Chương 2: Thân Vị Của Thánh Linh

Đức Thánh Linh

Đăng vào: 12 tháng trước

.


2


Thân Vị Của Thánh Linh

Nguyện xin ân sủng của Đức Chúa Giê-su Christ, tình yêu của Đức Chúa Trời, và tình bạn thân mật của Đức Thánh Linh ở với tất cả anh chị em.

2Cô-rinh-tô 13:14

Ngày 1

Để có được mối quan hệ thân mật với người khác, đầu tiên chúng ta phải tìm hiểu tính nết của người đó. Càng hiểu rõ về những gì người đó thích hay không thích, hiểu mục đích và đam mê của người đó sẽ giúp phát triển một tình bạn sâu sắc. Tương tự, nếu chúng ta muốn thân mật với Đức Thánh Linh, thì đầu tiên chúng ta phải tìm hiểu nhân cách của Ngài.

Như chúng ta đã thấy ở chương trước, Chúa Giê-su đã tuyên bố một câu gây sửng sốt với các môn đồ: “Ta đi là ích lợi cho các ngươi, vì nếu Ta không đi, Đấng giúp đỡ sẽ không đến với các ngươi; nhưng nếu Ta đi, Ta sẽ phái Ngài đến với các ngươi” (Giăng 16:7). Cũng chính Chúa Giê-su đã từng phán, “Ta sẽ mở miệng để kể chuyện ngụ ngôn; Ta sẽ nói ra những bí ẩn từ khi khai thiên lập địa” (Ma-thi-ơ 13:35). Giê-su, vị giáo sư vĩ đại nhất từng sống trên đất, Đấng đã khải thị những sự mầu nhiệm đã bịgiấu kín từ trước buổi sáng thế, đang cố gắng thuyết phục những môn đệ thân cận nhất của Ngài rằng Thánh Linh của Đức Chúa Trời – không phải chính Chúa Giê-su hiện diện bằng thân xác – sẽ là người đồng hành tốt nhất của họ và của những kẻ tin thuộc nhiều thế hệ trong tương lai. Tôi không biết bạn thế nào, nhưng điều này khiến tôi muốn biết thêm về Đức Thánh Linh.

Chúng ta hãy bắt đầu xem 2Cô-rinh-tô 13:14.

Phao-lô nói:

Nguyện xin ân sủng của Chúa Giê-su Christ, và tình yêu thương của Đức Chúa Trời, và sự thông công của Đức Thánh Linh ở với hết thảy anh chị em.

Phao-lô nhấn mạnh những điểm nổi bật về mỗi thân vị Đức Chúa Trời Ba Ngôi. Ông bắt đầu với “Ân sủng của Chúa Giê-su Christ…” Là tín hữu, chúng ta không bao giờ quên địa vị ngay thẳng của chúng ta với Đức Chúa Trời – ấy chính là tảng đá cho mối quan hệ tuyệt vời này với Đức Thánh Linh – mối quan hệ đó sẽ không bao giờ có được nếu không bởi ân sủng của Chúa Cứu Thế Giê-su. Đây là ân sủng không ai có được nhờ việc làm hay công đức; đó là món quà sự sống của Ngài, bao gồm sự tha thứ, sự cứu chuộc và sự mặc lấy quyền năng.

Phao-lô nói tiếp, “…và tình yêu thương của Đức Chúa Trời…” Khi tôi nghĩ đến việc tôi yêu thương bốn con trai mình, tôi không thể nào tưởng tượng nổi cuộc sống này sẽ thế nào nếu chỉ có một đứa trong số chúng. Tuy nhiên, nếu tôi tưởng tượng là tôi chỉ có một đứa con trai trong số bốn đứa, rồi để nó chết thay cho kẻ thù của tôi – suy nghĩ này không thể nào hiểu nổi. Thế nhưng, chúng ta từng là kẻ thù của Đức Chúa Trời khi Ngài ban Con độc sanh Ngài cách miễn phí cho chúng ta (xem Rô-ma 5:10). Thậtlà một tình yêu diệu kỳ! Bạn không vui khi Chúa Cha yêu thương bạn sao? Dù trước đây chúng ta là kẻ thù của Ngài, bây giờ bạn là con của Ngài; vậy Ngài sẽ càng tuôn đổ tình yêu của Ngài trên bạn. Ngài yêu thương bạn một cách độc đáo và đầy trọn như chính con của Ngài vậy.

Tôi rất yêu thương các con của mình, thế nhưng khả năng yêu thương của tôi cũng như sự vui mừng của tôi ở nơi chúng không thể nào giống với tình yêu Đức Chúa Trời dành cho chúng ta. Lời Ngài công bố, “ Vì tôi tin chắc rằng dù sự chết hay sự sống, các thiên sứ hay các nhà cầm quyền, việc hiện tại hay việc tương lai, bất cứ quyền lực nào, dù những gì đến từ trời cao hay ra từ vực thẳm, hoặc bất cứ vật thọ tạo nào, cũng không thể tách rời chúng ta khỏi tình yêu của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê-su Christ, Chúa chúng ta.” (Rô-ma 8:38-39). Thật là một lời hứa tuyệt vời! Không có một điều nào có thể phân cách bạn khỏi tình yêu thương của Chúa Cha, bạn không biết ơn vì điều đó sao?

Bây giờ, chúng ta xem phần cuối của 2Cô-rinh-tô 13:14, hãy nhớ rằng đây là thư cuối cùng của Phao-lô gửi cho người Cô-rinh-tô. Cuốn sách này (thật ra là một bức thư) có sự khôn ngoan và khải thị rất đặc biệt. Tại sao Phao-lô, bởi sự hướng dẫn của Thánh Linh, lại chọn câu “Sự thông công của Thánh Linh ở với hết thảy anh chị em” làm câu kết của lá thư sâu sắc này? Chú ý là Phao-lô liên kết chữ thông công với Đức Thánh Linh. Là một người lớn lên trong nhà thờ Công Giáo, khi tôi thấy chữ thông công, tôi liền nghĩ tới bánh và rượu. Rõ ràng, đây không phải là điều mà Phao-lô đang nói tới. Vậy, “sự thông công của Đức Thánh Linh” có nghĩa gì? Nếu xem lại trong nguyên ngữ Hy-lạp, chúng ta sẽ thấy chữ Hy-lạp là koinonia. Sau đây là một số định nghĩa mà tôi tìm thấy về từ Hy-lạp này: sự thông công, bầu bạn, trao đổi, thân mật, cùng chia sẻ, giao lưu, hợp tác, cùng tham gia, liên

kết hỗ tương gẫn gũi. Đây là một danh sách dài và rất hay! Tôi sẽ chia thành ba phân loại:

  • Sự thông công
  • Sự hợp tác
  • Sự thân mật

Thông công có nghĩa là giao hảo

Nhiều từ điển định nghĩa giao hảo là “một mối quan hệ thân thiện, sự bầu bạn, cùng chia sẻ.” Những người bạn thân mật hay bạn bè kinh nghiệm sự giao hảo. Họ cùng chia sẻ với nhau, nói chuyện với nhau, và biết được chuyện gì đang xảy ra trong cuộc đời của người kia.

Như tôi đã nói trước đây, tôi rất thích chơi gôn. Khi tôi đi chơi một hiệp gôn, mấy người bạn thân thường cũng cùng tham gia. Cả hiệp đó chúng tôi nói chuyện với nhau. Đó là một trong những môi trường tốt nhất để có thời gian chất lượng bởi vì không có sự phân tâm. Trước đây, trong trường đại học khi chơi quần vợt tôi thấy rất là vui, nhưng vấn đề khi chơi quần vợt; tôi không thể nói chuyện với đối thủ của mình. Một trong những lý do chính tôi thích gôn là tôi có thể chuyện trò với những đối thủ cạnh tranh. Tôi đã phát triển những mối quan hệ càng thêm gần gũi trên sân gôn hơn bất cứ nơi nào khác. Đó là chỗ “sự giao hảo” của tôi diễn ra. Bây giờ thì chắc bạn có thể hiểu tại sao tôi thật sự muốn vợ tôi cùng chơi gôn – bởi vì không có một người nào trên hành tinh này làm bạn đồng hành của tôi cho bằng vợ tôi.

Tương tự, một số người bạn thân của tôi là thành viên đội ngũ the Messenger International. Chúng tôi thường xuyên thảo luận những dự định, thách thức và mục tiêu của mình. Tôi rất tin cậy vào tính chuyên môn và tìnhbạn của họ. Không có những người nam, người nữ tuyệt vời này, không biết hôm nay tôi có làm được trò trống gì hay không. Chúng tôi luôn luôn dành thời gian cho nhau; nếu không có sự giao hảo liên tục này thì sẽ không thể nào điều hành sứ mạng của Messenger International với mục tiêu dạy dỗ, truyền giảng và giải cứu.

Trong Kinh Thánh rõ ràng là các sứ đồ hoàn toàn lệ thuộc vào sự thông công của họ với Đức Thánh Linh. Trong Công Vụ chúng ta thấy, “Giờ đây, được Thánh Linh ràng buộc, tôi đang trên đường về Giê-ru-sa-lem và không biết điều gì sẽ xảy ra cho mình tại đó, ngoại trừ Thánh Linh xác chứng cho tôi biết rằng, trong mỗi thành, xiềng xích và hoạn nạn đang chờ đợi tôi.” Phao-lô chuyện trò với Thánh Linh về những gì chờ đợi ông ở phía trước. Chú ý Đức Thánh Linh không nói cho ông biết rằng ngục tù và gian khổ đang chờ đợi ông trong một thành phố. Nhưng, bởi nhờ sự thông công thường xuyên với Thánh Linh, Phao-lô biết sự gian khổ đang chờ đợi ông từ thành này đến thành kia.

Tôi không biết bạn thế nào, nhưng nếu người đồng hành của tôi – người mà tôi có sự thông công thân mật– liên tục nói cho tôi rằng sự gian khổ đang chờ đợi tôi mọi nơi tôi đi đến, thì chắc chắn tôi sẽ bắt đầu hỏi người ấy. Tôi sẽ nói đại loại như, “Bộ anh thay đổi suy nghĩ rồi sao?” hay “Chuyện này có thể thay đổi một chút được không,” hay “Sao không gặp một vài trục trặc thay vì phải chịu khổ?” Đức Thánh Linh không vui mừng gì khi Phao-lô chịu khổ, nhưng Ngài chuẩn bị trước cho Phao-lô về những gì đang chờ ông phía trước, và Ngài có thực hiện điều này bởi vì họ có sự thông công thân mật.

Có những lúc Đức Thánh Linh đã nói cho tôi những sự mà tôi không hề muốn nghe. Tôi liên tục hỏi Ngài về những sự đó (Hy vọng Ngài sẽ trả lời khác đi), nhưng ngày qua ngày tôi đều nhận cùng một sứ điệp. Khi chúngta nói chuyện với Đức Thánh Linh theo cách này, thì Ngài chỉ yên lặng mà thôi. Giống như Ngài đang nói, “Ta đã nói điều này cho con rất rõ ràng rồi, bây giờ con chọn lựa chấp nhận sự chỉ dẫn của Ta hay là không.” Được ở trong mối thông công gần gũi với Đức Thánh Linh có nghĩa sẽ có những lúc Ngài nói cho bạn những điều mà bạn không muốn nghe.

Trong Công Vụ 10 chúng ta thấy câu chuyện Phi-e-rơ nhận sự hướng dẫn theo cách này từ Đức Thánh Linh. Chúa đã ban cho Phi-e-rơ một khải tượng bày tỏ ý muốn của Ngài là sự cứu rỗi cũng dành cho dân ngoại nữa. Trong câu 19, chúng ta đọc, “Trong Khi Phi-e-rơ còn đang ngẫm nghĩ về khải tượng ấy, Đức Thánh Linh phán với ông: ‘Kìa có ba người đang tìm ngươi.’” Những người này đến hộ tống Phi-e-rơ tới nhà của một đội trưởng ngoại bang – một nơi mà Phi-e-rơ, một người Do-thái ngoan đạo, bình thường sẽ không bao giờ đi đến. Vì vậy, Thánh Linh đã nói rõ ràng với ông, “Con có mấy người đến thăm, và Ta muốn con đi với họ. Ta cần con làm việc này.” Đức Thánh Linh biết Phi-e-rơ sẽ không hồ hởi về sự dẫn dắt này, nhưng Ngài đưa ra lời chỉ dẫn mà không cần giải thích gì thêm.

Trong hai chương trước, chúng ta thấy một thí dụ về việc nhờ cậy Thánh Linh. “Bấy giờ một thiên sứ của Chúa nói với Phi-líp rằng, ‘Hãy đi xuống con đường dẫn về phía nam, tức con đường từ Giê-ru-sa-lem đi xuống Ga-xa’” (Công Vụ 8:26). Ở đây chúng ta thấy một thiên sứ của Chúa mang sự hướng dẫn đến Phi-líp. Kinh Thánh không nói là một thiên sứ đã hiện ra với Phi-líp.” Nhưng Kinh Thánh nói “một thiên sứ của Chúa nói với Phi-líp.” Mỗi bản dịch đều củng cố chi tiết này. Tại sao sự phân biệt này lại quan trọng? Qua phân đoạn này chúng ta có thể kết luận rằng Phi-líp có thể phân biệt giữa tiếng của thiên sứ và tiếng của Thánh Linh, bởi vì sau đó cũngtrong chương này Kinh Thánh nói, “Đức Thánh Linh nói với Phi-líp, ‘Hãy lại gần và bắt kịp chiếc xe đó’” (Công Vụ 8:29). Phi-líp rất là quen thuộc với tiếng của Thánh Linh tới mức ông có thể phân biệt tiếng của Thánh Linh và tiếng của một thiên sứ!

Tôi đã quá quen tiếng nói của vợ tôi đến độ tôi có thể xác định tiếng nàng bất cứ nơi nào, dù tôi không cần thấy nàng. Có thể chúng tôi bị phân cách trong một căn phòng đầy người, nhưng khi nàng nói, tôi sẽ nhận ra ngay tiếng nàng giữa nhiều tiếng nói khác trong phòng. Đây là cách các tín hữu đầu tiên nhận biết tiếng phán của Đức Thánh Linh. Tôi tưởng tượng khi Phi-líp kể chuyện này cho Lu-ca khi Lu-ca viết sách Công Vụ. Có lẽ Phi-líp nói, “Không anh Lu-ca ơi, không phải Thánh Linh phán với tôi trong thành đâu. Đó là một thiên sứ. Nhưng chính Thánh Linh đã phán với tôi hãy chạy theo xe ngựa.” Chúng ta có quen thuộc với tiếng của Ngài không? Hay có thể là có một sự gần gũi mật thiết với Đức Thánh Linh mà chúng ta vẫn chưa nếm biết được?

Khi Phi-líp ở trong đồng vắng, Đức Thánh Linh bảo ông hãy đuổi kịp một chiếc xe ngựa. Tại sao sự gặp gỡ này lại quan trọng? Quý ông trên xe ngựa là người có quyền lực đứng thứ ba trên toàn xứ Ê-thi-ô-pi. Bởi thẩm quyền và ảnh hưởng của ông, nên sự cứu rỗi của một người Ê-thi-ô-pi là một sự khởi đầu việc mở mang tin lành tại đất nước của ông. Nếu Phi-líp không nhạy bén với sự dẫn dắt của Thánh Linh thì ông đã bỏ lỡ một cơ hội lớn lao.

Vài chương sau, chúng ta thấy một câu chuyện khác liên hệ đến Ti-mô-thê, Phao-lô và Si-la :

Họ đi qua vùng Phơ-ry-ghi-a và Ga-la-ti, sau khi bị Đức Thánh Linh ngăn trở họ giảng đạo trong vùng A-si-a. Khi đến gần ranh giới của vùng My-si-a, họ muốn vào vùng Bi-thy-ni-a, nhưng ĐứcThánh Linh của Đức Chúa Giê-su không cho phép. (Công Vụ 16:6-7)

Chú ý Kinh Thánh nói họ đã bị Đức Thánh Linh “cấm” và “Đức Thánh Linh không cho phép.”

Bạn bắt đầu thấy có rất nhiều sự thông công xuất hiện giữa các tín hữu đầu tiên và Đức Thánh Linh không? Chẳng lẽ ngày nay việc này khác đi sao? Chúng ta có nhiều phương cách phục vụ Chúa tốt hơn mà không có Đức Thánh Linh ư? Phải chăng những lãnh đạo hội thánh đầu tiên dùng các phương pháp nguyên thủy bởi vì họ thiếu kỹ thuật hiện đại? Hoàn toàn không. Không phương pháp hay kỹ thuật nào có thể thay thế tiếng phán của Đức Thánh Linh. Những lãnh đạo ấy mong muốn Đức Thánh Linh can thiệp một cách thân mật vào trong đời sống họ, và họ tôn trọng và mời gọi sự hiện diện của Thánh Linh. Không có điều gì thay đổi cả. Ngày nay Đức Thánh Linh khao khát bước vào sự thông công thân mật tương tự với chúng ta.

Bạn có thể tưởng tượng vợ tôi và tôi cùng nhau để mỗi giờ trong ngày tại ngôi nhà của mình mà không nói một lời nào với nhau được không? Điều đó thật là lố bịch. Có ai lại muốn một hôn nhân như thế? Tôi yêu vợ và khát khao được gẫn gũi bên nàng. Tôi thích nghe nàng nói, tiếng nói của nàng như tiếng nhạc trong tôi vậy. Chúng tôi đã lấy nhau hơn ba mươi năm, nhưng nếu cô ấy độc thân (cảm tạ Chúa là cô ấy không độc thân), tôi sẽ theo đuổi cô ấy. Ngoài những người trên thế giới này, không nghi ngờ gì cô ấy là người tôi khát khao được gần gũi nhất. Tương tự, Đức Thánh Linh rất muốn ở trong mối thông công gần gũi với bạn.

Trong hai mươi bốn năm đi lại hầu việc Chúa tôi thường ở khách sạn, và tôi chưa bao giờ thấy chán. Làm sao tôi thấy chán khi tôi được ở với Chúa mỗi phút giây? Ngài ở trong phòng với tôi. Vì lý do này, tôi trân trọng thời gian tôi ở khách sạn. Theo định kỳ tôi thường nói,“Tôi không muốn dành thời gian với đội của tôi bởi vì tôi muốn ở riêng với Đức Thánh Linh.” Tôi thích nghe Ngài nói. Bạn đừng hiểu nhầm tôi, tôi thích gần gũi mọi người, đúng vậy, tôi rất thích điều đó. Tôi không phải là một tu sĩ hay là một người sống ẩn dật. Tôi yêu thương mọi người, nhưng tôi quý trọng thời gian (thông công) với Đức Thánh Linh.

Ngày 2

Thông công nghĩa là hợp tác

Từ ngữ tiếng Việt tiếp theo được dùng mô tả koinoniahợp tác. Chúng ta thấy một thí dụ về sự hợp tác trong sách Lu-ca: “Khi thả lưới xuống, họ bắt được rất nhiều cá đến nỗi các lưới gần đứt. Vì thế họ phải ra dấu cho các bạn chài ở chiếc thuyền khác đến giúp họ. Những người ấy đến, phụ kéo lưới lên, và đổ cá đầy hai thuyền, đến nỗi cả hai đều gần chìm” (Lu-ca 5:6-7). Chữ Hy-lạp “cộng tác” là metochos (một chữ đồng nghĩa với koinonia) được định nghĩa là “người hợp tác, người bạn hữu, người cộng sự.” Những người này là những người hợp tác làm ăn. Từ sự tương tác này, chúng ta hiểu ra rằng sự hợp tác tốt đòi hỏi cả truyền thông lẫn hành động. Họ phải ra dấu hiệu cho những người hợp tác với mình, và lúc đó những người hợp tác sẽ đến giúp.

Giờ thì chúng ta hãy xem một trong những câu Kinh Thánh gây sửng sốt nhất trong toàn bộ Tân Ước. Phao-lô viết, “Chúng tôi là người cùng làm với Đức Chúa Trời” (1Cô-rinh-tô 3:9). Điều đó không tuyệt vời sao? Tôi thích bản dịch Weymouth, dịch thế này, “Chúng tôi là bạn đồng lao làm việc cho Chúa và với Chúa.” Chúng ta đã được ban cho cơ hội để làm việc cho và với Đấng Sáng Tạo trờiđất. Nói cách khác, chúng ta cùng hợp tác làm việc với Đức Chúa Trời. Thật là một lời mời tuyệt vời!

Những người hợp tác hiệu quả sẽ cùng kề vài sát cánh với nhau. Tôi lớn lên gần hồ Mi-chi-gan, và tôi đã chèo thuyền rất nhiều. Tôi thích chiếc thuyền buồm của gia đình, mất hai năm học chèo tại trường và thậm chí là tham gia các cuộc đua. Tại một trong các cuộc đua của tôi, tôi được yêu cầu làm việc chung với một người đội trưởng tuyệt vời, ông có những người thủy thủ thuộc hạng giỏi nhất. Họ rất là vui khi tôi tham gia đội. Trong cuộc đua đầu tiên, tôi cảm thấy mình là một người khác khi ở trong nhóm. Người đội trưởng ra lệnh và thủy thủ đoàn hành động. Mỗi người biết chính xác mình phải làm gì, họ biết vị trí của mình trên chiếc thuyền. Nói cách khác, tôi rất vụng về. Dù tôi biết mình phải làm gì, nhưng tôi làm trọn vai trò của tôi. Các thành viên thủy thủ đoàn khác phải bổ khuyết vào để cho công việc nhịp nhàng trong lúc tôi vẫn còn học hỏi.

Việc cộng tác với Đức Thánh Linh giống như việc trở thành một thành viên trong thủy thủ đoàn. Bạn phải cùng làm việc với Ngài. Lần đầu tiên khi tôi giảng dạy lời Chúa trước mọi người, vợ tôi và những người bạn thân của cô đã ngủ gục ngay trên hàng ghế đầu tiên. Lúc đó, tôi đã không hòa nhịp với Đức Thánh Linh. Tôi phải mất nhiều thời gian, nhưng bây giờ tôi khám phá ra cách để hợp tác với Ngài khi tôi giảng dạy. Điều tương tự cũng diễn ra khi tôi viết lách. Tôi phải mất trọn một năm đầy vất vả khi tôi viết cuốn sách đầu tiên vì tôi phải học để cùng hợp tác làm việc với Ngài. Theo thời gian công việc viết lách trở nên dễ dàng hơn và nhanh hơn. Trong hai công việc này tôi học được rằng Ngài có vai trò của Ngài và tôi có vai trò của tôi – và Ngài muốn như thế!

Trong Công Vụ 15 chúng ta thấy một yếu tố của sự hợp tác vận hành. Các sứ đồ đang soạn thảo một lá thưđể gửi cho tất cả tín hữu dân ngoại. Trong lá thư họ nói, “Lấy làm tốt cho Thánh Linh và chúng tôi …” (Công Vụ 15:28). Chúng ta thấy sự hợp tác đang vận hành ở đây. Những lãnh đạo đã bày tỏ rõ cả quan điểm của Thánh Linh và quan điểm của họ về một tình huống nào đó. Cả hai bên tham gia vào việc đưa ra quyết định. Cả hai bên đều có vai trò của mình. Họ là những người cộng tác trong công việc của vương quốc.

Chúng ta thấy cùng ý tưởng cộng tác này trong Cựu Ước. Hãy nhớ khi Đức Chúa Trời đến với Áp-ra-ham tại cây sồi để nói về dự tính hủy diệt thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ (xem Sáng Thế 18). Đức Chúa Trời nhìn Áp-ra-ham là người cộng tác của Ngài. Đức Chúa Trời và Áp-ra-ham đi đến một vách đá và Chúa phán, “Ta đang xem xét việc tiêu diệt hai thành phố này, con nghĩ sao A-bra-ham?” (Diễn ý của tác giả). Áp-ra-ham rất lo bởi vì cháu trai ông đang sống tại một trong hai thành phố này. Sau khi cân nhắc, cuối cùng ông thuyết phục Đức Chúa Trời không hủy hiệt thành nếu trong thành có mười người công bình.

Đức Chúa Trời coi trọng lời góp ý của Áp-ra-ham. Thật ra, Chúa phán trong Sáng Thế 18:17, “Ta có nên giấu Áp-ra-ham những gì Ta sắp làm chăng?” Rõ ràng là Đức Chúa Trời muốn cập nhật cho Áp-ra-ham về những kế hoạch của Ngài. Tại sao? Bởi vì Áp-ra-ham có một sự thông công hay hợp tác gần gũi với Đức Chúa Trời.

Một trường hợp tương tự cũng được tìm thấy trong cuộc đời của Môi-se. Đức Chúa Trời phán với Môi-se, “Bây giờ ngươi cứ để mặc Ta, hầu cơn thịnh nộ của Ta sẽ bừng lên nghịch lại chúng, và Ta sẽ tiêu diệt chúng. Còn ngươi, Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn.”(Xuất Hành 32:10). Sau khi nghe điều này, Môi-se liền thuyết phục Chúa giảm bớt cơn thịnh nộ và thay đổi ý định của Ngài. Ngày nay chúng ta có thể dễ dàng đọc điều này và xem nhẹ những gì được viết ra. Nhưng hãy dừng lại vàsuy nghĩ về điều này: Môi-se có khả năng nhắc Chúa nhớ những gì tốt nhất cho cả đôi bên : cả Ngài lẫn dân sự của Ngài, ngay cả sau khi Chúa phán, “Hãy để Ta ra tay!” Chuyện này có được là vì Môi-se đã làm việc hợp tác gần gũi với Đức Chúa Trời.

Tại điểm này, điều quan trọng mà chúng ta cần nhận ra rằng Đức Chúa Trời là Đấng Toàn Năng và Ngài lúc nào cũng đáng cho chúng ta tôn kính. Chỉ bởi ân sủng và quyền năng của Ngài mà chúng ta có thể hợp tác với Ngài. Chúa đã chọn và cho phép chúng ta trở thành một phần trong chương trình và kế hoạch vĩ đại của Ngài. Nhưng qua sự chọn lựa đó mà Ngài đã ban cho chúng ta một đặc quyền thật lớn lao.

Đây là hai câu chuyện quan trọng từ Cựu Ước, nhưng sự thật thì Áp-ra-ham và Môi-se không có những gì mà chúng ta có ngày nay. Có những giây phút và trường hợp cụ thể những vị anh hùng đức tin này mới có thể hợp tác với Đức Chúa Trời theo cách này. Tuy nhiên, Đức Thánh Linh sống trong chúng ta hai mươi bốn giờ suốt bảy ngày. Chúng ta không cần chờ đợi Chúa viếng thăm chúng ta tại cây sồi hay leo lên núi Si-nai để nói chuyện với Ngài. Chúng ta có thể đến với Ngài mọi lúc. Và điều tuyệt vời nhất, Ngài khao khát cộng tác và làm việc với chúng ta – để hướng dẫn từng bước đường của chúng ta và lắng nghe những suy nghĩ của chúng ta.

Đức Thánh Linh không chỉ ở với chúng ta luôn luôn, Ngài cũng không bao giờ ngủ. Mới đây tôi thức dậy lúc 2h20 sáng và không thể ngủ tiếp bởi vì tôi rất vui về một ngày được hầu việc Chúa. Tôi thức dậy và nói chuyện với Đấng Cộng Tác của mình. Hãy đoán thử xem chuyện gì? Ngài luôn luôn thức. Thật là tuyệt vời! Ngài không phán, “John ơi, tại sao con lại đánh thức Ta?” Ngược lại, vợ tôi sẽ nói, “John, sao anh lại đánh thức em sớm vậy?” Nếu tôi đáp, “Anh chỉ muốn nói chuyện với em thôi mà,” cólẽ vợ tôi sẽ lấy gối mà đánh tôi. Cô ấy thích giấc ngủ của mình, nên tôi biết là không nên đánh thức cô ấy dậy (và vợ tôi cũng biết nếu đánh thức tôi dậy thì tôi cùng phản ứng tương tự). Nhưng Đức Thánh Linh chào đón sự đồng công của tôi bất cứ giờ nào. Ngài thích thú nói chuyện với tôi về ngày sắp tới, và đôi khi Ngài hé mở cho tôi về những điều sẽ xảy ra. Đây là lý do tôi thích bắt đầu mỗi ngày trong sự hiện diện của Ngài. Ngài là người cộng tác của tôi, và sự thông công của chúng tôi là một phần quan trọng trong ngày đó.

Điều quan trọng cần để ý là Đức Thánh Linh là Đấng cộng tác hàng đầu trong mối quan hệ này. Phao-lô nói với các lãnh đạo tại Ê-phê-sô, “Anh chị em hãy giữ lấy mình và cả đàn chiên mà Đức Thánh Linh đã lập anh chị em làm những người coi sóc. Hãy chăn giữ hội thánh của Đức Chúa Trời, là hội thánh mà Ngài đã mua bằng chính huyết Ngài.” (Công Vụ 20:28) Chú ý Phao-lô không nói, “Cả đàn chiên mà Đức Chúa Giê-su đã lập anh chị em làm những người coi sóc.” Câu này minh họa hoàn hảo sự cộng tác của Chúa Giê-su với Đức Thánh Linh. Chúa Giê-su đã mua chuộc Hội Thánh của Đức Chúa Trời “bằng chính huyết Ngài.” Đức Thánh Linh, thành viên của Đức Chúa Trời Ba Ngôi hiện đang cư ngụ trên đất này, chỉ định những người coi sóc hội thánh và quản trị mọi sự trong hội thánh. Ngài là Đấng quản lý – hay nói cách khác, Ngài là Đấng cộng tác hàng đầu. Phao-lô nhận thức rõ sự kiện rằng Đức Thánh Linh là Đấng ở với chúng ta và ở trong chúng ta.

Một ví dụ khác về trường hợp này được tìm thấy trong Công Vụ 13: “Đang khi họ thờ phượng Chúa và kiêng ăn, Đức Thánh Linh phán, ‘Hãy biệt riêng cho Ta Ba-na-ba và Sau-lơ để làm công việc Ta kêu gọi họ.’ . . . Vậy, do được Thánh Linh sai phái, Ba-na-ba và Sau-lơ đi xuống Sê-lơ-xi-a, từ đó họ xuống tàu đến đảo Chíp-rơ.” (câu 2

và 4). Một lần nữa, trong trường hợp này chúng ta thấy Đức Thánh Linh được xác định rõ ràng là Đấng cộng tác (trong sự thông công) với các sứ đồ. Hãy nhớ là Chúa Giê-su ở trên thiên đàng với Cha Ngài. Đức Thánh Linh đã được phái đến trên đất để cộng tác với chúng ta trong cuộc sống diệu kỳ này.

Ngày 3

Sự liên kết hỗ tương mật thiết

Chúng ta hãy xem lại 2Cô-rinh-tô 13:14: “Nguyện ân sủng của Đức Chúa Giê-su Christ, tình yêu thương của Đức Chúa Trời, và sự thông công của Đức Thánh Linh ở với hết thảy anh chị em.” Chúng ta đã định nghĩa thông công là “trò chuyện” và “cộng tác,” hãy xem hai câu Kinh Thánh này qua sự hiểu biết mới về hai từ ngữ trên. Bạn có nhận thấy tầm quan trọng câu nói của Phao-lô? Nhưng không chỉ dừng lại tại đó thôi. Chữ koinonia còn hàm nghĩa “sự liên kết hỗ tương mật thiết.”

Tôi sẽ không nói tuổi của tôi khi tôi đưa ra nhận xét này, nhưng khi tôi nghĩ về sự liên kết hỗ tương mật thiết, tôi nghĩ đến nhóm nhạc the Beatles. Lúc còn nhỏ (lúc đó nhóm the Beatles chưa tách ra), khi ai đó nói “Paul McCartney,” tôi liền nghĩ tới những thành viên khác của nhóm the Beatles: John Lennon, George Harrison và Ringo Starr. Lúc đó tôi thậm chí không nghĩ về the Beatles như các thành viên riêng lẻ; đơn giản họ là cả nhóm the Beatles.

Một thí dụ khác về sự liên kết hỗ tương mật thiết là nhóm the Three Stooges. Sẽ không có “three stoogers”nếu không có Moe, Larry, và Curly – cả ba người trong số họ. Một bản nhạc mà chỉ có một mình Moe trong đó thì thậtbuồn cười. Yếu tố khiến cho nhóm the Three Stooges vĩ đại chính là sức mạnh của mỗi thành viên. Họ lệ thuộc lẫn nhau.

Khi tôi nghĩ về người có sự liên kết hỗ tương mật thiết với Đức Thánh Linh, thì người đầu tiên xuất hiện trong tâm trí tôi chính là tiến sĩ David Yonggi Cho. Ông làm mục sư của một trong những hội thánh lớn nhất thế giới.

Tôi sẽ không bao giờ quên lần đầu tôi gặp ông trong những năm 1980. Đó là chuyến thăm đầu tiên của ông tại hội thánh nhà của tôi, và nhờ tôi làm nhân sự của hội thánh nên tôi có cơ hội tiếp đón các diễn giả của chúng tôi. Trước khi gặp tiến sỹ Cho, tôi đã làm nhân sự vài năm cho đến lúc tôi gặp tiến sĩ Cho, nên lúc đó tôi đã tiếp đón rất nhiều vị mục sư rồi. Tuy nhiên, sự gặp gỡ của tôi với tiến sĩ Cho là điều có một không hai. Khi ông lên xe của tôi, sự hiện diện của Chúa đến với ông. Tôi đã bật khóc gần như ngay lập tức; nước mắt chảy trên má tôi. Tôi cố kiềm chế, vì tôi không muốn làm ảnh hưởng ông trước lúc ông giảng, nhưng cuối cùng tôi cảm thấy được thúc dục để nói ra. Tôi nói nhỏ nhẹ, “Tiến sĩ Cho ơi, Đức Chúa Trời ở đây trong chiếc xe của chúng ta.” Ông mỉm cười và gật đầu: “Tôi biết.” Qua sự gặp gỡ này tôi hiểu được vì sao tiến sĩ Cho đã viết và giảng về sự thông công của ông với Đức Thánh Linh nhiều như vậy. Tôi đã nghe ông nói rằng ông cầu nguyện từ hai đến bốn tiếng đồng hồ mỗi ngày, chủ yếu là cầu nguyện trong Thánh Linh. Tiến sĩ Cho ưu tiên để thời gian chất lượng với Đức Thánh Linh; vì lý do này nên sự hiện diện của Đức Chúa Trời rất là mạnh mẽ trong cuộc đời của ông.

Vài năm trước đây tôi giảng về Đức Thánh Linh trong buổi nhóm sáng Chủ nhật tại một hội thánh lớn. Hôm đó, khi chúng tôi quay trở lại chuẩn bị cho buổi nhóm chiều, đáng lẽ ra sau giờ thờ phượng khoảng bốn mươi lăm phútthì tôi phải giảng. Thay vào đó, Đức Thánh Linh bắt đầu vận hành và người ta được chữa lành và được cứu rỗi. Trong hai tiếng đồng hồ người ta không đưa cho tôi chiếc mi-cro. Cuối cùng, trước khi họ nhường bục giảng cho tôi, vị mục sư (ông không phải là một người mềm mại hay yếu đuối) đến với tôi trong nước mắt và nói, “Anh John, trong tám năm tôi dẫn dắt hội thánh này, tôi chưa bao giờ cảm nhận sự hiện diện mạnh mẽ của Chúa đến như vậy!” Tôi lập tức nói, “Chẳng có gì tình cờ cả, sáng nay chúng ta đã nói về Đức Thánh Linh, và bất cứ khi nào anh nói về Ngài thì Ngài sẽ bày tỏ.” Điều này minh họa hoàn hảo cho những điều sẽ xảy ra khi bạn và tôi, ‘tín hữu bình thường,” bước đi trong sự liên kết hỗ tương mật thiết với Đức Thánh Linh.

Thông công có nghĩa là thân mật

Ý nghĩa cuối cùng của koinonia là “sự thân mật.” Thật ra đây là chữ mô tả hay nhất về việc Phao-lô dùng chữ koinonia trong 2 Cô-rinh-tô 13:14. Sự thân mật chỉ có thể được phát triển qua tình bạn hay mối quan hệ, nhưng nó còn vượt xa hơn ngụ ý của cả hai từ này. Sự thân mật đi sâu vào những suy nghĩ, những điều thầm kín và những khát khao của tấm lòng.

Bản Kinh Thánh The Message, chúng ta đọc, “Tình thiết hữu thân mật của Đức Thánh Linh ở với hết thảy anh chị em” (2Cô-rinh-tô 13:14). Tôi xem chữ thân mật là mức độ sâu sắc nhất của tình bạn. Đừng bao giờ quên rằng Đức Thánh Linh khát khao muốn làm bạn với bạn; Ngài mong mỏi sự hiệp thông của bạn. Gia-cơ 4:5 nói, “Đức Thánh Linh yêu chúng ta quá đến nỗi ghen tuông.” Ngài ghen tuông vì cớ bạn và khát khao bạn dành thời gian và sự chú ý cho Ngài. Bạn nghĩ thử xem: Đức Thánh Linh là Đức Chúa Trời, và không có điều gì có thể giấukhỏi Ngài. Sự tri thức, khôn ngoan và hiểu biết của Ngài là vô hạn – và Ngài khát khao khải thị chính mình Ngài cho bạn. Khi tôi biết hay hiểu về một điều gì đó có giá trị hay có tầm quan trọng, tôi rất muốn chia sẻ điều đó với những người gần gũi. Có lẽ bạn cũng giống như vậy, và Đức Thánh Linh cũng chẳng khác gì.

Thường các tín hữu cố gắng đến gần Chúa Giê-su bên ngoài mối quan hệ với Đức Thánh Linh. Điều này giống lỗi lầm mà người Pha-ri-si đã phạm. Họ nói với Chúa Giê-su, “Chúng tôi không phải là con ngoại tình. Chúng tôi chỉ có một Cha, đó là Đức Chúa Trời.’ Đức Chúa Giê-su nói với họ, ‘Nếu Đức Chúa Trời là Cha các ngươi, các ngươi đã yêu mến Ta rồi, vì Ta ra từ Đức Chúa Trời, và Ta từ Ngài đến, Ta không tự mình đến, nhưng Ngài đã sai Ta.’” (Giăng 8:41-42). Người Pha-ri-si muốn có một mối quan hệ với Đức Chúa Trời bên ngoài Chúa Giê-su. Họ không sẵn lòng chấp nhận rằng Đức Chúa Trời làm cách khác. Chúa Giê-su giải thích cho những người Pha-ri-si rằng Cha và Ngài là một. Đúng vậy, sau đó Chúa có phán, “Nếu các ngươi biết Ta các ngươi cũng biết Cha Ta” (Giăng 14:7). Nhưng người Pha-ri-si không chịu lắng nghe. Bởi vì, họ không sẵn lòng đến với Cha qua Con, họ thật sự không thể gần Chúa Cha.

Tương tự, Chúa Giê-su nói rõ ràng rằng Ngài không còn ở trên đất, và Đức Chúa Cha đã sai Đức Thánh Linh (Đấng giống Đấng Cứu Thế của chúng ta) để làm Đấng giúp đỡ chúng ta (Giăng 16:7). Đức Thánh Linh được sai đến để khải thị Chúa Giê-su, giống như Chúa Con được sai đến để khải thị Chúa Cha. Chúng ta phải nhớ rằng Đức Thánh Linh thích tôn vinh Chúa Giê-su. Cho nên nếu bạn muốn biết thêm về Chúa Giê-su, bạn phải dành thời gian với Đức Thánh Linh. Thánh Linh sẽ khải thị rõ ràng Chúa Giê-su cho bạn. Nhưng Đức Thánh Linh bày tỏ nơi nào Ngài được tôn trọng. Khi chúng ta tôn trọng Đức Thánh Linh, Ngài sẽ khải thị chính Ngài cho chúng ta, vàchúng ta sẽ vui hưởng sự hiện diện diệu kỳ lẫn nhận thức sâu xa hơn của Đấng khải thị.

Trong hơn ba mươi năm chức vụ, đối với chân lý này tôi chưa bao giờ thấy một ngoại lệ: người biết về Chúa Giê-su nhiều nhất là người thân mật với Đức Thánh Linh nhất. Điều này dễ hiểu thôi vì Thánh Linh là Đấng khải thị Chúa Giê-su cho chúng ta.

Hiểu biết thân vị của Thánh Linh

Để thân mật với ai đó, chúng ta phải tìm hiểu con người mà chúng ta muốn thân mật. Sự hiểu biết này sẽ tự nhiên thúc đẩy sự thông công của chúng ta và đem sự thân mật của chúng ta tới những mức độ sâu nhiệm hơn.

Tôi đối xử với cả bốn đứa con trai theo một cách giống nhau trong suốt một thời gian rất dài. Lẽ tự nhiên điều này gây ra một số vấn đề. Tại sao cách làm cha như thế sẽ không hiệu quả? Bởi vì mỗi đứa con trai của tôi có một cá tính độc đáo. Vợ tôi rất nhạy bén với điều này và đã dạy tôi cách để nhận ra những sự khác biệt giữa các con tôi. Tìm hiểu nét độc đáo ở mỗi đứa con trai tôi đã thúc đẩy mối quan hệ của tôi với các con tôi.

Bởi vì tôi rất thân mật với vợ tôi, tôi có thể hiểu cách cô ấy thể hiện chính mình. Vợ chồng tôi đã đạt tới sự thân mật này bởi vì chúng tôi đã cưới nhau hơn ba mươi năm, và sự thân mật là kết quả việc dành nhiều thời gian bên nhau. Vợ tôi chỉ liếc tôi một cái thì tôi có thể viết nhiều trang về những gì vợ tôi suy nghĩ. Có những lúc tôi có thể nói cho bạn biết vợ tôi muốn gì dù cô ấy không cần nói lời nào với tôi. Nếu bạn nói với tôi, “Anh John ơi, sáng nay tôi sẽ dọn thịt lợn xông khói, trứng và bột yến mạch,” thì tôi có thể quả quyết trả lời, “Anh biết không, vợ tôi không thích bột yến mạch hay thịt lợn xông khói.” Tôi không cần phải hỏi lại vợ tôi; tôi đã biết cô ấy không thích bộtyến mạch và thịt lợn xông khói. Đây là một thí dụ về những chuyện ngoài lề, nhưng điều tương tự cũng đúng về những vấn đề mang tính chất cá nhân hơn. Sự thân mật như thế không xảy ra trong chốc lát. Việc này phải được vun đắp trong nhiều năm nhờ sự thông công và để nhiều thời gian với nhau. Không ai biết rõ những gì vợ tôi thích hay không thích hơn tôi biết, và không ai biết rõ những gì tôi thích hay không thích hơn là vợ tôi biết. Tương tự, hiểu biết của chúng ta về Đức Thánh Linh phát triển khi chúng ta dâng mình thông công với Ngài và dành nhiều thời gian trong sự hiện diện của Ngài.

Ngày 4

Biết bản chất của Ngài

Trong Giăng chương 14 đến 16, Chúa Giê-su dùng các đại từ “Ngài,” “Chính Ngài” mười chín lần để nói về Đức Thánh Linh. Rõ ràng Đức Thánh Linh là một thân vị. Một lần nữa, khi gọi Ngài là một Thân Vị tôi không gọi Ngài là con người. Con người được tạo dựng theo ảnh tượng của Đức Chúa Trời. Điều này có nghĩa là những khía cạnh về những điều chúng ta xem là “nhân cách” thì trước hết đã hiện hữu nơi Đức Chúa Trời, nhưng Đức Chúa Trời không phải là ảnh tượng giống như chúng ta. Vì thế, có những khía cạnh về Thân Vị của Ngài mà sẽ không bao giờ hợp với “suy nghĩ hữu hạn” của con người.

Có một điều mà tôi phát hiện ra đã giúp tôi liên hệ và nói chuyện với Đức Thánh Linh. Khi tôi học các đại từ được dùng cho Đức Thánh Linh trong nguyên ngữ tiếng Hy-lạp, tôi thấy đại từ trong tiếng Hy-lạp thường được dùng cho Đức Thánh Linh là một đại từ trung tính (không nói rõ nam hay nữ). Đúng vậy, nó có thể đượcdùng cho cả nam và nữ trong khi chỉ miêu tả một người.

Chúng ta không có loại đại từ này trong tiếng Anh. Chúng ta có “anh ấy”, “cô ấy” và “nó”. Nó là một đại từ dành cho người hay vật. Anh ấy nói về nam, và cô ấy nói về nữ. Không có đại từ số ít, trung tính để miêu tả một người nam hay người nữ. Nhưng những đại từ trung tính có trong tiếng Hy-lạp, và ở trong Tân Ước, bạn sẽ thấy nó thường được dùng để nói về Đức Thánh Linh. Đại từ này nói về một hữu thể, chứ không phải một vật thể.

Trong Cựu Ước, bạn sẽ thấy điều tương tự. Trong nguyên ngữ tiếng Hê-bơ-rơ, có rất nhiều trường hợp hành động được gán cho Đức Thánh Linh lại có chức năng nữ tính (chứ không phải hình thể người nữ). Người Do-thái thường viết theo chức năng (tùy theo những gì mà người đó hay điều gì đó đã làm, chứ không phải mô tả ai đó hay điều gì đó). Không có chỗ nào trong Kinh Thánh Đức Thánh Linh được miêu tả như là một người nữ, nhưng một số hành động của Ngài mang tính nữ giới.

Đây là một chủ đề sâu nhiệm nên tôi không có đủ thời gian để giải bày ở đây, nhưng tôi sẽ nói rõ một điều: Tôi không nghĩ Đức Thánh Linh là một người nữ. Đúng vậy, để tôi viết lại điều này một cách trực diện hơn: Đức Thánh Linh không phải là một người nữ. Một số người dạy giáo lý này, tôi thấy giáo lý đó không có nền tảng và rất dễ gây bức xúc. Xin hãy loại ý niệm đó ra khỏi tâm trí bạn. Đức Thánh Linh không phải là một nữ thần.

Đây là điều tôi muốn nói. Chúng ta phải nhớ rằng Đức Chúa Trời không được tạo dựng theo ảnh tượng của chúng ta. Chúng ta đã được tạo dựng theo ảnh tượng của Ngài. Tôi biết điều này nghe rất là sơ học, những lẽ thật này rất quan trọng khi chúng ta tiếp tục loạt bài học này. Trong Sáng Thế 1:27 chúng ta đọc, “Vậy Đức Chúa Trời dựng lên loài người theo hình ảnh Ngài. Ngài dựng nên loài người theo hình ảnh Đức Chúa Trời. Ngài dựng nênngười nam và người nữ.” Các bản dịch khác dịch “Đức Chúa Trời tạo dựng con người” hay “loài người.” Riêng cá nhân tôi nghĩ “nhân loại” hay “loài người” là cách dịch hay nhất. Nên trong Sáng Thế chúng ta học biết rằng Đức Chúa trời đã tạo dựng người nam và người nữ theo ảnh tượng của Ngài. Câu hỏi cần đưa ra là, nếu Ngài tạo dựng cả người nam và người nữ theo ảnh tượng của Ngài, lẽ nào điều này không có nghĩa là những đặc điểm mà chúng ta coi là “nữ tính” có nguồn gốc nơi Đức Chúa Trời sao? Phải chăng hữu thể Đức Thánh Linh vượt trỗi hơn sự hiểu biết của chúng ta về nam hay là nữ? Có thể là vậy, vì cả người nam và người nữ đều được tạo dựng theo ảnh tượng của Đức Chúa Trời.

Tôi đoán chắc bạn đã thấy tôi nói về Đức Thánh Linh là “Ngài” hay “chính Ngài” trong cuốn sách này, và tôi sẽ tiếp tục làm như thế. Khái niệm Đức Thánh Linh có những thuộc tính mà chúng ta cho là nữ tính – có thể rất phức tạp và gây bối rối cho người nói tiếng Việt. Nên tại sao tôi lại viết về điều này? Tôi sẽ không đề cập đến chủ đề này nếu tôi không tin rằng nó có thể gia tăng sự hiểu biết của bạn về Đức Thánh Linh và mối quan hệ của bạn với Đức Thánh Linh.

Ngài dịu dàng và mềm mại

Tôi nói cho bạn một chút về bản thân của tôi trước khi tôi tiếp tục. Cha tôi là cựu chiến binh thế chiến thứ hai. Ông chín mươi ba tuổi, và tôi rất yêu thương ông. Cha đã dạy tôi nhiều điều rất bổ ích cho tôi trong cuộc đời. Tuy nhiên, một điều mà ông không làm đó là chuẩn bị cho tôi cách để lấy một người nữ làm vợ. Phi-e-rơ đã từng nói, “Anh em là những người chồng cũng vậy, hãy sống với nàng với ý thức rằng nàng là phái yếu; vậy hãy quý trọng nàng như người chung hưởng ơn phước của sự sống với anh em,làm như thế lời cầu nguyện của anh em sẽ không bị ngăn trở” (1Phi-e-rơ 3:7). Khi tôi cưới Li-sa, tôi đã không đối xử với nàng bằng “sự hiểu biết.” Li-sa là mối tình đầu của đời tôi. Tôi đã không có tình bạn thân mật nào với người phụ nữ nào khác trước cô ấy. Nên tôi đã đối xử với nàng giống như một người nam. Như bạn thấy đó, cách tiếp cận này không thành công chút nào. Tôi đã phải học cách tương tác với nàng: một phụ nữ.

Một điều mà tôi phải học là học cách nói chuyện với Li-sa bằng sự mềm mại. Thật đáng tiếc, có những lúc tôi cũng đã to tiếng với các thành viên trong gia đình mình. Cảm tạ Chúa, Đức Thánh Linh cáo trách tôi, và sau đó tôi có thể xin lỗi và sửa sai. Một lần nọ tôi đã gặp rắc rối với đứa con trai, và tôi phải đến xin lỗi với con tôi.

Con tôi cũng liền tha thứ cho tôi, và mọi sự đều ổn thỏa giữa hai cha con. Đối với vợ tôi, đó lại là một chuyện khác. Cô ấy buồn tôi trong vài ngày bởi vì tôi đã nói năng cay nghiệt với con tôi. Đây không phải là vấn đề vấp phạm mà là bản tính nhạy cảm tự nhiên của vợ tôi trong các mối quan hệ. Tôi và người con trai làm hòa gần như ngay lập tức, nhưng tôi phải sửa sai một số điều để phục hồi sự thông công với vợ. Hai ngày sau việc đó, nàng nói với tôi, “Em vẫn còn choáng cách anh nói chuyện với con.” Tôi học được rằng đây là một ân tứ trong vợ tôi. Như nhiều phụ nữ khác, nàng rất chú trọng mối quan hệ và bảo vệ những người gần gũi.

Phải chăng Đức Thánh Linh cũng có sức mạnh vĩ đại này trong mối quan hệ mà chúng ta thường xem là nữ tính? Kinh Thánh nói, “Đừng làm buồn Thánh Linh của Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 4:30). Rick Renner chỉ ra trong cuốn sách Sparkling Gems from the Greek, thì chữ được dịch là làm buồn ở đây có ý nghĩa “nỗi đau đớn và buồn thảm.” Nó xuất phát từ một chữ nói về sự đau đớn mà chỉ có thể kinh nghiệm giữa hai người thật sự rất yêu thươngnhau. Cho nên, điều quan trọng mà ông Phao-lô nói là, “Đừng làm tổn thương Đấng mà rất yêu thương bạn.” Nào chúng ta hãy đọc câu Kinh Thánh theo mạch văn:

Đừng có một lời dữ nào thoát ra từ miệng anh chị em, nhưng khi cần, chỉ nói những lời có ích cho sự gây dựng, đem ân lành đến cho người nghe. Xin anh chị em đừng làm buồn Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời, vì nhờ Ngài anh chị em được đóng ấn niêm phong cho ngày cứu chuộc. Hãy loại bỏ khỏi anh chị em những sự cay đắng, giận dữ, thịnh nộ, la lối, vu khống, cùng tất cả những tật xấu. Hãy đối xử với nhau cách nhân từ, hãy thương xót nhau và tha thứ nhau, như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh chị em trong Đấng Christ vậy. (Ê-phê-sô 4:29-32)

Bạn có thấy sự mềm mại của Đức Thánh Linh?

Mềm mại thật sự là một sức mạnh đáng ngưỡng mộ. Phao-lô muốn chúng ta phải có tấm lòng mềm mại. Nếu tôi muốn vui hưởng mối quan hệ lành mạnh, đầy sức sống với vợ, thì tôi phải có tấm lòng mềm mại và cũng nói năng cách mềm mại với những đứa con trai tôi. Tương tự, để vui hưởng mối quan hệ lành mạnh, đầy sức sống với Đức Thánh Linh, thì chúng ta phải nhạy bén với những điều làm cho Ngài buồn lòng. Thật là thú vị khi Phao-lô đồng hóa việc làm cho Thánh Linh buồn với những hành vi sau: Lời dữ, thịnh nộ, giận dữ, lời cay nghiệt,vu khống. Rất giống việc vợ tôi buồn bởi những hành vi tương tự. Một lần nữa, đây há không phải bằng chứng Đức Thánh Linh sở hữu sức mạnh vĩ đại trong mối quan hệ mà chúng ta xem là nữ tính hay sao?

Chú ý Phao-lô không nói, “Đừng làm buồn Chúa Giê-su.” Tương tự, ông không nói, “Đừng làm buồn Đức ChúaCha.” Ông nói rất cụ thể, “Đừng làm buồn Đức Thánh Linh.” Đức Thánh Linh đã biến tấm lòng chúng ta làm nơi ngự của Ngài. Chúng ta đi đâu Ngài theo đó; đó là một sự kết hiệp thân mật. Chính vì vậy, Ngài bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những gì chúng ta cho phép bước vào đời sống của mình.

Chúng ta xem xét điều này từ một góc cạnh khác. Nếu ai đó rủa sả tôi, đó không phải là một vấn đề lớn. Nhưng nếu ai đó rủa sả vợ tôi, thì họ gặp rắc rối rồi đó. Chúa Giê-su cũng nói điều tương tự, “Kẻ nào nói phạm đến Con Người sẽ được tha thứ, nhưng ai nói phạm đến Đức Thánh Linh sẽ không được tha thứ, dù trong đời này hay trong đời sau.” (Ma-thi-ơ 12:32). Không thú vị sao khi Cha, Đức Chúa Trời (được khải thị qua Con là Đấng chỉ nói về ý muốn của Cha Ngài) lại bảo vệ Đức Thánh Linh? Cách chúng ta quan hệ với Chúa Giê-su hay Chính Cha thì Chúa Cha không đưa ra sự bảo vệ như thế, nhưng Ngài lại bảo vệ Đức Thánh Linh.

Mối quan hệ giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh là một sự huyền nhiệm mà chúng ta sẽ không bao giờ hiểu trọn. Thật thú vị khi ghi nhận sự khác biệt này trong mối quan hệ của chúng ta với Đức Thánh Linh. Sự tương tác của chúng ta với Ngài phải được trân trọng và bảo vệ. Điều quan trọng cần nhớ là chúng ta có thể làm cho Ngài buồn, thậm chí có lúc làm cho Ngài rất buồn. Tại sao điều này lại quan trọng trong mối quan hệ của chúng ta đối với Ngài? Bởi vì sự bày tỏ về sự hiện diện của Ngài trong cuộc đời bạn sẽ bị cản trở nếu bạn thiếu sự hiểu biết về cách bạn liên hệ với Ngài.

Ngày 5

Thánh Linh nhạy cảm mà mạnh mẽ

Đức Thánh Linh được gọi là Đấng An Ủi, đúng không nào? Khi một đứa con bị tổn thương thì chúng sẽ chạy đến với ai? Chúng chạy đến với mẹ. Theo quan điểm này, một số tiểu bang ở Mỹ đã tạo các chính sách nhấn mạnh vai trò của các nữ nhân viên văn phòng trong việc giải quyết tội phạm vị thành niên. Bang Hawaii có một chính sách khích lệ nhân viên nữ là người đầu tiên tiếp xúc với một người vị thành viên vừa mới bị bắt. Họ biết được rằng những người vị thành niên này đáp ứng với nữ nhân viên tốt hơn. Phụ nữ, một cách tự nhiên, thể hiện một khả năng an ủi và dỗ dành bẩm sinh. Một lần nữa, khi nói những điều này, tôi không có nói Thánh Linh là một phụ nữ.

Theo một số cách nào đó, tôi so sánh Đức Thánh Linh với vua Đa-vít. Bạn có chú ý thấy Đa-vít rất mềm mại không? Ông rất nhạy cảm và đầy lòng trắc ẩn không? Khi Áp-sa-lôm chết, ông đã than khóc mặc dầu ông là người chỉ thị cho quân lính kết thúc sự nổi loạn của Áp-sa-lôm (xem 2Sa-mu-ên 19). Trong rất nhiều trường hợp chúng ta thấy Đa-vít khóc than và viết những bài ca thương. Mối quan hệ của ông với Giô-na-than là một trong những câu chuyện hay nhất trong toàn bộ Kinh Thánh khi nói về tình bạn thân mật và gần gũi. Nhưng đừng bao giờ quên rằng Đa-vít là một chiến binh vĩ đại, người đã đánh bại một tên khổng lồ và giết hàng ngàn người. Ông là lãnh đạo của những người dũng sĩ – chắc chắn là nhóm chiến binh vĩ đại nhất trong lịch sử của Y-sơ-ra-ên (xem 2Sa-mu-ên 23). Trong một lần nọ, Đa-vít thậm chí đã lên kế hoạch để giết một người từ chối không đưa nước và thức ăn cho những người đi theo ông (xem 1Sa-mu-ên 25). Đa-

vít không phải là một người yếu đuối; ông là một chiến binh. Nhưng ông là người rất nhạy cảm và mềm mại.

Để tôi nhắc lại cho bạn rằng Đức Thánh Linh cũng được gọi là Thánh Linh quyền năng (xem Ê-sai 11:2). Ngài là Đấng Toàn Năng, Ngài không yếu đuối hay bất lực. Nhưng cùng lúc, Ngài rất là tốt bụng và cảm nhận mọi sự một cách sâu sắc. Chúng ta có thể làm cho Ngài buồn bởi hành động hay lời nói của chúng ta. Thật là một Đức Chúa Trời kỳ diệu!

Đừng sợ nếu bạn thấy khó hiểu hết bản chất đầy đủ của thân vị Đức Thánh Linh. Chúng ta phải luôn nhớ rằng thân vị của Ngài không thể nào hạn chế đối với sự hiểu biết của con người chúng ta. Tuy nhiên, Ngài hứa khải thị chính Ngài cho chúng ta nếu chúng ta đến gần Ngài. Thật là một lời mời tuyệt vời!

Như đã nói trước đây, tôi không có cách nào để miêu tả đầy đủ sự mầu nhiệm và vinh hiển của Đức Thánh Linh (xem 1Cô-rinh-tô 2:6-16). Mục đích của tôi đơn giản là giới thiệu bạn với Ngài để bạn có thể bắt đầu khám phá sự vĩ đại của Ngài và vui hưởng sự hiện diện của Ngài trong cuộc đời bạn.

Hãy cẩn thận đừng làm buồn Ngài

Gần đây tôi bớt xem truyền hình trong một thời gian dài. Sự thông công của tôi với Đức Chúa Trời rất là quyền năng khi tôi tắm mình trong sự cầu nguyện và trong Lời Ngài. Lần nọ tôi bước vào phòng khách nơi các con tôi đang xem phim. Đó không phải là một bộ phim có nội dung xấu, nhưng tôi bước vào trong lúc có cảnh một người đàn ông bị giết. Tôi rời căn phòng ngay lập tức. Bởi vì tôi đã trở nên rất nhạy cảm với Đức Thánh Linh trong những lần chúng tôi thông công với nhau, tôi có thể cảm thấy Ngài buồn vì những hình ảnh trên màn hình.

Chúng ta không được quên rằng Đức Thánh Linh cư ngụ đời đời trong chúng ta. Khi bạn xem một bộ phim, bạn đang đưa Ngài – Đức Chúa Trời của toàn vũ trụ, Đấng thánh khiết và quyền năng vô hạn – vào xem với bạn. Ngài luôn luôn ở với bạn bởi vì Ngài hứa không bao giờ bỏ hay lìa xa bạn. Nhưng bạn sẽ thấy rằng khi bạn kéo Ngài vào trong các tình huống làm Ngài buồn, thì đột nhiên Ngài sẽ im lặng.

Chúng ta nên đáp ứng lại thế nào khi chúng ta làm cho Thánh Linh buồn? Ngay lập tức chúng ta nên cầu xin sự tha thứ, nhưng đó phải là một lời xin lỗi sâu sắc, chân thành. Khi tôi làm cho vợ buồn, một lời xin lỗi kiểu “chúng ta sửa sai nhé” sẽ không bao giờ đem lại kết quả. Li-sa sẽ thấy ngay lòng dạ tôi. Nàng biết tôi chỉ muốn sống yên thân hơn là thành thật giải quyết vấn đề gây nên sự bất hòa trong sự thông công của chúng tôi. Li-sa không muốn định tội tôi nhưng muốn đảm bảo rằng không có điều gì gian xảo hay giả tạo về sự thông công của chúng tôi. Tương tự, Thánh Linh của Đức Chúa Trời ghen tị vì cớ chúng ta; Ngài không muốn sự thông công chỉ thể hiện ra mặt, nhưng là sự thân mật chân thành.

Đầu chương này tôi có nói đến một lần về việc tôi đã nói cay nghiệt với một đứa con trai của tôi. Vài ngày sau sự việc này, Đức Thánh Linh tiếp tục làm cho tôi nhớ lại trong lúc cầu nguyện ở phòng riêng. Đó không phải là một sự lên án mà là vấn đề thông công với nhau. Tôi đã không nhận ra rằng tôi đã làm buồn Ngài rất nhiều, và có đôi lần tôi xin Chúa tha thứ, nhưng việc làm này không được thúc đẩy bởi sự buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời. Tôi thật sự chỉ xin lỗi cho qua chuyện. Sự thúc giục liên tục, mềm mại của Ngài đã đem tôi tới chỗ buồn rầu sâu xa và thánh thiện, đây là điều cuối cùng dẫn tới sự thanh tẩy phần hồn tôi (tâm trí, ý chí và cảm xúc).

Phao-lô giải quyết hội thánh Cô-rinh-tô theo một cáchtương tự sau khi họ không vâng lời và gây nên sự tan vỡ trong mối quan hệ của họ với Đức Chúa Trời. Ông viết, (và khi bạn đọc lời Ngài, hãy nhớ rằng lời đó là từ Đức Thánh Linh Đức Chúa Trời):

Sự đau buồn theo ý Đức Chúa Trời đã tạo nên sự nhiệt tình cho anh chị em thế nào, rồi tiếp theo đó là biện minh, phẫn nộ, lo sợ, mong ước, nhiệt thành và sửa phạt. Trong mọi sự anh chị em đã chứng tỏ anh chị em trong sạch trong việc này. (2Cô-rinh-tô 7:11)

Cảm tạ Chúa chúng ta được tha thứ và thanh tẩy bởi huyết Chiên Con. Nhưng dù chúng ta, là những tín hữu đang đứng ngay thẳng trước mặt Chúa, vẫn phải tái lập sự thông công với Đức Thánh Linh khi chúng ta làm buồn lòng Ngài. Giống như Phao-lô đã làm với những người Cô-rinh-tô cho đến khi họ thật sự xin lỗi, nên Đức Thánh Linh kiên trì cáo trách chúng ta bởi vì Ngài ghen tị, Ngài muốn có sự thông công chân thành từ chúng ta. Sự buồn rầu theo ý Chúa mà tôi đã kinh nghiệm sản sinh ra một sự thành khẩn nhằm loại bỏ điều sai trái và một khao khát chân thành trong tâm hồn là được tái kết nối trong sự thông công. Cảm tạ Đức Chúa Trời vì Đức Thánh Linh rất nhanh tha thứ!

Bạn đừng bao giờ quên : Đức Thánh Linh rất mềm mại, có lòng trắc ẩn và sự an ủi (những đặc điểm chúng ta thường quy cho phụ nữ); nhưng Ngài cũng là Thần mạnh sức, quyền năng và giống như một chiến binh (những đặc điểm chúng ta thường quy cho đàn ông). Chúng ta phải học ngày càng nhiều về thân vị của Ngài nếu muốn kinh nghiệm sự thân mật với Ngài. Chúng ta cần kết nối với Ngài ở bình diện của Ngài. Khi chúng ta hiểu thêm về Đức Thánh Linh, chúng ta có thể kinh nghiệm sự thôngcông sâu nhiệm hơn với Đấng Toàn Năng.

Đôi khi tôi cố gắng nói chuyện về gôn với vợ tôi. Tôi nói những điều như, “Em ơi, em đoán thử xem? Hôm nay anh đánh được một cú 68!” Các con tôi sẽ thấy thích thú và nói, “Ba ơi, hãy đánh gôn như thế với chúng con!” Vợ tôi, ngược lại, sẽ thấy hứng thú hơn trong phần nói chuyện của tôi với những người bạn khi đang chơi gôn. Đó chính là điều làm cho nàng thích thú – các mối quan hệ. Nếu tôi muốn kết nối với vợ tôi theo mức độ của nàng, thì tôi cần nói chuyện về những điều khiến cho nàng thích thú. Tương tự, chúng ta phải khám phá điều gì làm cho Thánh Linh thích thú và vui lòng. Khi chúng ta khám phá sự vĩ đại của Ngài qua việc đọc lời Ngài và dành nhiều thời gian trong sự hiện diện của Ngài, Ngài sẽ chân thành khải thị chính Ngài cho chúng ta.