Đăng vào: 12 tháng trước
Vì chúng ta chiến đấu, không phải với người phàm, nhưng chống lại những kẻ lãnh đạo, giới thẩm quyền, và những bậc quyền thế của thế giới tối tăm này cùng những thần linh gian ác trên các tầng trời.
ÊPHÊSÔ 6:12
Khi tiến hành cuộc chiến thuộc linh, chúng ta phải nhớ rằng chúng ta đang chiến đấu với satan và các quỷ sứ, chứ không phải cùng thịt và huyết – tức con người.
Tôi muốn nói thêm rằng chúng ta không chiến đấu với những người xung quanh mà cũng không chiến đấu với bản thân chúng ta.
Có lẽ cuộc chiến khốc liệt nhất mà chúng ta tham gia là chiến đấu với chính chúng ta, tranh chiến với vị trí thuộc linh hiện tại của chúng ta so với vị trí cần phải đạt đến trong tương lai. Chúng ta tranh chiến với suy nghĩ rằng chúng ta cần phải thành đạt nhiều hơn trong đời so với những gì chúng ta hiện có; chúng ta có thể cảm thấy đang thất bại về tài chánh hay thất bại trong nhiều điều
khác. Nhưng có sự thật đó là chúng ta không thể thay đổi điều gì bởi sự bối rối và tranh chiến. Hãy nhớ chỉ có Chúa mới chiến trận và chiến thắng cho chúng ta. Mỗi cuộc chiến đều khác nhau, nhưng nó cũng là những cuộc chiến. Nên chúng ta phải đối phó với nó tương tự như những cuộc chiến khác.
Thật khó để chúng ta đạt đến chỗ vừa thành thật với chính mình về tội lỗi và thất bại của chúng ta mà cũng vừa biết rằng chúng ta vẫn còn công chính trước mặt Chúa bởi vì Chúa Giê-su đã khiến chúng ta được công chính khi Ngài chết thay cho chúng ta và sống lại từ kẻ chết. Việc chúng ta là ai trong Chúa khác với những gì chúng ta làm. Nên chúng ta phải nhìn hai vấn đề này theo hai cách khác nhau.
Ơn cứu rỗi là một phước hạnh lớn lao nhất của chúng ta. Tuy nhiên tôi cảm thấy có nhiều cơ đốc nhân được lên thiên đàng vì họ đã được tái sanh nhưng thật sự không hề vui hưởng cuộc hành trình về thiên quốc bởi vì họ chưa hề học để vui hưởng chính mình và chính Chúa.
Lý do những cơ đốc nhân này không hề vui hưởng chính mình là vì trong chính họ luôn có sự tranh chiến nội tâm về những khiếm khuyết của họ. Lý do họ chưa hề thoả thích Chúa là vì hầu như lúc nào họ cũng ngờ ngợ là Chúa không đẹp lòng họ, thậm chí là nổi giận với họ vì cớ những khiếm khuyết của họ. Họ lúc nào cũng vật lộn, lúc nào cũng tranh chiến, lúc nào cũng khắc khoải với chính họ.
Nếu bạn đang tranh chiến với chính mình thì lời này là lời của Chúa dành đặc biệt cho bạn.
CÓ PHẢI BẠN CHÍNH LÀ CƠN THỬ THÁCH CHO BẠN KHÔNG?
Có dạo tôi dạy đề tài “Có phải bạn chính là cơn thử thách cho bạn không ?”
Chúng ta thường hay nói về những thử thách của chúng ta, nhưng thử thách khốc liệt nhất là trong chính chúng ta. Chúng ta gặp rắc rối với chính chúng ta hơn là với ma quỷ hay người nào khác ở thế gian.
Chúng ta đã nói trước đây trong sách này về quyền năng của sự thờ phượng. Giờ chúng ta sẽ tiếp tục nghiên cứu cùng đề tài này, đặc biệt nói đến việc chúng ta được biến đổi thể nào khi chúng ta thờ phượng Chúa và chiêm ngưỡng Ngài – chứ không phải khi chúng ta nhìn bản thân mình, phát hiện thêm nhiều lỗi lầm của chúng ta – mà là khi chúng ta nhìn xem Ngài.
CHÚNG TA ĐANG THAY ĐỔI
Và tất cả chúng ta, với mặt trần không bị màn che, đều phản chiếu vinh quang của Chúa và được biến đổi theo hình ảnh Ngài từ vinh quang này đến vinh quang khác nhờ Chúa là Thánh Linh.
2CÔRINHTÔ 3:18
Tôi muốn thay đổi, và tôi đoan chắc bạn cũng muốn vậy. Tôi muốn thấy những thay đổi trong cách cư xử của tôi. Tôi muốn nhìn thấy sự tăng trưởng đều đều. Chẳng hạn, tôi muốn vững vàng hơn, tôi muốn bày tỏ tình yêu thương và các bông trái khác của Thánh Linh ở mức độ lớn hơn. Tôi muốn tử tế và tốt đẹp với mọi người, dù tôi
cảm thấy khó chịu hay gặp phải một ngày không may. Cho dù mọi thứ đang chống lại tôi và tôi không được như ý trong cuộc sống, tôi vẫn muốn được vững vàng và bày tỏ tâm tánh của Chúa Giê-su.
Nhưng chúng ta không thể tự mình làm được những việc này, chúng ta được ban cho Đấng Giúp đỡ là Thánh Linh để giúp chúng ta trong nỗ lực giống Chúa Giê-su. Hãy nhớ rằng chúng ta không thể tự mình làm bất cứ việc gì.
Nhờ quyền năng của Thánh Linh trong chúng ta, chúng ta có thể mềm mại, tử tế và tốt bụng, ngay cả khi chúng ta không được như ý. Chúng ta vẫn bình tĩnh khi mọi thứ quanh ta dường như đảo lộn, dường như nghịch lại chúng ta để khiến chúng ta mất kiên nhẫn rồi nổi giận và bực bội.
Cách đây vài năm con trai út của chúng tôi nhận được bằng lái xe. Chúng tôi đã giúp cháu mua chiếc xe hơi, và thật ra thì chiếc xe hơi đã nằm ở ga-ra rồi, chỉ chờ cháu đủ tuổi để lái, nên con trai tôi rất hăm hở muốn tự lái.
Sự thật thì như bất kỳ cậu thanh niên nào, con trai tôi dự định lái chiếc xe ngay đêm đầu tiên cháu có bằng lái. Cháu muốn lái xe đến buổi nhóm học Kinh Thánh tư gia ở một quận khác. Quãng đường này thật khá xa và nhà tôi bảo là nhà tôi không muốn cháu lái xe đến đó vì đường sá đầy tuyết phủ.
Cháu xin phép sau buổi học Kinh Thánh về nhà thì cháu muốn chạy thử có được không và chúng tôi đồng ý để cháu chạy thử. Tuy nhiên, lúc về nhà thì tuyết rơi dày hơn lúc đi nhóm, và một lần nữa, cháu quả thất vọng khi chúng tôi bảo cháu không thể lái xe chạy ra ngoài.
Con trai tôi rủ bạn nó ngủ lại đêm tối đó và các cháu dự tính mai dậy sớm và chạy thử xe. Lúc nhà tôi dậy và mặc đồ thì hai cháu đã đánh xe ra ngoài cổng và chuẩn bị chạy ra phố. Nhà tôi phải chạy xe ra phố xem trước khi hai cháu chạy xe ra sau. Khi chạy xe ra phố thì nhà tôi phát hiện đường rất trơn trượt do tuyết rơi nhiều. Nhà tôi gọi điện cho tôi và dặn tôi con trai tôi không được chạy xe ra phố. Tôi thật sự không muốn báo tin không vui, nên tôi đưa điện thoại cho con tôi nghe rằng nhà tôi bảo cháu phải ở nhà. Tất nhiên, con trai tôi rất thất vọng, và thậm chí còn nổi giận. Cháu muốn thực hiện ý đồ của cháu, mặc dù tôi đoan chắc là trong thâm tâm của cháu, cháu biết làm thế là không khôn ngoan.
Tôi kể cho bạn nghe câu chuyện này bởi vì đó là phản ứng thông thường của tất cả chúng ta khi chúng ta không được như ý. Chúng ta bức xúc và nổi khùng lên.
Tôi bảo con trai tôi hãy bình tĩnh lại. Tôi nói, “Đây chỉ mới là ngày đầu trong đời con. Con còn nhiều ngày khác nữa để lái xe của con.” Tôi cố gắng thuyết phục cháu là Chúa thử thách chúng ta và muốn kéo giãn chúng ta ra qua những thử thách này, thường là để chuẩn bị chúng ta cho những phước hạnh tương lai. Những lời khích lệ của tôi dường như không giúp gì nhiều cho cháu lúc đó, nhưng tôi biết rõ cháu sẽ cảm nhận thể nào bởi vì chính tôi cũng đã từng bị như thế hàng trăm lần rồi, và có lẽ bạn cũng vậy.
Một trong những mục tiêu cá nhân của tôi là luôn giữ sự mềm mại, cho dù tôi không vừa ý. Sau nhiều năm tôi đã cải thiện rất nhiều, nhưng tôi có thể làm chứng rằng
tôi sẽ không có chút tiến bộ tích cực nào cho đến khi tôi học biết rằng tôi không thể thay đổi chính mình. Tôi phải đến với Chúa và duy trì vị trí chờ đợi và thờ phượng Ngài và học để cho Ngài chiến trận thay cho tôi.
Tôi cần thay đổi rất nhiều. Lúc thiếu thời tôi đã bị lạm dụng về tình dục, về tâm trí và về tình cảm, và tôi gặp nhiều nan đề do hậu quả tôi bị đổi xử như thế. Trước đây tôi hay nổi loạn với những người trên tôi, đặc biệt là đàn ông. Tôi đã nhiễm thái độ xấu. Tôi không tin tưởng ai. Tôi cảm thấy tội nghiệp cho mình. Tôi rất dễ nổi cáu, chưa kể là nhiều nan đề khác nữa, và tôi cảm thấy như thể là đời này vẫn còn nợ tôi.
Đừng phí cuộc đời để cố lấy lại cho bằng được món nợ mà người ta không bao giờ trả nổi cho bạn. Chúa phán Ngài sẽ là Đấng Biện Minh, là Đấng Ban Thưởng và là Đấng Báo Trả lại cho chúng ta. Thật ra thì Ngài hứa ban cho chúng ta phước hạnh gấp đôi bù lại những thử thách mà chúng ta phải chịu trước đây, nhưng chúng ta phải tin cậy Ngài mà không cố gắng tự mình ra tay.
Thật đúng vậy, trước đây tôi có rất nhiều nan đề, nhưng khi ngẫm nghĩ lại những năm tháng qua tôi đã thay đổi nhiều. Nhà tôi sẵn sàng làm chứng về việc này. Khi chúng tôi mới lấy nhau vào năm 1966, nếu nhà tôi làm tôi giận, tôi sẽ không nói chuyện suốt hai ba tuần. Bây giờ thì tôi không thể chịu nổi nếu giận hơn vài phút. Tôi sinh trưởng trong một gia đình mà lớn nhỏ gì cũng bị cơn giận và sợ hãi kiểm soát, nên đó là cách phản ứng duy nhất mà tôi làm khi tôi không được như ý. Nhưng Chúa đã dạy tôi những phương cách mới để hành xử và phản ứng sao cho phải lẽ.
Tôi đã đổi khác rồi, nhưng phải nói là trước đây tôi đã đau khổ trong nhiều năm tháng tranh chiến với bản thân – tôi không ưa tôi chút nào, cảm thấy như Chúa đang nổi giận với tôi và buồn cho tôi. Tôi cảm thấy tội lỗi và lúc nào cũng bị định tội; điều này làm tôi rất khốn khổ. Chung quy lại tôi không giây phút nào thảnh thơi.
Tôi cố gắng thay đổi nhưng kết quả chẳng bao nhiêu, và rồi tôi đã học biết về ân sủng của Chúa rằng Ngài thay đổi chúng ta bởi ân sủng của Ngài, chứ không nhờ sự tranh chiến của chúng ta.
Khi ngẫm nghĩ lại những năm tháng qua, tôi nhận ra tôi đã đi được một quãng đường dài, nhưng những việc này xảy ra từng hồi từng lúc. Đó là cách Chúa thay đổi chúng ta. Ngài bày tỏ điều gì đó cho chúng ta và rồi chờ đợi cho đến khi chúng ta quyết định phó thác cho Ngài điều đó trước khi Ngài thể hiện tâm tính của Ngài trong chúng ta về lãnh vực đó.
Phải mất bao lâu chúng ta mới thay đổi thì còn tuỳ thuộc vào (1) việc chúng ta đồng ý với Chúa là chúng ta thật sự có nan đề như Ngài cho chúng ta biết sớm hay muộn; (2) việc chúng ta chấp dứt biện hộ hay đổ lỗi cho người khác nhanh hay chậm; (3) việc chúng ta dồn nỗ lực để thay đổi bản thân ít hay nhiều; (4) việc chúng ta để bao nhiêu thì giờ học Lời Chúa, chờ đợi và thờ phượng Ngài, tin rằng Ngài đang làm việc trong chúng ta đang khi chúng ta tìm kiếm Ngài.
Chúa luôn tìm cách làm việc trong chúng ta, trong gia đình và hoàn cảnh của chúng ta. Ngài là Đấng hằng có. Ngài có danh là “Đấng TỰ HỮU HẰNG HỮU.” Ngài
không phải là Đấng “ĐÃ HIỆN HỮU” hay Đấng “SẼ HIỆN HỮU” mà Ngài là Đấng “TỰ HỮU HẰNG HỮU” ngay bây giờ và sẵn sàng tác động trong đời sống chúng ta. Ngài là Đấng rất lịch thiệp và Ngài không áp đặt đường lối Ngài trong đời sống chúng ta; chúng ta phải mời Ngài. Khi chúng ta thanh thản dưới cánh tay quyền phép của Ngài, Ngài bắt đầu uốn nắn chúng ta theo ý định nguyên thuỷ của Ngài trước khi thế gian nhào nặn chúng ta. Ngài sẽ làm công việc này cách tốt đẹp nếu chúng ta đặt mình dưới cánh tay quyền phép của Ngài.
ĐỂ CHÚA TỰ DO LÀM
Chúng ta để Chúa tự do làm việc khi chúng ta khai phóng đức tin của chúng ta. Chúa có thể thay đổi bạn đang khi bạn đọc sách này, nếu bạn tin Ngài làm việc này. Ngài sẽ làm việc trong bạn lẫn hoàn cảnh của bạn đang khi bạn ngồi xuống trong sự hiện diện của Ngài và thoả thuê Ngài.
Chúng ta thường tranh chiến và vất vả để thay đổi bản thân. Đôi khi chúng ta nổi khùng với mình và thậm chí ghét cả bản thân do tình trạng hiện tại của chúng ta.
Con gái út của chúng tôi là Sanra đã được thay đổi lạ lùng khi lần đầu nghe tôi giảng sứ điệp “Cuộc Chiến Của Chúa.” Cháu nhận ra là cháu không tin cậy Chúa là Đấng thay đổi cháu. Cháu nổi giận với bản thân nhiều lần về những khiếm khuyết của cháu, nhưng cơn giận của cháu đã làm cho người khác nghĩ cháu giận với họ luôn. Cháu ghét tính nóng giận, cau cú và bực dọc, nhưng dường như cháu bất lực không thể thay đổi được mình cho đến khi cháu nghe sứ điệp này.
Cháu làm chứng rằng cháu bắt đầu khóc ròng rã khi nghe sứ điệp này trong một buổi nhóm mà tôi đã giảng lần đầu. Cháu nhận ra là cháu không có thờ phượng Chúa và tin cậy Ngài gì cả; trái lại, cháu muốn thay đổi bản thân để không thấy khó chịu và hãnh diện về điều đó. Cháu được tự do tối hôm đó và kể từ đó cháu đã áp dụng thành công các nguyên tắc này.
Một số người lại thái quá muốn cho ta đây là người hoàn hảo. Mỗi khi họ phạm lỗi lầm là họ đâm ra ghét chính họ. Ghét bản thân và không chấp nhận bản thân đã trở thành những nan đề trầm trọng đối với những người này. Thái độ này không chỉ gây ra những nan đề nơi họ và mối quan hệ của họ với Chúa mà còn gây ra những nan đề trong mối quan hệ với người khác. Mọi mối quan hệ của chúng ta đều bắt đầu trên nền tảng về cách chúng ta cảm nhận thế nào về bản thân. Nếu chúng ta không thích mình thì chúng ta sẽ không thích ai cả.
Tôi tin rằng vai trò của tôi là một giáo sư Kinh Thánh và là tác giả không chỉ giúp người ta thay đổi mà còn giúp họ học cách để vui hưởng cuộc hành trình dẫn họ tới đích. Thật ra thì tôi đã viết cả một quyển sách về chủ đề này. Để tìm hiểu thêm về cuốn sách này, xin hãy xem danh sách các sách của tác giả phía sau cuốn sách này.
Tôi nghĩ bi kịch lớn nhất trong đời là sống mà không vui hưởng cuộc sống gì cả. Nếu lúc nào bạn cũng tranh chiến với mình thì bạn chưa vui hưởng cuộc sống của bạn. Bởi vì Kinh Thánh nói chúng ta không tranh chiến với con người nên cuộc chiến của bạn không phải là với bản thân. Mà chính là với các thế lực và chủ quyền của ma quỷ đã dùng sự lừa dối xây các thành luỹ trong đời sống bạn nhiều năm qua. Những sự lừa dối này đang được phơi bày hằng ngày bởi lẽ thật trong Lời Chúa. Kinh Thánh nói lẽ thật sẽ giải thoát chúng ta nếu chúng ta tiếp tục ở trong lẽ thật. Hãy bám lấy chiến thuật của Chúa thì bạn sẽ thấy kết quả.
Chúa sẽ thay đổi chúng ta từ vinh quang đến vinh quang, nhưng đừng quên vui hưởng vinh quang mà bạn hiện đang có khi bạn đang hướng đến vinh quang kế tiếp. Đừng so sánh vinh quang bạn đang có với vinh quang của người khác hay của thành viên khác trong gia đình mà có vẻ được vinh quang hơn bạn. Mỗi chúng ta là những cá thể riêng biệt, và Chúa đối xử với mỗi chúng ta cách khác nhau, theo như những gì Ngài biết chúng ta cần và có thể đảm đương được.
Có lẽ bạn chưa thấy những thay đổi mỗi ngày, nhưng khi nhìn lại sau nhiều năm, bạn sẽ thấy những thay đổi rõ ràng trong chính bạn. Tôi muốn khích lệ đức tin của bạn là ngay cả khi bạn chưa thấy thay đổi nào, bạn vẫn tin là Chúa đang hành động như Ngài đã phán. Chúng ta phải giống như Êli nhất quyết không bỏ cuộc cho đến khi chúng ta thấy được kết quả. Khi ma quỷ hay ngay cả bạn bè nói với chúng ta rằng chúng ta không thay đổi gì cả, chúng ta cũng nên tiếp tục chờ đợi và thờ phượng Chúa mà bỏ qua những nhận xét tiêu cực của họ.
Hãy nhớ là thấy sau khi tin, không phải trước khi tin. Chúng ta vật lộn và tranh chiến với bản thân vì những chuyện không đâu vào đâu, trong khi đáng lý ra chúng ta nên ngợi khen và thờ phượng Chúa về mọi sự chúng ta đang có. Khi chúng ta thờ phượng Chúa vì Ngài là ai, chúng ta sẽ thấy những điều Chúa mang đến đời sống
chúng ta mà tự chúng ta không thể nào tạo ra được.
Khi chúng ta thờ phượng Chúa, chúng ta được tự do khỏi sự thất vọng. Mọi cảm xúc đè nén và khó chịu nào cần phải ra đi sẽ bắt đầu biến mất. Khi chúng ta thờ phượng, tâm tánh của Chúa được khai phóng vào đời sống chúng ta và bắt đầu lộ ra.
Một trong những tranh chiến của tôi là có được tính dịu dàng. Tôi trước đây là hạng người khắt khe, khó chịu, hay áp đặt. Tôi có thể nhờ ai đó đem rác ra đổ nhưng tôi thường quát tháo la ó như ra lệnh. Tôi không muốn hành xử như thế nữa, nhưng dù tôi có cố gắng thay đổi đến đâu đi nữa thì người ta cứ hỏi tôi tại sao tôi vẫn còn cộc cằn và khó tính như vậy.
Tôi đã bị đối xử theo cách đó nên khi lớn lên tôi cũng bị nhiễm theo. Khi tôi nghiên cứu bản tánh của Chúa, tôi nhận ra rằng Ngài không hành xử như vậy và đương nhiên là tôi cũng không muốn mình như thế, nhưng tôi không thể thay đổi được. Lý do tôi không thể thay đổi được là vì tôi cố tự thay đổi tôi. Tôi không tin cậy Chúa làm. Tôi muốn thành người có thành tích thay vì làm người có đức tin nơi Chúa.
Ngày nào tôi cũng lên kế hoạch, và khi kế hoạch của tôi không thành (luôn luôn là vậy) thì tôi lại càng tức giận với mình hơn hôm trước. Nên trong một số lần, việc học Lời Chúa đối với tôi là một cực hình. Trước khi tôi học biết Lời Chúa, tôi có nhiều nan đề mà tôi không biết. Tôi nghĩ ai đó có nan đề chứ không phải tôi. Sau khi học Lời Chúa, tôi phát hiện là tôi có rất nhiều nan đề, nhưng tôi bất lực không thể thay đổi được cho đến khi tôi khám phá ra chiến thuật của Ngài khi tôi tiếp tục học Lời Chúa. Đó là lý do chúng ta phải liên tục ở trong Lời Chúa nếu muốn được giải thoát.
Nếu trước đây tôi bỏ cuộc sớm và không tiếp tục ở trong Lời Chúa, tôi chắc có lẽ thành con người bất hạnh hơn hết. Cảm tạ Chúa là ngay cả chúng ta muốn bỏ cuộc, Chúa không bỏ chúng ta. Ngài vẫn thành tín dù chúng ta thất tín (2Timôthê 2:13).
Như đã nói, khi chúng ta thờ phượng Chúa về các thuộc tánh của Ngài, những thuộc tánh này sẽ được khai phóng vào đời sống chúng ta. Một trong những thuộc tánh được hình thành là sự mềm mại. Hãy đoán là do đâu ? Khi tôi thờ phượng Chúa vì Ngài là ai, tôi được thay đổi và tôi không còn gắt gỏng nữa.
Nếu bạn chưa được như ý bạn muốn trong lĩnh vực nào đó của đời sống bạn, hãy bắt đầu thờ phượng Chúa trong lĩnh vực đó. Khi bạn thờ phượng Ngài về một thuộc tánh nào đó của Ngài như sự thành tín, sự trung thành, sự tốt lành, sự nhân từ, tình yêu thương, sự ban ơn, sự chịu đựng, sự chậm nóng giận, sự thương xót dư dật, sự kiên nhẫn của Ngài – thì bất cứ thuộc tánh nào mà bạn thờ phượng Ngài sẽ bắt đầu bày tỏ trong tâm tánh của bạn.
MỤC TIÊU : GIỐNG CHÚA
Vì những người Ngài đã biết trước thì Ngài cũng đã định trước cho họ nên giống như hình ảnh Con của Ngài để Con này trở thành con cả giữa nhiều anh chị em.
RÔMA 8:29
Là cơ đốc nhân, mục tiêu số một trong đời phải là giống Chúa. Chúa Giê-su là hình ảnh thấy được của Chúa Cha, và chúng ta nên noi dấu chân Ngài. Ngài đến làm Đấng Tiên Phong của đức tin chúng ta để làm gương cho chúng ta cách chúng ta nên sống và cư xử chính mình.
Chúng ta nên cư xử với người khác như Chúa Giê-su đã làm. Mục tiêu không phải là để xem công việc chúng ta thành công thể nào hay chúng ta nổi tiếng ra làm sao. Mục tiêu không phải là để được giàu có, được nổi tiếng hay thậm chí là đánh bóng chức vụ mà là giống Chúa.
Thế gian không chỉ cần nghe một bài giảng mà họ cũng cần thấy những hành động đàng sau những lời chúng ta nói là chúng ta tin. Đời sống chúng ta nên khiến cho người đời thèm thuồng những gì chúng ta có trong Chúa. Kinh Thánh gọi chúng ta là muối, tức làm cho người ta khát, và là ánh sáng, tức phơi bày tối tăm.
Nhiều tín đồ dán câu gốc trên xe, hay đeo dây chuyền có cây thánh giá ám chỉ rằng họ là tín hữu tin lành. Nhưng người đời không được ảnh hưởng bởi những câu gốc chúng ta dán trên xe hay dây chuyền thánh giá chúng ta đeo; họ muốn thấy bông trái của nếp sống tin kính.
Họ muốn thấy những người tuyên bố là tín đồ tin lành sống theo điều mình giảng, chứ không chỉ giảng cho người khác trong khi đời sống mình thì không kinh nghiệm gì cả.
Kinh Thánh nói với chúng ta về sự thay đổi. Nếu chúng ta để Ngài làm, Chúa sẽ thay đổi chúng ta từ vinh quang đến vinh quang khi chúng ta học hỏi Lời Ngài. Chúng ta nhìn thấy hình ảnh của Ngài trong Kinh Thánh và hình ảnh Chúa thành gương soi cho chúng ta. Nói cách khác, chúng ta thấy mình theo ánh sáng của Kinh Thánh và nhận biết rằng chúng ta cần thay đổi.
Khi chúng ta bắt đầu cầu nguyện về những thay đổi chúng ta ước ao và tìm kiếm Chúa để được đổi thay thì từng hồi từng lúc Ngài sẽ thay đổi chúng ta để ngày càng giống Ngài hơn.
Tôi thường thấy những câu dán xe ghi, “Xin hãy kiên nhẫn với tôi, Chúa chưa làm xong cho tôi.” Thật ra thì Ngài đã làm xong rồi; công việc của Ngài đã hoàn tất khi Ngài chết trên thập tự. Chúng ta chỉ cần tin và nhận lãnh. Xét về mặt thuộc linh, công việc Ngài đã hoàn tất, nhưng xét kinh nghiệm, công việc Ngài phải được thể hiện ra trong đời sống chúng ta mỗi ngày.
Kinh Thánh nói Đấng khởi sự làm việc lành trong chúng ta sẽ làm trọn việc đó.
Tôi tin chắc điều này, Đấng đã bắt đầu làm một việc tốt lành trong anh chị em cũng sẽ hoàn thành việc đó cho đến ngày của Chúa Cứu Thế Giê-su.
PHILÍP 1:6
Khi tôi nói chúng ta cần giống Chúa, tôi nói đến mục tiêu chúng ta đeo đuổi. Chúng ta không cần phải trọn vẹn rồi mới làm chứng cho người khác, nhưng cũng không nên sống xác thịt mà hòng gây ấn tượng cho người đời bằng đức tin của chúng ta.
Những gì chúng ta đeo đuổi trong đời rất quan trọng. Tôi e rằng đôi khi chúng ta là những cơ đốc nhân cũng đeo
đuổi những gì người đời đeo đuổi chỉ có khác là chúng ta gắn cái mác “cơ đốc” lên.
Đây là một thí dụ :
Tôi là một người thiên về việc lên mục tiêu, một người có tầm nhìn và mục đích. Tôi được bình chọn là cô gái có cơ may thành công nhất trong trường trung học. Vào năm 1976, khi Chúa đụng đến đời sống tôi và đổ đầy Thánh Linh cho tôi, tôi bước vào mối quan hệ nghiêm túc và tận hiến với Chúa. Tôi đã tiếp nhận Chúa lúc tôi chín tuổi. Đến năm hai mươi tuổi, tôi bắt đầu đi nhà thờ đều đặn và làm nhiều việc trong hội thánh. Chúng tôi gia nhập đúng “câu lạc bộ”. Chúng tôi tham gia trong nhiều ban bệ của hội thánh; tuy nhiên, thật lòng mà nói, đời sống tôi không khác gì đời sống của người đời mà tôi quen biết và làm việc chung.
Sau khi nhận báp tem của Thánh Linh và nhận ơn gọi bước vào chức vụ, tôi quyết định dâng mình hoàn toàn, nhưng nhiều năm trôi qua tôi nhận ra rằng tôi đang đeo đuổi nhiều điều sai trật. Tôi muốn được thành công trong chức vụ. Tôi muốn đời sống tôi được phước, nhưng tôi lại không đeo đuổi để giống Chúa.
Tôi ước ao được thay đổi, nhưng tôi muốn việc này “tự động” xảy ra. Tôi không sẵn sàng trả cái giá cần thiết để có được sự trưởng thành thuộc linh.
GIÁ PHẢI TRẢ
Vậy, vì Chúa Cứu Thế chịu khổ trong thân thể, hãy trang bị chính mình anh chị em bằng thái độ như thế, người nào đã chịu khổ trong thân thể được dứt khỏi tội lỗi. Vì kết quả đó, người ấy còn sống bao lâu sẽ không sống theo dục vọng con người, nhưng cho ý muốn của Đức Chúa Trời.
1PHIERƠ 4:1,2
“Hy sinh” và “chịu khổ” là những từ ngữ không mấy phổ biến giữa vòng cơ đốc nhân, nhưng đây là những từ ngữ Kinh Thánh nói đến và là những từ ngữ Chúa Giê-su và các sứ đồ thường đề cập. Không có sự trưởng thành thuộc linh hay sự giống Chúa nếu không việc “chết chính mình.”
Việc này đơn giản là nói vâng với Chúa và nói không với con người mình khi ý ta và ý Chúa mâu thuẫn.
Phaolô nói đến việc chết mỗi ngày. Ông nói đại ý, “Không phải tôi sống nữa mà Chúa sống trong tôi.” Chúa Giê-su bảo các môn đồ rằng nếu muốn theo Ngài, họ cần phải vác thập tự giá mình mỗi ngày. Bản Kinh Thánh The Amplified Bible định nghĩa rõ về thập tự giá mà Chúa Giê-su nói đến.
Sau đó, Đức Giê-su gọi dân chúng và các môn đệ đến truyền dạy rằng: Nếu ai muốn theo làm môn đệ Ta phải từ bỏ [quên đi, chối bỏ, hy sinh bản thân và lợi ích bản thân] bản thân mình, vác thập tự giá mình mà theo Ta.
MÁC 8:34
Để theo Chúa và trở nên giống Ngài, chúng ta phải bằng lòng quên đi hết những gì chúng ta ước muốn – kế hoạch hay ý riêng của chúng ta – và tin cậy Ngài để tỏ cho chúng ta biết ý muốn Ngài dành cho chúng ta là gì.
Ý muốn Ngài luôn dẫn đến niềm vui và sự thoả mãn sâu xa, nhưng chúng ta cần thời gian và kinh nghiệm để nhận ra. Lúc đầu, khi chúng ta bắt đầu từ bỏ nhiều điều và để cho Chúa mang đến những thay đổi trong đời sống chúng ta, chúng ta phải chịu khổ trong xác thịt. Nói cách khác, xác thịt của chúng ta cũng có ý riêng, và nó không muốn từ bỏ kế hoạch của nó. Nó không muốn hy sinh, chịu khó, chịu khổ hay chờ đợi.
1Phierơ 4, những câu Kinh Thánh được trích ở trên, nói rằng chúng ta phải có tâm trí của Chúa Cứu Thế, là Đấng đã chịu khổ trong xác thịt vì chúng ta. Nói cách khác, chúng ta phải nghĩ, “Tôi thà chịu khổ trong ý Chúa còn hơn đau khổ ngoài ý Chúa.” Khi chúng ta sẵn sàng trả giá và chịu khổ để được ở trong ý Chúa thì đó loại chịu khổ dẫn tới đắc thắng hiển vinh mà còn đến đời đời.
Khi tôi nói về sự chịu khổ, tôi không có ý nói đến sự nghèo thiếu, bệnh tật và tai ương. Tôi nói đến sự chịu khổ mà xác thịt phải chịu khi không chìu theo ý riêng của nó. Xác thịt bao gồm hồn – tâm trí, ý chí, tình cảm – và thân xác hay bản tính và việc làm của con người chúng ta. Chúng ta thảy đều có xác thịt, nhưng chúng ta trước hết là một con người thuộc linh, và chúng ta được Chúa kêu gọi bước đi trong Thánh Linh. Việc này chỉ đơn giản là chúng ta phải bước theo sự dẫn dắt của Thánh Linh, Đấng ngự trong tâm linh của tín hữu. Thánh Linh phải là Đấng Dẫn Dắt và là yếu tố chủ đạo trong đời sống cơ đốc nhân bởi vì Ngài sẽ dẫn chúng ta vào mọi lẽ thật và vào trong ý muốn trọn vẹn của Chúa.
Tôi hết lòng khuyên bạn hãy trả giá; phần thưởng thật xứng đáng!