Search Jump: Comments
Header Background Image

2. SỨC MẠNH CỦA SỰ VUI MỪNG

Khoảng nửa đêm, Phao-lô và Si-la đang cầu nguyện và ca ngợi Đức Chúa Trời, các tù nhân đều lắng nghe. Bỗng, có cơn động đất lớn đến nỗi nền nhà ngục rung chuyển. Ngay lúc ấy, tất cả các cửa đều mở tung, xiềng xích tù nhân đều tháo rời.
Công Vụ 16:25-26

Xuyên suốt Kinh Thánh, Đức Chúa Trời chỉ dạy dân sự Ngài phải đầy dẫy sự vui mừng và hãy vui mừng. Chẳng hạn, Phi-líp 4:4 nói: “Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn; tôi xin nhắc lại: Hãy vui mừng lên!”

Bất cứ lúc nào Chúa phán chúng ta làm điều gì đó hai lần – như Phao-lô chỉ dạy người Phi-líp hai lần trong câu này là hãy vui mừng – chúng ta cần để ý kỹ điều Ngài đang nói.

Sứ đồ Phao-lô biết sức mạnh của sự vui mừng. Khi ông và Si-la ở tù tại Phi-líp: “Khoảng nửa đêm, Phao-lô và Si-la đang cầu nguyện và ca ngợi Đức Chúa Trời, các tù nhân đều lắng nghe. Bỗng, có cơn động đất lớn đến nỗi nền nhà ngục rung chuyển. Ngay lúc ấy, tất cả các cửa đều mở tung, xiềng xích tù nhân đều tháo rời.” (Công Vụ 16:25-26)

Cùng một quyền năng đã mở những cánh cửa đó và bẻ gãy những gọng cùm của Phao-lô và Si-la cùng những tù phạm, được ban cho những con người bị trói buộc và kiểm soát bởi sự trầm cảm ngày nay.

Nhiều lần người ta thấy hay nghe từ “hãy vui mừng” và họ nghĩ, “Nghe hay đấy, nhưng tôi phải làm như thế nào đây?” Họ muốn vui mừng nhưng không biết làm thế nào!

Phao-lô và Si-la bị đánh đập, bị ném vào tù và bị cùm chân, họ vui mừng bằng cách hát ngợi khen Chúa. Chúng ta thường không nhận ra rằng “việc vui mừng” như nở nụ cười, cười to tiếng, có những giây phút hạnh phúc để tận hưởng riêng có thể khai phóng năng lực. Và tự thân hành động đó thường khiến cho nan đề trốn mất.

Lúc tôi chuẩn bị để nói về trầm cảm thì Chúa đã chỉ cho tôi điều gì đó rất rõ ràng như thể tôi đang xem nó trên màn hình TV, Ngài nói, “Người ta đến để nhận đủ kiểu tư vấn vì họ bị trầm cảm. Người ta uống đủ loại thuốc vì họ bị trầm cảm. Khi người ta bắt đầu bị trầm cảm, nếu họ chỉ việc cười, thì trầm cảm sẽ bắt đầu qua đi. Phần lớn người ta không thật sự hoàn toàn hiểu rằng đó là cách họ thay đổi hoàn cảnh của họ.”

Sự thay đổi thường là kết quả của một sự điều chỉnh đơn giản trong cách chúng ta đáp ứng trong một tình huống cụ thể. Chúa đã nói, “Nếu họ chỉ việc cười hay hát cho Ta một bài ca, thì trầm cảm sẽ đi khỏi. Nếu họ chỉ cần cười một chút thì trầm cảm không thể cứ bám víu họ. Nếu họ lập tức phản ứng cách này ngay khi họ bắt đầu bị trầm cảm thì sự trầm cảm sẽ rời đi.”

Kinh Thánh dạy rõ ràng điều này, dù có thể chúng ta đã không xem sự dạy dỗ về sự vui mừng theo cách này trước đây!

Sự vui mừng hoàn toàn là một bông trái của Thánh Linh.

Ga-la-ti 5:22-23 “Nhưng trái của Thánh Linh là: Yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ, lương thiện, trung tín, nhu mì, tiết độ, không có luật nào ngăn cấm các điều đó.”

Nếu bạn có mối quan hệ cá nhân với Chúa – nếu bạn đã được cứu thì Thánh Linh cư ngụ trong bạn (Giăng 14:16-17; 1 Cô-rinh-tô 12:3). Nếu sự vui mừng là một bông trái của Thánh Linh và Thánh Linh ở trong bạn thì sự vui mừng ở trong bạn. Bạn không cố tạo ra sự vui mừng hay sản sinh ra vui mừng – nó đã ở đó rồi, y như năng lực để yêu và các bông trái khác của Thánh Linh vì Thánh Linh ở đó.

Điều quan trọng cần hiểu rằng chúng ta là các tín hữu không cố tạo ra sự vui mừng; chúng ta có sự vui mừng; sự vui mừng ở trong tâm linh chúng ta. Điều chúng ta cần làm là học cách khai phóng nó.

Niềm Vui Thỏa Nội Tâm

Công Vụ 20:24 “Tuy nhiên tôi chẳng kể mạng sống mình là quý, miễn sao chạy xong cuộc đua và hoàn tất chức vụ nhận lãnh từ nơi Chúa Giê-su, để xác chứng cho Phúc Âm về ân sủng Đức Chúa Trời.”

Theo Từ Điển The Strong’s Concordance, gốc của từ Hy Lạp được dịch “sự vui mừng” trong câu này nghĩa là “sự hoan hỉ; niềm vui thỏa nội tâm”. Ý nghĩa từ Hê-bơ-rơ khác được dịch “sự vui mừng” có thể mang nghĩa “quay tròn.”

Một trong các ý nghĩa của “sự vui mừng” trong Nê-hê-mi 8:10, “… vì sự vui mừng của Đức Chúa Trời là sức mạnh và đồn lũy của ngươi…” còn có nghĩa là “được liên hiệp.” Bạn có thể thấy rằng để sự vui mừng của Chúa là sức mạnh của bạn thì bạn phải liên hiệp với Chúa. Sự liên hiệp với Chúa nảy sinh sự vui mừng trong đời sống bạn!

Chúng ta có thể thể hiện sự vui mừng của Chúa theo một nghĩa khác qua biểu hiện của sự nhảy múa vòng tròn. Nói cách khác, đôi khi chúng ta cũng cần nhảy múa vui đùa, nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta phải cứ nhảy múa và chạy lung tung đây đó suốt cả ngày.

Đôi lúc khi người ta nghe một sứ điệp mà họ nhìn biết đó là chân lý, họ rất muốn áp dụng nó, họ bắt đầu thực hành – họ cố làm cho nó xảy ra bởi sức riêng mà không cho phép Chúa làm ứng nghiệm điều đó trong đời sống của họ như là kết quả của sự cầu nguyện và của quyền năng Chúa. Khi tôi nói đôi lúc chúng ta nên thể hiện sự vui mừng của Chúa bằng cách nhảy múa vòng tròn là tôi không có ý nói nhảy nhót theo kiểu xác thịt đâu nhé.

Khi chúng ta không cảm thấy vui mừng, chúng ta cần thực hiện vài hành động để khai phóng sự vui mừng trước khi chúng ta bắt đầu rơi vào sự trầm cảm. Đôi khi chúng ta phải bắt đầu kiểm soát xác thịt để vui mừng dù chúng ta có cảm thấy thích hay không. Việc này giống như mồi cho cái máy bơm nước khi chúng ta liên tục quay tròn cho tới khi máy bơm bắt trớn và nước bắt đầu phun ra.

Tôi nhớ ông bà tôi có một cái máy bơm cũ. Nơi họ từng sống không có nước máy trong nhà bếp thời đó. Tôi nhớ khi còn bé tôi đứng trong bồn rửa, nhấc tay cầm máy bơm lên xuống và đôi lúc cảm thấy như thể nó sẽ không bao giờ có hơi và phun nước ra. Thực tế thì cảm giác như việc làm này không đi tới đâu và tôi chỉ bơm hơi mà thôi.

Nhưng nếu tôi không bỏ cuộc thì việc bơm lên bơm xuống sẽ dần dễ dàng hơn. Đó là dấu hiệu nước sẽ sớm bắt đầu chảy.

Sự vui mừng cũng như vậy. Chúng ta có một giếng nước bên trong tâm linh chúng ta. Tay cầm của máy bơm để đem nước lên là sự phấn khởi tự nhiên như nở nụ cười, ca hát, bật cười to tiếng và vân vân. Lúc đầu những biểu lộ bề ngoài này tưởng chừng như chẳng có tác dụng gì. Sau một hồi nó càng trở nên khó hơn, nhưng nếu chúng ta cứ tiếp tục thì chúng ta sẽ sớm phát hiện “cái giếng” của sự vui mừng.

Tôi không cho là vui mừng nghĩa là tôi phải đi hết chỗ này chỗ nọ, lúc nào cũng tươi cười, nhảy múa lung tung và tỏ vẻ lạ đời. Chúng ta cần dùng sự khôn ngoan. Tôi đã gặp những cơ đốc nhân được cho “vui quá đà” nhưng thực tế họ vô tình làm tổn thương người khác.

Tôi nhớ tôi có chia sẻ một chuyện đã làm cho tình cảm tôi bị tổn thương rất nhiều cho một người bạn. Cô đáp ứng bằng cách cười thật to: “Ồ, dù sao thì cũng hãy ngợi khen Chúa!” Tôi cảm thấy như thể cô ta tát vào mặt tôi vậy.

Nếu cô ta an ủi tôi một cách thích đáng bằng cách bày tỏ sự thông cảm và quan tâm thì sự giúp đỡ của cô dành cho tôi sẽ khai phóng niềm vui mừng trong đời sống tôi. Nhưng phản ứng xác thịt và giả tạo của cô đã làm tổn thương tôi và làm cho tình huống của tôi tệ hơn.

Lúc tôi mới tới gặp cô này, tôi chỉ mới có buồn thôi! Tuy nhiên, tới lúc cô khuyên tôi xong, tôi thật sự bị trầm cảm luôn!

Chúng ta luôn cần đến sự khôn ngoan. Có thể có những thời điểm chúng ta cảm thấy như thể mình nhảy múa trước mặt Chúa. Có thể có điều gì đó thật sự phấn khởi đã xảy ra và chúng ta cảm thấy không thể kìm nén. Nhưng nếu chúng ta ở trong một nhà hàng hay cửa hàng tạp hóa thì việc cân nhắc những cảm giác và phản ứng của những người xung quanh chúng ta là khôn ngoan. Chúng ta không muốn làm tổn hại lời chứng của chúng ta là cơ đốc nhân khi làm cho những người khác nghĩ chúng ta là những kẻ cuồng tín.

Có nhiều lúc khi tôi ở tại nhà hàng ăn mà lúc đó tôi hay nói với gia đình tôi, “Mẹ cảm thấy muốn đứng trên cái bàn này và la lớn, “Ngợi khen Chúa!”

Có những lúc sự biểu lộ như thế bắt đầu tuôn ra từ con người bên trong của bạn và bạn nên làm theo. Nhưng nếu bạn ở tại một nhà hàng, cửa hàng tạp hóa hay tại nơi công cộng khác, có lẽ bạn nên chờ tới khi bạn vào xe riêng của mình.

Dù đôi lúc chúng ta có thể vui vẻ hết mình, nhưng phần lớn thời gian chúng ta vui mừng khi chúng ta tỏ ra vui vẻ và thỏa thích. Và, như Chúa đã chỉ cho tôi, việc đó nghĩa là cười to tiếng hay thậm chí là đơn giản sống trong trạng thái thỏa thích nội tâm.

0 Comments

Heads up! Your comment will be invisible to other guests and subscribers (except for replies), including you after a grace period.
Note