Header Background Image

Những gì chúng ta nghe chỉ là quan điểm, không phải thực tế. Mọi thứ chúng ta thấy chỉ là một góc nhìn, chứ chưa chắc là chân lý!

—Marcus Aurelius

Chương 1

VẤN ĐỀ KHÔNG PHẢI Ở VIỆC
ĐƯỢC NHÌN THẤY
MÀ LÀ Ở VIỆC BẠN NHÌN
VÀ THẤY ĐƯỢC

Bạn có biết cách bạn thấy quan trọng hơn nhiều so với cách bạn nhìn không? Đối với tôi, điều này thật sự là vậy, sự định nghĩa cho điều này là vũ điệu được hiệu chuẩn mỗi ngày. Bạn thấy đấy, việc sắp xếp đi sắp xếp lại đồ đạc trong đời tôi hay việc thay đổi diện mạo vật lý bên ngoài của tôi dễ hơn rất nhiều so với việc nâng tầm nhìn của tôi mỗi ngày.

Vẻ bề ngoài là cách bạn và tôi được người khác nhìn thấy hoặc quan sát thấy. Chúng ta càng tự do thay đổi cách chúng ta nhìn nhiều bao nhiêu, chúng ta sẽ càng ít hoặc gần như không còn kiểm soát lên cách người khác chọn lựa cách nhìn chúng ta bấy nhiêu.

Không quan trọng bạn hấp dẫn thế nào, địa vị cao trọng ra sao hay mức độ nổi tiếng của bạn trên các phương tiện truyền thông như thế nào, vẫn sẽ có người chọn không thích bạn. Bất kể bạn để tâm lo lắng cho gia đình, công việc hoặc thời trang giỏi đến mức nào, vẫn có người tìm được lý do để hiểu sai về bạn. Sự thật là, hiểu sai dễ dàng xảy ra hơn hiểu đúng. Điều này thật khó chịu nhưng là sự thật.

Bạn không thể kiểm soát cách bạn được nhìn thấy như thế nào nhưng bạn hoàn toàn có thể chọn được cách bạn thấy. Trong khi vẻ bề ngoài của tôi là cách thế giới nhìn tôi thì cách tôi nhìn thế giới sẽ trở thành lợi thế cho tôi khi tôi nhìn về thế giới. Ánh nhìn bây giờ trở thành cái bị nhìn. Nhưng có một điều còn hơn cả việc bị nhìn thấy đó là thế giới của chúng ta đang cần bạn nhìn xem đấy. Thế giới này cần bạn mở rộng tầm mắt.

Góc nhìn có sức mạnh hoặc để bóp méo hoặc để làm nổi bật, hoặc để gạt bỏ hoặc để giữ lấy cho thật chặt. Cách đây không lâu, vào dịp đầu năm, tôi có đăng một bài viết về sự kiêng ăn đã làm nổi bật lên một vài khái niệm trong cuốn sách này trên nhật ký web của tôi – và tôi bị sốc bởi một bình luận. Tôi đã bắt đầu bằng câu phát biểu thế này:

Ăn kiêng sẽ thay đổi cách bạn nhìn. Kiêng ăn sẽ thay đổi cách bạn thấy.

Để trình bày phù hợp nhất khái niệm này sẽ là một sự đánh giá không đúng mức. Có một điều đã trở nên quá rõ ràng đó là mọi người ai cũng chán ngấy với những cái nhìn đơn giản và chỉ nhìn thôi; họ khát khao được thấy. Dưới đây là một đoạn trích trong một bài blog kèm theo lời phát biểu này.

Có lẽ bạn khá đồng cảm với tôi ở điểm này: lễ hội, tiệc tùng càng ngày càng nhiều hơn. Tôi cứ như là cần phải nảy ra ý tưởng mới cho việc làm ra loại thức ăn Giáng Sinh dành cho em bé. Điều này sẽ tốt nếu là tháng Giêng phải không? Vì đây là thời điểm kiêng ăn đầu năm và ra những quyết định quan trọng cho năm mới.

Nhưng, đợi đã. Giả sử thay vì chế độ kiêng ăn/ sự kiêng ăn đầy đủ, tôi thực sự bị ép làm điều này hơn thì sẽ ra sao? Thay vì đơn giản thay đổi cách tôi nhìn thì tôi muốn thay đổi cách tôi thấy hơn.

Tôi thực sự nghĩ rằng năm nay đòi hỏi chúng ta phải phóng rộng tầm mắt hết cỡ. Chúng ta cần một tầm nhìn lớn hơn để nhìn xuyên qua nó. Thay vì để thập tự giá hiện ra sừng sững choáng hết đôi mắt Ngài thì Chúa Giê-su đã nhìn xuyên qua thập tự giá để đặt niềm vui ở trước mặt Ngài (xem Hê-bơ-rơ 12:2). Thế còn bạn thì sao?

Có những lãnh vực nào bạn cần nhìn thấy xuyên qua chúng?

Bạn có mệt mỏi với việc bị giới hạn ở cách bạn nhìn không?

Bạn có sẵn sàng để được giải phóng ra khỏi những gì bạn thấy không?

Tôi chắc chắn hi vọng điều đó. Gia đình bạn, bạn bè của bạn và thế giới này cần bạn kết nối bằng một tầm nhìn rộng lớn hơn những gì bạn đã đang thấy.

Cảm giác cần một cái nhìn được làm mới cứ đeo bám tôi mãi kể từ sau cái ngày tôi đăng bài viết ấy trên nhật ký web của tôi. Đó là lý do tại sao tôi cảm thấy đây chính là lúc đó, là lúc đào sâu hơn nữa, hiệu chỉnh hơn nữa và cập nhật hơn nữa những gì tôi đã từng viết xuống.

Tôi đã viết cuốn sách có tựa đề Bạn Không Phải Những Gì Bạn Cân cách đây hơn mười năm và theo thời gian, tôi gặp được nhiều người nữ đã tìm thấy tự do khi Lời Chúa chiếu rọi ánh sáng vào những mảng xám xịt trước kia của họ. Những người nữ từng bị giam cầm trong chứng bệnh rối loạn ăn uống trước kia, bây giờ là những người phụ nữ khoẻ mạnh và tự do. Đối với một số chị em phụ nữ, sự giải phóng gần như ngay lập tức. Chỉ trong một vài ngày, họ đã thấy mọi thứ theo một cách rất khác và họ có thể bước vào sự rộng lớn của một cuộc đời mới. (Đây là sức mạnh của những gì mà bạn thấy!)

Khi đọc lại những gì tôi đã viết nhiều năm trước, niềm mong mỏi của tôi vẫn thế, đó là bạn sẽ được kết hiệp với chân lý và chân lý sẽ giải phóng bạn tự do khỏi mọi sự cầm giữ của tầm nhìn. Những vấn đề về hình ảnh bản thân và cân nặng trước kia đã được nói đến thì giờ đây đang trở thành một câu chuyện rộng lớn hơn về cách bạn thấy chúng. Lời cầu nguyện nhiệt thành tôi dành cho bạn đó là thông qua những trang sách này, tầm mắt của bạn sẽ được khai mở và tầm nhìn của bạn sẽ được nâng lên.

CÁI NHÌN ĐƯỢC LÀM MỚI

Nhớ lần đầu tiên đeo kính cận, tôi đã tranh luận với người đo mắt của tôi rằng “Cặp kính này nhìn mới rõ làm sao! Tôi có thể nhìn thấy được mọi thứ!”

Anh ta đáp lại tôi rằng “Đó là cô cho là vậy.”

“Không, anh không hiểu đâu.” Tôi tiếp lời “Thậm chí tôi còn nhìn thấy rõ một từng chiếc lá trên cây nữa!”

Tôi đã từng nhìn thấy thế giới mờ nhạt ngoài kia bằng một tầm nhìn yếu ớt như vậy. Những cái cây với thân cây màu nâu thấp thoáng đâu đó những đốm màu xanh dịu mát vươn trên đỉnh đầu. Tôi đã chờ đợi, một khi tròng kính của tôi được đo đúng, tôi sẽ lại nhìn thấy những hình ảnh tương tự tuy nhiên chúng chỉ được khuếch đại lên thôi chứ không phải rõ ràng.

Tuy nhiên, với một cặp mắt kính chuẩn xác, thay vì khuếch đại lên, thế giới của tôi dường như bé lại và ít riêng tư hơn. Tôi để ý thấy có nhiều người ngồi trong xe chứ không phải chỉ thấy chiếc xe. Tôi tự hỏi những người tôi quen biết thường xuyên vẫy tay chào tôi như thế nào, hay tôi chỉ tìm kiếm những lời chào thân thiện được đáp lại bằng những cái nhìn chằm chằm nhưng chẳng có gì trong đó cả.

Đôi mắt của tôi đã bị che mờ bởi một cái tròng kính cận. Nhưng một khi cái màn che được lấy đi, tôi nhìn thấy được rõ ràng – có nhiều khi còn nhìn thấy rõ hơn những gì tôi mong đợi nữa. Tôi đã từng rất thích cái nhìn mờ ảo xung quanh dẫu cho sự tập trung vẫn có trong đôi mắt tôi khi ấy. Trên thực tế, bây giờ trong ánh sáng rất trong trẻo ấy, tôi đã thấy được từng vết đốm tàng nhang lẫn lỗ chân lông trên gương mặt mình. Một ngày kia, khi nhìn mình trong gương, tôi đã hỏi chồng tôi rằng “Anh vẫn luôn nhìn thấy em như thế này ư?”

“Là em có ý gì khi hỏi anh như thế?”, anh ấy đáp lời tôi với cái nhìn khó hiểu.

“Thế anh có nhìn thấy cái này không?”, tôi vừa hỏi vừa chỉ vào vết đốm nâu trên khuôn mặt của tôi.

“Anh thấy chứ.”

“Rồi, còn cái này thì sao?”, tôi vừa hỏi vừa chỉ vào chỗ khuyết điểm trên khuôn mặt tôi.

“Tất nhiên rồi em yêu.”

“Thế là anh đã luôn nhìn thấy chúng ư?”, “em không thích em trông như thế này khi em có thể nhìn thấy em như vậy,” tôi vừa lẩm nhẩm vừa quay mặt ra khỏi chiếc gương và tháo chiếc kính xuống.

John đến phía sau tôi rồi quay mặt tôi vào trong gương. “Em có muốn anh nói cho em biết thứ anh thấy không?”

Dĩ nhiên là tôi muốn nhưng tôi đã đáp lại anh bằng cái nhún vai. “Đeo kính của em vào và nhìn vào gương”, John bảo.

Trong lúc đứng đằng sau, anh ấy lần lượt chỉ cho tôi những gì anh đã thấy mỗi khi anh ấy nhìn tôi. Anh ấy làm nổi bật tất cả mọi thứ anh ấy thích về những đặc điểm của tôi. Sự tập chú của tôi bắt đầu thay đổi, thay đổi từ những khuyết điểm sang sự đáng yêu mà tôi đã không nhận ra trước đó. Khi nhìn kĩ hơn, tôi đã thấy được cái đẹp mà John đã thấy trong tôi.

Giống như tôi có cặp kính mới vậy, khi lần đầu tiên bạn đi ra khỏi tội lỗi và thấy được hình ảnh thật của mình, có lẽ bạn cũng không thích những gì bạn đã thấy – toàn là khiếm khuyết, những nếp nhăn, những vết nhơ của cuộc đời cũ trước đây. Sự sáng tỏ này sẽ đem lại sự khen ngợi thay vì những thiếu sót của bạn.

Với cặp kính mới, tôi đã nhận ra được một điều mới đó là: những khiếm khuyết của tôi đã luôn ở đó, nhưng dẫu vậy, tôi vẫn được yêu. Điều này cũng tương tự như vậy với bạn. Những khiếm khuyết của bạn đã luôn ở đó, nhưng dẫu vậy, Đức Chúa Trời vẫn yêu bạn.

Văn hoá của chúng ta ngày nay – kể cả trong văn hoá hội thánh khi văn hoá hội thánh đậm chất luật pháp và tôn giáo – thì văn hoá đó vẫn sẽ không ngừng khiến bạn tập chú vào những khiếm khuyết của bạn thay vì giá trị thực sự của bạn. Vô tình, bạn có thể cho phép những sự ảnh hưởng của văn hoá trang trí, làm méo mó và đắp một lớp mặt nạ lên những gì Đức Chúa Trời đã tạo dựng. Dễ lắm bạn bị mất đi khả năng nhìn thấy lẽ thật.

Chúa muốn gọi bạn ra khỏi nơi ẩn nấp lạnh lẽo, tăm tối để đem bạn vào vùng ánh sáng ấm áp, dịu nhẹ của sự nhận biết Ngài. Có lẽ bạn còn e ngại khi bước vào trong sự hiện diện của Ngài, bạn sợ bạn bị chặn lại do những sai lầm bạn đã phạm kể cả khi bạn đã là một Cơ đốc nhân. Bạn sợ những việc làm của bạn không đủ tốt hoặc không đủ nhiều để bạn được phép bước vào. Bạn sợ nếu bạn gọi, Ngài sẽ không đáp lời bạn. Cho nên, bạn sẽ trốn vào trong nỗi sợ bị khước từ, bạn cho rằng thà như thế còn tốt hơn là cố gắng thử rồi sẽ thất vọng. Thế rồi bạn không bước ra nữa, sự sợ hãi sẽ cuốn bạn đi xa mãi.

Tôi đang viết cuốn sách này để nhắc cho bạn nhớ rằng bạn không việc gì phải trốn tránh. Bạn có sự dạn dĩ vì cớ Đấng Christ. Đức Chúa Trời muốn bạn tự tin đến trước Ngài trong thì giờ có cần. Ngài muốn bạn được biến đổi thậm chí được biến đổi hơn cả con người bạn muốn trở thành nữa. Ngài mong mỏi trò chuyện cùng bạn còn hơn cả việc bạn muốn nghe từ Ngài. Ngài đang chờ đợi bạn quay trở lại với Ngài để Ngài có thể loại bỏ bất cứ điều gì từ trong tấm lòng bạn đang phân tách bạn ra khỏi mối tương giao mật thiết vinh hiển với Ngài!

QUẢ CÂN VÀ NHỮNG DỤNG CỤ ĐO LƯỜNG

Thế gian không ngừng cho bạn biết những gì làm nên giá trị của bạn – và rồi thế gian sẽ bán cho bạn một thứ gì đó mà thứ đó sẽ nâng cao giá trị của bạn theo tiêu chuẩn ấy. Nhưng Đức Chúa Trời sẽ tặng bạn một cái cân khác.

Một cái cân cân khối lượng hoặc đo tỉ suất trao đổi sao cho tương xứng giá trị với giá trị. Ví dụ, nếu một đô la có thể mua được 114g kẹo dẻo trái cây hình hạt đậu thì bạn sẽ đặt một quả cân nặng 114g vào phía bên này của chiếc cân và bên còn lại bạn sẽ đặt số lượng kẹo dẻo trái cây hình hạt đậu đó sao cho cả hai bên của chiếc cân đạt đến trạng thái cân bằng.

Một chiếc cân thật sẽ là biểu tượng của công lý, đại diện cho sự bình đẳng, ngang hàng và công bằng. Khi chiếc cân giữ được sự cân bằng hai bên thì điều đó được coi là công bằng. Khi chiếc cân công bằng mất cân bằng thì điều đó nói lên rằng chiếc cân đang nghiêng về một bên một cách không công bằng bởi tầm ảnh hưởng hoặc bởi những quả cân gian. Khi đó mọi phép tính đều sẽ không còn đáng tin cậy nữa.

Hẳn chúng ta đều nghe câu “những gì giá trị đều phải được đo bằng vàng.” Thành ngữ này có nguồn gốc từ trong thời kỳ cổ đại, khi những đồ vật quý giá được đặt lên bàn cân và cân thì vật cân xứng cho vật được cân phải là vàng tinh khiết nhất.

Tôi tin khái niệm này có sự áp dụng thực tiễn lẫn thuộc linh. Để hiểu rõ hơn về sự áp dụng thuộc linh, trước tiên chúng ta phải hiểu được sự áp dụng tự nhiên của khái niệm này.

Trong thời kỳ cổ đại, người bán hàng hay cân qua loa và dùng những quả cân sai khối lượng thật để trục lợi khách hàng. Ví dụ, nếu bạn mua 454g bột mì từ một người bán hàng gian lận, người này sẽ đặt một quả cân nhẹ hơn 454g vào một bên của chiếc cân rồi đặt khối lượng bột mì bạn cần mua vào bên còn lại.

Khi bạn nhìn cái cân, bạn sẽ thấy họ thêm hoặc bớt bột mì của bạn ra sao cho cái cân đạt đến trạng thái cân bằng. Bột mì của bạn sẽ được đổ vào trong một cái túi hoặc một cái lọ rồi bạn cầm lấy và tiếp tục đi. Khi bạn đi khỏi, bạn sẽ không tài nào biết được bao bột mì của bạn đã bị thiếu đi một vài gram.

Bạn sẽ đinh ninh rằng cái cân đó là chính xác. Nên sau tất cả, bạn chỉ xem để chắc chắn mà thôi – tuy nhiên quả cân 454g đễ giữ cân bằng mà người tiểu thương kia dùng thực chất chỉ nặng 397g mà thôi. Bạn đã trả tiền nhiều hơn cho số bột mì bạn thực nhận.

Theo cách này, những người buôn bán có thể gia tăng biên lợi nhuận của họ. Khi bạn về đến nhà, bạn tính nhẩm 454g bột mì cho công thức làm bánh của bạn và rồi khi đó bạn mới phát hiện ra vấn đề. Cách duy nhất để tránh sự cân gian này đó là đi đến một cửa hàng uy tín và tự mua cho bạn những quả cân với khối lượng chính xác. Nhưng thậm chí dù có dùng đến những quả cân này đi chăng nữa thì thể nào những người bán hàng kia cũng sẽ cãi với bạn rằng những quả cân của họ đều là chính xác, còn của bạn thì quá nặng.

MUA GIAN

Những thương nhân này cũng sẽ dùng cách này khi họ mua ngũ cốc từ những người nông dân. Đối với nhà cung cấp, họ sẽ dùng một loạt những quả cân khác. Nhưng quả cân này sẽ nặng hơn so với khối lượng thực chất chúng đại diện. Ví dụ, quả cân có khối lượng 454g lại thực cân đến 511g. Những người nông dân thường sẽ bán ngũ cốc cho những người buôn với số lượng lớn. Nên dụng cụ đo lường sai chỉ một chút thôi là những người buôn cũng đã rất hời – còn lỗ nhiều nhất vẫn là những người nông dân không hay biết gì kia.

Trong thời kỳ cổ đại, cách duy nhất để tránh sự gian lận này đó là bạn phải có phương pháp cân riêng cho hàng hoá của bạn trước khi bạn đem chúng ra chợ. Cách này cũng không khác gì so với ngày nay. Nếu bạn không có bất kỳ sự đánh giá hay xác định phẩm chất chính xác cho giá trị của bạn, bạn sẽ bán lỗ. Thật là quan trọng khi từ chối giá trị kẻ thù định cho chúng ta. Bạn phải biết thẩm quyền và vị trí bạn có qua Chúa Giê-su.

Những quả cân gian cũng sẽ khiến bạn bán lỗ chính mình. Nếu bạn chấp nhận sự đo lường hay giá trị của nền văn hoá là chính xác thì bạn cũng sẽ không bao giờ biết được bạn đã bị bán lỗ nhiều bao nhiêu.

Để chống lại sự lừa bịp này, bạn cần đi đến một nguồn mua đáng tin cậy và mua một vài quả cân chính xác, là những quả cân không bị giả mạo hay bị làm cho rỗng ruột bởi những kẻ buôn bán của đời này.

DỤNG CỤ ĐO LƯỜNG CHÍNH XÁC

Một dụng cụ đo lường chính xác chúng ta tìm kiếm phải là dụng cụ giữ cho cân bằng giữa sự thật và giá trị. Dụng cụ đo lường đó phải sạch, không bị hư, phải đặc ruột và đã qua kiểm nghiệm. Có một nguồn duy nhất có thể tìm được kiểu dụng cụ đo lường này. Nó được tìm thấy trong kho tàng khôn ngoan và mưu luận của Đức Chúa Trời. Một khi chúng ta tìm thấy được dụng cụ đo lường này, chúng ta phải dùng nó để đảm bảo rằng chúng ta sẽ không bao giờ bị bán đi để đổi lại một thứ gì đó kém giá trị hơn.

Dụng cụ đo lường này sẽ bao hàm lẽ thật trong đó. Vì lẽ thật của Đức Chúa Trời sẽ giải phóng chúng ta tự do. Hãy phát hoạ cuộc tìm kiếm lẽ thật của chúng ta theo sau sự tìm kiếm của Sa-lô-môn. Mặc dầu ông là người khôn ngoan nhất từng sống trên đất nhưng ngay từ ban đầu chính ông cũng thừa nhận rằng ông không có trọn mọi câu trả lời.

Sa-lô-môn đã cài đặt trong tâm trí vua về việc theo đuổi sự khôn ngoan và hiểu biết ý nghĩa ẩn đằng sau mọi điều Đức Chúa Trời đã tạo dựng. Là một vị vua cai trị đất nước trong thời bình, nhưng vua lại có thể dành trọn cả cuộc đời để đeo đuổi hai điều này. Thật thú vị khi để ý thấy rằng sự đeo đuổi này vốn là công cuộc tìm kiếm của vua kể cả sau khi Đức Chúa Trời hiện ra với vua Sa-lô-môn trong giấc mơ:

Đức Giê-hô-va hiện ra với Sa-lô-môn trong giấc chiêm bao ban đêm; Đức Chúa Trời phán: “Hãy xin điều gì con muốn Ta ban cho con.” (1 Các Vua 3:5)

Bạn có thể hình dung cao trào của khoảnh khắc này không? Giả sử tấm lòng của vua Sa-lô-môn chưa chuẩn bị gì thì sao? Tôi đã nói và làm một số hành động khá điên rồ lúc tôi nằm mơ. Vua Sa-lô-môn có thể đã xin “một điều tốt đẹp” nhưng rồi lỡ mất đi “điều của Chúa”. Vua có thể xin Chúa ban cho Giê-ru-sa-lem sự cường thịnh và vương quốc của vua sẽ được mở rộng thêm. Vua có thể xin Chúa ban sức khoẻ tốt đẹp cho vợ con vua.

Nhưng vua đã không làm thế.

Lời cầu xin của vua Sa-lô-môn phản chiếu lên điều Đức Chúa Trời ước ao ở nơi một vị vua của Y-sơ-ra-ên. Vua trả lời Ngài rằng:

Vậy, xin Chúa ban cho đầy tớ Ngài tấm lòng khôn sáng để xét xử dân Ngài và phân biệt đúng sai; vì ai có thể xét xử đoàn dân đông đảo nầy của Chúa? (1 Các Vua 3:9)

Đây không phải là câu trả lời ai cũng biết. Vua Sa-lô-môn đã hạ mình xuống trước nhiệm vụ to lớn được đặt ra trước mặt vua. Chúa đẹp lòng với lời cầu xin của vua Sa-lô-môn. Cho nên Ngài đã ban phước cho vua còn hơn thế nữa:

Đức Chúa Trời phán với vua: “Vì con đã xin điều nầy mà không xin cho con được sống lâu hay giàu có, cũng không xin mạng sống của những kẻ thù con, nhưng xin sự khôn sáng để xét xử thích đáng, nên Ta làm theo điều con xin. Ta ban cho con tấm lòng khôn ngoan thông sáng, đến nỗi trước con không ai bằng và sau con cũng sẽ không ai sánh kịp. Hơn nữa, Ta cũng ban cho con những điều con không xin, tức là sự giàu có và danh vọng, đến nỗi trọn đời con, không ai trong các vua được như con.” (1 Các Vua 3:11-13)

GẶT HÁI SỰ KHÔN NGOAN

Không những vua Sa-lô-môn là người khôn ngoan nhất trong những người từng sống trên đất mà vua còn nâng tầm những người đi theo vua và sự khôn ngoan của vua vượt trội hơn hết thảy mọi sự khôn ngoan trong tất cả những thế hệ trước và sau vua. So với tất cả sự tân tiến về công nghệ và tốc độ truy cập Internet nhanh chóng của chúng ta ngày nay, vua Sa-lô môn vẫn là người khôn ngoan nhất. Vua không hề rút ra bất cứ thứ gì từ nguồn công nghệ cao như chúng ta nhưng vua đã rút và học được sự khôn ngoan từ nguồn cố vấn của Đấng Tạo Hoá và vì thế mà vua là người khôn ngoan nhất.

Ngay từ đầu, lời tuyên bố này dường như không thể tin được nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng đây thực sự là lẽ thật vì lẽ thật này được lập nên bởi Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta bị khiếp kinh rằng làm sao điều này lại có thể là thật thì đó là vì chúng ta đang dùng phép đo méo mó để đo lường sự khôn ngoan.

Có một sự nhấn mạnh dễ bị hiểu lầm đó là tích luỹ kiến thức là khôn ngoan. Nếu điều này thực sự đúng thì đỉnh cao chất ngất của kiến thức đó mang lại gì cho chúng ta? chúng ta đang sống trong một nền văn hoá đầy rẫy sự nghèo đói, sự thừa mứa, sự truỵ lạc, bạo lực và gian ác. Cái chúng ta có là một thế hệ những con người tự hành động dựa trên quy tắc của bản thân và kiêu căng, ngạo mạn. Thế giới của chúng ta đâu đâu cũng có bệnh tật, dịch lệ, tham vọng và chiến tranh. Như vậy hiển nhiên là trong sự đeo đuổi tri thức chúng ta đã lãng quên lẽ thật.

Nếu không có sự khôn ngoan, chúng ta có lẽ vẫn có được mọi sự hiểu biết mà thế giới này mang đến và chúng ta vẫn cứ ngờ ngệch. Chúng ta không cần giỏi công nghệ hơn hay có kiến thức nhiều hơn nữa. Linh hồn của chúng ta đang gào khóc về sự khôn ngoan. Sự khôn ngoan là khả năng vận dụng kiến thức, kinh nghiệm và sự thật trong khi vẫn gìn giữ mối quan hệ đúng đắn với Đức Chúa Trời và với con người.

Sự khôn ngoan trao cho chúng ta một cặp mắt biết để ý thấy và một đôi tai biết lắng nghe và thấu hiểu. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể nhận biết được lẽ thật khi chúng ta tìm kiếm nó. Trong việc đeo đuổi tri thức, chúng ta bị trật ra khỏi con đường khôn ngoan cùng sự thận trọng. Chúng ta cho phép tri thức nâng chúng ta lên phạm vi của sự cai trị theo bản ngã. Chúng ta trở thành thế hệ dại dột bị cai trị bởi bản ngã hoặc cái tôi, tự lấy cái tôi làm động lực. “Kẻ ngu dại nói trong lòng rằng: “Chẳng có Đức Chúa Trời.”” (Thi Thiên 14:1). Có nhiều người nhận biết sự tồn tại của Đức Chúa Trời trong khi đó họ lại sống như thể Ngài không tồn tại vậy.

Sa-lô-môn cảm biết vua rất rất cần sự khôn ngoan. Là nhà lãnh đạo dân sự của Đức Chúa Trời, vua gánh trên vai trọng trách cai quản cả một đất nước rộng lớn. Vua đã cài đặt trong tấm lòng vua rằng phải dành cả đời để đeo đuổi sự khôn ngoan. Vua được đặt ở vị trí hoàng gia nên sự giàu có của vua là không gì bì kịp, tầm ảnh hưởng của vua lại rộng khắp, thẩm quyền và sức mạnh của vua thì được kính nể. Các vua từ mọi nơi trên thế giới đều đem lễ vật triều cống cho vua trong sự kính trọng và nể phục tài khôn ngoan cùng sự xuất chúng của vua.

Mặc dầu bạn không có mọi nguồn lực như vua Sa-lô-môn nhưng sự khôn ngoan của vua đã được ký thuật lại hầu cho bạn có thể tiếp tục được ích lợi từ đó. Và thậm chí còn hơn thế nữa, bạn luôn có con đường để đến với Đấng là nguồn của mọi sự hiểu biết uyên bác mà vua Sa-lô-môn có.

CÔNG CUỘC TÌM KIẾM LẼ THẬT

Tôi tin Đức Chúa Trời sẽ đánh thức câu hỏi gây tò mò trong chúng ta khi Ngài muốn chúng ta đi tìm đáp án. Để học thì trước hết chúng ta phải hỏi. Những câu hỏi không phải lúc nào cũng dễ chịu nhưng chúng cần thiết. Thông qua cuốn sách này, tôi sẽ đặt ra nhiều câu hỏi và tôi không muốn bạn bỏ qua chúng! Tôi muốn bạn dành thì giờ để tìm cho bằng được những câu trả lời thành thật nhất từ bên trong tấm lòng bạn. Hãy cầu xin Đức Chúa Trời chiếu sự sáng vào mọi ngóc ngách trong tấm lòng bạn đang e sợ bị dò thấy. Bằng tình yêu và ân điển của Ngài, bạn có thể đối diện với bất cứ điều gì trong hành trình khám phá chính mình.

Trong cuốn sách này, tôi sẽ hỏi bạn – dù biết là bạn không thể nghe được giọng nói của tôi và tôi cũng không thể nghe được câu trả lời của bạn. Nhưng thông qua những trang sách này, bạn và tôi có thể kết nối với nhau thân mật hơn ở cấp độ không lời, là cấp độ mà nếu chúng ta có gặp mặt nhau thì cũng chưa chắc có thể thực hiện được.

Tôi không cho rằng mình biết hết mọi đáp án trên đời nhưng cuốn sách này là tiếng lòng tôi dành cho bạn và tôi tin nó cũng mang một chút tấm lòng của Cha. Thông qua những trang sách không lời này, chúng ta sẽ trò chuyện cùng nhau – và lời cầu nguyện của tôi đó là quyền năng của Đức Thánh Linh sẽ che phủ tất cả những gì chúng ta thảo luận hầu cho chúng ta có thể lượm lặt sự khôn ngoan của Ngài.

Khi bạn lật mở những trang sách này và đọc lên lẽ thật của Đức Chúa Trời, Ngài sẽ loại bỏ những chiếc cân giữ bạn khỏi việc nhìn thấy. Hãy để ánh sáng của Ngài soi sáng đôi mắt bạn.

Hãy cầu nguyện cùng tôi:

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha yêu dấu của con, con xin Cha mặc khải lẽ thật của Cha cho con qua Lời và Thánh Linh của Ngài. Lạy Chúa, xin ban cho con một đôi mắt có thể nhìn thấy, một đôi tai biết lắng nghe và một tấm lòng biết quan sát và hiểu biết. Trên tất cả những điều này, lạy Chúa, xin ban cho con sự sẵn lòng và một tấm lòng dễ uốn nắn để con tin cậy và áp dụng lẽ thật của Ngài hầu cho tấm lòng của con sản sinh ra bông trái của Ngài trong đời sống con. Con đồng ý để Ngài thay đổi góc nhìn của con. Xin bày tỏ chính Ngài cho con vì Ngài chính là đường đi, chân lý và sự sống. Amen!

Hãy tin cậy rằng Ngài nhậm lời bạn.

0 Comments

Heads up! Your comment will be invisible to other guests and subscribers (except for replies), including you after a grace period.
Note