Chương 2: Nền Tảng Kinh Thánh

Cầu Nguyện Hiệu Quả Cho Người Hư Mất

Đăng vào: 5 tháng trước

.

Chương 2: Nền Tảng Kinh Thánh

Một trong những cách cầu nguyện hiệu quả và đầy quyền năng là phải trình bày những lí do thuyết phục với Đức Chúa Trời là tại sao lời cầu nguyện của chúng ta phải được đáp lời. Ngài truyền lệnh chúng ta làm điều này trong Ê-sai 41:21, “CHÚA phán: ‘Hãy trình vụ kiện của các ngươi . . . Hãy đưa ra những lí lẽ hùng biện.’”

Những lí lẽ hùng biện là những lí lẽ đặt cơ sở trên Kinh Thánh và có nhiều lí lẽ như thế liên quan đến việc cầu nguyện cho người hư mất. Tôi thích cách mà F.J.Hue-gel diễn tả điều này, “Nếu chúng ta muốn tìm ra một cách để xác quyết lời kêu xin để giúp cho mục đích lớn lao của Đức Chúa Trời trong việc công bố Phúc âm và mở mang vương quốc của Chúa thì chúng ta hãy bắt đầu cầu nguyện với tinh thần và sức mạnh của Phao-lô hay David Brain-ard, của George Muller hay Hyde và chúng ta chắc chắn sẽ được Chúa nghe và nhiều điều lớn lao sẽ được thực hiện” (Huegel 80).

Một trong những lí do quan trọng nhất để cầu nguyện cho những hư mất là tình yêu của chúng ta dành cho họ. Lời cầu nguyện được mô tả là “tình yêu quỳ gối.” Chắc chắn, chính tình yêu của Chúa dành cho nhân loại đã đem Chúa Giê-su đến thập tự giá. Đó chính là tình yêu dành cho năm người anh em khiến cho người giàu dưới địa ngục cầu nguyện cho các anh em mình “e họ cũng xuống nơi thống khổ này chăng” (Lu 16:27-28); và chính tình yêu đó dẫn chúng ta đến chỗ cầu thay.

Trung tâm truyền giáo Pacific Garden Mission tại Chi-cago đã được Chúa dùng cách mạnh mẽ để giải cứu hành trăm linh hồn đang bị đùa xuống hỏa ngục. Và không lạ gì bản hiệu đèn có ghi hàng chữ “PACIFIC GARDEN MIS-SION” cũng ghi lời nhắc nhở LỜI CẦU NGUYỆN CỦA NGƯỜI MẸ ĐANG ĐEO ĐUỔI BẠN. Chỉ có cõi đời đời mới cho biết bao nhiêu linh hồn đã được cứu bởi nước mắt và lời cầu nguyện xuất phát từ tình thương của người mẹ! Thật ra, tình yêu là tài sản quí giá nhất trong việc cứu rỗi linh hồn.

Đức tin là một nền tảng Kinh Thánh khác để cầu nguyện cho người hư mất. Chúa Giê-su phán, «Mọi sự đều có thể được cho người nào tin» (Mác 9:23). «Mọi sự» chắc chắn có sự cứu rỗi linh hồn. Nếu bạn tin cậy Chúa cho ai đó được cứu, bạn sẽ nhận được.

Bốn người bạn đã mang người bại đến với Chúa Giê-su và nhìn thấy đức tin của họ, Ngài phán, “Hỡi con, tội lỗi con đã được tha” (Mác 2:5). Dù họ đem anh ta đến để được chữa lành, anh ta cũng nhận được sự tha tội. Đây là sự bày tỏ quyền năng của đức tin. Thật ra, đức tin là tiền của Nước Chúa.

Một trong những lí lẽ tôi thích nhất dùng để cầu nguyện cho người hư mất là quyền năng mạnh mẽ mà Kinh Thánh gán cho sự cầu nguyện. “Lời cầu nguyện sốt sắng, hiệu quả của người công chính thật linh nghiệm,” theo Gia-cơ 5:16. Chúng ta không thể hiểu lời cầu nguyện thật sự có quyền năng phi thường như thế nào, vì nó bày tỏ ảnh hưởng rất lớn trong cả cõi vũ trụ.

“Cầu nguyện là công việc của một trật tự cao siêu vượt quá trí tưởng tượng của con người. Vì khi một cơ đốc nhân cầu nguyện, khả năng thành cộng và sức mạnh để làm việc lành của người đó được gia tăng gấp ngàn lần, vâng cả ngàn lần hơn. Điều này không có phóng đại đâu, lí do là khi người ta cầu nguyện, Đức Chúa Trời hành động” (Huegel 10).

Khi bom nguyên tử được thả xuống Nhật bản trong chiến tranh thế giới II, khoảng 92 ngàn người bị chết. Nhưng khi quân Asiri bao vây thành Giê-ru-sa-lem khiến cho vua Ê-xê-chia kêu cầu Chúa thay cho dân sự ông, Ngài sai một thiên sứ giết chết 185.000 quân lính Asiri trong một đêm. Lời cầu nguyện của Ê-xê-chia tăng gấp đôi sức mạnh của bom nguyên tử! Nếu lời cầu nguyện đủ để tiêu diệt các quân đội thì quyền năng của lời cầu nguyện sẽ cứu rỗi linh hồn càng hơn thế nữa.

Nếu chúng ta không có nền tảng Kinh Thánh để cầu nguyện cho người hư mất hơn là sự thật rằng Đức Chúa Trời muốn chúng ta cầu nguyện, điều này cũng đủ rồi. Đức Chúa Trời “ngạc nhiên” khi Ngài không thể tìm thấy một người nào cầu thay cho dân Y-sơ-ra-ên (Ê-sai 59:16). Điều này cho tôi biết rằng Ngài mong ước tìm ai đó cầu thay.

Hãy lắng nghe lời giải thích của Andrew Murray về việc Chúa tìm kiếm những người cầu thay : “Ngài lấy làm lạ và than phiền là không có người cầu thay, không ai tự đứng lên để nắm lấy sức mạnh của Ngài. Và Ngài vẫn chờ đợi và lấy làm lạ trong thời đại của chúng ta, rằng không có người cầu thay, rằng tất cả con cái Ngài không dâng mình cho công việc cao cả và thánh thiện nhất, rằng nhiều người trong số họ cũng có làm nhưng không hết lòng và kiên trì. Ngài lấy làm lạ khi thấy các mục sư than phiền do công việc quá nhiều nên không cho phép họ có thời gian làm công việc này, là công việc mà Ngài kể là công việc cao cả nhất, thích thú nhất và hiệu quả nhất” (Murray 114).

Đức Chúa Trời đã đặt việc cầu nguyện cho người khác làm ưu tiên số một trong đời sống chúng ta. Hãy nghe lời kêu gọi của tấm lòng Ngài, «Vậy ta khuyên con, trước hết phải dâng lên Đức Chúa Trời các lời khẩn nguyện, nài xin, cầu thay và tạ ơn cho mọi người, cho các vua, cho tất cả những người có chức có quyền . . . “Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi và đạt đến sự hiểu biết chân lý.” (1Ti 2:1-4)

Từ “trước hết” trong tiếng Hy-lạp là “proton” và được định nghĩa trong từ điển Strong là trên hết xét về thời gian, nơi chốn, trật tự hay tầm quan trọng. Vì Đức Chúa Trời muốn mọi người được cứu và vì không ai được cứu mà không có sự cầu nguyện, nên không lạ gì cầu nguyện nằm đầu trong danh sách những việc mà Chúa muốn chúng ta làm?

Một lí do thuyết phục khác nữa mà chúng ta nên cầu nguyện cho những người hư mất là những tấm gương trong Kinh Thánh. Tấm gương vĩ đại nhất trong tất cả là chính Chúa Giê-su. Lời tiên tri trong Ê-sai 53 nói Chúa Giê-su “đã cầu thay cho những người cầu thay.” Lời tiên tri này thực tế đã được ứng nghiệm khi Ngài cầu nguyện trên thập tự giá, “Cha ơi, xin tha tội cho họ, vì họ không biết điều họ làm” (Luca 23:34).

Chúa Giê-su phải làm gương mẫu liên tục về việc cầu nguyện cho người khác vì Ngài vẫn còn đang làm việc này! Ngài là Cứu Chúa và là Chúa của chúng ta, là Vua của các vua ngự trên trời và vẫn tiếp tục cầu nguyện cho những người khác hiện giờ. Hê-bơ-rơ 7:25 làm cho tôi thật bất ngờ, “Do đó, Ngài có thể cứu rỗi hoàn toàn những người nhờ Ngài mà đến với Đức Chúa Trời vì Ngài hằng sống để cầu thay cho họ.”

Sứ đồ Phao-lô là một tấm gương khác để noi theo. “Sự ước ao của lòng tôi và lời cầu nguyện của tôi cùng Chúa là dân Y-sơ-ra-ên được cứu” là lời xưng nhận đầy trắc ẩn của ông trong Rô-ma 10:1. Trong cuốn sách Born For Battle, R. Arthur Mathews mô tả lời cầu nguyện của ông là “kết cuộc của việc Chúa tìm kiếm ai đó đứng ở khoảng cách và cầu thay cho những người bị đùa đến sự hủy diệt do chính tội lỗi của họ và khước từ uy quyền của Chúa trên đất này trong đời sống của họ.” (Mathews 104). Câu hỏi duy nhất dành chúng ta là, “Liệu chúng ta có theo gương của họ không?”

Dù có nhiều nền tảng Kinh Thánh khác mà chúng ta có thể kể ra về loại cầu nguyện cầu thay này, tôi chỉ muốn nói thêm một điều nữa – Chúa quy điều đó là trách nhiệm của chúng ta.

Việc chúng ta là một thành viên của “chức tế lễ thánh” khiến chúng ta chịu trách nhiệm về người khác vì thầy tế lễ đại diện con người để đến với Đức Chúa Trời. Nhiệm vụ chính của chúng ta là đứng giữa con người và Đức Chúa Trời trình dâng trường hợp của họ cho Ngài. Đây chính là điều A-rôn đã làm khi ông cầm lư hương và đứng giữa kẻ sống và kẻ chết để ngăn chặn dịch lệ gây ra do tội lỗi của dân Y-sơ-ra-ên (Dân 16).

Vì tất cả chúng ta đã tin Chúa đều là thầy tế lễ nên tất cả chúng ta đều có trách nhiệm cầu thay cho người hư mất, và nếu chúng ta không làm, họ sẽ ở đời đời dưới hồ lửa. Hãy để lời nài xin của S.D.Gordon nói với tấm lòng của chúng ta : “Tôi không thể kháng cự lại sự cáo trách đó – tôi không muốn nói điều này, tôi thà không nói nếu tôi bỏ qua cảm nhận của tôi và của quí vị. Nhưng tôi không thể kháng cự sự cáo trách rằng có rất nhiều người dưới hỏa
ngục vì không ai dâng mình đến gần Chúa và cầu nguyện” (Gordon 194-5).

Tôi cầu nguyện là bạn sẽ để cho những lí lẽ của Kinh Thánh cảm động bạn cầu nguyện cho những người hư mất như chưa từng làm trước đây.