Đăng vào: 12 tháng trước
Kinh Thánh đều nói đến sự biến đổi và biến hoá.
Trong Luca chương 9 Chúa Giê-su đã được hoá hình. Ngài lên núi cầu nguyện; Phierơ và Giăng đi với Ngài. Khi Ngài đang cầu nguyện thì diện mạo Ngài đổi sắc. Nó thay đổi hoàn toàn và áo xống Ngài trở nên sáng chói. Môise và Êli đang trò chuyện với Ngài, nói chuyện với Ngài về sự chết của Ngài sắp được ứng nghiệm. Dĩ nhiên, Phierơ và Giăng rất ngạc nhiên; họ chưa hề chứng kiến việc như thế trước đây. Phierơ muốn dựng trại ở luôn trên núi; tuy nhiên, Chúa Giê-su bảo ông rằng họ phải xuống núi và hoà cùng với đoàn dân.
Phierơ, Giăng và Chúa Giê-su đều lên núi, và tất cả đều chứng kiến một biến cố quan trọng, Chúa Giê-su muốn xuống núi giúp đỡ dân chúng. Còn Phierơ thì muốn ở đó luôn và muốn một mình ông vui hưởng suốt quãng đời con lại.
Để ý Chúa Giê-su được biến hoá đang khi Ngài cầu nguyện. Dù Kinh Thánh không nói rõ Ngài đang thờ phượng, nhưng tôi tin Chúa Giê-su luôn thờ phượng Cha khi Ngài cầu nguyện. Tôi tin chắc những lời cầu nguyện của Ngài gồm nhiều lời ngợi khen hơn là lời cầu xin. Đây là bài học cho hết thảy chúng ta. Nếu chúng ta muốn thấy sự thay đổi tích cực trong đời sống, chúng ta hãy cầu nguyện và thờ phượng, thay vì lo dựng “trại.” Chúng ta thường bận rộn xây dựng “vương quốc” riêng của mình, thậm chí chúng ta không nhận ra công việc lớn lao mà Chúa muốn làm và mục đích khi Ngài làm. Chúa không muốn chúng ta giống Chúa để rồi chúng ta chỉ vui hưởng cuộc sống của chúng ta nhiều hơn.
Ngài muốn chúng ta để thì giờ với Ngài trong sự cầu nguyện và Lời Ngài, kinh nghiệm sự biến đổi, rồi trở lại chỗ người ta ở và giúp họ nhiều hơn.
THAY ĐỔI DIỄN TIẾN TRONG NGÀY
Nếu bạn thức dậy buổi sáng trong tâm trạng khó chịu thì điều tốt nhất bạn làm là tìm một nơi và để ít thời gian với Chúa. Sống trong sự hiện diện của Chúa sẽ biến đổi chúng ta. Chúng ta có thể thay đổi diễn tiến của một ngày mà satan định quấy phá bằng cách học tìm kiếm Chúa ngay khi chúng ta cảm nhận chúng ta có thái độ hay hành vi không giống Chúa.
Ngoài Chúa ra chúng ta không làm gì được (Gi 15:5), nhưng với Ngài và nhờ Ngài, chúng ta làm được mọi sự. (Philíp 4:13). Tôi đã học được rằng tôi vẫn còn có những cảm xúc, nhưng tôi không cần phải để nó cai trị tôi. Tôi không thể tự mình đè nắn nó được, nhưng nếu tôi xin Chúa giúp đỡ, Ngài sẽ ban sức cho tôi để tôi bước theo Thánh Linh, chứ không theo cảm xúc.
Chuyện gì xảy ra nếu ai đó làm vấp phạm hay chạm
tự ái của chúng ta? Kinh Thánh nói chúng ta không nên dễ bị vấp phạm hay bị phật lòng; tất cả chúng ta đều được bảo phải nhanh tha thứ những người làm tổn thương chúng ta.
Có lẽ chúng ta muốn làm điều đúng nhưng thấy khó làm. Đó là lúc chúng ta cần để thì giờ cầu nguyện, ở riêng với Chúa, học Lời Chúa và để lòng suy gẫm những câu Kinh Thánh nào nói đến những nan đề chúng ta trải qua. Kết quả là bạn và tôi sẽ tìm được sức mạnh để làm điều đúng.
Hãy nhớ chúng ta đang ở trong cuộc chiến thuộc linh; chúng ta là những chiến sĩ trong đạo quân của Chúa, và chúng ta phải ứng trực luôn để dùng những vũ khí của chúng ta. Những vũ khí đó chính là cầu nguyện, thờ phượng, ngợi khen và Lời Chúa.
GIỮ DIỆN MẠO CỦA BẠN
CHÚA phán dạy Môi-se: Con hãy bảo A-rôn và các con trai người: Đây là cách chúc phước cho dân Y-sơ-ra-ên: Cầu xin CHÚA ban phước cho ngươi và bảo vệ ngươi! Cầu xin Chúa làm cho mặt Ngài chiếu sáng ngươi và làm ơn cho ngươi! Cầu xin Chúa đoái xem ngươi và ban bình an cho ngươi!
DÂN SỐ KÝ 6:22-26
Diện mạo của Chúa Giê-su được biến đổi khi Ngài được hoá hình trên núi. Diện mạo của chúng ta chính là cách chúng ta nhìn. Nó là khuôn mặt của chúng ta. Trong hội thánh ngày nay chúng ta cần quan tâm đến nét mặt của chúng ta.
Một trong những phước hạnh mà dân Chúa nhận là mặt Chúa sẽ chiếu sáng trên họ và Ngài sẽ đoái xem họ. Khi người đời nhìn chúng ta, họ cần thấy điều gì nơi chúng ta khác với họ. Họ không đọc tâm trí hay thấy trong lòng chúng ta, nên nét mặt của chúng ta là cách duy nhất cho họ thấy rằng chúng ta có điều họ không có nhưng đó là điều họ thiếu và cần.
Khi Chúa Giê-su bắt đầu cầu nguyện và tương giao với Chúa Cha, diện mạo Ngài được thay đổi, và chúng ta cũng muốn điều đó xảy ra cho chúng ta.
Nét mặt của chúng ta như thế nào rất là quan trọng. Nét mặt của chúng ta tại công sở như thế nào cũng rất quan trọng. Giọng điệu chúng ta nói ở nhà cũng quan trọng. Việc chúng ta mỉm cười với nhau, vui vẻ với nhau và tử tế với nhau cũng quan trọng.
Tôi tin vẻ mặt chúng ta sẽ rạng rỡ hơn khi chúng ta thờ phượng Chúa. Thờ phượng sẽ tạo nụ cười trên khuôn mặt. Chúng ta khó mà cứ giữ vẻ mặt cau có khi chúng ta cảm tạ, ngợi khen và thờ phượng Chúa. Nếu chúng ta làm việc này thường xuyên, nét mặt chúng ta sẽ toát lên sự hiện diện của Chúa, chứ không lộ ra vẻ thất vọng và bối rối.
Có lẽ chúng ta cần có môn học mà tôi tạm gọi là “Diện Mạo Học.” Chúng ta cần để nhiều thì giờ hơn thờ phượng Chúa, rồi thì nét mặt chúng ta sẽ toát lên vinh hiển của Ngài.
Thiết tưởng cơ đốc nhân phải là những người đầy tràn niềm vui và bước đi trong tình yêu thương. Chúng ta cần tự nhủ, “Có phải người ta biết tôi là cơ đốc nhân khi họ nhìn nét mặt của tôi mỗi ngày không?” Tôi nhớ có lần tôi đến một hội nghị ở Florida. Tôi bước vào khán phòng sáng nọ rồi đi ra hành lang thì một phụ nữ chào tôi. Tôi chào lại bà, và bà bảo, “Tôi có thể nói cho bà biết là bà đã từng ở với Chúa Giê-su.”
Bà nói đúng. Tôi đã để một thời gian khá lâu sáng hôm đó để cầu nguyện và thông công với Chúa, soạn bài giảng mà tôi sẽ giảng hôm đó. Làm sao bà biết tôi đã từng ở với Chúa? Bà này nhìn vẻ mặt của tôi mà bà đoán ra. Có lẽ tôi lúc đó trông vui vẻ và cảm thấy thoả lòng hay bình an gì đó. Tôi không biết là bà đã nhìn thấy gì, nhưng có điều gì đó trên khuôn mặt tôi mà bà này biết tôi đã để thì giờ với Chúa.
CA NHIỀU HƠN KÊU
Khi Đức Giê-su từ trên núi xuống, có rất đông người đi theo Ngài. Kìa, một người phung đến quỳ gối xin: Thưa Chúa, nếu Chúa muốn, Ngài có thể chữa lành cho con. Ngài đưa tay ra sờ người ấy và phán: “Ta muốn, hãy lành bệnh!” Lập tức người phung được lành.
MATHIƠ 8:1-3
Người ta ít gặp trường hợp bệnh phung hủi ở quê nhà của tôi là nước Mỹ, nhưng ngày nay ở một số nước vẫn còn bệnh phung hủi. Dù chúng ta có thể không đối diện với bệnh phung thể xác trong thời đại chúng ta, nhưng chúng ta chắc chắn đối diện với tình trạng “phung thuộc linh.”
Thường chúng ta đến với Chúa xin Ngài chữa bệnh, thăm viếng hay giải cứu, và điều chúng ta muốn hay cần
thưa với Chúa trước tiên là “Chúa ơi, con cần sự chữa lành. Con không thể chịu nổi cơn đau này thêm nữa. Chúa ơi, xin Ngài ra tay, xin Ngài thay đổi hoàn cảnh của con.”
Nhưng khi người phung này đến với Chúa Giê-su xin chữa lành bệnh phung, trước hết ông sấp mình trước mặt Ngài và thờ phượng Ngài. Sau đó ông xin, “Chúa ơi, xin Ngài chữa lành con được không?”
Chúng ta học được ngay một bài học quan trọng ở đây mà rất dễ bỏ qua : Thờ phượng cần đến trước cầu xin. Trong sự cầu nguyện, cần ca ngợi nhiều hơn là cầu xin.
Xin Chúa điều gì thì không sao. Kinh Thánh dạy chúng ta cầu xin, nhưng tôi tin đó không phải điều chúng ta nên làm khi bắt đầu thông công với Chúa. Điều chúng ta nên thưa với Ngài trước hết phải là điều quan trọng nhất đối với chúng ta.
Lần nọ tôi được Chúa thách thức để nghiên cứu kỹ những lời cầu nguyện của sứ đồ Phaolô, một số lời cầu nguyện này được ghi lại trong Kinh Thánh. Tôi không chỉ ngạc nhiên về những gì tôi khám phá, mà tôi còn bị thuyết phục là ưu tiên cầu nguyện của tôi không như Kinh Thánh dạy.
Phaolô cầu nguyện trong thư Êphêsô cho các tín hữu hiểu biết và nếm trải tình thương của Chúa, để họ có được sự mặc khải thực sự về quyền năng của Chúa dành cho họ. Trong thư Philíp ông cầu nguyện cho các tín hữu chọn những điều tốt nhất. Trong thư Côlôse, ông cầu nguyện cho các tín hữu được mạnh mẽ bởi sức mạnh để tập chịu đựng và kiên nhẫn mọi sự cách vui mừng. Ông cũng cầu nguyện nhiều điều kỳ diệu khác, nhưng khi tôi nghiên cứu các lời cầu nguyện của ông, tôi khám phá ra là ông không bao giờ xin những phước hạnh vật chất. Ông quan tâm đến những nhu cầu thuộc linh hơn là những nhu cầu vật chất. Lời cầu nguyện của ông đầy dẫy lời cảm tạ, tức ngợi khen và thờ phượng. Chẳng hạn, ông nói mỗi lần ông cầu nguyện, ông cảm tạ Chúa về sự dâng hiến cho ông trong chức vụ. Chúng ta nên cảm tạ về những người bạn Chúa ban cho chúng ta, là người người giúp chúng ta trong cuộc sống và chức vụ.
Tôi đoan chắc là Phaolô cũng có trình dâng cho Chúa những nhu cầu thuộc thể của ông, nhưng rõ ràng là cầu nguyện kiểu như thế không chiếm chỗ nhiều trong thì giờ cầu nguyện của ông. Chúng ta cũng thấy điều tương tự trong lời cầu nguyện của Chúa Giê-su. Ngài không để thì giờ cầu nguyện cho những nhu cầu và ước muốn vật chất; Ngài quỳ gối tại vườn Ghết-sê-ma-nê và cầu nguyện để có sức mạnh làm theo ý Cha. Khi Ngài nghỉ không giúp đỡ dân chúng nữa, Ngài lên núi cầu nguyện, và tôi biết chắc là Ngài ca ngợi Cha, chứ không cầu xin Cha.
TÔN CAO CHÚA
Hãy cùng tôi tán dương CHÚA, hãy cùng nhau ca ngợi danh Ngài.
THI THIÊN 34:3
Tôi sẽ ca ngợi danh Đức Chúa Trời bằng bài ca. Và dùng lời cảm tạ tán dương Ngài.
THI THIÊN 69:30
Từ “tán dương” (tôn cao) nghĩa là “mở rộng”. Khi chúng ta thưa với Chúa, “Con tôn cao Ngài,” chúng ta có ý nói rằng, “Con làm cho Ngài lớn hơn bất kỳ nan đề hay nhu cầu nào con gặp trong đời.” Trong nhiều năm tôi đã hát nhiều bài hát tôn cao Chúa nhưng tôi không hiểu ý nghĩa của nó. Chúng ta đã rơi vào lỗi này rất nhiều. Chúng ta ca hát và nói về nhiều điều mà chúng ta thật sự không hiểu. Những lời đó trở thành “sáo ngữ” mà chúng ta học thuộc ở nhà thờ.
Chúng ta nên tôn cao Chúa, và điều đó có nghĩa là chúng ta làm cho Ngài lớn hơn bất cứ điều gì khác trong đời. Khi chúng ta thờ phượng và ngợi khen Chúa là chúng ta tôn cao Ngài. Chúng ta sẽ nói, “Ngài quá lớn lao, quá vĩ đại nên con muốn thờ phượng Ngài.” Qua việc đặt sự thờ phượng trước tiên, chúng ta cũng muốn thưa, “Ngài lớn hơn bất cứ nhu cầu nào của con.”
QUYỀN NĂNG CỦA THỜ PHƯỢNG
Vì Kinh Thánh đã chép: Chúa phán: Thật như Ta hằng sống, mọi đầu gối sẽ quỳ trước mặt Ta. Và mọi lưỡi sẽ tuyên xưng Đức Chúa Trời.
RÔMA 14:11
Tôi tin rằng khi chúng ta thờ phượng Chúa, ít ra thì chúng ta cần một ít thời gian để chuẩn bị tư thế thờ phượng. Chúng ta cần quỳ gối và cúi đầu trước mặt Ngài. Đó là dấu hiệu tôn kính và hạ mình. Đó là dấu hiệu bên ngoài nói lên thái độ tấm lòng bên trong. Satan không thấy được điều gì trong lòng chúng ta, nhưng nó có thể thấy những đầu gối quỳ xuống thờ phượng Chúa.
Trong Philíp 2:10-11, chúng ta được dạy rằng Để khi nghe đến Danh của Đức Giê-su, mọi đầu gối, trên trời dưới đất, bên dưới đất đều phải quỳ xuống, và mọi lưỡi phải tuyên xưng Chúa Cứu Thế Giê-su là Chúa mà tôn vinh Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha. Và trong 1Timôthê 2:8, sứ đồ Phaolô dạy chúng ta, Ta muốn người nam khắp nơi đưa tay thánh sạch lên trời cầu nguyện, không giận dữ, không cãi cọ.
Tay đưa lên là một dấu hiệu của sự thờ phượng. Tại sao chúng ta nên bày tỏ những dấu hiệu bên ngoài này? Há không phải tấm lòng là đủ rồi sao? Như tôi đã nói, ma quỷ không thể thấy điều gì trong lòng chúng ta, nhưng chắc chắn nó thấy những hành động của chúng ta và nghe những lời nói của chúng ta. Khi nó thấy chúng ta đang thờ phượng Chúa qua cử chỉ và lời nói chúng ta, ma quỷ đâm ra sợ hãi. Nó biết nó không thể lừa dối và kiểm soát những con người thờ phượng Chúa.
Satan có thể nhìn thấy biểu lộ bên ngoài của chúng ta như tay đưa cao, và nó biết chuyện gì sẽ ra khi chúng ta quỳ xuống. Rõ ràng đây là những hình thức bên ngoài của sự thờ phượng, và chúng ta cũng thừa biết hình thức bên ngoài mà không có thái độ đúng đắn trong lòng thì vô ích. Điều chúng ta muốn thấy đó là cả hình thức lẫn tấm lòng hoà quyện nhau. Thái độ tấm lòng khẳng định phước hạnh trong lĩnh vực thuộc linh, còn hành động và lời nói khẳng định phước hạnh trong lĩnh vực tự nhiên.
Đó là lý do Kinh Thánh nói để được cứu, chúng ta phải tin trong lòng và xưng nhận nơi miệng rằng Chúa Giê-su đã chết và sống lại.
Vì nếu miệng ngươi xưng nhận Đức Giê-su là Chúa và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ chết sống lại thì ngươi sẽ được cứu; Vì tin trong lòng thì được sự công chính, và xưng nhận nơi miệng thì được sự cứu rỗi.
RÔMA 10:9-10
Đây là nguyên tắc quan trọng mà chúng ta dễ lắm ta bỏ qua. Chúng ta được cứu bởi đức tin, nhưng Giacơ nói đức tin không có việc làm thì chết. Tôi có thể tin trong lòng rằng Chúa là Đấng đáng thờ phượng, nhưng nếu tôi không thể hiện hành động thờ phượng Ngài thì đức tin đó không ích lợi gì nhiều. Tôi có thể nói tôi tin phần mười, nhưng nếu tôi không nộp phần mười, đức tin đó không mang lại phước hạnh tài chánh cho tôi.
Báp tem nước là một ví dụ của Kinh Thánh về nguyên tắc này. Nó là dấu hiệu bên ngoài của một quyết định bên trong để bước theo Chúa. Kinh Thánh dạy khi chúng ta tiếp nhận Chúa Giê-su làm Cứu Chúa của mình, chúng ta được tái sanh. Phép báp tem nước không khẳng định mối quan hệ giữa người tin với Chúa vì mối quan hệ này là do kết quả của sự tái sanh. Bản Kinh Thánh The Amplified Bible nói báp tem nước là một biểu lộ của những gì chúng ta tin đã thuộc về chúng ta nhờ sự sống lại của Chúa Giê- su.
Hãy can đảm – hãy thể hiện bằng hành động và bộc lộ mình ra trong sự ngợi khen và thờ phượng. Nhiều người không chịu nói về Chúa. Họ lập luận, “Có Đạo là vấn đề riêng tư.” Tôi không tìm thấy ai trong Kinh Thánh gặp gỡ Chúa Giê-su mà vẫn giữ riêng cho mình cả. Khi Ngài đổ đầy tấm lòng chúng ta, tin lành về Ngài sẽ tự nhiên tuôn ra từ môi miệng chúng ta. Khi chúng ta hân hoan ngợi khen và thờ phượng Ngài thì rất dễ để bày tỏ ra ngoài. Những tín đồ nào ngồi trong nhà thờ với vẻ mặt chua chát, âu sầu, không chút niềm vui, không tỏ vẻ cười thì nên nghiên cứu kỹ sự thờ phượng và ngợi khen và xem thử Đavít và các thánh đồ khác trong Kinh Thánh đã thờ phượng Chúa như thế nào.
Thờ phượng không chỉ là điều gì đó thuộc về Chúa mà nó còn là một sức mạnh đầy quyền năng làm chấn động thiên đàng, rung chuyển địa ngục và lay động địa cầu. Không chỉ ma quỷ nhìn thấy những đầu gối quỳ xuống thờ phượng Chúa mà thiên đàng cũng nhìn thấy nữa. Một người thờ phượng sẽ thu hút sự chú ý của Chúa. Thiên đàng đầy dẫy sự thờ phượng và ngợi khen Chúa.
Hai mươi bốn trưởng lão quỳ xuống trước Đấng ngự trên ngai và thờ lạy Đấng sống đời đời vô cùng. Họ đặt mão mình trước Ngai mà tung hô:
KHẢI HUYỀN 4:10
Cảnh tượng ở thiên đàng mà câu Kinh Thánh này mô tả được lặp lại nhiều lần trong sách Khải Huyền. Chúng ta nên cầu nguyện thường xuyên . . . Xin ý Cha được nên ở đất như trời. Vì thế, chúng ta nên áp dụng các nguyên tắc của thiên đàng vào sự thờ phượng của mình khi còn ở dưới đất.
Hãy làm một cơ đốc nhân lợi hại – trở thành giống Chúa, hãy để cho sự ca ngợi của bạn nặng ký hơn sự cầu xin: hãy đổi lo lắng lấy thờ phượng và hãy sốt sắng bày tỏ cảm nhận của bạn về Chúa.