiển vinh với Chúa Giê-su. Ngài cho phép chúng ta biết Ngài ở mức độ (thuộc linh) sâu nhiệm nhất trước khi chúng ta biết Ngài ở mức độ thuộc thể. Đây là lý do sau đó Phao-lô viết, “Vậy từ nay trở đi chúng tôi không nhận thức ai theo nhãn quan xác thịt, dù rằng đã có lần chúng tôi nhận thức Đấng Christ theo nhãn quan xác thịt, nhưng nay chúng tôi không nhận thức Ngài theo cách ấy nữa” (2Cô-rinh-tô 5:16). Chúng ta biết Ngài qua Thánh Linh – Thánh Linh của Đức Chúa Trời hằng sống. Có thời điểm Đấng Christ được khải thị trong xác thịt. Nhưng bây giờ, Ngài không còn ở trên đất nữa, chúng ta có cơ hội biết Ngài qua Thánh Linh.

Nếu chúng ta không chịu bước vào sự thông công với Đức Thánh Linh, chúng ta đã bỏ đi cơ hội nhận biết Chúa Con. Đức Thánh Linh dò xét mọi sự trong lòng và trong tâm trí của Đức Chúa Trời để khải thị Chúa Giê-su cho chúng ta. Nếu bạn muốn có mối quan hệ sâu nhiệm với Đức Chúa Trời, bạn phải vượt qua tri thức bề ngoài về Ngài và bước vào hành trình khám phá Ngài. Hành trình đó chỉ có thể thực hiện qua sự thông công với Đức Thánh Linh. Đây là lý do chúng ta không nên giữ truyền thống (tư tưởng) nào liên quan tới Đức Thánh Linh mà không có nền tảng trong Lời đời đời của Đức Chúa Trời. Khi chúng ta cho phép những khái niệm sai lầm, thành kiến cá nhân hay kinh nghiệm tiêu cực làm lệch lạc sự hiểu biết của chúng ta về Đức Thánh Linh, chúng ta sẽ không vui hưởng hết lời hứa về sự hiện diện vinh hiển của Đức Chúa Trời trong cuộc đời chúng ta. Không có Thánh Linh, chúng ta không thể biết Đức Chúa Trời.

Tôi tin bạn có thể có mối quan hệ với Thánh Linh khi bạn khao khát những gì Ngài khát khao và cảm nhận những gì Ngài cảm nhận. Mức độ quan hệ sâu nhiệmnhất – mức độ thuộc linh – dành sẵn cho bạn. Ở mức độ này, bạn sẽ khám phá một sự thân mật với Đấng Tạo Hóa của bạn không giống bất cứ ai khác. Nhưng bạn phải tìm biết Đức Thánh Linh nếu muốn bước đi trong sự thông công gần gũi với Ngài. Làm sao bạn biết Ngài? Bằng cách đọc Lời của Ngài và dành thời gian trong sự hiện diện của Ngài. Đức Chúa Trời muốn đến gần bạn, tất cả những gì bạn cần làm là bước đi bước đầu tiên để đến gần Ngài.

Hãy để ít thì giờ suy gẫm những câu Kinh Thánh dưới đây và để Thánh Linh làm việc trong lòng bạn. Khi bạn quay về với Đức Chúa Trời, hãy xin Ngài cất đi mọi suy nghĩ (bức màn) ngăn cản bạn không kinh nghiệm sự hiện diện của Ngài. Khi bức màn này được cất đi rồi, bạn có thể chăm xem Ngài một cách hoàn toàn mới mẻ. Khi bạn nhìn xem khuôn mặt Ngài (dành nhiều thời gian với Ngài như là bạn thân của Ngài), Ngài sẽ biến đổi bạn theo ảnh tượng của Ngài. Tôi viết ra đây cho bạn những lời này của Phao-lô:

Chỉ khi nào một người quay về với Chúa, tấm màn ấy mới được cất khỏi người ấy. Chúa tức là Đức Thánh Linh; nơi nào có Thánh Linh của Chúa, nơi đó có tự do. Tất cả chúng ta để mặt không màn che ngắm xem vinh hiển của Chúa như thể được phản chiếu qua một tấm gương, và nhờ Chúa là Đức Thánh Linh, chúng ta đang được biến đổi dần để trở nên giống như hình ảnh của Ngài, từ mức độ vinh hiển bình thường đến mức độ cực kỳ vinh hiển. (2Cô-rinh-tô 3:16-18)