Chương 8: Thờ Phượng Và Cầu Nguyện

Cuộc Chiến Của Chúa

Đăng vào: 12 tháng trước

.

Đức Giê-su còn đang nói, một viên quản lý hội đường đến quỳ gối thưa: Con gái tôi vừa mới chết, nhưng xin Thầy đến đặt tay trên nó thì nó sẽ sống.

MATHIƠ 9:18

Sự việc đã xảy ra đúng như vậy. Chúa Giê-su đến sờ cô gái, và cô gái đã sống lại.

Nhưng hãy để ý điều đầu tiên viên quản lý này làm – không phải làm sau mà là làm trước. Ông không chờ cho đến khi ông thấy phép lạ bày tỏ rồi mới quỳ xuống thờ lạy Chúa Giê-su. Ông thờ lạy Ngài trước khi ông xin Ngài chữa lành con gái ông.

Có bao nhiêu lần chúng ta xin Chúa thay đổi bạn bè hay người thân trong gia đình chúng ta mà không để thì giờ thờ phượng Ngài trước hết? “Chúa ơi, xin Ngài thay đổi gia đình con. Con chịu hết nổi nếu Ngài không làm. Ngài phải thay đổi họ và con cầu nguyện bấy nhiều lời.”

Nhưng chuyện gì xảy ra, thay vì cầu nguyện như thế, chúng ta quỳ xuống thờ phượng Chúa, dâng lên Ngài sự tôn vinh, cảm tạ và ngợi khen? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu
chúng ta tiến thêm một bước sấp mặt xuống đất như Êli đã làm trên núi Cạt-mên hoặc như vua Giê-hô-sa-phát đã làm khi chờ Chúa ban cho ông sự chiến thắng trên các kẻ thù? Chúng ta cần nói như vầy, “Chúa ơi, con thờ phượng Ngài. Con tôn cao danh Ngài, Chúa ơi. Ngài đáng được ngợi khen. Ngài ban sức mạnh khi con yếu đuối. Ngài giúp con làm những việc con không thể làm nếu không có Ngài. Lạy Chúa, con biết Ngài biết trong lòng điều gì tốt nhất cho con. Cha ơi, Ngài là tốt lành và con tin sự tốt lành của Ngài sẽ bày tỏ trong đời sống con. Ngay bây giờ con tin Ngài đang làm việc trong đời sống con và hoàn cảnh của con. Con tin rằng Ngài đang thay đổi con, gia đình con và bạn bè của con. Con tin Ngài đang làm việc trên những người chưa tin. Con tin họ sẽ tiếp nhận Ngài, được đầy dẫy Thánh Linh và bày tỏ bản tánh của Ngài trong đời sống họ. Lạy Chúa, con tôn thờ Ngài về công việc Ngài đang làm và về sự thành tín của Ngài.”

Bạn tin điều gì sẽ bắt đầu xảy ra? Tôi tin chúng ta sẽ bắt đầu nhìn thấy những thay đổi trong đời sống và hoàn cảnh chúng ta, cũng như những thay đổi xảy ra nơi người thân của chúng ta. Sự thay đổi đến sau sự thờ phượng, chứ không phải đến trước sự thờ phượng.

THỜ PHƯỢNG VÀ ĐỨC TIN

Đức Giê-su ra khỏi vùng đó, đi về các miền Ty-rơ và Si-đôn. Một người phụ nữ Ca-na-an từ vùng biên giới đến kêu xin: Lạy Chúa, con vua Đa-vít, xin thương xót con vì con gái của con bị quỷ ám khốn khổ lắm. Nhưng Ngài không đáp lại một lời nào. Các môn đệ lại gần xin Ngài: Xin thầy bảo bà này về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta kêu van mãi.

MATHIƠ 15:22-23

Tôi nghĩ lý do Chúa Giê-su không trả lời người đàn bà này ngay là vì bà chưa thờ phượng Ngài. Bà chỉ mới đi theo Ngài, nói với Ngài nhu cầu của bà trước.

Ngài trả lời: Ta chỉ được phái đến cho những con chiên lạc mất của nhà Y-sơ-ra-ên mà thôi.

MATHIƠ 15:24

Thay vì giúp bà ngay, Ngài bắt đầu chất vấn đức tin của bà.

Nhưng người đàn bà tiến đến quỳ xuống thưa: Lạy Chúa, xin cứu giúp con!Nhưng Ngài đáp: Không nên lấy bánh của con cái quăng cho chó con.

MATHIƠ 15:25-26

Rồi ngay khi bà bắt đầu thờ phượng Ngài, Ngài đi từ chỗ chất vấn đức tin đến thách thức đức tin bà, nhưng bà vẫn không chịu bỏ cuộc.

Người đàn bà thưa: Lạy Chúa, đúng vậy, nhưng chó con cũng được ăn bánh vụn từ bàn chủ rớt xuống. Đức Giê-su bảo người: Này, con có đức tin lớn thật! Sự việc phải xảy ra như ý con muốn. Ngay giờ đó, con gái của người ấy được chữa lành.

MATHIƠ 15:27-28

Phép lạ của người đàn bà này không xảy ra cho đến khi bà khẳng định hai điều : 1) bà có đức tin, và 2) bà sẽ thờ phượng Chúa.

KHÔNG CHỈ LÀ PHƯƠNG PHÁP

Tôi không cố gắng đưa ra các quy tắc và quy định để nhận sự đáp lời cầu nguyện. Như tôi đã nói trước đây, Chúa nhìn thấy tấm lòng, và tấm lòng thành thật là quan trọng đối với Ngài. Thờ phượng Chúa trước khi cầu xin không phải là công thức hay phương pháp sẽ mang lại kết quả như một “phép mầu” giúp chúng ta nhận được điều chúng ta ước ao hay có cần. Nếu sự thờ phượng không chân thật và không phát ra từ một tấm lòng biết ơn và ca ngợi chân thành thì tốt hơn hết chúng ta đừng mong thấy kết quả gì. Không phải vì chúng ta dậy sớm mỗi sáng, quỳ gối ngợi khen và thờ phượng Chúa là mọi thứ trên đời sẽ thay đổi theo cách chúng ta muốn. Không phải vì chúng ta quỳ gối hay đưa tay mà chúng ta sẽ nhận được bất cứ điều gì chúng ta cầu xin trong khi cầu nguyện.

Đây không phải là một phương pháp hay công thức mới phải tuân theo để có được điều chúng ta muốn nơi Chúa. Nếu ta đón nhận và áp dụng theo kiểu đó thì ta không nhận lãnh quyền năng nào cả.

Một thái độ tấm lòng đúng đắn – tấm lòng yêu Chúa thật sự và muốn biết ý Ngài – là cơ sở để nhận quyền năng. Sau điều đó, ta có thể dùng phương pháp để quyền năng Chúa tuôn chảy qua. Chúa lúc nào cũng quan tâm đến động cơ của tấm lòng trước hết. Ngài luôn nhìn thấy “lý do đằng sau việc gì” Nói cách khác, Chúa không chỉ quan tâm đến việc chúng ta làm mà Ngài còn quan tâm đến lý do chúng ta làm.

Nếu chúng ta thờ phượng Chúa cả bằng tấm lòng lẫn hành động bởi vì chúng ta thật sự tin Ngài là Đấng đáng
được ngợi khen và thờ phượng, và tin rằng Ngài là Đấng duy nhất có thể giải quyết nan đề và đáp ứng nhu cầu của chúng ta thì chỉ khi ấy chúng ta mới nhìn thấy kết quả tích cực và thấy sự đáp lời cầu nguyện nhiều hơn.

CẦN SỰ THỜ PHƯỢNG THẬT

Nhưng giờ sắp điểm và thật ra đã điểm đây rồi, lúc những người thực tâm thờ phụng sẽ thờ phụng Chúa Cha bằng tâm linh và lẽ thật, vì Chúa Cha vẫn tìm kiếm những người có lòng thờ phụng như vậy. Đức Chúa Trời là Linh Thần, nên những người thờ phụng Ngài phải lấy tâm linh, lẽ thật mà thờ phụng.

GIĂNG 4:23-24

Đôi khi chúng ta bước vào buổi nhóm hội thánh và cảm nhận ngay tinh thần thờ phượng mạnh mẽ của con cái Chúa. Chúng ta cảm nhận những hội thánh này bị lôi cuốn vào sự hiện diện của Chúa và thật sự thờ phượng Ngài trong lẽ thật (hay thực tại). Nhưng cũng có một số hội thánh chỉ hát bằng môi miệng chứ không thật sự hết lòng bước vào sự ngợi khen và thờ phượng. Chúng ta không nên lấy môi miếng tôn kính Ngài trong khi tấm lòng thì cách xa Ngài.

Lần nọ có người kể lại khải tượng anh thấy. Ngày nọ anh ở trong buổi nhóm hội thánh khi mọi người đều mải mê ngợi khen và thờ phượng. Trong bầu không khí đó, Chúa phán với anh rằng, “Ta sẽ tỏ cho con biết ai ở đây thật sự là người thờ phượng Ta tại đây. Có ánh sáng phát ra từ mỗi người trong họ.”

Anh kể rằng trong cả hội chúng thì chỉ có ba bốn người có ánh sáng phát ra. Số còn lại trong hội chúng đó chỉ thờ phượng qua loa trong lúc tâm trí họ nghĩ về những chuyện khác.

Khi thờ phượng Chúa một mình ở nhà, có lẽ chúng ta ít bị chi phối hơn, dù tâm trí chúng ta có khuynh hướng nghĩ vu vơ đến việc khác. Chúng ta phải kỷ luật chính mình để hướng tâm trí nơi Chúa khi thờ phượng Ngài.

Tôi hết sức khuyên mọi tín hữu nên đi nhóm đúng giờ để họ không làm gián đoạn người khác bước vào sự ngợi khen và thờ phượng Chúa trong lúc họ cứ lo tìm chỗ ngồi. Nếu chúng ta không thể đi nhóm đúng giờ, chúng ta nên chờ phía sau phòng nhóm cho đến khi giờ ngợi khen và thờ phượng kết thúc, làm thế là để bày tỏ lòng tôn kính đối với Chúa và tôn trọng người khác. Tôi đã nhóm một số nhà thờ khi giờ ngợi khen và thờ phượng bắt đầu thì họ đóng cửa, và ai đi trễ không thể vào trong thì chờ cho đến khi giờ thờ phượng xong. Họ có thể nghe hát ngợi khen và thờ phượng qua loa trong khi đợi ở bên ngoài, nhưng để không quấy rầy người khác, họ phải đợi rồi tìm ghế ngồi sau. Một số người thấy làm vậy hơi khắt khe quá, nhưng như thế mới khích lệ tín đồ đi nhóm đúng giờ.

Hay là họ phải tìm ghế trống ở phía sau phòng nhóm để người khác không bị chi phối khi họ bước vào. Tất cả chúng ta đều có lúc đi nhóm trễ vì lý do mình không kiểm soát được, nhưng một số tín đồ có thói quen hay đi nhóm trễ. Dù giờ nhóm bắt đầu lúc nào đi nữa thì họ cũng đi trễ.

Điều không hay chút nào là chúng ta thường rất dễ bị chi phối. Satan dễ lợi dụng điểm yếu này để ngăn trở chúng ta không bước vào sự ngợi khen cao độ hay sự thờ phượng sâu nhiệm. Hãy để ý tôi dùng từ “cao độ” và “sâu
nhiệm”. Có sự khác biệt lớn giữa việc hát thánh ca và thật sự chìm ngập trong sự hiện diện của Chúa. Chúng ta muốn hết lòng ngợi khen và thờ phượng Chúa.

Tôi thường ngừng sự ngợi khen trong các buổi nhóm bồi linh của chúng tôi để khích lệ tín đồ chú ý đến những lời họ hát. Tôi biết nhiều người trong số họ chỉ hát nhép nhép miệng trong lúc mắt họ liếc dọc liếc ngang nhìn hội chúng, quan sát người khác tìm chỗ ngồi. Tôi không thích như thế, và tôi biết ngợi khen và thờ phượng cũng chẳng giúp gì họ mà cũng không tôn vinh Chúa nếu họ không tập trung vào việc họ đang làm. Sau khi nói lời khích lệ, tôi luôn thấy có sự thay đổi rõ rệt trong bầu không khí thuộc linh. Mọi người cố gắng để không bị chi phối. Kết quả là có sự xức dầu hay sự hiện diện của Thánh Linh mạnh mẽ thăm viếng phòng nhóm.

Tóm lại, điều trước tiên cần làm là bảo đảm chúng ta có thái độ tấm lòng đúng đắn. Sau đó chúng ta nên biểu lộ ra để ma quỷ thấy rõ chúng ta đang thờ phượng Chúa.

CÔNG BỐ ĐƯỢC XEM LÀ HÀNH ĐỘNG

Vì mỗi khi các con ăn bánh và uống chén này hãy truyền bá sự chết của Chúa cho đến khi Ngài đến.

1CÔRINHTÔ 11:26

Cá nhân tôi tin Tiệc Thánh là một cách nữa để biểu lộ ra những gì diễn tiến trong lòng. Kinh Thánh nói mỗi khi chúng ta ăn bánh và uống chén, chúng ta nhớ lại thân và huyết của Ngài, và công bố sự chết của Ngài cho đến khi Ngài đến.

Chúng ta cần hiểu rằng khi dự Tiệc Thánh là chúng ta công bố đức tin bằng hành động, chứ không chỉ bằng những lời nói rằng chúng ta tin điều đó trong lòng.

Nhiều tín đồ hay nói, “Lòng tôi ngay thẳng,” nhưng người ta đâu có biết lòng chúng ta ra sao; họ chỉ có thấy hành động của chúng ta. Cũng giống như thật buồn cười khi người chồng nói với vợ, “Em phải biết rằng anh yêu em nên anh mới cưới em phải không nào?” Nhưng anh ta lại chẳng hề bày tỏ bất kỳ tình cảm hay suy nghĩ gì cho cô vợ để cô vợ tin anh ta. Nên điều quan trọng là chúng ta bày tỏ bằng hành động những gì chúng ta tin trong lòng.

Khi tôi dự Tiệc Thánh, tôi luôn nói, “Chúa Giê-su ôi, khi con nhận bánh này, con tiếp nhận Ngài là Bánh Hằng Sống của con. Bao lâu con dự phần nơi Ngài và thông công với Ngài, con sẽ luôn thoả lòng. Khi con nhận chén này, con đang uống Nước Hằng Sống. Bao lâu con uống nơi Ngài và thông công với Ngài, con sẽ thoả mãn đến độ không còn lo lắng nữa, bất kể hoàn cảnh bên ngoài thể nào. Lạy Chúa Giê-su, con công bố khi sự Tiệc Thánh này Ngài là tất cả những gì con cần để được hạnh phúc và vui thoả trong đời.”

Rồi tôi nói tiếp, “Có nhiều thứ khác con thích sở hữu và vui hưởng. Không có những thứ này con cũng có thể sống được, nhưng con không thể sống nếu không có Ngài. Ngài là nhu cầu số một của con.”

Khi chúng ta bắt đầu hành động như vậy, ma quỷ đâm ra lo sợ. Satan biết nếu chúng ta bước vào mối tương giao mật thiết với Chúa như thế, nó sẽ không còn kiểm soát chúng ta được nữa.

CÔNG BỐ BẰNG HÀNH ĐỘNG

Hỡi các dân, hãy vỗ tay. Hãy reo mừng chiến thắng cho Đức Chúa Trời.

THI THIÊN 47:1

Kinh Thánh dạy chúng ta hãy nhảy múa, chơi nhạc cụ và làm mọi thứ để bày tỏ sự thờ phượng của chúng ta dâng lên Chúa. Chúng ta cần những điều này vì làm như vậy sẽ đem lại sự tự do trong đời sống chúng ta, dâng vinh hiển cho Chúa và giúp ta đánh bại ma quỷ.

Nếu nói, “Thôi đi, Chúa biết tôi cảm nhận thế nào về Ngài. Tôi không muốn phô diễn ra” thì chưa đủ. Nói thế chẳng khác nào nói, “Thôi nào, Chúa biết tôi tin nơi Ngài; nên tôi thật sự không cần làm báp tem nước”. Hay nói, “Chúa biết tôi rất tiếc cho tội lỗi của tôi; nên tôi không cần nhận tội và ăn năn.” Chúng ta thấy làm thế thì thật ngu ngốc thể nào, và tín đồ từ mọi giáo phái đều đồng ý rằng người tin Chúa cần phải chịu báp tem nước và cần ăn năn tội. Nhưng không phải giáo phái nào cũng dạy tín đồ biểu lộ ra sự ngợi khen và thờ phượng.

Trong nhiều năm tôi nhóm một hội thánh, mà điều này hầu như phổ biến khắp thế giới. Chúng tôi hát thánh ca trong mỗi buổi nhóm, nhưng không có biểu hiện gì bên ngoài như vỗ tay, nhảy múa hay đưa tay lên. Sự thật thì nếu ai mà vỗ tay hay nhảy múa gì đó thì bị cho là không “kỉnh kiền.” Trong khi đó Kinh Thánh dạy rất nhiều về những biểu lộ này, nhưng cái hội thánh này cùng nhiều hội thánh khác cảm thấy thái độ “kỉnh kiền” là cách cư xử “phải đạo” trong buổi thờ phượng. Tất nhiên là chúng
ta cần những thì giờ yên tĩnh và tôn kính, nhưng chúng ta cũng cần bày tỏ tình cảm của chúng ta trong buổi thờ phượng.

Tôi không khuyến khích chuyện gây ồn ào. Chúng ta đều biết có những tín đồ hay “cảm xúc” và họ có thể gây sự chi phối. Chúng ta cần quân bình. Chỉ vì một số tín đồ quá cảm xúc trong quá khứ mà một số giáo hội hoàn toàn nghiêm cấm bày tỏ bất kỳ cảm xúc nào trong buổi nhóm. Cá nhân tôi tin nếu chúng ta bày tỏ cảm xúc đúng đắn trong buổi ngợi khen và thờ phượng thì chúng ta sẽ không bày tỏ cảm xúc “bậy bạ” chỗ khác. Cảm xúc là một phần con người chúng ta như thân thể, ý chí hay tâm linh. Chúa ban cho chúng ta tình cảm và tình cảm cũng phải được quan tâm như những phần còn lại của con người chúng ta. Chúng ta không để tình cảm điều khiển bởi vì tình cảm được xem là hay thay đổi và không đáng tin, nhưng chúng ta cũng không nên đè nắn nó mà sống lành mạnh được.

Khi tôi ngồi trong nhà thờ kể trên, có những lúc cảm xúc dâng tràn trong tôi. Tôi cảm thấy cần bày tỏ ra nhưng không biết bày tỏ sao cho phải đạo. Tôi cho rằng thật là một thảm kịch nếu không dạy cho tín đồ rằng họ được tự do bày tỏ chính mình và tình yêu của họ dành cho Chúa cách quân bình. Sợ mất quân bình mà “bất bình” bỏ hết là sai lầm.

Ai cũng có thể bênh vực cho giáo hội của mình, “Thôi nào, trước giờ chúng tôi thờ phượng như thế.” Tôi cho rằng thái độ đó không đúng. Chúng ta nên cởi mở để được tăng trưởng, tức được thay đổi. Chúa Giê-su phán Ngài không thể đổ rượu mới vào bầu da cũ, hàm ý một số “truyền thống” của chúng ta phải ra đi. Những giáo hội này phải “trút bỏ” những cái cũ kỹ và nắm bắt những cái mới. Tri thức và mặc khải luôn tiệm tiến; nếu một công cuộc nào đó cứ đứng yên một chỗ tức là nó đang “chết dần chết mòn.”

Tôi không có ý xét đoán ai; tuy nhiên, Lời Chúa là “cái la bàn” chính xác. Những điều tôi chia sẻ đều có Kinh Thánh hậu thuẫn nên tất cả chúng ta hãy vui lòng thuận phục.

Tôi khích lệ bạn hãy bắt đầu biểu lộ ra khi ngợi khen và thờ phượng Chúa tại nhà nếu bạn nhóm trong một hội thánh mà không chấp nhận việc này giữa hội chúng. Tôi cũng khuyến khích bạn hãy thờ phượng Chúa vì Ngài đáng cho chúng ta tôn thờ.

CÔNG BỐ BẰNG LỜI

Vậy nên, chúng ta hãy nhờ Đức Giê-su mà liên tục dâng lên Đức Chúa Trời tế lễ ca ngợi, tức là kết quả của môi miệng tuyên xưng danh Ngài.

HÊBƠRƠ 13:15

Công bố nơi miệng là một vũ khí quyền năng chống lại kẻ thù. Châm Ngôn 18:21 dạy rằng quyền lực của sự sống và sự chết đều nằm ở lưỡi. Chúng ta nên nói sự sống cho chính mình và sự chết cho kế hoạch huỷ diệt của sa- tan. Chẳng hạn, những lời cảm tạ là thứ tiêu diệt ma quỷ. Nó ghét không muốn nghe một người biết ơn nói về sự tốt lành của Chúa.

Hêbơrơ 4:12 dạy Lời Chúa sắc hơn gươm hai lưỡi. Tôi
tin một lưỡi để đánh bại satan, còn lưỡi kia để khai mở phước hạnh thiên đàng. Chúng ta được dạy trong Êphêsô 6:17 rằng hãy dùng gươm Thánh Linh, tức là Lời Chúa, cũng là một trong những vũ khí cần mặc vào để đánh trận thuộc linh cách hiệu quả.

Tác giả Thi Thiên Đavít thường tuyên bố như vầy, Tôi sẽ nói về Chúa, Ngài là nơi nương náu tôi và là đồn luỹ tôi, cũng là Đức Chúa Trời tôi, tôi tin cậy nơi Ngài! Có lẽ chúng ta phải thường xuyên tự hỏi, “Tôi nói về Chúa như thế nào?” Chúng ta cần NÓI ra, chứ không chỉ nghĩ thôi. Có người nghĩ, “Tôi tin tất cả những điều tốt lành nói về Chúa, nhưng có phải những gì bạn nói giúp ích cho bạn không?” Người ta thường cho là mình tin điều gì đó, nhưng miệng họ lại lời trái ngược.

Chúng ta cần nói lớn tiếng. Chúng ta cần làm việc này đúng lúc và đúng chỗ, nhưng chúng ta cần đảm bảo là chúng ta nói ra. Hãy để những lời công bố thành một phần trong giờ thông công với Chúa. Tôi thường đi bộ vào buổi sáng. Tôi cầu nguyện, ca hát và công bố Lời Chúa lớn tiếng. Tôi thường nói như vầy, “Chúa ở về phía tôi. Tôi có thể làm bất cứ điều gì Ngài giao cho tôi làm.” Hoặc tôi nói, “Chúa là tốt lành và Ngài có kế hoạch tốt lành cho đời sống tôi. Phước hạnh sẽ đuổi theo tôi và tràn ngập trong đời sống tôi.” Đối với tôi, công bố như thế chẳng khác nào lấy gươm bén đâm vào satan.

Hãy nói thành tiếng lời cảm tạ, lời ngợi khen và thờ phượng của bạn. Hãy hát lớn tiếng những bài thánh ca nào ngập tràn sự ngợi khen và thờ phượng. Hãy “ra tay” hành động chống lại ma quỷ!

SỨC MẠNH CÁNH TAY ĐƯA LÊN

Lạy Đức Chúa Trời, chính Ngài là Đức Chúa Trời của tôi, tôi tha thiết tìm kiếm Ngài. Linh hồn tôi khát khao Chúa, thể xác tôi mong ước Ngài. Như mảnh đất khô khan, nứt nẻ, không có nước. Như tôi đã thấy Ngài trong nơi thánh, để chiêm ngưỡng quyền năng và vinh quang Ngài. Vì tình yêu thương của Ngài quý hơn mạng sống, môi tôi sẽ ca ngợi Ngài. Như vậy, tôi sẽ ca tụng Ngài trọn đời, tôi sẽ nhân danh Ngài đưa tay lên cầu khẩn.

THI THIÊN 63:1-4

Của lễ và Cơ Đốc Giáo trước giờ liên hệ nhau. Trong Cựu ước, luật pháp đòi hỏi phải dâng đủ thứ của lễ. Đavít nói về việc đưa tay lên như của lễ ban chiều trong Thi Thiên 141:2.

Có một số câu Kinh Thánh khác nói về việc đưa tay lên. Dường như là chúng ta sẽ tự động đưa tay khi ở trong sự hiện diện của Chúa. Đối với tôi, đó là cách bày tỏ sự ngưỡng mộ, sự tôn kính và sự đầu phục. Chúng ta nên liên tục dâng mình cho Chúa và cho kế hoạch của Ngài dành cho chúng ta.

Bạn có thể đưa tay và ngợi khen Chúa suốt cả ngày. Ngay cả tại sở làm, bạn cũng có thể vào phòng tắm để vài phút ngợi khen Chúa. Khi chúng ta đầu phục Chúa, Chúa sẽ kiểm soát. Ngài là Đấng lịch sự và sẽ không áp đặt ý Ngài lên chúng ta. Ngài chờ chúng ta để cho Ngài biết là chúng ta tin cậy Ngài. Tôi khích lệ bạn hãy bắt đầu đưa tay lên và dâng lời ngợi khen Chúa. Làm thế không chỉ chúc tụng Chúa mà cũng giúp đánh bại ma quỷ và bạn cũng cảm thấy thoả mái hơn.

Ai mà cả đời theo Chúa chưa hề đưa tay lên ngợi khen và thờ phượng Chúa có thể cần một sự khai phóng mạnh mẽ những cảm xúc bị dồn nén; tâm linh chúng ta khao khát thờ phượng Chúa cách mãnh liệt và hăng hái nhưng vẫn còn có cái gì đó thiếu thiếu trong đời sống thuộc linh cho đến khi chúng ta đưa tay lên ngợi khen Chúa. Tôi đã tin Chúa nhiều năm rồi tôi mới đưa tay ngợi khen và thờ phượng Chúa. Tôi khao khát được tự do ngợi khen và thờ phượng Chúa, nhưng tôi được dạy dỗ đúng mức để biết tôi cần làm gì.

NGHỈ NGƠI ĐỂ NGỢI KHEN

Mỗi ngày tôi ca ngợi Chúa bảy lần. Vì các phán quyết công chính của Ngài.

THI THIÊN 119:164

Tôi nghĩ không gì tôn cao Chúa cho bằng thỉnh tho- ảng chúng ta ngưng giữa chừng công việc đang làm để đưa tay lên thờ phượng Chúa, hoặc để ít thời gian quỳ xuống trước mặt Chúa và thưa, “Chúa ơi, con yêu Ngài.” Trong câu Kinh Thánh được trích ở trên, tác giả thi thiên nói mỗi ngày ông để thời gian ngợi khen Chúa bảy lần.

Lấy thí dụ về một thương gia, có thể là một vị giám đốc công ty lớn. Há không tuyệt vời nếu hai hoặc ba lần mỗi ngày ông đóng cửa văn phòng, quỳ gối xuống và dâng lời, “Chúa ơi, con muốn dành ít thì giờ để thờ phượng Ngài. Cha ơi, tất cả những điều Ngài ban cho con – công việc làm ăn, tài chánh, thành công – đều là phước hạnh, nhưng con chỉ muốn thờ phượng Ngài, muốn tôn cao Ngài. Ngài thật tuyệt vời. Con yêu Ngài. Ngài là mọi điều con cần. Cha ơi, con thờ phượng Ngài. Giê-su ơi, con thờ phượng Ngài. Thánh Linh ơi, con thờ phượng Ngài.”

Tôi tin rằng nếu thương gia đó làm vậy, anh ta sẽ không bao giờ phải lo về việc kinh doanh, tài chánh hay thành công. Tất cả những điều đó đã được Chúa an bài.

Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài, rồi Ngài sẽ ban thêm cho các con mọi điều ấy nữa.

MATHIƠ 6:33

Một người nội trợ cũng sẽ có những ngày kết quả, bình an nếu cô ta để thì giờ làm vậy. Không ai mà không được ích lớn từ việc nghỉ một chút để ngợi khen Chúa.

Ngoài việc nghỉ ngơi để ngợi khen Chúa, chúng ta cũng nên làm như tôi đề nghị, bất cứ khi nào chúng ta cảm thấy căng thẳng, đuối sức, bối rối hay muốn bỏ cuộc. Ngợi khen Chúa sẽ làm chúng ta tươi mới. Xin nói thêm lần nữa, hành động ca ngợi Chúa như thế bày tỏ sự lệ thuộc hoàn toàn của chúng ta nơi Chúa. Chúng ta phải nhớ là Ngài phán, . . . Ngoài Ta các con chẳng làm chi được (Giăng 15:5).

TẠI SAO PHẢI QUỲ XUỐNG?

Sau khi Đa-ni-ên nghe tin vua đã ký sắc chỉ, ông về nhà, lên một phòng trên cao, nơi có cửa sổ mở hướng về thành Giê- ru-sa-lem, quỳ gối cầu nguyện và ca ngợi Đức Chúa Trời của ông, như ông vẫn làm trước nay, mỗi ngày ba lần.

ĐANIÊN 6:10

Tại sao chúng ta quỳ xuống? Chúng ta làm vậy là chúng ta hạ mình. Chúng ta muốn nói với Chúa qua hành động của chúng ta, “Chúa ơi, con tôn kính Ngài và tôn vinh Ngài. Ngài là tất cả và ngoài Ngài con chẳng là gì cả. Con chẳng làm gì cho phải lẽ nếu không có Ngài. Nếu Ngài không giúp con, con sẽ chết mất bởi vì không ai khác giúp con được ngoài Ngài.”

Bạn còn nhớ câu chuyện Đaniên trong hang sư tử không? Kẻ thù của ông ganh tị ông cùng địa vị cao trọng của ông trong vương quốc. Bởi vì Đaniên là một người công chính, nên kẻ thù biết không có cách gì để kiện cáo ông về một hành vi sai trật nào. Họ tìm ra cách hù doạ để tố cáo thì giờ ở riêng của ông với Chúa. Họ thuyết phục vua ra sắc lệnh trong vòng ba mươi ngày, hễ ai bị bắt vì kêu cầu bất cứ thần nào hay người nào khác trừ vua sẽ bị ném vào hang sư tử.

Kẻ thù Đaniên biết ông có thói quen vào phòng cầu nguyện ba lần một ngày, mở cửa sổ hướng về Giê-ru-sa- lem, quỳ gối, cầu nguyện và thờ phượng Chúa.

Đaniên không chịu thoả hiệp về sự thờ phượng Chúa của ông. Hôm sau ông cũng thờ phượng Chúa theo cách đó, kẻ thù bắt quả tang và đem ông đến trước vua. Vua không có lựa chọn nào ngoài trừ ném ông vào hang sư tử. Tôi thích câu chuyện ở chỗ này nói ông mở cửa sổ phòng ra cầu nguyện như ông vẫn làm thường xuyên. Nói cách khác, ông không tìm cách giấu giếm sự cầu nguyện. Ông kính sợ Chúa hơn sợ con người.

Đaniên đã phải vào hang sư tử, nhưng đêm đó ông đã ngủ ngon và hôm sau ông ra khỏi hang mà không bị hề hấn gì vì Chúa đã bịt miệng sư tử. Thay vì ông bị sư tử xé xác, kẻ thù của ông bị ném vào hang sư tử và bị xé xác.

Nếu bạn và tôi thờ phượng Chúa khi kẻ thù âm mưu làm hại chúng ta thì như Đaniên, chúng ta sẽ thoát khỏi mà không bị hề hấn gì.

QUỲ XUỐNG ĐỂ ĐƯỢC NHẤC LÊN

Đức Giê-su cùng môn đệ đến bờ biển bên kia thuộc địa phận của người Giê-ra-sê. Một người bị tà linh ám từ nghĩa địa chạy ra đón khi Ngài vừa bước ra khỏi thuyền. Hắn sống nơi mồ mả, dù dùng dây xích cũng không ai xiềng hắn được. Đã nhiều lần bị cùm, bị xích, song hắn bẻ xích phá cùm, chẳng ai trị nổi. Suốt ngày đêm hắn lang thang nơi nghĩa địa và trên đồi hoang, la hét và lấy đá rạch mình. Khi thấy Đức Giê-su từ đằng xa hắn chạy đến quỳ lạy Ngài,

MÁC 5:1-6

Có lẽ bạn nghĩ bạn có nan đề, nhưng chúng chẳng là gì so với nan đề mà con người đáng thương này có. Nhưng hãy để ý điều ông làm ngay khi thấy Chúa Giê-su – ông chạy đến và quỳ gối thờ phượng Ngài. Phần sau của câu chuyện là Chúa Giê-su đuổi một quân đội quỷ ra khỏi ông và ông đi về nhà hoàn toàn được tự do.

Dù bạn có bao nhiêu nan đề đi nữa, nếu bạn quỳ gối hay sấp mặt xuống đất thờ phượng và tôn thờ Ngài thường xuyên, tôi hứa với bạn là Ngài sẽ đem bạn từ chỗ thất bại đến chỗ chiến thắng.

Chúng ta không chỉ muốn thờ phượng Chúa khi phép lạ xảy ra, và lúc đó chúng ta cảm thấy thích thú và muốn thờ phượng. Đó là thời gian tốt để thờ phượng Chúa, nhưng chúng ta cũng cần đặc biệt thờ phượng Ngài trong những lúc khó khăn.

Có lần Chúa phán với tôi rằng lý do phần lớn nhiều tín đồ cứ khốn đốn luôn vì lúc khốn đốn họ mới tìm kiếm Ngài. Ngài phán với tôi, “Joyce con, nếu con tìm kiếm Ta như thể là lúc nào con cũng khốn đốn thì con sẽ không nhiều khốn đốn trong đời con.”

Dân Y-sơ-ra-ên phí nhiều năm trong sa mạc, là nơi Chúa tìm cách dạy họ làm điều ngay thẳng. Như tôi đã nói rồi, họ để bốn mươi năm để đi một hành trình mất mười một ngày. Khi họ khốn đốn thì họ tìm kiếm Chúa nhưng khi họ được phước thì họ quên bẵng Ngài. Chúa đã cho phép kẻ thù cai trị họ bởi vì họ không tìm kiếm Ngài, và rồi sau đó họ tìm kiếm Ngài. Trong Phục Truyền 8:2 chúng ta đọc, “Phải nhớ rằng trong bốn mươi năm CHÚA, Đức Chúa Trời anh chị em đã dẫn anh chị em băng qua sa mạc; cho anh chị em gặp bao nhiêu gian nan để thử lòng anh chị em, xem anh chị em có vâng giữ các điều răn của Ngài không.”

Một trong các điều răn của Ngài dành cho họ là thờ phượng Ngài mọi lúc, nhưng nhiều người trong số họ không học được bài học này; vì vậy, họ đã không được vào xứ hứa. Thật ra, chỉ có hai người trong số gần hai triệu người ban đầu rời Ai-cập mới bước vào xứ hứa. Chuyện này hết sức đau buồn và gây sốc. Chúng ta có lẽ nghĩ, “Sao lại có chuyện đó được?” Tuy nhiên, trong thực tế ngày nay có bao nhiêu tín đồ bạn biết đã thực sự sống đắc thắng thường xuyên? Sống đắc thắng không có nghĩa là không có nan đề mà là có niềm vui và bình an giữa lúc có nan đề. Đắc thắng là liên tục kết quả cho Nước Chúa, ngay cả khi cá nhân chúng ta trải qua những khó khăn.

CHÚA phán như vầy: Khốn cho kẻ tin cậy loài người, dựa vào người phàm làm sức mạnh, và trở lòng lìa bỏ CHÚA. Kẻ ấy giống như cây bách xù trong đồng ho- ang, mọc nơi sỏi đá trong sa mạc, nơi đất mặn, không người ở. Người ấy không hề nhận thấy phúc lành. Phước cho người tin cậy CHÚA, có CHÚA làm nguồn tin cậy mình. Người ấy giống như cây trồng gần nước, đâm rễ bên dòng sông, không sợ nắng hạ đến, lá vẫn xanh tươi, gặp năm hạn hán cũng chẳng lo, không ngừng ra trái.

GIÊRÊMI 17:5-8

Những câu Kinh Thánh này nói người nào thường xuyên tìm kiếm Chúa và không nhờ con người giải quyết nan đề của mình sẽ vững vàng. Suốt năm hạn hán, người đó sẽ cứ kết quả dồi dào. Tôi tin đây là điều quan trọng chúng ta cần làm để trở thành một chứng nhân kết quả. Nếu satan có thể dùng sự tấn công của nó kiểm soát hành vi của chúng ta, nó sẽ tấn công liên tục. Ngược lại, nếu chúng ta cứ ở trong trạng thái mà Chúa muốn chúng ta ở thì dù kẻ thù có tấn công chúng ta thể nào, chúng ta vẫn cứ bày tỏ qua hành vi của chúng ta rằng đức tin nơi Chúa không chỉ sản sinh ra hành vi đúng mà còn mang lại bình an và vui mừng. Đời sống chúng ta sẽ thành muối và ánh sáng; người khác sẽ thèm những gì chúng ta có; và họ sẽ mở lòng cho chúng ta chia sẻ đức tin với họ.

Khi chúng ta thường xuyên đặt Chúa hàng đầu, khi chúng ta thờ phượng Ngài và để thì giờ quỳ gối trước mặt Ngài, Ngài sẽ luôn nhấc chúng ta lên.