Chương 5: Chiến Trận Thuộc Linh

Cầu Nguyện Hiệu Quả Cho Người Hư Mất

Đăng vào: 5 tháng trước

.

Chương 5: Chiến Trận Thuộc Linh

Mục đích chính trong việc cầu nguyện cho người hư mất KHÔNG PHẢI là thuyết phục Đức Chúa Trời cứu họ vì Ngài “không muốn một ai hư mất” (2 Phi-e-rơ 3:9), Ngài đã sai Đấng Christ để chết cho tội lỗi của toàn thế giới (1 Giăng 2:2). Vấn đề liên quan đến chiến trận thuộc linh – giải phóng họ khỏi ảnh hưởng của ma quỷ để họ có thể được cứu.

Chúng ta hãy điểm qua cách vắn tắt sự miêu tả của Kinh Thánh về hoàn cảnh tuyệt vọng của người hư mất và điều này sẽ giúp chúng ta hiểu lẽ thật then chốt này. Người hư mất là những tù nhân mà Satan không chịu phóng thích (Ê-sai 14:17), là những nô lệ dưới thẩm quyền và quyền lực của satan (Công Vụ 26:18), là con cái của ma quỷ (Giăng 8:44), bị che mắt đối với Phúc âm (2 Cô-rinh-tô 4:3-4), bị ma quỷ “thêm sức” (Ê-phê-sô 2:2), phục dưới quyền ma quỷ (1Giăng 5:19), và là nhà của “người mạnh sức” (Mác 3:27).

Chỉ cần nghiên cứu kỹ những câu Kinh Thánh này sẽ cho bạn một bức tranh rõ ràng hơn. Thí dụ, Ê-phê-sô 2:2 nói, “Đó là nếp sống ngày trước của anh chị em, tức sống theo xu hướng của đời này, theo kẻ cầm quyền trên không trung, là tà linh đang hành động giữa các con cái không vâng lời.” Chữ “hành động” trong tiếng Hy-lạp là energeo – “thêm sức.” Điều này có nghĩa người hư mất được tà linh thêm sức. Tất nhiên, một người hư mất không biết điều đó, và chắc chắn sẽ không thừa nhận nếu người đó đã bị vậy. Người đó nghĩ mình tự do (đó là một phần trong sự hư mất của họ), nhưng sự thật thì hành động của người đó bị vua quyền lực chốn không trung sai khiến.” (Dunn 120).

Chúng ta hãy xem 1 Giăng 5:19, “Nếu chúng ta chấp nhận nhân chứng của người phàm, thì lời chứng của Đức Chúa Trời cao trọng hơn, vì đó là lời chứng của Đức Chúa Trời, và Ngài làm chứng về con Ngài.” Điều này có nghĩa toàn bộ thế giới (bao gồm dân cư) hoàn toàn nằm phủ phục dưới ảnh hưởng của kẻ dữ. Tự điển Webster định nghĩa phủ phục “nằm xuống và mặt cúi mặt xuống trong sự đầu phục hèn hạ, hoàn toàn bị khuất phục.” Liên quan đến câu Kinh Thánh này, Stott nói về thế gian, “Thế gian nằm trong tay kẻ dữ, trong sự kiểm soát và cai trị của nó. Hơn thế nữa, thế gian nằm yên đó. Thế gian không được miêu tả là chủ động tranh chiến để tự do nhưng chỉ nằm tĩnh lặng, thậm chí nằm ngủ một cách vô thức trong tay của Satan. Kẻ dữ không “đụng chạm” Cơ Đốc Nhân, nhưng thế gian vô vọng thì ở trong quyền lực của nó” (Stott 193).

Vậy thì Mác 3:27 là câu Kinh Thánh mà tôi coi là câu quan trọng nhất trong Kinh Thánh liên quan đến việc chinh phục người hư mất cho Đấng Christ. Trong câu này chính Chúa Giê-su phán, “Không ai có thể vào nhà một người lực lưỡng để cướp của mà trước hết không bắt trói người lực lưỡng ấy lại, rồi sao đó mới có thể cướp của trong nhà người ấy được.” Nếu câu Kinh Thánh này có nghĩa thì nó có nghĩa là không một người hư mất nào được cứu nếu không ai giải phóng họ khỏi các ảnh hưởng của ma quỷ đang kiểm soát họ. Đây chắc chắn là điều đầu tiên cần phải thực hiện. Và tiến trình phóng thích này được hoàn thành qua sự cầu nguyện!!

Để giành chiến thắng trong việc chinh phục những linh hồn, có những điều cơ bản chúng ta cần làm. Đầu tiên là sử dụng các vũ khí mà Chúa trang bị. Khi tôi được chính phủ Hoa kỳ gọi tòng quân, một phần trong sự huấn luyện quân sự bao gồm việc học về các vũ khí mà tôi sẽ sử dụng trong chiến tranh. Tôi phải làm quen với khẩu M-16 đến mức có thể tháo và ráp nó trong bóng tối bởi vì sự chuyên nghiệp này được coi là một điều có tiềm năng cứu sống bạn trong vùng chiến sự.

Đức Chúa Trời đã cung ứng những vũ khí quyền năng cho chúng ta để sử dụng trong chiến trận thuộc linh. “Vì các vũ khí chúng tôi dùng trong cuộc chiến của chúng ta không phải là thứ vũ khí xác thịt nhưng là quyền năng thiên thượng để phá tan mọi thành lũy, đánh đổ mọi lí luận” (2Cô-rinh-tô 10:4). Vấn đề của chúng ta đó là chúng ta không quen với các vũ khí của chúng ta cũng như không quen với cuộc chiến.

Nhưng trước khi tôi giúp bạn làm quen với các vũ khí của mình và cách sử dụng chúng, hãy để tôi nhắc cho bạn nhớ lại rằng trận đánh thật sự là cầu nguyện – chúng ta chiến trận bằng cách cầu nguyện. Tôi đã nghe anh Mickey Bonner nói nhiều lần rằng tất cả mọi lời cầu nguyện đều là chiến trận!! Cho nên khi chúng ta không cầu nguyện, Satan giành chiến thắng do đối phương vắng mặt, nhưng khi chúng ta cầu nguyện, thì nó thua vì nó hoàn toàn không thể phòng thủ lại sự cầu nguyện. Phải chăng đây là lý do Chúa muốn chúng ta “cầu nguyện không thôi” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:17) và lí do các sứ đồ dâng mình để “chuyên tâm vào sự cầu nguyện và chức vụ giảng dạy Lời Chúa” (Công Vụ 6:4)?

Giống như tất cả vũ khí chiến tranh vật lý: bom, xe tăng, tên lửa, lựu đạn, súng trường… được sử dụng vì một mục đích – để đánh bại kẻ thù – cũng vậy
tất cả vũ khí thuộc linh được sử dụng để làm điều tương tự! Cho nên, chúng ta hãy làm quen với các vũ khí quyền năng của chúng ta và sử dụng chúng khi cầu nguyện.

Huyết của Đấng Christ là một trong số những vũ khí quyền năng nhất của chúng ta. Khải huyền 12:11 nói, “Nhưng họ đã chiến thắng nó, nhờ huyết của Chiên Con, và nhờ những lời làm chứng của họ; vì họ không tham sống sợ chết.” Hê-bơ-rơ 2:14 cho chúng ta biết vì sao nài xin huyết Đấng Christ trong sự cầu nguyện lại rất quyền năng: “Qua sự chết của chính mình, Ngài có thể hủy diệt kẻ cầm quyền của sự chết là ác quỷ.” Tự điển Strong định nghĩa “hủy diệt” là “làm vô hiệu hóa; làm cho trống không.”

“Khi Satan giết Con Trai vô tội của Đức Chúa Trời, thì nó hủy diệt chính mình… không phải là nó bị tiêu hủy mà là bị hủy diệt. Tất cả mọi yêu sách hợp pháp mà nó siết chặt trên đất và con người qua sự sa ngã của Adam bây giờ hoàn toàn đã bị xóa bỏ; kể từ thập tự giá, nó hoàn toàn không có quyền trên bất cứ ai hay bất cứ cái gì. Có nghĩa rằng mọi quyền lực hiện nó đang thi hành thì nó thực hiện hoàn toàn chỉ bởi sự lừa dối và lường gạt” (Billheimer 31).

Khi chúng ta nài xin huyết của Đấng Christ, chúng ta đang nhắc nhở cho Satan và bầy quỷ dữ của nó rằng chúng đã bị đánh bại. Điều này đặc biệt quan trọng trong chiến trận chinh phục linh hồn, bởi vì sự đổ huyết của Đấng Christ trên đồi Gô-gô tha đã trả xong nợ tội lỗi của tất cả loài người (1 Giăng 2:2), bây giờ Satan kiềm giữ các linh hồn chỉ qua sự lừa dối– bởi vì chúng ta không cương quyết rằng nó phải buông họ ra!

Một vũ khí quyền năng khác đó là Danh Chúa Giê-su! Các môn đồ của Chúa, trở về từ sứ mạng làm chứng, đã vui mừng công bố “Lạy Chúa, nhờ danh Ngài các quỷ phải chịu khuất phục chúng con” (Lu-ca 10:17). Và ma quỷ cũng phục chúng ta nữa!

Có ba lý do theo Kinh Thánh tại sao Danh Chúa Giê-su chúng ta lại rất quyền năng trong lĩnh vực thuộc linh. Đầu tiên, bởi vì Ngài là Chúa trên mọi loài từ trước sáng tạo: “Vì trong Ngài mọi vật trên trời và dưới đất đã được dựng nên, tức những vật thấy được và những vật không thấy được, bất kể ngôi vua, hoặc tước chúa, hoặc lãnh tụ, hoặc các bậc cầm quyền, tất cả đều do Ngài tạo dựng và được tạo dựng cho Ngài” (Cô-lô-se 1:16).

Thứ hai, Ngài là Chúa qua sự đóng đinh: “Qua sự chết của chính mình, Ngài có thể hủy diệt kẻ cầm quyền của sự chết là ác quỷ và giải thoát những người vì sợ chết mà làm nô lệ suốt đời” (Hê-bơ-rơ 2:14-15).

Thứ ba, Ngài là Chúa qua sự đăng quang: “Đấng đã ngự trên trời, đang ở bên phải Đức Chúa Trời, nơi có các vị thiên sứ, các đấng có quyền hành, và các bậc có quyền lực đầu phục Ngài” (1 Phi-e-rơ 3:22).

Nhờ chúng ta hành động bởi sự vâng lời trực tiếp mạng lệnh của Chúa Giê-su trong việc cầu thay cho người hư mất và yêu cầu họ phải được giải phóng, những con quỷ đang kiểm soát họ phải vâng lời bởi vì chúng phục Danh Ngài.

Lời Chúa là một vũ khí quyền năng khác chúng ta có thể sử dụng trong sự cầu nguyện. Như chúng ta đã thấy, trích lời Chúa thật sự rất hiệu quả. Lời Chúa thậm chí còn được gọi là “gươm của Đức Thánh Linh” (Ê-phê-sô 6:17).

Bởi vì satan hoàn toàn bị truất hết quyền lực và thẩm quyền tại đồi Gô-gô-tha (Cô-lô-se 2:15) (Hê-bơ-rơ 2:14). Điều mà nó thích làm là nói dối. Tuy nhiên, nó rất là giỏi trong việc nói dối, chúng ta thấy thể nào nó có thể “lừa cả thế gian” (Khải Huyền 12:9). Nhưng Lời Chúa là “lẽ thật” và lẽ thật LUÔN LUÔN đánh bại lời dối trá. Chính vì vậy, nếu chúng ta tiếp tục sử dụng Lời Chúa trong sự cầu nguyện chiến trận, mỗi lần cầu nguyện chúng ta sẽ giành chiến thắng và những linh hồn sẽ được phóng thích!!!

Ngợi khen là một vũ khí quyền năng khác mà chúng ta có thể sử dụng, vì khi chúng ta bắt đầu ngợi khen Đức Chúa Trời, thì Ngài bước vào hoàn cảnh của chúng ta (Thi Thiên 22:3). Thật là tuyệt vời khi “vị tổng tư lệnh” có mặt tại trận chiến!! Một câu chuyện tuyệt vời về quyền năng của sự ngợi khen đó là câu chuyện được tìm thấy trong 2 Sử Ký 20. Giu-đa đang bị một quân đội được tập hợp từ một số nước thù nghịch tiến đánh. Hoàn cảnh rất tuyệt vọng đến nỗi Giê-hô-sa-phát kêu gọi cả Giu-đa “kiêng ăn và cầu nguyện.” Nhưng “khi họ bắt đầu ca ngợi và chúc tụng, Chúa đặt phục binh đánh úp quân Mô-áp, quân Am-môn và quân đến từ núi Sê-i-rơ, những kẻ tấn công Giu-đa, khiến chúng bị đại bại” (Câu 22).

Đa số chúng ta không có khái niệm nào về quyền năng lớn lao của sự ngợi khen trong chiến trận chinh phục linh hồn – có thể chúng ta chưa sử dụng sự ngợi khen đủ để có thể hiểu quyền năng của nó? Hãy nghe Francis McGaw nói
về vai trò cốt yếu của sự ngợi khen trong việc John Hyde tìm kiếm các linh hồn: “ Tôi nhớ John đã từng nói với tôi rằng trong thời đại của ông nếu một ngày nào bốn linh hồn không được đem vào trong gia đình Chúa, thì vào ban đêm ông có một sự trĩu nặng trong tấm lòng đến nỗi ông thấy đau đớn nhưng theo hướng tích cực, ông không thể ăn ngủ. Rồi trong sự cầu nguyện ông cầu xin Chúa tỏ bày cho ông thấy trở ngại ở trong ông ngăn trở ông đến với phước hạnh này. Lúc nào ông cũng thấy rằng đó là nhu cầu ngợi khen trong cuộc đời của ông. Mạng lệnh này, được lặp lại trong Lời Chúa hàng trăm lần – chắc chắn nó quan trọng! Sau đó ông xưng nhận tội lỗi mình, và tiếp nhận sự tha thứ bởi Dòng Huyết. Rồi ông cầu xin
linh của sự ngợi khen như cầu xin bất cứ ân tứ nào khác của Đức Chúa Trời. Ông đổi đống tro tàn lấy vòng hoa của Đấng Christ, sự than khóc đổi lấy dầu vui mừng của Đấng Christ, linh nặng nề lấy chiếc áo ngợi khen của Đấng Christ (Bài ca của Chiên Con – Ngợi khen Chúa trước về những gì Ngài sẽ làm), và khi ông ngợi khen Chúa, nhiều linh hồn sẽ đến với ông, và con số những linh hồn tin Chúa được lấp đầy vào hội thánh” (Carre 39).

Kiêng ăn là một vũ khí quyền năng khác nhưngýt được sử dụng trong kho vũ khí của chúng ta. Nó được gọi là “quyền lực có sức sát thương mạnh nhất” mà chúng ta có toàn quyền sử dụng. Theoý kiến cá nhân của tôi thì kiêng ăn gia tăng quyền năng của sự cầu nguyệnýt nhất mười lần hơn.

Mục đích chiến trận của chúng ta là đánh bại kẻ thù và kiêng ăn được lên kế hoạch để thực hiện điều đó một cách hiệu quả. Hãy nghe Ê-sai 58:6, “Đây không phải là cách kiêng ăn Ta chấp nhận sao: Tháo bỏ các xiềng xích của bất công áp bức, gỡ bỏ những dây trói buộc người ta vào ách nặng nề, trả tự do cho những người bị oan khiên ức hiếp, và đập tan mọi xiềng xích gông cùm?” Trong một lần nọ khi các sứ đồ không thể đuổi một con quỷ ra khỏi một cậu bé, thì Chúa Giê-su nói với họ rằng “thứ quỷ ấy không thể đuổi ra ngoại trừ cầu nguyện và kiêng ăn.”

Một vũ khí khác phóng thích nhiều sức mạnh trong lĩnh vực thuộc linh là tình yêu thương. Người yêu Chúa với cả linh hồn xác và yêu những linh hồn hư mất như chính mình không thể nào bị ngăn cản!! Khải Huyền 12:11 nói, “Nhưng họ đã chiến thắng nó, nhờ huyết của chiên con, và nhờ những lời làm chứng của họ, vì họ không tham sống sợ chết.”

Khi bạn yêu thương đủ một ai đó, bạn sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để giữ họ ra khỏi hỏa ngục. Sự thật thì tình yêu thương không bao giờ thất bại. “Tình yêu thương dung thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Tình yêu sẽ trường tồn mãi mãi” (1Cô-rinh-tô 13:7-8).

Vậy chuyện gì xảy ra khi chúng ta cầu nguyện và sử dụng các vũ khí Đức Chúa Trời đã ban cho? 2Cô-rinh-tô 10:4-5 nói: “Vì các vũ khí chúng ta dùng trong cuộc chiến của chúng ta không phải là thứ vũ khí xác thịt nhưng là quyền năng thiên thượng để phá tan mọi thành lũy, đánh đổ mọi lý luận và mọi sự kiêu ngạo chống lại sự hiểu biết Đức Chúa Trời, và bắt phục mọi tư tưởng, để người ta vâng phục Đấng Christ.”

Các vũ khí được sử dụng trong sự cầu nguyện nhằm mục tiêu là phá tan các đồn lũy, đánh đổ mọi lý luận và bắt phục mọi tư tưởng. Các đồn lũy là tâm trí nghịch lại lời Chúa và ý muốn Chúa. Cho nên chúng ta có thể nhanh chóng thấy rằng chiến trường là tâm trí của một người, bởi vì chúng ta đang giải quyết tâm trí, lý luận và tư tưởng.

Hiểu biết điều này là sự cấp bách vì người nào kiểm soát tâm trí là kiểm soát được con người mình. Nếu Satan cứ kiểm soát tâm trí của một người chưa được cứu, nó có thể che mắt người đó không thấy Phúc âm, vì bất cứ ai có tâm trí “tỉnh táo” sẽ chọn Chúa Giê-su thay vì Satan, chọn thiên đàng hơn là địa ngục mỗi một lần người đó chọn lựa! Khi quân đoàn quỷ bị đuổi ra khỏi người đàn ông ở Ghê-ra-sê-nê, người đó có thể tự suy nghĩ và chọn lựa – ông không chỉ chọn Chúa Giê-su mà cũng trở thành một người truyền giáo nóng cháy cho Ngài (Mác 5:15-20).

“Con người là một tác nhân tự do, nói theo cách cũ, về phương diện Đức Chúa Trời thì con người hoàn toàn tự do. Và chừng nào còn tội lỗi,ých kỷ và thành kiến thì con người là tác nhân bị biến thành nô lệ trên đất. Mục đích sự cầu nguyện của chúng ta không phải là áp đặt hay ép buộc ý chí của con người; không bao giờ. Mục đích là giải phóng ý chí của con người khỏi các ảnh hưởng làm cho lệch lạc, làm tâm trí họ bị méo mó. Mục đích là mở mắt của họ để họ có thể nhìn rõ. Và khi đã được tự do, có thế nhìn đúng, cân bằng mọi sự mà không có thành kiến, thì khả năng dùng ý chí của mình thường là thiên về việc chọn điều đúng. Lời cầu nguyện của chúng ta là ‘cứu họ khỏi kẻ dữ,’ bởi vì Chúa Giê-su chiến thắng trên kẻ áp bức, sự giải cứu sẽ xảy ra. Không nghi ngờ gì chúng ta có thể đảm bảo việc cải đạo của những con người này nằm trong lòng chúng ta nhờ những lời cầu nguyện. Sự cầu nguyện trong Danh Giê-su sẽ đẩy kẻ thù ra khỏi bãi chiến trường là ý chí con người, và người đó tự do có quyền chọn điều đúng (Gordon 192-94).

Bây giờ chúng ta hiểu Đức Chúa Trời sử dụng lời cầu nguyện của chúng ta để phá tan các đồn lũy của Satan, chúng ta hãy xem thể nào Satan sử dụng các đồn lũy trong đời sống của con người để giữ họ không được cứu. Đồn lũy mạnh mẽ nhất đó là SỰ VÔ TÍN. Đó là đồn lũy chính trong mọi người- được cứu hay hư mất!! Trong một Cơ Đốc Nhân thì đồn lũy này là nhằm giữ người đó không tin các lẽ thật trong Lời Chúa, là lẽ thật sẽ làm cho người đó có quyền năng và hiệu quả trong Vương Quốc Đức Chúa Trời. Nhưng trong những người chưa được cứu thì các đồn lũy này nhằm mục đích giữ cho người đó không tin nhận Chúa Giê-su là Chúa và Đấng Cứu Thế của họ.

Bởi cớ vô tín là tội lỗi duy nhất đưa một người xuống địa ngục, nên Satan xem điều này là vô giá và bảo vệ nó bằng những đồn lũy khác. Bất cứ nếp suy nghĩ nào nghịch lại ý muốn và lời của Đức Chúa Trời đều là những đồn lũy. Khi người trai trẻ giàu có đến với Chúa Giê-su hỏi làm sao để có thể có sự sống đời đời, Chúa Giê-su KHÔNG BAO GIỜ nói cho người trai trẻ cách để được cứu. Hơn thế, Ngài bảo người trai trẻ phân phát tiền thu được trong của cải của mình cho người nghèo. Nhưng người trai trẻ không sẵn lòng làm điều này và bỏ đi trong tình trạng như lúc anh đến– hư mất. Chúa Giê-su biết rằng sự tham lam đã kiểm soát tâm trí và tấm lòng của anh, ngăn trở anh không được cứu, và cho đến chừng nào điều đó chưa được phá đổ, thì Phúc âm sẽ không có hiệu quả (Mác 10).

Đồn lũy của người đàn bà Sa-ma-ri tại Sychar đó là dâm dục. Cô nói chuyện với Chúa về các chủ đề xã hội, lịch sử và tránh đi vấn đề chính trong cuộc đời của cô. Nhưng khi Chúa Giê-su nói cho cô một cách rõ ràng rằng cô đã lập gia đình năm lần và hiện tại đang sống với một người đàn ông – Ngài đã thu hút sự chú ý của cô. Trong trường hợp này đồn lũy được phá vỡ và cô được cứu một cách vinh hiển (Giăng 4).

Satan thường sử dụng sự cay đắng để ngăn chặn lẽ thật về tình yêu thương của Đức Chúa Trời và ngăn chặn không cho người ta nhận lấy tình yêu đó. Thí dụ, một cô bé bị quấy rầy tình dục và bây giờ, nhiều năm sau một ai đó chia sẻ Phúc âm với cô – sự chia sẻ đó sẽ không bao giờ thắng hơn sự cay đắng trong lòng cô. Đồn lũy đó phải bị phá đổ bằng sự cầu nguyện trước khi cô có thể nhận lãnh tin tức tốt lành về tình yêu thương của Đức Chúa Trời.

Rất khó để chinh phục người đồng tính cho Đấng Christ – không phải vì Đức Chúa Trời không yêu thương họ hay bởi cớ Phúc âm không đủ quyền năng hay bởi bạn không quan tâm đủ. Nhưng đây là một đồn lũy rất mạnh nên cần nhiều sự cầu nguyện, kiêng ăn, kiên trì, đức tin để phá vỡ. Chúng ta thường nản lòng và bỏ cuộc trước khi giành chiến thắng.

Một ngày nọ tôi đang cầu nguyện đặc biệt cho một người, tôi xin Chúa khải thị cho tôi tại sao anh ta lại liên tục khước từ Phúc âm. Ngài cho hiện chữ “kiểm soát” lên tâm trí tôi. Lúc đó tôi thật sự không hiểu nó có ý nghĩa gì. Nhưng khi tôi càng biết anh ta, tôi khám phá ra rằng anh ta kiểm soát mọi sự trong khu vực ảnh hưởng của mình bằng kỷ luật sắt. Bây giờ tôi hiểu tại sao sự kiểm soát là đồn lũy giữ anh ra khỏi Đấng Christ – vì để được cứu, người đó phải đầu phục Ngài.!

Mặc dù phạm vi của cuốn sách này không cho phép nghiên cứu sâu về các đồn lũy, tôi muốn nói ngắn gọn với những ai đang cầu nguyện cho ai đó có nan đề chính là nghiện ngập ma quý hay rượu bia. Những sự nghiện ngập này chỉ là cái màn che vấn đề thật sự ở bên trong. Vấn đề thật sự thường là một cái tôi bị tổn thương, và theo một cách nào đó lòng tự trọng và hình ảnh bản thân đã bị hủy hoại – có thể qua sự khước từ, lạm dụng, hay một số thất vọng trong cuộc sống. Sự nghiện ngập nó chỉ che đậy và làm cho nan đề trầm trọng thêm. Nên hãy cầu xin Chúa chỉ cho bạn biết nguyên do của nan đề để bạn có thể có sự đắc thắng.

Khi Eddie Smith cần biết cách để giúp đỡ một người nữ được tư vấn, ông xin Chúa tỏ bày những gì ông cần biết về hoàn cảnh của bà. Ngài đã thúc dục Eddie hỏi bà về “vũ hội đồng quê miền tây.” Khi ông hỏi, bà lập tức bật khóc và la lên, “Ai nói cho ông biết về điều đó?” Sau đó bà kể câu chuyện của mình, lúc bà mười lăm tuổi bà miễn cưỡng đi theo người bạn đến vũ hội đồng quê miền tây. Khi đến đó bà thấy người giáo viên trường Chúa Nhật của mình đi loạng chạng trong tình trạng say rượu. Ngay lập tức lúc đó bà quay lưng lại với Chúa, và nói với Ngài, “Nếu theo Chúa mà sống như vậy thì Chúa có làm gì được đâu?” Sau đó bà nói với Eddie, “Kể từ lúc đó, cuộc đời tôi là một địa ngục trần gian. Tôi nghiện rượu bia và ma túy và không có hy vọng. Tôi đã lập gia đình nhiều lần, tôi thật sự khốn khổ.” Khi đã biết nguyên nhân của nan đề của bà, Eddie mới có thể cầu nguyện với bà và Chúa đã giải phóng bà. (Smith 71-73).

Tôi tin rằng có hàng trăm đồn lũy mà Satan sử dụng để bảo vệ sự vô tín, nhưng lẽ thật nền tảng chúng ta cần phải hiểu đó là luôn luôn có một đồn lũy chính trong cuộc đời của mỗi một người chưa được cứu, điều đó ngăn trở người đó nhận lãnh Phúc Âm. Trận chiến không bao giờ là chiến trận với nhiều tội lỗi (mặc dầu một người có thể phạm nhiều tội) nhưng chiến trận với một tội lỗi mà thôi! Đồn lũy đặc biệt đó là vũ khí mà kẻ mạnh sức cậy vào, nhưng khi vũ khí của nó (đồn lũy) bị phá hủy, thì nó bị đánh bại và người đó sẵn sàng cho sự cứu rỗi (Lu-ca 11:21-22).

Một yếu tố thực sự quan trọng khác trong khía cạnh chiến trận thuộc linh nhằm chinh phục các linh hồn đó là thực hành uy quyền của chúng ta trong Đấng Christ. Ngài đã ban cho chúng ta thẩm quyền tối thượng (Ma-thi-ơ 16:19), nhưng chúng ta phải sử dụng nó. “Giống một người cảnh sát trên góc phố có thể hướng dẫn luồng giao thông bởi cớ nhờ thẩm quyền của mình, thì một Cơ Đốc Nhân cũng có thể cầu nguyện cho những linh hồn đang bị Satan trói buộc và che mắt và giải thoát họ. Những quyền lực của bóng tối sẽ thấy rằng sức mạnh của nó bị phá đổ qua Huyết Chúa Giê-su; và khi chúng ta thực hành uy quyền của chúng ta trong Ngài thì chúng không thể nào đứng nổi trước mặt chúng ta nữa. Đức chúa Trời đã kêu gọi chúng ta trở thành những khí cụ, qua đó Ngài có thể thi hành thẩm quyền của Ngài. Bởi đức tin chúng ta hãy nhận lấy địa vị này và đứng vững bất kể là gặp sự chống đối. Lúc đó Ngài sẽ làm qua chúng ta những điều chúng ta chưa bao giờ mơ tưởng đến” (Epp 108-10).

Về phương diện hợp pháp, tất cả linh hồn đều thuộc về Đấng Christ bởi vì Ngài đã trả giá cho tội lỗi của họ tại đồi Gô-gô-tha (1 Giăng 2:2). Nhưng Satan, một cách bất hợp pháp và ép buộc, tiếp tục bắt các linh hồn đó làm nô lệ, cương quyết không chịu buông tha họ. Và nó sẽ tiếp tục trói buộc họ trong bóng tối thuộc linh cho đến khi chúng ta nắm lấy địa vị đúng đắn và thực hành các vương quyền Chúa ban cho bằng cách ra lệnh cho ma quỷ phóng thích họ ngay lập tức trên cơ sở sự đổ huyết của Chúa Giê-su và thẩm quyền mà Chúa đã ủy thác cho chúng ta.

Hoàn toàn không có một lý do nào để cho, thậm chí dù chỉ một, linh hồn phải chết và đi xuống hỏa ngục bởi vì Đấng Christ đã trả giá cứu chuộc cho họ. Và lý do duy nhất tại sao một người đi xuống hỏa ngục đó là chúng ta chưa nắm lấy địa vị thẩm quyền và trói buộc người mạnh sức và không kiên trì bền đỗ cho sự cứu chuộc của họ. Ma quỷ sẽ không phóng thích họ cho đến khi chúng ta buộc nó phải làm.

Tướng Jonathan Wainwright, cùng với những tù nhân chiến tranh khác của quân đồng minh, bị bỏ tù tại đảo Formosa. Mặc dù chiến tranh đã kết thúc và sĩ quan người Nhật biết điều đó nhưng ông đã không nói cho các tù nhân biết, ông cũng không phóng thích họ. Nhưng không lâu sau đó một máy bay của quân đồng minh đáp xuống hòn đảo đó với tin chiến thắng. Tướng Jonathan Wain-wright thông báo cho sĩ quan người Nhật, “Vị tổng tư lệnh của tôi đã đánh bại tổng tư lệnh của anh. Bây giờ tôi sẽ nắm quyền.” Đây là điều mà chúng ta làm, tuyên bố với người mạnh sức rằng: (Con quỷ chính trong cuộc đời của một con người), “Tổng tư lệnh của ta đã đánh bại tổng tư lệnh của ngươi. Ta ra lệnh cho ngươi phóng thích ngay lập tức những người bị bắt làm nô lệ một cách bất hợp pháp.” Và nếu chúng ta kiên trì, sự phóng thích và sự giải cứu sẽ xảy ra!!!

Yếu tố cuối cùng nhưng rất quan trọng trong việc cầu nguyện chinh phục các linh hồn đó là liên tục chống trả ma quỷ. Chúng ta được dạy là hãy mặc khí giới của Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 6:10-18) để chúng ta có thể “đứng vững để chống trả các mưu kế (các phương pháp) của ma quỷ… có thể đứng vững (chống trả) trong ngày khổ nạn.” Khi chúng ta thực sự nghiêm túc về sự cứu rỗi các linh hồn, thì satan sử dụng những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc đời chúng ta và trong cuộc đời của những người mà chúng ta đang cầu nguyện trong một nỗ lực nhằm khiến chúng ta thối lui và bỏ cuộc. Đây là lý do tại sao một người chồng hay là một người thiếu niên mà một người vợ hay người mẹ đang cầu nguyện sẽ thường có khuynh hướng trở nên tệ hơn thay vì tốt hơn. Satan muốn họ thôi cầu nguyện, vì nó đang mất dần sự trói buộc của nó trên những linh hồn này!!

Vậy nên, chống trả ma quỷ có nghĩa là bạn không để những sự phản ứng, hoàn cảnh… tiêu cực ngăn trở nỗ lực cầu nguyện sốt sắng liên tục. Khi một điều gì đó, ví dụ như chất a-mi-ăng, có tính chống lửa, điều đó có nghĩa nó không có tác dụng với lửa. Vật gì có tính kháng nước có nghĩa nó không có tác dụng với nước. Chống trả hay kháng cự ma quỷ có nghĩa là dù nó làm bất cứ việc gì cũng không ảnh hưởng tới bạn, bạn chỉ việc cứ tiếp tục cầu nguyện cho những người thân yêu bị hư mất để họ được cứu.

Sự bày tỏ diệu kỳ nhất về việc chống cự ma quỷ để cứu mọi linh hồn chính là ở trong lời chứng này, mà Charles Blanchard, hiệu trưởng của trường đại học Wheaton trong 43 năm, đã từng nghe. Ông đã xác minh câu chuyện này là đúng và đã ghi lại trong cuốn sách, Gettting Things From God của mình, được trích lại như sau:

Bạn thân mến, khoảng hai năm rưỡi hay ba năm trước đây tôi đã ở trong bệnh viện tại Philadenphia. Lúc đó tôi là một kỹ sư của nhà máy lắp ráp Pennsyvania và mặc dầu tôi có một người vợ luôn cầu nguyện nhưng cả đời tôi là một người tội lỗi. Tại thời điểm đó tôi bị ốm nặng và hoàn toàn kiệt sức. Tôi nhẹ hơn 50kg.

Cuối cùng người bác sĩ đang chăm sóc cho tôi nói với vợ tôi rằng tôi sẽ chết, nhưng cô ấy nói: “Không anh ấy sẽ không chết. Anh ấy không thể nào chết được, tôi đã cầu nguyện cho anh ấy 27 năm và Chúa đã hứa với tôi rằng anh ấy sẽ được cứu. Bác sĩ có nghĩ là Đức Chúa Trời để cho anh ấy chết bây giờ sau khi tôi đã cầu nguyện 27 năm và Chúa đã hứa nhưng anh ấy không được cứu không?” “Ồ” bác sĩ đáp, “Tôi không biết gì về chuyện đó nhưng tôi biêt rằng anh ấy sẽ chết.” Và cái màn che đã được đặt xung quanh gần cái giường, bức màn này trong bệnh viện được đặt để phân rẽ khu dành cho người sống và người chết.

Để làm thỏa lòng vợ tôi họ đem tới những người bác sĩ khác, từng người một cho đến khi có bảy người đến cạnh giường, mỗi một người trong số họ khi đến gần giường và thực hiện kiểm tra đều xác chứng kết quả của tất cả những người đi trước. Bảy vị bác sĩ nói tôi sẽ chết. Trong khi vợ tôi quỳ gối bên cái giường nằng nặc nói rằng tôi không chết – rằng nếu tôi chết Chúa sẽ đem tôi trở lại, vì Ngài đã hứa với cô ấy rằng tôi sẽ được cứu nhưng lúc đó tôi chưa được cứu. Thời gian trôi qua, hai đầu gối của cô ấy bắt đầu làm cho cô ấy cảm thấy đau do quỳ gối trên sàn nhà cứng của bệnh viện. Cô ấy xin y tá một chiếc gối, y tá đem cái gối đến và cô ấy quỳ trên đó.

Một giờ, hai giờ, ba giờ trôi qua. Người ta vẫn để cái màn bên cạnh cái giường của tôi. Tôi nằm đó bề ngoài tưởng chừng như đã chết. Bốn giờ, năm giờ, sáu giờ, bảy giờ, mười ba giờ trôi qua, tất cả những thì giờ này là trong lúc vợ tôi nằm cạnh cái giường, khi người ta phản đối và mời cô ấy đi chỗ khác thì cô ấy nói: “Không anh ấy phải được cứu nếu anh ấy chết Chúa sẽ đem anh ấy trở lại. Anh ấy không chết đâu. Anh ấy không thể chết cho đến khi anh ấy được cứu.”

Vào cuối giờ thứ mười ba tôi mở mắt và cô ấy nói, “Anh yêu ơi anh muốn gì?” Tôi nói: “Anh muốn đi về nhà,” Cô ấy nói: “Anh sẽ về nhà.” Nhưng khi cô ấy đề nghị điều đó với bác sỹ, họ giơ tay lên trong sự sợ hãi. Họ nói, “Tại sao? Điều đó sẽ giết chết anh ấy mất, như vậy là tự sát.” Cô ấy nói: “Các vị đã làm xong phần việc của mình rồi. Các vị nói anh ấy đã chết. Tôi sẽ đưa anh ấy về nhà.”

Bây giờ tôi nặng hơn 120kg. Tôi có thể điều hành một tàu cao tốc trên tuyến Pennsylvania. Tôi đã đi tới Min­neapolis trong một kỳ nghĩ ngắn, nói cho người ta biết về những gì Chúa Giê-su có thể làm, và tôi rất vui mừng nói cho bạn biết những gì Chúa Giê-su có thể làm (Blanchard 94-95).

Chỉ có hai lý do tại sao lời cầu nguyện cho linh hồn được cứu không được đáp lời: Có thể là tội lỗi hoặc sự vô tín trong người đang cầu nguyện hoặc satan đang ngăn trở sự đáp lời. Vậy nên, nếu bạn chỉnh đốn lại đời sống của bạn (Giăng 15:7) và tiếp tục cầu nguyện thì sự đáp lời sẽ đến, vì satan không thể tiếp tục kiên trì dai dẵng nghịch lại sự cầu nguyện chiến trận can đảm và nhiệt thành.

Cuộc chiến nào cũng phải lên kế hoạch. Quân lính không chỉ đi lòng vòng bắn phá tứ tung. Điều tương tự cũng đúng trong sự cầu nguyện chiến trận nhằm chinh phục những linh hồn – chúng ta cần một chiến lược. Để tôi nêu cho bạn một vài chiến lược rất hiệu quả.

Chiến lược tối thượng đó là toàn bộ Hội Thánh phải dâng mình cầu nguyện tiên tục. Hội Thánh đầu tiên đã làm việc này: “Tất cả những người ấy đồng lòng hiệp ý liên tục cầu nguyện với các bà” (Công vụ 1:14) với những kết quả rất diệu kỳ: “Hôm đó có khoảng ba ngàn linh hồn thêm vào số các môn đồ” (Công vụ 2:41) và “nhiều người đã tin sau khi nghe sứ điệp của họ, và số nam tín hữu của họ lên đến khoảng năm ngàn người” (Công vụ 4:4).

Trong buổi nhóm cầu nguyện khác “khi họ cầu nguyện xong, nơi họ đang nhóm rúng động; họ được đầy dẫy Đức Thánh Linh và rao giảng đạo Đức Chúa Trời cách dạn dĩ” (Công vụ 4:31) với một mùa gặt được nhiều linh hồn diễn ra liên tục: “Tuy nhiên số người tin Chúa càng ngày càng đông, cả nam lẫn nữ rất nhiều.” (Công vụ 5:14). “Số môn đồ tại Giê-ru-sa-lem tăng lên rất nhiều” (Công vụ 6:7), và “tất cả những ai sống tại Ly-đa và Sa-rôn… điều trở về với Chúa” (Công vụ 9:35). Và rất nhiều đoạn khác trong sách Công vụ miêu tả những sự việc tương tự. Nếu Hội Thánh ngày hôm nay làm theo tấm gương cầu nguyện của Hội Thánh đầu tiên, thì Hội Thánh sẽ kinh nghiệm cùng những kết quả truyền giáo tương tự.

Một chiến lược rất hiệu quả khác nữa đó là thành lập các nhóm cầu nguyện. Những buổi nhóm lí tưởng trong đa số các Hội Thánh là các lớp trường Chúa nhật hay các nhóm tế bào tại gia đình bởi vì họ nhóm nhau thường kỳ. Họ có thể cầu nguyện một cách kiên định và liên tục cho danh sách liệt kê tên những người hư mất cho đến khi thấy những người hư mất này đến với Đấng Christ.

Evelyn Christenson khuyến nghị sự cầu nguyện bộ ba là một trong những lời cầu nguyện đơn giản nhưng hiệu quả nhất trước khi truyền giáo. Điều này bao gồm việc ba Cơ Đốc Nhân sẵn sàng kỷ luật bản thân để cầu nguyện mỗi tuần cho chín linh hồn hư mất. Bà miêu tả những kết quả rất cóých của loại cầu nguyện này trong hai chiến dịch của ông Billy Graham tại Anh Quốc: “Cầu nguyện gồm ba người đã sản sinh ra những kết quả lớn lao nhất mà Billy Graham đã từng có cho đến chiến dịch Misson England năm 1984. Khi đó có 90.000 Cơ Đốc Nhân tại Anh Quốc thành lập thành các nhóm ba người để cầu nguyện trước khi diễn ra chiến dịch. Mỗi một người trong số ba Cơ Đốc Nhân chọn ba người không phải là Cơ Đốc Nhân, sau đó họ nhóm lại với nhau một tuần một lần trong vòng một năm trước chiến dịch truyền giảng và cầu nguyện theo tên của chín người không phải là Cơ Đốc Nhân để những người đó tìm thấy Chúa Giê-su. Tháng Một năm 1989, tạp chí Decision, đã khích lệ nhóm cầu nguyện ba người đăng ký tham gia Mission England II của Billy’s 1989, báo cáo rằng nhiều trong số nhóm cầu nguyện ba người thấy tất cả chín người mà họ cầu nguyện tiếp nhận Chúa Giê-su thậm chí trước khi Billy đến Anh Quốc. Với hơn 7000 Hội Thánh, mỗi Hội Thánh như vậy có rất nhiều nhóm ba người tham gia chiến dịch Mission England năm 1989 của Billy, những kết quả thật rất tuyệt vời. Đây là một cách rất quyền năng nhằm chiến trận với satan, chinh phục các linh hồn trong cả một quốc gia” (Christenson 110).

Có những người bạn đồng công cầu nguyện là một chiến lược hiệu quả khác trong việc cầu nguyện cho những linh hồn được cứu. Việc hai người nhóm nhau lại dễ dàng hơn là nhóm lại thành nhóm lớn. Một đội gồm vợ và chồng có sức mạnh phi thường bởi vì họ thường hiệp nhau mỗi ngày, cộng với những gánh nặng của họ dành cho những người họ hàng, bạn bè, hàng xóm… sẽ tương tự. Nhưng bất kỳ cặp đôi nào cùng cầu nguyện cũng đem đến sự hiệu quả. Chúa Giê-su thậm chí còn đảm bảo rằng những lời cầu nguyện của họ sẽ được nhậm lời (Ma-thi-ơ 18:19).

Tôi đề cập một chiến lược cuối cùng, nó đem lại hiệu quả tốt cho cá nhân cầu nguyện một mình – một danh sách cầu nguyện!! Tôi, cùng với hàng ngàn người khác, đã sử dụng một danh sách cầu nguyện trong nhiều năm, thấy nhiều linh hồn đến với Đấng Christ qua phương pháp này. Tôi kể lại cho bạn một câu chuyện mà thật sự tôi rất được phước, hy vọng rằng bạn cũng được phước:

“Một vài năm trước đây tại Springfield, Illinois, một người đàn ông sốt sắng đã nhóm họp một ban cầu nguyện và ông đưa ra lời đề nghị với họ: ‘Tối nay khi các bạn về nhà hãy viết xuống tất cả tên của những người tại Spring­field, người mà bạn muốn được cứu, và sau đó cầu nguyện theo tên của họ, ba lần một ngày, để họ được cứu và sau đó nỗ lực hết mình thuyết phục những người này quay trở lại với Đức Chúa Trời để được cứu.’

Vào thời điểm đó có một người phụ nữ tàn tật đang sống tại Springfield, về mặt thể lý bà gần như hoàn toàn vô vọng. Bà đã nằm giường 17 năm. Bà đã cầu nguyện với Đức Chúa Trời trong một thời gian dài theo một cách chung chung để cứu nhiều linh hồn. Khi gia đình của bà nói cho bà về lời đề nghị dành cho ban cầu nguyện thì bà nói: ‘Mình có thể làm được điều này.’ Bà có thể sử dụng cánh tay phải của mình. Có một cái bàn viết có thể điều chỉnh được bên cạnh giường của bà. Bà xin bút và giấy. Bà viết tên của bảy mươi bảy người mà bà biết. Bà cầu nguyện cho mỗi một người theo tên của họ ba lần một ngày bà viết thư cho họ nói cho họ biết về sự cầu thay của bà. Bà cũng viết cho những người bạn Cơ Đốc Nhân, họ là người mà bà biết là họ có sự tin quyết, bà thúc giục họ nói chuyện với bảy mươi bảy người kia về chiến trận linh hồn của họ và khích lệ những người bạn Cơ Đốc Nhân cố gắng hết sức mình thuyết phục những người kia ăn năn và tin nhận. Bà có một đức tin không nao sờn nơi Đức Chúa Trời. Trong sự khiêm nhường của mình bà thật lòng phụ thuộc nơi Ngài vì thế bà có thể cầu nguyện cho những người chưa được cứu. Vào đúng thời điểm, mỗi một người trong số 77 người này đã công khai tuyên bố đức tin nơi Chúa Giê-su làm Cứu Chúa của mình” (McClure 124-25).