Chương 11: Biến Đổi Và Biến Hóa

Cuộc Chiến Của Chúa

Đăng vào: 12 tháng trước

.

Đừng rập khuôn theo đời này, nhưng hãy được biến hoá bởi sự đổi mới tâm trí, để thử nghiệm cho biết ý định tốt lành, trọn vẹn và đẹp lòng Đức Chúa Trời.

RÔMA 12:2

Như ta đã biết, Kinh Thánh nói đến sự biến đổi và biến hoá. Nghiên cứu hai từ này, ta sẽ thấy cả hai đều có gốc từ một chữ Hy lạp metamorphoo, nghĩa là “biến đổi sang hình thức khác.”

Chúng ta có một ví dụ tuyệt vời về quá trình biến hoá này ở con nòng nọc thành con ếch và con sâu thành con bướm.

Khi soạn để viết phần nói về sự biến hoá này, tôi nghiên cứu đề tài này. Con sâu biến thành con bướm là một ví dụ hay sự biến hoá. Con sâu ăn cho đến khi nó đủ cỡ kích. Lúc đó nó tự nhả tơ làm vỏ bọc gọi là kén, dùng dệt vải. Rồi nó đào hang dưới đất hay nấp phía sau một thân cây. Bạn có thể gọi đó là một hình thức tự chôn thân.

Tôi nghĩ đến ý tưởng chôn vì Kinh Thánh dạy chúng
ta phải chết chính mình để hoàn toàn sống cho Chúa. Sứ đồ Phaolô nói trong Galati 2:20, Tôi bị đóng đinh vào thập tự giá với Chúa Cứu Thế. Nay tôi sống, không còn là tôi nữa nhưng Chúa Cứu Thế sống trong tôi. Hiện nay, tôi sống trong thân xác, tức là sống trong đức tin nơi Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi và hiến chính mình Ngài vì tôi.

Tôi đã trải qua sự chết này đối với bản thân và vẫn còn trải qua khi Chúa xử lý tôi về điều gì đó tôi muốn mà không phải là ý Ngài dành cho tôi. Có những điều chúng ta phải chết : thái độ, lối suy nghĩ, cách cư xử và nói năng, kế hoạch và ham muốn riêng. Thật dễ để nói về chuyện này hơn là trải nghiệm qua. Dù trong lĩnh vực thuộc thể hay thuộc linh, chết ở mức độ nào cũng đau đớn. Không có thập tự nào mà không đau đớn. Chúa Giê-su phán hãy vác thập tự theo Ngài. Trong bản dịch Kinh Thánh The Amplified Bible dịch câu này đại ý như sau :

Sau đó, Đức Giê-su gọi dân chúng và các môn đệ đến truyền dạy rằng: Nếu ai muốn theo làm môn đệ Ta phải từ bỏ bản thân mình [quên mình, bỏ mình, chối mình và mất mát chính mình lẫn lợi ích của mình], vác thập tự giá mình mà theo Ta.

MÁC 8:34

Như con sâu phải trải qua sự thay đổi để được biến hoá thành con bướm thì chúng ta cũng vậy, chúng ta phải trải qua những thay đổi đòi hỏi chết đi bản thân. Khi những thay đổi Chúa muốn thấy trong đời sống chúng ta bắt đầu xảy ra, đúng là nó đau đớn thật. Như con sâu phải tìm chỗ để ẩn mình yên lặng thì Chúa cũng cung ứng cho chúng ta một chỗ.

Chết với chính mình có thể là việc không hay họ gì; đây không phải là điều chúng ta có thể chia sẻ với mọi người chúng ta quen biết. Tôi tin Chúa ấn định cho mỗi người trong chúng ta điều mà tôi gọi là “những năm tháng yên lặng.” Những năm tháng mà Chúa giấu chúng ta, và Ngài đang làm một việc quan trọng trong chúng ta. Ngài đang thay đổi chúng ta theo hình ảnh của Ngài để chúng ta sống cho vinh hiển Ngài.

NHỮNG NĂM THÁNG YÊN LẶNG

Khi tôi nghiên cứu Kinh Thánh, tôi học được rằng hầu hết những người nam người nữ được Chúa dùng lớn lao đều phải trải qua những năm tháng yên lặng. Có giai đoạn trong đời họ khi Chúa dường như ẩn mình khỏi họ trong lúc Ngài làm việc trong họ và thực hiện những thay đổi trong tâm tánh mà cần thiết cho công tác tương lai của họ. Họ bước vào giai đoạn này theo cách cũ nhưng bước ra thì được biến đổi theo cách mới.

Chẳng hạn, Môi-se là người cảm biết ơn gọi của Chúa trên cuộc đời ông, nhưng ông muốn tự mình làm. Ông thấy một anh em của ông, một người Do Thái, bị bạc đãi và thế là ông giết tên Ai cập đang bạc đãi người anh em của ông. Chúa không bảo Môi-se làm việc đó; ông hành động theo cảm xúc. Thái độ tấm lòng ông có thể đúng – ông không muốn thấy người vô tội bị bạc đãi – nhưng thời điểm ông ra tay thì không đúng lúc. Không đúng theo thời điểm của Chúa cũng đồng nghĩa là không đúng theo ý Chúa. Trước khi Môi-se được Chúa dùng, ông phải học một số bài học cam go.

Khi hành động của Môi-se bị phát giác và ông bị theo
dõi, Môi-se sợ hãi bỏ trốn khỏi Ai-cập, một hành động khác không được Chúa hướng dẫn. Chúng ta thấy từ ví dụ này là Môi-se thiếu kiên nhẫn và đầy sợ hãi, những tính nết này cần loại bỏ trước khi Chúa có thể làm việc lớn mà Ngài hoạch định cho Môi-se.

Môi-se chạy trốn đến sa mạc, và ông ở đó bốn mươi năm. Ông lập gia đình và có con cái, nhưng tôi đoan chắc là ông để rất nhiều thời gian ở riêng với Chúa trong “những năm tháng yên lặng” này. Định mệnh của ông là dẫn dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi nhà nô lệ mà vào xứ hứa, nhưng đằng này ông đang chăn chiên ở sa mạc. Tôi đoan chắc là Môi-se dường như không hiểu việc này, cũng giống như chúng ta thấy mình ở trong những chỗ mà dường như chúng ta cũng không hiểu được.

Kinh Thánh không ghi lại chi tiết những năm tháng đó; rõ ràng những năm tháng mà chỉ có Chúa và Môi-se biết thật rất riêng tư và đầy đau đớn. Môi-se đã bỏ mọi sự ông quen thuộc như gia đình và bạn hữu. Tôi tin Môi- se cảm thấy dường như ông đã đi xa khỏi điều ông được kêu gọi để làm. Ông không chắc là ông được chuẩn bị cho công việc đó.

Khi Môi-se vào sa mạc, chúng ta có thể nói là ông “đầy dẫy cái tôi.” Ông tự tin, tự quyết và tự hành động. Khi Chúa hiện ra với Môi-se ở bụi gai cháy và bảo là Ngài chọn ông để dẫn dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi nhà nô lệ, chúng ta thấy Môi-se là một con người khác hẳn. Bấy giờ thì ông khiêm nhường hơn và tan vỡ nhiều đến độ Chúa phải nổi giận để khiến ông hành động bởi đức tin. (Xem Xuất Ai- cập chương 2-4). Kinh Thánh nói trong Dân số ký 12:3, Môi-se là một người rất khiêm tốn, khiêm tốn nhất trần
gian. Hãy hình dung là ông bước vào sa mạc lòng đầy cái tôi và có kế hoạch riêng của mình, và khi ra khỏi ông là một người khiêm nhu nhất trần gian. Nhu mì không phải là nhu nhược mà là sức mạnh đã được kiểm soát. Trước đó ông có sức mạnh nhưng sức mạnh đó chưa được kiểm soát. Ông bị cảm xúc thúc đẩy, nhưng bây giờ chúng ta thấy ông là một con người khác hẳn. Ông trở nên mạnh mẽ, nhưng lại không ra tay trừ khi ông biết chắc rằng Chúa ở phía sau hành động của ông.

Ta có thể nói là ông đã được biến đổi từ con sâu sang con bướm hay từ con nòng nọc sang con ếch. Nói cách khác, ông đã thay đổi hoàn toàn; ông đã được biến hoá!

ÁP-RA-HAM, GIÔ-SÉP, GIĂNG BÁP-TÍT VÀ CHÚA GIÊ-SU

Chúng ta thấy cùng nguyên tắc này trong đời sống Áp-ra-ham. Sáng thế ký 12 dạy rằng có một người tên là Áp-ram được Chúa kêu gọi ra khỏi gia đình mình, quê hương mình và mọi thứ thân quen của mình để đi đến một nơi Chúa sẽ chỉ cho.

Hãy nghĩ xem – ông đã bỏ mọi sự , thậm chí không biết mình đi đâu. Do kết quả của sự vâng lời triệt để này mà Chúa đã phán lời hứa tuyệt vời với ông – hứa ban phước lành, thạnh vượng, danh tiếng, cai quản, con cháu và vân vân. Chúa bước vào giao ước với Áp-ra-ham, cho ông biết là nếu ông tin, ông sẽ được kể là công chính trước mặt Chúa, và ông sẽ được Chúa chăm sóc mọi mặt.

Áp-ra-ham tin Chúa! Thật là một câu nói tuyệt vời. Đó là tất cả những gì Chúa yêu cầu mỗi người trong chúng ta làm : “Tin.” Không chỉ để nhận được cái này cái nọ mà vượt qua điều này điều nọ. Áp-ra-ham đang tin cậy Chúa cho đứa con làm kẻ nối nghiệp, nhưng ông phải tin vượt qua những khó khăn và đợi chờ trước khi ông thấy đứa con lời hứa ra đời. Ta có thể nói những năm tháng đợi chờ của ông cũng là “những tháng năm yên lặng” của ông.

Suốt những năm tháng đó chúng ta cũng thấy Ápram (tên của Áp-ra-ham trước khi Chúa đổi tên, như ta thấy trong Sáng thế ký 17:5. Áp-ra-ham nghĩa là cha của nhiều người bởi vì Chúa khiến ông thành cha của nhiều dân tộc) đã “ra tay” mà không được Chúa cảm động khi ông nghe theo lời khuyên của vợ và lấy người hầu làm vợ kế. Họ đã mỏi mệt vì chờ đợi lời hứa, nên họ phải tự lo liệu lấy. Nàng hầu thọ thai do Áp-ra-ham và sinh ra Ích-ma-ên. Dù Ápram thương Ích-ma-ên, nhưng người con này không phải con của lời hứa và rốt cuộc đã gây nhiều phiền toái và khó xử cho đời sống Áp-ra-ham.

Nhiều lúc trong đời sống chúng ta Chúa cứ để cho chúng ta đi theo đường riêng để chúng ta học qua kinh nghiệm rằng “phương cách của chúng ta” sẽ thất bại. Chúng ta đau khổ suốt những năm tháng như thế. Chúng ta trải qua biết bao điều khốn đốn, thất vọng và bất hạnh; tuy nhiên cuối cùng chúng ta chui ra khỏi “cái kén” khổ nạn, được thay đổi hoàn toàn. Lúc đó chúng ta sẵn sàng làm theo đường lối Chúa! (Sách Sáng thế ký chương 12-17 ghi câu chuyện của Áp-ra-ham mà tôi vừa chia sẻ).

Còn Giô-sép thì sao? Chàng là một thanh niên nhận được giấc mơ từ Chúa. Chàng vô tình kể giấc mơ cho các anh, là những người ganh tị và ghét bỏ chàng vì giấc mơ đó. Họ bán chàng làm nô lệ và nói với cha họ rằng chàng bị thú dữ xé xác rồi.

Giô-sép bị đưa sang Ai-cập và trải qua những năm tháng cực khổ tại đó. Chàng bị vu khống, nghi oan và bị bỏ tù vì tội mà chàng không phạm; tuy nhiên, trong mọi việc đó, Chúa có một kế hoạch. Kinh Thánh cho biết những điều chàng trải qua bề ngoài, nhưng chúng ta không biết chàng trải qua điều gì trong lòng. Nỗi đau trong lòng tồi tệ hơn nỗi đau ngoài đời.

Nỗi đau có thể đến từ những năm tháng do chúng ta không hiểu chuyện gì xảy ra hay tại sao nó xảy ra, hay do người ta hiểu lầm chúng ta và đoán xét chúng ta cách nặng nề. Chúng ta bắt đầu suy nghĩ, “Mình chỉ muốn làm theo ý Chúa, sao mà hoàn cảnh quá khó khăn đến thế?” Tuy nhiên, chúng ta không biết ở giai đoạn biến hoá, chúng ta vẫn còn là “con nòng nọc” và “con sâu.” Chúng ta cho rằng chúng ta muốn làm đúng, nhưng cá tính khiếm khuyết của chúng ta ngăn cản khiến chúng ta không làm được. Chúa phải thay đổi chúng ta vì không còn cách nào khác. Chuyện này đau đớn thật, nhưng nó là một quá trình đem lại sự tự do và vui mừng. Giống Chúa Giê-su, chúng ta phải chịu vác thập tự vì phần thưởng vui mừng đặt trước mặt chúng ta.

Chúng ta đối mặt với nhiều thử thách mà chúng ta phải vượt trong những năm tháng yên lặng. Hãy nghĩ xem có bao nhiêu người mà Giô-sép phải tha thứ, rồi làm sao ông có thể không trở nên cay đắng và thù hận qua bao năm tháng sống trong lãng quên. Nhưng THÌNH LÌNH tình thế bắt đầu đảo ngược.

Giô-sép nổi tiếng là người có khả năng giải nghĩa giấc mơ. Vua Pharaôn có một giấc mơ làm vua khó chịu và sai mời Giô-sép đến. Chúa ban cho Giô-sép sự khôn ngoan; ông đưa ra lời giải thích chính xác và vua đề bạt ông làm tổng quản gia coi sóc mọi tài sản của vua. Một cơn đói sắp đến, và Chúa bảo Giô-sép hãy chuẩn bị và đặt ông ở vị trí để cứu sống nhiều người trong giai đoạn lịch sử này. Giô-sép đã trải qua những năm tháng yên lặng – ông đã trải qua những thử thách khó khăn – nhưng cuối cùng ông đã thăng chức, và tất cả những ai không chấp nhận bỏ cuộc cũng sẽ được vậy.

Giăng Báp tít cũng trải qua những năm tháng yên lặng. Trong Luca chương 1 chúng ta đọc về sự ra đời của Giăng Báp tít. Câu 80 của chương đó cho biết, Con trẻ lớn lên, tâm linh càng mạnh mẽ, sống trong đồng hoang cho đến ngày xuất hiện trước dân Y-sơ-ra-ên.

Chúng ta không biết gì về Giăng từ lúc ông ra đời cho đến khi ông bắt đầu chức vụ mà Luca 3:2 nói đến, ngoài trừ việc ông để nhiều năm sống trong sa mạc. Tôi tin những năm tháng này là những tháng năm Thánh Linh huấn luyện Giăng cho tương lai. Chức vụ của ông ngắn ngủi nhưng đầy quyền năng. Nó diễn ra trong một thời khắc đặc biệt trong lịch sử; mọi thứ phải được sửa ngay lại. Tôi tin rằng sự đào luyện càng cam go thì định mệnh càng lớn lao.

Chúa Giê-su cũng kinh nghiệm tương tự như vậy. Sau sự giáng sinh, ngoại trừ chịu cắt bì và được dâng ở đền thờ lúc Ngài mới tám ngày tuổi (Luca 2:7-39), chúng ta đọc thấy Kinh Thánh không nói thêm gì về Ngài cho đến năm Ngài mười hai tuổi. (Luca 2:41-51)

Và rồi từ lúc mười hai tuổi cho đến khi Ngài khoảng ba mươi tuổi, phần lớn khoảng thời gian này Kinh Thánh không ghi lại gì về Ngài. Cả Kinh Thánh chỉ nói về Ngài trong những năm tháng yên lặng đó là Ngài càng lớn lên và càng được đẹp lòng Chúa và con người. (c.40,52).

Những lời “con trẻ lớn lên” nói lên nhiều điều. Khúc Kinh Thánh Hêbơrơ 5:8,9 dạy rằng Ngài học vâng lời qua sự chịu khổ, và kinh nghiệm trọn vẹn của Ngài đã trang bị cho Ngài cách đầy đủ để trở thành Tác Giả và Cội Nguồn của ơn cứu rỗi đời đời. Trong xác phàm, Chúa Giê- su phải học tập, lớn lên, chịu khổ và có được kinh nghiệm như chúng ta vậy. Ngài không hề phạm tội như chúng ta phạm, nhưng Ngài đã tiên phong đi trước chúng ta. Ngài đi trước, và chúng ta theo sau. Ngài chỉ cho chúng ta con đường đến chiến thắng. CON ĐƯỜNG DUY NHẤT ĐỂ ĐI RA LÀ PHẢI ĐI QUA! Chúng ta không thể trốn chạy khỏi những khó khăn; chúng ta phải đối diện với nó cách xác quyết, biết rằng Chúa ở bên cạnh chúng ta và không bao giờ lìa hay bỏ chúng ta. Cho dù không cảm nhận sự hiện diện của Ngài, chúng ta vẫn biết Ngài ở với chúng ta.

Suốt những năm tháng yên lặng đó, tôi tin tất cả những thánh đồ cũng như Chúa Giê-su, đã để rất nhiều thời gian ngợi khen và thờ phượng Chúa. Họ thờ phượng Chúa ở “đồng vắng” thuộc linh, và điều đó sẽ giúp họ vào xứ hứa. Nói cách khác, nếu chúng ta thờ phượng Chúa khi cuộc đời phũ phàng, chúng ta sẽ thấy lời hứa của Chúa bày tỏ trong đời sống chúng ta. Tôi tin cách chúng ta cư xử ở “đồng vắng” sẽ quyết định chúng ta phải ở đó bao lâu.

NHỮNG NĂM THÁNG YÊN LẶNG TRONG ĐỜI TÔI

Tôi không khác gì bạn hay bất kỳ thánh đồ nào khác mà chúng ta mới vừa đọc qua. Chúa phải xử lý tôi, và điều này thật đau đớn. Việc này cũng không phải “một sớm một chiều” gì. Thật ra, thử thách lâu hơn là tôi mong đợi hay dự tính và tôi phải chịu nhiều đau đớn hơn là tôi tưởng.

Cái ngày Chúa kêu gọi tôi vào chức vụ thì thật là phấn khích, nhưng tôi không nhận ra rằng những gì tôi sẽ phải trải qua để được trang bị cho ơn gọi đó. Nếu biết trước, chắc tôi đã không đồng ý theo Chúa rồi. Tôi cho rằng đây là lý do Chúa giấu một số điều khỏi chúng ta và ban cho chúng ta ân sủng trong mỗi thử thách chúng ta trải qua. Có một số điều chúng ta không cần biết trước. Chúng ta chỉ cần biết Chúa phán là Ngài sẽ không hề cho phép điều gì quá sức chịu đựng của chúng ta.

Khi bước lên bục để giảng dạy ở các hội nghị, người ta có thể thấy tôi trông đẹp đẽ. Nhưng bạn cũng nên nhìn thấy tôi như thế nào trong những năm tháng yên lặng, trong lúc tôi được trang bị cho chức vụ này. Tôi xin thưa là tôi không đẹp đẽ như bạn thấy bây giờ đâu.

Chắc hẳn là tôi không phải lúc nào cũng là phụ nữ có đức tin. Tình cảm của tôi trải qua những lúc trồi lúc trụt – hay giận dữ khi sự việc không xảy ra theo ý muốn. Trước đây rất khó cho tôi để học thuận phục những người trên tôi. Lúc tôi bắt đầu rất ít bông trái Thánh Linh bày tỏ qua tôi. Hạt giống trong tâm linh tôi cần phải được phát triển. Chúng ta phải luôn nhớ rằng ân tứ thì được ban cho còn bông trái thì phải được phát triển. Ân tứ của chúng ta
có thể dẫn chúng ta tiến xa hơn một chút, nhưng không có đủ phẩm chất để giữ chúng ta ở vị trí đó nếu chúng ta không chịu vào “trại huấn luyện” của Chúa.

Trước khi tôi giảng trên chương trình phát thanh và phát hình quốc tế, trước khi nhiều người biết đến tôi, tôi đã trải qua “những năm tháng yên lặng,” những tháng năm mà tôi nhận được giấc mơ và khải tượng từ Chúa, nhưng cánh cửa cơ hội mở ra cho tôi không nhiều lắm. Lúc đó tôi có rất ít cơ hội, nhưng tôi lại có khải tượng lớn; vì thế phần lớn thời gian tôi bối rối và không biết ơn Chúa về những việc Chúa cho phép tôi làm.

Đồng ý là tôi cần rất và vẫn còn cần nhiều thay đổi, nhưng ít ra thì bây giờ tôi đã hiểu được tiến trình đó. Tôi cảm thấy tiếc cho những tín đồ tranh chiến với Chúa suốt đời họ, không hề hiểu những gì Chúa đang cố gắng làm cho họ. Chúng ta phải tin cậy Ngài trong những lúc khó khăn. Chúng ta phải thờ phượng Ngài ở “đồng vắng,” chứ không chỉ ở xứ hứa. Dân Y-sơ-ra-ên thờ phượng Chúa sau khi vượt Biển Đỏ và được an toàn. Họ ca hát và nhảy múa. Họ hát đúng bài nhưng lại đứng sai bờ. Chúa muốn nghe lời ngợi khen của chúng ta trước khi chúng ta kinh nghiệm đắc thắng. Nếu Ngài không nghe, chúng ta có lẽ không bao giờ kinh nghiệm đắc thắng gì cả.

Tôi đã trải qua nhiều năm tháng mà ma quỷ cứ nhiều lần bảo tôi rằng tôi là “con điên,” rằng tôi không được Chúa kêu gọi và tôi đã làm cho mình thành một “đứa ngu” nên sẽ thất bại thôi. Nó còn quả quyết rằng dù tôi có làm gì đi nữa cũng không kết quả gì đâu. Nó nói những khổ đau của tôi sẽ không bao giờ chấm dứt, những đau đớn của tôi sẽ không bao giờ vơi đi. Nó bảo tôi rằng tôi ngu mới
tin những chuyện mà mình không thấy.

Chúa ban ân sủng cho tôi để từng hồi từng lúc tôi tiến lên từ vinh quang đến vinh quang. Tôi đã thay đổi, và nhiều điều trong đời sống cũng đổi thay theo. Tôi khám phá rằng Chúa chỉ cho chúng ta điều gì chúng ta có thể quán xuyến được. Tôi đã đạt đến một chỗ trong đời sống tôi đó là tôi không muốn bất cứ điều gì mà Ngài không muốn cho tôi. Nếu tôi xin điều gì mà Ngài biết tôi không thể quán xuyến hết được, tôi cầu nguyện xin Ngài đừng ban cho tôi. Thật đau khổ cho một người rơi vào tình trạng đó là có được điều gì đó mà Chúa không muốn người đó có.

Tôi đã thay đổi. Đôi khi tôi còn nhớ trước đây tôi thường là người như thế nào. Tôi biết là chuyện quá khứ không có hay ho gì. Ngày nay cái con người mà tôi biết nhiều năm trước đây đã đi vào dĩ vãng rồi. Khi những năm tháng yên lặng qua đi, tôi vui về công việc mà Chúa đã làm trong tôi bởi ân sủng Ngài. Tôi không thích những năm tháng ấy lúc tôi còn phải gánh chịu, và tôi cũng không hiểu hết những tháng năm đó, nhưng nếu không có nó thì tôi không phải là tôi và cũng sẽ không có được địa vị như ngày nay.

SỰ YÊN NGHỈ CỦA CHÚA

Thế thì vẫn còn sự an nghỉ ngày thứ bảy cho dân Đức Chúa Trời, vì người nào vào sự an nghỉ đó thì nghỉ các công việc mình cũng như Đức Chúa Trời đã nghỉ công việc của Ngài.

HÊBƠRƠ 4:9,10

Tôi đọc một tài liệu nói về sự biến hoá, đã mô tả các giai đoạn tiếp theo sau khi con sâu dệt cái kén phía sau thân cây hay vật gì đó mà nó ẩn núp. Nó bước vào giai đoạn yên nghỉ, và một sự thay đổi lớn bắt đầu xảy ra. Con sâu từ từ chuyển sang giai đoạn to lớn và chui ra thành một con bướm tuyệt đẹp.

Nếu bạn gặp khó khăn và bực bội, lo lắng và đuối sức vì những thay đổi Chúa cần làm trong bạn, sao bạn không bước vào sự yên nghỉ của Chúa? Vật lộn vất vả cũng không thay đổi bạn được – thất vọng hay lo lắng cũng không làm gì được. Càng yên nghỉ trong Chúa, càng chứng kiến nhanh sự thay đổi. Nếu tấm vải nền cứ cựa quậy dưới cây cọ của một hoạ sĩ thì bức tranh sẽ biết bao giờ vẽ xong. Tấm vải sẽ nằm yên nếu chịu phục hoàn toàn dưới sự khôn ngoan và sáng tạo của người hoạ sĩ. Đó cũng là cách chúng ta phải có đối với Chúa. Ngài biết việc Ngài làm và biết cách để làm. Chúng ta nên tin cậy Ngài và bước vào sự yên nghỉ của Ngài.

Hãy ngưng tranh chiến với xác thịt của bạn nữa. Hãy bước vào sự yên nghỉ của Chúa và cầu nguyện, “Chúa ơi, con không thể thay đổi chính mình. Nếu Ngài không thay đổi con, không ai có thể làm được. Con xin đặt mình hoàn toàn vào trong tay Ngài, và con chờ đợi Ngài đem lại những thay đổi cần thiết trong con. Cha ơi, con không chỉ tin cậy đường lối Ngài mà còn tin cậy thời điểm của Ngài nữa.” Sau đó bạn có thể vui hưởng mối thông công với Chúa; bạn sẽ yên nghỉ trong vòng tay yêu dấu của Ngài.

Tiến trình biến hoá sẽ đau đớn. Hãy để cho nó đau. Bạn càng tranh chiến thì nỗi đau càng lâu và cơn đau càng nặng. Một phụ nữ mang thai sắp sửa sinh luôn được khuyên là hãy thư thái và hít thở. Mỗi lần cơn đau xuất hiện là dấu hiệu sự sinh nở càng gần, nhưng mỗi lần đau là mỗi lần người mẹ được nhắc là hãy thư thái và hít thở. Nên dẫu thay đổi có đau đớn thật, nhưng thà đớn đau còn hơn là sống trong đau đớn và thất vọng triền miên. Hãy để Chúa làm bất cứ điều gì Ngài thấy cần làm và muốn làm trong bạn.

Hãy nói với Ngài, “Chúa ơi, khi Ngài thử thách con xong, con không muốn nhận ra con người của con nữa. Con không muốn cư xử hay sống giống như những gì mà con nhớ trước đây. Con muốn sống như con người mới đến bởi sự tái sanh.”

THỜ PHƯỢNG HAY LO LẮNG?

Hãy chú tâm, hướng về Đức Giê-su là Đấng Tác Giả và hoàn thành của đức tin. Vì niềm vui mừng đặt trước mặt, Ngài chịu đựng thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, nên được ngồi bên phải ngai Đức Chúa Trời.

HÊBƠRƠ 12:2

Đôi khi chúng ta gặp rắc rối vì không thấy gì tốt đẹp trong đời sống chúng ta. Ấy là vì chúng ta nhìn không đúng chỗ. Chúng ta cứ nhìn thấy nhiều điều sai trật nơi chúng ta. Kinh Thánh bảo chúng ta đừng nhìn mình mà hãy nhìn Chúa. Thông điệp ở đây là “hãy nhìn xem thì được sống.”

Trong Dân số ký 21, chúng ta thấy khi dân Y-sơ-ra-ên ở trong đồng vắng, rất nhiều người bị chết vì bị dịch rắn cắn do hậu quả của tội lỗi. Môi-se sấp mình trước mặt Chúa và thờ phượng Ngài. Ông hướng sự chú ý về Chúa, chứ không về ông hay ai khác, để giải quyết nan đề.

Tôi khám phá ra rằng suốt cả Kinh Thánh khi người có đức tin gặp nan đề, họ thờ phượng Chúa. Và điều thường gặp là ai thờ phượng Chúa đều là người chiến thắng. Họ không lo lắng – họ thờ phượng Chúa.

Hôm nay tôi xin hỏi bạn : Có phải bạn lo lắng hay bạn thờ phượng?

Môi-se tìm kiếm Chúa để biết cách giải quyết chuyện rắn cắn. Ông không lên kế hoạch rồi xin Chúa chúc phước; ông không cố nghĩ ra câu trả lời, mà ông cũng không lo lắng – ông thờ phượng Chúa. Chính hành động đó của ông khiến Chúa phản ứng.

CHÚA phán bảo Môi-se: Làm một con rắn lửa, đem treo trên một cây trụ. Người bị rắn cắn khi nhìn đến nó thì được sống.

DÂN SỐ KÝ 21:8

Chúng ta biết cây sào treo con rắn đồng tượng trưng cho thập tự giá và việc Chúa Giê-su gánh tội cho chúng ta trên chính Ngài. Sứ điệp ngày nay vẫn không thay đổi : “Hãy nhìn xem thì được sống.” Hãy nhìn xem Chúa Giê- su, nhìn xem những gì Ngài đã làm, chứ không nhìn bản thân hay nhìn những gì bạn đã làm hoặc có thể làm.

Giải pháp cho nan đề của bạn, dù đó là nan đề gì, không phải là lo lắng mà là thờ phượng. Hãy bắt đầu thờ phượng Chúa vì Ngài tốt lành rồi sự tốt lành của Ngài sẽ khai phóng trong đời sống bạn. Hãy nhớ cuộc chiến là của Chúa.