Chương 10: Thờ Chúa Với Lương Tâm Thánh Sạch

Cuộc Chiến Của Chúa

Đăng vào: 5 tháng trước

.

Ta tạ ơn Đức Chúa Trời là Đấng ta phụng sự với lương tâm trong sạch như tổ tiên ta đã làm. Ta nhớ mãi không bao giờ quên con mỗi khi ta khẩn nguyện ngày đêm.

2TIMÔTHÊ 1:3

Thờ phượng thật phải phát ra từ tấm lòng của người thờ phượng. Thờ phượng không phải là một cung cách được huấn luyện. Chúa quan tâm đến tấm lòng con người hơn mọi điều khác. Nếu tấm lòng không thánh sạch thì không điều gì đến từ con người mà Chúa chấp nhận.

Bất kỳ công việc nào được dâng lên với động cơ không trong sạch đều không được chấp nhận, nên sự thờ phượng giả tạo không đến từ tấm lòng thánh khiết và lương tâm thanh sạch.

Lương tâm quả là người bạn thân của chúng ta và là nguồn cứu giúp không ngừng cho tin hữu để nhận biết điều gì đẹp lòng Chúa và điều gì không đẹp lòng Ngài. Lương tâm là người thầy giỏi nhất mà một người có trong đời, và nó được định để dạy dỗ chúng ta biết ý Chúa.

Lương tâm được soi sáng bởi Lời Chúa; vì thế ta càng học Lời Chúa, lương tâm ta càng nhạy bén hơn. Có những điều mà trước đây vài năm tôi cảm thấy ít hoặc không bị cáo trách gì cả thì bây giờ tôi bị cáo trách điều đó sai. Dù tôi tin Chúa lúc chín tuổi, nhưng tôi chỉ trở thành cơ đốc nhân dâng mình thật sự vào năm 1976. Tôi tưởng tôi là người trưởng thành thuộc linh từ lúc tin Chúa đến năm 1976, nhưng không tăng trưởng gì bao nhiêu khi so với những điều tôi kinh nghiệm từ quãng thời gian đó trở đi.

Lý do chính tôi được thay đổi là lúc tôi bắt đầu nghiên cứu Lời Chúa vào năm 1976 sau khi Thánh Linh đầy dẫy đời sống tôi cách mới mẻ. Dù tôi đã được tái sanh trước đó rồi, nhưng tôi chưa được đầy dẫy Thánh Linh. Tôi Thánh Linh trong đời sống tôi, nhưng như tôi thường giảng, “Thánh Linh chưa tôi.”

Tôi sống thoả hiệp. Tôi sống “nửa đời nửa đạo.” Tôi là tín đồ hâm hẩm. Tôi tin Chúa đủ để không xuống hoả ngục nhưng chưa đủ để sống đắc thắng. Rõ ràng là Chúa Giê-su không đến ngự từng chút một nên tôi đã nhận Ngài hoàn toàn rồi, nhưng vấn đề là Ngài chưa nhận hoàn toàn của tôi. Vì thế, tôi vẫn còn xác thịt và không làm nhân chứng tốt cho chính nghĩa của Ngài.

LƯƠNG TÂM ĐƯỢC KHAI SÁNG

Trong Chúa Cứu Thế tôi nói thật, tôi không nói dối, lương tâm tôi làm chứng cho tôi trong Đức Thánh Linh rằng

RÔMA 9:1

Chúng ta thấy Phaolô nói đến việc lương tâm ông được Thánh Linh khai sáng. Qua lương tâm mà Phaolô có thể làm chứng rằng cách cư xử của ông đẹp lòng Chúa, và tôi đoan chắc rằng ông cũng nhận ra khi nào cách cử xử của ông không đẹp lòng Chúa. Đó là nhiệm vụ của lương tâm.

Phaolô nói về tầm quan trọng của việc giữ lương tâm thanh sạch. Một trong những nhiệm vụ chính của Thánh Linh trong đời sống chúng ta là dạy dỗ chúng ta về mọi lẽ thật, cáo trách chúng ta về tội lỗi và thuyết phục chúng ta về sự công chính. (Gi 16:8,13).

Do đó, tôi luôn luôn cố gắng giữ lương tâm không chê trách trước mặt Đức Chúa Trời và loài người.

CÔNG VỤ 24:16

Bởi vì Phaolô đã cố gắng giữ cho lương tâm ông trong sạch, nên chắc hẳn lương tâm rất là quan trọng. Như đã thấy trong 2Timôthê 1:3, Phaolô thờ phượng Chúa với lương tâm trong sạch và thánh khiết. Đây cũng là cách duy nhất chúng ta có thể dâng sự thờ phượng mà được Chúa chấp nhận.

Đối với tôi điều quan trọng là phải làm sáng tỏ vấn đề này. Tôi không muốn dâng Chúa những “cung cách” được gọi là “thờ phượng Chúa” làm phương tiện để nhận sự chiến thắng hay nhận phước hạnh từ Chúa. Ngài chắc chắn sẽ mang đến sự chiến thắng cho đời sống người nào thờ phượng Ngài, nhưng như tôi đã nói trước đây, bạn không phải là người thờ phượng thật nếu sự thờ phượng không được dâng lên từ một tấm lòng thánh khiết và từ một lương tâm thánh sạch.

Nói đơn giản, điều này có nghĩa là chúng ta không thể thờ phượng Chúa cách đúng đắn khi vẫn còn tội lỗi trong đời sống chúng ta. Sự xưng tội phải có trước sự thờ phượng thật. Chúng ta phải đến gần Chúa với lương tâm thánh sạch. Người có lương tâm tội lỗi không có được bình an. Đức tin của người đó không hiệu quả; vì thế, lời cầu nguyện của người đó cũng không được đáp lời. Hai câu Kinh Thánh sau sẽ làm rõ điểm này:

Giữ vững đức tin và lương tâm tốt. Một số người đã chối bỏ lương tâm nên mất đức tin luôn.

1 TIMÔTHÊ 1:19

Giữ vững huyền nhiệm của đức tin với lương tâm trong sạch.

1 TIMÔTHÊ 3:9

HÃY NÊN TRỌN VẸN

Thế thì, các con hãy toàn hảo [đạt tới sự trưởng thành về sự tin kính trong suy nghĩ lẫn cá tính, đạt đến đỉnh cao của mỹ đức lẫn đức độ – AMP] như Cha các con ở trên trời là Đấng toàn hảo.

MATHIƠ 5:48

Kinh Thánh truyền bảo chúng ta hãy trọn vẹn như Cha chúng ta ở trên trời là trọn vẹn. Nếu chúng ta không hiểu đúng ý này, chúng ta sẽ cảm thấy thất bại và ngay cả run sợ ngay. Bản dịch Kinh Thánh The Amplified Bible (AMP) nói rõ hơn. “Toàn hảo” (trọn vẹn) là tình trạng trưởng thành thuộc linh mà chúng ta đều sẽ đạt tới. Chúng ta phải liên tục nhắm tới cái đích toàn hảo xuất phát từ tấm lòng chân thành muốn làm đẹp lòng Chúa, hằng ngày bỏ lại phía sau những lỗi lầm.

Nói cách khác, tấm lòng có thể toàn vẹn, nhưng hành vi thì chưa vẹn toàn. Chúng ta nên cải thiện luôn và cảm tạ Chúa về điều đó, nhưng chúng ta chưa tới đích. Kinh Thánh nói trong nháy mắt chúng ta thảy đều sẽ được biến hoá. Tôi tin rằng phần nào chưa trọn trong con người chúng ta khi Chúa tái lâm sẽ được làm trọn trong nháy mắt. Nhưng trong lúc chờ đợi, chúng ta cứ tăng trưởng và nhắm tới mục đích phía trước.

ĐƯỜNG TỚI LƯƠNG TÂM SẠCH

Để có lương tâm thánh sạch, ta hoặc là không phạm tội hoặc là xưng tội khi ta phạm tội hay mặc sai lầm. Khi chúng ta trưởng thành thì chúng ta phát hiện ra rằng chúng ta ngày càng ít phạm tội hơn, tuy nhiên, Kinh Thánh dạy một ít men sẽ làm dậy cả đống bột. Ngay cả một tội nhỏ cũng cần được tẩy sạch.

Tăng trưởng mỗi ngày là phước lắm rồi, nhưng tôi tạ ơn Chúa vì món quà ăn năn. 1Giăng 1:9 nói chúng ta có thể thừa nhận tội của chúng ta và xưng nó ra và Chúa là thành tín sẽ tẩy sạch hoàn toàn chúng ta khỏi mọi sự gian ác. Đây quả là một tin mừng! Chúng ta có thể sống trước mặt Chúa với một lương tâm thánh sạch trọn vẹn.

Phaolô sống trước mặt Chúa và con người với lương tâm thánh sạch và trọn vẹn, không phải vì ông chưa từng phạm lỗi lầm bao giờ. Chúng ta biết rõ điều ngược lại mới đúng. Ông đã phạm nhiều lỗi lầm. Ông từng nói ông là người “nặng tội nhất” trong số kẻ có tội và làm chứng rằng ông chưa đạt đến sự trọn lành.

Nhờ hết lòng vâng lời và dùng tới món quà ăn năn khi ông thất bại nên Phaolô đã sống trước mặt Chúa và con người với lương tâm thánh sạch và vì thế ông có thể thờ phượng Chúa cách ngay thẳng và phóng thích đức tin của ông để nhìn thấy nhu cầu của ông được đáp ứng.

Tại sao tôi nói đến sự ăn năn là một món quà? Tôi đã thấy nhiều tín đồ không hề cảm thấy hối hận về tội lỗi của họ, và đây là một việc khủng khiếp. Khi lương tâm bị đã chai lì (cứng cỏi), người ta không thể nào cảm nhận sự nghiêm trọng và hậu quả của hành vi sai trật của mình. Do vậy mà chúng ta thảy nên cầu nguyện để có một lương tâm mềm mại trước mặt Chúa.

LÀM GÌ KHI LƯƠNG TÂM CÁO TRÁCH

Cáo trách (conviction) không có nghĩa là định tội (condemn); mà nó chỉ nhằm tỉnh thức người ta ăn năn. Nó được định để giúp bạn và tôi cảm thấy vơi nhẹ hơn, chứ không phải nặng nề hơn. Trong nhiều năm tôi không biết được lẽ thật này. Mỗi khi Thánh Linh cáo trách tôi về tội lỗi, tôi cảm thấy mình có tội ngay và tôi bị định tội. Trước đây chuyện này quả là điều khủng khiếp đối với tôi. Tôi là người siêng học Lời Chúa, nên tôi càng học Lời Chúa, tôi càng bị cáo trách về tội lỗi và dường như lúc nào tôi cũng thấy tôi có tội và bị định tội luôn.

Cuối cùng khi tôi hiểu được lẽ thật này thì hôm đó quả là một ngày tuyệt vời cho tôi. Lẽ thật sẽ giải thoát chúng ta, như Giăng 8:32 nói. Bây giờ tôi vui mừng khi tôi cảm thấy bị cáo trách về tội lỗi trong đời sống tôi. Tôi không vui vì tôi đã phạm tội, mà vui vì bây giờ tôi có thể ăn năn tội và xin Chúa giúp tôi vượt qua. Bây giờ tôi có thể phân
biệt khi nào thì satan cố làm cho tôi mặc cảm tội lỗi và khi nào lương tâm tôi, được Thánh Linh khai sáng, thật sự cáo trách tôi.

Bạn phải nhận thức rằng satan là kẻ chuyên dùng luật pháp và là kẻ kiện cáo anh em. Có sự khác biệt giữa những lời buộc tội giả dối của ma quỷ với sự cáo trách thật sự của Chúa.

Tôi thật sự muốn khích lệ bạn đừng làm điều gì mà bạn không thấy bình an khi làm. Hãy để lương tâm của bạn làm người bạn của mình, chứ không phải là căn nguyên gây cho bạn đau khổ. Côlôse 3:15 nói sự bình an là trọng tài trong đời sống chúng ta sẽ giải quyết dứt điểm mọi thắc mắc nảy sinh trong tâm trí chúng ta. Nói cách khác, nếu điều gì thấy bình an thì hãy nghĩ đến, còn nếu thấy không bình an, hãy loại bỏ ngay.

Bị tội lỗi cám dỗ khác với phạm tội. Cám dỗ không phải là tội. Chúng ta thảy đều bị cám dỗ để làm điều sai quấy; satan sẽ bảo đảm là có cám dỗ. Tuy nhiên, khi chúng ta bị cám dỗ, chúng ta có thể kêu cầu Thánh Linh giúp chúng ta chống cự. Đừng cố gắng chống cự bằng sức riêng; hãy xin Thánh Linh giúp đỡ. Ngài luôn bên cạnh giúp bạn bất cứ điều gì bạn cần trong đời.

VÍ DỤ TỪ ĐỜI SỐNG VUA ĐAVÍT

Phước cho người nào có sự vi phạm được tha thứ, tội lỗi mình được khoả lấp. Phước cho người nào CHÚA không quy tội ác cho, và trong tâm linh không có sự gian dối. Khi tôi nín lặng, xương cốt tôi tiêu mòn, và rên siết suốt ngày. Vì ngày đêm tay Ngài đè nặng trên tôi, sinh lực tôi tiêu hao. Như sương gặp nắng hạ. Tôi đã thú tội cùng Ngài, không giấu tội ác tôi. Tôi nói: Tôi sẽ xưng các sự vi phạm tôi cùng CHÚA, và Ngài đã tha thứ tội lỗi gian ác tôi. Vì vậy, hết thảy những người trung tín, hãy cầu nguyện cùng Ngài đang khi có thể gặp được. Dù khi có nước lụt lớn dâng lên, cũng không đụng đến người. Ngài là nơi trú ẩn cho tôi, Ngài gìn giữ tôi khỏi hoạn nạn, Ngài bao phủ tôi bằng những bài ca giải cứu.

THI THIÊN 32:1-7

Vua Đavít vô cùng khốn khổ cho đến khi ông ăn năn tội lỗi của ông. Các câu trên cho thấy rõ niềm vui của ông chỉ trở lại sau khi ông ăn năn. Vua Đavít đã phạm tội ngoại tình với bà Bát-sê-ba rồi giết chồng bà. Một năm trôi qua mà ông vẫn phớt lờ vụ việc. Có lẽ ông đã làm điều mà tất cả chúng ta hay bị cám dỗ để làm khi phạm tội – ông tìm cách bào chữa và bị lừa dối bởi chính lập luận của ông. Có lẽ phần lớn chúng ta không đối diện với tội trọng như Đavít. Nhưng tội là tội, và tội lỗi để lại cho chúng ta hậu quả giống nhau dù đó là tội lớn hay tội nhỏ. Vấn đề là cho đến khi chúng ta thừa nhận tội lỗi, xưng ra và ăn năn (tức quay khỏi nó hoàn toàn và đi hướng khác) thì chúng ta không thể nào thờ phượng Chúa phát xuất từ tấm lòng thánh khiết hay với lương tâm trong sạch.

Để ý trong câu 7 Đavít nói giờ đây Chúa lấy bài ca giải cứu mà vây phủ ông. Sau khi xưng tội, ông ca hát và hô to. Đối với tôi đó chính là ngợi khen và thờ phượng.

TỐT NHẤT LÀ VÂNG LỜI

Tỉ lệ không vâng lời Chúa của những tín đồ xưng mình là cơ đốc nhân quả là gây sốc thật sự. Chắc có lẽ bạn nhận ra là chúng ta đang gặp phải sự suy thoái đạo đức
trầm trọng trong xã hội ngày nay. Là cơ đốc nhân, theo như lời Chúa phán, chúng ta còn ở trong thế gian nhưng chúng ta không được thuộc về thế gian. Sự khác biệt giữa người đời và người tin Chúa có thể nói đơn giản như thế này. Người đời thì tự lèo lái cuộc đời họ. Họ muốn làm điều họ muốn làm hay cảm thấy thích làm, bất kể điều đó ảnh hưởng đến người khác như thế nào, hay bất kể có được Chúa đồng ý hay không.

Ngược lại, cơ đốc nhân được bảo phải bước đi theo ý Chúa. Họ phải được Thánh Linh dẫn dắt, hướng dẫn và kiểm soát vì Ngài luôn dẫn chúng ta vào ý muốn Chúa.

Có hàng khối vấn đề phát sinh mỗi ngày đòi hỏi phải quyết định. Lương tâm sẽ giúp chúng ta đưa ra những quyết định này. Lời Chúa và sự thôi thúc của Thánh Linh giúp chúng ta đưa ra những quyết định này. Nhưng sự thật thì chúng ta là người quyết định. Chúa muốn chúng ta chọn theo ý Ngài, nhưng Ngài không áp đặt điều đó lên chúng ta.

Chúa Giê-su phán trong Giăng 14:15, Nếu các con yêu kính Ta, các con sẽ giữ các điều răn Ta. Xin để lưu ý Ngài không nói, “Nếu các con giữ các điều răn Ta, Ta sẽ yêu mến các con.” Tình yêu của Chúa dành cho chúng ta là vô điều kiện. Ngài yêu chúng ta vì Ngài là tình yêu thương, chứ không phải vì chúng ta làm hay không làm điều gì đó. Tuy nhiên, chúng ta bày tỏ tình yêu đối với Ngài qua việc sẵn lòng vâng lời Ngài. Mà vâng lời Chúa thường gây ra khó chịu.

Hễ khi nào chúng ta không được như ý, hay chúng ta chọn làm điều chúng ta thật sự không muốn, thế là chúng ta thấy khó chịu. Khi cảm giác không hậu thuẫn chúng ta thì càng khó để làm việc đó. Chúng ta có cảm xúc, nhưng chúng ta cũng có ý chí. Ý chí là ông chủ; nó là “cơ quan chủ quản” đưa ra “tối hậu thư” điều nào nên làm hoặc không nên làm. Ý chí mạnh hơn tâm trí và mạnh hơn cả cảm xúc. Khi chúng ta quyết chí chọn làm điều Chúa bảo chúng ta làm, dù suy nghĩ và cảm xúc không hậu thuẫn chúng ta, làm thế là bày tỏ tình yêu của chúng ta đối với Chúa.

Sự vâng lời tự nó là một hình thức thờ phượng. Hễ khi nào tôi phải đối diện với tình huống khó xử và chọn đi theo đường lối Chúa thay vì đường riêng của tôi là tôi đang thờ phượng và tôn cao Chúa. Tôi bày tỏ lòng kính sợ và tôn sùng Chúa và qua hành động đó mà tôi đặt Chúa lên trên bản thân hoặc trên cả cách tôi cảm nhận.

Tôi tin có những tín đồ cố gắng dâng cho Chúa điều mà họ nghĩ là thờ phượng Chúa, nhưng đó không phải là kiểu thờ phượng Chúa mong ước bởi vì họ dâng điều đó trong họ khi cố tình không vâng lời Chúa hay dâng với lương tâm tội lỗi. Hãy nhớ Giăng 4:24 nói Đức Chúa Trời tìm kiếm những người thờ phượng Ngài trong tâm linh và lẽ thật. Việc bào chữa cho tội lỗi hay việc tự lừa dối mình không phải là lẽ thật.

CẢM TẠ CHÚA VỀ SỰ THA THỨ

Như tôi đã nói, vâng lời là điều tốt nhất. Nhưng tôi cũng nói, chúng ta ai cũng phạm lỗi lầm. Có lúc những cơ đốc nhân yếu mến Chúa vô cùng cũng chọn lựa sai. Đó là lúc chúng ta cần ăn năn sớm và cầu xin lẫn tiếp nhận sự
tha thứ của Chúa. Tôi không đưa ra quy tắc hay luật lệ ở đây, nhưng có lẽ điều tốt nhất là luôn luôn bắt đầu bằng lời cầu nguyện bằng sự ăn năn. Xin Chúa tha thứ bất cứ điều gì bạn đã làm sai. Nếu bạn biết lỗi nào cụ thể, hãy nói rõ. Nếu không nhớ thì hãy xin Chúa tha thứ bất kỳ tội lỗi nào trong đời sống bạn, ngay cả tội bạn chưa nhận ra. Xin Chúa cáo trách bạn về tội lỗi, thưa với Ngài là bạn muốn làm điều ngay thẳng. Xin Ngài ban ân sủng, tức quyền năng của Ngài giúp bạn làm bất cứ điều gì Ngài bày tỏ là bạn cần phải sửa sai. Sau khi làm như trên, bạn và tôi mới có thể thờ phượng Chúa với lương tâm trong sạch.