Đăng vào: 12 tháng trước
Hỡi các con bé nhỏ! Các con thuộc về Đức Chúa Trời và đã chiến thắng chúng nó, vì Đấng ở trong các con vĩ đại hơn kẻ ở trong thế gian.
1GIĂNG 4:4
Con người có rất nhiều nỗi sợ hãi đến nỗi để cả ngày cũng không đếm hết được những nỗi sợ mà người ta sợ. Nhiều tín đồ cũng sợ như người thế gian. Đó là lý do tại sao Chúa ban cho chúng ta 1Giăng 4:4 – để đảm bảo với chúng ta là nhờ sự hiện diện và quyền năng của Chúa Toàn Năng trong chúng ta, chúng ta không có gì phải sợ.
Khi bạn bắt đầu sợ, bạn nên mở Kinh Thánh ra, đọc câu này lớn tiếng và nói, “Hỡi satan, ta không sợ ngươi vì Lời Chúa nói ta đã đánh bại ngươi rồi. Hỡi satan, Chúa là “cơn ác mộng” của ngươi, và Ngài ủng hộ ta!”
Bạn có biết Kinh Thánh nói ý gì khi nói bạn và tôi là những người thắng hơn bội phần qua Chúa Giê-su không? Tôi tin rằng điều này có nghĩa là chúng ta không cần phải sống trong sợ hãi. Ngay cả trước khi cuộc chiến thuộc
linh bắt đầu, chúng ta đã biết trước là chúng ta sẽ thắng. Chúng ta biết kết quả rồi – chúng ta biết rốt cuộc chúng ta sẽ thắng!
Chúng ta có lẽ không thích trải qua cuộc chiến thuộc linh; chống lại sợ hãi không phải lúc nào cũng dễ. Nhưng chúng ta có thể được khích lệ, biết điều ma quỷ định làm hại chúng ta thì Chúa định điều ích cho chúng ta.
Nếu Chúa ủng hộ chúng ta, và nếu chúng ta ở về phía Ngài thì rốt cuộc mọi sự sẽ được hoá giải nhằm mang ích lợi cho chúng ta, bởi vì ai ở với Chúa chắc chắn sẽ thắng. Đó là sự thật được Kinh Thánh xác nhận. Phe của Chúa là phe thắng.
“NHƯNG CHÚA . . . ”
Nhưng Đức Chúa Trời đã tỏ tình yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là tội nhân thì Chúa Cứu Thế đã chết thay cho chúng ta.
RÔMA 5:8
Có một nhóm từ ngắn trong Kinh Thánh mà mỗi khi đọc tôi phấn khích vô cùng. Nó có hai từ thôi, nhưng nó được tìm thấy trong cả Kinh Thánh và có lẽ là hai từ có sức mạnh nhất.
Nhóm từ đó chính là : Nhưng Chúa . . .
Khi chúng ta đọc qua cả Kinh Thánh, chúng ta luôn thấy ghi lại những điều khủng khiếp ma quỷ định làm cho dân sự Chúa. Sau đó chúng ta đọc thấy nhóm từ ngắn này, Nhưng Chúa . . . và đọc những lời tiếp theo là sự
chiến thắng.
Trong câu Kinh Thánh trên, sự kiện được nói đến là tất cả chúng ta đều là tội nhân trong tình trạng đáng bị hình phạt và chết mất. Nhóm từ Nhưng Chúa . . . đảo ngược tình thế. Tình yêu của Chúa can thiệp vào tình huống ấy và thay đổi mọi sự. Trong khi chúng ta còn tội nhân, Chúa Giê-su chịu chết cho chúng ta, và nhờ đó Ngài chứng tỏ tình yêu Ngài dành cho chúng ta. Ngài chứng tỏ rằng tình yêu Ngài đã ngăn đi sức tàn phá của tội lỗi.
Đây là một ví dụ hay nữa về cách Chúa ngăn cản kế hoạch độc ác của satan nhắm đến chúng ta.
Các trưởng tộc ganh tị với Giô-sép nên bán người qua Ai-cập. Nhưng Đức Chúa Trời ở cùng người và giải thoát người khỏi tất cả các hoạn nạn, ban cho người được ân huệ và khôn ngoan trước mặt Pha-ra-ôn, vua Ai-cập. Pha-ra-ôn cử người làm tể tướng thống lãnh Ai-cập và cả hoàng gia.
CÔNG VỤ 7:9-10
Satan định tiêu diệt Giôsép bằng cách làm cho lòng các anh em chàng đầy thù ghét và ganh tị. Họ bán chàng làm nô lệ vì nghĩ rằng họ sẽ trừ khử được Giôsép một lần đủ cả, nhưng Chúa có kế hoạch khác. Chúa ngăn cản kế hoạch của satan và đem phước hạnh lớn lao cho đời sống Giôsép.
Đó là cách Chúa định làm trong đời sống mỗi ngày của chúng ta. Chẳng hạn, sự việc có thể diễn ra như vầy : Bạn đã làm công việc đó mười năm rồi và nghĩ rằng trong tương lai bạn vẫn làm việc này, sau đó công ty của bạn bị đóng cửa, và dường như tương lai của bạn bị tiêu tan.
Nhưng Chúa . . . ban cho bạn một công việc tốt hơn nhiều so với công việc bạn làm trước đây. Thậm chí Chúa cho bạn được ưu ái và giúp bạn tìm được công việc mà tự thân bạn không đủ tiêu chuẩn và rồi ban ơn để bạn làm công việc đó cách trôi chảy. Chúa có thể ban cho bạn khả năng để làm việc đó mà không ai ở đời này nghĩ là bạn có khả năng làm được, kể cả chính bạn cũng không tin nỗi.
Tôi gặp một tình huống tương tự xảy ra trong chính đời sống tôi.
Vào thập niên 1970, tôi có một công việc làm ở khu vực trung tâm ở St.Louis, Missouri, là quê của chúng tôi. Nhà tôi cũng làm việc ở khu trung tâm, điều đó có nghĩa là cả hai chúng tôi đều có thể dùng chung một chiếc hơi để đi làm. Công việc được trả lương hậu cùng với các khoản trợ cấp, và tôi cảm thấy được phước khi có được công việc này. Thế rồi thử thách đến.
Chủ của tôi, không phải là người tin Chúa, muốn tôi ít nhiều thì phải giúp ông lấy trộm một số tiền qua sự gian dối. Một khách hàng có khoản dư tín dụng trong tài khoản bởi vì họ trả cùng một hoá đơn đến hai lần. Việc này có nghĩa là công ty nợ tiền khách hàng. Chủ không muốn khách biết về khoản dư tín dụng vì ông không muốn trả lại tiền cho khách. Nên ông bảo tôi xoá sổ tài khoản của họ đi và gởi cho khách thông báo cho biết là chỉ số dư tháng đó là không đồng, thay vì báo số dư tài khoản khách thật sự có.
Đêm đó tôi về nhà và khốn khổ về chuyện này. Lương tâm tôi cho biết rõ là tôi không thể làm vậy, nhưng đồng thời tôi cũng sợ mất việc. Chúng tôi có nhiều khoản chi cố định nên buộc tôi phải đi làm.
Tôi quyết định là sẽ nói với chủ rằng tôi không thể làm điều ông yêu cầu. Thật ra, quyết định đó đặt tôi vào vị trí thờ phượng Chúa. Có thể tôi không đưa tay lên hay quỳ gối hay cất tiếng ngợi khen hay thờ phượng, nhưng hành động tôi làm chính là thờ phượng Chúa. Tôi đặt Chúa và nguyên tắc của Ngài lên đầu, dù biết làm thế là tôi sẽ mất việc.
Khi tôi nói với chủ, ông nổi giận ra mặt nhưng bảo tôi quay lại làm việc. Tôi chỉ nói với ông tôi là một cơ đốc nhân, và dù tôi biết ông không cùng đức tin với tôi, nhưng tôi không thể làm trái lương tâm và giúp ông lừa khách hàng. Tôi nói với ông rằng tôi không muốn mất việc, nhưng tôi phải làm điều tôi tin là đúng.
Cả ngày hôm đó tôi phập phồng chờ ông ta gọi tôi lên văn phòng và cho tôi nghỉ việc, nhưng đến cuối ngày, ông bước vào và bảo tôi gởi hoá đơn cho khách hàng đó. Ông không hề nhắc đến chuyện đó nữa, và tôi cũng vậy. Nhưng Chúa . . . đảm bảo là tôi được đề bạt liên tục cho đến cuối cùng tôi trở thành ở vị trí thứ hai trong công ty. Tình cảnh của tôi rất giống tình cảnh của Giôsép. Tôi kiểm soát mọi việc khi chủ tôi đi vắng, mà chuyện này rất thường. Tôi thật sự không có đủ trình độ học vấn làm công việc này; tôi cũng không đủ tiêu chuẩn theo tiêu chuẩn của thế gian, nhưng tôi đủ tiêu chuẩn bởi phép lạ bởi vì Chúa mở cửa và ban ơn cho tôi làm công việc đó. Điều trông khủng khiếp hoá ra lại thành phước hạnh lớn lao bởi vì Chúa ngăn cản kế hoạch tiêu diệt của satan.
Chúng ta phải học nhìn sự việc bằng con mắt đức tin thay vì bằng con mắt tự nhiên. Sự việc diễn tiến bình thường trong tình huống nào đó có thể được thay đổi hoàn toàn khi Chúa can thiệp.
Khi Chúa kêu gọi tôi vào chức vụ, người ta nói với tôi, “Cô Joyce ơi, nhóm chúng tôi mới vừa trao đổi, và chúng tôi cảm thấy không có cách gì mà cô có thể làm những gì cô nói là Chúa kêu gọi cô làm. Chúng tôi cảm thấy cá tính của cô không thích hợp cho công việc như vậy.”
Tôi vẫn nhớ tôi cảm giác buồn như thế nào khi họ với tôi những lời này. Tôi bị tổn thương và thất vọng . .
. Nhưng Chúa đã kêu gọi tôi và Ngài khiến tôi đủ tiêu chuẩn. Điều người khác cho là không dùng được thì Chúa thấy là có giá trị trong đó. Ngài đã giúp tôi, và Ngài sẽ làm tương tự cho bạn.
HỌ SẤP MẶT XUỐNG
Đêm ấy, tất cả nhân dân đều lớn tiếng khóc than. Tất cả dân Y-sơ-ra-ên lằm bằm chống nghịch Môi-se và A-rôn. Toàn dân nói với hai ông: Ước gì chúng tôi đã chết tại Ai-cập, hoặc qua đời trong sa mạc cho rồi! Tại sao CHÚA đem chúng tôi ra khỏi đất ấy để bắt chúng tôi phải ngã chết dưới lưỡi gươm? Vợ con chúng tôi sẽ trở thành chiến lợi phẩm. Chúng tôi quay về Ai-cập chẳng hơn sao? Rồi họ bảo nhau: Chúng ta phải chọn một vị lãnh tụ và quay về Ai-cập! Môi-se và A-rôn sấp mặt xuống toàn dân Y-sơ-ra-ên đang họp tại đó.
DÂN SỐ KÝ 14:1-5
Để ý phản ứng của Môise và Arôn trước sự lằm bằm và than phiền của dân Y-sơ-ra-ên – họ sấp mặt xuống đất.
Hành động sấp mình xuống đất được tìm thấy trong
cả Kinh Thánh. Nếu hết thảy dân Y-sơ-ra-ên đều sấp mặt xuống, họ hẳn đã thấy hết phép lạ này đến phép lạ khác. Nhưng đằng này thì không, họ quá bận rộn để lo tự thương hại mình, bắt lỗi nơi Chúa và Môise, nói những lời tiêu cực, muốn trở về Ai cập.
Nhưng tạ ơn Chúa về Môise và Arôn. Họ đã sấp mình xuống và thờ phượng Chúa. Hành động của họ cho thấy họ kính sợ Chúa. Họ làm điều này trước mặt cả hội chúng như một tấm gương cho những người khác làm theo.
Chúng ta thấy một ví dụ nữa trong Sáng thế ký 17 về Áp-ram. Khi ông được chín mươi chín tuổi thì Chúa hiện đến cùng ông và phán rằng : Ta là Đức Chúa Trời Toàn Năng; ngươi hãy đi trước mặt Ta làm một người trọn vẹn. Áp-ram phản ứng bằng cách sấp mặt xuống đất. Tôi thích ví dụ này bởi vì cũng như chúng ta, Áp-ram biết ông không thể bước đi cách trọn vẹn trước mặt Chúa trừ khi Chúa làm việc đó qua ông. Điều bất năng đối với ông khi không có Chúa sẽ trở thành khả năng khi có Chúa, nên ông thờ phượng Ngài. Đó là điều ông có thể làm, nhưng điều đó cũng đủ rồi, bởi vì Chúa làm phần còn lại.
Khi chúng ta đối mặt với những điều bất năng, chúng ta đừng bao giờ bỏ cuộc; chúng ta nên thờ phượng Chúa và quan sát Chúa hành động thay cho chúng ta. Hãy nhớ mọi sự đều khả năng cho những ai tin.
CHÚA Ở VỚI CHÚNG TA
Giô-suê con trai Nun và Ca-lép con trai Giê-phu-nê là hai người trong các thám tử xé áo mình và nói cùng toàn thể Y-sơ-ra-ên: Đất đai chúng tôi đi trinh sát thật quá tốt. Nếu CHÚA đẹp lòng chúng ta, Ngài sẽ hướng dẫn chúng ta vào xứ ấy, là nơi đất đai đầy tràn sữa và mật, Ngài sẽ ban xứ ấy cho chúng ta. Chỉ xin anh chị em đừng nổi loạn chống nghịch CHÚA. Đừng sợ dân xứ ấy vì chúng ta sẽ nuốt chửng họ đi. Sự bảo hộ họ đã bị rút đi rồi, nhưng CHÚA đang ở với chúng ta. Đừng sợ họ!
DÂN SỐ KÝ 14:6-9
Giôsuê và Calép là hai người của Chúa gặp rắc rối với một nhóm người nói toàn lời tiêu cực và đầy vô tín. Giô-suê và Calép không cho nhóm người tiêu cực này ảnh hưởng xấu họ, họ vẫn đầy đức tin và xác quyết là họ sẽ thắng kẻ thù. Chúng ta cũng phải nhất định không để cho những con người như thế cướp đi niềm vui của chúng ta do đánh mất thái độ tích cực. Đừng để họ tiêu diệt sự xác quyết và đức tin rằng Chúa là tốt lành và Ngài có kế hoạch tốt đẹp cho đời sống bạn. Satan dùng những người như thế làm cạn kiệt chúng ta. Không được cho phép sự giày vò và chủ nghĩa tiêu cực ảnh hưởng niềm vui của chúng ta.
Có những lúc trong cuộc sống hoàn cảnh không mấy vui vẻ. Chúng ta nhìn thấy nan đề như những “tên khổng lồ” so với chúng ta, nhưng hãy nhớ là Chúa lớn hơn những “tên khổng lồ.”
Giô-suê và Calép đã rơi vào hoàn cảnh như thế. Môise sai họ và mười người khác đi vào xứ hứa để trinh thám xứ và trở về trình lời báo cáo mô tả xứ ấy. Mười người trở về báo cáo, “Xứ đầy dẫy trái ngon, nhưng cũng đầy dẫy những tên khổng lồ và chúng ta không thể thắng chúng được.”
Nhưng Giô-suê và Calép có thái độ khác. Họ cũng
thấy những tên khổng lồ nhưng họ lại nhìn Chúa; Đấng họ tin lớn hơn những tên khổng lồ. Lời báo cáo của họ là, “Ta hãy lên ngay và đánh bại kẻ thù bởi vì chúng ta thừa sức thắng.” Những thám tử tiêu cực đáp ngay, “Chúng ta không thể thắng được.”
Đây là cách thường thấy trong cuộc sống. Luôn luôn có những người tích cực, tìm cách tiến lên. Và cũng có những người tiêu cực, cố “đầu độc” những điều tốt đẹp và tích cực bằng thái độ xấu của họ. Mười thám tử là người tiêu cực, còn hai thám tử là tích cực. Dựa trên con số này, ta biết 80% số người cho rằng họ không thể đánh bại những tên khổng lồ, và chỉ có 20% số người tin Chúa lớn hơn nan đề. Con số này có lẽ cũng tương đối chính xác ngày nay. Nếu tỉ lệ phần trăm người tin vào quyền năng lớn lao của Chúa đông hơn, chúng ta sẽ thấy nhiều người thành công hơn hiện nay.
Thật không vui khi nói rằng chúng ta thường thấy những tên khổng lồ thay vì nhìn Chúa. Chúng ta mất sự tập trung; chúng ta bị vướng bận vào nan đề và không còn thấy những gì Chúa kêu gọi chúng ta làm. Việc để nhiều thì giờ thờ phượng và ngợi khen Chúa sẽ giúp chúng ta giữ được sự tập trung và khiến chúng ta bước ra với thái độ tích cực và mạnh mẽ, tin rằng chúng ta có thể làm bất cứ việc gì Chúa bảo chúng ta làm.
Giô-suê và Calép nhắc những người khác rằng Chúa đã hứa ban xứ này cho họ. Họ khuyến khích dân chúng đừng nổi loạn với Chúa và đừng sợ con người. Hai người nói, “Chúa ở với chúng ta!”
Chúa không ở với kẻ thù; Ngài ở với chúng ta. Và nếu Chúa ở về phía chúng ta thì ai chống lại chúng ta? Tôi khích lệ bạn hãy tập duy trì thái độ tích cực. Hãy thoả lòng, biết ơn Chúa. Hãy để ý những gì Chúa làm, chứ đừng để ý những gì bạn nghĩ là Ngài không làm cho bạn. Hãy coi chừng sự than phiền. Trái lại, hãy thờ phượng Chúa và tiếp tục thờ phượng Ngài cho đến khi sự đáp lời xảy ra. Có thái độ tích cực sẽ đem đến sự đột phá nhanh hơn là thái độ bực bội. Dù phải chờ bao lâu đi nữa, chúng ta cũng vui vẻ trong khi chờ. Thái độ đó được gọi là “vui ngay hiện tại đang lúc nhắm tới tương lai.”
Phaolô học thoả lòng dù ông dư hay thiếu, và chúng ta cũng làm tương tự.
Tôi nói thế không phải vì thiếu thốn, vì tôi đã tập thoả lòng trong mọi cảnh ngộ.
PHI-LÍP 4:11
Phaolô học từ kinh nghiệm điều gì kết quả và điều gì không kết quả. Tôi cũng đã học và vẫn còn đang học rằng không thấy thoả lòng là không thờ phượng Chúa. Tôi cố gắng ghi nhớ rằng làm thế là không tốt. Trong đời sống tôi, tôi cố gắng vui vẻ dù điều gì xảy ra. Tôi không muốn phí thì giờ cho việc bất mãn. Nếu tất cả chúng ta đều chờ cho đến khi chúng ta không có nan đề nào rồi mới vui vẻ thì có lẽ chúng ta không bao giờ có cơ hội, nên chúng ta hãy vui vẻ ngay bây giờ!
Như Phaolô, dù hoàn cảnh hiện tại của chúng ta như thế nào đi nữa, chúng ta biết Chúa ở với chúng ta. Thật vậy, Ngài luôn đi trước chúng ta. Ngài đã biết trước kết quả rồi, và kế hoạch của Ngài là nhằm ích lợi cho chúng
ta, chứ không phải làm chúng ta thất bại.
ĐỪNG SỢ – CHÚA ĐI TRƯỚC BẠN
Phải mạnh mẽ can đảm lên. Đừng sợ hãi kinh khiếp trước mặt các dân đó vì CHÚA, Đức Chúa Trời của anh chị em cùng đi với anh chị em; Ngài không bao giờ xa lìa hay rời bỏ anh chị em đâu. Nói xong, Môi-se cho mời Giô-suê đến và nói với ông trước mặt toàn dân Y-sơ-ra-ên : Ông phải mạnh mẽ và can đảm, vì ông phải đi với toàn dân vào xứ CHÚA đã thề hứa ban cho họ và ông phải chia đất đó cho dân làm cơ nghiệp. Chính CHÚA sẽ đi trước ông và Ngài luôn ở với ông; Ngài không bao giờ xa lìa hay rời bỏ ông đâu. Ông đừng sợ hãi, đừng nản lòng.”
PHỤC TRUYỀN 31:6-8
Trong khúc Kinh Thánh này Môise bảo Y-sơ-ra-ên hãy mạnh mẽ, can đảm và vững vàng. Bạn có biết vững vàng nghĩa là gì không? Nghĩa là bám chặt lấy điều bạn biết là đúng và không để cho bất cứ điều gì hoặc bất cứ ai “bàn ra.”
Môise cũng bảo Giô-suê rằng ông phải mạnh mẽ, can đảm và vững vàng bởi vì ông phải dẫn dân sự vào xứ mà Chúa đã ban cho họ. Ông đốc thúc Giôsuê rằng Chúa sẽ không bao giờ lìa hay bỏ ông nhưng Ngài sẽ đi trước ông để dẫn ông đến chiến thắng. Như đã thấy, cùng lời hứa này cũng được hứa cho bạn và tôi.
Thật yên ủi khi nghĩ đến việc nơi nào chúng ta đi, Chúa cũng đi trước để dọn đường. Trước khi tổ chức buổi nhóm hội nghị toàn cầu, luôn có người đi trước chúng tôi và chuẩn bị. Họ sắp xếp mọi thứ trước khi nhà tôi và tôi đến giảng. Chẳng hạn, mới đây chúng tôi dự tính tổ chức một hội nghị ở một nước khác. Khi nhân sự chúng tôi đến, anh nhận ra là khán đài chúng tôi định dùng nằm sâu trong thành phố, nên rất khó ra vào. Giao thông dày đặc trước và sau buổi nhóm; chỉ có một đường ra vào; vì thế chúng tôi phải mất bốn giờ để đến nơi.
Chúng tôi đã sai anh này đến trước mấy tháng, và làm thế rất hiệu quả. Anh có thể thay đổi điểm nhóm và giúp chúng tôi tiết kiệm nhiều thời gian. Chúng tôi luôn cử một đội đến thành phố ít nhất hai ngày trước khi chúng tôi đến. Đội này đảm bảo là họ biết hết mọi hướng đi đến chỗ nhóm; họ kiểm tra khách sạn và sắp xếp mọi thứ để cho chúng tôi đến giảng, chúng tôi chỉ tập trung giảng dạy cho hội thánh thay vì vướng mắc vào những chi tiết không cần thiết. Làm thế thật sự giúp cho chức vụ chúng tôi kết quả hơn.
Biết những thủ tục như thế an ủi tôi nhiều và giúp tôi an tâm. Cũng vậy, biết rằng Chúa đã đi trước tôi trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời giúp tôi an tâm hơn, và tôi tự do sống mà không sợ hãi.
Chẳng hạn, nếu bạn sắp có một vụ kiện, bạn cần hiểu là Chúa đã đi trước bạn vào toà án trước khi bạn đến nơi. Hoặc giả là nếu bạn cần nói thẳng với chủ về một số vụ việc ở sở làm, hãy tin những gì Lời Chúa nói. Tin rằng Chúa sẽ đi trước bạn và dọn đường cho bạn, rằng Ngài sẽ ban ơn cho bạn và ban cho bạn đúng lời để nói khi đến lúc.
Tôi cũng khuyên bạn hãy cẩn trọng về những suy
nghĩ của bạn khi đối diện với những tình huống như vậy. Thường chúng ta cầu nguyện và xin Chúa giúp chúng ta, chúng ta xin phép lạ, nhưng trong suy nghĩ và tưởng tượng, chúng ta thấy toàn tai hoạ và thất bại. Hãy đạp đổ những trí tưởng tượng sai trật và mọi ý tưởng nào không hợp với Lời Chúa.
Tác giả thi thiên là Đavít nói, Nguyện lời nói của miệng tôi, sự suy gẫm của lòng tôi được đẹp ý Ngài
. . . (Thi 19:14). Chúa đẹp lòng với tư tưởng và lời nói của chúng ta khi nó phù hợp với Lời Ngài. Khi chúng ta cần quyền năng của Chúa để giúp chúng ta trong tình huống nào đó, chúng ta không thể xin phước mà rồi nói hoạ. Chúng ta phải xin điều chúng ta cần, và rồi giữ suy nghĩ và lời nói phù hợp với những gì chúng ta xin theo như Lời Chúa.
Hãy tin thì bạn sẽ thấy vinh hiển của Chúa!