Dám Sống Trên Bờ Vực - Chương 15
Nếu bạn đang sống một đời sống đức tin, thì đời sống của bạn đặt nền tảng trên việc biết rõ Đức Chúa Trời là Đấng nào. Việc có đức tin nơi một người nào đó đặt cơ sở trên sự hiểu biết về tâm tánh người ấy, tức là biết rõ người ấy sẽ làm điều đã hứa. Đức Chúa Trời mà bạn đang hầu việc là Đấng ra sao? Đấng mà bạn đang nhờ cậy vì cớ các nhu cầu hàng ngày là ai? Một trong những điều mô tả đẹp đẽ nhất là Ngài như một người Cha, Ngài là Cha của bạn, một người Cha nhân từ, một người Cha tốt nhất trong vũ trụ nầy.
Những người cha tốt thường chu cấp cho con cái họ. Những người cha tốt cũng thường trả lời những câu hỏi của con cái. Khi có điều gì đó trục trặc, khi tiền bạc của bạn ngừng không đến nữa, hãy cứ đến gặp Cha Thiên Thượng qua lời cầu nguyện và hỏi Ngài lý do nào đem đến sự tắc nghẽn?
Trong chương trước, chúng tôi đã đưa ra mười bảy lý do vì sao có sự tắc nghẽn ấy. Nếu bạn thấy mình không có tiền, thì có thể vì một trong những lý do đó. Hoặc vì điều gì khác. Bước đầu tiên là hãy xin Chúa cho bạn biết. ChCn 4:7 chép như vầy: “Tận dụng khả năng cho được thông sáng” (bản Diễn ý). Có quá nhiều người thất bại trong lãnh vực này. Họ tìm được sự chỉ dẫn từ nơi Đức Chúa Trời để làm một điều gì đó, nhưng công việc ấy không kết quả, họ bèn lảng đi xa xa mà không dừng lại để tìm xem vì sao. Lần kế tiếp họ cảm thấy một sự thách thức để làm một điều gì đó, họ cố gắng tin cậy Chúa và nhận trách nhiệm, nhưng họ không làm được. Những vấn đề không được giải đáp đã cướp mất đức tin của họ.
Sống bởi đức tin có nghĩa là bạn phải biết rõ lý do vì sao công việc không hiệu quả. Việc học tập để có đức tin từ nơi Chúa có nghĩa là phải đặt những câu hỏi. Đức Chúa Trời không bị hăm dọa bởi những thắc mắc hoặc những thất bại của chúng ta đâu. Chúng ta không làm Ngài ngạc nhiên vì sự kém hiểu biết của mình. Ngài hiểu chúng ta rõ hơn chính chúng ta hiểu mình. Ngài sẽ trả lời bất cứ câu hỏi thành thật nào và sẽ không tức giận vì chúng ta thắc mắc. Dâng những thắc mắc lên cho Chúa không có gì là sai trật cả.
Gióp chắc chắn đã không sợ khi chất vấn Đức Chúa Trời. Ông đã từng trãi những nan đề lớn lao về tài chánh, thêm vào đó là thảm cảnh mất tất cả con cái cùng với nỗi đau khổ của chứng bệnh làm suy nhược. Kinh Thánh chép rằng dầu trong tất cả mọi điều đó, Gióp không hề phạm tội bởi môi miệng mình. Và tuy nhiên, ông đã đặt những câu hỏi với Chúa, rất nhiều câu hỏi… những câu hỏi lớn tiếng.
Nếu bạn đã xem qua hết mười bảy mục trong chương trước mà vẫn không hiểu vì sao bạn đã “rơi khỏi bờ” về mặt tài chánh, hãy hỏi Chúa có phải bạn đang bị Satan cám dỗ hay không. Nếu như đó là điều Satan đang làm cho bạn, chứ không phải là điều chính bạn phải chịu trách nhiệm do mình, thì bạn có thể chống lại nó dễ dàng bằng uy quyền mà Chúa Jesus ban cho bạn là kẻ tin Ngài.
Hãy truyền cho ma quỷ lui khỏi bạn, theo Gia Gc 4:7. Sau đó hãy hỏi Chúa chỉ cho bạn cách đương đầu với những tấn công của Satan bằng cách phản ứng theo tinh thần ngược lại. Nếu Satan xúi giục bạn tham lam, hãy hỏi Chúa ai là người bạn có thể cho và cho những gì. Nếu Satan sử dụng sự sợ hãi, hãy cứ đứng vững trong đức tin và lòng yêu thương. Nếu hắn tấn công bạn bằng sự từ khước, hãy giữ lấy lòng tha thứ và chấp nhận người khác.
Bạn Làm Gì Cho Đến Khi Tiền Bạc Đến
Có một khả năng khác nếu bạn đang đối diện với một sự thao túng về mặt tài chánh. Có thể bạn đã làm mọi việc cách phải lẽ. Có thể Đức Chúa Trời thật sự đang phán với bạn, có thể bạn đã vâng theo đúng như lời Ngài, song tiền bạc vẫn không thấy đến. Có thể do Chính Chúa đang thử thách xem bạn có sẵn lòng trung tín với Ngài trong hoàn cảnh khó khăn không (PhuDnl 8:2)
Việc thử nghiệm luôn luôn đòi hỏi yếu tố thời gian. Sự cung ứng tài chánh của bạn có thể dường như bị trễ, nhưng Đức Chúa Trời có một thời khóa biểu khác. Hãy chờ đợi ngài, với sự nhận biết rằng sự thử thách đức tin sanh ra sự nhịn nhục (Gia Gc 1:3). Hãy nhất định không từ bỏ và rằng bạn sẽ chiến thắng bởi đức tin và nhờ cậy Chúa.
Trong khi đang chờ đợi Đức Chúa Trời cung ứng, hãy đếm lại những sự thành tín của Ngài đối với bạn từ những ngày quá khứ. Đó là một trong những lý do tốt nhất để ghi nhật ký đều đặn. Nếu bạn vẫn thường làm điều đó, hãy đọc lại nhật ký, đọc tất cả những lần bạn thấy Chúa đã can thiệp cho bạn. Nếu bạn không thường xuyên viết nhật ký, hãy tìm đến một người bạn hoặc người bạn đời của bạn và hỏi họ giúp bạn đếm lại tất cả những gì Chúa đã làm trong quá khứ. Hãy nhớ lại thời điểm ấy, lúc chúng ta hoàn toàn phá sản, cần phải có tiền để thanh toán các hóa đơn, và rồi số thu nhập bất ngờ đã đến, có đúng lúc không? Còn nhớ khi đứa con gái bé bỏng của chúng ta cần giải phẫu mà chúng ta không có bảo hiểm y tế, và những người lân cận đã quyết định trả tiền cho cuộc giải phẫu đó không?
Họ đã làm điều đó trong thời Cựu Ước. Khi đối diện với một trận chiến hoặc một khủng hoảng khác, người lãnh đạo nhắc dân sự nhớ những lần ra tay của Đức Chúa Trời. Nhiều chỗ trong Kinh Thánh dành ra để kể lại những sự kiện đó. Bạn có bao giờ thắc mắc vì sao Chúa cho phép sự lập lại chiếm nhiều chỗ như vậy? Tại sao chúng ta phải có những biến cố tương tự được lập lại trong Nêhêmi đoạn 9 là những điều đã được Kinh Thánh kể trong Xuất êdíptôký chương 14? Đức Chúa Trời muốn chỉ cho chúng ta cách để đắc thắng, cách để đương đầu với các trận chiến của mình và xây dựng đức tin trong lúc chờ đợi ngài can thiệp vào vì lợi ích của chúng ta.
Hãy cảm tạ Chúa vì đã chu cấp các nhu cầu của bạn trong quá khứ. Thường chúng ta chỉ chú ý đến sự cung ứng hàng ngày của Chúa khi điều đó dừng lại.
Trong lúc chờ đợi Đức Chúa Trời chu cấp, đừng đổ lỗi cho người khác vì sự thiếu thốn của bạn. Những người trách móc người khác không bao giờ có được câu trả lời thực sự. Họ cũng đánh mất niềm vui sống cho Chúa.
Cũng hãy tránh việc rơi vào bẫy so sánh số phận của mình với những người khác. Một người lãnh đạo YWAM kể lại một thời gian khi ông và gia đình ông phải trãi qua một sự thử thách gay go về mặt tài chánh. Lúc ấy họ đang trong một chương trình huấn luyện của YWAM. Họ để ý các học viên bạn của mình thì có tiền bạc dư dật, không những đủ để trả tiền học, mà còn có thể đi ăn ngoài và vui hưởng những bữa tiệc mà ông cùng gia đình mình không thể có được.
Người bạn của tôi kêu cầu cùng Chúa “Lạy Chúa vì sao vậy? Vì sao họ có quá nhiều tiền mà con thì thậm chí tiền để mua kem đánh răng cũng không có?”
Đức Chúa Trời trả lời ông thật dịu dàng “Con có thể dùng muối để đánh răng”
Nếu bạn mắc thói quen so sánh mình với người khác, bạn có thể quên mất điều Chúa đang muốn làm cho đời sống bạn vào một thời điểm đặc biệt. Người bạn của tôi đã học biết rằng Chúa đang đáp ứng những nhu cầu thật sự của anh. Anh ta đang trãi qua một giai đoạn nhất định của đời sống mình, một giai đoạn học tập, nương cậy nơi Chúa bằng một đường lối mới mẽ. Ngày nay, người bạn của tôi đang ở trong một giai đoạn chức vụ khác. Anh ta là một trong số những người lãnh đạo đếm trên đầu ngón tay giữ những trách nhiệm quan trọng nhất trong tổ chức Thanh Niên Sứ Mạng toàn cầu. Anh và gia đình đã đi khắp thế giới, chứng kiến sự chu cấp rộng rãi của Đức Chúa Trời.
Điều chúng ta thất bại khi so sánh chính mình với người khác đó là ai biết được mỗi người đang ở trong giai đoạn nào với Đức Chúa Trời. Có thể tôi đang bị thử thách trong một thời điểm, nhưng tôi không nên mong cho mọi người quanh tôi đều phải chịu thử thách vào cùng một thời điểm đó hoặc trong cùng lãnh vực đó. Nếu ai nấy đều sống y như nhau, thì không còn thử thách. Thử thách đến khi chúng ta thấy người khác lái xe hơi, còn mình thì chỉ có một chiếc xe đạp hoặc phải đi bộ.
Nhiều ơn phước trong những giai đoạn thiếu thốn về tài chánh không thể đến bằng bất cứ phương cách hoặc thời điểm nào khác. Bạn có thể học tập để được mạnh mẽ qua những thời điểm thiếu thốn. Bạn cũng học được cách để cảm thông với những người nghèo mà trước kia không bao giờ bạn có cơ hội để học.
Jean-Jacques Rousseau kể câu chuyện về một cô công chúa ngay trước cuộc Cách Mạng Pháp, Khi cô nghe hàng trăm ngàn người đang tham gia nổi loạn tại Paris, cô hỏi lý do vì sao.
Người ta cho cô biết “Thưa cô, vì họ không có bánh mì”
“Được rồi” cô trả lời “Vậy hãy cho họ ăn bánh Gatô”
Nhiều người giống như cô công chúa nầy, sống quá xa cách với mọi người bị cảnh thiếu thốn đến nỗi khó cảm thông với người ta được. Tôi không tin rằng cô công chúa này ngạo mạn. Nhưng cô không có ý niệm gì về việc những người nghèo đói chẳng có bánh ngọt lẫn bất cứ thứ gì để ăn.
Đức Chúa Trời có thể dùng những giai đoạn thiếu thốn tạm thời để làm sắc bén lòng quan tâm, lòng thương xót và sự cảm thông của chúng ta đối với những người thật sự nghèo đói trên thế gian này… vì hàng triệu người ngày nay đang chịu sự thiếu thốn gay gắt trong cuộc sống khốn khổ hàng ngày.
Một phước hạnh khác nữa trong những giai đoạn thiếu thốn đó là nhận ra sự khác biệt giữa những nhu cầu thật sự và những nhu cầu do cảm nhận. Cũng giống như bạn tôi than phiền về việc không có kem đánh răng, ông đã học được rằng có thể dùng muối để đánh răng. Khi chúng ta có ít, chúng ta có thể học tập cảm tạ Chúa vì mọi nhu cầu thực sự của chúng ta đã được đáp ứng.
Bạn cũng học được lẽ thật của Lời Chúa trong Luca 12:15; suốt thời gian thiếu hụt tài chánh, ở đây chép rằng đời sống người ta không phải cốt tại những gì mình có. Bạn học được rằng niềm vui của Ngài lớn lao hơn và không lệ thuộc vào tiền bạc. Habacúc đã học được bài học nầy cách đây nhiều thế kỷ:
Vì dầu cây vả sẽ không nứt lộc nữa, và sẽ không có trái trên những cây nho, cây ôlive không sanh sản, và chẳng có ruộng nào sanh ra đồ ăn; Bầy chiên sẽ bị dứt khỏi ràn, và không có bầy bò trong chuồng nữa . Dầu vậy tôi sẽ vui mừng trong Đức Giêhôva, tôi sẽ hớn hở trong Đức Chúa Trời của sự cứu rỗi tôi . (HaKb 3:17-18)
Khi không có tiền bạc, bạn có thể có được niềm vui sướng nhìn thấy Đức Chúa Trời cung ứng nhu cầu của bạn bằng những cách khác…
Shirley Alman cho tôi biết một thí dụ lạ lùng về sự Đức Chúa Trời nhân từ như thế nào trong một giai đoạn khó khăn. Bà và chồng, ông Wedge sống ở tại miền Nam nước Mỹ nơi ông đang giữ chức vụ Giám đốc YWAM của những người nói tiếng Tây ban nha trên phạm vi quốc tế. Sự việc Shirley chia xẻ đã cách đây vài năm khi họ vừa mới ra khỏi trường Kinh Thánh, đi mở mang một Hội thánh của người Hispanic thuộc Alamogordo, New Mexico.
Bà Shirley kể “Một ngày nọ các ngăn tủ thức ăn đều trống trơn, sạch bách, chẳng còn thứ gì ngoại trừ vài món gia vị mà những thứ ấy thì không thể biến chế được món gì cả!” Đã từng có những lúc còn sót vài thứ ăn được, nhưng ngày hôm ấy thì thật sự là không còn gì cả. Họ phải làm gì bây giờ? Các con đều đang đi học và ông Wedge đang ở chỗ làm việc. Ông Wedge sẽ trở về và rất đói sau công việc xây dựng ngôi nhà thờ của họ. Ông cần phải ăn cái gì đó trước khi lại đào móng tiếp tục vào buổi chiều. Bà sẽ lấy gì cho ông và các con ăn đây?
Thế rồi bà nhớ lại…Đức Chúa Trời thật là ông chủ khi họ vật lộn để xây cất ngôi nhà thờ này cho những người nghèo khó của thị trấn. Điều gì xảy ra nếu như bà viết một bản liệt kê các thứ thực phẩm để Ngài cung ứng?
Bà Shirley viết bảng liệt kê, đó là một bảng thật dài. Bà gộp luôn cả những thứ cần dùng cho bữa cơm tối hôm đó, dự trù bữa ăn mà gia đình ưa thích. Một buổi tối với món ăn Mễ tây cơ.
Chiều hôm đó, bà Shirley đi đến dự buổi nhóm phụ nữ với các bà trong Hội thánh. Sau buổi nhóm, bà đưa một số bà về nhà. Một phụ nữ mời bà ghé vào nhà trong chốc lát.
Khi bà Shirley bước vào bếp của bà ấy, tim bà đập mạnh. Ở trên dãy bàn bếp có nhiều túi thức ăn phình to mua từ chợ…dành cho bà! Nhìn qua thôi cũng biết rằng mọi thứ trong bảng danh sách của bà đã có đủ… chỉ trừ bột.
Tấm lòng bà Shirley òa vỡ niềm vui khi bà trở lại xe tiếp tục đưa các phụ nữ khác về nhà. Thật khó mà giữ im lặng, nhưng bà biết bà phải im lặng, vì bà không muốn tín đồ của bà biết bà đã gặp sự thiếu thốn như thế nào. Bà tiếp tục lái xe đi, nhưng trong lòng bà đang hỏi Chúa “Chúa ôi, nhưng còn bột thì sao? Con không thể làm loại bánh Mễ tây cơ có nhồi thịt nếu không có bột!”
Vừa khi một phụ nữ ra khỏi xe, cô nói “Thưa bà Shirley Alman. Mẹ tôi bảo thưa với bà, mẹ tôi có mười cân bột dành cho bà. Bà có muốn lấy bây giờ không ạ!”
“Có” Bà Shirley đáp “Tôi muốn lấy bây giờ!”
Cuối cùng khi còn lại một mình trong xe bà Shirley bắt đầu hát ngợi khen Đức Chúa Trời bằng giọng cao nhất. Đột nhiên, bà nhớ ra điều gì đó.
“Đậu nữa, Chúa ôi, con đã quên ghi món đậu vào tờ danh sách rồi!” Bà Shirley cố gắng nhớ lại các thứ có trong túi đồ ăn, bà không nghĩ là có đậu trong các gói ấy.
Về đến nhà, bà bắt đầu cẩn thận lấy ra các thứ thực phẩm quý báu của mình. Bà thò tay đến đáy bao và ở đấy đã có sẵn một gói đậu đốm. Chúa đã nhớ đến chúng, dẫu cho bà quên.
Những kiểu cung ứng như vậy từ nơi Đức Chúa Trời thật quá riêng tư, thậm chí còn có ý nghĩa hơn cả việc Ngài cho bạn tiền để dùng cho nhu cầu của bạn. Ngài biết gia đình bạn có thích thức ăn Mexico hay không. Ngài biết phải nhớ thứ đậu nữa.
Đức Chúa Trời không bị hạn chế trong cách Ngài cung ứng. Ngài đã chu cấp cho các con cái Ysơraên bằng cách làm cho giày dép và áo quần họ không hư mòn trong suốt bốn mươi năm. Hãy thử tưởng tượng nếu như Ngài đã làm điều đó cho chúng ta rồi. Lẽ ra chúng ta phải mặc những chiếc quần ống rộng và những bộ đồ thoải mái suốt trong bốn mươi năm.
Giai đoạn khó khăn về tài chánh làm sống lại ý thức tin cậy Chúa của chúng ta. Đức Chúa Trời luôn muốn rằng kinh nghiệm theo Chúa của chúng ta không đặt nền tảng trên những gì Ngài đã làm cho chúng ta nhiều năm về trước, mà là ngay lúc này, mới mẻ.
Cuối cùng, trong khi chờ đợi Chúa tiếp trợ tài chánh, hãy suy gẫm Thi thiên 37. Thi thiên nầy dường như được viết đặc biệt dành cho người nào đang thiếu thốn tiền bạc. Thi thiên nầy ba lần bảo chúng ta “Đừng lo lắng” nhưng hãy tin cậy Đức Giêhôva, nghỉ yên trong Ngài và bền lòng chờ đợi Ngài. Nó cũng nhắc chúng ta đừng ganh tỵ với kẻ khác, và nói rằng sự thạnh vượng của kẻ ác chỉ là tạm thời.
Theo Thi thiên 37, nếu bạn thực hiện phần của mình, hãy ở trong xứ và làm điều lành, nuôi dưỡng sự thành tín, vui mừng trong Chúa, phó thác đường lối mình cho Chúa và giữ điều răn Ngài trong lòng bạn. Đức Chúa Trời hứa:
. Ngài sẽ ban cho bạn điều lòng bạn ao ước
. Ngài sẽ làm điều có cần cho đời sống bạn ngay bây giờ
. Ngài sẽ làm lộ ra sự công bình của bạn
. Ngài sẽ lập một sự đoán xét cho bạn
. Bạn sẽ được kế thừa đất đai
. Bạn sẽ vui mừng trong sự thạnh vượng dư dật
. Ngài sẽ xét đoán kẻ ác vì bạn
. Ngài sẽ nâng đỡ bạn
. Cơ nghiệp của bạn sẽ còn mãi mãi
. Bạn sẽ không bị xấu hổ trong thì xấu xa
. Ngay cả trong cơn đói kém, bạn vẫn được dư dật
. Bạn sẽ có lòng thương xót, ban cho, bạn sẽ có năng lực để thỏa đáp nhu cầu của người khác.
. Các bước của bạn sẽ được Chúa định liệu
. Khi bạn ngã, sẽ không nằm ngã dài, vì Đức Chúa Trời sẽ nắm giữ tay bạn
. Bạn sẽ có đủ tài chánh trong tuổi già
. Con cháu bạn sẽ được chăm sóc và sẽ trở thành một nguồn phước cho người khác.
. Bạn sẽ được Đức Chúa Trời giữ gìn đến đời đời.
. Bạn sẽ có sự khôn ngoan hoàn toàn và nói ra sự công bình (Bạn sẽ học hỏi từ nơi Chúa và có thể dạy điều đó cho người khác và giúp đỡ họ)
. Bạn sẽ được bảo vệ khỏi nguy hiểm và sự đoán phạt.
. Đức Chúa Trời sẽ tôn cao bạn.
. Bạn sẽ chứng kiến sự diệt vong của kẻ ác
. Đức Chúa Trời sẽ giải cứu bạn, Ngài sẽ nên sức mạnh của bạn, sự cứu rỗi bạn và sự trợ giúp của bạn.
Đúng là một bảng danh sách phải không? Tuy nhiên đó chính là những lời hứa cụ thể của Đức Chúa Trời dành cho bạn, trong khi bạn trông đợi Ngài cung ứng.
Đời sống đức tin có đáng quý không? Nếu bạn đã từng kinh nghiệm điều đời sống ấy, thì đời sống này thật sự làm hỏng cuộc sống tầm thường của bạn. Sống đời sống đức tin giống như việc bước đi trên một sợi dây căng. Đó là một cảm giác sung sướng không thể tưởng tượng được.
Trong những năm 1800, một nhà làm xiếc tên là Blondin (Jean – Francois Gravlet) đã nổi tiếng vì băng qua thác nước Niagara trên dây nhiều lần, mà thường không dùng lưới an toàn.
Ngày nọ, có một đám đông tụ tập nơi thác nước để theo dõi một cuộc thử nghiệm nguy hiểm nhất của anh ta lúc ấy. Anh ta dự định sẽ đẩy một chiếc xe cút kít chở một bao xi măng nặng trên sợi dây để đi từ bờ vực này sang bờ vực kia. Với trọng lượng thêm vào đó, một tính toán sai lầm nhỏ cũng đủ làm nghiêng chiếc xe cút kít và khiến anh lộn nhào khỏi sợi dây, đưa anh vào cái chết với những thác nước hung tợn bên dưới.
Hàng ngàn người nín thở theo dõi khi anh băng qua trên dây, thận trọng đặt chân này lên chân kia, yên lặng đẩy chiếc xe cút kít đi giữa vực thẳm đầy bụi nước, quên cả tiếng gầm thét của thác nước dưới chân anh.
Khi anh sang đến đầu bên kia, đám đông mới thở phào và reo hò. Thật là một kỳ công! Bấy giờ ông Blondin hỏi một phóng viên đứng gần đó: “Anh có tin rằng tôi có thể làm bất cứ điều gì trên sợi dây căng đó không?”
“Ồ vâng, ông Blondin à”, phóng viên nói “sau những gì tôi đã thấy hôm nay, tôi tin, tôi tin ông có thể làm bất cứ điều gì”
“Vậy thì anh có tin rằng” ông Blondin nói “Thay vì một bao xi măng, tôi có thể mời một quý ông ngồi vào xe cút kít, người mà từ trước đến giờ chưa hề đi dây, và đẩy ông ta qua bờ bên kia an toàn mà không cần giăng lưới không?”
“Ồ, tin chứ ông Blondin, Tôi tin” phóng viên nói
“Tốt, vậy thì mời ông ngồi vào” Blondin nói
Phóng viên xanh mặt và vội vàng biến mất trong đám đông. Tin là một chuyện nhưng sống bằng loại đức tin ấy lại là chuyện khác hẳn.
Tuy nhiên ngày hôm đó đã có một người có loại đức tin ấy nơi Blondin. Con người tình nguyện can đảm ấy bằng lòng ngồi vào trong chiếc xe cút kít và được đẩy qua những thác nước cùng với người chủ xiếc.
Khi ông Blondin nhấc bao xi măng ra và mời vị khách của ông ngồi vào xe đẩy, những người đàn ông ở hai bên thác nhanh chóng đánh cuộc vào kết quả. Và rồi đang khi đám đông cổ vũ, Blondin bắt đầu đi dây qua thác nước, lần này ông đẩy một hành khách đang căng thẳng ở phía trước xe.
Trông có vẻ như một cuộc chinh phục dễ dàng đối với con người liều mạng nầy. Nhưng đang khi họ còn nửa đường đến đích trên sợi dây căng ở độ cao 500 m, thì một người đàn ông với số tiền cá cược lớn biết mình sắp thua to đã lén đến và cắt một trong những sợi dây căng.
Thình lình sợi dây rung chuyển dữ dội, sức nhún càng gia tăng khủng khiếp. Trong khi ông Blondin phải vật lộn để giữ được thăng bằng, ông biết rằng họ vừa cách sự chết trong từng đường tơ kẻ tóc mà thôi. Nếu vành bánh xe trật khỏi dây cả hai người sẽ bị hất văng ra và đâm đầu xuống thác nước đang sôi ầm ầm.
Ông Blondin nói, cắt đứt sự hãi hùng của người hành khách đang trong xe đẩy “Đứng dậy”, ông ra lệnh “Hãy đứng dậy và bám vào hai vai tôi!”
Người đàn ông nằm bất động.
“Hãy đứng lên nào! rời khỏi xe đi! Hãy làm ngay hoặc sẽ chết!”
Bằng cách nào đó, người đàn ông đã đứng lên được và bước ra khỏi xe cút kít.
“Hai tay anh…choàng quanh cổ tôi! Nào, bây giờ kẹp hai chân vào hông tôi!” Blondin nói.
Một lần nữa người đàn ông vâng theo, bám chặt vào Blondin. Chiếc xe rơi xuống biến mất trong lớp bọt trắng hỗn độn sâu bên dưới. Diễn viên nhào lộn, sử dụng tất cả những năm kinh nghiệm của mình và từng bắp thịt đã được tập luyện để đứng vững trên dây cho đến khi sự dao động giảm bớt một chút. Đoạn từng phân một, anh tiến từ từ trên dây, mang theo người đàn ông như mang một đứa trẻ. Cuối cùng, ông ta đã đặt chân được lên bờ bên kia.
Sống bằng đức tin là như vậy đó. Bạn phải có lòng tin cậy thật sự nơi Đấng đang bồng ẵm bạn để băng qua bờ bên kia. Nói rằng bạn tin Chúa thì cũng dễ. Nhưng liệu bạn có sẵn sàng để Ngài ẵm bồng bạn đi ngang qua một sợi dây, trên một thác nước cao đang gào thét không? Bạn có thể có được kinh nghiệm đó, bạn biết đấy. Bạn có thể có được niềm vui sướng không tả nỗi vì đã tin cậy Chúa và nhìn thấy Ngài đáp ứng các nhu cầu của bạn.
Nói tóm lại, sống bởi đức tin là như vậy. Đó là đức tin đặt nơi chính mình Đức Chúa Trời, không có một hệ thống hoặc nghi lễ nào đối với điều đó. Là đức tin trong một con người sống, đức tin để Ngài giúp bạn hoàn thành công việc Ngài đã giao cho bạn.
Ngài hoạch định cho chính bạn những thách thức lớn lao. Ngài muốn bạn nhận phần chính trong cuộc đua hào hứng nhất trong lịch sử, cuộc đua mang Tin lành đến cho mọi người. Ngài muốn thấy bạn dốc toàn tâm lực mình cho Ngài, và cho thế giới chung quanh bạn. Hãy nhận lời thách thức ấy và bước ra vì cớ Ngài. Hãy tin cậy Ngài. Hãy dám sống trên bờ vực.
VIỆC TẠO RA CỦA CẢI VÀ VIỆC GIẢM BỚT TÌNH TRẠNG NGHÈO THIẾU
Của Don Johnson
Vừa sáng sớm có hai người đứng trên một góc phố. Người đàn ông cao ráo thì mặc áo quần đẹp đẽ, chải chuốt và tươm tất không chê vào đâu được với chiếc cặp da kẹp dưới tay. Còn người đàn ông kia ăn mặc tả tơi, đôi chân không có vớ được thấy rõ vì chiếc quần quá ngắn. Người đàn ông nghèo nàn này trông ốm yếu và buồn bã với những đường nhăn vì chán nản và tuyệt vọng làm u buồn đi gương mặt lẽ ra trông còn rất trẻ của anh ta. Anh ta rùng mình trong bầu không khí mát mẻ của buổi sáng sớm, dáng người của anh bị che phủ lạ lùng khi con người cao ráo tự tin kia,là người đang vội vã vượt qua mặt anh.
Điều nầy thường bị những người bình thường bỏ qua không lưu ý đến. Tuy nhiên, vào những lúc khác, một cảnh tượng như vậy sẽ đọng lại trong ký ức của và chúng ta buộc phải suy nghĩ đến. Những sự tương phản đó thật hiển hiện ở khắp mọi nơi trên thế giới. Nó tồn tại ở những quốc gia đang phát triển cũng như đã phát triển, trong tất cả các hệ thống kinh tế thế giới khắp trái đất. Nó là hố ngăn cách giữa người giàu và người nghèo, là sự bất bình đẳng rõ ràng giữa các giai cấp.
Chúng ta hãy đối diện với điều đó, những cá nhân và những gia đình thuộc đủ thành phần hưởng thụ những ích lợi của những sở hữu vật chất, thành công về tài chánh, những cơ hội tốt về giáo dục, và uy tín. Trong khi những người khác phải chịu thiếu thốn, đói kém, bệnh tật và sự ngu dốt vì tình trạng kinh tế của họ. Nghèo thiếu là một điều đáng buồn trên thế gian này, một thứ bệnh dịch kéo dài!
Nhưng các nguyên nhân của sự nghèo thiếu là gì? Và điều gì đã đem đến sự thành công? Những câu hỏi đó đã sinh ra những học thuyết chính trị mới mẻ, những cuốn sách suy luận, và thậm chí những phong trào cách mạng khắp thế giới.
Nhiều người tin rằng sự giàu có bị hạn chế. Nó được phân phối một cách không đồng đều. Để san bằng hố ngăn cách giữa người giàu và người nghèo, chúng ta phải phân phối lại những của cải trên thế giới cho đồng đều. Một số các nhà hoạt động chính trị cũng tin rằng điều ác do một cơ chế bất công bên ngoài gây ra. Đối với họ, ngoại cảnh tức là xã hội, chính quyền v.v… là nguyên nhân gây ra những nan đề về mặt đạo đức. Con người xấu xa là vì chế độ của họ.
Nhiều điều trong số những tư tưởng ấy chứa đựng sự hợp lý hoàn hảo. Nhưng có thể chính những giả thuyết này lại đặt nền tảng trên những ý tưởng sai lầm. Sự giàu có bị giới hạn không? Có phải việc một người giàu lên thì làm cho một người khác bị nghèo đi không? Có phải một nền kinh tế đứng đầu thế giới đang dựa vào một hệ thống bóc lột và gian giảo không? Có phải những người giàu gian ác đã tích trữ một phần của cải của thế giới này một cách không công bằng và để cho người nghèo phải bị thiếu hụt không? Có phải những người giàu đã gây ra sự nghèo thiếu không?
Có phải sự giàu có không bị giới hạn không? Có thể nó được tạo ra. Điều đó không phải là tin mừng cho những người nghèo sao? Có thể nào sự giàu có mới mẽ đó không bị giới hạn trong các ý nghĩ, các sự phát minh và trong công việc chân thật để phục vụ người khác không? Cứ coi như một người thạnh vượng không phải là kẻ ác. Nhưng làm thế nào để người ấy có được điều đó?
Sự Giàu Có Có Thể Tạo Ra Được
Bạn cần những ý tưởng, cá tánh và một chính quyền bảo vệ cho những cơ hội của bạn.
Ý Tưởng
Tư tưởng là nguồn phương tiện chủ yếu cho việc tạo ra sự giàu có. Mỗi một con người đều được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời và sở hữu một nguồn khả năng sáng tạo độc đáo, một nguồn ý tưởng không hề cạn. Sự giàu có chỉ bị giới hạn theo ý nghĩ hoặc không bị giới hạn tùy theo đặc tính sáng tạo của người ấy.
Những nguồn phương tiện thiên nhiên không tạo ra sự giàu có được. Dầu lửa không được coi là một nguồn phương tiện cho đến khi có ai đó phát minh ra năng lượng đốt cháy trong bản chất của nó. Nền Công nghiệp vi tính hiện nay được mở rộng ở khắp nơi do có được những vi mạch gồm những linh kiện phức tạp. Vi mạch nầy được tạo từ chất Silicon chỉ là một nguyên tố lấy từ cát.
Nếu như các nguồn tài nguyên thiên nhiên là nguyên nhân của sự giàu có thì Nhật bản và các quốc gia khác nằm ven vùng Áđông hẳn sẽ rất nghèo. Vì họ hầu như không có nguồn tài nguyên thiên nhiên nào cả.
Tinh thần con người là nguồn phương tiện quan trọng để tạo ra của cải. Người ta không phải thụ động khi gặp phải những thử thách của sự áp bức và nghèo thiếu. Sự thạnh vượng, trù phú phun lên từ dưới đáy sâu: Từ các ý tưởng, sự phát minh và các hoạt động của hàng triệu những nghệ thuật kinh doanh nhỏ. Tạo ra được một công việc kinh doanh nhỏ là một nghệ thuật thật sự.
Ý tưởng kinh doanh tốt là điều phải phục vụ được những nhu cầu thực tế của người khác để trở nên thành công. Việc tạo ra của cải không phải chỉ là một hoạt động ích kỷ, mà còn là một cơ hội độc đáo để phục vụ người khác một cách sáng tạo.
Tâm Tánh
Tâm tánh là một phẩm chất đạo đức. Là toàn bộ đời sống, suy nghĩ, hành động và tình cảm của một con người. Đây là một kiểu mẫu suy nghĩ và hành xử do chính người ấy tạo ra. Tâm tánh của bạn ảnh hưởng đến phẩm chất của các ý tưởng và cách sáng tạo của bạn. Những suy nghĩ và những hành động trong sạch là những hạt giống cần thiết trong khu vườn sai trái của các công việc làm ăn thành công. Loài người đã được Chúa tạo dựng với ý định trở thành những người quản lý tốt trong công trình sáng tạo của Ngài. Con người phải là một uỷ viên quản trị trung tín, biến chế các vật liệu thô sơ để chúng có một giá trị lớn hơn hầu phục vụ cho những người khác.
Con người phải sử dụng sự chuyên cần, kỷ luật và những hoạch định khôn ngoan để sản sinh ra của cải chứ không phải chỉ tiêu thụ nó. Một người phải biết liều mình, chịu hy sinh và làm việc khó nhọc. Những kẻ gian ác có thể phạm tội tham lam và giữ lại một ít số tiền lương chính đáng của người làm thuê để tích lũy của cải cho mình, nhưng một người đức hạnh phải làm ra và tạo dựng của cải phục vụ xã hội. Lòng thương xót đối với người nghèo là một phẩm hạnh đạo đức của tâm tánh nhằm tìm cách giảm bớt tình trạng nghèo đói. Một con người có lòng thương xót sẽ tìm cách thiết lập những phương cách nhằm khuyến khích sự phát triển kinh tế giữa vòng các tầng lớp đông đảo những người nghèo.
Chính Quyền
Mục tiêu của chính quyền nhân dân là phải bảo vệ và phục vụ các công dân của mình. Một chính quyền ngay thẳng sẽ không tịch thu hoặc chiếm đoạt những phương tiện tạo ra của cải của người dân. Nhà nước tồn tại vì nhân dân chứ không phải dân vì nhà nước.
Đức Chúa Trời đã ban cho con người những ta lâng bất luận hoàn cảnh xã hội của họ. Ngài đã ban cho người nghèo những ân tứ bên trong đang nằm đó chờ đợi cơ hội để được thể hiện ra. Xã hội phải thu xếp tạo cơ hội cho người nghèo thể hiện những tài năng còn đang ẩn giấu của họ. Chính quyền phải cam kết để bảo đảm rằng người nghèo khó và thiếu thốn cũng có mọi cơ hội và sự bảo vệ để theo đuổi những hoạt động kinh doanh hoặc công trình hữu ích theo những khả năng và suy nghĩ của họ. Chúng ta không được nghĩ về người nghèo như là những người tìm kiếm một lát bánh trong ổ bánh có giới hạn của người giàu. Xã hội thật sự sẽ tốt đẹp hơn lên bởi sự thành công của họ.
Chính quyền phải tự kỷ luật mình để phục vụ và hỗ trợ cho sự phát triển về mặt đạo đức và kinh tế. Tính sáng tạo có thể bị thui chột vì các thứ thuế quá đáng. Tuy nhiên, hệ thống thuế hữu trách sẽ đem lại cho vai trò hữu hạn của nhà nước trong chức năng thích đáng cho việc phát triển kinh tế. Một chính quyền ngay thẳng là cần thiết để cắt giảm mức lợi nhuận bất chính của những kẻ xấu và sự bóc lột tính sáng tạo của những người khác. Không được để cho tội phạm phát triển!
Nhà nước cũng phải tôn trọng các quyền làm chủ của các cá nhân. Một chính quyền khôn ngoan sẽ hiểu rằng mặc dầu không thể xây dựng luật đạo đức bên trong của tấm lòng, nhưng có thể ngăn ngừa sự vô đạo đức qua các điều luật và những hậu quả thích đáng. Những thể chế hoặc tổ chức chính quyền về đạo đức và về kinh tế không nên cạnh tranh nhau mà nên bắt tay nhau, chịu khó làm việc để tạo dựng một xã hội công bằng và quan tâm đến nhau.
Nguyên Nhân Của Sự Nghèo Đói Là Gì?
Sự áp bức bất công đối với người nghèo chỉ là một trong nhiều lý do của sự tồn tại tình trạng nghèo đói nghiêm trọng. Nghèo đói thường là hậu quả của những thói quen hoặc cá tánh tồi tệ của chính con người. Có thể do sự gian ác, sự say sưa, tính ưa phù phiếm hoang phí, tính vô luân, sự bốc đồng hấp tấp, sự keo kiệt và hoàn toàn biếng nhác. Một số người là nạn nhân vô tội của tình trạng nghèo đói. Có những bà mẹ và trẻ con bị các ông cha vô trách nhiệm ruồng bỏ. Những con người tham lam nhiều khi phạm những sự bất công khủng khiếp nghịch lại những con người chân thật. Song điều đáng buồn là có quá nhiều người dự phần một cách có chủ ý và có trách nhiệm trong sự nghèo khổ, và hủy hoại chính họ. Vì vậy, đi ra cứu giúp được nhiều người nghèo thiếu là một hành động thương xót và khoan dung. Những người khác đã bị những kẻ phạm tội tấn công thì phải được bênh vực, bảo vệ một cách công bằng. Chính phủ phải khuyến khích và khen thưởng những người đi ra với lòng thương xót và khoan dung lẫn những người bảo vệ công lý!
Tự Do Cho Người Nghèo
Vậy, nếu giàu có đúng là điều có thể tạo ra được. Thì đây là tin mừng cho những người nghèo bởi vì khi họ đến với Chúa để được cứu giúp, Ngài hứa cung ứng cho họ những điều họ có cần theo như sự giàu có vinh hiển không giới hạn của Ngài. Ngài sẽ ban cho họ có những ý tưởng và giúp họ phát huy tâm tánh cùng với một chiến lược quản trị khôn ngoan. Việc giải phóng người nghèo khỏi những tình trạng nô lệ cho tội lỗi, hủy hoại đạo đức và bảo vệ họ khỏi những tội lỗi chống nghịch họ là điều chủ chốt quan trọng để giảm bớt tình trạng nghèo đói. Họ không cần phải đưa hai tay lên để giành lấy “miếng bánh chả” bằng vũ lực. Mà họ thật sự cần một cơ hội để tạo ra của cải hầu đáp ứng nhu cầu.
Chính quyền phải do người dân tạo nên để phục vụ người dân. Giá trị của người dân lớn hơn nhà nước. Công việc của nhà nước là phải bảo vệ người dân thoát khỏi bạo ngược và đem lại những cơ hội tự do cho những người nghèo để họ phát lộ tài năng sáng tạo của mình. Họ cần phải được khuyến khích để tham gia vào việc giải phóng chính họ ra khỏi tình trạng nghèo đói.
Những người giàu phải được cả những tổ chức, hiệp hội đạo đức lẫn chính trị khuyến khích để cứu giúp cho những người nghèo, giúp việc đào luyện, giáo dục và đem lại những cơ hội để bắt đầu những công việc làm ăn nhỏ. Khi những người nghèo khá giả lên từ hoàn cảnh nghèo khó, họ phải được khuyến khích để giúp đỡ những người khác. Sự giàu có là một phương tiện có mục đích, không phải mục đích trong chính nó. Việc tạo ra của cải là phương tiện có sức mạnh nhất sẵn sàng cho việc giải phóng người nghèo khỏi sự bạo ngược và của sự hủy hoại của tình trạng nghèo đói đau khổ cùng cực! Khi việc tạo ra của cải tồn tại trong các phương tiện, kết thúc sẽ luôn luôn là sự tự do!
Ghi chú :
Don là một nhà truyền giáo làm việc với YWAM trong một quốc gia đang phát triển . Chúng ta biết đây là một vấn đề phức tạp, nhưng những hạn chế về không gian của chúng ta không cho phép Don liên hệ đến các yếu tố đồng liên quan khác, như là sự thi hành đúng đắn các ý tưởng và tính sẵn sàng của những nguồn phương tiện cùng việc huấn luyện để dẫn đến sự thành công .
– Loren Cunningham