Sống Vượt Trên Cảm Xúc - Chương 18
Chúng ta không thể tránh mọi căng thẳng và thật ra một số căng thẳng là tốt và cần thiết. Nhưng quá nhiều căng thẳng sẽ tác động tiêu cực đến chúng ta. Nó làm cho cảm xúc chúng ta bộc phát và điều này thì lại không tốt cho chúng ta và cho những người xung quanh chúng ta.
Từ căng thẳng (stress) nguyên nghĩa là một thuật ngữ thuộc xây dựng. Nó đề cập đến việc một tòa nhà chịu áp lực đến đâu trước khi nó sụp đổ. Nhưng dạo này nhiều người sụy đổ do căng thẳng hơn là tòa nhà đổ sụp. Chúng ta gia cố cho các tòa nhà để nó có thể đứng nỗi trước giông bão, động đất và nhiều điều khác, nhưng chúng ta làm gì để đảm bảo chúng ta không sụp đổ trước những giông bão và vấn đề “động trời” của chúng ta.
Bạn có cảm nhận và suy nghĩ, Tôi bị căng thẳng đến độ muốn nổ tung, nhưng bạn không làm gì về tình trạng này không? Tôi cầu nguyện sau khi đọc chương này, bạn sẽ đưa ra vài quyết định để làm giảm thiểu nhiều áp lực mà bạn đang chịu. Rất thường sự căng thẳng và áp lực xảy ra là vì chúng ta cam kết làm quá nhiều việc. Nếu bạn đã từng thốt lên, “Tôi không biết sao mà tôi cảm thấy chán nản luôn luôn,” thì tốt là bạn nên tự nói chuyện với bản thân như tôi đã nói và hãy xem xét nghiêm túc những gì bạn đang làm, và quan trọng nhất là tại sao bạn làm những gì bạn đang làm.
Đây là phiên bản tóm tắt những gì xảy ra trong cơ thể khi bạn gặp căng thẳng.
Tình trạng bực mình rung hồi chuông cảnh báo trong cơ thể chúng ta, gọi là phản ứng “tự vệ” hay “tự rút” nhằm giúp chúng ta tự vệ khỏi những biến cố thù nghịch đang đe dọa. Ngay cả nghĩ đến một biến cố sắp xảy ra hay mối nguy hiểm đang nghĩ tới cũng đều gióng lên hồi chuông báo động này. Nên điều này có nghĩa là suy nghĩ về những điều làm chúng ta căng thẳng có thể gây ra cùng một phản ứng như thể chúng ta đang chịu một biến cố gây căng thẳng nào đó.
Não, tuyến yên, tuyến thượng thận và tuyến giáp sẽ bảo cơ thể hãy tiết ra chất hóa học. Chất này chống lại sự kích động và nó gia tăng lượng đường trong máu và làm căng các cơ. Chất Adrenaline cũng được tiết ra, chất làm tăng nhịp đập của tim, tăng huyết áp và mức cholesterol và truyền chất gluco đến các cơ bắp. Tất cả những phản ứng này đều giúp chúng ta xử lí những biến cố căng thẳng hay trường hợp khẩn cấp mà chúng ta đang đối diện. Thật lạ là Chúa tạo dựng cơ thể chúng ta theo một cách mà nó làm tất cả những việc này cho chúng ta. Thật ra, cơ thể chúng ta muốn giúp chúng ta!
Nhưng cùng những phản ứng gây căng thẳng này được cài đặt trong cơ thể để giúp chúng ta cũng sẽ làm hại chúng ta nếu chúng ta cho phép căng thẳng gây ra phản ứng “tự vệ hay tự rút” được lặp đi lặp lại quá nhiều lần. Hãy nghĩ đến sợi dây thun. Nó giãn ra được, nhưng nếu ta kéo nó giản ra quá hay kéo thường xuyên quá thì nó đứt. Tôi đã kéo sợi dây thung để gói đồ nhưng dùng nhiều cuối cùng nó đứt luôn vì nó bị kéo giãn quá nhiều lần. Chúa dùng hình ảnh này làm ví dụ về cách chúng ta đối xử với thân thể chúng ta khi gặp căng thẳng. Chúng ta làm giãn bản thân chúng ta cho đến khi nó bị “đứt” rồi chúng ta băng bó bằng cách xức thuốc vào. Chúng ta cứ làm điều như thế cho đến khi điều gì bị “đứt” và chúng ta lặp lại tiến trình này. Rốt cuộc chúng ta cảm thấy như cộng dây thun đã bị kéo giãn quá nhiều lần. Tôi đã nói,”Tôi có quá nhiều căng thẳng đến độ tôi cảm thấy bị giãn ra quá nhiều.” Điều tôi muốn nói là tôi làm việc ở nhịp độ căng thẳng quá lâu nên tôi cảm thấy tôi không thể thư giãn. Tôi hay đau nhứt, căng thẳng, mệt mỏi và bị chứng tiêu hóa và tim đập mạnh, chưa nói là nhiều triệu chứng khác.
Điều Gì Buộc Chúng Ta Phải Thay Đổi
Buồn thay, thông thường thì chúng ta không muốn thay đổi cho đến khi khủng hoảng nào đó buộc chúng ta phải thay đổi. Bạn sẽ nghĩ như tôi đã nghĩ, Mình không thể làm gì về đời sống mình vì mình thật sự phải cáng đáng mọi thứ. Tôi có thể nói với bạn từ chính kinh nghiệm là điều này hoàn toàn không đúng. Chúa không bao giờ ban cho chúng ta làm việc mà quá sức chịu đựng của chúng ta đến nỗi đánh mất đi bình an và vui mừng. Tôi đã làm nhiều việc trước đây chỉ vì là tôi muốn làm. Tôi thấy mình được thuyết phục là tôi buộc phải làm, nhưng sự thật thì tôi muốn làm.
Có lẽ bạn là một trong những số người ít ỏi giữ được cân bằng trong nhiều lĩnh vực cuộc sống, và bạn dùng đến khôn ngoan nhiều. Nhưng nếu bạn không phải thế thì đừng phí cuộc đời trước khi bạn có những thay đổi nhằm giúp bạn tận hưởng cuộc sống. Tác giả John Capozzi đã viết, “Giám đốc điều hành nào làm việc từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối mỗi ngày sẽ thành công lẫn được ghi nhớ bởi người chồng mới của vợ anh ta. Câu nói này đáng suy nghĩ. Tác giả sách Truyền Đạo có nói, “Vậy, tôi ghét cuộc sống vì nó vô nghĩa như đuổi theo luồng gió thoảng.
Tôi cũng bực mình vì tất cả công trình mình tạo được sẽ phải để lại cho người sau.” (Truyền đạo 2:17-18). Tôi nghĩ khi Sa-lô-môn viết lời này, ông đang gặp một ngày tồi tệ. Có lẽ ông bị chán nản và thất vọng vì ông kiệt quệ khi cố gắng thu gom và nắm giữ nhiều thứ. Sau này trong chương 2, ông nói một lời khôn ngoan: ” Vậy, tôi nghĩ tốt nhất là cứ ăn uống và hưởng thụ công khó mình. Vì Thượng Đế phải cho, mới có mà hưởng.” (c.24). Bao nhiêu người bạn biết làm việc cực khổ, cam kết làm nhiều thứ mà họ không thể xử lí được và không bao giờ thật sự tận hưởng điều gì? Có phải bạn là một trong số đó không? Nếu vậy thì điều gì khiến bạn phải thay đổi?
Căng thẳng là tình trạng thiếu hiểu biết. Nó tin rằng mọi thứ trên đời này đều khẩn cấp.
Natalie Goldberg
Khi người ta chết, ai đó hay hỏi, “Tôi không biết anh ta để lại bao nhiêu của?” Câu trả lời là anh ta để lại tất cả. Ai cũng vậy. Bạn và tôi không có được giây phút này lần nữa, nên chúng ta hãy nổ lực tận hưởng nó.
Quản lí căng thẳng là một công việc kinh doanh triệu đô, và bạn có lẽ đọc sách hay bài viết về cách để kiểm
soát cuộc đời bạn. Tôi nghi là không ai trong chúng ta có thể kiểm soát cuộc đời giỏi trừ khi chúng ta được Thánh Linh của Chúa dẫn dắt, và điều này có nghĩa là chúng ta bước theo sự khôn ngoan và bình an. Cuối cùng tôi phải nhìn nhận rằng tôi không thông minh đủ để điều khiển cuộc đời tôi giỏi nếu không có Chúa giúp đỡ. Ai đó nhìn thấy một bảng hiệu có ghi, “Nếu bạn muốn làm cho tôi cười, hãy nói cho tôi kế hoạch của bạn.” Và Chúa kí tên dưới!
Chúng ta có thể rất giỏi lên kế hoạch, nhưng không xét đến sự khôn ngoan, bình an và việc cần phải cân bằng. Chúng ta hay quên những yếu tố khác mà chúng ta đã cam kết cho đến khi sự việc đã quá trễ còn chúng ta thì quá mệt mỏi và rối bời.
Sao Tôi Không Thể Thư Giãn Và Tận Hưởng Cuộc Sống?
Những người mệt mỏi, kiệt quệ, khó chịu và bực bội thường để phần lớn thời gian than phiền về chuyện này, nhưng họ lại không làm gì để thay đổi tình trạng đó. Họ muốn hiểu sao họ cảm thấy như thế, nhưng dù có ai đó nói cho họ biết, họ vẫn không thay đổi điều nào cả. Chúng ta cảm thấy bị mắc kẹt! Chúng ta thực sự nghĩ chúng ta phải làm hết mọi thứ, nhưng sự thật thì chúng ta không cần phải làm thế. Nếu bạn bị bệnh và phải nằm viện suốt cả tháng, cuộc sống vẫn tiếp diễn. Hoặc là có ai đó sẽ làm việc đang làm, hoặc tệ hơn nữa là công việc đó bỏ ngỏ, không làm gì khác hơn.
Tôi không khuyên là chúng ta bỏ qua trách nhiệm, nhưng tôi tin chúng ta cần học biết rằng chúng ta không thể làm hết mọi thứ chúng ta muốn làm, hay mọi thứ mà người khác muốn chúng ta làm. Chìa khóa đầu tiên để giảm thểu mức căng thẳng là học trả lời không. Chúng ta không thể vừa làm hài lòng mọi người vừa giữ cho căng thẳng ở mức kiểm soát được.
Chúng ta không thể làm mọi việc mà những người khác làm. Một số người có khả năng làm nhiều hơn người khác, nhưng chúng ta phải học sống trong giới hạn của chúng ta.
Ai cũng có giới hạn, nhưng không phải ai cũng giống nhau. Tôi đưa ra quyết định rất nhanh, nhưng tôi biết có người cần thời gian để quyết định và điều đó không sao. Tôi cũng có sức chịu đựng phi thường. Khả năng này là ơn Chúa ban cho để giúp tôi làm những gì Ngài ban cho tôi làm.
Tôi có một phụ tá cố gắng theo kịp tôi, và cô ta làm rất tốt và yêu thích công việc. Nhưng cô rốt cuộc hầu như bị sụp đổ về tinh thần, cảm xúc và thể xác. Cô muốn làm hài lòng tôi quá đến độ cô không thành thật với tôi về giới hạn của cô. Đôi khi tôi mong đợi quá nhiều từ người khác vì tôi hoàn thành nhiều việc, nhưng đó không phải là lỗi của tôi nếu họ không nói cho tôi biết về những gì họ cảm thấy họ có thể làm và cảm thấy khỏe mạnh và vui vẻ. Rất thường người ta không nói thật với chủ vì họ sợ có thể bị mất việc. Nhưng dù điều đó đúng đi nữa, họ thà mất việc và tìm một việc làm khác thay vì bị căng thẳng luôn luôn.
Một trong những điều gây căng thẳng lớn nhất trong đời đó là so sánh mình và cạnh tranh với người khác. Tin mừng là bạn tự do để trở thành chính bạn. Bạn không cần phải cố gắng để trở thành “ông này, bà nọ.”
Căng Thẳng Nuôi Lo Lắng
Không gì làm hại chúng ta về mặt cảm xúc cho bằng căng thẳng gây ra. Chúng ta có thể lo lắng là cảm xúc mất kiểm soát. Khi ai đó lúc nào cũng lo lắng, ấy là vì cảm xúc của họ đã bị đè nén đến độ họ không còn hoạt động lành mạnh được. Có nhiều tình huống có thể gây ra lo lắng. Cái chết của người phối ngẫu hay người con, li dị và mất việc là những biến cố chính; tuy nhiên, không phải nguyên do nào cũng trầm trọng. Nhiều sự lo lắng phát sinh do ôm đồm nhiều việc mà chúng ta không thể chịu nổi.
Không có câu trả lời cho cảm xúc buồn rầu trừ khi chúng ta học làm theo các nguyên tắc khôn ngoan của Chúa. Tôi thường cảm thấy như thể tôi nổi khùng lên do bị căng thẳng, nhưng ấy là vì thời gian biểu của tôi cũng quá “điên khùng”. Và tệ hơn nữa, tôi nghĩ tôi làm điều đó cho Chúa. Tôi ngạc nhiên bây giờ khi tôi nhìn lại trước đây tôi đã bị lừa dối thể nào. Hãy luôn nhớ rằng nếu satan không thể khiến bạn không chịu làm việc cho Chúa thì nó sẽ cố gắng khiến bạn làm việc quá tải cho Chúa. Nó thật sự không quan tâm vì đằng nào chúng ta cũng mất cân bằng, vì cả hai đều gây ra hậu họa.
Tôi có thể viết cả một cuốn sách về đề tài này, nhưng câu trả lời đơn giản là để sống một cuộc đời bạn có thể tận hưởng là hãy học đường lối của Chúa và bước theo nó. Chúa Giê-su nói, “Ta là con đường” (Gi 14:6), và điều này nghĩa là Ngài sẽ chỉ cho chúng ta cách để sống đúng. Những câu trả lời chúng ta cần nằm trong Kinh Thánh, và chúng ta nên quyết định là chúng ta không chỉ đọc Kinh Thánh mà còn vâng lời nữa. Nếu chúng ta không chịu quyết định như thế và làm theo trọn, chúng ta sẽ cứ cảm thấy căng thẳng cho đến khi chúng ta ngã quỵ luôn. Tôi đoan chắc rằng một số người trong bạn đã quyết định đang khi đọc sách này đó là có nhiều thay đổi bạn cần làm để kiểm soát cảm xúc của bạn. Đừng trì hoãn những thay đổi này cho đến lúc bạn quên mất luôn, vì sự trì hoãn là một vũ khí lợi hại của ma quỷ. Hãy hành động ngay. Bạn không phải đọc xong sách này rồi mới bắt đầu. Bạn có thể bắt đầu đang khi đọc. Thật ra, tôi thách thức bạn hãy đưa ra một quyết định hôm nay và hãy thực hành ngay. Hãy làm như một hành động khơi mào cho sự kết ước của bạn để kiểm soát cảm xúc của bạn.
Có lẽ bạn mong tôi sẽ đưa ra cho bạn ba bước dễ dàng để xua tan những căng thẳng quá mức và tận hưởng sự ổn định về cảm xúc. Tôi xin lỗi đã làm bạn thất vọng, nhưng thứ gì đáng sở hữu thì đáng dồn nổ lực để có nó. Tôi nói một cách thật lòng rằng có lúc tôi vô cùng mất cân bằng và căng thẳng rất nhiều. Tôi cũng để cho cảm xúc kiểm soát tôi; nhưng tôi đã thay đổi, và bạn cũng có thể làm được. Hãy bắt đầu hỏi Chúa điều gì không kết quả mà bạn có thể loại bỏ khỏi đời sống bạn. Có thể là điều gì đó tốt đẹp nhưng không phải là điều tốt đẹp nhất cho bạn. Có thứ có thể hợp cho bạn ở một giai đoạn nào đó trong đời nhưng không hợp ở giai đoạn khác. Đừng sợ nói cho người khác biết rằng bạn phải chấm dứt làm việc đó. Hãy bước theo Chúa! Bước theo sự bình an! Bước theo tấm lòng bạn, thì bạn sẽ được nhiều việc kết quả mà vẫn còn năng lực để tận hưởng thành quả của công lao của bạn.
Để kết thúc chương này, tôi muốn nhắn gởi bạn những lời này từ Chúa Giê-su:
Ta để lại cho các con sự bình an trong tâm hồn. Ta ban cho các con sự bình an, chẳng phải thứ bình an mong manh của trần gian. Lòng các con đừng bối rối, sợ hãi. (Giăng 14:27)
Rõ ràng là từ lời phán của Chúa Giê-su đó là Ngài muốn chúng ta có sự bình an tuyệt vời, nhưng xin hãy lưu ý Ngài cũng giao chúng ta trách nhiệm. Chúng ta phải kiểm soát cảm xúc tiêu cực nào cướp đi bình an của chúng ta. Chúng ta không thể lúc nào cũng kiểm soát được mọi hoàn cảnh, nhưng chúng ta có thể kiểm soát bản thân mình nhờ Chúa giúp đỡ.
Quyết định và công bố: Tôi sẽ sống bình an và không làm quá sức của mình.