1 - Kết Nối Những Chấm Nét

X - Gia Tăng Tiềm Năng Chúa Cho

Đăng vào: 11 tháng trước

.

1

Kết Nối Những Chấm Nét

Năm đó là năm 2012. Tôi có lịch giảng tại vùng Los Angeles cho các buổi nhóm cuối tuần của hội thánh. Lịch trình thông thường của tôi là bay đến vào chiều thứ

Bảy, giảng dạy tối thứ Bảy và sáng Chủ nhật và bay về nhà chiều Chủ nhật. Nhưng lịch trình này sắp thay đổi.

Một trong những người bạn trong chức vụ của chúng tôi, tôi gọi anh là Stan, khi phát hiện tôi có lịch đến vùng LA, đã gọi điện và hỏi không biết tôi có muốn chơi gôn tại câu lạc bộ nổi tiếng Riviera Country Club. Tôi khỏi phải suy nghĩ nhiều, chơi môn này là ưu tiên hàng đầu của tôi. Tôi nhiệt thành trả lời, “Chắc chắn là được rồi, tôi rất thích!”

Để tôi chia sẻ một vài chi tiết đằng sau chuyện này. Suốt trên 35 năm đi lại giảng dạy Lời Chúa, mỗi lần nói chuyện với thính giả thì sở thích chơi gôn của tôi lại được nhắc tới. Kết quả, dù không tính trước, suốt nhiều năm luôn có người mời tôi chơi gôn tại một số câu lạc bộ gôn sang trọng nhất thế giới. Nên đây chắc chắn là một cơ hội.

Đây là một lời mời rất đặc biệt. Riviera là một câu lạc bộ rất sang trọng, rất khó để tham gia. Mỗi năm câu lạc bộ này đã tổ chức các tour PGA được gọi là Genesis Invitational (trước đây được biết là Los Angeles Open). Họ cũng tổ chức các vòng loại gồm US Opens, giải vô địch PGA, giải nghiệp dư US Amateur và nhiều giải vòng loại khác.

Stan đã đón tôi lúc sáng sớm. Chuyện đã trở nên thú vị hơn đó là một trong những người bạn thân của tôi là Aaron Baddeley, vừa mới giựt giải mở rộng LA Open năm ngoái. Tôi còn nhớ những cú đánh suất sắc của cậu ta khi giựt giải vòng loại hồi năm 2011!

Tôi bắt đầu bốn lỗ đầu trong ba ván và kết thúc đánh vào hai lỗ trong một ván. Stan và tôi đã có thời gian tuyệt vời bên nhau; thật là một buổi sáng khó quên.

Đang lúc lái xe về khách sạn ở khu trung tâm Los Angeles, Stan hỏi một câu hỏi thật lòng : “John, tôi có thể hỏi anh một vấn đề mà tôi đang tranh chiến được không?”

“Được”

Với phong cách cởi mở và chân thành, anh nêu ra câu hỏi, “John, tôi đã làm việc miệt mài và cần mẫn, để rất nhiều giờ cho công việc kinh doanh của tôi suốt vài thập kỷ qua. Giá trị ròng của tôi giờ ước tính khoảng 9 triệu đô la. Mọi chuyện đều trơn tru với những khách hàng hiện tại. Kết quả của những năm tháng làm việc siêng năng là vợ con tôi có thể sống tự do tài chánh suốt đời.”

Rồi đây là câu hỏi của anh ta: “Bây giờ tôi bước vào cái tuổi năm mươi, tại sao tôi phải làm việc cật lực như trước đây? Sao tôi phải tranh chiến để xây dựng một công việc kinh doanh đáng giá 35 triệu đô la cho 10 năm tới.”

Đức Thánh Linh đã ban cho tôi sự khôn ngoan để biết cách trả lời. “Để tôi đưa ra cảnh này cho anh,” Tôi nói, “Giả thử tôi nói với anh,“Stan, tôi đã để nhiều năm làm việc cần mẫn để viết 17 cuốn sách mà bây giờ đã dịch trên tám mươi thứ tiếng và đã in ra hàng triệu bản. Tôi đã bay trên 10 triệu dặm suốt 25 năm qua, bị say máy bay nhiều lần, trải nghiệm qua nhiều nền văn hóa và nếm rất nhiều loại thức ăn và ở tại nhiều khách sạn lớn nhỏ – tất cả chỉ để giảng Tin Lành cho khắp thế giới. Chức vụ tôi đang làm rất tốt và tài chánh rất ổn định; vợ con tôi cũng rất ổn. Tại sao tôi lại làm việc cật lực làm chi nữa?”

Thật là một lý luận hoàn hảo. Với một chút e dè, anh ta trả lời, “Tôi không muốn rơi vào hoàn cảnh như anh khi anh đối diện với Chúa Giê-su một ngày nào đó.”

Tôi trả lời ngay, “Stan, đó chính là điều anh nói với tôi liên quan đến công việc kinh doanh của anh.”

Khuôn mặt anh không còn tươi nữa. Anh quay sang nhìn ra ngoài xa, lộ vẻ hơi sốc. Anh thắc mắc với vẻ nghi ngờ, “Làm sao anh đạt được mục tiêu?”

“Stan, Chúa đã ban ơn cho mỗi con cái Ngài. Những ân tứ này được Chúa ban cho để xây dựng Vương Quốc của Ngài. Tuy nhiên, chúng ta là những người quản gia và vì vậy chúng ta có thể chọn dùng các ân tứ này theo ba cách sau:

“Chúng ta có thể dùng các ân tứ để xây dựng Nước Chúa.” “Chúng ta có thể dùng các ân tứ này để xây dựng bản thân.”

“Chúng ta có thể bỏ lơ hoàn toàn các ân tứ này.”

Stan bắt đầu để ý nên tôi nói tiếp, “Một trong những ân tứ rõ ràng của tôi là viết sách và giảng dạy; còn ân tứ của anh là kinh doanh và dâng hiến. Anh có thể cười với cách giả thử của tôi! Tuy nhiên, hoàn cảnh của anh cũng tương tự như tôi. Các ân tứ của anh cũng quan trọng như các ân tứ của tôi trong việc xây dựng vương quốc Chúa. Thật ra, ân tứ của anh quan trọng hơn nhưng anh chưa tìm ra điểm nối kết!”

Chúng ta tiếp tục nói chuyện về vấn đề này. Qua cuộc nói chuyện đó, tôi thấy rất thỏa lòng và thích thú khi nhìn thấy một sự biến chuyển nhanh chóng trong suy nghĩ và thái độ của Stan.

Sáu tháng sau đó, tôi gọi cho Stan để hỏi thăm và xem thử anh thế nào. Lại là một cuộc nói chuyện ấn tượng khác.

“Chào, Stan anh thế nào?”

Câu trả lời của anh làm tôi rất bất ngờ, “Anh có muốn biết sự thật không?”

“Dĩ nhiên là muốn rồi!”

“Tôi đã bị ám ảnh bởi những lời anh nói với tôi cách đây sáu tháng.”

“Vậy anh đã làm gì rồi?”

Nở nụ cười, anh ta trả lời nhanh, “Tôi đang dồn hết nỗ lực để xây dựng công việc kinh doanh của tôi lên tới 35 triệu đô la nhằm mục đích xây dựng Nước Chúa.”

“Thật phước cho anh!”

Stan hiểu được một thực tế rằng anh ta không phải là quan sát viên trong việc mở mang Nước Chúa mà là một thành viên quan trọng. Anh ta đã nắm bắt được khải tượng, là điều mà nhiều người không hiểu được, đó là những khả năng của anh cũng có giá trị cho cõi đời đời, chứ không chỉ là tạm thời. Bây giờ thì anh hiểu được anh được Chúa cho ơn kinh doanh cho mục đích lớn lao hơn bản thân anh và gia đình anh. Tôi rất biết ơn là anh rất thẳng thắn, chân thành và khiêm nhường. Những đức tính này giúp anh đón nhận những lẽ thật đã thay đổi cuộc đời anh. Và nhờ lời làm chứng của anh, không chỉ anh mà rất nhiều người khác cũng được đổi đời.

Sự soi sáng của Stan bây giờ đã trở nên động cơ để nhân cấp và làm sáng tỏ mục đích chính của cuốn sách này. Khi nói chuyện với các tín hữu trong suốt những năm tháng đi lại hầu việc Chúa, tôi thấy có một thực tế đáng buồn đó là rất nhiều tín đồ suy nghĩ như Stan. Thật ra, tôi nói trừ hao chứ rất nhiều tín đồ như vậy. Tuy nhiên, nhiều người không nhìn nhận vấn đề như Stan nên khi cuộc nói chuyện chấm dứt thì họ không làm gì cả.

Nếu bạn thắc mắc về mục đích của bạn với những suy nghĩ tương tự như trên, tôi rất vui là bạn cầm cuốn sách này trên tay. Tôi chân thành mong rằng bạn cũng sẽ được thay đổi hoàn toàn.

Cùng như trường hợp của Stan, hãy thành thật với bản thân, việc này sẽ giúp bạn kết nối với những chấm nét của bạn. Với tâm thế hạ mình, bạn sẽ khám phá và tin chắc vào việc nhân cấp ân tứ độc đáo của bạn để xây dựng Nước Chúa. Bạn được Chúa kêu gọi y như là mục sư của bạn. Ơn gọi của bạn cũng danh chính ngôn thuận như ơn gọi của Billy Graham hay bất kỳ mục sư nổi tiếng nào khác.

Chúng ta sẽ bàn đến cách để khám phá, phát triển và quan trọng hơn hết là nhân cấp ân tứ của bạn để thúc đẩy ơn gọi đặc biệt của bạn. Lời Đức Chúa Trời và các câu chuyện trong sách này sẽ gây dựng đức tin bạn nhằm gia tăng tối đa hiệu năng của bạn. Chính tôi đã trải qua; việc này đã xảy ra cho tôi khi tôi viết và hiệu đính sách này.

SINH RA CÓ CHỦ ĐÍCH VÀ CHO MỘT MỤC ĐÍCH

Nào ta hãy bắt đầu tra xem một phân đoạn Kinh Thánh quen thuộc:

Vì nhờ ân sủng, bởi đức tin, mà anh chị em được cứu; điều ấy không đến từ anh chị em, bèn là tặng phẩm của Ðức Chúa Trời; đó không phải là thành quả của việc làm, vì thế không ai có thể tự hào. (Êph 2:8-9)

Hai câu này tập trung vào ân sủng của Đức Chúa Trời. Điều này quá rõ ràng đó là chúng ta được cứu bởi ân sủng và đây là một món quà của Chúa. Hội thánh thế kỷ hai mươi mốt đã truyền thông lẽ thật này rất tốt. Chúng ta không bao giờ làm việc cật lực, sống thánh khiết hay hy sinh để có được đặc ân sống đời đời với Đấng Tạo Hóa, là Đức Chúa Trời Toàn Năng. Câu Kinh Thánh quen thuộc này là câu Kinh Thánh quan trọng khải thị lẽ thật quan trọng này. Tuy nhiên, câu kế tiếp đã bị lãng quên rất lâu rồi :

Vì chúng ta là những tác phẩm của Ngài, được tạo dựng trong Ðức Chúa Jesus Christ, để thực hiện những việc tốt đẹp mà Ðức Chúa Trời đã chuẩn bị trước, hầu chúng ta cứ theo đó mà sống. (Êph 2:10)

Để ý từ kế tiếp của câu chín là từ “Vì”. Từ này là từ nối, nối hai câu với nhau. Nói cách khác, ý tưởng ban đầu chưa kết thúc. Từ vì nghĩa là “vì điều này” nên câu 10 không nên bỏ qua khi đọc câu 8 và 9, còn không bạn sẽ không hiểu ý nghĩa đoạn Kinh Thánh muốn nói gì.

Câu 10 nói rằng chúng ta là những tác phẩm của Chúa, được tạo dựng cho một mục đích – sản sinh ra các công việc tốt đẹp. Tóm lại, ý Phao lô muốn nói trong các câu này :

Chúng ta được cứu bởi ân sủng trước hết là trở thành ai đó – con cái Đức Chúa Trời; và chúng ta cũng được ban cho quyền năng bởi cùng một ân sủng để làm việc gì đó.

Chúng ta không nên nhấn mạnh lẽ thật này mà bỏ qua lẽ thật khác. Nhưng hãy để tôi nhấn mạnh ngay rằng chúng ta là ai trong Chúa Giê-su cũng quan trọng như những gì chúng ta làm, vì bất cứ việc gì chúng ta làm phải bắt nguồn từ việc chúng ta là ai.

Rất dễ để bỏ qua khía cạnh “làm việc gì đó” như thể là nó giúp chúng ta thoát khỏi áp lực làm việc để xây dựng Nước Chúa. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là chính công sức chúng ta làm sẽ tăng cường sức lực cho chúng ta. Chúa Giê-su phán, “Đồ ăn của Ta là làm theo ý muốn của Đấng đã sai Ta và làm trọn công việc của Ngài” (Giăng 4:34). Ngài cũng phán, “Như Cha đã sai Ta thì Ta cũng sai các con” (Giăng 20:21). Gộp hai câu này lại, chúng ta thấy rõ thức ăn của chúng ta là thực hiện và hoàn tất ý muốn của Chúa Giê-su Đấng sai phái chúng ta. Thức ăn là thứ mang lại sức mạnh cho chúng ta. Nếu chúng ta không ăn, chúng ta sẽ đâm ra yếu sức và sút giảm sức khỏe.

Bây giờ hãy liên tưởng đến đời sống thuộc linh. Nếu chúng ta không làm theo ý muốn của Chúa Giê-su Đấng sai phái chúng ta, chúng ta sẽ yếu đuôi. Rồi chúng ta sẽ rất dễ bị cám dỗ.

Suốt trên bốn mươi năm bước đi với Chúa, tôi để ý thấy một số nguyên do chính nhiều tín đồ sa ngã trong đức tin là do thiếu đi “việc làm.” Họ đâm ra lười biếng và nhàn rỗi liên quan đến sự kêu gọi của họ, và trước khi họ biết được chuyện này, họ thấy mình rơi vào tình trạng say sưa, gian dâm hay lún sâu vào lối sống thế gian. Họ mất đi sức mạnh thuộc linh. Đây là mấu chốt của vấn đề:

Những gì chúng ta làm sẽ ban năng lực cho chúng ta.

Vậy hãy để tôi nói lại lẽ thật trong ba câu Kinh Thánh này: Bạn được tái sanh bởi món quà miễn phí của ân sủng để trở nên con Đức Chúa Trời và bạn cũng được ban sức mạnh bởi cùng một ân sủng để làm việc gì đó. Kinh Thánh tuyên bố Đức Chúa Trời hoạch định trước công việc của mỗi chúng ta. Đa-vít viết:

Mắt Ngài đã thấy rõ thể chất vô hình của con; Tất cả những ngày định cho đời con đã được ghi vào sách của Ngài, Trước khi con sống một ngày nào trong các ngày ấy. (Thi thiên 139:16)

Đức Chúa Trời dự định những công việc để bạn làm trước khi bạn sinh ra. Ngài thực sự ghi lại những công việc này trong một cuốn sách! Chúng ta thử hãy tưởng tượng cuốn sách này dày cỡ nào, vì mỗi giây phút trong cuộc đời chúng ta đều được ghi trong đó. Những phận vụ mà Ngài hoạch định cho chúng ta đều xoay quanh việc xây dựng Nước Ngài. Ước ao sâu thẳm nhất của Ngài đó là chúng ta làm thành kế hoạch của Ngài cho đời sống chúng ta, điều đó không đảm bảo là chúng ta sẽ hoàn thành. Để ý trong Ê-phê-sô 2:10 từ ngữ “nên.” Kinh Thánh không nói “để chúng ta sẽ bước theo” mà nói “để chúng ta nên bước theo.” Đây là chỗ ý chí tự do của chúng ta sẽ can dự vào. Ngài chuẩn bị trước các công việc của chúng ta, nhưng tùy thuộc vào chúng ta bước theo những gì Ngài đã hoạch định.

Tôi tin xác quyết rằng khi chúng ta đứng trước mặt Chúa Giê-su tại ngai phán xét Cơ Đốc nhân (nơi mà chúng ta sẽ được thưởng về việc làm của chúng ta là Cơ Đốc nhân hoặc sẽ bị mất phần thưởng do đã bỏ lơ), Ngài sẽ mở cuốn sách này ra và nói, “Nào ta hãy so sánh thử con có thật sự sống đúng theo kế hoạch nguyên thủy mà Cha Ta và Ta dự tính cho con không.” (Liên quan đến sự phán xét, nó được viết trong hai chỗ khác nhau trong Kinh Thánh nói rằng “các sách được mở ra” (xem Đa-ni-ên 7:10 và Khải huyền 20:12). Tôi tin các sách này được Chúa viết về cuộc đời chúng ta trước khi chúng ta sinh ra. Liên quan đến sự kêu gọi cụ thể nào đó của chúng ta, chúng ta sẽ không bị phán xét về những gì chúng ta đã làm, mà về những gì chúng ta được kêu gọi để làm. Điều này thật đầy kịch tính.

Tới đây bạn có lẽ cảm thấy hơi sợ. Xin đừng sợ! Có ba điều quan trọng cần để ý : Trước hết, Chúa rất quan tâm đến việc bạn hoàn tất những gì Ngài kêu gọi bạn làm hơn là bạn quan tâm, nên Ngài không giấu bạn kế hoạch của Ngài. Ngài ước ao bạn biết ơn gọi của mình hơn là bạn muốn biết! Thứ hai, quá trình tăng trưởng đầy đủ để bước vào ơn gọi của bạn là một hành trình, không phải là một biến cố xảy ra một lần, nên hãy chống lại thôi thúc nào khiến bạn muốn thối lui. Thứ ba, trong sách này bạn sẽ tìm thấy những cái nhìn từ cả Kinh Thánh lẫn kinh nghiệm để khám phá và phát triển sự kêu gọi của bạn.

Để minh họa, hãy xem xét ví dụ này. Giả sử tôi là một nhà hoạch định của một thành phố và tôi muốn xây dựng một khu phức hợp gồm có nhà ở, cửa hàng bán lẻ và khu giải trí gần trung tâm thành phố. Vì là nhà hoạch định chiến lược nên tôi phải là chủ thầu. Tôi tổ chức phát thảo kế hoạch cùng với các nhà phát triển và các kiến trúc sư. Trong khu phức hợp này tôi muốn có những khu vui chơi, khu giải trí, khu thể thao, khu suối nước, khu ngắm cảnh và khu đi bộ. Tôi cũng muốn kết hợp những cửa hàng bán lẻ với các căn hộ nhiều tầng, nhà hàng, rạp chiếu phim và các khu sáng tạo khác để làm cho khu phức hợp này độc đáo.

Một khi thiết kế được hoàn tất, tôi quyết định tôi cần nhà thầu nào để hoàn tất những khía cạnh khác nhau của bản thiết kế. Tôi thuê các nhà thầu khác nhau và cho họ khung thời gian để họ làm phần của họ. Dự án sẽ chuẩn bị khởi công.

Nếu tất cả những nhà thầu làm chính xác như tôi yêu cầu, dự án đồ sộ này sẽ được xây dựng trơn tru và hoạt động trôi chảy. Tuy nhiên, chuyện gì xảy ra nếu một số nhà thầu không đặt dự án này ưu tiên hàng đầu? Chuyện gì xảy ra nếu họ chấp nhận sự phân công, theo thời gian tiến độ thi công, nhưng lại dồn công sức của họ vào những công việc khác? Chuyện gì xảy ra nếu họ đi câu cá, chơi gôn và dự các sự kiện thể thao thường xuyên nên họ bỏ bê công việc? Chuyện gì xảy ra nếu những người khác lười biếng và không nghiêm túc về công việc? Nếu tôi hoàn toàn phụ thuộc vào những nhà thầu này, dự án sẽ không hoàn tất đúng như dự kiến. Thật ra, nó sẽ không bao giờ hoàn tất được.

Các nhà thầu có quyền quyết định làm gì với khoảng thời gian và khả năng của họ. Tuy nhiên, với tư cách là nhà hoạch định của thành phố, tôi sẽ không chấp nhận những sự chậm trễ quy mô như vậy hay không chấp nhận khả năng là dự án không thể nào hoàn tất. Thay vào đó, tôi sẽ huy động mọi người vào làm việc.

Kết quả là gì? Các nhà thầu không nhận được phần thưởng của cả nhóm thi công đảm trách việc xây dựng khu phức hợp tuyệt vời đó. Họ sẽ không thể chỉ cho con cháu họ hay bạn bè họ thấy sự đóng góp của họ vào khu trung tâm thành phố. Con cái họ sẽ không thể nói cho những khác biết về việc cha mẹ họ đã góp phần trong đó. Họ cũng đánh mất phần thưởng đó là được trả lương cho phần việc được giao.

Bạn có thể thấy cùng nguyên tắc này được minh họa trong suốt cả Kinh Thánh. Đức Chúa Trời có một kế hoạch tổng thể để xây dựng Vương Quốc Ngài. Tuy nhiên, suốt dòng lịch sử, Đức Chúa Trời phải làm việc với những con người không làm thỏa mãn ước ao của Ngài. Vì thế, Ngài thường xuyên chỉnh sửa kế hoạch nguyên thủy của Ngài. (Tôi nói theo ngôn ngữ con người vì Chúa biết sự cuối cùng ngay từ lúc khởi đầu – Ngài không bị ràng buộc với thời gian.) Vì thế, “việc thay đổi” kế hoạch không làm Ngài bị sốc. Ngài biết trước các nhân công của Ngài sẽ chọn gì. Ngài đã chuẩn bị cho những sự thay thế rồi.

Đây là một vài trong số rất nhiều ví dụ về việc này trong Kinh Thánh. Bạn sẽ thấy điều này với cha của Áp-ra-ham là Tha-rê. (Con trai út của tôi là Arden mới đây nhắc tôi về lẽ thật này.) Phần lớn chúng ta biết rằng Áp-ra-ham được sinh ra và lớn lên tại xứ U-rơ thuộc Canh-đê trước khi Chúa kêu gọi ông đến xứ Ca-na-an. Một sự thật ít biết đến đó là nếu bạn nhìn kỹ cha của ông là Tha-rê. Bạn sẽ phát hiện ra ông vẫn còn đang ở chỗ cũ khi được kêu gọi để ra đi.

Tha-rê đem Áp-ram, con trai mình, Lót, con Ha-ran, cháu mình và Sa-rai, dâu mình, vợ của Áp-ram đồng ra khỏi U-rơ của người Canh-đê để qua xứ Ca-na-an. Nhưng khi đến Cha-ran, họ ở lại tại đó. Tha-rê hưởng thọ được hai trăm lẻ năm tuổi rồi qua đời tại Cha-ran. (Sáng thế 11:31-32)

Có hai điều cần xem xét: Trước hết, tại sao một người không vì lý do gì mà lại đem gia đình ra khỏi U-rơ và đi sáu trăm dặm đến xứ Ca-na-an? Chuyến đi bằng lạc đà rất chậm và cực nhọc. Kèm với phụ nữ và trẻ em, có lẽ mất ít nhất vài tháng. Không giống như việc ông Tha-rê tìm những bức hình và đọc những bài viết về xứ Canaan để biết đó là một nơi tuyệt vời để sống và làm việc. Ông không khám phá qua những bài viết. Phải có lí do cho việc di chuyển xa xôi như thế.

Thứ hai, nếu ông tiến về xứ Ca-na-an, sao ông lại định cư tại Cha-ran? Sao ông không đi hết cuộc hành trình đến đích? Có thể nào ông bị cám dỗ dừng nửa chừng? Có thể nào gặp phải những chuyện ngoài ý muốn như một thành viên nào đó trong gia đình quá nản chí không muốn đi tiếp hay do những hoàn cảnh khách quan nào đó? Có thể là ông nhìn thấy nhiều cơ hội tại Cha-ran và không muốn rủi ro mất mát chỉ vì một lời phán của Chúa?

Khi xem xét tất cả những chi tiết này, có thể nào chúng ta kết luận Tha-rê là “sự chọn lựa đầu tiên” của Chúa để trở thành “cha của nhiều dân tộc.” Phải chăng lúc đầu ông được định để trở thành “cha đẻ của đức tin, một từ ngữ mà được quy cho Áp-ra-ham (xem Rôma 4:16-17) không?

Tha-rê quyết định không đi xa hơn nữa. Ông định cư tại Cha-ran. Tôi tin nếu ông cứ bám lấy mục tiêu, ngày nay chúng ta sẽ đọc về những hành trình và giao ước của ông với Chúa. Tôi tin dân Y-sơ-ra-ên sẽ quy ông là tổ phụ của họ và Chúa Giê-su sẽ được nói đến là “dòng dõi của Tha-rê” thay vì “dòng dõi của Áp-ra-ham” (xem Galati 3:16).

Một ví dụ khác về việc thay đổi kế hoạch chính của Ngài là vị thẩm phán và thầy thượng tế Hê-li. Ông và dòng dõi ông được phân công để làm thầy tế lễ đến gần Chúa thay cho dân chúng. Tuy nhiên, một tiên tri được sai đến Hê-li tuyên bố:

Vì thế, CHÚA, là Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, phán như vầy: “Ta có hứa cho dòng họ tổ phụ ngươi và cho dòng dõi ngươi phụng sự Ta suốt đời. Nhưng bây giờ, CHÚA phán, không được nữa! Vì ai tôn trọng Ta sẽ được Ta tôn trọng, còn ai khinh dễ Ta sẽ bị Ta khinh dễ. Này, trong những ngày sắp tới, Ta sẽ chặt gãy những người đang tuổi sung sức để cho không còn ai sống đến già trong dòng họ ngươi và dòng họ tổ phụ ngươi nữa. (1Sa 2:30-31)

Sự bất tuân của Hê-li đã ảnh hưởng đến cả ông và con cháu ông. Nếu ông bước đi cách vinh dự trước mặt Chúa, chức tế lễ chắc sẽ tiếp tục với chi tộc Hê-li.

Một ví dụ khác đó là tất cả các vua của Y-sơ-ra-ên. Vị vua đầu tiên là con của Đa-vít tức Sa-lô-môn. Chúa phán với ông, “Vì ngươi đã làm điều nầy, không vâng giữ giao ước và luật lệ Ta đã truyền cho ngươi, Ta chắc chắn sẽ phân chia vương quốc của ngươi ra và ban cho tôi tớ ngươi. (1Vua 11:11). Sau này, nếu Sa-lô-môn trung thành, vương quốc sẽ không bao giờ bị lấy khỏi con ông là Rô-bô-am. Phần lớn vương quốc được giao cho Giê-rô-bô-am, nhưng sau này ông cũng không trung tín. Chúa bảo ông:

‘CHÚA là Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên phán như vầy: Ta đã cất nhắc ngươi lên giữa vòng dân thường, lập ngươi làm lãnh tụ trên dân Y-sơ-ra-ên Ta. Ta đã xé vương quốc của nhà Đa-vít mà ban cho ngươi, nhưng ngươi không giống như Đa-vít, tôi tớ Ta, là người đã vâng giữ các điều răn Ta, theo Ta hết lòng, và làm những điều ngay lành trước mắt Ta… Ngươi đã làm điều tội ác hơn tất cả những người trước ngươi. Ngươi đã làm cho mình những thần khác, đúc tượng của chúng, chọc cho Ta giận, rồi vứt bỏ Ta ra sau lưng. (1Vua 14:7-10)

Giê-rô-bô-am có lẽ đã có một vương triều lâu dài nếu ông không dùng địa vị và ân tứ của ông để làm lợi cho mình thay vì cho Vương Quốc Chúa. Một sứ điệp tương tự cũng được nói với vua Ba-a-sa của Y-sơ-ra-ên (xem 1Vua 16:1-7) cũng như những vị vua khác có trách nhiệm trong vương quốc.

Đây là vấn đề tôi muốn nói đến: Thường thì sự không trung tín của chúng ta đối với ơn gọi của Chúa trên đời sống chúng ta sẽ ảnh hưởng không chỉ chúng ta mà còn con cái chúng ta nữa. Với ông Tha-rê thì không, nhưng đối với những người khác thì có.

Chúng ta thấy tình huống tương tự giữa vòng các tiên tri. Ê-li-sê phục vụ Ê-li và nhận phần gấp đôi những gì có trong cuộc đời của Ê-li. Nhưng nhiều năm sau đó, đầy tớ của Ê-li-sê là Ghê-ha-si, người sẽ kế tục nhận ơn tiên tri, đã mất tập trung vào những điều quan trọng và đã bị loại trừ. Ông trở thành một người phung và bỏ đi chức vụ mà ông được kêu gọi (xem 2Vua 5:20-27). Một người đầy tớ khác (không nói danh tính) đã thế chỗ ông để giúp đỡ Ê-li-sê.

Trong Tân Ước, bạn thấy điểm này nơi Giu-đa Ích-ca-ri-ốt. Vì ông lạm dụng ơn gọi và ân tứ đã giao cho ông, ông phải bị thay thế. Phi-e-rơ nói với các môn đồ tại phòng cao, “Vì Thánh Thi đã chép: “… Nguyện một người khác thay thế chức vị nó!’ Vì thế, cần phải chọn một người trong nhóm từng ở với chúng tôi …” (Công vụ 1:20-21)

Thật là một thảm kịch! Thật đau xót khi nghĩ đến những hối tiếc nhiều người sẽ gặp phải vì họ chọn không quản lí ơn gọi hay ân tứ đặt để trên đời sống họ một cách phải lẽ.

Trở lại với khía cạnh tích cực, thưa độc giả, bạn sanh ra có một mục đích và cho một mục đích. Đời sống bạn có giá trị lớn lao trong việc xây dựng cõi đời đời. Việc này không phải có ý con người mà do chính Đức Chúa Trời quyết định.

BẠN QUYẾT ĐỊNH TÍNH HIỆU QUẢ CỦA BẠN

Đây là một thực tại đánh kinh ngạc: Bạn hiệu quả như thế nào là tùy vào bạn hơn là tùy vào Chúa. Nói nghe có vẻ không tôn kính lắm nếu bạn đặt tất cả những thành công của cuộc đời bạn vào cái giỏ “quyền tể trị của Chúa.” Tuy nhiên, tôi đảm bảo với bạn, nói thế không phải là không tôn kính cũng không phải nói thế là bỏ qua quyền tể trị của Chúa. Đó là lời chứng về sự tin tưởng của Ngài nơi chúng ta và ước ao của Chúa là muốn con cái Ngài vận dụng ý chí tự do mà Ngài đã ban cho chúng ta.

Ta hãy xem lại phần Kinh Thánh mở đầu chương này:

Vì nhờ ta [khôn ngoan] các ngày của con sẽ được nhiều thêm, các năm của đời con sẽ được gia tăng. Nếu con khôn ngoan, chính con sẽ được lợi ích. (Châm ngôn 9:11-12)

Lẽ thật này thật đầy khích lệ và đầy quyền năng! “Các ngày của con sẽ được nhiều thêm” nghĩa là gì? Không thể nào có nghĩa là kéo dài đời sống bạn; vì ý này đã được nói đến trong câu này, “… các năm của đời con sẽ được gia tăng.” Nó có nghĩa là gia tăng tính hiệu quả của bạn từng ngày một. Nói cách khác, bạn sẽ tận dụng hết trong ngày hơn nhiều người khác không có sự khôn ngoan của Chúa.

Bạn có lẽ nghe câu châm ngôn này, “Một lưỡi rìu cùn mà không mài dũa bén, ắt phải phí nhiều sức, nhưng sự khôn ngoan giúp ích cho sự thành công. (Truyền đạo 10:10) Sự khôn ngoan là trung tâm điểm ở đây. Bạn sẽ không hiệu quả hay kết quả với cái rìu cùn (thiếu sự khôn ngoan). Ngược lại, bạn sẽ chặt được nhiều cây với cái rìu bén (sống khôn ngoan). Bạn sẽ gia tăng nỗ lực của bạn khi dùng cùng một sức mạnh.

Sự khôn ngoan của Chúa vô cùng quan trọng. Tôi sẽ chia sẻ một câu chuyện ở phần sau sách này về một người bạn của tôi từng là một tín hữu không kết quả suốt nhiều năm nhưng cuối cùng đâm ra chán ngấy với tình trạng hâm hẩm của anh ta. Điều đầu tiên anh làm là để thì giờ rất nhiều đọc Kinh Thánh suốt sáu tháng. Việc này mang lại sự khôn ngoan để hiệu quả hơn và bạn sẽ ngạc nhiên về câu chuyện của đời sống anh bạn này.

Nhưng không chỉ là bạn của tôi, mà tất cả chúng ta đều được dạy, “Hãy thu nhận sự khôn ngoan; Hãy tận dụng mọi điều con có để nhận được sáng suốt.” (Châm ngôn 4:7). Tôi thích câu Kinh Thánh này. Một khi bạn thật sự tin, bạn sẽ để thì giờ và năng lực để tìm cầu khôn ngoan. Nhưng lẽ thật quan trọng của Châm ngôn 9:11-12 là thế nầy: Một khi bạn nhận khôn ngoan, bạn là người được ích lợi!

Sự khôn ngoan của Chúa mà tôi viết đến trong sách này mất nhiều năm tìm kiếm, dò tìm và lắng nghe – cộng với những kinh nghiệm cả tích cực lẫn tiêu cực. Nhưng bạn sẽ khám phá ra, không chỉ tôi mà nhiều người khác tôi có vinh dự phỏng vấn đã bước đi cách khôn ngoan và kết quả phi thường. Tôi chỉ có một hy vọng rằng trong một khoảng thời gian ngắn, bạn sẽ nhận những gì mà tôi mất nhiều năm để lãnh hội, và bạn sẽ tiến xa hơn với sự khôn ngoan này. Đây là chuyện thuộc về Vương Quốc Chúa – chúng ta thảy đều là một, nên nếu bạn được ích lợi thì tôi cũng được lợi ích. Nếu bạn tiến xa hơn tôi, đó cũng là lợi thế cho tôi, vì chúng ta là một. Chúng ta thảy đều làm việc cho một mục đích chung và cho vinh hiển của Vua chúng ta.

BÍ MẬT GIẤU KÍN

Nào ta hãy sang chương kế tiếp với câu hỏi này: Bạn có thích thú muốn biết bí mật giấu kín mà hầu hết mọi người không nhận ra, nó sẽ giải phóng những khả năng của bạn vượt quá những gì bạn đã từng kinh nghiệm?

Tôi nghĩ vậy! Và đây là vấn đề – có một bí mật như thế. Đó là lẽ thật bị giấu kín mà chúng ta sắp phát hiện.