Chương 1: Tình Yêu Giả Tạo

Bước Tìm Hiểu Trong Tình Yêu

Đăng vào: 11 tháng trước

.

Chương 1: Tình Yêu Giả Tạo

Bên ngoài, trời se lạnh. Thành phố Sagay đang say trong giấc ngủ – đã khuya lắm rồi. Jun trở mình trên chiếc giường kêu cót két. Ánh sáng từ ngọn đèn đường bên ngoài hắt vào lung linh trên trần nhà như hình ảnh tươi cười của Gloria. Ôi, sao mà anh muốn gặp cô thế, muốn được ở bên cô và có lẽ, ôm cô trong tay. Ừ, tại sao không nhỉ? Jun vọt ra khỏi giường, vơ lấy cái quần và chiếc áo sơ mi máng bên chiếc gương. Anh mặc vội vào và rón rén đi xuống tầng dưới.

Rex, người bạn thân nhất của anh, phản kháng trong cơn ngái ngủ: “Cậu có điên không? Làm sao cậu có thể gặp Gloria vào cái giờ khuya lơ khuya lắc này? Bộ cậu muốn cả hai đứa mình bị bố em bắn chết à?”

Jun chống chế: “Tớ biết, nhưng tụi mình có thể ngồi ở trạm chờ xe bên kia đường nhìn sang nhà em chứ phải không Rex?” Jun vừa nói vừa bóp chặt cánh tay anh bạn thân, “Chỉ cần biết em có ở đó là tớ cũng thấy được an ủi nhiều rồi”. Mắt Jun mơ màng nhìn lên trời, tay xoa ngực như muốn làm dịu bớt một nỗi đau mơ hồ nào đó.

Rex chỉ còn biết gãi đầu trước “cơn điên” bất chợt của bạn.

Chữ “tình yêu” gợi lên trong tâm trí nhiều hình ảnh, nhiều ấn tượng và cảm xúc khác nhau. Nó có thể gợi cho ta nhớ mũi tên của thần Cupid ghim hai quả tim lại với nhau hoặc hình bóng dịu dàng của một đôi trai gái in trên nền trời hồng sẫm dọc theo bức tường công viên Rizal. Hay hương thơm thoang thoảng của ba cánh hồng đỏ thắm đang vươn cao trong chiếc bình hoa. Cũng có thể là một mặt dây chuyền chứa đựng những hình ảnh được ấp ủ gần con tim của chúng ta, hay chiếc nhẫn lóng lánh mà ta thường đưa lên môi mình. Đôi khi lại là một sự đụng chạm làm ta cảm thấy ấm áp, rạo rực và đầy hứa hẹn…

Kinh nghiệm của chúng ta trong tình yêu là những từng trãi vừa thoả lòng vừa bực dọc, có cả vui sướng lẫn phiền muộn. Tình yêu là mối tương giao đến từ Đức Chúa Trời như là một món quà thiêng liêng mà Ngài ban cho trần gian, nhưng nó có thể đem đến cho thế giới của chúng ta màu sắc của ánh nắng và cầu vồng cũng như bóng tối và tuyệt vọng. Tình yêu vốn thật đẹp đẽ, nó đem lại niềm vui, sức mạnh và hoàn thiện nhân cách của chúng ta. Tình yêu soi sáng cuộc sống, mang lại ý nghĩa cho sự tồn tại của chúng ta. Và nó đồng thời là đặc quyền và trách nhiệm.

Tuy nhiên, với nhiều người trong chúng ta, những ai đã từng bị đau khổ hoặc có lẽ đã từng làm người khác đau khổ, hai chữ “tình yêu” như một lưỡi dao nhọn luôn gây ra thương tích. Nó làm tâm hồn ta đau đớn và khiến mắt ta ứa lệ. Nó làm gợi nhớ đến một bức thư đoạn tuyệt với những lời lẽ cộc lốc, xa lạ và dứt khoát. Hay một món quà gói trọn tình yêu bị hất hủi và gửi trả lại không đoái hoài tới. Hoặc về lần đối thoại đầy cay đắng, theo sau là một sự câm lặng và một lần chia tay không lời. Nó dường như là một cái gì đó chứ không phải là tình yêu.

Nếu tình yêu mang đến nhiều hứa hẹn, tại sao chúng ta thường kinh nghiệm sự đớn đau và thất vọng? Vì sao những nỗi đau vẫn dai dẳng dù trải qua nhiều thời gian? Tại sao chúng ta không biết yêu như chúng ta đáng phải yêu?

Vấn đề là do tội lỗi. Tội lỗi từng bóp méo nhiều phương diện của cuộc sống chúng ta thì nó cũng phá hỏng mối tương quan giữa chúng ta với người khác. Cũng vậy, tình yêu của chúng ta bị tính ích kỷ làm hư hoại. Thay vì những đức tính chia xẻ, ban cho, chúng ta cứ hướng tình yêu mình đến chỗ phục vụ cho bản ngã. Ngày nay, điều mà đa số bạn trẻ cho là tình yêu thì chỉ đơn thuần là một cái bóng mập mờ của tình yêu chân thật, hay tệ hơn, đó hoàn toàn chỉ là một thứ tình yêu giả tạo.

Chúng ta hãy làm sáng tỏ vài ý tưởng về những điều không phải là tình yêu!

  1. Không phải là Tình Yêu nếu chỉ dựa trên cảm xúc và sự thoả mãn tình dục.

Jun cho rằng mình đang yêu. Anh ta cảm thấy điều ấy – cái cảm xúc vô cùng thích thú – ở sâu trong lồng ngực mình. Một sự rung động mà anh cảm thấy không kiểm soát được. Những nhịp tim anh trở nên dồn dập rồi như chợt ngưng lại mỗi khi anh nghe giọng nói của Gloria hay khi trông thấy bóng dáng cô. Hơn thế nữa, luôn có một ước muốn rạo rực không diễn tả nổi mỗi khi cô ở gần anh hay khi tay hai người chạm nhau. Những lúc như thế anh muốn chiếm hữu cô, hoàn toàn chinh phục cô trên phương diện thể xác, giống như những diễn viên được anh mến mộ vẫn làm với người tình của họ trên màn ảnh. Nhiều lần, cái khát vọng đó quá mạnh đến nỗi Jun nghĩ rằng anh sắp bùng nổ, hoặc chết trong thèm muốn.

Jun phản ảnh điều chúng ta thường thấy phủ đầy trên những chiếc xe jeepney muôn màu: những tấm áp phích dán ngang dọc trên kính chắn gió với hàng chữ: TÌNH YÊU LÀ MỘT CẢM XÚC TUYỆT VỜI. Và đúng như thế, từ trẻ đến già đều tin như vậy. Ý tưởng cho rằng trong tình yêu cảm xúc là tất cả thường được củng cố trong nhiều bộ tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện hài chúng ta đã đọc, qua những bản nhạc chúng ta hay nghe và trong những cuốn phim chúng ta thường xem.

Nhưng thế thì điều ấy có gì sai trật? Nếu chúng ta lấy cảm xúc làm nền tảng cho tình yêu, chúng ta đã phạm một sai lầm vô cùng to lớn. Cảm xúc sẽ qua đi và chóng tàn. Nó thay đổi theo những trạng thái và hoàn cảnh trong cuộc sống – nó có thể là niềm hạnh phúc hay là cơn giận dữ, nỗi sợ hãi hay niềm thương mến. Cái “cảm xúc tình yêu” của chúng ta phồng lên và xẹp xuống. Thường thì trong lứa tuổi thiếu niên, “cảm xúc” sớm tiêu tan. Chẳng hạn, điều gì sẽ xảy ra nếu hai người có quan hệ tình dục hoặc kết hôn với nhau lúc “cảm xúc tình yêu” dành cho nhau lên đến tuyệt đỉnh và rồi sau đó khám phá ra cảm xúc không còn nữa? Một trong số bốn cuộc hôn nhân tại Mỹ kết thúc bằng ly dị chính vì họ đã lấy “cảm xúc tuyệt vời” ấy làm nền tảng cho tình yêu. Ngay tại đất nước chúng ta, nhiều cuộc hôn nhân chỉ dựa trên “cảm xúc tình yêu” của các thiếu niên và thậm chí người trưởng thành đã tan vỡ sau vài năm sống với tâm trạng phấn chấn.

Sự thật là, cảm xúc ấy thường phản ảnh những đòi hỏi tình dục. Có một ý kiến khá phổ biến cho rằng bởi vì tình yêu là “cơn sốt trong lồng ngực” nên nó phải được thỏa mãn, bất kể hậu quả ra sao. Nếu nó bị đè nén, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng bất bình thường hoặc căng thẳng. Có thể cho là điều này đúng với nam giới hơn với nữ giới. Đó là lý do tại sao người nam thường bị thôi thúc tìm kiếm những từng trãi tình dục trước khi kết hôn. Đây cũng là lý do đưa đến câu hỏi dai dẳng từ những bạn trẻ: “Tình dục có ảnh hưởng hệ trọng đối với sức khỏe không?”

Cốt lõi của vấn đề là cái tư tưởng cho rằng tình yêu chỉ thuần túy là tình dục. Nhiều bạn trẻ dùng điều ấy như một thử nghiệm để xem người yêu có thật sự yêu mình không. Họ bảo: “Hãy chứng tỏ đi, nếu em yêu anh, hãy cho anh hôn. Hãy cho anh vuốt ve em. Nếu em yêu anh thì chúng mình hãy làm thế đi!” Có bao nhiêu thanh niên, thiếu nữ nhẹ dạ đã phải chịu đựng hậu quả suốt đời chỉ vì chứng tỏ tình yêu quá sớm?

Một đôi lứa dùng tình dục ngoài hôn nhân, nhằm chứng minh hay bày tỏ tình yêu của họ cho nhau, chỉ cho thấy họ yêu nhau quá ít mà thôi. Ông Trobisch viết: “Nếu cả hai người nghĩ rằng: ”Tối nay chúng tôi phải chung đụng thể xác – nếu không người tình của tôi sẽ nghĩ rằng tôi không yêu anh ấy hoặc anh ấy không yêu tôi”, chính nỗi lo có thể bị thất bại cũng đủ để ngăn cản thành công của thí nghiệm. Tình dục không phải là sự thử nghiệm của tình yêu, bởi vì rõ ràng là chính cái điều được đem ra thử nghiệm đó sẽ bị hủy hoại khi thử nghiệm.”

“Hãy thử quan sát mình trong khi ngủ đi. Hoặc là bạn tự quan sát mình, bạn sẽ không ngủ. Hoặc là bạn cứ ngủ và không quan sát được chính mình.” Ông Trobisch viết tiếp: “Cũng tương tự như vậy với việc lấy tình dục thử nghiệm tình yêu. Bạn thử tức là bạn không yêu. Còn nếu bạn yêu thì bạn sẽ không dùng tình dục làm thí nghiệm.”

Ở đây không có ý nói rằng tình dục là cái gì đó nhục nhã hay đáng hổ thẹn. Trong một bối cảnh chính đáng thì tình dục sẽ rất tốt đẹp. Không có gì xấu xa hay dơ bẩn trong đó cả. Đức Chúa Trời không hề dựng nên người nam và người nữ, giống cái và giống đực để rồi phải sống đơn độc. Chương trình của Ngài là chúng ta sẽ tìm được sự hợp nhất trong tình cảm, tâm linh và tinh thần với người sẽ bổ sung cho nhân cách của chúng ta. Và trong hôn nhân, mối tương giao ấy được củng cố bằng sự hiệp một trong quan hệ tình dục. Cho nên quan hệ tình dục tùy thuộc vào một điều kiện không hề thay đổi là nó chỉ được tồn tại trong sự thánh khiết của hôn nhân mà thôi.

Tình dục ngoài hôn nhân cũng có thể đem đến sự thích thú, nhưng rồi cảm giác ấy rất chóng qua. Sau đó nó thường dẫn đến hậu quả là sự hổ thẹn, ngượng ngùng và mặc cảm phạm tội. Không có một người đàn ông hay phụ nữ đứng đắn nào có thể thoát khỏi cảm giác mất mát và cô đơn sâu kín trong tâm hồn sau một quan hệ tình dục vội vã, vụng trộm. “Mặc cảm phạm tội” ấy cho thấy tình dục đúng là chỉ thuộc về một chỗ duy nhất của nó là mối quan hệ hôn nhân thiêng liêng và lâu dài, ngoài ra không có chỗ nào khác cả.

Vì đỉnh cao của tình dục không chỉ giới hạn ở sự quan hệ xác thịt. Nó còn nhiều và nhiều điều cao hơn nữa. Đó là sự tương giao chân thật, những hành động yêu thương và nhân ái, sự tôn trọng lẫn nhau và một mối quan hệ vui thỏa giữa vợ chồng. Đó chính là một mái ấm gia đình; với con cái quây quần bên nhau, ngập tràn trong hạnh phúc và tiếng cười.

Vì thế, tình yêu không thể chỉ là cảm xúc và tình dục mà thôi.

  1. Không phải là tình yêu nếu chỉ nhằm mục đích vật chất.

Ruby là một thiếu nữ 18 tuổi xinh xắn, hấp dẫn. Cô cho rằng mình yêu anh Ernie 30 tuổi. Tính cách chững chạc và đáng tin cậy của anh thật thu hút. Anh lại còn lịch lãm, ân cần và rất hào phóng. Mọi sự bắt đầu bằng việc anh cho cô đi nhờ trên chiếc xe jeep với một lý do rất tự nhiên: “Ồ, tôi tiện đường đi ngang, cô có muốn…?” Và bởi vì tiền bố mẹ cho cô hàng tháng cũng ít ỏi, cô rất cảm kích lòng tốt của anh. Rồi khi tình bạn của họ chín mùi, Ernie thường dúi vào quyển sổ tay của cô chút gì đó để ăn quà hay cho một dự tính nào đó của cô, và dần dà là tiền đóng học phí mỗi khi tiền nhà gửi lên chưa kịp. Sau đó là những món quà: từ ống kem đánh răng cho đến giày dép, áo quần, kể cả những đồ dùng riêng tư mà Ruby rất cần.

Làm sao người ta có thể làm cho một người đàn ông rộng lượng như thế bị thất vọng? Ernie thật đáng yêu. Đến một lúc Ruby đáp lại bằng cái điều duy nhất cô nghĩ rằng mình có thể hiến dâng. Cô hiến thân cho Ernie và trở thành một gái bao. Đối với mọi người, thì đây là một cuộc phiêu lưu tình ái nhằm giải quyết cho những khoản cần thiết trong việc học hành. Thế nhưng những người trong cuộc không thích gọi mối quan hệ của họ là một quan hệ có tính cách “trao đổi”. Họ cho rằng họ làm thế vì họ đang thật sự yêu nhau. Còn ai có thể bàn cãi gì được nào?

Không may, Ruby có thai. Cô phải nghỉ học và chẳng bao lâu bố mẹ cô hay biết về cuộc tình nhớp nhúa ấy. Ernie cũng từ từ rút lui, vì vợ anh theo sát nút. Rồi thì câu chuyện trở nên phức tạp hơn bất cứ một vở kịch dài nhiều màn nào trên truyền hình.

Mối quan hệ với “người bảo trợ” là một hiện tượng ngày càng trở nên phổ biến. Điều đáng thương là mối quan hệ đó lại được mạo nhận là “quan hệ yêu đương”. Vì sợi dây ràng buộc không đủ mạnh để dẫn đến một quyết định công khai gắn bó với nhau suốt đời, và vì mối tương quan nầy thiếu chiều sâu của sự tôn trọng và tin cậy chân thật mà hôn nhân đòi hỏi, cho nên những mối ràng buộc dễ dàng chấm dứt ngay trước những dấu hiệu bất lợi đầu tiên, hay theo ý thích tùy hứng của phía mạnh hơn. Bi kịch là ở chỗ bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể sẵn sàng trao tình yêu chân thật để đổi lấy một chút gì đó thoải mái, dễ chịu và tiện nghi của cuộc sống.

  1. Không phải là tình yêu nếu chỉ là sự cố gắng để giống người khác.

Mối quan hệ được Chúa chúc phước này không thể bị hạ thấp xuống đến mức được coi như một lớp ngụy trang giữa xã hội. Con người là một thực thể xã hội và sự thúc ép phải hòa nhập với những bạn đồng lứa hay với xã hội nói chung là điều dễ hiểu. Những nhóm đặc biệt hay các băng đảng, nhất là trong vòng giới trẻ, thường duy trì những biểu hiện riêng biệt nào đó để phân biệt mình với những người khác. Đó có thể là ngôn từ, là trang phục hoặc những mối quan hệ. Câu chuyện về “ngũ quái” là một điển hình.

Gary, Pete, Manny, Joey và Les được người ta chú ý vì cách phục sức lố lăng, lối để tóc du côn và những cô bồ của họ. Bạn gái là “nhu cầu” để tạo tên tuổi nên bất cứ anh chàng tự trọng nào cũng phải có một cô. Manny, anh chàng nhút nhát nhất bọn và cũng là người ít để ý đến con gái nhất luôn bị chọc ghẹo, bị thúc đẩy và “dàn dựng” để kiếm một cuộc tình. Chàng ta kết với Gina, lúc đầu chỉ miễn cưỡng, nhưng rồi từ từ đâm ra thích mối quan hệ ấy. Gina vui tính, hòa đồng và khá thông minh. Từ khi hai người cặp với nhau, cô trở thành cửa ngõ dẫn anh ta vào những buổi tiệc tùng và những hoạt động khác ở trường. Manny cũng thấy ngạc nhiên về sự nổi tiếng và uy tín của mình khi có Gina bên cạnh.

Manny mến Gina lắm và rất thích sự hiện diện sôi nổi của cô nhưng để nói rằng anh ta yêu cô lại là một chuyện khác. Dĩ nhiên anh ta có tuyên bố tình yêu của mình đối với cô, vì nếu không làm sao họ có thể cặp bồ với nhau? Nhưng đó chỉ là việc anh cần chứng tỏ với nhóm bạn, còn ngoài ra chẳng là gì đối với anh. Gina rất gợi cảm, rõ ràng là như vậy, nhưng thành thật mà nói, Manny không bị hấp dẫn lắm về phương diện xác thịt đối với cô. Bây giờ Manny bắt đầu suy nghĩ: “Đây là tình yêu, tình bạn hay là gì khác?” Còn về vấn đề sẽ cưới Gina trong tương lai ư, điều ấy chưa bao giờ thoáng qua trong óc chàng ta.

Nhiều quan hệ nam nữ cũng ở trong dạng của Manny. Hầu như ai cũng có bạn trai hay bạn gái, như vậy đó chắc phải là điều đúng thôi. Và lý trí đồng ý “tôi cũng phải có”. Thanh niên không muốn bị xem là lại cái hay đồng tính luyến ái, thiếu nữ cũng không muốn bị gọi là “gái già”, cho nên ai cũng phải cố mà kết mô-đen với một người. Điều ấy trở thành một cuộc chơi tưởng tượng như để tự khẳng định bản thân trên phương diện tình cảm hay để gây uy tín với bạn bè. Tình yêu được tuyên bố một cách vô tội vạ với những lý lẽ có vẻ không đáng yêu tí nào. Có thể trong dạng quan hệ nầy, thực sự có một sự ưa thích lẫn nhau, nhưng không đủ sâu đậm để xứng đáng được gọi là một tình yêu trung thực và chân thành. Không hề có một mối tương giao sâu sắc, chỉ là một sự ràng buộc tạm thời. Không có sự chia xẻ toàn tâm toàn ý, chỉ là những biểu hiện ân cần, không có quan tâm sâu xa, chỉ là chú ý giả tạo. Tất cả mọi thứ khác cũng chỉ nhằm để “trình diễn” mà thôi.