Yêu Thương Không Hề Thất Bại - Chương 6
- Home
- Yêu Thương Không Hề Thất Bại
- Chương 6 - Không Bước Đi Trong Tình Yêu Thương Có Thể Ảnh Hưởng Đến Sức Khỏe
Nếu bạn muốn sống trong sức khoẻ siêu nhiên, bạn phải bước đi trong tình yêu thương của Chúa. Nếu muốn đức tin của bạn hành động và hiệu quả, bạn phải bày tỏ tình yêu thương của Chúa để tình yêu của Chúa có thể được hiệu quả.
Tình yêu thương của Chúa là điều duy nhất sẽ chiến thắng cuối cùng. Đôi khi tình yêu thương không thấy thắng gì cả, nhưng nếu bạn cứ tiếp tục thực hành tình yêu thương và bày tỏ tình yêu thương, cuối cùng tình yêu thương sẽ mang lại chiến thắng, bởi vì Kinh Thánh nói tình yêu thương không bao giờ thất bại.
Galati 5:6 nói, “Vì trong Chúa Cứu Thế Giê-su, chịu phép cắt bì hay không cắt bì cũng chẳng lợi ích gì, chỉ đức tin hành động trong tình yêu thương mới ích lợi.” Đây là nguyên tắc của Kinh Thánh rằng nếu bạn không bước đi trong tình yêu thương đối với người khác, đức tin của bạn sẽ không mang lại kết quả.
Tấm Lòng Ngay Thẳng Nhận Lãnh Từ Nơi Chúa
Ước gì người ta hiểu được việc bước đi trong tình yêu thương của Chúa ảnh hưởng rất nhiều đến việc nhận lãnh sự chữa lành của họ. Đó là lý do trong các buổi nhóm của tôi, tôi khích lệ tín hữu lắng nghe càng nhiều Lời của Chúa càng tốt trước khi họ tiến lên nhận sự chữa lành. Đôi khi họ cần chấn chỉnh trong bước đường yêu thương của họ trước khi họ nhận sự chữa lành.
Bạn thấy đó, đôi khi qua việc lắng nghe Lời Chúa, người ta sẽ đi vào căn nguyên chính và khám phá ra họ đã sai trật từ đâu trong sự kết nối đức tin của họ. Và rất nhiều khi họ đã sai trật trong việc bước đi trong tình yêu thương và sự tha thứ.
Trong nhiều năm, tôi để ý thấy những người nào mà lắng nghe Lời Chúa và đáp ứng lại bằng cách chấn chỉnh những điều cần thiết trong lòng họ là những người nhận sự chữa lành. Chỉ một phần nhỏ những người đến nhóm một lần nhận được sự chữa lành, những người này là những người không tự khám phá Lời Chúa cho họ, và cũng không cần sự thay đổi nào.
Chẳng hạn, một phụ nữ nọ đến với vợ tôi và tôi sau một buổi nhóm, và nói, “Tôi bị bệnh bao tử và bị bệnh về hô hấp một thời gian. Tôi quyết định đến dự tất cả các buổi nhóm của ông và tiến lên để được chữa lành vào cuối tuần.” Bà ta đã đến nghe những nhà truyền giảng chữa bệnh nổi tiếng giảng ở Mỹ lúc đó, nhưng bà cũng không được chữa lành.
Người phụ nữ này nói, “Vào cuối tuần tôi bắt đầu nhận ra rằng trước khi tôi tiến lên để cầu nguyện chữa lành và mong chờ Đức Chúa Trời làm một điều gì đó cho tôi, tôi sẽ phải sửa tấm lòng tôi bằng cách gọi cho người em của tôi để xin nó tha thứ cho tôi.”
Bà ta tiếp tục giải thích cho tôi và vợ tôi rằng bà và người em này đã có sự bất hoà hai mươi lăm năm trước đó. Và kể từ đó họ không nói chuyện với nhau, tuy nhiên cả hai đều cho mình là cơ đốc nhân.
Nhiều tín đồ cần có đủ khôn ngoan để biết rằng nếu họ không nhận sự chữa lành sau khi được đặt tay một vài lần, đặc biệt là những người Chúa dùng trong chức vụ chữa bệnh đặt tay, thì họ nên tra xét trong lòng để xem thử họ có sống trái với Lời Chúa hay không. Họ nên kiểm tra chính họ và bắt đầu thay đổi và có những chấn chỉnh cần thiết bởi vì Đức Chúa Trời không hề thay đổi.
Nhưng rất nhiều khi tín hữu không được chữa lành, họ muốn đổ mọi trách nhiệm cho Chúa hoặc cho người khác. Nhưng họ cần nên kiểm tra chính họ trước hết.
Người phụ nữ tra xét trong lòng và nhận biết rằng bà vẫn còn giữ oán giận và sự không tha thứ đối với người em của mình về những điều đã xảy ra hai mươi lăm năm trước đó.
Bà mới được dầy dẫy Thánh Linh, nhưng bà đã tin Chúa nhiều năm rồi. Nếu bà đã lắng nghe tâm linh của bà, Đức Thánh Linh chắc có lẽ dẫn dắt bà làm hoà với người em của bà trước đây nhiều năm. Đôi khi một số người cần phải mất một thời gian dài để thay đổi, nhưng không cần phải vậy. Họ có thể thay đổi sớm hơn nếu họ học để bước đi trong tình yêu thương.
Dẫu sao bà này đã gọi người em của bà đang ở xa, và nói, “Chị muốn gọi và xin em tha thứ cho chị. Chị đã sai lầm.”
Người em nói, “Em rất vui mừng vì chị đã gọi. Em đang suy nghĩ đến chuyện gọi cho chị. Chị không có lỗi gì cả, em mới có lỗi. Em dự định gọi cho chị để xin chị tha thứ cho em.”
Cuối cùng mỗi người đồng ý chịu lỗi năm mươi phần trăm. Bà đã nói với người em mình rằng sau buổi nhóm bà sẽ bay đến New York để thăm em mình.
Sau này bà kể cho tôi nghe sau khi bà đã giải quyết xong với em của bà, bà cam thấy một sự bình an sâu xa trong lòng. Bà nằm xuống và nghỉ trưa trước khi buổi nhóm tối. Sau này bà nói cho vợ tôi và tôi, “Khi tôi thức dậy, tôi không thể tìm thấy bệnh tật nào, mọi triệu chứng và đau đớn hoàn toàn biến mất.”
Bà nói, “Tôi chưa hề cảm thấy khoẻ như thế trong đời sống tôi trước đây. Mọi đau đớn trong bao tử đã biến mất, và bệnh phổi của tôi cũng biến luôn.”
Bà nói, “Tôi đã đi rất xa đến buổi nhóm này và tôi không hề tiến lên để được cầu nguyện chữa lành. Nhưng khi tôi tha thứ cho người em của mình, và giải quyết với em tôi, tôi được chữa lành.” Giây phút bà bước đi trong tình yêu thương, bà có thể công bố những lời hứa của Chúa về sự chữa lành.
Trải qua nhiều năm, tôi đã gặp hết người này đến người khác nói cho tôi cùng một điều tương tự, họ phải tha thứ cho ai đó và giải quyết vấn đề trước khi họ có thể nhận sự chữa lành của họ. Một số người trong họ đã bị những chứng bệnh nan y.
Một người đàn ông nọ đã nói với tôi, “Bác sĩ của tôi nói, ‘Anh sẽ chết trong vòng ba mươi ngày.’” Người này đã chấn chỉnh một số điều cần thiết trong lòng như loại bỏ moi ác ý, thù hận và không tha thứ, và anh ta được chữa lành ngay và vẫn còn sống cho đến ngày nay.
Tôi không bao giờ phải cầu nguyện cho anh ta hay đặt tay trên anh ta. Hãy suy nghĩ về điều đó – anh ta được chữa lành khỏi bệnh ung thư nan y khi anh ta thực hành tha thứ.
Hơn nửa thế kỷ trong chức vu, tôi đã tiếp xúc với hàng ngàn người cần sự chữa lành, dĩ nhiên, không phải hết thảy trong một lần. Tôi đang nói về việc tiếp xúc với những người bệnh trên cơ sở từng người một trong thời gian nhiều năm.
Tôi biết có nhiều người đến để được các nhà truyền giảng nổi tiếng thời đó chữa lành mà vẫn không được lành – đặc biệt thời đó những buổi nhóm phấn hưng chữa bệnh có mặt khắp nơi.
Rồi thì tôi cũng thấy cùng những người này đến phòng cầu nguyện riêng và sửa lại lòng của họ ngay thẳng với Chúa. Sau đó bạn không phải cầu nguyện cho họ nữa, bệnh tật của họ biến mất hoàn toàn.
Trong chính chức vụ của tôi, tôi đã thấy nhiều người tiến lên để được giúp đỡ chữa lành là những người đã từng lên để người khác đặt tay chữa lành cho họ tại Mỹ. Họ cũng trở về phòng cầu nguyện, và họ sửa lại trong lòng, và họ được chữa lành tức thì.
Họ không cần phải nhờ ai cầu nguyện cho họ. Thật ra, không ai phải cầu nguyện cho họ nữa! Họ vẫn được chữa lành.
Một số người rất chậm nắm bắt sự kiện rằng đức tin sẽ không mang lại kết quả nếu không có tình yêu thương. Nhiều người cần phải biết rằng nếu người của Đức Chúa Trời – đặc biệt là những người được Chúa dùng trong chức vụ chữa bệnh – đặt tay trên họ mà họ không nhận được kết quả nào, thì họ phải tra xét chính mình ngay.
Đức Chúa Trời không hề thay đổi. Vì thế, họ phải là người thay đổi và chấn chỉnh trong đời sống yêu thương của họ.
Bạn thấy đó, Kinh Thánh nói rằng cánh cửa của Lời Chúa ban ánh sáng (Thi 119:130). Và khi bạn bước đi trong ánh sáng Lời Chúa, bạn sẽ nhận được những kết quả, những ích lợi và những bông trái của Lời Chúa .
Tôi đã ở trong chức vụ chữa lành gần sáu mươi năm, và tôi biết từ kinh nghiệm rằng rất nhiều cơ đốc nhân không nhận được sự chữa lành bởi vì họ không muốn giải quyết với người khác. Họ không muốn loại bỏ khỏi lòng họ những điều không ngay thẳng trước mặt Chúa.
Đôi khi họ cần tha thứ cho ai đó, nhưng đôi khi họ cần phải tha thứ cho chính họ. Một số người có tha thứ cho người khác, nhưng lại không tha thứ cho chính họ. Nhưng họ phải tha thứ cho chính họ nữa mới có thể bước đi trong sức khoẻ.
Những Hậu Quả Tai Hại Của Sự Thù Hận
Tín hữu cần phải hiểu sự ác ý và sự hận thù sẽ làm hại họ như thế nào. Nó có thể ảnh hưởng sự tăng trưởng thuộc linh của họ, nó có thể khiến lời cầu nguyện của họ bị ngăn trở và nó có thể làm cho họ bị bệnh.
Chẳng hạn, khi tôi đi ra cánh đồng truyền giáo tổ chức các buổi nhóm, tôi bất chợt gặp một mục sư trong hội thánh nọ tại thành phố đó. Anh ta trông không khoẻ lắm, nên tôi hỏi anh, “Anh có bệnh gì không?
Anh ta hỏi tôi, “Ông có biết anh đó, anh đó không?” Tôi thưa, “Biết chứ.”
Vị mục sư này nói, “Vị này đã đến thành phố của tôi và mở một hội thánh mới.”
Tôi hỏi, “Thành phố của anh hả?” “Vâng.”
Tôi nói, “Tôi không biết thành phố này thuộc về anh.”
Anh nói, “Tôi là hội thánh Ngũ Tuần duy nhất ở đây. Vị mục sư này đã xúc phạm tôi khi mở một hội thánh mới ở đây, và tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho anh ta về chuyện này.”
Rồi thì anh ta hỏi, “Anh Kenneth ơi, xin anh cầu nguyện cho tôi? Tôi bị ung nhọt.”
Vâng, tôi biết ngay điều gì khiến anh ta bị ung nhọt. Tôi biet cầu nguyện cho anh nhận sự chữa lành thì không ích lợi gì bởi vì anh còn giữ sự thù hận và sự ganh ghét trong lòng. Ngoài ra, tôi cũng biết rằng theo quy định của giáo phái của vị mục sư kia, các mục sư khác hoàn toàn có quyền mở hội thánh mới ngay trong thành phố đó.
Không chỉ thế, nhưng tôi cũng biết đôi điều về tình huống này. Thật ra một số người khác cũng đã mở hội thánh, chứ không chỉ là vị mục sư kia. Nhiều người nhóm lại và bàn tính, “Chúng tôi muốn có một hội thánh ở cuối góc phố,” nên họ tổ chức hội thánh và bắt đầu nhóm với khoảng sáu bảy mươi người, và cũng chọn vị mục sư mới này.
Vị mục sư mới này cũng không mở hội thánh. Các tín đồ đã quyên góp được vài ngàn đô la, mua được miếng đất, và chuẩn bị xây một nhà thờ ngay trên miếng đất đó trước khi một mục sư khác được bầu đến hội thánh này.
Tôi nói với vị mục sư đầu tiên, “Anh phải cầu nguyện xin Đức Chúa Trời sai ai khác đến thành phố này mở thêm một hội thánh mới.”
Rồi thì tôi hỏi anh ta, “Trung bình anh có bao nhiêu người học Trường Chủ Nhật trước khi hội thánh mới đó bắt đầu?
Ông ta nói, “Khoảng một trăm mười ba người, kể cả thiếu nhi và người lớn.”
Tôi hỏi, “Vậy tính trung bình bây giờ Trường Chủ Nhật của anh có bao nhiêu người học.”
Anh ta nói, “Ồ, đâu khoảng từ hai trăm bốn mươi đến hai trăm sáu mươi người.”
“Vậy vị mục sư kia có trung bình khoảng bao nhiêu tín đồ?”
“Tôi xin lỗi khi nói điều này. Có khoảng hai trăm sáu mươi đến hai trăm tám mươi người. Họ đang qua mặt chúng tôi.”
Bạn có tưởng tượng nỗi một người hầu việc Chúa mà có thái độ như thế. Đó không phải là thể hiện tình yêu thương của Chúa. Không phải, đó là thể hiện tình yêu ích kỷ của con người.
Tôi nói với anh ta, “Ngợi khen Chúa, hãy nghĩ về điều này. Ở đây anh sống trong thành phố nhỏ này có một ngàn năm trăm dân, và trong hai năm vừa rồi anh đã đem được khoảng năm trăm người đến nhóm mỗi Chủ Nhật. Anh phải cầu nguyện cho một mục sư khác ở phía đông thành phố. Rồi anh cũng phải cầu nguyện cho một người khác mở một hội thánh mới ở phía bắc thành phố.”
“Thôi đi, đây là địa phận của tôi. Anh ta đã bước vào địa phận của tôi. Tôi không thể tha thứ cho anh ta. Tôi muốn tha thứ, nhưng tôi không thể. Nhưng tôi muốn anh cầu nguyện cho tôi.”
Tôi biết cầu nguyện cho anh ta được lành cũng vô ích thôi cho đến khi anh ta phải chấn chỉnh trong lòng anh. Cầu nguyện cho anh ta cũng vô ích thôi, chẳng khác nào “nước đổ đầu vịt.”
Sau này, tôi nghe vị mục sư này đã phải phẫu thuật về cái ung nhọt ở bao tử. Ngay sau đó tôi gặp lại anh ta tại một hội đồng bồi linh. Anh ta nói, “Tôi đã được giải phẫu cái ung nhọt bao tử, nhưng ung nhọt tái phát. Vậy anh cầu nguyện cho tôi được không?”
Nhưng tôi biết cầu nguyện cho sự chữa lành của anh ta cũng không ích lợi gì cho đến khi anh ta phải loại bỏ sự thù hận ra khỏi lòng đối với người anh em mình và một tôi tớ Chúa khác. Cảm tạ Chúa, anh ta đã làm. Và anh ta rốt cuộc ăn năn về việc đã giữ sự hận thù với vị mục sư kia, anh ta không hề bị đau bao tử nữa, và anh ta cũng không phải giải phẫu nữa. Những ung nhọt này hoàn toàn biến mất.
Tình yêu thương và sự tha thứ đi đôi với nhau. Bạn không thể nói rằng bạn bước đi trong tình yêu thương nếu bạn còn giữ sự ác ý trong lòng.
Mỗi bước đi ra khỏi tình yêu thương là bước đi vào tội lỗi. Bạn không thể sống trong sức khoẻ và sự chữa lành nếu bạn nuôi dưỡng sự ganh ghét hay hận thù trong lòng. Nếu bạn bước ra khỏi bước đi yêu thương, hãy quay lại càng sớm càng tốt.
Rồi thì bạn có thể sống trong sự cung ứng dư dật và những lời hứa của Đức Chúa Trời và vui hưởng những phước hạnh tốt nhất của Ngài trong đời sống bạn.
Không bước đi trong tình yêu thương đối với anh em mình có thể ảnh hưởng sức khoẻ của bạn. Nó rút ngắn đời bạn bởi vì nó cho phép ma quỷ có chỗ đứng trong đời sống bạn.
Đây là vấn đề nghiêm trọng phải không? Vâng, chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc về đề tài tình yêu thương. Nói cho cùng, Kinh Thánh nói rằng tình yêu thương lớn hơn đức tin hay hy vọng: “Nên bây giờ còn ba điều này: Đức tin, hy vọng và tình yêu thương. Nhưng điều lớn hơn hết là tình yêu thương.” (1Cô 13:13).
Tình yêu thương không bao giờ thất bại. Tình yêu thương -tình yêu thương của Chúa ở trong chúng ta – có thể giải quyết mọi bất hoà hay mọi tranh cãi. Nó có thể giải quyết bất kỳ nan đề nào bởi vì Đức Chúa Trời là tình yêu thương.
Tôi đã thấy tình yêu thương của Chúa hành động nhiều lần trải qua nhiều năm. Bạn thấy đó, bước đi trong tình yêu thương là một lĩnh vực của sự chữa lành thiên thượng mà cũng cần được rao giảng. Phần lớn chúng ta muốn sống trọn số ngày trên đất này. Bạn có biết rằng bạn có thể sống trọn số ngày của bạn trên đất không? Kinh Thánh hứa điều đó. Nhưng bạn phải bước đi trong tình yêu thương và sự vâng lời.
Bạn Có Yêu Thương Anh Em Mình Không?
Hãy hỏi câu hỏi này, Tôi đã làm gì với tình yêu thương của Chúa ở trong lòng tôi? Tôi có phát triển và thực hành tình yêu thương đó không?
1GIĂNG 4:16,17,20,21
Chúng ta đã nhận biết và tin tưởng tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Đức Chúa Trời là tình yêu thương, ai ở trong tình yêu thương ở trong Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời ở trong người ấy. Nhờ đó tình yêu thương giữa chúng ta được toàn vẹn để chúng ta được vững tâm trong ngày phán xét, vì Ngài thế nào thì chúng ta cũng như vậy trong thế gian này. Nếu ai nói: Tôi yêu kính Đức Chúa Trời mà lại ghét anh chị em mình, thì người ay là kẻ nói dối; Vì ai không yêu thương anh chị em mình là người thấy được, thì không thể yêu kính Đức Chúa Trời là Đấng không thấy được. Và chúng ta có điều răn này: Ai yêu kính Đức Chúa Trời thì cũng phải thương yêu anh chị em mình.
Tôi muốn bạn để ý câu 16: “. . . Chúng ta đã biết và tin tình yêu thương của Chúa dành cho chúng ta.” Kinh Thánh nói rằng chúng ta không chỉ tin nơi Đức Chúa Trời, nhưng là cơ đốc nhân, chúng ta cũng tin tình yêu thương. Bạn có tin vào tình yêu thương của Đức Chúa Trời không? Vâng, nếu bạn tin thì hãy thực hành. Hãy bước đi trong đó!
Tình yêu thương của Chúa ở trong lòng bạn sẽ không được tiến triển trừ khi bạn thể hiện nó ra. Tình yêu thương của Chúa sẽ không kiềm chế bạn trừ khi bạn để nó kiểm soát bạn. Tình yêu thương sẽ không tự động mang lại kết quả. Bạn phải có phần trong việc để cho tình yêu thương của Chúa phát triển trong đời sống bạn.
1GIĂNG 3:14,15
Chúng ta biết rằng: Chúng ta đã vượt qua cõi chết, đến sự sống vì chúng ta yêu thương anh chị em mình. Ai không thương yêu vẫn ở trong cõi chết. Ai ghét anh chị em mình là kẻ sát nhân và anh chị em biết rằng không kẻ sát nhân nào có sự sống vĩnh phúc trong nó.
Câu Kinh Thánh này nói rằng nếu chúng ta ghét anh em mình – hoặc bất cứ ai khác về vấn đề nào đó – chúng ta vẫn còn cứ ở trong sự chết thuộc linh. Rồi thì câu 15 nói mạnh hơn. Câu này nói rằng bất cứ ai ghét anh em mình là kẻ giết người. Đó là câu nói rất thẳng thừng.
Theo Kinh Thánh, bạn không phải giết ai đó để trở thành kẻ giết người trong lòng. Theo định nghĩa đó, chúng ta chắc có lẽ có rất nhiều kẻ giết người ngồi ở hàng ghế nhà thờ.
Cũng có những người giết người ta thật, và họ cũng phải trả giá cho tội lỗi của họ. Nhưng ngược lại, dưới con mắt của Đức Chúa Trời, nếu bạn ghét ai đó, Đức Chúa Trời gọi việc đó là giết người trong lòng.
Một Phụ Nữ Nói – ‘Tôi Ghét Mẹ Chồng Của Tôi’
Vợ tôi và tôi lần nọ tổ chức một buổi nhóm ở phía Tây của nước Mỹ. Một cặp vợ chồng trẻ cũng hầu việc Chúa đi ra ăn tối với chúng tôi sau buổi nhóm.
Người vợ nói với tôi, “Anh Hagin ơi, tối nay anh trích câu Kinh Thánh trong 1Giăng 3:15 : ‘Ai ghét anh chị em mình là kẻ sát nhân và anh chị em biết rằng không kẻ sát nhân nào có sự sống vĩnh phúc trong nó.’”
Tôi nói, “Đúng, tôi có trích câu này. Tôi thú nhận có.” Khi tôi trích câu đó, Thánh Linh cảm động tôi nói thêm, “Anh em ở đây cũng có nghĩa là ghét mẹ chồng nữa.”
Người vợ nói, “Nhưng tôi ghét bà mẹ chồng của tôi.” Người này là vợ mục sư, và cô ta nói cô ta ghét bà gia mình.
Tôi nói, “Nếu cô làm vậy, Kinh Thánh nói cô là kẻ giết người, và cô sẽ không có sự sống đời đời cứ ở trong cô. Đức Chúa Trời sẽ không bảo chúng ta yêu thương anh em mình, kể cả bà gia, nếu chúng ta không thể làm được.”
Tôi biết cô ta thật sự không ghét bà mẹ chồng của cô nhưng tôi muốn cô ta chú tâm để cô thấy chính cô theo ánh sáng Lời Chúa. Bạn thấy đó, chỉ vì tôi nhận biết rằng cô ta không thật sự ghét bà gia của cô, điều đó cũng không giúp ích gì cho cô, tôi phải giúp cô thấy được điều đó.
Chỉ vì bạn thấy một lẽ thật thuộc linh, điều đó cũng không giúp đỡ gì cho người khác, người đó cũng phải nhìn thấy lẽ thật nữa. Chỉ vì bạn ai nhìn thấy một lẽ thật thuộc linh, điều đó cũng không giúp ích gì cho bạn; bạn phải nhìn thấy lẽ thật đó nữa.
Tôi biết cô ta được cứu, được đầy dẫy Thánh Linh, và cô ta yêu mến Chúa. Nhưng tôi biết cô ta đã để cho lý trí của cô xen vào, và cô đã để cho xác thịt kiểm soát cô.
Vì thế tôi nói với cô, “Hãy nhìn vào mắt tôi và nói tôi ghét bà gia của tôi, và cùng lúc hãy tra xét trong tâm linh của cô.”
Kinh Thánh không nói tình yêu thương của Chúa được đổ vào đầu chúng ta. Kinh Thánh nói tình yêu thương của Chúa được đổ vào lòng hay tâm linh của chúng ta. Đó là lý do tôi nói với cô này hãy tra xét trong lòng của cô.
Cô nhìn quanh bàn ăn và nói với tôi, “Tôi ghét bà gia của tôi.”
Tôi hỏi, “Khi cô nói điều đó, điều gì xảy ta trong tâm linh của cô?”
Cô nói, “Có điều gì đó trong tâm linh của tôi làm cho tôi thấy khó chịu.”
Tôi nói, “Tôi biết điều đó. Đó là tình yêu thương của Chúa ở trong tâm linh của cô, tìm cách làm cho cô để ý. Tình yêu thương của Chúa đang cố kiềm chế cô để cô yêu thương như Đức Chúa Trời thương yêu.
Cô ta hỏi, “Vậy tôi nên làm gì?”
Tôi nói, “Cô phải hành xử giống như cô yêu thương bà gia của cô bởi vì cô có yêu thương bà ta thật. Cách để thoát ra tình huống này là bước đi trong tình yêu thương ngay cả khi xác thịt của cô không muốn.”
“Tình yêu thương được bày tỏ trong lời nói và hành động, vì thế, cô phải hành xử giống như cô thương yêu bà gia của cô bởi vì cô có yêu thương bà ta thật.”
Bạn thấy đó, bước đi trong tình yêu thương nghĩa là hành động trong tình yêu thương bởi vì tình yêu thương của Chúa không chỉ là cảm xúc, nó là một quyết định và là một hành động. Bạn phải bày tỏ tình yêu thương đó ra. Bạn có thể giữ chặt tình yêu thương Chúa đổ vào lòng bạn và khoá chặt trong lòng bạn mà không biểu lộ nó ra.
Làm sao bạn thổ lộ tình yêu thương của Chúa trong lòng bạn để bạn có thể bày tỏ nó ra? Bạn bày tỏ tình yêu thương bằng hành động. Bạn cũng có thể bày tỏ tình yêu thương bằng lời nói. Giống như đức tin bởi vì đức tin vận hành bởi tình yêu thương. Bạn có thể có tấm lòng đầy dẫy đức tin mà vẫn chết mất.
Bạn có thể có tấm lòng đầy dẫy đức tin mà không bao giờ nhận sự đáp lời cầu nguyện. Bạn có thể khai phóng đức tin đó khỏi tấm lòng và bày tỏ đức tin đó ra. Bạn phải để đức tin hành động. Làm sao bạn làm điều đó? Qua hành động và lời nói. Tình yêu thương mà không biểu lộ ra hay không có hành động thì cuối cùng sẽ tắt liệm và chết đi.
Cũng giống như một thanh niên viết thư tình cho bạn gái, rằng,
Anh vượt núi băng đèo là vì em. Anh lên non xuống biển cũng là vì em. Và nếu trời không mưa tối thứ Bảy, anh sẽ đến gặp em.
Không, tình yêu thương được bảy tỏ cả bằng lời nói lẫn hành động.
Tôi đã nói với vợ vị mục sư trẻ này, “Nếu cô thật sự ghét bà mẹ chồng của cô, thì 1Giăng 3:15 nói cô là kẻ giết người. Tôi không tin là cô là kẻ giết người bởi vì cô đã được tái sanh, và cô đã có sự sống đời đời cứ ở trong cô. Có nghĩa là cô có tình yêu thương và sự sống của Chúa cứ ở trong cô. Nhưng trước khi nó trở thành thực hữu trên đời sống cô, cô phải hành động trên tình yêu thương đó để tình yêu thương đó mang lại kết quả cho cô ”
Người phụ nữ này không thực sự ghét bà gia của mình. Nhưng cô ta đã phạm lỗi lầm mà nhiều tín hữu đã phạm. Cô ta lắng nghe lý trí của mình thay vì lắng nghe tấm lòng của mình.
Điều làm tôi ngạc nhiên là một số cơ đốc nhân dùng từ ngữ “ghét.” Nhiều người dùng từ ngữ “ghét” rất thường. Từ ngữ này không có trong văn phạm của tôi. Tôi không thích nói, “Tôi ghét ăn rau.” Tôi có thể không thích một số điều, nhưng tôi không ghét điều chi cả, huống hồ chi con người.
Tôi đã nghe nhiều cơ đốc nhân nói, “Tôi ghét anh này, chị kia”. Tôi tự nhủ, Vậy thì bạn chắc phải tin Chúa trở lại.
Tôi biết họ không thực sự có ý nói thế; họ chỉ nói từ lý trí và để xác thịt kiểm soát họ. Nếu họ thật sự ghét ai đó thì họ là kẻ giết người trong lòng, và họ sẽ không có sự sống đời đời.
Dĩ nhiên, họ được cứu nhưng họ giam cầm tình yêu thương Chúa đã đổ vào lòng họ. Những người nói như thế là những cơ đốc nhân xác thịt, cho phép tâm trí tự nhiên của họ và xác thịt của họ kiểm soát họ. Họ cần tăng trưởng và phát triển trong tình yêu thương.
Không thể được, nếu một người được tái sanh, họ sẽ không ghét người khác. Nếu họ ghét, họ không có sự sống và không có tình yêu thương của Chúa cứ ở trong họ. Nếu họ ghét người khác thì trong lòng họ, họ là kẻ giết người.
Khi những tín hữu nói rằng họ ghét ai đó, họ cần đóng đinh xác thịt và bước đi theo tình yêu thương của Chúa trong tâm linh của họ. Điều này không phải lúc nào cũng dễ, cũng không phải lúc nào cũng cảm thấy dễ chịu đối với xác thịt. Thật ra, nó rất khó khăn đối với xác thịt.
Nhưng đó là lý do chúng ta cần phải đổi mới tâm trí bằng Lời Chúa và để tình yêu thương của Chúa cứ ở trong chúng ta và bày tỏ trong chúng ta. Chúng ta cần học biết để đáp ứng với tình yêu thương của Chúa đã ở trong long chúng ta rồi.
Vài ngày sau người phụ nữ này mời vợ tôi và tôi đến nhà của cô ta. Cô ta cũng mời bà gia của mình và gia đình của bà. Cô đến gặp tôi và nói, “Ông nói đúng, tôi không ghét bà gia của tôi. Những người này cũng là cơ đốc nhân và họ yêu mến Chúa.”
“Tôi trước đây đã hành xử theo tự nhiên, và tôi để cảm xúc của tôi kiểm soát tôi. Tôi để lý trí tự nhiên và xác thịt kiểm soát tôi. Tình yêu thương của Chúa ở trong lòng tôi. Tôi yêu mến họ. Họ là những người kỳ diệu và họ yêu mến Chúa.”
Sau khi nói chuyện với cặp vợ chồng trẻ đó, chúng tôi học biết rằng họ đã cố gắng tin cậy Chúa để chữa lành con gái nhỏ của họ. Đứa con út của họ đã bị chứng động kinh từ khi nó hai tuổi và họ đã đem đứa con của họ đến khám những bác sĩ chuyên khoa giỏi.
Bác sĩ nói, “Đây là tình trạng tồi tệ nhất của bệnh động kinh mà tôi đã chứng kiến trong ba mươi tám năm trong nghề y.”
Không chỉ thế, đứa bé này dường như cũng bị chậm phát triển về tâm trí, và tứ chi không được ổn định.
Thời gian sau đó, cặp vợ chồng này gọi cho tôi và nhờ tôi đến cầu nguyện cho đứa con của họ bởi vì cháu đã bị giật mạnh. Khi vợ tôi và tôi vào xe để đi đến nhà của họ cầu nguyện, thì Thánh Linh phán với tôi một cách thực hữu cứ như là có ai đó ngồi phiá sau ghế xe.
Bây giờ tôi muốn bạn lắng nghe cẩn thận những gì tôi sắp nói bởi vì đây là vấn đề sinh tử. Đây là vấn đề quyết định sự khác biệt cách bạn sống lâu hay là bạn được chữa lành.
Thánh Linh phán với tôi “Đừng cầu nguyện cho đứa bé đó. Đừng đặt tay trên đứa bé đó. Khi con đến đó, hãy nói với người mẹ rằng Ta phán, ‘Dưới thời Cựu ước, Ta nói với dân Y-sơ-ra-ên, rằng hãy bước đi trong điều răn và luật lệ của Ta, hãy làm những điều ngay thẳng trước mặt Ta, Ta sẽ cất tật bệnh giữa vòng ngươi và số những ngày các ngươi sẽ được trọn.”
Rồi thì Thánh Linh phán, “Hãy diễn ý theo ngôn ngữ của Tân ước, Ta phán, ‘Điều răn mới Ta ban cho các ngươi là yêu thương lẫn nhau bởi điều này mà thiên hạ sẽ biết các ngươi là môn đồ Ta, bởi vì các ngươi đã yêu thương lẫn nhau” (Giăng 13:34,35). Dĩ nhiên, tôi biết điều Đức Chúa Trời đã phán trong Cựu ước trong sách Xuất Hành chương 23.
XUẤT HÀNH 23:25,26
Các ngươi chỉ thờ phượng CHÚA, Đức Chúa Trời các người và Ngài sẽ ban phước lành cho thức ăn nước uống của các ngươi. Ta sẽ đem bệnh tật tránh xa các ngươi, trong toàn quốc sẽ không có ai sẩy thai hay son sẻ. Ta sẽ cho các ngươi trường thọ.
Chúng ta có thể dịch những câu này theo cách khác mà cũng không sai trật gì: “Hãy giữ mạng lịnh yêu thương của Ta và Ta sẽ cất bệnh tật ra khỏi giữa vòng các ngươi và Ta sẽ làm trọn số ngày các ngươi.”
Đức Thánh Linh phán, “Hãy nói với người mẹ là hãy nói với sa-tan, “Hỡi sa-tan, bây giờ ta bước đi trong tình yêu thương. Hãy rút tay ngươi khỏi con cái của ta.”
Bạn thấy đó, có những lúc bạn không nên đặt tay trên người ta để nhận sự chữa lành. Thật ra, nếu một số điều kiện không được đáp ứng, bạn có thể đặt tay trên họ cho đến khi bạn làm rụng hết tóc của họ, thì họ cũng không nhận một điều gì ngoại trừ là cái đầu hói.
Đặt tay trên người ta khi mà họ thật sự cần thay đổi trong lòng họ thì ngăn trở đức tin của họ mà thôi bởi vì không điều gì xảy ra.
Chúng tôi đến nhà và gặp cặp vợ chồng này, và tôi đã nói cho người mẹ đúng như những gì Chúa đã bảo tôi nói. Người mẹ chỉ về đứa con đang bị co giật lúc đó, và nói, “Hỡi sa-tan, ta đang bước đi trong tình yêu thương ngay bây giờ, hãy rút tay ngươi ra khỏi con ta.” Ngay chốc lát cơn đau chấm dứt, và đứa bé trở lại bình thường. Mọi triệu chứng lìa khỏi đứa bé đó ngay tức thì. Bạn thấy đó, nếu bạn không bước đi trong tình yêu thương, bạn sẽ không thể làm điều đó. Ma quỷ sẽ cười bạn mỗi khi bạn rủa sả nó. Tại sao? Bởi vì Kinh Thánh nói rằng chớ nhường chỗ cho ma quỷ (Êph 4:27). Nếu bạn không bước đi trong tình yêu thương, bạn sẽ để cho ma quỷ có chỗ trong đời sống bạn. Bạn sẽ mở cửa cho nó.
Nhưng bắt đầu bước đi trong tình yêu thương, bạn sẽ bước đi trong Thánh Linh. Để ở trong Thánh Linh thì không mất thời gian nhiều. Chỉ cần ăn năn và xin Chúa tha thứ cho bạn vì đã không bước đi trong tình yêu thương. Rồi hãy xác định, “Từ lúc này trở đi, tôi sẽ bước đi trong tình yêu thương.” Rồi thì bạn sẽ ở trong vị trí để đuổi cổ ma quỷ về chỗ của nó.
Nếu cơ đốc nhân thật sự học biết để tình yêu thương của Chúa cai trị họ, họ sẽ không cần phải xưc dầu để được lành bệnh. Bạn không cần phải cầu nguyện cho họ. Họ sẽ được chữa lành, và họ có thể sống trong sức khoẻ siêu nhiên.
Chỗ mà nhiều cơ đốc nhân thất bại là ở chỗ họ cho phép sự không tha thứ kiểm soát họ, và họ không bước đi trong tình yêu thương. Nhiều tín hữu đang tranh chiến với sự không tha thứ và thiếu tình yêu thương nên đã hành xử giống như những cơ đốc nhân xác thịt.
Một bản dịch Kinh Thánh khác nói cơ đốc nhân xác thịt là cơ đốc nhân để thể xác cai trị. Những cơ đốc nhân con trẻ phần lớn là để thể xác cai trị. Nếu bạn để thân thể bạn cai trị bạn, tâm trí tự nhiên bạn sẽ cai trị bạn. Tất cả những gì tâm trí tự nhiên của bạn biết được đều được học qua năm giác quan vật lý.
Khi tín hữu hiểu được sự dạy dỗ Kinh Thánh về cách để thực hành và phát triển tình yêu thương của Chúa, họ sẽ tăng trưởng và phát triển vượt qua giai đoạn ấu trĩ của cơ đốc giáo.
Khi các tín hữu hiểu được ích lợi của việc bước đi trong tình yêu thương của Chúa, điều đó sẽ thay đổi đời sống của họ. Lúc đó các tín hữu phải đi ra ngoài hội thánh tìm ai đó cầu nguyện bởi vì mọi người trong hội thánh đều đã được chữa lành.
Thật vậy, năm năm sau đó, cặp vợ chồng của đứa bé bị bệnh này thăm một trong những buổi nhóm của chúng tôi tại một tiểu ban khác. Lúc đó đứa con của họ tám tuổi. Tôi hỏi họ con cái của họ như thế nào.
Cặp vợ chồng này nói với tôi, “Con của chúng tôi được khoẻ mạnh hoàn toàn. Thật ra nó đạt chỉ số thông minh cao nhất trong trường.”
Tôi hỏi họ, “Trong năm này nó có bị triệu chứng nào không?”
Người mẹ nói, “Có hai lần một số triệu chứng trở lại.” Tôi hỏi, “Rồi ông bà làm gì?
Bà nói, “Vậy tôi chỉ nói, ‘Ồ không, hỡi sa-tan, bây giờ ta bước đi trong tình yêu thương. Con gái của tao được khoẻ mạnh.”
Điều đó xảy ra cách đây nhiều năm, nhưng lúc đó vào năm 1991 cặp cha mẹ này đã đến buổi nhóm trại thường niên của chúng tôi. Dĩ nhiên, con gái của họ lúc đó đã thành phụ nữ rồi.
Vợ tôi và tôi nói chuyện với họ và hỏi con gái của họ thể nào. Họ nói kể từ lúc đó đến giờ nó không bao giờ lên cơn giựt nữa.”
Có người nói, “Ôi, ước gì tôi cũng kinh nghiệm được điều đó.” Bạn sẽ không kinh nghiệm điều này bằng cách ước ao. Nó chỉ xảy ra qua việc bước đi trong tình yêu thương – qua việc hành động theo tình yêu thương của Chúa. Bạn phải hành động theo Lời Chúa và thực hành tình yêu thương của Chúa bởi vì đức tin vận hành bởi tình yêu thương.
Có người nói, “Nhưng tôi không phải lúc nào cũng bước đi trong tình yêu thương.” Người phụ nữ đó cũng vậy. Nhưng giây phút bà ta ăn năn và bước đi trong tình yêu thương, bà ta có quyền để công bố những lời hứa của Chúa.
Nan đề mà phần lớn nhiều tín hữu gặp phải là họ cứ suy nghĩ về quá khứ. Họ chỉ tập trung về những gì họ đã làm sai trật trước đây, hơn là tập trung vào lòng thương xót và sự tha thứ của Chúa.
Chẳng hạn, họ nói “Tôi đã làm điều này, điều kia. Tôi không xứng đáng với sự tha thứ của Chúa.” Bạn không thể cứ nghĩ ngợi về những lĩnh vực mà bạn đã thất bại. Hãy ăn năn. Hãy tin chắc Lời của Ngài. Đức Chúa Trời phán, “Nếu chúng ta xưng tội mình thì Ngài là thành tín và công chính tha thứ mọi tội lỗi chúng ta và làm sạch chúng ta khỏi mọi gian ác” (1Giăng 1:9). Làm sạch bao nhiêu gian ác của chúng ta ? Tất cả gian ác.
Và nếu bạn biết là bạn đang bước đi trong tình yêu thương và sa-tan tấn công bạn, con cái của bạn, hay gia đình của bạn, bạn có thể can đảm nói, “Hỡi sa-tan, hãy rút tay ra khỏi con cái của ta bởi vì ta bước đi trong tình yêu thương. Hỡi sa-tan, hãy rút tay ra khỏi ta và gia đình của ta bởi vì ta bước đi trong tình yêu thương.”
Và nếu bạn ra khỏi đời sống yêu thương, càng nhanh càng tốt hãy trở lại núp dưới cái dù bảo vệ của tình yêu thương. Tân ước thuộc về bạn, vì thế hãy bước đi trong tình yêu thương để bạn được thịnh vượng trong mọi lĩnh vực của đời sống. Bước đi trong tình yêu thương sẽ mang lại kết quả cho bạn, cũng như nó mang lại kết quả cho bất cứ ai khác. Vì thế, hãy học bước đi trong tình yêu thương và gặt hái nhưng ích lợi mà tình yêu thương của Chúa mang lại.
‘Ta Sẽ Cất Tật Bệnh Giữa Vòng Ngươi’
Khi Thánh Linh phán những câu Kinh Thánh này với tôi trong Xuất 23:25,26, nó trở thành một khải thị thật sự đối với tôi. Tôi chưa hề hiểu những câu Kinh Thánh đúng theo ánh sáng đó.
Nhưng sự thật thì lời hứa đó cũng thuộc về chúng ta dưới thời Tân ước nữa, vì lý do đơn giản là chúng ta có một giao ước tốt hơn, được thiết lập trên những lời hứa tốt hơn. Nếu điều gì đó tốt hơn thì nó gồm những điều cũ cộng thêm nữa, còn không thì nó không thể nào là tốt hơn.
HÊBƠRƠ 8:6
Nhưng hiện nay, Đức Giê-su nhận lãnh một chức vụ cao quý hơn của các thượng tế cũng như giao ước mà Ngài là Đấng Trung Gian cao quý hơn giao ước cũ vì giao ước này được lập trên các lời hứa tốt đẹp hơn.
Dân Y-sơ-ra-ên có lời hứa rằng nếu họ bước đi trong sự vâng lời Chúa, Ngài sẽ cất bệnh tật khỏi họ và làm trọn số ngày của họ. Nếu họ có lời hứa này dưới thời Cựu ước thì đương nhiên chúng ta cũng có thể công bo những lời hứa này bởi vì chúng ta sống dưới một giao ước tốt hơn dân Y-sơ-ra-ên sống.
Hãy suy nghĩ về điều đó. Dưới thời Cựu ước, qua việc tuân giữ những điều răn và luật lệ của Đức Chúa Trời và làm những điều Ngài phán, dân Y-sơ-ra-ên có khả năng sống trọn thời gian trên đất mà không bị bệnh tật nao.
Vâng, nếu lời hứa đó không dành cho chúng ta dưới thời Tân ước, thì có nghĩa là chúng ta đánh mất những ích lợi khi Chúa Giê-su đến chết trên thập tư giá và thực thi một giao ước mới và tốt hơn.
Nhưng đó không phải là điều Kinh Thánh nói. Kinh Thánh không nói chúng ta có một lời hứa tồi tệ hơn, được thiết lập trên những lời hứa kém cỏi hơn. Không, Kinh Thánh nói chúng ta có một giao ước tốt hơn, được thiết lập trên những lời hứa tốt hơn.
Bạn nghĩ gì nếu bạn nghe người này nói với người kia, “Tôi nghe rằng anh đã mua một căn nhà”
Người đó sẽ trả lời, “Vâng, chúng tôi trước đây thường sống trong một căn nhà mới có bốn phòng ngủ, có thảm lót và có ba phòng tắm. Nhưng bây giờ chúng tôi sống trong một căn nhà cũ có một phòng ngủ và có nửa phòng tắm. Đã quá, căn nhà này tốt hơn chứ.”
Nếu ai đó nói vậy, bạn sẽ nghĩ rằng có một điều gì đó sai trật đối với người đó phải không? Nếu điều gì đó tốt hơn thì có những điều cũ cộng thêm những điều khác nữa, còn không thì nó sẽ không tot hơn.
Nói cách khác, Đức Chúa Trời cất bệnh tật ra khỏi dân Y-sơ-ra-ên bởi vì họ bước đi theo luật pháp của Ngài. Vâng, bởi vì chúng ta ở dưới một giao ước mới và tốt hơn, có phải là từ khi Chúa Giê-su đến, chúng ta phải trải qua đời sống bệnh tật và đau đớn, có phải không ? Nếu điều này đúng, thì tốt hơn Ngài sẽ không đến. Dĩ nhiên, điều này thật buồn cười.
Có lý gì mà chúng ta làm trọn luật pháp bằng cách bước đi trong tình yêu thương – mà chúng ta vẫn cứ sống trong bệnh, phải vậy không? Không phải, điều này trông thật buồn cười, phải không nhỉ?
Không chỉ thế, nhưng lời hứa trong sách Xuất Hành 15:26 được ban cho dân Y-sơ-ra-ên là những người khong phải là con Đức Chúa Trời; họ là đầy tớ của Đức Chúa Trời. Vâng, nếu ý muốn của Đức Chúa Trời không muốn các đầy tớ của Ngài bị bệnh, thì làm sao Ngài muốn cho con cái của Ngài bị bệnh được (Lê-vi-ký 25:55; 1Giăng 3:2)?
Tôi không biết bạn như thế nào, nhưng tôi muốn những điều tốt nhất của Đức Chúa Trời. Nhiều năm trước đây, tôi thấy được những ích lợi của việc bước đi trong tình yêu thương, và tôi quyết định trong lòng rằng tôi sẽ bước đi trong tình yêu thương dù có ai khác có muốn hay không.
XUẤT HÀNH 15:26
Chúa phán dạy: “Nếu các ngươi cẩn thận nghe theo tiếng của CHÚA, Đức Chúa Trời các ngươi, và làm điều ngay lành trước mắt Ta, nếu các ngươi lưu tâm đến mạng lệnh và quy luật Ta, Ta sẽ không đem đến cho các ngươi các thứ bệnh tật Ta đã giáng trên người Ai-cập, vì Ta là CHÚA, Đấng chữa bệnh các ngươi.”
Nếu bạn đọc câu này trong bản dịch cũ, bạn sẽ có cảm giác rằng Đức Chúa Trời đặt bệnh tật trên dân sự. Nhưng một số động từ trong tiếng Hêbơrơ đáng lý nên dịch theo nghĩa cho phép, chứ không phải nghĩa tác nhân.
Nói cách khác, qua việc nguyên cứu toàn bộ Kinh Thánh chúng ta biết rằng bệnh tật và đau yếu không đến từ thiên đàng. Đức Chúa Trời không gây ra bệnh tật và đau yếu, Ngài cũng không dùng bệnh tật hay đau yếu để làm khốn khổ ai.
Ngoài ra, ngay cả khi đọc câu này trong Xuất 15, chúng ta có thể thấy rõ rằng bệnh tật không phải là ý muốn của Đức Chúa Trời cho dân Y-sơ-ra-ên. Ngài muốn dân sự cua Ngài khoẻ mạnh. Đó là lý do Ngài bảo, “Ta là Giêhôva Đấng chữa bệnh ngươi.”
Vâng, có người sẽ nói, “Nhưng trong Xuất 15:26, Kinh Thánh nói Đức Chúa Trời giáng bệnh tật trên con người.”
Nếu bạn nghĩ rằng Đức Chúa Trời là Đấng đặt bệnh tật trên người ta, bạn cần nghiên cứu và đào sâu trong Lời Chúa.
Hãy để tôi nêu một ví dụ để chứng tỏ cho bạn điều tôi muốn nói. Trong thời kỳ người ta đào vàng, nhiều người phát hiện vàng tại California. Vâng, bạn có thể đào một ít bụi vàng ở một con sông, và đào một chặp, bạn có thể thấy quặng vàng. Nếu bạn thật sự muốn đào vàng thật, bạn phải đào thêm.
Tương tự với Kinh Thánh, bạn có thể lướt qua bề mặt của Kinh Thánh và đào được một ít vàng – một số lẽ thật thuộc linh. Bạn có thể tìm thấy một vài quặng vàng đâu đó. Nhưng nếu bạn thật sự muốn đào sâu trong Lời Chúa, bạn phải đào sâu hơn.
Thật ra, Xuất 15:26 có thể được dịch chính xác như thế này: “Nếu ngươi chăm chỉ nghe theo tiếng phán của Giêhôva Đức Chúa Trời ngươi, và làm những điều ngay thẳng trước mặt Ngài . . . thì Ta sẽ không cho phép những bệnh tật này đến trên ngươi.”
Một số đoạn khác trong Cựu ước đáng lý nên dịch sang tiếng Việt theo nghĩa cho phép thay vì dịch nghĩa nguyên nhân.
Chẳng hạn, Êsai 45:7 nói, “Ta làm thành ánh sáng, tạo ra bóng tối; Ta làm cho thái bình và tạo ra tai hoạ. Ta là CHÚA, Đấng làm mọi sự này.” Khi chúng ta đọc câu đó theo mạch văn của cả Kinh Thánh, thì nó không phù hợp với phần còn lại của Kinh Thánh khi giải nghĩa rằng chính Đức Chúa Trời tạo ra tại hoạ.
Có phải Đức Chúa Trời tạo ra tội lỗi không? Không, làm thế khiến Đức Chua Trời thành ma quỷ. Đức Chúa Trời có thể cho phép tội lỗi khi người ta vi phạm Lời Ngài, nhưng Ngài không tạo ra tội lỗi. Nếu Ngài tạo ra tội lỗi, thì khiến Ngài là tác giả của tội lỗi. Nhưng chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời không phải là tác giả của tội lỗi.
Tân ước cho chúng ta biết ai là tác giả của tội lỗi : “Kẻ trộm chỉ đến để cướp, giết và huỷ diệt; còn Ta đã đến để chiên được sống và sống sung mãn.” (Giăng 10:10). Sa-tan là kẻ trộm, chứ không phải là Đức Chúa Trời.
Khi bạn hiểu Êsai 45:7 theo nghĩa cho phép, thì bạn hiểu rằng tội lỗi được cho phép khi người ta ra khỏi ý muốn của Đức Chúa Trời.
Chẳng hạn, giả sử trên đường làm việc về nhà hôm nay, bạn dừng lại va lấy trộm xăng. Đức Chúa Trời sẽ cho phép bạn làm điều đó, phải vậy không? Ngài không muốn bạn làm bởi vì đó không phải là ý muốn của Ngài. Ngài chắc sẽ không uỷ thác bạn làm điều đó. Thật ra, nếu bạn lắng nghe Ngài, Ngài sẽ cố tìm cách giữ bạn không làm điều đó. Nhưng bạn vẫn còn có ý chí tự do và bạn có thể làm điều đó.
Đức Chúa Trời không chủ tâm làm việc tội lỗi. Ngài cũng không muốn bạn làm những việc tội lỗi. Nhưng bạn có ý chí tự do, và Ngài sẽ cho phép bạn làm những việc tội lỗi nếu bạn cứ kiên quyết và tiếp tục chọn những việc tội lỗi.
Giả sử bạn có một đứa con bốn tuổi, và bạn đang nấu nướng trong một cái chảo trên bep lò nóng. Bạn thấy con bạn sắp đưa tay vào cái chảo nóng, nên bạn nói với nó, “Con ơi, đừng làm điều đó. Con sẽ bị phỏng tay đấy.”
Thình lình con của bạn đưa tay ra và đặt trên cái chảo nóng. Bạn không có chủ ý cho con bạn làm điều đó. Nhưng bạn đã cho phép theo nghĩa là con bạn có ý chí tự do, cho dù bạn cảnh báo nó, nó vẫn đặt tay trên cái chảo nóng đó.
Bạn đã bảo nó đừng làm, và thậm chí bạn cảnh cáo về hậu quả. Nhưng con bạn cứ kiên quyết và sờ vào cái chảo nóng.
Có phải bạn cho phép việc này theo nghĩa là bạn có chủ ý không? Dĩ nhiên là không. Bạn chỉ cho phép theo nghĩa là con bạn có sự tự do để chọn lựa, và nó nó thể chọn không vâng lời bạn. Bạn thấy đó, con người có sự tự do chọn lựa. Đức Chúa Trời muốn ban phước cho con người. Nhưng khi con người không vâng lời, Ngài khiến cánh tay phước hạnh của Chúa nhấc khỏi người đó.
Đó là điều đã xảy ra cho dân Y-sơ-ra-ên. Đức Chúa Trời phải cho phép bệnh tật và đau yếu khi dân Y-sơ-ra-ên phạm tội và không vâng lời Ngài.
Đó là điều Đức Chúa Trời phán: “Nếu ngươi không giữ theo mạng lịnh của Ta, thì những điều này sẽ đến trên ngươi. Tuy nhiên, ý muốn của Ta là những tai hoạ này không đến trên các ngươi. Nếu các ngươi bước theo luật lệ Ta thì không một điều nào trong những điều này xảy ra cho các ngươi.”
Ngoài ra cũng hãy xem sách A-mốt.
A-MỐT 3:6
Có khi nào tù và thổi lên trong thành, mà dân chúng lại không kinh hoàng sao? Có khi nào tai hoạ giáng xuống thành, mà CHÚA không gây ra sao?
Bạn có thể giải nghĩa câu Kinh Thánh này theo nhiều cách khác nhau. Kinh Thánh nói, “Có khi nào tai hoạ giáng xuống thành, mà CHÚA không gây ra sao? Tôi thắc mắc có tội ác nào xảy ra tối qua tại thành phố nơi bạn sống không? Dĩ nhiên là có. Có phải Chúa gây ra chuyện đó không? Không, Ngài không làm điều đó. Bạn thấy đó, nếu Đức Chúa Trời phạm tội ác thì Ngài không có quyền gì để phán xét con người về việc phạm tội ác.
Đức Chúa Trời không phạm tội ác hoặc gây ra tội ác. Ngài chỉ cho phép theo nghĩa là con người có ý chí tự do và họ có thể không vâng lời Ngài hoặc ra khỏi cánh tay bảo vệ của Ngài. Có sự khác biệt giữa sự cố ý và sự cho phép.
Cũng giống như ví dụ về đứa bé và cái chảo nóng. Bạn không có ý định cho đứa bé đó sờ vào cái chảo nóng. Nhưng bạn cho phép theo nghĩa là đứa bé có ý chí tự do và nó có thể chọn sờ vào cái chảo nóng cho dù bạn bảo nó đừng sờ.
Tiến sĩ Robert E. Young, tác giả của cuốn Young’s Hebrew and Greek Concordance, là một học giả tiếng Hê-bơ-rơ xuất sắc. Ông nêu ra rằng các dịch giả không dùng nghĩa cho phép của các động từ, vì thế các dịch giả đã dịch những động từ này theo nghĩa nguyên nhân thay vì theo nghĩa cho phép.
Chẳng hạn, câu này trong A-mốt 3:6 đáng lý nên dịch thành nghĩa cho phép chứ không phải là theo nghĩa nguyên nhân : “Nếu trong thành có tội ác nào, thì đó Đức Chúa Trời cho phép điều ấy.” Đức Chúa Trời có thể cho phép tội ác theo nghĩa là con người có sự tự do chọn lựa và họ có thể tự do chọn lựa làm điều ác, nhưng Ngài không gây ra, cũng không tán thành.
Một câu Kinh Thánh khác được nói đến nhiều liên quan đến đề tài này được tìm thấy trong 1Sa-mu-ên chương 16:
1SAMUÊN 16:14
Nhưng Thần Linh của CHÚA rời khỏi vua Sau-lơ, và một ác thần từ CHÚA đến quấy nhiễu vua.
Bởi vì tiếng Việt không có thì cho phép tương đương đối với những từ ngữ Hêbơrơ này, nên những động từ này được dịch sang nghĩa nguyên nhân. Điều này gây hiểu lầm, bởi vì nó nghe có vẻ Đức Chúa Trời gây ra điều ác và sai phái tà linh đến con người.
Không, Đức Chúa Trời không sai phái tà linh đến con người. Ngài sẽ cho phép những điều này đến với con người vì cớ tội không vâng lời của họ. Thật ra, khi con người không vâng lời, con người ra khỏi cánh tay bảo vệ của Chúa – nhưng đó không phải là ý muốn của Chúa và ước ao của Ngài rằng tại hoạ đến với con người. Đức Chúa Trời không phải là tác nhân đặt bệnh tật hay đau yếu trên con người.
Chẳng hạn, khi vua Sau-lơ sa ngã, có phải Đức Chúa Trời cất Thánh Linh khỏi ông không? Và có phải Đức Chúa Trời có chủ ý sai phái tà linh đến gây rối Sau-lơ không? Không, bởi vì điều đó không phù hợp với phần còn lại của giáo lý Kinh Thánh.
Không, ma quỷ và tà linh không đến từ Đức Chúa Trời. Vậy điều thật sự đã xảy ra khi Sau-lơ phạm tội chính là ông phá vỡ mối thông công với Đức Chúa Trời. Điều đó cho phép ma quỷ có chỗ trong đời sống của Sau-lơ. Đức Chúa Trời không uỷ thác làm chuyện này, nhưng Ngài cho phép các tà linh ra từ ma quỷ đến gây rối Saulơ.
Thật ra, chính sự không vâng lời của Saulơ đã cho phép tà linh đến với đời sống ông.
Từ ngữ Hê-bơ-rơ nguyên gốc của những câu Kinh Thánh này là theo nghĩa cho phép. Nhưng bởi vì bản dịch tiếng Việt không có nghĩa cho phép tương đương, động từ được dịch theo nghĩa nguyên nhân. Điều đó gây sự hiểu lầm trong sự giải nghĩa Kinh Thánh.
Không, Đức Chúa Trời không sai tai hoạ và bệnh tật đến trên con người như một số bản dịch Kinh Thánh dường như ám chỉ đến. Đức Chúa Trời không đặt bệnh tật trên dân sự Ngài, vì lý do đơn giản là Lơi Đức Chúa Trời dạy chúng ta rằng bệnh tật đến từ sa-tan (Gi 10:10; Công vụ 10:38).
Ngoài ra Đức Chúa Trời không có bất cứ bệnh tật nào; cũng không có bệnh tật nào ở thiên đàng. Vì thế, nếu Đức Chúa Trời đặt bệnh tật trên con người, Ngài phải cướp bệnh tật từ nơi sa-tan. Nhưng Đức Chúa Trời không phải là kẻ trộm. Không, Đức Chúa Trời không phải là Đấng đặt bệnh tật trên con người. Sa-tan mới là kẻ làm điều này.
Không chỉ thế, nhưng bạn phải giải nghĩa Kinh Thánh theo ánh sáng của những câu Kinh Thánh khác. Khi chúng ta đọc suốt Kinh Thánh, chúng ta sẽ thấy rằng Kinh Thánh là một khải thị tiệm tiến. Bạn không nhận một sự khải thị đầy đủ về bất cứ chủ đề nào trong Cựu ước. Nhưng khi bạn đọc đến Tân ước, thì bạn bắt đầu nhận được khải thị đầy đủ của Lời Đức Chúa Trời.
Lời Đức Chúa Trời không dạy rằng tội ác, bệnh tật và đau yếu đến từ Đức Chúa Trời. Nhưng trái lại, khi dân sự của Chúa vi phạm điều răn của Ngài, họ sẽ ra khỏi sự bảo vệ của Đức Chúa Trời. Họ sẽ mở cửa cho ma quy và để cho sa-tan đem những tai hoạ đến trên họ qua sự không vâng lời của họ.
CÔNG VỤ 10:38
Thế nào Đức Chúa Trời đã xức dầu Đức Giê-su ở Na-xa-rét bằng Thánh Linh và quyền năng, Ngài đi khắp nơi làm việc phúc đức va chữa lành tất cả những người bị quyền lực quỷ vương áp bức, vì Đức Chúa Trời ở với Ngài.
Bạn có thể thấy rằng trong Tân ước, bệnh tật được gọi là sự áp chế của sa-tan, chứ không phải là sự áp chế của Đức Chúa Trời. Nếu Đức Chúa Trời đặt bệnh tật trên con người thì chắc hẳn Kinh Thánh phải nói sự áp chế của Đức Chúa Trời.
Không, những người này bị áp chế bởi ma quỷ. Vì thế, khi bạn đối phó với bệnh tật, bạn đang đối phó với sa-tan bởi vì sa-tan và bệnh tật là hai từ ngữ đồng nghĩa với nhau. Kinh Thánh nói Chúa Giê-su hiện ra để huỷ phá những công việc của ma quỷ. Trong số những công việc mà Chúa Giê-su huỷ phá là bệnh tật và đau yếu. Tội lỗi của dân Y-sơ-ra-ên và sự quá phạm của họ đã đem những bệnh tật và tại hoạ đến với họ. Điều tương tự cũng có thể xảy ra ngày nay.
Đức Chúa Trời không muốn bệnh tật đến trên chúng ta, nhưng nếu chúng ta không bước đi trong đường lối của Ngài, thì chúng ta mở cửa cho ma quỷ, và bệnh tật và đau yếu sẽ đến với chúng ta. Đó là lý do trong thời Tân ước, Chúa Giê-su ban cho chúng ta mạng lịnh yêu thương mới. Khi chúng ta làm trọn mạng lệnh yêu thương của thời Tân ước, sa-tan không có chỗ nào bước vào đời sống chúng ta.
Ta Sẽ Cho Các Ngươi Trường Thọ
Dưới thời Cựu ước, dân Y-sơ-ra-ên vi phạm điều răn của Chúa, và khi họ đã vi phạm, họ đã tách mình ra khỏi sự bảo vệ của Đức Chúa Trời. Họ không thể công bố sự bảo vệ của Chúa và phước hạnh của Ngài nữa, vì thế họ thật sự là người đã cho phép sa-tan bước vào đời sống của họ.
Do sự không vâng lời của họ, Đức Chúa Trời cho phép bệnh tật và đau yếu hay tai hoạ đến trên họ trừ khi họ ăn năn, bởi vì họ đã mở cửa cho ma quỷ.
Chính tội lỗi và tội ác của dân Y-sơ-ra-ên mới là điều đã đem bệnh tật và dịch lệ đến trên họ. Đức Chúa Trời đã hứa, “Nếu các ngươi tuân giữ các điều răn của Ta, Ta sẽ cất bệnh tật giữa vòng các ngươi, vì Ta là Giêhôva Đấng chữa lành cho các ngươi.”
Bao lâu dân Y-sơ-ra-ên giữ điều răn và luật lệ của Đức Chúa Trời họ sẽ không bao giờ bị bệnh.
Nếu Đức Chúa Trời cất bệnh tật ra khỏi giữa vòng họ dưới thời Cựu ước, là giao ước không tốt hơn giao ước của chúng ta, thì Ngài sẽ làm điều đó cho chúng ta dưới thời Tân ước càng hơn là dường nào, phải vậy không? Dưới một giao ước mới tốt hơn, Kinh Thánh không nói “Hãy giữ điều răn của yêu thương thì ngươi sẽ bị bệnh tật và đau yếu suốt cả đời ngươi.”
Diễn ý luật yêu thương của Tân ước, bạn có thể đọc Xuất Hành 15:26 và 23:25,26 như thế này: “Hãy bước đi trong điều răn yêu thương và giữ mạng lịnh yêu thương của Ta, hãy làm những điều ngay thẳng trước mặt Ta bằng cách bước đi trong tình yêu thương, Ta sẽ cất bệnh tật ra khỏi giữa vòng ngươi, và Ta sẽ cho các ngươi trường thọ.”
Dưới thời Tân ước Rôma 13:8 nói, “Ai yêu thương kẻ lân cận là làm trọn luật pháp.” Nếu chúng ta làm trọn luật pháp bằng cách làm trọn điều răn của Tân ước mà Chúa Giê-su ban cho chúng ta – yêu thương lẫn nhau – thì chúng ta sẽ công bố cùng một lời hứa mà dân Y-sơ-ra-ên đã công bố.
Thật phi lý nếu chúng ta làm trọn luật yêu thương của Tân ước, mà chúng ta lại nhận sự rủa sả thay vì phước hạnh. Nhưng điều đó không đúng với Kinh Thánh.
Phục Truyền 28 liệt kê những sự rủa sả vì vi phạm luật của Đức Chúa Trời. Những sự rủa sả này có cả mười một loại bệnh khác nhau. Sự rủa sả của luật pháp cũng liệt kê mọi bệnh tật và đau yếu không được chép trong luật pháp” (Phục Truyền 28:61).
Bạn có thể thấy khi đọc Phục Truyền 28 rằng bệnh tật là một sự rủa sả của luật pháp. Ấy là sự rủa sả đến với con người do sự vi phạm điều răn của Đức Chúa Trời.
Nhưng dưới thời Tân ước, Chúa Giê-su cứu chuộc chúng ta ra khỏi sự rủa sả của luật pháp (Ga 3:13). Chúa Giê-su đến để chữa lành bệnh tật và đau yếu. Chúa Giê-su phán trong Giăng 10:10, “. . . Còn Ta đến để chiên được sự sống và được sự sống sung mãn.”
Chúng ta không mất những ích lợi nào khi Chúa Giê-su đến trên đất này và chết thay cho tội lỗi của con người. Chúng ta nhận được những phước lành và ích lợi bởi vì Chúa Giê-su đến ban cho chúng ta sự sống và sự sống sung mãn.
XUẤT HÀNH 23:25,26
Các ngươi chỉ thờ phượng CHÚA, Đức Chúa Trời các người và Ngài sẽ ban phước lành cho thức ăn nước uống của các ngươi. Ta sẽ đem bệnh tật tránh xa các ngươi, trong toàn quốc sẽ không có ai sẩy thai hay son sẻ. Ta sẽ cho các ngươi trường thọ.
Kinh Thánh có ý gì khi nói, “Ta sẽ cho các ngươi trường thọ.”? Đức Chúa Trời không hứa với dân Y-sơ-ra-ên rằng họ sẽ không chết. Ngài phán rằng họ sẽ sống trọn số ngày của họ.
Số ngày của chúng ta là gì? Trong Thi Thiên 91:16, Đa-vít trích dẫn Chúa khi ông nói, “Ta sẽ cho ngươi thoả lòng sống lâu và chỉ cho ngươi thấy sự cứu rỗi của ta.”
Sống lâu là sống bao lâu? Thi Thiên 90:10 nói, “Tuổi tác chúng tôi thọ được bảy mươi, nếu mạnh khoẻ thì tám mươi, . . .”
Khi bạn 70 tuổi, nếu bạn không thoả lòng thì hãy sống đến 80 tuổi. Hãy sống cho đến khi bạn thoả lòng và khi bạn 80 nếu bạn không thoả lòng thì hãy sống lâu hơn.
Việc hưởng tuổi thọ và sống lâu là tuỳ thuộc chúng ta hơn là chúng ta tưởng. Bạn nhớ những gì Phaolô viết cho hội thánh tại Phi-líp:
PHI-LÍP 1:21-24
Vì đối với tôi, sống tức là Chúa Cứu Thế và chết là ích lợi. Nhưng nếu tôi còn sống trong thân xác thì tôi sẽ làm công việc có kết quả; tôi không biết nên chọn điều nào. Tôi bị giằng co giữa hai đường: Tôi muốn ra đi để ở cùng Chúa Cứu Thế là điều tốt hơn. Nhưng tôi cứ ở lại trong thân xác, ấy là điều cần thiết hơn cho anh chị em.
Nói cách khác, Phaolô đang nói nếu sống trong xác thịt là điều cần thiết cho hội thánh bởi vì khi đó ông có thể dạy và giúp đỡ họ. Nhưng ông nói rằng, “Tôi không biết là chọn ở lại hay về với Chúa là điều tốt hơn.”
Làm Thế Nào Để Kéo Dài Tuổi Thọ
Bạn sẽ nghe người ta nói, “Khi nào chúng ta chết thì chúng ta không quyết định được. Điều này hoàn toàn thuộc vào Chúa.” Không, không phải hoàn toàn tuỳ thuộc vào Đức Chúa Trời. Đức Chua Trời đặt ra những luật lệ vận hành, và Ngài ban cho chúng ta Lời của Ngài. Bây giờ phần lớn là tuỳ thuộc chúng ta.
Hãy quay trở lại đọc Thi Thiên và Châm Ngôn. Hãy để ý bao nhiêu lần các sách Kinh Thánh này nói ve việc người ta làm những việc xấu ra, và Kinh Thánh nói “Những ngày của họ bị rút ngắn” (Thi 89:45; 102:23; Châm 10:27).
Các câu Kinh Thánh khác nói rằng làm những điều ngay điều phải sẽ thêm tuổi thọ và được sống lâu (Châm 3:16). Vì thế ở một mức độ nào đó, việc ngày của con người dài đi hoặc ngắn lại là tuỳ thuộc con người.
PHỤC TRUYỀN 4:40
Anh chị em phải vâng giữ mạng lệnh và luật lệ của Ngài do tôi truyền lại ngày nay để anh chị em và con cháu hưởng phước hạnh và sống lâu trên đất mà CHÚA, Đức Chúa Trời của chúng ta ban cho anh chị em vĩnh viễn.
Câu Kinh Thánh này không nói, “Hãy giữ điều răn của Ta để các ngươi sống ngắn lại trên đất.” Không, Đức Chúa Trời muốn nói với chúng ta cách để chúng ta có thể kéo dài những ngày của đời mình.
Kéo dài những ngày đời bạn có nghĩa là gì? Có nghĩa là bạn sẽ sống lâu trên đất này. Và câu Kinh Thánh này nói rang ngay cả con cái của bạn cũng sẽ được phước.
Nói cách khác, qua việc làm theo những gì Đức Chúa Trời phán, chúng ta sẽ kéo dài tuổi thọ và sống lâu trên đất. Điều đó không có nghĩa là chúng ta sẽ không chết, nhưng có nghĩa là nếu chúng ta vâng lời Chúa, chúng ta sẽ sống một đời sống tốt đẹp và lâu dài. Vâng, dưới Giao ước Mới, mạng lịnh của Chúa ban cho chúng ta là luật yêu thương.
Như tôi đã nói, có một số câu trong sách Châm Ngôn cho chúng ta biết cách để rút ngắn hoặc kéo dài những ngày của đời chúng ta.
CHÂM NGÔN 3:16
Tay phải nó nắm trường thọ; tay trái cầm sự giàu sang và vinh hiển.
CHÂM NGÔN 9:11
Vì nhờ ta các ngày của con sẽ được nhiều thêm, các năm của đời con sẽ được gia tăng.
CHÂM NGÔN 10:27
Kính sợ CHÚA sẽ gia tăng ngày tháng, nhưng năm thọ của kẻ ác sẽ bị cắt ngắn đi.
CHÂM NGÔN 28:16
Kẻ cai trị thiếu hiểu biết cũng lắm bạo tàn; người ghét lợi bất chính sẽ sống lâu.
Bạn thấy đó, Đức Chúa Trời đã cung ứng cho chúng ta để kéo dài tuổi thọ. Bây giờ phần chúng ta là bước đi trong ánh sáng sự cung ứng của Ngài. Làm sao chúng ta làm điều đó? Bằng cách bước đi trong tình yêu thương đối với người khác. Hãy nghiên cứu Kinh Thánh cho chính bạn về đề tài tình yêu thương. Bạn sẽ thấy rằng Kinh Thánh nói rất nhiều về tình yêu thương và sức khoẻ và đời sống lâu trên đất.
Thật ra, tôi tin chắc rằng nếu hội thánh của Chúa thật sự bước đi trong tình yêu thương của Chúa, hội thánh sẽ không cần sự chữa lành, hội thánh sẽ sống trong sức khoẻ siêu nhiên.
Và sự thật là Kinh Thánh nói rất nhiều về đề tài tình yêu thương, bạn có thể thấy rằng điều quan trọng cho hội thánh để khám phá thêm đề tài này.
Khi tôi còn là người hầu việc Chúa non trẻ, tôi nghe một người mục sư lớn tuổi ở trong chức vụ trên năm mươi năm nói điều này mà đã giúp tôi trong nhiều năm.
Ông nói, “Mỗi khi bạn tìm thấy một câu Kinh Thánh hay là một đề tài của Kinh Thánh mà chỉ đề cập một vài lần trong cả Kinh Thánh, thì bạn biết rằng điều đó không quan trọng.”
Có rất nhiều bài học trong câu nói đó. Bạn có bao giờ dừng lại suy nghĩ về điều đó không? Vâng, Kinh Thánh nói rằng, “. . . Nhờ miệng của hai ba người làm chứng thì mọi vấn đề được xác định” (2Cô 13:1). Có bao nhiêu nhân chứng? Hai hoặc ba.
Vì thế, nếu một đề tài Kinh Thánh mà quan trọng, thì nó sẽ được nói đến nhiều lần trong Lời Chúa. Và tuy nhiên, đôi khi người ta có khuynh hướng lấy chỉ một câu Kinh Thánh nào đó ra khỏi mạch văn và tìm cách xây dựng giáo lý quan trọng. Điều đó thật ngu dại.
Hãy suy nghĩ có bao nhiêu lần tình yêu thương được đề cập cách này hay cách khác trong Kinh Thánh. Các trước giả trong Tân ước viết về đề tài này lặp đi lặp lại nhiều lần.
Nếu bạn muốn biết về một đề tài của Kinh Thánh, thì hãy tìm những câu Kinh Thánh khác trong Tân ước xác chứng cùng một đề tài đó. Chúng ta không quá chú trọng vào Cựu ước, bởi vì chúng ta không sống dưới Cựu ước. Thật ra, bạn không thể trở thành một cơ đốc nhân thành công nếu chỉ chú tâm vào Cựu ước.
Chẳng hạn, một số người dạy rằng chúng ta không có bất cứ lời hứa nào ở đời sống này. Họ nói rằng, “Ồ, chúng ta đã được cứu và đã được tái sanh rồi, nhưng ở trên đất này điều chúng ta hy vọng là lang thang giống như những tên ăn mày qua trần thế này. Rồi những tháng ngày này sẽ chóng qua đi thôi và chúng ta không có lời hứa nào để chúng ta nương dựa.”
Thậm chí một mục sư nọ có nói, “Sống lâu trên đất không phải là lời hứa của Tân ước. Nó chỉ là lời hứa cho dân Y-sơ-ra-ên.”
Đừng chấp nhận bất cứ điều gì chỉ vì có một số mục sư đã giảng như vậy. Khi tôi còn thiếu niên, tôi tập chính tôi là dù cho ai nói hay làm gì đi nữa, trước hết tôi phải tự hỏi, Lời Đức Chúa Trời nói gì về điều đó?
Vâng, không ai tranh cãi rằng đời sống lâu là một lời hứa cho dân Y-sơ-ra-ên. Nhưng khi vị mục sư này nói sống lâu không phải là một lời hứa trong Tân ước, tôi tự nhủ,
Tôi luôn nghĩ rằng sách Ê-phê-sô có trong Tân ước.
ÊPHÊSÔ 6:3
Hỡi các con cái, hãy vâng lời cha mẹ trong Chúa, vì như thế là phải đạo. “Hãy hiếu kính cha mẹ”, đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: “Để con được phước và sống lâu trên đất.”
Phaolô nói rằng con cái vâng lời cha mẹ sẽ sống lâu – ở đâu? Ở trên đất này. Vì thế đoạn Kinh Thánh này nói về đời sống tự nhiên của chúng ta ngay trên đất này.
Có phải Phaolô nói vâng lời cha mẹ để bạn có thể sống một đời sống ngắn hạn trên đất không? Không, ông nói khi bạn vâng lời cha mẹ, bạn không chỉ sống lâu trên đất mà còn được phước nữa.
Vâng, nếu bạn bước đi trong tình yêu thương của Chúa thì bạn có hiếu kính cha mẹ của bạn không? Dĩ nhiên là có. Khi bạn hiếu kính cha mẹ, bạn bước đi trong tình yêu thương và đó là lý do dù hoàn cảnh gì phát sinh, hãy luôn tự hỏi, Tình yêu thương sẽ làm gì?
Trong câu Kinh Thánh này, “Hãy hiếu kính cha mẹ,” Phaolô đang trích từ Mười Điều Răn của Cựu ước.
XUẤT HÀNH 20:12
Phải hiếu kính cha mẹ, để các ngươi có thể sống lâu trên đất mà CHÚA, Đức Chúa Trời các ngươi ban cho.
Một số người nói, “Tôi tưởng ông nói chúng ta không còn giữ Mười Điều Răn nữa mà.” Đúng vậy, nhưng đây không phải là điều tôi muốn nói. Tôi nói rằng nếu chúng ta bước đi trong tình yêu thương, chúng ta tự động làm trọn hết thảy Mười Điều Răn.
Vâng lời cha mẹ là mạng lịnh đầu tiên trong Mười Điều Răn có kèm lời hứa. Đây là lời hứa cho bạn. Nếu bạn hiếu kính cha mẹ bạn thì “bạn sẽ được phước và sống lâu trên đất.”
Bạn không biết rằng nếu con cái bước đi trong tình yêu thương của Chúa đối với cha mẹ, chúng sẽ vâng lời cha mẹ. Con cái bước đi trong sự vâng lời cha mẹ sẽ trở thành người nhận lãnh lời hứa sống lâu, bởi vì chúng làm trọn điều răn này bằng cách giữ luật yêu thương của Tân ước.
Nhưng một số người nghĩ rằng Lời Chúa sẽ mang lại kết quả cho họ cho dù họ có sống ngay thẳng hay bước đi trong tình yêu thương của Chúa hay không. Nhưng Lời Chúa sẽ không mang lại kết quả. Tất cả những lời công bố đức tin ở đời này cũng không mang lại kết quả nếu bạn không sống ngay thẳng.
Cha Mẹ: Hãy Bước Đi Trong Tình Yêu Thương Đối Với Con Cái
Nhưng có một khía cạnh khác về lời hứa này nữa. Nếu con cái phải bước đi trong tình yêu thương đối với cha mẹ để chúng có thể sống lâu trên đất, thì cha mẹ cũng có trách nhiệm bước đi trong tình yêu thương đối với con cái.
Tôi không biết bạn như thế nào, nhưng con cái của chúng tôi khi lớn lên đôi khi tôi xin nó tha thứ cho tôi. Tôi thường nói với chúng, “Ba đúng khi sửa trị con, nhưng ba đã làm không đúng cách. Ba muốn con tha thứ cho ba.” Điều này sẽ đem đến sự thay đổi khi bạn sửa dạy con cái bằng tình yêu thương của Chúa trong lòng bạn.
Nếu cha mẹ bước đi trong tình yêu thương đối với con cái của họ và sống ngay thẳng trước mặt chúng, điều này có ảnh hưởng đến con cái của họ về phương diện tâm linh, tâm trí và thể lý. Nó sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của họ.
Tôi không biết về bạn, nhưng tôi có một sự phản đối mạnh mẽ về nhiều chuyện trong lĩnh vực này. Tôi không biết là bản thân tôi nổi giận hay là cơn nghĩa nộ dấy lên trong tôi. Nhưng những người nào mà bỏ gia đình con cái thì cần biết rằng họ sẽ trả giá cho những việc làm này. Không chỉ thế, nếu họ biết những ảnh hưởng tác động trên con cái khi chúng bị cha mẹ bỏ như thế nào.
Khi tôi tổ chức một buổi nhóm tại California cách đây nhiều năm, tình cờ tôi cầm một tờ báo và đọc thấy rằng các chuyên gia nghiên cứu đã làm một cuộc khảo sát tại trại cải tạo ở California. Họ phát hiện ra rằng không có trường hợp ngoại lệ, mọi người ở trong tù vì phạm pháp đều bị lạm dụng lúc còn nhỏ. Tất cả trong số này.
Điều đó không có nghĩa là cha mẹ không nên kỷ luật con cái. Dĩ nhiên, họ phải kỷ luật con cái. Cho dù bạn bước đi trong tình yêu thương đối với con cái, bạn cũng phải sửa trị con cái từng hồi từng lúc, bởi vì trẻ nhỏ là trẻ nít. Nên đôi khi bạn phải đánh con cái. Nhưng đôi khi dường như con trai cần kỷ luật hơn con gái.
Chang hạn, tôi không bao giờ đánh con trai tôi là Ken mà không đọc Lời Chúa cho nó nghe trước hết. Nếu bạn đánh con cái của bạn trong cơn giận dữ, bạn đã sai lầm bởi vì bạn không bước đi trong tình yêu thương đối với chúng.
Trước khi tôi đánh Ken, tôi mở đoạn Kinh Thánh trong thư Ê-phê-sô. Tôi thường hay nói, “Hỡi con trai, ba không muốn đánh con bởi vì ba muốn hoặc bởi vì ba đối xử tệ với con. Nhưng ba muốn con khoẻ mạnh, ba muốn con sống lâu trên đất.” Rồi thì tôi đọc trong Êphêsô 6:1-3 cho nó.
Vợ tôi và tôi đọc Lời Chúa và cầu nguyện với con cái của tôi hàng đêm trước khi chúng tôi đi ngủ. Và khi chúng bắt đầu đi học, chúng tôi đọc Lời Chúa và cầu nguyện cho chúng trước khi chúng đến trường mỗi buổi sáng.
Cả hai con cái chúng tôi lớn lên đều hầu việc Chúa và là những người hầu việc Chúa được phong chức. Nhưng chúng tôi phải sống ngay thẳng trước mặt chúng. Hết thảy những lời công bố đức tin ở đời này sẽ không mang lại ích lợi nếu chúng ta không bước đi trong tình yêu thương đối với con cái và sống ngay thẳng trước mặt con cái.
Là cha là mẹ, đôi khi bạn phải sửa trị con cái của bạn, bởi vì Kinh Thánh nói rằng con cái nếu để cho chúng làm gì tuỳ ý, chúng sẽ gây sỉ nhục cho cha mẹ (Châm ngôn 29:15). Nhưng bạn vẫn phải bước đi trong tình yêu thương của Chúa và kỷ luật con cái của bạn.
Tôi nhớ khi Ken lúc sáu tuổi, nó vào phòng nghiên cứu của tôi một đêm nọ khi tôi cầu nguyện. Nó nói, “Bố ơi, con muốn bố tha thứ cho con.”
Tôi nói, “Con ơi, tha thứ về điều gì?
Nó nói, “Bố đã nói với con sáng nay phải dọn sạch giỏ rac nhưng con đã không làm. Xin đọc cho con nghe câu Kinh Thánh nói rằng ngươi sẽ không bị bệnh và được sống lâu trên đất.”
Tôi đọc Êphêsô 6:1-13 cho nó rồi tôi nói. “Bố tha thứ cho con. Bây giờ hãy quỳ gối đây và xin Chua tha thứ cho con.” Có một lời hứa đi kèm về việc hiếu kính cha mẹ và bước đi trong tình yêu thương với cha mẹ – đời sống tốt lành và lâu dài.
Như chúng ta thảy đều biết, bạn có thể biết về một đề tài của Kinh Thánh, nhưng nếu bạn không thực hành những gì bạn biết thì nó sẽ không ích lợi gì cho bạn. Chính những nguyên tắc yêu thương mà được áp dụng mới mang lại kết quả.
Tình yêu thương của Chúa là quan trọng trong mọi lĩnh vực đời sống bạn. Bước đi trong tình yêu thương ảnh hưởng trên mọi lĩnh vực của đời sống bạn kể cả việc bạn sống bao lâu trên đất. Hãy bắt đầu thực hành tình yêu thương và hãy chăm xem tình yêu thương của Chúa sẽ mang lại kết quả lớn lao.
Recent Comments