Chương 1: Đức Thánh Linh Là Ai?

Đức Thánh Linh

Đăng vào: 12 tháng trước

.

Nhưng khi Đấng Phù Hộ đến, tức là Thánh Linh mà Cha nhân danh Ta phái đến, Ngài sẽ dạy dỗ mọi điều và nhắc lại cho các con nhớ tất cả những gì Ta đã truyền dạy các con.

Giăng 14: 26

Ngày 1

Đó là vào lúc đầu năm mới. Tôi được thôi thúc để kiêng ăn và cầu nguyện. Tôi hỏi Chúa, “Con nên đọc sách nào trong Kinh Thánh?” Tôi rất ngạc nhiên khi nghe, “Sách Công Vụ.”

Tại sao tôi lại ngạc nhiên? Bởi vì lần kiêng ăn và cầu nguyện trước của tôi cũng được hướng dẫn tương tự: “Hãy đọc sách Công Vụ.” Trong lần kiêng ăn trước, điểm nổi bật trong sách Công Vụ đó là sự tranh chiến giữa mục đích và định hướng trong cuộc đời của sứ đồ Phao-lô, và hậu quả tất yếu là gặp thử thách. Hãy để tôi giải thích.

Phao-lô được Chúa chọn để giảng Phúc âm cho dân ngoại. Ông nói, “Ta được lập làm một nhà truyền đạo, một sứ đồ, và một giáo sư cho dân ngoại” (2Ti-mô-thê 1:11). Đây là một mạng lệnh cụ thể và đúng trọng tâm. Ông đã lặp lại sự ủy thác này vài lần trong suốt quãng đời của ông. Ngay trong giai đoạn đầu của hành trình truyền giáo của mình, ông đã nói với những người Do-thái, “Chúng tôi quay qua các dân ngoại. Vì Chúa cũng truyền cho chúng tôi rằng: ‘Ta đã đặt ngươi làm ánh sáng cho các dân ngoại’”(Công Vụ 13:46-47). Trong hành trình thứ hai, ông dạn dĩ nói, “Từ nay tôi sẽ đến với các dân ngoại” (Công Vụ 18:6). Đối với người Rô-ma thì ông viết, “Tôi là sứ đồ cho các dân ngoại” (11:13). Những lời này được lặp lại liên tục trong các thư tín của ông.

Tuy nhiên, xuất phát từ tình yêu thương và khát khao nhìn thấy những người Do-thái đồng hương được cứu, ông cứ luôn tìm các nhà hội trong mỗi thành phố mà ông đến thăm. Ông thường đến với người Do-thái trước khi ông giảng cho dân ngoại; thật ra, chính việc người Do-thái thường xuyên khước từ sứ điệp của ông đã đẩy ông đến với các dân ngoại. Hóa ra chính những người Do-thái là nguyên nhân gây ra bắt bớ và rắc rối lớn nhất cho Phao-lô. Họ kích động công chúng và tạo ra hận thù giữa Phao-lô và các lãnh đạo dân ngoại. Các âm mưu gây chia rẽ đứng đằng sau hầu hết những sự náo loạn, bắt bớ, đánh đập và thử thách mà Phao-lô đối diện. Một điểm lưu ý quan trọng: Đức Chúa Trời quan tâm sâu sắc người Do-thái. Đây là lý do Gia-cơ, Phi-e-rơ, và Giăng được sai đến với họ: “ Gia-cơ, Phi-e-rơ và Giăng, những vị được xem như cột trụ của hội thánh…đã khích lệ chúng tôi cứ giảng cho các dân ngoại, còn họ tiếp tục công việc mình với những người Do-thái” (Ga-la-ti 2:9).

Sứ điệp được mặc khải cho tôi trong lần kiêng ăn trước rất là rõ ràng: “Hỡi con, hãy cứ ở trong phạm vi ân sủng mà Ta đã gọi con bước vào. Đừng để cho những tình cảm tự nhiên kéo con ra khỏi nhiệm vụ thiên thượng trong cuộc đời con.” Nhớ lại sự bày tỏ rõ ràng của Chúa lần trước, tôi hơi ngạc nhiên khi Chúa bảo tôi đọc lại hết cả sách Công Vụ. Nói cho cùng, vẫn còn sáu mươi lăm sách khác để chọn đọc.

Tôi rất vui là tôi đã vâng lời, vì lần này khi tôi đọc qua sách Công Vụ, một điều gì đó hoàn toàn khác hiện ra với tôi (chứng tỏ Lời Chúa quả thật là sống động). Lần này, nét nổi bật hiện ra trong từng trang Kinh Thánh chính là các lãnh đạo và tín hữu của hội thánh đầu tiên đã trông đợi, thông công, nhờ cậy và nói chuyện với Đức Thánh Linh. Ngài là một phần trọng yếu trong đời sống của họ và can dự vào mọi việc họ làm. Ngài luôn nắm vai trò lãnh đạo trong các chức vụ truyền giáo, trong các buổi nhóm, và trong các cuộc họp phát thảo chiến lược của họ, và Ngài luôn luôn tham gia vào các hoạt động của họ. Đây là vài câu Kinh Thánh nổi bật:

  • “Sao ông để Sa-tan đầy dẫy lòng ông, khiến ông nói dối Đức Thánh Linh?” (Công Vụ 5:3)
  • “Tại sao ông bà đồng lòng với nhau thử Đức Thánh Linh của Chúa?” (Công Vụ 5:9)
  • “Chúng tôi là nhân chứng cho những điều ấy, và Đức Thánh Linh.” (Công Vụ 5:32)
  • “Quý vị cứ chống lại Đức Thánh Linh mãi.” (Công Vụ 7:51)
  • “Đức Thánh Linh bảo tôi hãy đi với họ.” (Công Vụ 11:12)
  • “Một người trong số họ…được Thánh Linh hướng dẫn, đứng dậy báo trước rằng sẽ có một nạn đói lớn…” (Công Vụ 11:28)
  • “Được Thánh Linh sai phái…” (Công Vụ 13:4)
  • “Vì Đức Thánh Linh và chúng tôi thấy rằng tốt nhất là…” (Công Vụ 15:28)
  • “Bị Đức Thánh Linh ngăn trở họ giảng đạo trong vùng A-si-a.” (Công Vụ 16:6)
  • “Họ muốn vào vùng Bi-thy-ni-a, nhưng Thánh Linh của Đức Chúa Giê-su không cho phép.” (Công Vụ 16:7)
  • “Phao-lô được Thánh Linh thúc giục và làm chứng…” (Công Vụ 18:5)
  • “Từ khi anh chị em tin, anh chị em đã nhận lãnh Đức Thánh Linh chưa?” (Công Vụ 19:2)
  • “Phao-lô được Thánh Linh thúc giục đi qua các miền Ma-xê-đô-ni-a.” (Công Vụ 19:21)
  • “Trong mỗi thành Thánh Linh đều cho tôi biết…” (Công Vụ 20:23)
  • “Anh chị em hãy giữ lấy mình và cả đàn chiên mà Đức Thánh Linh đã lập anh chị em làm những người coi sóc.” (Công Vụ 20:28)

Những lời như thế này cứ liên tục hiện ra trong từng trang Kinh Thánh. Sự thật đau buồn là chúng ta không có thấy cùng khuôn mẫu này trong hội thánh ngày nay. Những gì mà trước đây là phổ biến giữa vòng các tín hữu trong sách Công Vụ dường như bây giờ lại rất hiếm thấy. Tôi không chỉ nói những biểu hiện này thiếu vắng trong đời sống người khác, mà trước hết là thiếu vắng trong chính đời sống của tôi. Khi tôi đọc, tôi nhận ra rằng tôi không còn thích thú, tìm kiếm và lệ thuộc sự lãnh đạo, sự thân thiết, sự thông công và sự ảnh hưởng mạnh mẽ của Thánh Linh. Một khi tôi đã hiểu rõ điều này thì không có lí do gì mà mà tôi lại không chia sẻ lẽ thật này cho bạn.

Câu tiền đề

Hãy để tôi đưa ra một số câu tiền đề sẽ làm sáng tỏ vấn đề khi chúng ta đào sâu vào phần thảo luận quan trọng này:

  • Trước tiên, hầu như không thể sống đời sống Cơ Đốc nếu không có Thánh Linh.
  • Không có Thánh Linh, Cơ Đốc Giáo sẽ trở nên khô khan, đơn điệu và thế tục.
  • Không có Thánh Linh, việc làm chúng ta sẽ trở nên mệt mỏi và cạn kiệt.
  • Không có Thánh Linh, không có sự thông công với Đức Chúa Trời.

Đẩy Thánh Linh ra khỏi hội thánh thì một trong hai điều này sẽ xảy ra:

  • Hội thánh sẽ biến thành một câu lạc bộ xã hội.
  • Hội thánh sẽ trở thành một tổ chức tôn giáo.

Sự thật là…

  • Không có sự khải thị nếu không có Đức Thánh Linh. Thật vậy, không có Thánh Linh thì Kinh Thánh sẽ trở nên tai hại; vì chúng ta được biết, “Văn tự làm cho chết, nhưng Thánh Linh ban cho sự sống” (2 Cô-rinh-tô 3:6).
  • Không có Thánh Linh thì không có khải tượng.
  • Không có Thánh Linh thì không có sự vui mừng.
  • Không có Thánh Linh thì không có sự bình an.
  • Không có Thánh Linh thì không có sự tự do.

Chúa là Thánh Linh, nơi nào Thánh Linh là Chúa thì nơi đó có sự tự do. (2Cô-rinh-tô 3:17)

Hãy xem những chữ “Nơi nào có Thánh Linh của Đức Chúa Trời.” Hãy suy nghĩ kỹ điều này. Thánh Linh Đức Chúa Trời là toàn tại – Ngài ở mọi lúc mọi nơi. Vua Đa-vít nói, “Con có thể đi đâu để tránh khỏi Thần của Ngài? Con sẽ trốn ở đâu hầu thoát khỏi sự hiện diện của Ngài?” (Thi Thiên 139:7). Câu trả lời dứt khoát không trốn đâu được. Đa-vít viết tiếp, “Nếu con lên trời, Ngài đang ngự tại đó! Nếu con xuống âm phủ, kìa, Ngài cũng hiện hữu ở đó! Nếu con lấy cánh bình minh bay đến những nơi xaxăm tận chân trời góc bể, trong giây phút Chúa sẽ tìm thấy con – Ngài đã ở đó chờ đợi con rồi!” (Thi Thiên 139:8-10 theo bản dịch The Message). Điều này quá rõ ràng, Ngài hiện diện khắp mọi nơi trong mọi lúc.

Câu hỏi tiếp theo chúng ta cần phải hỏi là, “Có sự tự do ở khắp mọi nơi chăng?” Hãy xem lại những lời của Phao-lô: “Nơi nào có Thánh Linh của Đức Chúa Trời, nơi đó có sự tự do.” Chúng ta đã chứng minh rằng Ngài hiện diện khắp mọi nơi; nên một lần nữa, liệu có sự tự do ở mọi nơi? Câu trả lời hẳn nhiên là không. Không có sự tự do nào trong các nhà chứa, quán ba, nhà tù hay bệnh viện đâu. Tôi đã đến những vùng lân cận, những trường học, nhiều gia đình và thậm chí là nhiều hội thánh không có sự tự do gì cả. Kinh Thánh đang nói gì ở đây? Tôi thiết nghĩ nên dịch chính xác hơn là:

Nơi nào có Thánh Linh là Chúa, đó là nơi có sự tự do. (2Cô-rinh-tô 3:17, tác giả diễn ý)

Từ Chúa trong tiếng Hy-lạp là Kyrios. Nó được định nghĩa là “Quyền tối cao.” Trong hầu hết các quán rượu, nhà tù, bệnh viện, hay gia đình và thậm chí trong các hội thánh Thánh Linh không được tự do nắm quyền. Nơi nào Thánh Linh được chào đón như là Đấng có thẩm quyền tối cao, đó là nơi bạn sẽ tìm thấy sự tự do và công lý cho mọi người.

Mục đích của sứ điệp này

Mục đích của sứ điệp này là giới thiệu với bạn thân vị của Đức Thánh Linh. Có thể cần nhiều sách viết về Ngài. Có thể cần nhiều ngày, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm nói về Ngài.

Tôi đã cưới Lisa làm vợ trong hơn 30 năm qua. Dù tôi có biết vợ tôi, nhưng tôi vẫn còn đang khám phá ranhững khía cạnh về nhân cách, sở thích, khát khao và phong cách của vợ tôi mà tôi chưa biết trước đây. Mới đây chúng tôi đã dành ít ngày ở riêng tư với nhau để kỷ niệm 30 năm ngày cưới. Trong thời gian đó, tôi học được nhiều khía cạnh về ước mơ, sở thích và thậm chí là những khả năng mà tôi chưa hề biết là vợ tôi có.

Xét về khả năng, tôi đã không biết vợ tôi chơi gôn rất giỏi. Cô ấy biết tôi rất thích thể thao, nên cô ấy đề nghị đi chơi gôn với tôi. (Tôi chỉ chơi một vòng bởi vì đó là thời gian chúng tôi chơi với nhau.) Có một cái trũng lớn ở lỗ thứ mười bảy. Vợ tôi luôn thích mạo hiểm, nên tôi hỏi xem cô ấy có muốn đưa trái bóng qua cái trũng không. Cần phải thực hiện một cú đánh xa khoảng 140 mét để tránh cái trũng sâu khoảng 60 mét; nếu cú đánh của cô ấy rơi gần, trái bóng sẽ biến mất dưới biển. Tôi tìm một trái bóng cũ cho Lisa sử dụng (bởi vì tôi nghĩ sẽ không thấy trái bóng nữa). Cô ấy đứng trên chỗ đánh bóng và đánh một cú xuất sắc đi xa gần 140 mét vào sân gôn phía bên kia. Chúa ôi, sau 30 năm kết hôn, tôi mới khám phá một tài năng mới nơi vợ tôi.

Trong lúc ăn tối hàng đêm, vợ tôi đã chia sẻ kiến thức, sự khôn ngoan, sở thích và những khát khao mà vợ tôi chưa hề chia sẻ với tôi trước đây. Nói tóm lại, tôi kinh ngạc về sự sâu nhiệm ở người phụ nữ tuyệt vời mà tôi gọi là vợ này.

Không thể nào chia sẻ tất cả những gì tôi biết về vợ tôi trong một vài chương ngắn ngủi, cũng không thể nào viết hết thành sách. Tuy nhiên, những gì tôi có thể làm là nói cho bạn biết cách để chuyện trò và tiếp xúc với vợ tôi. Tôi có thể chia sẻ những gì vợ tôi thích và cách để làm việc và nói chuyện với vợ tôi. Tôi có thể nói cho bạn biết điểm mạnh, điểm yếu của vợ tôi, và những gì vợ tôi thích hay không thích. Chính những hiểu biết căn bản đó sẽ dùng làm chất xúc tác để có một mối quan hệ sâu hơn với vợ tôi.

Nếu không tài nào nói hết cho bạn biết về vợ tôi là Lisa, người phàm, thì làm sao tôi có thể nói hết cho bạn biết về Đức Thánh Linh, khi mà Ngài hiện hữu từ đời đời đến đời đời? Đơn giản là tôi không thể nào làm được! Nhưng những gì tôi có thể làm là giới thiệu cho bạn biết Ngài là ai. Tôi có thể nói cho bạn về nhân cách của Ngài, điều gì làm cho Ngài vui và điều gì Ngài yêu thích. Tôi có thể định nghĩa mối quan hệ của chúng ta với Ngài và chia sẻ một số cách mà chúng ta có thể tương tác và thông công với Ngài. Tôi có thể nói cho bạn tại sao mối quan hệ của chúng ta với Thánh Linh lại rất quan trọng và thể nào Ngài ban quyền năng cho chúng ta để làm trọn những ước muốn của Đức Chúa Trời cho đời sống của chúng ta. Những sự hiểu biết căn bản này sẽ thôi thúc bạn bước vào một mối quan hệ sâu nhiệm, có ý nghĩa với Ngài.

Ngày 2

Một quan niệm sai trầm trọng

Có một lỗi lầm mà nhiều người phạm phải: Họ cố gắng hiểu công việcquyền năng của Đức Thánh Linh mà trước hết không có hiểu biết Ngài là một thân vị.

Điều quan trọng là chúng ta cần nhớ trong lòng và trí của mình rằng chúng ta có tin Đức Thánh Linh là một Thân Vị thiên thượng hay không – một Đấng thánh khiết, khôn ngoan, có năng lực nhưng cũng rất là mềm mại, nhạy cảm và đầy lòng trắc ẩn. Chúng ta có tin Ngài là Đấng đáng nhận được sự tôn kính, sự tôn thờ, đức tin, tình yêu thương, sự tận hiến và sự đầu phục hoàn toàn từ chúng ta không? Hay là chúng ta tin rằng Đức Thánh Linh chỉ là một ảnh hưởng xuất phát từ Đức Chúa Trời – một thứ quyền lực huyền bí siêu nhiên, không giống nhưnhững gì chúng ta nghĩ khi chúng ta nói tới “tinh thần hào phóng” hay “tinh thần cạnh tranh”?

Quan điểm sau thật nông cạn, thô thiển và thuộc tà giáo. Nếu chúng ta tin như vậy, chúng ta rất dễ bị ảnh hưởng bởi sự kiêu ngạo hay ngạo mạn thuộc linh, điều này sẽ dẫn chúng ta đến chỗ vênh váo như thể là chúng ta thuộc về nhóm người “thiêng liêng” hơn người khác.

Tuy nhiên, nếu chúng ta xem Ngài là Đấng uy nghi, vinh hiển, tuyệt vời, khôn ngoan, tri thức và thánh khiết, và nếu chúng ta tin rằng Thánh Linh, là một Thân Vị, hiệp một với Chúa Cha và Chúa Con nhằm chiếm hữu đời sống chúng ta và chúc phước cho chúng ta thì chúng ta sẽ sấp mặt xuống mà tôn thờ Ngài.

Ai mà xem Thánh Linh của Đức Chúa Trời như là một ảnh hưởng hay là quyền lực tối cao sẽ cứ nói, “Tôi muốn có thêm Thánh Linh.” Ngược lại, người mà xem Ngài là một Thân Vị tuyệt vời sẽ nói, “Làm sao tôi có thể dâng mình hơn nữa cho Ngài?”

Nhận thức của chúng ta về Ngài

Một trong những lý do nhiều người nhận thức về Thánh Linh Đức Chúa Trời chỉ là một ảnh hưởng, thay vì là một thân vị là do cách mà Thánh Linh được nói đến. Bạn đã từng nghe ai đó nói đến Đức Thánh Linh như là “nó” chưa? Tôi đã ở trong chức vụ hơn 30 năm; nếu người ta cho tôi một đô-la mỗi lần tôi nghe ai đó nói Thánh Linh là “nó,” thì có lẽ tôi giàu to rồi. Không may thay, nhiều người trong chúng ta đã bỏ lỡ sự hiện diện đầy dẫy của Thánh Linh bởi vì chúng ta đã không tôn trọng Ngài như là một Thân Vị. Thánh Linh Đức Chúa Trời sẽ không bày tỏ nơi nào Ngài không được tôn trọng (xem Ma-thi-ơ 13:54-58; Thi Thiên 89:7).

Tôi muốn lưu ý rằng khi gọi Thánh Linh là một “Thân Vị”, tôi không có gọi Ngài là người phàm. Tôi chỉ muốn nói rằng Ngài có những thuộc tính thuộc về nhân cách con người. Thánh Linh là Chân Thần, chứ không phải là con người. Nhưng chúng ta phải nhớ, con người được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời. Nên Ngài không giống chúng ta; chúng ta giống Ngài.

Nhiều hội thánh đã xem Ngài là một “thực thể thánh khiết” thay vì là một Đấng vô cùng thánh khiết. Ngài khát khao trở thành người bạn thân nhất của chúng ta, nhưng chúng ta lại hạn chế sự can thiệp của Ngài trong đời sống chúng ta. Sự thật đáng buồn là chúng ta đã vô tình khước từ mối quan hệ thỏa lòng nhất mà Ngài muốn dành cho chúng ta.

Chúng ta hãy xem một số câu Kinh Thánh minh họa đầy đủ thân vị của Thánh Linh:

  • Ngài có tâm trí (Xem Rô-ma 8:27).
  • Ngài có ý chí (Xem 1 Cô-rinh-tô 12:11).
  • Ngài có tình cảm, như tình yêu và vui mừng (Xem Rô-ma 15:30; Ga-la-ti 5:22).
  • Ngài an ủi (Xem Công Vụ 9:31).
  • Ngài phán (Xem Hê-bơ-rơ 3:7); Ngài phán rõ ràng (Xem 1 Ti-mô-thê 4:1).
  • Ngài dạy dỗ (Xem 1 Cô-rinh-tô 2:13).
  • Ngài có thể bị làm buồn (Xem Ê-phê-sô 4:30).
  • Ngài có thể bị xúc phạm (Xem Hê-bơ-rơ 10:29).
  • Ngài có thể bị chống cự (Xem Công Vụ 7:51).
  • Ngài có thể bị nói dối (Xem Công Vụ 5:1-11).

Nếu những thuộc tính này được nói rõ ràng trong Kinh Thánh, thì chúng ta phải hỏi, Tại sao Thánh Linh lại bị hiểu nhầm nhiều như vậy?

Chim bồ câu

Khi nhiều người nghĩ về Đức Thánh Linh, tâm trí họ lập tức liên hệ tới chim bồ câu. Tại sao đây thường là mối liên hệ đầu tiên? Đức Thánh Linh có bao giờ bày tỏ dưới dạng hình chim bồ câu không? Câu trả lời rõ ràng là không. Trong tất cả bốn sách Phúc Âm chúng ta thấy rằng Thánh Linh Đức Chúa Trời ngự xuống trên Chúa Giê-su giống như hình chim bồ câu (Xem Ma-thi-ơ 3:16; Mác 1:10; Lu-ca 3:22; Giăng 1:32).

Nhưng chúng thường không đưa ra những câu nhận xét như “cô ta chạy nhanh như gió” hay “anh ta khỏe như trâu” đúng không? Nếu tôi nói rằng con trai tôi khỏe như trâu, nói thế có biến con tôi thành một động vật bốn chân không? Chắc chắn là không! Tương tự, nói Thánh Linh ngự xuống như chim bồ câu thì không có nghĩa rằng nói Ngài là chim bồ câu.

Có người sẽ nói, “Vâng, nhưng mục sư John ơi, trước Ngai Đức Chúa Trời, Đức Thánh Linh được mô tả như ngọn lửa” (xem Khải Thị 4:5). Vâng điều này đúng, nhưng Kinh Thánh cũng nói, “Kế đó tôi thấy một Chiên Con dường như đã bị giết đứng giữa ngai và bốn sinh vật và bốn trưởng lão…” (Khải Thị 5:6). Đây là sự miêu tả của Giăng về Chúa Giê-su. Bạn và tôi đều biết rằng Chúa Giê-su chắc chắn không phải là một động vật bốn chân. Tương tự, Thánh Linh không phải là ngọn lửa thần bí đang cháy trước ngai Đức Chúa Trời.

Vậy, Đức Thánh Linh là ai?

Kinh Thánh nói rất rõ rằng Đức Thánh Linh là Ngôi Ba trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Sáng Thế 1:26 nói, “Đức Chúa Trời phán, ‘Chúng Ta hãy dựng nên loài người theo hình thể Chúng Ta, và giống như Chúng Ta.” Hãy chú ýĐức Chúa Trời không có phán, “Nào Ta hãy tạo dựng con người.” Vở kịch của công cuộc sáng tạo cần có ba Diễn Viên khác nhau đóng ba vai khác nhau; Đức Chúa Trời nói về chính Ngài là Cha, Con và Thánh Linh.

Chúng ta xem Công Vụ 10:38 để thấy sự phân biệt khác nhau của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh.

Đức Chúa Trời đã xức dầu Chúa Giê-su người Na-xa-rét bằng Đức Thánh Linh và quyền phép, Ngài đi khắp nơi làm việc thiện và chữa lành mọi người bị ác quỷ khống chế, vì Đức Chúa Trời ở với Ngài.

Trong câu này, chúng ta chứng kiến Chúa Cha xức dầu cho Chúa Giê-su bằng Thánh Linh – ba Thân vị khác nhau làm việc cùng nhau vì một mục đích chung.

Chúng ta xem một thí dụ khác:

Sau khi chịu báp-tem, Đức Chúa Giê-su bước lên khỏi nước, kìa, các từng trời mở ra; Ngài thấyThánh Linh của Đức Chúa Trời ngự xuống như một chim bồ câu và đậu trên Ngài. Kìa, có tiếng từ trời phán rằng, ‘Đây là con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta hoàn toàn.’

(Ma-thi-ơ 3:16-17)

Trong câu chuyện Chúa Giê-su chịu báp-tem này, một lần nữa bạn sẽ thấy rằng các thành viên của Đức Chúa Trời Ba Ngôi bày tỏ như là ba Thân Vị khác nhau. Đầu tiên, Chúa Giê-su được Giăng làm phép báp-tem, rồi đến Đức Thánh Linh ngự xuống trên Ngài, và cuối cùng Cha là Đức Chúa Trời từ trên thiên đàng tuyên bố, “Đây là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta hoàn toàn.” Cả ba thành viên làm việc cùng nhau vì một mục đích chung.

Tôi sẽ cho bạn một thí dụ căn bản giúp minh họa lẽ thật này. Nước (H 20) có thể bày tỏ qua ba hình thức khác nhau. Nhiệt độ sẽ quyết định việc nước ở dạng cứng, lỏng và hơi. Thực thể nước – cấu trúc phân tử của nó – không bao giờ thay đổi dù chỉ một chút, nhưng biểu hiện của nó sẽ thay đổi tùy theo môi trường của nước (nhiệt độ). Tương tự, bản chất trọng tâm của Đức Chúa Trời không thay đổi. Khi bạn thấy Đức Chúa Con, tức là bạn thấy Chúa Cha; và Thánh Linh được sai đến để khải thị Chúa Con cho chúng ta (xem Giăng 17:21; Ê-phê-sô 1:17-18). Đức Chúa Trời có cùng một mục đích, nhưng Ngài có ba biểu hiện khác nhau (Thân Vị), mỗi thân vị thực hiện những chức năng độc nhất. Mặc dầu có ba Thân Vị, nhưng chỉ có một Đức Chúa Trời. Phục Truyền 6:4 nói, “Hỡi Y-sơ-ra-ên, hãy lắng nghe: Chúa, Đức Chúa Trời của chúng ta, là Chúa độc nhất vô nhị!” Rô-ma 3:30 nói, “Chỉ có một Đức Chúa Trời, Đấng sẽ xưng công bình.” Gia-cơ 2:19 cũng nói tương tự, “Bạn tin rằng chỉ có một Đức Chúa Trời; bạn tin đúng.” Lẽ thật nền tảng cho phần còn lại của cuốn sách này: có ba Thân Vị thiên thượng khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Chúa Trời.

Ngày 3

Thân vị thứ nhất

Đức Thánh Linh thật ra là thành viên đầu tiên của Đức Chúa Trời Ba Ngôi xuất hiện trong Kinh Thánh. Sáng Thế đoạn 1 nói, “Ban đầu Đức Chúa Trời tạo dựng trời và đất” (câu 1). Bây giờ, chúng ta xem câu 2: “Thuở ấy đất hoang vắng và trống không. Bóng tối bao trùm trên mặt vực thẳm. Thần của Đức Chúa Trời vận hành trên mặt nước.” Thánh Linh xuất hiện ngay ở Sáng Thế 1:2; Ngài là thành viên đầu tiên của Đức Chúa Trời Ba Ngôi được nói tên đến.

Người ta có thể hỏi, “Nhưng mục sư John ơi, trong câu 1 Kinh Thánh nói, ‘Ban đầu Đức Chúa Trời tạo dựng trời và đất.’ Làm sao ông có thể nói Thánh Linh là thành viên đầu tiên của Đức Chúa Trời Ba Ngôi được đề cập đến trong Kinh Thánh nếu câu đầu tiên đề cập Đức Chúa Trời là Cha?” Đó là một câu hỏi hay. Nhưng hãy nhớ, Đức Chúa Trời phán, “Chúng ta hãy tạo dựng con người theo ảnh tượng của chúng ta.” Đức Chúa Trời trong câu một là nói về Đức Chúa Trời Ba Ngôi, chứ không phải là một thành viên cụ thể của Đức Chúa Trời Ba Ngôi. Chính vì vậy, thành viên đầu tiên của Đức Chúa Trời Ba Ngôi được xác định theo chức năng của thành viên đó chính là Đức Thánh Linh. Trong câu hai chúng ta đọc thấy “Thánh Linh của Đức Chúa Trời vận hành trên mặt nước.”

Một lần nữa, chúng ta quay trở lại với câu hỏi ban đầu: Đức Thánh Linh là ai? Tôi có thể chứng thực rằng Ngài là Thân Vị lạ lùng, tuyệt vời, nhân từ, mềm mại, nhạy cảm, có năng lực nhất trên đất này. Rồi bạn hỏi lại, “Mục sư John ơi, trên đất này hả?” Vâng, trên đất này. Điều chúng ta cần phải hiểu đó là Đức Chúa Cha không ở trên đất này. Ngài hiện ở trên ngai ở thiên đàng. Cũng vậy, Chúa Giê-su hiện tại cũng không ở trên đất này. Tôi cứ nghe người ta nói, “Chúa Giê-su hiện ở trong lòng tôi,” thế nhưng Kinh Thánh nói rất rõ rằng Ngài hiện ngồi bên tay hữu của Đức Chúa Trời (Xem Mác 16:19). Trong Công Vụ 1:9-11 chúng ta đọc:

Khi họ nhìn theo, và một đám mây tiếp Ngài khuất khỏi mắt họ. Đang khi Ngài ngự lên và họ chăm chú nhìn theo lên trời, đột nhiên, có hai người mặc y phục trắng đứng bên họ. Hai vị đó nói với họ, “Hỡi những người Ga-li-lê, tại sao các ngươi đứng nhìn lên trời như vậy? Đức Chúa Giê-su này, Đấng vừa được cất lên khỏi các ngươi, sẽ trở lại y như cách các ngươi đã thấy Ngài lên trời vậy.”

Hai người đàn ông thật ra là thiên sứ, nói rõ ràng với các môn đồ rằng Chúa Giê-su sẽ trở lại y như cách Ngài được cất lên. Nói cách khác, Ngài sẽ không quay trở lại quả đất cho đến khi Ngài đến giữa các đám mây. Chúa Giê-su đã trở lại trong đám mây chưa? Câu trả lời rõ ràng là chưa. Điều này có nghĩa Chúa Giê-su hiện vẫn còn bên hữu của Đức Chúa Trời ở thiên đàng.

Hãy nghĩ đến lúc Ê-tiên bị ném đá. Chúng ta đọc trong Công Vụ 7:55-56, “Nhưng ông được đầy dẫy Thánh Linh, ngước mắt nhìn chăm lên trời và thấy vinh quang của Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giê-su đứng bên phải Đức Chúa Trời, ông nói, kìa, tôi thấy trời mở ra và con người đứng bên phải Đức Chúa Trời!” Hãy tưởng tượng Chúa Giê-su trong tất cả vinh hiển của Ngài đang đứng để tôn trọng người tuân đạo của Ngài, biết trước rằng giây phút thánh thiện này sẽ được kể lại cho những thế hệ tương lai. Câu chuyện này là một sự mô tả tuyệt đẹp về một cuộc hội ngộ đầy vinh hiển, điều này cũng dùng để nhắc nhở về sự thật không thể chối cãi rằng Chúa Giê-su hiện đang ở bên Cha Ngài.

Sự thật thì Chúa Giê-su đã ở vị trí vinh hiển này hơn 2000 năm qua. Ngài hiện không ở trên đất này. Tôi biết chúng ta thích nói Ngài sống trong lòng chúng ta, nhưng trong thực tế, Đức Thánh Linh; Thánh Linh của Giê-su Christ, mới là Đấng biến tấm lòng chúng ta thành nơi ngự của Ngài.

Điều quan trọng chúng ta cần nhận biết rằng Thánh Linh được nói đến vừa là Thánh Linh của Đức Chúa Cha và Thánh Linh của Chúa Giê-su Christ (Chúa Con). Chúng ta xem một số thí dụ về điều này.

Trong Phi-líp 1:19 Phao-lô nói, “Vì tôi biết rằng nhờ lời cầu nguyện của anh chị em và nhờ sự giúp đỡ củaĐức Thánh Linh của Đức Chúa Giê-su Christ, tôi sẽ sớm được giải thoát.” Chúa Giê-su nói rõ rằng Ngài phải đi để Thánh Linh có thể đến thay thế chỗ của Ngài. Ở đây Phao-lô nói rõ về Thánh Linh (Đấng Giúp Đỡ), chứ không phải là hiện thân của Chúa Giê-su, bởi vì Chúa Giê-su không còn ở trên đất này.

Trong Ma-thi-ơ 10:20 Chúa Giê-su tuyên bố, “Vì chẳng phải các ngươi sẽ tự mình nói, bèn là Đức Thánh Linh của Cha các ngươi sẽ nói qua các ngươi.” Chúa Giê-su đang nói về thời điểm trong tương lai khi các môn đồ chịu sự bắt bớ và thử thách vì cớ Phúc âm. Thánh Linh của Cha (Đức Thánh Linh) sẽ dẫn dắt họ và đặt vào môi miệng họ đúng lời cần nói.

Ngay cả bây giờ khi tôi viết sách này, những lời này không phải là kết quả của sự hiểu biết hay kinh nghiệm của tôi. Thánh Linh của Cha đang dạy dỗ qua tôi. Tôi đã cố gắng giảng dạy bởi sức riêng của mình; tôi nói thật đấy, điều đó cuối cùng chỉ là thất bại thê thảm mà thôi. Ấy là bởi ân sủng của Ngài, sự mặc lấy quyền năng của Đức Thánh Linh, mà tôi mới có thể trở thành người như hiện tại. Tin mừng là Ngài chưa bao giờ để tôi “cạn tàu ráo máng” – Ngài luôn luôn xuất hiện. Khi tôi khiêm nhường phục mình dưới Thánh Linh của ân sủng (xem Hê-bơ-rơ 10:29), Ngài rất là thành tín biến những yếu đuối của tôi thành sức mạnh.

Ba ngôi làm việc như thế nào?

Khái niệm “ba trong một” này có thể rất khó hiểu bởi vì nó thách thức sự hiểu biết hữu hạn của con người. 1Cô-rinh-tô 12:5-7 đưa ra cho chúng ta sự hiểu biết về cách Ba Ngôi làm việc cùng nhau như Một.

Có nhiều cách phục vụ khác nhau, nhưng chỉ cùng một Chúa, có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng chỉ cùng một Đức Chúa Trời, Đấng làm mọi sự trong mọi người. Vì lợi ích chung, sự ban cho của Đức Thánh Linh thể hiện qua mỗi người khác. (1Cô-rinh-tô 12:5-7)

Khi chúng ta đọc phân đoạn này, chúng ta thấy rằng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh đều có những vai trò khác nhau. Chúa Cha vận hành hay khởi sự (câu 6), Chúa Con cai quản (câu 5), và Chúa Thánh Linh bày tỏ (câu 7); thế nhưng cả Ba Ngôi làm việc cùng nhau vì cùng một mục đích.

Nếu bạn và tôi xây một căn nhà, chúng ta cần phải làm gì? Chúng ta cần thuê một kiến trúc sư, một quản đốc và công nhân (nhà thầu phụ) để xây ngôi nhà. Trong phần minh họa này, Chúa Cha là kiến trúc sư, Chúa Giê-su là quản đốc và Thánh Linh là công nhân xây dựng ngôi nhà – Ngài là Đấng “bày tỏ” sự sáng tạo. Cả ba vai trò đều quan trọng trong việc xây dựng bất kỳ một căn nhà nào.

Ngón tay của Đức Chúa Trời

Chúng ta xem hai câu chuyện khác nhau của Kinh Thánh nhưng lại nói về cùng một sự việc. Chúa Giê-su vừa mới chữa lành một người đàn ông bị quỷ ám. Người ta rất ngạc nhiên, nhưng những người Pha-ri-si tự nhủ, Ông ấy chỉ cậy quyền của quỷ vương để trừ quỷ đó thôi (Xem Ma-thi-ơ 12:23-24). Trong câu 28 chúng ta đọc phản ứng của Chúa Giê-su với suy nghĩ của họ: “Nhưng nếu Ta cậy Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời để trừ quỷ, thì vương quốc Đức Chúa Trời đã đến với các ngươi.”

Lu-ca cũng ghi lại câu chuyện về lời tuyên bố này của Chúa Giê-su, nhưng hơi khác so với trong sách Ma-thi-ơ.

Lu-ca 11:20 nói, “Nhưng nếu Ta cậy ngón tay của Đức Chúa Trời để đuổi quỷ thì vương quốc Đức Chúa Trời đã đến với các ngươi.” Cả Lu-ca và Ma-thi-ơ đều nói đến Đức Thánh Linh. Giống như các trước giả thường làm, Lu-ca mô tả chức năng của Thánh Linh, chứ không phải là Thân Vị của Ngài. Chính vì vậy chúng ta có thể suy luận rằng Đức Thánh Linh có thể được miêu tả như là “Ngón tay của Đức Chúa Trời.”

Chức năng của Đức Thánh Linh không chỉ được nhận biết như là ngón tay của Đức Chúa Trời, mà cũng là cánh tay của Đức Chúa Trời, hay bàn tay của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh nói rằng Đức Chúa Trời đã giải cứu dân sự Ngài “bằng cánh tay quyền năng” (Thi Thiên 136:12). Thi Thiên 8:3 công bố, “Khi con lặng ngắm cõi trời cao, công việc của ngón tay Ngài, mặt trăng và các ngôi sao mà Ngài đã đặt trên không trung…” Hầu hết tín hữu không nhận ra rằng Đức Thánh Linh chính là Đấng đặt các ngôi sao và hành tinh trên các tầng trời; Ngài là Đấng bày tỏ tất cả sự sáng tạo. Trong Sáng Thế 1:2, “Thần của Đức Chúa Trời vận hành trên mặt nước.” Ngài chờ đợi Chúa Cha khởi sự. Sau đó Chúa Con phải quản trị bằng cách nói, “Hãy có sự sáng,” bởi vì Chúa Giê-su là Ngôi Lời của Đức Chúa Trời. Khi nói ra những lời, “Hãy có sự sáng,” Chúa Con quản trị ý muốn của Chúa Cha và Đức Thánh Linh tạo dựng theo những gì được phán ra.

Một trong những đoạn Kinh Thánh yêu thích của tôi nói về sự oai nghi lớn lao và vinh hiển của Thánh Linh Đức Chúa Trời là Ê-sai 40:12-15. Kinh Thánh nói:

Ai đã dùng lòng bàn tay lường nước biển, dùng gang tay đo các tầng trời, lấy cái đấu đong bụi đất? Ai lấy bàn cân cân núi lớn, hoặc dùng dĩa cân cân các đồi cao? Ai có thể hướng dẫn được Thần của Chúa, hoặc làm quân sư để chỉ dạy Ngài? Ngài đã tham khảo mưu kế của ai? Ai đã chỉ dạy Ngài? Ai đã dạy Ngài con đường công lý? Ai đã dạy Ngài tri thức vô biên? Ai đã chỉ Ngài đường nào để được trí tuệ? Nầy, các quốc gia khác nào giọt nước trong thùng, họ bị xem như chút bụi dính nơi đĩa cân; này, Ngài nhấc bổng các đảo như một vật bé nhỏ.

Trong câu 12 chúng ta thấy, “Đấng dùng gang tay đo các từng trời?” Bạn có thể thấy Đức Thánh Linh được nhận biết bởi chức năng của Ngài. Bạn hãy suy nghĩ về điều đó. Thánh Linh của Chúa kiểm soát toàn bộ đại dương. Bạn có thấy Ngài có năng lực mạnh mẽ hay không? Thế nhưng Ngài đã hạ mình xuống bằng cách đồng ý với Chúa Cha và Chúa Con để đến và cư ngụ trong chúng ta. Thật là một thực tại lạ lùng và đầy kinh ngạc!

Ngày 4

Thánh Linh là Đức Chúa Trời

Chúng ta xem vai trò của Thánh Linh trong sự sáng tạo con người. Chúng ta đọc, “Chúa Đức Chúa Trời dùng bụi đất nắn nên con người, rồi hà sinh khí vào lỗ mũi, con người trở nên một sinh vật có linh hồn” (Sáng Thế 2:7). Thánh Linh chính là Đấng đã nắn A-đam và hà hơi vào lỗ mũi của ông. Tại sao tôi biết điều này là đúng? Gióp 33:4 nói, “Thần của Đức Chúa Trời đã tạo nên tôi, hơi thở của Đấng Toàn Năng đã ban cho tôi sự sống.” Đức Thánh Linh không chỉ nắn và thổi sự sống vào lỗ mũi của A-đam, Ngài cũng nắn và thổi sự sống vào trong bạn và tôi. Thi Thiên 139:13 nói, “Vì chính Ngài đã dựng nên hình hài của con, Ngài đã tạo thành con trong dạ của mẹ con.” Thật vậy, Thánh Linh Đức Chúa Trời tạo thành mọi thứ mà chúng ta thấy, vì Kinh Thánh nói, “Đức Chúa Trời vĩ đại tạo dựng mọi sự…” Sự sáng tạo mà chúng ta thấy được bày tỏ bởi vì Thánh Linh đã thi hành ước muốn sáng tạo của Chúa Cha.

Tôi hy vọng đó là bằng chứng để cho bạn thấy Đức Thánh Linh là Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy xem một số danh xưng khác nhau được dùng để nói về Thánh Linh trong Kinh Thánh. Ngài được gọi là:

  • Đức Thánh Linh (96 lần)
  • Thánh Linh của Chúa (28 lần)
  • Thánh Linh của Đức Chúa Trời (26 lần)
  • Thánh Linh đời đời (Hê-bơ-rơ 9:14)
  • Đấng giúp đỡ (Chúa Giê-su nói 4 lần trong Phúc Âm Giăng)
  • Đấng an ủi (được dùng trong bản dịch Kinh Thánh The Amplified Bible)
  • Đấng Thánh (Thi Thiên 78:41)
  • Chúa (2Cô-rinh-tô 3:17)
  • Thần lẽ thật (4 lần )
  • Thánh Linh của Đấng Christ (Rô-ma 8:9; 1 Phi-e-rơ 1:11)
  • Thánh Linh của Chúa Giê-su Christ (Phi-líp 1:19)
  • Thần mưu lược (Ê-sai 11:2)
  • Thần tri thức (Ê-sai 11:2)
  • Thần quyền năng (Ê-sai 11:2)
  • Thần thông sáng (Ê-sai 11:2)
  • Thần khôn ngoan (Ê-sai 11:2)
  • Thần kính sợ Chúa (Ê-sai 11:2)
  • Thánh Linh của Cha (Ma-thi-ơ 10:20)
  • Thánh Linh vinh hiển (1 Phi-e-rơ 4:14)
  • Thánh Linh ân sủng (Xa-cha-ri 12:10; Hê-bơ-rơ 10:29)
  • Linh phán xét (Ê-sai 4:4)
  • Linh thiêu đốt (Ê-sai 4:4)
  • Thánh Linh sự sống (Rô-ma 8:2)
  • Linh yêu thương (2Ti-mô-thê 1:7)
  • Linh quyền năng (2Ti-mô-thê 1:7)
  • Linh của tâm trí tỉnh táo (2Ti-mô-thê 1:7)
  • Linh tiên tri (Khải Thị 19:10)
  • Linh khải thị (Ê-phê-sô 1:17)
  • Linh thánh khiết (Rô-ma 1:4)
  • Thánh Linh của Đức Chúa Trời chí thánh (4 lần trong Đa-ni-ên)

Ngài thật xứng đáng, Ngài thật quyền năng và Ngài là Đấng lạ lùng!

Chúa Giê-su hoàn toàn lệ thuộc Thánh Linh

Chúa Giê-su hoàn toàn lệ thuộc Thánh Linh. Ngài được thụ thai bởi Thánh Linh, Ngài được Thánh Linh dạy dỗ, Ngài được Thánh Linh ban cho quyền năng tại sông Giô-đanh, Ngài không làm một phép lạ nào cho đến khi Ngài được báp-tem bằng Thánh Linh (Xem câu chuyện của Giăng nói về phép lạ đầu tiên mà Chúa Giê-su đã làm tại Ca-na-an xứ Ga-li-lê: Giăng 1:29-34 và 2:1-11). Ngài được Thánh Linh hướng dẫn, Ngài chỉ nói những gì Ngài nghe Thánh Linh nói.

Trong Giăng 14:10 Chúa Giê-su phán, “Những lời Ta nói với các ngươi chẳng phải Ta tự nói, nhưng là Cha, Đấng ở trong Ta, đang làm việc của Ngài.” Chú ý Chúa Giê-su không nói “Cha ở trên trời.” Ngài phán, “Cha, Đấng ở trong Ta.”

Khoan đã mục sư John ơi, ý ông là Chúa Giê-su đang nói đến Thánh Linh như là Cha của Ngài? Tại sao lại không chứ? Hãy nghe những gì thiên sứ nói với Giô-sép: “Chớ ngại lấy Ma-ri làm vợ, vì thai nhi trong dạ nàng đã được thụ thai bởi Đức Thánh Linh” (Ma-thi-ơ 1:20). Chúa Giê-su được thụ thai bởi Thánh Linh, nên Ngài nói đến Thánh Linh như là “Cha, Đấng ở trong Ta.”

Sự thật thì Chúa Giê-su và Thánh Linh luôn luôn làm việc cùng nhau trong suốt thời gian Chúa Giê-su ở trên đất. Đúng vậy, Chúa Giê-su đã tuyên bố lời này: “Con không thể tự mình làm chi được” (Giăng 5:19). Nếu Chúa Giê-su – Con của Đức Chúa Trời – cần một sự cộng tác liên lục với Thánh Linh nhằm hoàn thành sứ mạng của Ngài, thì chúng ta lại càng cần Thánh Linh giúp đỡ chúng ta hoàn thành sứ mạng của mình.

Không ai biết Thánh Linh rõ hơn Chúa Giê-su. Chúng ta xem những gì Chúa Giê-su nói về vai trò, nhân cách, thuộc tính, quyền năng và những khả năng khác trong đời sống chúng ta. Trong Giăng 14:15-18, Chúa Giê-su công bố:

Nếu các ngươi yêu kính Ta, hãy vâng giữ các điều răn Ta. Ta sẽ cầu xin Cha, và Cha sẽ ban cho các ngươi một Đấng An Ủi khác, để Ngài có thể ở với các ngươi mãi mãi. Ngài là thần của sự thật mà thế gian không thể nhận lấy, vì thế gian không thấy Ngài và không biết Ngài, nhưng các ngươi biết Ngài, vì Ngài ở với các ngươi và sẽ ở trong các ngươi. Ta sẽ không bỏ các ngươi mồ côi đâu, Ta sẽ trở lại với các ngươi.

Có rất nhiều bài học quí báu trong phân đoạn này. Trước hết, bạn để ý Chúa Giê-su phán, “Nếu các ngươi yêu kính Ta, hãy vâng giữ các điều răn Ta.” Thật thú vị khi Chúa Giê-su dẫn nhập lời nhận xét của Ngài về Đức Thánh Linh bằng một sự nhắc nhở nhằm nhận biết thẩm quyền tối cao của Chúa Giê-su, quyền làm Chúa của Ngài.

Ngài nhấn mạnh việc chúng ta vâng giữ các điều răn của Ngài. Phi-e-rơ củng cố lẽ thật này: “Chúng tôi là nhân chứng cho các điều ấy, và Thánh Linh, Đấng đã ban cho những ai vâng lời Ngài, cũng làm chứng cho những điều ấy” (Công Vụ 5:32). Đức Chúa Trời ban Thánh Linh cho ai vâng lời Ngài.

Để ý Chúa Giê-su nói trong Giăng 14:16, “Ta sẽ cầu xin Cha, và Ngài sẽ ban cho các ngươi một Đấng An Ủi khác.” Chúng ta xem chữ khác trong tiếng Hy-lạp. Trong cả Tân Ước có hai chữ Hy-lạp được dịch là khác trong tiếng việt. Đó là heterosallos. Heteros có nghĩa “khác nhưng khác loại.” Allos có nghĩa là “khác nhưng cùng loại.” Câu hỏi chúng ta nên hỏi là, Chúa Giê-su dùng chữ nào ở đây ?

Trước khi tôi đưa cho bạn câu trả lời, tôi sẽ nêu ra một thí dụ minh họa sự khác biệt giữa hai chữ Hy-lạp này. Bạn hãy tưởng tượng cảnh này: Ví dụ tôi cho bạn một quả táo. Sau khi bạn ăn táo, tôi hỏi bạn, “Bạn có muốn ăn trái cây nào khác nữa không?”

Nếu bạn trả lời, “Muốn chứ!” và tôi đưa cho bạn một trái cam, tôi đã đưa cho bạn “một trái khác.” Do đó, tôi đã đưa cho bạn một loại trái cây khác. Cam là một loại trái cây, nhưng nó là một trái khác trái táo. Đây là thí dụ về chữ heteros.

Bây giờ nếu bạn xin thêm ít trái cây và tôi đưa cho bạn trái táo thứ hai, thì bạn sẽ nói tôi đã cho bạn cùng một loại trái cây. Đây là thí dụ về chữ allos.

Quay trở lại câu hỏi ban đầu. Khi Chúa Giê-su nói Cha sẽ ban cho chúng ta một Đấng Giúp Đỡ “khác”, thì Chúa đang dùng chữ gì? Ngài dùng chữ allos. Vậy Ngài nói, “Cha sẽ ban cho các ngươi một Đấng Giúp Đỡ khác giống như Ta.” Nói cách khác, Chúa Giê-su nói rằng Ngài và Đức Thánh Linh có bản chất giống nhau.

Ngày 5

Bạn đồng hành trọn đời

Một chữ khác mà Chúa Giê-su dùng trong Giăng 14:16 là chữ Đấng Giúp Đỡ. Chữ Hy-lạp là parakletos. Chúa Giê-su cũng được nói đến là parakletos trong một thư tín của Giăng: “Hỡi các con thơ của tôi…chúng ta có một Đấng Biện Hộ (parakletos) trước mặt Đức Chúa Cha, đó là Đức Chúa Giê-su Christ, Đấng Công Chính.” (1 Giăng 2:1). Cả Chúa Giê-su và Đức Thánh Linh đều thực hiện vai trò giúp đỡ hay parakletos. Vậy chữ Hy-lạp này có nghĩa gì? Trong tiếng bản ngữ của thời Chúa Giê-su, chữ này được dùng để mô tả một người luật sư biện hộ cho một vụ kiện của ai đó. Nó cũng được dùng để mô tả một người tư vấn riêng hay một huấn luyện viên – một huấn luyện viên về cuộc sống.

Parakletos được ghép từ hai chữ Hy-lạp, para kaleo. Para có nghĩa “rất gần gũi.” Phao-lô dùng chữ này để mô tả mối quan hệ của ông với Ti-mô-thê. Không có ai gần gũi Phao-lô hơn là sứ đồ Ti-mô-thê (Xem Phi-líp 2:20). Vợ tôi, Lisa, rất para với tôi. Không có ai trên đất này gần gũi tôi hơn là vợ tôi. Tôi dùng chữ đó để mô tả mối quan hệ của tôi với vợ tôi.

Chữ Hy-lạp thứ hai, kaleo, có nghĩa “vẫy gọi hay mời gọi.” Chữ này thường được dùng trong Kinh Thánh khi các sứ đồ mô tả sự kêu gọi của họ. Chẳng hạn, khi Phao-lô nói, “Tôi được kêu gọi trở thành sứ đồ cho dân ngoại,” ông dùng chữ Hy-lạp kaleo. Khái niệm về một “sự kêu gọi” liên tưởng đến định mệnh và hành động.

Khi chúng ta ghép hai chữ này lại, chúng ta sẽ hiểu biết hơn về những gì Chúa Giê-su đang nói. Về cơ bản, Ngài nói rằng Đức Thánh Linh được kêu gọi để gần gũi,

ở cạnh mỗi người trong chúng ta mãi mãi để huấn luyện, hướng dẫn, dạy dỗ và tư vấn trong hành trình của cuộc đời chúng ta. Đây là sự kêu gọi hay phận vụ của Ngài, Ngài mãi mãi đồng hành với chúng ta để giúp đỡ mà không bao giờ mệt mỏi! Chúa Giê-su nói rằng Đức Thánh Linh sẽ ở với chúng ta đời đời (Giăng 14:16). Ngài sẽ không bao giờ lìa hay bỏ chúng ta. Thật là một lời hứa tuyệt vời! Thực chất Chúa Giê-su muốn nói rằng Đức Thánh Linh sẽ tiếp nối chính công việc và sứ mạng của Ngài (Chúa Giê-su) trong cuộc đời của chúng ta.

Tôi hay nghe người ta nói, “Giá mà tôi có thể bước đi với Chúa Giê-su, tôi có thể hỏi Ngài nhiều câu hỏi.” Tại sao lại không trình dâng những câu hỏi đó cho Đức Thánh Linh? Đây là chỗ mấu chốt mà nhận thức của chúng ta về Đức Thánh Linh đóng vai trò quan trọng. Nếu chúng ta chỉ nhận biết Ngài như là một thực thể mơ hồ, chúng ta sẽ không đến với Ngài như một Đấng có khả năng dạy dỗ hay huấn luyện chúng ta. Đức Thánh Linh là Thần, chứ không phải là một thực thể. Nếu chúng ta thật sự tin Ngài như Kinh Thánh nói về Ngài, chúng ta sẽ đến với Ngài trong sự tôn kính, biết rằng Ngài là Đấng toàn tri và toàn năng, Đấng sẵn sàng và có khả năng dạy dỗ, giúp đỡ và huấn luyện chúng ta. Vâng, Ngài muốn nói chuyện thân mật với chúng ta.

Buồn thay, Đức Thánh Linh có lẽ là Thân Vị bị bỏ lơ hơn hết trong hội thánh. Có bao nhiều lần chúng ta nhóm lại nhưng Ngài không được tôn trọng hay thậm chí không được nhắc đến? Thường thì chúng ta sống hết buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều và thậm chí cả ngày mà không nói một lời nào với Đấng được kêu gọi để cư ngụ đời đời trong chúng ta và đồng đi với chúng ta?

Câu nói mở màn

Chúa Giê-su đã tuyên bố một câu nói đầy kinh ngạc trong Giăng 16:7: “Nhưng Ta nói thật với các ngươi…”

Trước khi chúng ta tiếp tục với phân đoạn này, tôi để một ít thì giờ để vẽ lên một bức tranh cho bạn. Chúa Giê-su đang nói với các môn đồ. Chúa đã ở với họ được ba năm. Mọi lời Ngài đã từng phán đều được ứng nghiệm. Ngài phán, “Hỡi sóng gió, hãy yên lặng,” và nó lặng yên. Ngài phán, “Các con sẽ tìm thấy một con lừa ở đó” và quả thật vậy, con lừa có ở đó. Ngài biết có một kẻ phản bội trong số các môn đệ Ngài ngay cả trước khi kẻ phản bội đó lộ diện. Ngài ra lệnh cho cây vả chết đi, và nó đã héo khô trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Mọi điều Chúa Giê-su phán đều ứng nghiệm, thế nhưng Ngài lại mở đầu câu nói này với những lời, “Tuy nhiên, Ta nói thật với các ngươi.” Về cơ bản, những gì Chúa Giê-su sắp nói đây sẽ làm các môn đồ sững sờ, nên Ngài cần phải đảm bảo rằng họ biết là Ngài nói sự thật với họ.

Chúa Giê-su nói gì đây? “Tuy nhiên, Ta nói thật với các ngươi. Ta đi là ích lợi cho các ngươi, vì nếu Ta không đi, Đấng An Ủi (parakletos) sẽ không đến với các ngươi, nhưng nếu Ta đi, Ta sẽ phái Ngài đến với các ngươi” (Giăng 16:7). Bản The New Living Translation dịch, “Ta đi là tốt nhất cho các ngươi.”

Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của các môn đồ. Người lãnh đạo của bạn, người mà bạn biết là Con Đức Chúa Trời, vừa mới nói cho bạn biết là Ngài cần phải đi xa khỏi bạn – và sự ra đi của Ngài là vì cớ lợi ích của bạn. Đối với tôi điều đó nghe thật vô lí quá. Nếu Ngài là Đức Chúa Trời thì việc Ngài ở lại sẽ đem lại lợi ích hơn cho bạn phải không nào? Tôi đoán chắc rằng các môn đồ cũng nghĩ tương tự. Cũng chính vì lý do này mà Chúa Giê-su mở đầu bằng câu, “Ta nói thật cùng các ngươi.”

Vậy tại sao Chúa Giê-su ra đi lại là tốt cho các môn đồ và cho các thế hệ tín hữu tương lai – gồm cả bạn và tôi? Hãy xem xét điều này. Nếu Chúa Giê-su không bao giờ lìa thế thì Đức Thánh Linh sẽ không bao giờ đến để đồng hành cùng chúng ta. Nếu tôi muốn nhận một điều gì đó từ Chúa Giê-su, tôi sẽ phải đi nhiều dặm chỉ để gặp Ngài. Hành trình của tôi có lẽ bắt đầu bay đến Tel Aviv (là phi trường nhộn nhịp nhất trên thế giới). Sau đó tôi phải thuê một chiếc xe hơi, lái đến Ga-li-lê và hy vọng tìm được một nơi ở tử tế (khách sạn thì chắc chắn là đầy rồi). Sau đó tôi phải tìm Chúa Giê-su. Sẽ rất là khó khăn bởi vì hàng triệu người đang chờ để nói chuyện với Ngài. Sau khi gặp được Ngài, tôi phải vượt qua cả một hàng dài vô số những người xếp hàng chờ, vì ai cũng muốn hỏi Chúa Giê-su câu hỏi nào đó hay trình dâng nhu cầu nào đó cho Ngài.

Bởi vì có một hàng dài nhiều người đang xếp hàng chờ, nên có lẽ tôi chỉ có tối đa là 60 giây nói chuyện với Chúa Giê-su. Tôi cần phải chuẩn bị câu hỏi hay nhu cầu trước. Và hãy nhớ, Ngài cũng cần ngủ nghỉ và ăn uống, nên Ngài có lẽ chỉ còn mười bốn giờ mỗi ngày để dành cho đoàn dân đông. Tính theo cách này, Chúa Giê-su chỉ có thể gặp 840 người một ngày nếu Ngài dành cho mỗi người 60 giây. Chính vì thế Chúa Giê-su phải mất 1,190 ngày (3.26 triệu năm) để gặp gỡ một triệu người. Nhưng hãy nhớ rằng sẽ có những người khác gia nhập vào dòng người – và chuyện gì xảy ra nếu phải bỏ qua một vài hàng khi có những người có nhu cầu cấp thiết? Những người này sẽ được ưu tiên trước, phải không nào? Tôi nghĩ đến đây chúng ta có thể đoán được để tiếp xúc được với Chúa Giê-su theo cách này hầu như là chuyện không tưởng.

Tin mừng là Thánh Linh luôn luôn ở đây với chúng ta. Ngài không cần phải ngủ nghỉ hay ăn uống. Ngài cùng một lúc có thể thực hiện hàng tỷ cuộc nói chuyện với hàng tỉ người khác nhau. Khi chúng ta để cho nhận thức của chúng ta về Thánh Linh hoàn toàn được biến đổi bởi lời Chúa thì chúng ta sẽ bắt đầu hiểu tại sao Chúa Giê-su lại phán, “Ta đi là ích lợi cho các ngươi.”

Hãy nhớ, Đức Thánh Linh cũng giống như Chúa Giê-su; Ngài dạy dỗ giống Chúa Giê-su, Ngài giảng giải những lẽ thật thuộc về Đức Chúa Trời giống Chúa Giê-su, và Ngài ở đây với chúng ta! Bạn có bắt đầu nhìn thấy Ngài thật diệu kỳ chưa? Ngay cả khi tôi đang viết những lời này, Thánh Linh vẫn mở mắt tôi thấy có nhiều cách mà tôi đã giới hạn tiếng phán và sự hiện diện của Ngài trong đời sống tôi. Một lần nữa, Ngài là Đấng hướng dẫn, Đấng tư vấn, Đấng bảo vệ và Đấng huấn luyện của chúng ta – chúng ta cần Ngài tham gia tích cực trong đời sống chúng ta!

Chương sau, chúng ta sẽ đào sâu về ý nghĩa của việc sống tương giao mật thiết với Đức Chúa Trời đáng kính.