Yêu Thương Không Hề Thất Bại - Chương 8
Xuyên suốt các sách Phúc Âm, Chúa Giê-su nói về sự cầu nguyện, và Ngài cũng ban cho chúng ta những nguyên tắc để chúng ta có một đời sống cầu nguyện hiệu quả. Nhưng thật thích thú là lời phán đầu tiên mà Chúa Giê-su phán trong các sách Phúc Âm liên quan đến sự cầu nguyện là nói về việc cầu nguyện cho kẻ thù.
Chúng ta sẽ thấy việc cầu nguyện cho kẻ thù có liên hệ rất nhiều đến việc bước đi trong tình yêu thương của Chúa. Nó cũng liên hệ rất nhiều đến việc lời cầu nguyện của chúng ta được nghe và được đáp lời hay là không.
MATHIƠ 5:43-48
“Các con có nghe lời dạy: ‘Hãy thương người láng giềng và ghét kẻ thù địch.’ Nhưng Ta bảo các con: ‘Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyekẻ bắt bớ các con, để các con trở nên con cái của Cha các con trên trời, vì Ngài cho mặt trời soi trên kẻ ác cũng như người thiện và ban mưa cho người công chính cũng như kẻ bất chính. Nếu các con chỉ thương người thương mình thì có gì đáng thưởng đâu. Ngay cả người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu các con chỉ chào đón anh em mình mà thôi, thì có gì hơn ai đâu, những người ngoại đạo cũng chẳng làm như thế sao? Thế thì, các con hãy toàn hảo, như Cha các con ở trên trời là Đấng toàn hảo.’ ”
Đôi khi người ta thắc mắc không biết cầu nguyện về điều gì. Vâng, hãy suy nghĩ về điều này một lát. Đây là lời phán đầu tiên được ghi lại từ chính môi miệng của Chúa Giê-su nói về sự cầu nguyện. Và điều đầu tiên Chua bảo chúng ta cầu nguyện là cho kẻ thù.
Thật lý thú khi để ý những gì Chúa Giê-su phán trong đoạn Kinh Thánh này. Để có một ý niệm rõ hơn về những gì Chúa Giê-su đang nói, bạn cần phải hiểu rằng Chúa Giê-su đang nói với người Do Thái. Bạn cần biết bối cảnh của người Do Thái để hiểu sứ điệp này thật sự có quyền năng thể nào.
Nếu bạn đọc năm sách đầu tiên của Kinh Thánh, bạn sẽ hiểu rằng người Do Thái đã hiểu rõ luật pháp. Nhưng bạn có để ý rằng luật Cựu ước không dạy dân Y-sơ-ra-ên về tình yêu thương, ân điển, hay sự tha thứ cho kẻ thù không?
Bạn sẽ không tìm thấy những nguyên tắc yêu thương kẻ thù được dạy trong luật pháp – bạn sẽ tìm thấy sự báo thù và phán xét mà thôi. Bạn thấy đó, dưới thời luật pháp, nguyên tắc là, “Mắt đền mắt, răng đền răng” (Xuất 21:24). Dù bạn đọc các Thi Thiên của Đa-vít, nhưng bạn sẽ thấy ông ta cầu nguyện chống lại kẻ thù. Ông cố xin Chúa ghét họ như ông đã ghét họ.
Đó là lý do trong sự dạy dỗ về tình yêu thương của Chúa, Chúa Giê-su bắt đầu bằng cách phán, “Ngươi nghe người xưa nói rằng hãy yêu kẻ lân cận và ghét kẻ thù”(c.43). Đó là những điều mà người Do Thái đã nghe.
Cuốn Kinh Thánh duy nhất mà người Do Thái có là Cựu ước. Nhưng người Do Thái không có cuốn đó trong nhà của họ. Luật Cựu ước được viết trên cuộn giấy, và luật pháp đó được đọc tại nhà hội vào ngày Sa bát. Vì thế, điều duy nhất mà những người Do Thái thường nghe là họ phải yêu thương người lân cận và ghét kẻ thù.
Nhưng bây giờ Chúa Giê-su lại phán một điều hoàn toàn khác lạ. Người Do Thái chưa hề nghe về luật yêu thương của vua – tình yêu thương của Chúa. Không ai đã nghe về luật tình yêu thương của Đức Chúa Trời cho đến khi chính Chúa Giê-su bắt đầu dạy cho người ta về điều này. Lần đầu tiên người Do Thái nghe về tình yêu thương là ngay ở đây khi Chúa Giê-su phán, “Nhưng ta nói cùng các ngươi, hãy yêu kẻ thù mình . . .”
Bạn sẽ không thể yêu kẻ thù mình trừ khi bạn được tái sanh và bản chất trong lòng bạn được thay đổi. Cần yêu thương của Đức Chúa Trời mới có thể thương yêu kẻ thù. Khi tâm linh bạn được tái sanh, nó được tái tạo trong Chúa Giê-su. Rồi thì bạn mới có thể yêu thương kẻ thù.
Đó là lý do những người Do Thái không hiểu Chúa Giê-su – họ không có bản chất mới. Ngoài ra, họ đã được dạy về một Đức Chúa Trời phán xét. Họ không nghe về một Đức Chúa Trời yêu thương, tha thứ, và trắc ẩn. Điều này hoàn toàn mới lạ đối với họ.
Bây giờ chúng ta hãy quay trở lại phân tích những gì Chúa Giê-su phán trong đoạn Kinh Thánh trong Mathiơ chương 5. Trước hết chúng ta phải hiểu rằng Chúa Giê-su đang nói về sự trưởng thành trong tình yêu thương của Chúa. Hãy xem câu 48: “Hãy nên trọn vẹn như Cha các ngươi là trọn vẹn.”
Đừng lấy câu Kinh Thánh này ra khỏi mạch văn và cho Kinh Thánh nói điều mà Kinh Thánh không nói. Từ ngữ “trọn vẹn” ở đây chỉ có nghĩa là trưởng thành.
Chúa Giê-su biết không ai trong chúng ta có thể trọn vẹn như Đức Chúa Trời là trọn vẹn. Nhưng Chúa Giê-su đang nói rằng chúng ta phải tăng trưởng và trọn vẹn hay trưởng thành trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời.
Hãy để ý Chúa Giê-su không ban cho chúng ta một lời đề nghị trong đoạn Kinh Thánh này. Ngài hướng dẫn và dạy dỗ chúng ta hãy trưởng thành trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời.
Vâng, để trưởng thành trong tình yêu thương của Chúa, chúng ta sẽ yêu thương ai? Yêu thương những người thương yêu chúng ta chăng? Không, Chúa Giê-su phán rằng để trưởng thành trong tình yêu thương của Chúa, chúng ta phải yêu thương kẻ thù của chúng ta. Người Do Thái không hề nghe điều này trước đó.
Rồi thì Chúa Giê-su định nghĩa kẻ thù của chúng ta và cho chúng ta biết họ là ai. Chúa Giê-su phán, “. . . Hãy chúc phước cho kẻ rủa sả các ngươi, làm lành kẻ nghét các ngươi, và cầu nguyện cho kẻ mắng nhiếc và bắt bớ các ngươi” (c.44 – theo bản Kinh Thánh tiếng Anh).
Vì thế, kẻ thù của chúng ta là những kẻ rủa sả chúng ta, ghét bỏ chúng ta, nhục mạ chúng ta, bắt bớ chúng ta vì cớ Phúc Âm.
Vâng, theo Chúa Giê-su, điều chúng ta phải làm cho kẻ thù đó là gì? Có phải chúng ta nổi giận trả thù họ không? Không, chúng ta phải yêu thương họ, chúc phước cho họ, làm lành cho họ, và cầu nguyện cho họ.
Ý tưởng ở đây là nếu chúng ta làm những điều này cho những người ghét chúng ta, chúng ta sẽ trưởng thành trong tình yêu thương của Chúa. Rồi thì chúng ta sẽ hành động giống như Cha chúng ta ở trên trời.
Bày Tỏ Tình Yêu Thương Của Chúa Cho Kẻ Thù
Bạn nhớ 1Giăng 4:8 nói Đức Chúa Trời là tình yêu thương. Kinh Thánh cũng nói Đức Chúa Trời là trọn vẹn hay trưởng thành trong tình yêu thương. Vâng, Đức Chúa Trời yêu kẻ thù của Ngài, vì thế nếu chúng ta muốn giống Ngài thì chúng ta phải yêu kẻ thù của chúng ta.
Có phải Đức Chúa Trời yêu thương kẻ thù của Ngài không? Vâng, Ngài yêu thương. Chẳng hạn, chúng ta đọc trong Tân ước là Chúa yêu thương chúng ta đang khi chúng ta còn là tội nhân hay kẻ thù của thập tự giá.
RÔMA 5:8-10
Nhưng Đức Chúa Trời đã tỏ tình yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là tội nhân thì Chúa Cứu Thế đã chết thay cho chúng ta. Huống chi, bây giờ chúng ta đã được xưng công chính bởi huyết của Ngài thì nhờ Ngài chúng ta lại càng được cứu khỏi thịnh nộ là dường nào. Vì nếu khi chúng ta là kẻ thù nghịch mà còn được giải hoà với Đức Chúa Trời qua sự chết của Con Ngài thì khi đã được hoà giải rồi chúng ta lại càng sẽ được cứu bởi chính sự sống của Ngài là dường nào.
Bây giờ Đức Chúa Trời bảo chúng ta hãy làm tương tự như Ngài đã làm. Chúng ta phải yêu thương kẻ thù như Ngài đã yêu thương kẻ thù.
Vâng, làm sao chúng ta yêu thương kẻ thù? Có một cách Chúa bảo chúng ta yêu thương kẻ thù là chúc phước cho họ khi họ rủa sả chúng ta. Có phải Đức Chúa Trời làm điều đó không? Vâng, Ngài đã làm. Trong khi chúng ta còn là tội nhân, Đức Chúa Trời đã đổ phước xuống cho chúng ta bằng cách ban cho chúng ta món quà của Con Ngài, là Chúa Cứu Thế Giê-su, làm Cứu Chúa chúng ta. Đức Chúa Trời đã tha thứ cho chúng ta trong Chúa Giê-su, ngay cả trước khi chúng ta được cứu. Dĩ nhiên, chúng ta phải tiếp nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, nhưng món quà miễn phí của sự sống đời đời đã được cung ứng cho chúng ta đang khi chúng ta vẫn còn là tội nhân.
Không chỉ thế, Kinh Thánh còn nói Đức Chúa Trời ban phước cho chúng ta bằng đủ mọi phước hạnh thiêng liêng trong Chúa Cứu Thế (Êph 1:3). Những phước hạnh này thuộc về mọi người tiếp nhận Chúa Giê-su, dù người đó có tiếp nhận phước hạnh đó hay chưa.
Nói cách khác, Đức Chúa Trời quá yêu thương thế gian đến nỗi Ngài đã bày tỏ tình yêu thương của Ngài bằng cách ban cho chúng ta mọi phước hạnh thuộc linh trong Chúa Giê-su, ngay cả khi chúng ta vẫn còn là tội nhân và không tiếp nhận tình yêu thương của Ngài dành cho con người.
Và ngay cả bây giờ hết thảy phước hạnh trên trời của Đức Chúa Trời trong Chúa Cứu Thế đều thuộc về tội nhân tội lỗi nhất, là kẻ thù của thập tự giá, nếu người đó chịu ăn năn và tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-su làm Cứu Chúa của mình.
Nhưng tất cả những phước hạnh này không ích lợi gì cho người đó trừ khi người đó tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-su làm Cứu Chúa và nhận lãnh tất cả phước lành miễn phí của Đức Chúa Trời.
Sau đó Chúa Giê-su phán một điều nữa về tình yêu thương của Chúa. Ngài phán, “Nếu các con chỉ thương người thương mình thì có gì đáng thưởng đâu. Ngay cả người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?” (Mathiơ 5:46).
Chúa Giê-su phán nếu chúng ta chỉ yêu những kẻ yêu chúng ta, thì chúng ta có phần thưởng gì ở thiên đàng? Ngay cả người thâu thuế cũng thương kẻ thương mình. Nếu chúng ta chỉ tử tế với anh em, bạn bè của chúng ta, thì chúng ta làm không khác gì người chưa tin Chúa.
Thật dễ để yêu thương bạn bè của bạn phải không nào? Họ đáng yêu, và họ đối xử tốt với bạn. Nhưng kẻ thù không phải là người đáng yêu. Họ không hành xử đáng yêu, và họ không đối xử tốt với bạn.
Nhưng há không lý thú là chính những con người này là những con người Chúa Giê-su bảo cơ đốc nhân phải yêu đó sao! Hãy để ý một điều khác mà Chúa Giê-su phán trong câu này. Ngài phán, “Các ngươi sẽ được phần thưởng gì nếu các ngươi chỉ yêu kẻ yêu mình.”
Bạn thấy đó, có một phần thưởng ở thiên đàng dành cho việc yêu thương kẻ thù. Bao nhiêu người trong chúng ta muốn nhận phần thưởng về việc yêu thương kẻ ghét chúng ta? Tôi không biết bạn nghĩ gì, còn tôi thì rất muốn.
Và thường thì trừ khi chúng ta làm theo câu này, lời cầu nguyện của chúng ta sẽ không được đáp lời bởi vì chúng ta không phải là người làm theo Lời Chúa. Nói cho cùng, nếu chúng ta cứ ở trong Ngài và Lời Ngài cứ ở trong chúng ta, thì chúng ta trở thành người làm theo câu Kinh Thánh này.
Làm sao bạn có thể yêu thương kẻ thù? Bạn không thể làm điều đó trừ khi bạn được tái sanh, và tình yêu thương của Chúa ở trong bạn. Con người tự nhiên không thể làm điều đó bởi nỗ lực của xác thịt. Điều đó không thể nào được. Nhưng tình yêu thương của Chúa trong lòng chúng ta có thể thực hiện điều đó.
Hãy Làm Lành Cho Kẻ Thù Của Mình
Sau đó Chúa Giê-su bảo chúng ta hãy làm lành cho những kẻ ghét chúng ta. Có phải Đức Chúa Trời làm lành cho những kẻ ghét Ngài không? Có, Ngài đã làm. Mathiơ 5:45 nói, “Ngài cho mặt trời soi trên kẻ ác cũng như người thiện và ban mưa cho người công chính cũng như kẻ bất chính.”
Hãy nhớ, Chúa bảo chúng ta rằng chúng ta phải hành xử như Cha trên trời của chúng ta: “Hầu cho các ngươi là con cái của Cha trên trời”(c.45). Đó là một lời phán rất thẳng thừng.
Nếu bạn hiểu được mặt tiêu cực của câu nói đó, bạn có thể nói cách này: “Nếu các ngươi không tốt với kẻ thù mình thì các ngươi không hành xử giống như con cái của Cha trên trời.” Thật ra, bạn không bước đi trong ánh sáng như Ngài ở trong ánh sáng (1Gi 1:7).
Vì thế Chúa Giê-su phán với chúng ta, “Hãy hành xử như Cha các ngươi trên trời. Ngài yêu thương kẻ thù và làm lành cho họ, vì thế các ngươi cũng làm tương tự.” Và Lời Đức Chúa Trời dạy chúng ta rằng chúng ta hãy lấy điều thiện thắng điều ác (Rô 12:21).
Nếu bạn biết ai đó ghét bạn, hãy tìm một điều gì tốt đẹp bạn có thể làm cho người đó. Hãy mua cho người đó một món quà, hoặc gửi cho người đó một số tiền làm quà. Hãy cầu nguyện cho người đó. Thật ngạc nhiên biết bao là con người thường đáp ứng lại với tình yêu thương.
Bạn thấy đó, đây là cách chúng ta hành xử nếu chúng ta muốn trọn vẹn trong tình yêu thương. Chúng ta hành xử giống như Cha thiên thượng của chúng ta và yêu thương người ta dù chúng ta cho là họ có xứng đáng hay không.
Tôi nhớ có nghe về vợ một vị mục sư đã nói về một biến cố đã xảy ra cho bà ta liên quan đến vấn đề này. Bà ta bắt đầu tổ chức những buổi nhóm trong thành phố nọ và có một vị mục sư khác trong thành phố đó không tin nư mục sư. Ông ta giảng trên một chương trình phát thanh và trên chương trình đó ông nêu tên bà này và nói nhiều điều không đúng về bà. Ông ta bắt bớ bà này cách công khai.
Vị nữ mục sư này thưa với Chúa, “Chúa ơi, con sẽ không để điều này làm phiền con. Điều con sẽ làm là giúp đỡ con người này” Bà ta nhận biết ông ta đang tranh chiến trong chức vụ của ông, cố gắng trả chi phí cho nhà thờ của ông, nên bà lấy một ít tiền dâng và gởi đến cho ông. Vâng, chẳng bao lâu sau ông ta mời bà này đến giảng cho hội thánh của ông.
Hãy làm lành cho những kẻ ghét bạn. Đó là cách của Đức Chúa Trời. Hãy lấy điều thiện trả điều ác. Hãy tìm hiểu xem điều gì bạn có thể làm cho những người bạc đãi bạn. Hãy cầu xin Chúa xem thử bạn có thể trở thành nguồn phước cho những người làm hại bạn. Lấy nhân từ trả lại việc ác bởi vì đó là điều Chúa Giê-su dạy chúng ta làm.
Tôi nhớ cách đây nhiều năm có một vị tôi tớ Chúa không đồng ý với những điều tôi giảng, nên ông chỉ trích tôi. Một thời gian sau đó ông gặp khó khăn trong chức vụ. Tôi gọi riêng cho ông ta và nói, “Tôi muốn gọi điện và cho anh biết rằng tôi đứng về phía anh. Tôi tin nơi anh. Tôi chỉ muốn anh biết rằng tôi cầu nguyện cho anh.”
Bạn thấy đó, chúng ta không ném đá người ta; chúng ta nên tìm cách để làm lành cho người khác. Chúng ta nên tìm cách để giúp đỡ người ta nếu có thể được. Vị đầy tớ Chúa này đã nói với tôi rằng lời khích lệ của tôi đã giúp ích ông ta rất nhiều.
Sau đó ông ta nói với người khác, “Có một bài học ở đây! Khi hữu sự và bị nản lòng, bạn mới biết ai mới thật là bạn hữu.” Rồi thì ông ta nói với người khác, “Tôi phát hiện ra rằng có một số điều tôi đã nói sai về anh Hagin.”
Cầu Nguyện Cho Kẻ Thù Của Bạn
Trong đoạn Kinh Thánh đặc biệt này, khi Chúa Giê-su nói về việc chúng ta trưởng thành hay trọn vẹn trong tình yêu thương của Chúa, Ngài đang nói về việc chúng ta trưởng thành trong tình yêu thương và lẫn trong sự cầu nguyện. Nếu chúng ta có đời sống cầu nguyện trưởng thành, chúng ta sẽ cầu nguyện cho kẻ thù, không chỉ trích họ hoặc không nói xấu họ.
Chúng ta phải cầu nguyện cho những người mắng nhiếc chúng ta và bắt bớ chúng ta. Có phải Chúa Giê-su chịu bắt bớ trong chức vụ của Ngài trên đất không? Dĩ nhiên Ngài có bị. Kẻ thù của Ngài đã đóng đinh Ngài.
Bạn sẽ nói, “Nhưng ông không hiểu những gì người ta đã gây ra cho tôi.”
Vâng, Chúa Giê-su là tấm gương của chúng ta, bạn hãy xem những gì người ta đã làm cho Ngài. Ngài là Đấng nói rằng chúng ta phải cầu nguyện cho kẻ thù. Có phải Ngài cầu nguyện cho kẻ thù không? Nếu Ngài đã cầu nguyện thì chúng ta nên noi gương Ngài.
Hãy để ý những gì Chúa Giê-su đã làm khi Ngài bị treo trên thập tự giá, bị rướm máu, bị thương tích, và Ngài sắp chết. Ngài có chửi rủa kẻ thù và buộc tội họ không? Không, Ngài cầu nguyện cho họ. Thật ra, Chúa Giê-su cầu nguyện cho chính những người đóng đinh Ngài. Ngài đã cầu nguyện, “Cha ơi, xin tha tội cho họ vì họ không biết điều họ làm” (Luca 23:34).
Có người nói, “Vâng, nhưng đó là Chúa Giê-su. Ngài co thể làm điều đó bởi vì Ngài là Con Đức Chúa Trời.”
Nhưng cùng một tình yêu thương mà ở trong lòng Chúa Giê-su đã đổ vào lòng chúng ta qua Thánh Linh. Chúa Giê-su không bảo chúng ta làm một điều gì đó mà chúng ta không thể làm được.
Là một người hầu việc Chúa non trẻ của Báp-tít trước khi tôi nhận báp-tem của Thánh Linh, tôi đọc câu này từ chính môi miệng của Chúa: “Hãy cầu nguyện cho những kẻ mắng nhiếc và bắt bớ anh em.” Tôi bắt đầu thực hành nguyên tắc này kể từ lúc đó. Khi có ai đối xử tệ với tôi, tôi cầu nguyện cho người đó.
Tôi thường cầu nguyện, “Chúa ơi, xin hãy chúc phước cho người anh em đó. Con không hiểu được tại sao anh ta nói những lời này, nhưng đó là chuyện giữa anh ta với Ngài. Nhưng con biết rằng Ngài muốn chúc phước cho anh ta, vì thế con cầu nguyện xin Ngài ban phước cho chức vụ của anh ta và ban cho anh ta sự dẫn dắt trong mọi lĩnh vực đời sống của anh ta. Chúa ơi, xin hãy dùng anh ta, khiến anh ta trở thành nguồn phước cho người khác.”
Tôi muốn những điều tốt lành xảy ra cho người khác, chứ không phải những điều xấu xa. Tôi không muốn thấy ai thất bại, còn bạn thì sao? Vì thế, ngay cả khi người ta chỉ trích tôi, tôi không cầu nguyện cho tai hoạ xảy ra cho họ. Tôi cầu nguyện cho họ được phước.
Và chúng ta có nhiều tấm gương về những con người này trong Tân ước, là những người tha thứ cho kẻ thù họ, cầu nguyện cho kẻ thù, và để tình yêu thương kiểm soát họ.
Tình Yêu Thương Của Chúa Thể Hiện Bằng Hành Động
Ê-tiên là một tấm gương về một người hành động trong tình yêu thương đối với kẻ thù. Ông đã để tình yêu thương của Chúa cai trị ông.
Ê-tiên là người tử đạo đầu tiên vì cớ Phúc Âm của Chúa Giê-su mà chúng ta thấy ghi lại trong Kinh Thánh. Những kẻ bắt bớ hội thánh đầu tiên ném đá ông chết, và khi ông sắp chết, Ê-tiên đã cầu nguyện cho những kẻ giết mình.
CÔNG VỤ 7:59,60
Đang khi bị họ ném đá, Sê-tiên cầu nguyện: “Lạy Chúa Giê-su, xin tiếp nhận linh hồn con!” Rồi ông quỳ xuống, kêu xin rất lớn tiếng: “Lạy Chúa, xin đừng quy tội này cho họ!” Cầu nguyện như thế xong thì ông ngủ.
Cầu nguyện cho kẻ ném đá bạn thì chắc chắn là chứng tỏ tình yêu thương của Chúa thể hiện bằng hành động, phải không nào? Khi kẻ thù của Ê-tiên ném đá ông, ông cầu nguyện cho họ và xin Chúa đừng đổ tội này cho họ.
Nếu bạn muốn để xác thịt kiểm soát bạn, bạn sẽ tranh đấu với những người bắt bớ mình.
Bạn muốn báo thù và trả đũa lại. Nhưng tôi đã học bài học này khá lâu rằng điều tốt nhất là bắt đầu cầu nguyện cho kẻ thù.
Khi người ta bày tỏ tình yêu thương của Chúa và thái độ hy sinh bản thân để cầu nguyện cho người khác, họ sẽ trở thành một người cầu nguyện thật sự.
Những người này là những người mà tiếng kêu cầu của họ sẽ được Chúa nghe trên trời. Họ sẽ nhận được sự đáp lời cầu nguyện. Tại sao? Bởi vì họ là người làm theo Lời Chúa. Và Kinh Thánh nói rằng chính người làm theo Lời Chúa sẽ được phước trong mọi việc họ làm (Giacơ 1:25).
Nhưng nếu tín hữu không phải là người làm theo Lời Chúa, họ chỉ là người lừa dối chính họ bởi vì đời sống cầu nguyện hiệu quả chỉ đặt cơ sở trên Lời Chúa.
Bạn thấy đó, đôi khi người ta thắc mắc tại sao lời cầu nguyện của họ không được đáp lời. Họ không dừng lại để suy nghĩ rằng có những ngăn trở đối với sự cầu nguyện. Không học trở nên người làm theo Lời Chúa qua việc cầu nguyện cho kẻ thù là một trong những lĩnh vực mà lời cầu nguyện bị ngăn trở.
Nếu bạn không tha thứ cho kẻ thù và cầu nguyện cho họ, điều đó sẽ ngăn trở đời sống cầu nguyện của chính bạn. Nhưng tại sao Đức Chúa Trời muốn chúng ta cầu nguyện cho kẻ thù?
Một điều khác nữa, bạn sẽ biết rằng bạn tha thứ cho kẻ thù khi bạn cầu nguyện cho họ và xin phước hạnh của Chúa đến trên họ. Cầu nguyện cho những kẻ làm hại bạn sẽ khiến bạn phóng thích những tổn thương, hận thù, và sự không tha thứ mà bạn ấp ủ trong lòng nghịch cùng họ.
Tôi tin rằng đây là lý do Chúa Giê-su nói về việc cầu nguyện cho kẻ thù trước khi Ngài nói về những loại cầu nguyện khác. Bạn thấy đó, để cầu nguyện cho kẻ thù của bạn, bạn phải có tấm lòng ngay thẳng đối với Chúa.
Nói cách khác, bạn không thể cầu nguyện cho kẻ thù mà không tha thứ cho họ. Một khi bạn cầu nguyện phước hạnh của Chúa đến trên họ, lòng của bạn sẽ không còn lên án bạn, vì thế bạn phải có sự tin chắc trước mặt Đức Chúa Trời (1Giăng 3:20,21).
Nếu các tín hữu biết rằng họ cần có cái nhìn đúng đắn để lời cầu nguyện của họ được đáp lời.
Ngoài điều đó ra, cầu nguyen cho kẻ thù mang lại phước lành cho bạn. Điều đó sẽ giúp bạn hơn là giúp kẻ thù. Cá nhân bạn sẽ cảm thấy thoả mái khi bạn cầu nguyện cho những kẻ làm hại bạn.
Vì thế, nếu bạn nghĩ rằng có ai đó không thích bạn, hãy cầu nguyện cho họ. Tìm cách nào đó để trở thành nguồn phước cho người đó. Hãy xin Chúa chỉ cho bạn điều gì bạn có thể làm để giúp đỡ người đó.
Phierơ cũng nói điều này liên hệ đến cách chúng ta phản ứng với những người không đối xử với chúng ta như chúng ta nghĩ họ.
1PHIERƠ 3:9
Đừng lấy ác trả ác hoặc rủa sả trả rủa sả, nhưng ngược lại, hãy chúc phước, vì việc này mà anh chị em được kêu gọi, nhân đó anh chị em có thể được hưởng phúc lành.
Có một phước hạnh khi bạn cầu nguyện cho kẻ thù thay vì lấy ác trả ác. Kinh Thánh nói rằng chúng ta không được kêu gọi để lấy ác trả ác, lấy rủa sả trả rủa sả.
Kinh Thánh có ý nói rằng khi ai đó nói xấu với bạn hay nói về bạn, bạn sẽ không trả thù bằng cách đáp trả lại. Trái lại bạn sẽ chúc phước cho họ và làm lành cho họ.
Hãy xem câu Kinh Thánh này trong bản Diễn Ý.
1PHIERƠ 3:9
Đừng “ăn miếng trả miếng” hoặc nặng lời với kẻ xỉ vả mình, trái lại, hãy cầu phúc cho họ, vì Chúa bảo chúng ta làm lành cho kẻ khác. Như thế, chúng ta sẽ được Thượng Đế ban phúc.
Câu Kinh Thánh nói rằng chúng ta phải cầu nguyện cho phúc lợi, cho hạnh phúc và cho sự bảo vệ của kẻ thù chúng ta. Chúng ta phải thật sự thương xót và yêu thương những người ghét chúng ta.
Có bao nhiêu người trong chúng ta thành thật nói rằng chúng ta thương xót và thật lòng yêu thương những người làm hại chúng ta? Có phải chúng ta bày tỏ tình yêu thương của chúng ta bằng cách cầu nguyện cho sự an sinh, cho hạnh phúc và cho sự bảo vệ của họ không? Đó là tình yêu thương của Chúa thể hiện bằng hành động.
Tôi muốn bạn thấy một điều khác về câu Kinh Thánh này. Câu này hứa rằng chúng ta sẽ hưởng phước hạnh từ nơi Chúa nếu chúng ta cầu nguyện cho những ke làm hại chúng ta thay vì chúng ta lấy ác trả ác, lấy rủa sả trả rủa sả. Câu này bảo chúng ta hãy hành động trong tình yêu thương của Chúa để chúng ta có thể hưởng phước hạnh của Chúa.
Hãy nhớ Chúa Giê-su phán trong Mathiơ 5:46 rằng có phần thưởng ở trên trời cho việc yêu thương kẻ thù của chúng ta. Sau đó trong câu này của sách 1Phierơ, Đức Chúa Trời bảo chúng ta rằng chúng ta sẽ thừa hưởng phước hạnh khi chúng ta cầu nguyện cho kẻ thù. Đức Chúa Trời muốn chúng ta yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho họ bởi vì Ngài biết đó là lúc chúng ta sẽ nhận phước hạnh của Chúa trong đời sống chúng ta.
Trong một chương trước, chúng ta đã xem xét 1Phierơ 3:11,12 về việc sống một đời sống tốt lành và lâu dài trên đất. Nhưng hãy xem câu này liên quan đến sự cầu nguyện. Phierơ cũng nói về sự cầu nguyện ở đây bởi vì ông nói tai Chúa mở ra đối với lời cầu nguyện của người công bình.
1PHIERƠ 3:11,12
Phải tránh điều dữ và làm điều lành, hãy tìm kiếm hoà bình và đeo đuổi nó. Vì con mắt của Chúa ở trên người công chính. Và lỗ tai Ngài mở ra để nghe lời cầu nguyện của họ. Nhưng mặt Chúa chống lại những kẻ làm ác.”
Về căn bản, câu này cũng nói giống như Chúa Giê-su nói. Chúng ta phải tránh điều ác, làm điều lành, và không chỉ tìm kiếm sự hoà thuận, mà còn đeo đuổi sự hoà thuận với mọi người, kể cả kẻ thù chúng ta.
Người ta có thể chỉ trích bạn và nói xấu bạn, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn có quyền chỉ trích hay nói xấu họ. Không, nếu bạn muốn thấy tai của Chúa mở ra với lời cầu nguyện của bạn và nếu bạn muốn thấy phước hạnh của Chúa trong đời sống của bạn, bạn sẽ phải tránh điều ác, làm điều lành, và tìm kiếm sự hoà thuận với kẻ thù, cho dù họ có làm tốt cho bạn hay không.
Thật ra, thật dễ chịu hơn khi bước đi trong ánh sáng với Đức Chúa Trời va cầu nguyện cho những kẻ sỉ nhục và bắt bớ bạn.
Vâng, nếu chúng ta không lấy ác trả ác và không lấy rủa sả trả lại kẻ thù thì theo Kinh Thánh, chúng ta có thể làm gì để chúng ta nhận được phần thưởng ở thiên đàng và thừa hưởng phước hạnh của Chúa?
Chúa Giê-su ban cho chúng ta bốn hành động mà chúng ta cần làm nếu chúng ta muốn trưởng thành trong sự cầu nguyện và trưởng thành trong tình yêu thương của Chúa. Bốn hành động này luôn đem phước hạnh của Chúa và phần thưởng của Chúa trên đời sống chúng ta. Những hành động này nói cho chúng ta biết cách chúng ta đối xử với kẻ thù. Chúng ta phải yêu thương họ, chúc phước cho họ, làm lành cho họ, và cầu nguyện cho họ.
Hãy nhớ đây là điều Chúa Giê-su phán. Ngài đang nói với chúng ta thể nào chúng ta có thể đối xử kẻ thù để chúng ta có thể trưởng thành và trọn vẹn trong tình yêu thương của Chúa. Nếu chúng ta làm điều này, tình yêu thương của Chúa sẽ được trọn vẹn trong đời sống của chúng ta. Chúng ta sẽ phản ánh cùng một loại yêu thương mà Đức Chúa Trời có, vì Đức Chúa Trời là tình yêu thương.
Dùng Thiện Trả Ác Va Hưởng Phước
Có một hội thánh mà tôi đã làm mục sư gặp rất nhiều nan đề, nhưng bằng cách nào đó, Đức Chúa Trời ban cho tôi sự khôn ngoan để làm mục sư hội thánh đó, và Ngài giải quyết những nan đề này. Khi tôi rời hội thánh đó, hội chúng tăng trưởng và hội thánh cũng rất đông người. Nhưng vị mục sư kế tiếp đảm nhiệm sau tôi rơi cùng một nan đề khi chăn bầy hội thánh đó.
Lúc đó tôi đi ra chức vụ truyền giáo và tình cờ tôi cũng ở trong vùng đó, vì thế tôi nghĩ rằng tôi sẽ ghé thăm vị mục sư mới này. Tôi nghe rằng anh ta cũng gặp một số rắc rối tại hội thánh, vì thế tôi đã cầu nguyện cho anh ta. Thật ra, rất nhiều khi Đức Chúa Trời đánh thức tôi dậy lúc sáng sớm, và tôi cầu nguyện cho anh ta. Tôi có lòng trắc ẩn đối với vị mục sư này. Nói cho cùng, tôi cũng đã làm mục sư hội thánh đó, và tôi biết một số nan đề ở hội thánh này.
Ngày nọ tôi đến thành phố này. Tôi lái xe đến tư thất mục sư, và vị mục sư này ra khỏi xe và nói chuyện với tôi. Tôi nói với anh ta là tôi có một số công việc trong thành phố này và tôi muốn dừng lại để hỏi thăm anh ta có khoẻ không.
Tôi hỏi anh ta, “Sao công việc thế nào.”
Anh ta trả lời, “Không có trôi chảy lắm. Tín đồ không có nộp phần mười.”
Rồi thì anh nhìn tôi và hỏi, “Ủa chứ ông có đi thăm mấy gia đình ở đây rồi thu phần mười của tín đồ ở đây không?”
Khi anh ta hỏi tôi câu đó, trước khi tôi nói lời nào, anh ta liền nổi giận, và anh ta đưa tay ra và nắm cái cà-vạt của tôi. Tôi tưởng anh ta kéo tôi ra khỏi xe.
Vâng, tôi cũng có xác thịt để xử lý như bạn thôi. Tôi muốn đấm vào mặt anh ta, nhưng tôi biết rằng tôi không thể để cho xác thịt kiểm soát tôi. Nếu thế thì tôi sẽ thấy một hàng tít trên một tờ báo địa phương, “Một mục sư Ngũ Tuần đánh lỗ đầu mục sư Ngũ Tuần khác.” Đằng này anh ta buộc tội tôi về việc ăn cắp phần mười của tín đồ.
Kinh Thánh nói đừng lấy ác trả ác hoặc lấy rủa sả trả rủa sả. Cách của đời là khi người ta xỉ vả bạn, bạn sẽ chửi bới và xỉ vả lại họ. Nhưng Kinh Thánh nói, “Trái lại, hãy chúc phước để bạn hưởng phước.”
Tôi nói với anh ta, “Tôi không lấy một đồng xu nào từ tín đồ trong hội thánh của anh. Anh ơi, tôi đã cầu nguyện cho anh vài lần. Thật vậy, hai hôm trước vào lúc bốn giờ sang, tôi quỳ gối ở tại sàn nhà cầu nguyện cho anh.”
Bạn thấy đó, tôi biết nan đề xảy ra trong hội thánh đó bởi vì tôi đã làm mục sư tại hội thánh này. Đức Chúa Trời đã chỉ bảo tôi cách để xử lý những tín đồ trong hoi thánh đó, nhưng bây giờ cũng cùng những nan đề phát sinh trở lại, và vị mục sư này không biết làm cách nào để giải quyết.
Khi tôi nói với vị mục sư này rằng tôi đã cầu nguyện cho anh ta, anh ta nhảy chồm lên cứ như là tôi nhấc anh lên, rồi anh ta oà lên khóc, “Chúa ơi, xin anh Hagin tha thứ cho tôi, tôi biết những điều tôi nói là không đúng. Tôi đáng lý không nên đổ tội cho ai.”
Rồi thì anh ta nhìn nhận, “Tôi đã thất bại trong hội thánh này, tôi không giải quyết được tình huống này đúng cách và tôi đã chia rẽ hội thánh, và bây giờ một nửa đã bỏ đi. Anh trước đây thành công, nhưng tôi thì thất bại, tôi tìm cách đổ mọi rắc rối cho anh. Nhưng xin tha thứ cho tôi?”
Tôi nói, “Chắc chắn tôi tha thứ cho anh.” Và khi chúng tôi ôm nhau và thông công một lát. Chúng tôi chia tay như là bạn hữu thay vì như kẻ thù. Điều đó há không tốt hơn là đánh nhau sao?
Tuy nhiên, nếu tôi để xác thịt cai trị tôi, và tôi lấy ác trả ác và lấy rủa sả trả rủa sả, thì sự việc sẽ không xảy ra theo cách đó. Nhưng bởi vì tôi không để cho xác thịt kiểm soát, người đó là bạn của tôi cho đến bây giờ.
Hãy Thực Hành Giữ Thái Độ Yêu Thương
Trên thập tự giá, Chúa Giê-su bày tỏ cùng một loại yêu thương mà Ngài đã rao giảng. Ngài không chỉ tha thứ cho những người đóng đinh Ngài, nhưng sau đó Ngài cũng nói một điều rất hay. Ngài phán, “Cha ơi, xin tha cho họ vì họ không biết điều họ làm . . .” (Luca 23:34).
Tại sao Chúa Giê-su nói điều đó? Bởi vì rất nhiều lần người ta không nhận biết rằng những gì họ làm khi họ không bước đi trong tình yêu thương đối với người khác. Rất nhiều lần họ không nhận ra rằng thể nào những sự bắt bớ và sự chỉ trích tai hại đối với người khác. Họ không muốn phạm tội và thất bại, nhưng họ không hiểu những lời chỉ trích thiệt hại đó đã ảnh hưởng đến người khác như thế nào.
Vâng, nếu người ta chỉ trích tôi, tôi sẽ không bực mình về điều đó và đánh mất phước hạnh của Chúa trong đời sống tôi. Tôi sẽ cứ giữ thái độ yêu thương và làm những gì Kinh Thánh nói trong những câu này nên tôi không đánh mất phước hạnh tốt nhất trong đời sống.
Thật ra, trong nhiều năm của chức vụ, tôi chưa hề gặp nan đề nào đối với những người hầu việc Chúa đồng công. Tôi yêu thương họ, tôi không nói xấu họ và tôi không xét đoán họ. Tôi sẽ không tung tin đồn nhảm để huỷ hoại chức vụ của họ.
Không, tôi nhất quyết không làm điều đó. Tôi nhất quyết không nói xấu về người khác. Tôi không phải là cái “thùng rác” nên tôi sẽ không để ai “bỏ rác” vào tai tôi. Điều đó ảnh hưởng đến sự tiến triển thuộc linh của tôi và đến sức khoẻ của tôi, và tôi sẽ không làm điều đó.
Có người hỏi, “Điều gì xảy ra nếu điều đó đúng thì sao? Tôi vẫn không làm. Ngay cả nếu ai đó thất bại, mà có ai trong chúng ta lại không thất bại lúc này hay lúc khác trong đời sống? Bạn có biết ai đó không thất bại không? Không có, bạn sẽ không thấy ai. Và tôi cũng không thấy bởi vì Chúa Giê-su là Đấng duy nhất trọn vẹn từng sống trên đất này.
Vì hết thảy chúng ta đều thất bại cách này hay cách khác, nên chúng ta cần phải tiếp tục yêu thương lẫn nhau. Qua việc giữ thái độ đúng đắn, dù xác thịt chúng ta thích hay không thích, qua việc cứ tiếp tục yêu thương người khác, chúng ta sẽ gặt hái những phần thưởng lớn lao.
Cách tốt nhất để bước đi trong sự tốt lành của Chúa là bước đi trong tình yêu thương. Hãy thực hành và bày tỏ tình yêu thương của Chúa đã có ở trong lòng bạn. Vâng, xác thịt của bạn muốn cai trị bạn, nhưng bạn sẽ không để nó. Khi bạn thực hành tình yêu thương của Chúa, tình yêu thương của Chúa tăng trưởng và phát triển, và bạn sẽ trở thành nguồn phước cho nhiều người.
Nhưng nếu bạn giữ mối thù và ác ý đối với người khác trong linh hồn và không chịu cầu nguyện cho họ khi họ làm hại bạn, làm thế sẽ ảnh hưởng đến bạn, không chỉ về thể lý mà còn về thuộc linh nữa.
Bạn không thể nào cứ nghĩ ngợi về những gì người khác đã nói về bạn hoặc những gì người khác đã làm cho bạn hoặc cách họ đã bắt bớ bạn hay lợi dụng bạn. Nếu bạn cứ nghĩ ngợi về những ý tưởng này trong đời sống tư tưởng của bạn, những ý tưởng tiêu cực này sẽ gặm nhấm tâm linh bạn và linh hồn bạn và cuối cùng nó sẽ ảnh hưởng đến bạn trong mọi lĩnh vực của đời sống.
Chẳng hạn, bạn có bao giờ nghe người ta nói, “Anh đó, chị đó không thích tôi.”
Bạn sẽ hỏi họ, “Vâng, vậy anh sẽ làm gì về chuyện này?”
“Tôi sẽ không nói về anh ta nữa.”
Sau đó chính những người này thắc mắc tại sao lời cầu nguyện của họ bị ngăn trở và đức tin của họ không mang lại kết quả.
Khi tôi còn làm mục sư ở một hội thánh nọ, một đêm sau buổi nhóm tối Chủ Nhật, một phụ nữ tiến lên phía trước nhà thờ muốn nói chuyện với tôi. Người ta thì đứng quanh đó. Nhà thờ chúng tôi không có phòng giải lao; nha thờ chỉ có một phòng và chứa được khoảng ba trăm người. Người phụ nữ này tiến đến tôi và khóc. Bà ta nói, “Tôi ước gì ông cầu nguyện cho tôi.”
Tôi nói, “Chị ơi, về điều gì vậy? Có gì sai trật?”
Bà nói, “Người chị em đó đứng phía sau nhà thờ này nói xấu về tôi.”
Tôi mỉm cười nói, “Chị ơi, tôi chắc chắn là họ nói tốt hơn là nói xấu đấy. Ngoài ra, làm sao chị biết là họ đang nói xấu về chị.”
Bà trả lời, “Vâng, tôi biết chớ.”
Tôi nói, “Tại sao họ lại nói về chị mà không nói về chuyện gì khác. Cầu nguyện về chuyện này cũng vô ích thôi. Chị chỉ cần thực hành Lời Chúa. Ngoài ra, ngay cả nếu họ nói xấu chị, chị cũng hãy tiếp tục yêu thương họ.”
Bà ta khăng khăng, “Vâng, tôi biết họ đang nói xấu tôi.”
Tôi nói, “Có một cách tốt nhất để biết là chúng ta hãy lại đó để xem thử họ nói gì.” Vì thế, chúng tôi quay trở lại chỗ mà những phụ nữ này đang nói chuyện phía trong nhà thờ.
Tôi nói với họ, “Các chị em đang nói gì vậy?”
Đến mới biết, họ đang nói chuyện về việc trái cây đóng hộp và bảo quản nó. Họ đâu có nói xấu gì người phụ nữ này.
Bạn có thấy thể nào nhiều người bị ngăn trở bởi vì Lời Chúa không cứ ở trong họ. Rồi khi họ không bước đi trong ánh sáng của Lời Chúa, điều đó sẽ ngăn trở đời sống cầu nguyện của họ.
Bạn thấy đó, người phụ nữ này cứ nghĩ rằng những người phụ nữ khác đang nói xấu về bà ta và cho đến khi nó gặm nhấm linh hồn của bà, và bà cứ khư khư là bà cần sự cầu nguyện. Bà đã đánh mất phước hạnh của Chúa do không thực hành tình yêu thương của Chúa.
Ngay cả nếu như những người phụ nữ này nói xấu về người đàn bà này, thì bà nên làm gì về việc này? Bà nên yêu thương họ, tha thứ cho họ và cầu nguyện cho họ.
Ngoài ra khi bạn trưởng thành trong tình yêu thương của Chúa, bạn sẽ không để những điều đó ảnh hưởng bạn. Bạn chỉ tiếp tục yêu thương người ta bất kể là họ đối xử với bạn như thế nào.
Tôi đã học không để những lời chỉ trích của người khác ảnh hưởng tôi. Tôi đã nói với nhiều người trong nhiều năm rằng tôi sẽ không phí thời giờ phản đối nếu có ai buộc tội rằng tôi là đã giết bà nội tôi. Tôi chỉ la lên cách đắc thắng và ngợi khen Chúa.
Hãy để người ta nói những gì họ muốn nói về tôi. Tôi sẽ cầu nguyện cho họ, nhưng tôi sẽ không để những điều đó ảnh hưởng tôi. Về phần tôi, tôi cứ thờ phượng Chúa và sống trong khoẻ mạnh.
Tình Yêu Thương Của Chúa – Tác Nhân Chữa Lành Quan Trọng
Chúng ta được bảo phải cầu nguyện cho ai? Chỉ những người anh em đối xử tốt với chúng ta sao? Chỉ cầu nguyện cho những đối xử tốt với chúng ta phải không? Nói cho cùng, họ chắc phải được phước bởi vì họ đã là nguồn phước cho chúng ta rồi.
Không, bạn không chỉ cầu nguyện cho những người tốt thôi. Bạn phải cầu nguyện cho những người mắng nhiếc bạn và bắt bớ bạn. Nếu bạn cầu nguyện cho kẻ thù của bạn, điều đó sẽ giúp cho đời sống thuộc linh trong nhiều lĩnh vực khác nữa.
Tại sao chúng ta được phước về thuộc linh trong những lĩnh vực này bởi vì theo như Giacơ 1:25, chính người làm theo Lời Chúa sẽ được phước trong mọi việc mình làm. Chính đời sống cầu nguyện dựa trên Lời Chúa sẽ mang lại sự thành công. Chính khi chúng ta cầu nguyện phù hợp với Lời Chúa thì chúng ta mới nhận được kết quả.
Chúng ta hãy thực hành những gì Kinh Thánh nói. Chúng ta hãy trở thành người làm theo Lời Chúa, chứ không chỉ là người nghe. Rồi thì trong mọi lĩnh vực của đời sống mọi sự sẽ trở nên tốt đẹp cho chúng ta.
Tôi biết theo kinh nghiệm và theo Lời Chúa là nếu bạn muốn sống trong sức khoẻ, bạn phải bước đi gần gũi với Chúa. Vì thế, bạn phải bước đi trong tình yêu thương của Chúa bởi vì Đức Chúa Trời là tình yêu thương. Cơ hội se cứ đến luôn trong cuộc sống để cho bạn thực hành những gì mà các câu Kinh Thánh này nói về việc yêu thương kẻ thù.
Bạn cần hiểu rằng bạn không thể vi phạm câu Kinh Thánh nói về việc cầu nguyện cho kẻ thù, rồi thì tìm cách nhờ người khác cầu nguyện cho bạn và nhận được kết quả. Đức tin của người khác sẽ không mang lại kết quả cho bạn bao lâu bạn chất chứa sự ganh ghét trong lòng đối với người khác.
Người ta đối xử tệ bạc với bạn như thể nào hoặc người ta nói gì về bạn cũng không thành vấn đề, các câu Kinh Thánh này nói rằng hãy cầu nguyện cho những con người này. Bạn phải phóng thích những tổn thương và hận thù cho Đức Chúa Trời và cầu nguyen cho những người làm hại bạn trước khi bạn có thể gặt hái những điều tốt nhất của Chúa ở đời này.
Tôi tin chắc rằng nếu hội thánh của Chúa thật sự bước đi trong tình yêu thương của Chúa, chắc chắn sẽ không có bệnh tật giữa vòng chúng ta.
Ngay cả rất nhiều người sống không tin Chúa cũng hiểu ganh ghét và hận thù gây hại cho sức khoẻ của con người thể nào. Chẳng hạn, cách đây nhiều năm tôi có đọc một câu chuyện của một bác sĩ đứng đầu của một hiệp hội y khoa lớn. Ông ta đã phát biểu một câu nói gây ngạc nhiên.
Ông ta nói, “Thật ra tình yêu thương là tác nhân chữa lành quan trọng nhất.”
Rồi ông nói một điều khác nữa rất hay. Ông nói, “Những bác sĩ thời xưa đã điều trị người ta rất đơn giản. Vào thời đó bác sĩ thường hay thăm viếng gia đình. Và qua việc thăm viếng gia đình họ có thể thấy được bầu không khí mà bệnh nhân sống hết ngày này sang ngày khác.” Nhiều lần bác sĩ có thể biết được ngay lý do người ta bệnh!
Khi người ta sống trong một bầu không khí không có tình yêu thương và lòng trắc ẩn, rất dễ để biết được thảo nào người ta bị bệnh. Và vị bác sĩ này nói đến tình yêu của con người.
Nếu việc bước đi trong tình yêu thương tự nhiên của con người là tác nhân chữa lành quan trọng thì hãy suy nghĩ đến việc bước đi trong tình yêu thương của Chúa sẽ là tác nhân chữa lành quan trọng tới mức nào.
Để sống tự do khỏi bệnh tật, bạn phải thực hành yêu thương kẻ thù. Tôi đã có nhiều cơ hội qua nhiều năm để thực hành những nguyên tắc này.
Chẳng hạn, một lần nọ có một nhà truyền giảng đã tổ chức một buổi nhóm cho tôi. Ông ta đã gây cho tôi bao điều tai hại và vô đạo đức. Ma quỷ gieo rắc ý tưởng này vào tôi, Nếu tao là mày, tao sẽ không lấy khoảng tiền dâng đem dâng cho người này.
Đó là bản chất trả thù của xác thịt. Xác thịt luôn luôn muốn báo thù. Nhưng trong Kinh Thánh, Đức Chúa Trời phán, “Sự báo thù thuộc về Ta, Ta sẽ báo ứng” (Hê 10:30). Tôi thấy được rằng tốt là để Chúa tranh chiến cuộc chiến của bạn. Ngài làm công việc đó tốt hơn bạn làm. Nếu bạn cố gắng báo thù, bạn sẽ gặp rắc rối.
Bạn thấy đó, nếu bạn để lý trí tự nhiên của con người bạn và xác thịt của bạn cai trị bạn, bạn sẽ gặp rắc rối, bởi vì bạn sẽ muốn báo thù. Và nếu bạn không cẩn trọng, xác thịt và tâm trí bạn sẽ đứng về phía ma quỷ, và bạn sẽ ấp ủ ý tưởng của nó.
Dẫu sao, tôi nhận ra rằng ý tưởng báo thù nhà truyền giảng này mà đến với tâm trí tôi là đến từ ma quỷ. Nó không đến từ tâm linh được tái tạo, nơi Thánh Linh ngự.
Vì thế tôi nói, “Hỡi ma quỷ, hãy đợi đấy, ta sẽ dâng hiến cho nhà truyền giảng này mỗi đêm. Và nếu ngươi nói thêm gì nữa, ta sẽ dâng hai lần cho người này hàng đêm.”
Tại sao tôi nói điều đó? Bởi vì luật yêu thương, tình yêu thương của Đức Chúa Trời nói, “Lấy điều thiện trả điều ác” (Rô 12:21). Và trong câu Mathiơ 5:44 Kinh Thánh nói, “. . . Hãy yêu thương kẻ thù . . . chúc phước cho kẻ ghét mình. . .”
Bạn biết không, ma quỷ không bao giờ nói thêm lời nào với tôi về nhà truyền giảng đó. Ma quỷ không muốn nhà truyền giảng đó nhận thêm hai lần dâng hiến trong một đêm.
Vì thế tôi lấy số tiền dâng cho nhà truyền giảng đó hàng đêm. Rồi thì tôi hỏi nhà truyền giảng, “Thường thì trung bình anh nhận được bao nhiêu?” Anh ta nói với tôi và tôi đã trả cho anh gấp ba lần số mà anh thường nhận ở những hội thánh lớn, và tôi dâng cho anh gấp ba lần từ tiền túi của tôi.
Tôi làm điều đó bởi vì tôi muốn thực hành và phát triển tình yêu thương của Chúa. Nhà truyền giảng này đi và cảm thấy thoả mái. Tôi thà làm cách đó, còn bạn thì sao?
Hãy làm lành cho những kẻ sỉ nhục bạn và bắt bớ bạn. Kinh Thánh dạy hãy làm lành cho mọi người, không chỉ là cho những người tin. Qua việc làm lành cho mọi người, bạn làm trọn luật yêu thương (Gicơ 2:8).
Hãy Trở Thành Người Làm Theo Lời Chúa
Để trở thành người làm theo Lời Chúa, bạn phải yêu thương kẻ thù. Có nghĩa là bạn phải hành động trong tình yêu thương đối với kẻ thù cho dù là bạn có muốn hay không.
GIACƠ 1:22-25
Hãy thực hành Lời Chúa, đừng tưởng chỉ nghe là đủ mà tự lừa dối mình. Kẻ nào nghe Lời Chúa mà không thực hành cũng giống như một người soi mặt trong gương, thấy rồi bỏ đi, quên ngay mặt mình như thế nào. Nhưng người nào chăm chú nhìn vào luật toàn hảo, là luật đem lại tự do, lại kiên trì tuân giữ, không phải nghe rồi quên đi, nhưng thực hành luật đó, thì sẽ được phước trong việc mình làm.
Bạn thấy đó, bạn có thể xem xét kỹ luật pháp của sự tự do- Lời Đức Chúa Trời – nhưng rồi bạn đi và quên mình là người nam hay người nữ như thế nào. Vâng, bạn là hạng người nào?
Nếu bạn được tái sanh, bạn là một tạo vật mới, bước đi trong tình yêu thương của Chúa. Bước đi trong tình yêu thương không chỉ có cả việc tử tế và không lấy ác trả ác, lấy rủa sả trả rủa sả, mà còn bước đi trong bông trái của tâm linh.
Tuy nhiên, nếu bạn xét kỹ Lời Chúa để xem những đặc điểm của tình yêu thương của Chúa, nhưng rồi quên mất bạn phải là người như thế nào, thì bạn chỉ là người nghe, không phải là người làm theo Lời Chúa.
Là người nghe, không phải là người làm theo Lời Chúa, là bước đi trong xác thịt và giận dữ, thay vì bước đi trong tình yêu thương. Một người làm theo Lời Chúa sẽ bước đi trong bông trái của tâm linh. Để trở thành người làm theo Lời Chúa, bạn phải liên tục nhớ rằng bạn là người yêu thương và là người tha thứ, chứ không phải là người ganh ghét.
Chúa Giê-su bảo chúng ta hãy cầu nguyện cho kẻ thù bởi vì Ngài biết điều gì khiến cho lời cau nguyện của chúng ta được Chúa trên trời nghe. Khi chúng ta yêu thương kẻ thù bằng cách cầu nguyện cho họ, chúng ta sẽ hành động giống như Cha trên trời. Sau đó chúng ta có thể hưởng phước hạnh của Đức Chúa Trời và nhận phần thưởng ở thiên đàng. Và việc yêu thương kẻ thù khiến chung ta trưởng thành trong tình yêu thương của Chúa, là yêu thương không bao giờ thất bại.
Đây là chìa khoá và là bí quyết để nhận lãnh những phước hạnh tốt nhất của Đức Chúa Trời trong đời sống-yêu thương kẻ thù. Tôi biết từ chính kinh nghiệm rằng nếu bạn muốn bước đi trong sức khoẻ, sự chữa lành và tất cả những phước hạnh thuộc linh của Chúa, bạn phải yêu thương kẻ thù, làm lành cho họ, chúc phước cho họ, và cầu nguyện cho họ.
Đừng quên bạn là người thể nào – bạn là một tạo vật mới được tái sanh trong Chúa Cứu Thế. Nếu ai đó nói với bạn, “Tôi không thích anh” thì đừng quên rằng bạn là người yêu thương, chứ không phải là người ganh ghét, bởi vì tình yêu thương của Chúa đã đổ vào lòng của bạn. Đừng nhượng bộ xác thịt và báo thù.
Trái lại, hãy nói, “Vâng, tôi yêu thương anh, ngợi khen Chúa. Và nếu tôi có thể làm gì để giúp anh, xin cho tôi biết. Thật ra, nếu có điều gì mà tôi có thể ban phước cho anh, hãy cho tôi biết, và tôi sẽ làm điều đó.” Người ta thường hay đáp ứng với thái độ yêu thương khiêm nhu như thế.
Phương chữa trị cho tất cả căn bệnh thể lý, tâm lý và thuộc linh là các cơ đốc nhân phải là người làm theo Lời Chúa. Vậy chúng ta hãy rao giảng về phương chữa trị cho sự ganh ghét : sự tha thứ và tình yêu thương. Chúng ta hãy rao giảng phương chữa trị cho sự không tha thứ, sự bực bội, và sự xung đột : tình yêu thương của Chúa được thể hiện ra.
Hãy Làm Cho Người Khác . . .
Chúa Giê-su phán một điều khác về việc yêu thương kẻ thù. Ngài dùng những từ ngữ khác nhau nhưng thật ra Ngài đang nói về cùng một đề tài.
MATHIƠ 7:12
Vậy thì, bất cứ những gì con muốn người ta làm cho mình, hãy làm điều ấy cho họ, vì đó là Kinh Luật và Kinh Tiên Tri.”
Nói cách khác, Chúa Giê-su nói rằng bạn không phải lo lắng về việc làm trọn luật pháp cùng với mọi điều răn nếu bạn chỉ làm những gì Lời Chúa nói. Bạn sẽ làm trọn luật yêu thương khi bạn đối xử với người khác theo cách bạn muốn được đối xử.
Bạn có muốn mọi người yêu thương bạn không? Dĩ nhiên là bạn muốn. Vậy thì bạn nên yêu thương mọi người. Điều đó có cả kẻ thù của bạn. Nếu bạn muốn kẻ thù của bạn yêu thương bạn thì bạn hãy yêu thương họ trước, bất kể là họ đối xử với bạn thể nào.
Bất cứ điều gì bạn muốn người ta làm cho bạn thì bạn hãy làm điều đó cho họ. Bạn có muốn người ta ban phước cho bạn thay vì rủa sả bạn không? Vậy thì bạn hãy chúc phước cho họ, ngay cả nếu họ rủa sả bạn.
Bạn có muốn người ta làm tốt cho bạn thay vì làm hại bạn không? Vậy thì nếu họ làm xấu cho bạn, bạn nên làm tốt cho họ.
Bạn có muốn người khác cầu nguyện cho bạn không, ngay cả bạn thất bại và nói những điều đáng lý không nên nói về họ? Vậy thì hãy cầu nguyện cho họ – ngay cả nếu họ là kẻ thù của bạn hoặc nếu họ nói xấu bạn.
Bạn thấy đó, đây là cách tình yêu thương của Chúa, luật yêu thương của nhà vua – mang lại kết quả. Thật ra, luật yêu thương của vua và Luật Vàng đều giống nhau : “Hãy làm cho người khác như bạn muốn người khác làm cho bạn.” Điều này cũng giống như nói, “Hãy yêu thương kẻ thù nghịch như chính mình.” Chúng ta nghe nói nhiều về Luật Vàng, nhưng chúng ta thấy hành động rất ít.
Thật ra, cach của xác thịt là “làm cho mình trước rồi làm cho người ta sau.” Dường như rất nhiều cơ đốc nhân thực hành điều đó. Họ thường làm cho người khác sau. Cơ đốc nhân làm những điều đó thì không hành xử như là con cái của Cha trên trời.
Cách đây nhiều năm, một người đã giúp tôi rất nhiều có mặt trong một trong những buổi nhóm của tôi. Nhưng anh ta chưa ở bao lâu trong chức vụ tôi thì tôi thấy được động cơ của anh. Dường như là anh ta hầu như chỉ thích nằm thức suốt đêm để nghĩ ra cách lấy tiền của người ta.
Chúng tôi dùng một khán đài của nhà thờ Ngũ Tuần để tổ chức buổi nhóm. Kế hoạch tài chánh của chúng tôi cho các buổi nhóm đó thì gồm có cả chương trình phát thanh mỗi ngày, quảng cáo báo và chi phí cho bản thân chúng tôi.
Nhưng người này lại loan báo, và tôi đang ở phía sau trong phòng ghi âm và cầu nguyện cho đến lúc tôi giảng. Người này và tôi đã đồng ý rằng một khi mọi chi phí chúng tôi trả đủ, chúng tôi sẽ chia số tiền còn lại giữa hai chúng tôi và số còn lại sẽ là tiền để giúp chúng tôi.
Chúng tôi tổ chức các buổi nhóm trong bốn tuần. Sau tuần thứ hai của buổi nhóm, người này đã đến với tôi và nói, “Chúng ta đã có đủ số tiền để trả cho chi phí của chúng ta. Nhưng chúng ta đừng nói cho mọi người biết bởi vì họ dâng rất nhiều. Chúng ta cứ tiếp tục quyên góp tiền bạc cho chương trình phát thanh và những chi phí buổi nhóm.”
Tôi nói, “Không được, nói như vậy là nói dối. Chúng ta sẽ không làm điều đó.”
Anh ta nói, “Nhưng chúng ta sẽ đánh mất cơ hội nếu chúng ta không làm. Chúng ta có thể dàn xếp được.”
Tôi nói, “Không được, chúng ta sẽ không làm viec đó bởi vì chúng ta không giữ lời. Chúng ta đã nói với tín hữu điều chúng ta sẽ làm và chúng ta nên làm những gì chúng ta nói là chúng ta sẽ làm.”
Anh ta nói, “Thôi được, tôi là người sẽ lấy tiền dâng. Tôi sẽ đi và làm điều này.”
Tôi nói, “Ồ không, anh không thể làm bởi vì có một diễn giả khác phía sau căn phòng nơi tôi cầu nguyện, và nếu anh nói điều đó, tôi sẽ lên bục giảng và nói cho mọi người biết là anh nói dối.”
Anh ta nói, “Được, anh sẽ thất bại thôi, tôi sẽ nói cho anh ngay bây giờ. Tôi thấy rằng anh không biết cách để làm điều này.” Vâng, đó là lần cuối cùng anh lấy tiền dâng cho tôi.
Không biết sao, không ai nghe đến anh ta nữa trong nhiều năm. Nhưng tôi thì vẫn tiếp tục đi ra giảng Lời Chúa. Tôi thành công được là nhờ nói sự thật và nhờ làm cho người khác những gì tôi muốn họ làm cho tôi.
Một số người chỉ đi ra lợi dụng người khác. Thay vì hạ bệ người khác, họ nên cố gắng giúp người khác trong tình yêu thương.
Chúng ta phải cố gắng tìm hiểu xem làm thế nào để trở thành phước hạnh cho nhiều người. Chúng ta cần tự hỏi, Làm sao tôi có thể chúc phước cho người khác? Làm sao tôi có thể làm lành cho người khác?
Bạn có bao giờ ngừng lại để suy nghĩ về điều đó không? Nếu bạn phân tích Mathiơ 7:12, bạn sẽ khám ra những gì Chúa Giê-su thật sự muốn nói trong câu này.
MATHIƠ 7:12
Vậy thì, bất cứ những gì con muốn người ta làm cho mình, hãy làm điều ấy cho họ, vì đó là Kinh Luật và Kinh Tiên Tri.”
Chúa Giê-su nói, “Nếu ngươi muốn điều tốt lành đến với ngươi thì hãy làm điều tốt cho người khác.”
Điều này hoàn toàn đúng với Kinh Thánh bởi vì Kinh Thánh nói, “Đừng tự dối mình vì Đức Chúa Trời không chịu khinh dể đâu. Hễ ai gieo gì gặt nấy” (Ga 6:7). Bạn thấy đó, tất cả đều trở lại cùng một nguyên tắc – bước đi trong tình yêu thương để nhận điều tốt đẹp nhất của Đức Chúa Trời trong đời sống.
Mỗi người trong chúng ta muốn nhận tất cả những gì Chúa dành cho chúng ta trong đời sống này. Nhưng bạn có hiểu rằng bạn sẽ không bao giờ đạt được điều tốt nhất của Chúa trong đời sống bạn trừ khi bạn bước đi trong tình yêu thương của Chúa hay không?
Hãy để Chúa thay đổi đời sống bạn bằng tình yêu thương của Ngài, ngõ hầu bạn có thể trở thành nguồn phước cho người khác bất kỳ nơi nào bạn đến. Và nếu bạn muốn Đức Chúa Trời chúc phước cho bạn, hãy chúc phước người khác. Bước đi trong tình yêu thương của Chúa là con đường tới sự chiến thắng trong đời sống!
Halêlugia!
Xong 1/11/07
Anh-rê