Search Jump: Comments
Header Background Image

 

Phần Một

KHAI PHÓNG NIỀM VUI CỦA CHÚA

 

1. CÁC GIAI ĐOẠN CỦA TRẦM CẢM

Tôi kiên nhẫn trông đợi CHÚA, Ngài nghiêng qua nghe tiếng kêu cứu của tôi. Ngài kéo tôi lên khỏi hố khủng khiếp, khỏi vũng bùn lầy. Ngài đặt chân tôi trên tảng đá, làm cho bước chân tôi vững vàng.
Thi Thiên 40:1-2

Trong từ điển Webster 1828 nói về trầm cảm thế này, “Một hành động bị đè nén… một tâm trạng xuống dốc; một tinh thần xuống thấp; sự chán nản; hay một tình trạng buồn bã; thiếu đi lòng can đảm… một tâm trạng kiệt sức.”

Ai Bị Trầm Cảm?

Con người từ mọi đối tượng: các giáo sư – các bác sĩ, luật sư, người lao động chân tay – công nhân, người nội trợ, các thanh thiếu niên, các em thiếu nhi, người cao niên, người độc thân, những người góa chồng, góa vợ và thậm chí các mục sư cũng đều có thể bị trầm cảm.

Kinh Thánh kể về các vị vua, các tiên tri bị trầm cảm. Vua Đa-vít, tiên tri Giô-na và Ê-li là ba tấm gương rõ ràng. (Xem Thi Thiên 40:1,3; 55:4; Giô-na 1 và 2; 1Các Vua 19:4-8).

Tôi tin lý do rất nhiều người bị trầm cảm là vì ai trên cõi đời này cũng đều phải đối mặt với sự thất vọng. Nếu chúng ta không biết cách xử lý nó đúng cách thì sự thất vọng có thể dẫn tới trầm cảm. Từ những gì tôi đã quan sát, sự thất vọng là giai đoạn đầu tiên của trầm cảm.

Xử Lý Sự Thất Vọng

Tất cả chúng ta phải đối diện và xử lý sự thất vọng ở những thời điểm khác nhau. Không một ai đang sống mà mọi việc xảy ra trong cuộc đời họ đều theo cách họ muốn và theo cách họ mong đợi.

Khi công việc không hanh thông hay thất bại, không theo kế hoạch của chúng ta, điều đầu tiên chúng ta cảm thấy là sự thất vọng. Điều này là bình thường. Cảm thấy thất vọng không có gì là sai. Nhưng chúng ta phải biết làm gì với cảm giác đó, còn không nó sẽ chuyển sang điều gì đó nghiêm trọng hơn.

Trong thế gian chúng ta không thể sống mà không có sự thất vọng, nhưng trong Chúa Giê-su chúng ta luôn được trao cơ hội để tái hy vọng.

Trong Phi-líp 3:13, chúng ta đọc một câu nói của sứ đồ Phao-lô:

Thưa anh chị em, tôi không nghĩ rằng tôi đã chiếm được rồi. Nhưng chỉ chú tâm vào một điều: Quên đi những điều đã qua, phóng mình đuổi theo những điều phía trước.

Phao-lô nói rằng điều quan trọng nhất với ông là bỏ qua những sự ở phía sau và bươn tới những sự ở đằng trước! Khi chúng ta bị thất vọng thì lập tức tái hy vọng, đó chính xác là điều chúng ta nên làm. Chúng ta buông những nguyên nhân gây ra sự thất vọng và bươn tới điều Chúa dành cho chúng ta. Chúng ta nhận khải tượng, kế hoạch, ý tưởng mới, một cái nhìn tươi mới, một lối tư duy mới và chúng ta thay đổi sự tập trung sang những điều này. CHÚNG TA QUYẾT ĐỊNH ĐI TIẾP!

Ê-sai 43:18, 19 nói thế này:

Đừng nhớ đến những việc trước kia, cũng không nên suy nghĩ đến những điều xưa cũ. Này, Ta đang làm một điều mới. Bây giờ nó đang xuất hiện, các ngươi không nhận thấy sao? Phải, Ta sẽ làm một con đường trong sa mạc, tạo các sông nơi đồng hoang.

Ê-sai 42:9 nói:

Kìa, những điều trước tiên đã ứng nghiệm, và Ta công bố cho các ngươi những điều mới; Trước khi chúng xảy ra, Ta bảo trước cho các ngươi biết.

Từ hai câu Kinh Thánh này chúng ta thấy Chúa sẵn lòng thực hiện một điều mới trong cuộc đời chúng ta. Ngài luôn có điều gì đó tươi mới, nhưng chúng ta dường như muốn bám vào cái cũ. Có vẻ một số người muốn nói về những sự thất vọng của họ trong cuộc sống hơn là những giấc mơ và khải tượng cho tương lai của họ.

Những sự thương xót của Chúa là mới mỗi ngày. “Lòng thương xót Ngài chẳng dứt, nhưng tươi mới luôn mỗi buổi sáng…” (Ca Thương 3:22-23). Mỗi ngày là một sự khởi đầu mới! Chúng ta có thể buông những sự thất vọng của hôm qua và để cho Chúa có cơ hội để làm điều gì đó tuyệt vời cho chúng ta hôm nay.

Có thể bạn suy nghĩ, “Bà Joyce ơi, tôi đã thất vọng nhiều lần, tôi sợ hy vọng lắm.” Chính tại chỗ mất hy vọng mà ma quỷ muốn bạn ở đó! Tôi biết nơi đó vì nhiều năm trước tôi từng ở đó khi nhà tôi là Dave và tôi lấy nhau. Trước đó tôi từng bị lạm dụng, bị bỏ rơi và bị bạc đãi bởi rất nhiều người, đến nỗi tôi thậm chí sợ hy vọng mọi thứ sẽ thay đổi.

Nhưng qua việc học Lời Chúa, tôi đã nhận ra rằng sự thất vọng là nơi vô cùng bất hạnh để sống. Tôi thà hy vọng cả đời mà không nhận được gì hơn là liên tục sống trong cảm giác thất vọng.

Hy vọng chẳng tốn gì cả và kết quả nó có thể đem lại thì rất phong phú. Tuy nhiên, sự thất vọng thì cực kì đắt đỏ. Nó làm tiêu hao sự vui mừng và các ước mơ cho tương lai của bạn.

Chúng ta có một lời hứa từ Chúa rằng người nào đặt hy vọng trong Ngài sẽ không bao giờ bị thất vọng hay xấu hổ (Rô-ma 5:5). Tôi không tin điều này nghĩa là chúng ta sẽ không bao giờ trải qua sự thất vọng. Như tôi đã chia sẻ, không ai sống trên đời này mà không bị thất vọng. Tôi tin câu đó có nghĩa là chúng ta sẽ không phải sống trong sự thất vọng. Việc giữ hy vọng của chúng ta trong Chúa Giê-su cuối cùng sẽ sản sinh những kết quả tích cực.

Những Mong Đợi Bị Tiêu Tan

Những mong đợi bị tiêu tan sẽ dẫn tới sự thất vọng. Mỗi ngày chúng ta có nhiều sự mong đợi trong những lĩnh vực khác nhau. Ví dụ, bạn nằm xuống và mong đợi một giấc ngủ ngon, nhưng nửa đêm có một cuộc điện thoại gọi lộn số. Rồi sau khi thức dậy bạn không thể quay lại ngủ vì một số lý do. Bạn trở qua trở lại cả đêm và sáng hôm sau bạn ra khỏi giường thấy sức mình cạn kiệt.

Chúng ta mong một ngày đầy nắng ấm nhưng trời lại đổ mưa. Chúng ta mong đợi được đề bạt tại công sở nhưng không được gì.

Chúng ta có những mong đợi về con người. Chúng ta mong những người bạn tốt không nói xấu về chúng ta, nhưng chúng ta thấy đôi khi họ lại nói xấu. Chúng ta mong những bạn bè hiểu chúng ta và đáp ứng các nhu cầu của chúng ta khi chúng ta đến với họ, nhưng không phải lúc nào họ cũng làm thế. Chúng ta mong đợi điều này hay điều kia từ chính bản thân mình nhưng chúng ta không làm được. Nhiều lần tôi đã hành xử theo những cách mà bản thân tôi đã không mong đợi!

Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều mong đợi nhiều từ bản thân mình hơn chúng ta có thể đảm trách và thường chúng ta đâm ra thất vọng với bản thân. Chúng ta mong đợi điều này, điều kia từ Chúa mà thực tế nó lại không có trong kế hoạch của Ngài cho đời sống chúng ta. Vâng, cuộc đời chúng ta đầy những sự mong đợi và một số trong đó đã không hề xảy ra.

Từ thời điểm khi chúng ta đâm ra thất vọng, thì chúng ta phải quyết định mình sẽ làm gì – chúng ta sẽ phản ứng ra sao. Tôi thấy nếu tôi thất vọng quá lâu, tôi sẽ bắt đầu cảm thấy nản lòng. Sự nản lòng là một nan đề sâu hơn sự thất vọng một chút.

Sự Nản Lòng

Từ điển Webster’s 1828 định nghĩa sự nản lòng là “sự nản chí, mất hết can đảm hay tự tin,” và sự nản lòng là “một hành động thối lui, không muốn làm gì hết; một hành động thiếu đi sự tự tin;” và nó “làm yếu đi lòng tự tin và hy vọng.” Một nghĩa khác của nản lòng là “tìm cách ngăn cản.”

Sự nản lòng là trái ngược với sự can đảm. Khi chúng ta nản lòng, chúng ta mất đi can đảm. Tôi tin Chúa ban can đảm cho người nào tin nơi Ngài, nên về tự nhiên, satan cố cướp đi lòng can đảm của chúng ta. Duy trì sự mạnh mẽ và can đảm là một trong những quy luật cốt lõi để thành công trong bất cứ việc gì.

Trong Giô-suê chương 1, Chúa bảo Giô-suê rằng Ngài sẽ khiến Giô-suê chiếm xứ nhưng ông phải cứ mạnh mẽ và can đảm (câu 6). Tôi tin Chúa muốn cảnh báo Giô-suê rằng kẻ thù sẽ cố khiến ông nản lòng. Chúng ta cần được giáo dục về các chiến thuật của satan và sẵn sàng chống cự lại mỗi chiến thuật đó ngay từ đầu (1 Phi-e-rơ 5:9).

Châm Ngôn 13:12 cho biết, “Hy vọng bị trì hoãn làm lòng dạ đau đớn…” Khi chúng ta đâm ra nản lòng về chuyện gì đó, chúng ta cũng sẽ thất vọng về nó. Chúng ta không thể vừa nản lòng vừa hy vọng cùng lúc. Ngay khi hy vọng trở lại thì sự nản lòng phải rời đi. Đôi lúc khi chúng ta phải chống chọi để có một thái độ đúng, chúng ta có thể bị chao đảo giữa hy vọng và nản lòng. Thánh Linh muốn dẫn dắt chúng ta đến chỗ hy vọng, còn satan tấn công chúng ta bằng sự nản lòng.

Tại thời điểm này, điều quan trọng là các tín hữu phải chiến thắng trong thế giới tâm linh. Nếu không thì tình trạng của người đó sẽ tệ hơn. Rồi anh ta sẽ rơi vào trầm cảm. Sự thất vọng trong một thời gian ngắn có thể không có tác động tàn phá, nhưng sự nản lòng lâu dài thì có thể gây tác hại.

Để có chiến thắng và giữ thái độ hy vọng, chúng ta cần đổi mới tâm trí theo những lời hứa của Chúa liên quan đến hoàn cảnh của chúng ta và đứng vững trong đức tin, tin rằng Chúa sẽ làm những gì Lời Ngài nói Ngài sẽ làm.

Các Mức Độ Trầm Cảm

Nên điều quan trọng là tín hữu phải vượt qua điều này sớm vì một khi ai đó đã bị trầm cảm thì có thể dẫn tới những mức độ tai hại khác – sau trầm cảm thì có hai cấp độ sâu hơn đó là sự ngã lòng và sự tuyệt vọng. Một người bị trầm cảm nhẹ sẽ không nghĩ đến việc tự tử, nhưng một người tuyệt vọng thì sẽ làm vậy.

Người bị trầm cảm nhẹ có thể cảm thấy buồn rầu và không muốn nói chuyện hay đi ra ngoài. Họ cảm thấy như thể chỉ muốn ở một mình. Họ suy nghĩ tiêu cực, họ có thái độ chua chát.

Người bị trầm cảm nhẹ thỉnh thoảng cũng có những tia hy vọng. Cuối cùng thì chính hy vọng đó sẽ kéo họ ra khỏi trầm cảm.

Người ngã lòng có tất cả những triệu chứng tương tự của người trầm cảm, nhưng các triệu chứng đó nặng hơn. Người đó bị “ngã lòng” (từ ngữ của Thi Thiên 37:24; 42:5), tâm trí chán nản, tâm linh yếu mòn, mất hết can đảm và suy sụp do không còn hy vọng gì.

Một người tuyệt vọng có những triệu chứng tương tự như người bị trầm cảm, nhưng ở một cấp độ nặng hơn cả người ngã lòng. Từ Điển Giải Thích Từ Ngữ W. E. Vine’s Expository Dictionary of New Testament Words chuyển ngữ từ Hy Lạp nói về sự tuyệt vọng như thế này; “hoàn toàn không có lối thoát, vô phương cứu chữa, không trông cậy vào ai được.”

Sự tuyệt vọng khác biệt với sự ngã lòng ở chỗ sự tuyệt vọng có đặc trưng là hoàn toàn mất hết hy vọng trong khi đó sự ngã lòng thì không. Người ngã lòng thì thất vọng, nhưng không mất hết hy vọng. Kéo theo sau sự ngã lòng chính là sự buông xuôi, không muốn làm gì; sự tuyệt vọng đôi khi có liên hệ tới hành động bạo lực, thậm chí là điên tiết.

Người có hành động tự tử – hành động bạo lực chống lại bản thân, là người ở trong sự tuyệt vọng nặng nề. Chiến thuật của satan là bắt đầu kéo ai đó đến chỗ mất hết những hy vọng hay rơi vào một số thất vọng nào đó.

Để tránh khỏi con đường dẫn đến tuyệt vọng, điều rất quan trọng là phải xử lý các giai đoạn đầu của sự trầm cảm ngay từ đầu!

0 Comments

Heads up! Your comment will be invisible to other guests and subscribers (except for replies), including you after a grace period.
Note