Đăng vào: 12 tháng trước
Ngày mai hãy tiến lên tấn công chúng nó. Kìa, chúng đang leo lên đèo Xít, các ngươi sẽ thấy chúng nó ở cuối thung lũng, đối diện với sa mạc Giê-ru-ên. Các ngươi không phải chiến đấu trận này; hãy dàn quân và đứng yên, xem CHÚA, Đấng ở cùng các ngươi, sẽ giải cứu các ngươi. Hỡi Giu-đa và Giê- ru-sa-lem, chớ sợ hãi và hốt hoảng. Ngày mai, hãy đi ra, đối diện chúng nó, CHÚA ở cùng các ngươi.”
2 SỬ KÝ 20:16,17
Đoạn Kinh Thánh này hướng dẫn dân Giuđa chuẩn bị tư thế để chiến trận. Tôi luôn luôn cho rằng tư thế của họ và của chúng ta là đứng yên. Dù điều này đúng, vẫn còn một huấn thị khác quan trọng không kém. Sau khi nhận huấn thị này của Chúa, vua Giê-hô-sa-phát quỳ sấp mặt xuống thờ phượng Chúa. Thật tuyệt vời! Thờ phượng là tư thế đích thực của họ, và trong sự thờ phượng họ cũng được đứng yên. Quỳ gối là tư thế chiến trận của chúng ta – tư thế sấp mặt xuống tôn kính Chúa là tư thế chiến trận. Quỳ gối đưa hai tay lên là tư thế chiến trận. Đavít nói về Chúa, “Ngài tập tay tôi đánh trận.” Tôi tin ông được dạy đưa tay lên trong sự thờ phượng và phủ phục Chúa, và Chúa cho đó là tư thế chiến trận.
Hãy ca tụng CHÚA, vầng đá của tôi; Ngài huấn luyện tay tôi cho chiến tranh, luyện ngón tay tôi để chiến đấu.
THI THIÊN 144:1
Có lẽ khi Đavít chơi nhạc cụ, các ngón tay của ông đang chiến trận. Ngợi khen, thờ phượng, ca hát, Lời Chúa, vui mừng – tất cả đều là vũ khí của cuộc chiến thuộc linh.
Định nghĩa chính của từ ngợi khen trong từ điển các từ Cựu ước của Vine đã liệt kê các thuật ngữ như là “tôn vinh, ca ngợi, bài hát ca ngợi; hành động ngợi ca.” Trong Tân ước, ngợi khen được định nghĩa trong từ điển các từ Hy lạp của Vine gồm một số nghĩa sau : “một câu chuyện kể, một bài tường thuật.” Từ điển này cho biết rằng sự ngợi khen được quy cho Chúa, đặc biệt nói về sự vinh hiển Ngài (phô bày bản tánh và công việc của Ngài). Nói cách khác, ngợi khen nghĩa là nói hay hát về sự tốt lành, ân sủng và sự vĩ đại của Chúa.
Trong Cựu ước, thờ phượng được mô tả là “phủ phục xuống, cúi xuống.” Trong Tân ước thờ phượng được định nghĩa là “cúi mình, bày tỏ lòng tôn kính”. Nó được hình thành từ hai từ Hy lạp có nghĩa “hướng đến” và “hôn” dùng để nói đến lòng tôn kính hay kính sợ” đối với Chúa. Trong phần chú thích ở Công vụ 17:25 có nói đến một từ nghĩa là “phục vụ hay hầu việc Chúa” được dịch là “thờ phượng” trong một số bản dịch Kinh Thánh. Ngoài ra trong phần chú thích từ điển Vine giải thích thế này : “Sự thờ phượng Chúa không thấy Kinh Thánh định nghĩa chỗ nào. Xem xét các động từ nói trên cho thấy nghĩa của nó không chỉ giới hạn trong việc ngợi khen mà còn có nghĩa rộng hơn, nói đến sự nhìn nhận trực tiếp đối với Chúa về bản tánh, thuộc tính và lời tuyên bố của Ngài qua đó tấm lòng dâng lên lời ngợi khen và cảm tạ Chúa hay bày tỏ hành động nào đó khi nhìn nhận như vậy.”
Đây là những định nghĩa căn bản và đơn giản, nhưng tôi cảm thấy đây là những điều chúng ta cần biết. Nếu Chúa thấy không cần thiết định nghĩa sự thờ phượng trong Kinh Thánh thì rõ ràng là Ngài biết dân sự Ngài hiểu khái niệm căn bản thờ phượng là gì.
Vì vũ khí chiến đấu của chúng tôi không phải là loại vũ khí xác thịt nhưng là quyền năng Đức Chúa Trời để phá huỷ các thành luỹ, đánh đổ các lý luận
2CÔRINHTÔ 10:4
Vũ khí của chúng ta không phải là vũ khí tự nhiên. Những vũ khí này thế gian không hiểu được hay thậm chí chúng ta không thấy xuất hiện trong lãnh vực tự nhiên. Nhưng trong Nước Chúa, nó rất công hiệu. Khi dân Y-sơ-ra-ên lâm trận, họ thường cử chi phái Giuđa đi trước. Giuđa là chi phái tượng trưng cho sự ngợi khen; đó là nghĩa của từ Giuđa. Chúng ta phải học chiến trận theo cách của Chúa, chớ không phải theo cách thế gian. Vì chúng ta chiến đấu, không phải với người phàm, nhưng chống lại những kẻ lãnh đạo, giới thẩm quyền, và những bậc quyền thế của thế giới tối tăm này cùng những thần linh gian ác trên các tầng trời (Êphêsô 6:12).
Chúng ta không chiến đấu với thịt và huyết mà là với satan, kẻ thù của linh hồn chúng ta. Vì thế, chúng ta chuẩn bị tư thế chiến đấu trong lãnh vực thuộc linh là hãy đứng vững tại vị trí của chúng ta và thờ phượng Chúa.
Vì thế, hãy nhận lấy toàn bộ vũ khí của Đức Chúa Trời để anh chị em có thể chống cự nổi trong ngày gian khổ và sau khi thực hiện mọi sự, anh chị em đứng vững. Vậy, anh chị em hãy đứng lên . . .
ÊPHÊSÔ 6:13,14
Tôi cũng rất ngạc nhiên khi biết rằng tư thế của chúng ta trong chiến trận là tư thế thờ phượng. Tôi không biết tại sao trước kia tôi lại không thấy điều này, và tất nhiên là satan đã che mắt khiến tôi không hiểu được và nó khiến tôi cứ bận rộn với những công việc của xác thịt mà không mang lại kết quả nào cả.
Đứng nghĩa là cứ ở hay bước vào sự yên nghỉ của Chúa. Đây không nói về nghỉ ngơi thể xác mà là nghỉ yên thuộc linh. Khi tôi đứng vững tức là tôi không chịu thua. Tôi nhất quyết tin rằng Chúa sẽ giải cứu tôi. Tôi cứ ở (duy trì và tiếp tục) trong Ngài.
Êphêsô 6 cũng bảo chúng ta hãy đứng vững . . . Sau khi thắng hơn mọi sự rồi, anh em được đứng vững vàng (câu 13).
Trong cuộc chiến chống lại các kẻ thù thuộc linh, tư thế của chúng ta là ở trong Chúa Giê-su, tức là cứ ở và yên nghỉ trong Ngài, là thờ phượng và ngợi khen Ngài.
Khi bạn đối diện với sự khủng hoảng mà không biết nên làm gì, hãy làm theo những chỉ dẫn Chúa ban cho vua Giê-hô-sa-phát và dân chúng. Hãy chuẩn bị tư thế (thờ phượng); đứng yên và nhìn xem sự giải cứu của Chúa. Hãy lấy bình tĩnh. Hãy bình tâm lại. Hãy bảo tâm trí của bạn chấm dứt tìm câu trả lời. Hãy tập trung nơi Chúa.
Hãy mở miệng ra và hát những bài ca có trong lòng bạn. Chúa phán trong Lời Ngài rằng Ngài sẽ ban cho chúng ta những bài hát giải cứu. Chúa ban cho bài hát nhưng chúng ta phải hát để những bài ca này thành vũ khí chống lại satan.
Ngài là nơi trú ẩn cho tôi, Ngài gìn giữ tôi khỏi hoạn nạn, Ngài bao phủ tôi bằng những bài ca giải cứu.
THI THIÊN 32:7
Chúa bảo vua Giê-hô-sa-phát là chớ kinh hãi. Kinh hãi là sự pha trộn giữa sợ hãi, lo lắng, kinh hồn và lo âu. Khi một trong những thứ “kinh” này cố lôi kéo sự chú ý của chúng ta, chúng ta cần bước ra chống lại những tư tưởng và cảm giác đó.
Ngày mai, hãy đi ra, đối diện chúng nó, CHÚA ở cùng các ngươi.”
2 SỬ KÝ 20:17
Chúng ta cần đứng yên, và bước ra chống lại nỗi sợ hãi bằng cách thờ phượng Chúa. Thờ phượng Chúa không chỉ dành cho những lúc chúng ta nhóm lại tại buổi nhóm mà còn dành cho đời sống mỗi ngày – thờ phượng cá nhân. Thờ phượng Chúa là điều mà chúng ta cần làm suốt cả ngày.
Kinh Thánh có mô tả những tư thế thờ phượng. Sau khi Chúa phán với vua Giê-hô-sa-phát và dân Giuđa qua tiên tri, dân chúng phản ứng bằng cách sấp mình thờ phượng Chúa. Không phải bất cứ lúc nào hay chỗ nào
chúng ta cũng có thể sấp mình thờ phượng được. Nhưng trong tấm lòng, chúng ta có thể thờ phượng Chúa bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu.
TƯ THẾ THỜ PHƯỢNG
Vua Giê-hô-sa-phát cúi mặt sát đất; toàn thể Giu-đa và cư dân Giê-ru-sa-lem quì xuống trước mặt CHÚA và thờ phượng CHÚA.
2SỬ KÝ 20:18
Tôi tin rằng câu này mô tả tư thế mà chúng ta cần luôn có trước mặt Chúa. Như đã nói, không phải lúc nào chúng ta cũng làm được tư thế này, nhưng chúng ta nên thực hành cúi đầu trước mặt Chúa trong sự tôn kính và thờ phượng Ngài. Tôi thực sự tin rằng mỗi cơ đốc nhân nên sấp mình xuống trước mặt Chúa là điều tốt. Làm thế nhắc chúng ta về vị trí hạ mình trước mặt Ngài.
Tôi đã nghiên cứu từ “thờ phượng” và khám phá ra rằng có nhiều cách mô tả nó. Rõ ràng là cần phải có thái độ trong lòng trước tiên, nhưng cũng có từ mô tả sự thờ phượng ám chỉ đến tư thế bên ngoài, như ta thấy trong 2Sử ký 20:18.
ĐỨNG LÊN NGỢI KHEN CHÚA
Bấy giờ những người Lê-vi thuộc họ Kê-hát và Cô-rê đều đứng dậy và cất tiếng lớn ca ngợi CHÚA, Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên.
2 SỬ KÝ 20:19
Hãy hình dung cảnh tượng xảy ra trong tình huống này. Trước hết, mọi người sấp mình xuống thờ phượng Chúa. Kế đó, một số người đứng lên và bắt đầu lớn tiếng ngợi khen Chúa.
Chúng ta không nên rập khuôn theo tư thế này, nhưng chúng ta cần liên tục thờ phượng Chúa. Chúng ta thờ phượng Chúa vì tin rằng Ngài xứng đáng để chúng ta thờ phượng, và chúng ta cũng nên nhận biết rằng satan ghét chúng ta thờ phượng Chúa vì chính sự thờ phượng Chúa sẽ đánh bại nó.
Có người tin rằng có một dạo satan đã từng là thiên sứ trưởng cai quản sự thờ phượng ở thiên đàng cho đến khi nó nổi loạn với Chúa và bị đuổi khỏi đó và rằng thân thể nó được tạo nên bởi các nhạc cụ, nên mỗi cử động của nó đều tạo ra tiếng nhạc. Không lạ gì nó khinh khi sự thờ phượng của chúng ta; nó thấy thèm thuồng. Đây là vị trí của nó trước đây và đã bị đánh mất do nổi loạn và kiêu ngạo. (Xem Êxêchiên 28:13,14 ,17).
TIN VÀ CỨ TIN
Sáng sớm hôm sau, họ thức dậy và tiến ra sa mạc Thê-cô-a. Đang khi họ ra đi, vua Giê-hô-sa-phát đứng tại đó và nói: Hãy nghe ta, hỡi Giu-đa và cư dân Giê-ru-sa-lem, hãy tin tưởng CHÚA, Đức Chúa Trời các ngươi thì các ngươi sẽ đứng vững, hãy tin các tiên tri của Ngài thì các ngươi sẽ thành công.
2 SỬ KÝ 20:20
Sau khi thờ phượng và ngợi khen Chúa, dân chúng bước ra đối diện kẻ thù. Hãy để ý là họ bước ra đối diện kẻ thù sau khi họ đã thờ phượng và ngợi khen Chúa. Khi họ bước ra, vua Giê-hô-sa-phát nhắc họ rằng họ cần nhớ lời của Chúa phán hôm qua và chớ có nghi ngờ.
Một số người trong chúng ta có lẽ cần quay trở lại những lời mà Chúa đã ban cho chúng ta. Chúa có thể phán một lời an ủi hay một lời chỉ dẫn và lúc đó chúng ta rất là phấn khởi, đầy dẫy đức tin, cảm thấy can đảm và chiến thắng kẻ thù. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể quên những lời ấy nên chúng ta cần quay trở lại. Timôthê đã đâm ra sợ hãi và nản lòng nên Phaolô khích lệ ông hãy nhớ lời tiên tri đã ban cho ông lúc ông được tấn phong và được các trưởng lão đặt tay.
Vua Giê-hô-sa-phát bảo dân chúng hãy tin các tiên tri, hãy nhớ lời tiên tri đã phán hôm trước rằng cuộc chiến này không phải của họ mà là của Chúa. Tôi khích lệ bạn đừng nghe ma quỷ nói. Nó là kẻ nói dối và là cha đẻ nói dối. Nó là kẻ gây nản lòng, là kẻ luôn thì thầm, “Sự thay đổi của mày không đến đâu.” Hãy đến với Lời Chúa hay nhớ lại lời mà có lần Ngài đã ban cho cá nhân bạn, và nhớ rằng Chúa không hề nói dối. Những lời hứa của Ngài là chắc chắn, và chúng ta có thể nương cậy những lời này.
Hãy duy trì sự vững vàng thì bạn sẽ được giải cứu. Chúng ta thừa hưởng các lời hứa của Chúa là bởi đức tin và kiên nhẫn.
HÁT NGỢI KHEN
Sau khi hội ý dân, vua lập những người ca ngợi CHÚA để ca ngợi sự uy nghi thánh khiết của CHÚA. Những người này đi trước đoàn quân, hô: Hãy cảm tạ CHÚA. Vì tình yêu thương Ngài còn đến đời đời.
2 SỬ KÝ 20:21
Trong câu Kinh Thánh này chứa đựng điểm mấu chốt trong chiến thuật của Chúa dành cho vua Giê-hô-sa-phát và dân sự ông : Hãy hát cho Chúa; hãy ngợi khen và cảm tạ Ngài. Những người ngợi khen hãy nói : Hãy cảm tạ CHÚA. Vì tình yêu thương Ngài còn đến đời đời.
Ca hát và cảm tạ có thể là những điều ta thấy khó làm trong lúc gặp thử thách, nhưng hãy tin tôi đi, đó chính là điều chúng ta cần phải làm. Nhiều điều mà tâm trí chúng ta cho là phi lý, nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta không làm. Chúng ta ỷ lại vào tâm trí quá nhiều nên không nhận ra nhiều điều sai trật theo kiểu thế gian đã được lập trình trong đó từ nhiều năm. Kinh Thánh nói trong Rôma 12:2 rằng tâm trí phải được đổi mới hoàn toàn bởi Lời Chúa để chúng ta kinh nghiệm ý muốn tốt lành của Ngài dành cho đời sống chúng ta.
Hãy để tôi nêu cho bạn một ví dụ từ chính kinh nghiệm của tôi và kinh nghiệm của người bạn tôi.
Cách đây nhiều năm, tôi bị chứng đau đầu nghiêm trọng, nên bác sĩ kê thuốc cho tôi. Những viên thuốc này làm cho tôi cảm thấy đầu óc choáng váng thêm. Tôi bị nhức đầu rất nặng đến độ tôi thấy phát điên luôn.
Tôi uống thuốc được một ngày, và tối đó khi đi ngủ, tôi không ngủ được. Tôi bị đau bụng; đầu tôi nhức nhối, và ma quỷ cứ nói dối với tôi. Có ai đó trong gia đình tôi đã bị bệnh tâm thần, và satan lợi dụng chuyện này để nói với
tôi rằng tôi sắp mất trí. Lúc đó khoảng hai ba giờ sáng nên nhà tôi ngủ say; nhà tôi rất yên tĩnh nên tôi cảm thấy bị đau đớn một mình. Tôi cảm thấy như thể tôi ngã bệnh, nên tôi ngồi dậy và đi đến phòng tắm.
Tôi ngồi trên sàn phòng tắm, đầu và mặt tựa trên bàn cầu. Ngay lúc đó tôi nghe một bài hát vang lên từ trong lòng tôi, và tôi nghe Thánh Linh phán “Hãy hát lên.”
Tôi tự nghĩ, “Hát ư ?”
Tôi cảm thấy không muốn hát. Tôi cảm thấy nôn mửa, có lẽ muốn bỏ cuộc – muốn buông xuôi chứ không muốn đứng lên và ca hát. Tuy nhiên, lời của Chúa cứ phán, “Hãy hát lên.” Tôi cảm thấy chán nản, muốn khóc, cảm thấy thương hại cho mình và thậm chí muốn nổi khùng với ông chồng tôi, bởi vì chồng tôi thì cứ lo ngủ trong lúc tôi đau đớn như thế này. Chúng ta không thể vừa chìu theo cảm xúc vừa kinh nghiệm sự đắc thắng của Chúa trong đời sống chúng ta.
Bài hát tuôn tràn trong tôi là một bài lâu lắm rồi tôi chưa được nghe, có tựa là “In the Garden.” Bài hát này nhắc tôi về Chúa Giê-su và việc Ngài chịu khổ tại vườn Ghết-sê-ma-nê. Nếu Ngài chiến thắng được thì tôi cũng vượt qua được. Vâng lời Chúa, tôi mở miệng và bắt đầu bập bẹ hát bài thánh ca này. Tôi hát nghe thểu não đến độ tôi không thể nói là tôi đang ca ngợi Chúa, nhưng tôi đang cố gắng vâng lời Chúa, và tôi thấy đỡ hơn.
Ví dụ thứ hai là của người bạn làm kiểm toán, chuyện này kể ra cũng không hay ho gì lắm. Dù anh bạn này biết anh không làm gì sai, song một người phụ nữ cùng làm việc trong ngành của anh không mấy thiện chí và dường như muốn kiếm chuyện để gây rắc rối cho anh bạn này. Họ đã hẹn gặp hai lần, và anh bạn này đang lái xe đến cuộc hẹn thứ ba. Anh đang nghĩ xem nên nói gì và nên tiếp cận vấn đề như thế nào thì thình lình anh bạn này nghe một bài hát mà anh đã viết khá lâu trước đây vang vọng trong lòng anh. Anh kể là bài hát này cứ văng vẳng trong anh và làm anh khó chịu bởi vì anh cảm thấy anh cần chuẩn bị kế hoạch, chứ không phải để ca hát lúc này.
Anh bạn này là người hướng dẫn thờ phượng, nên viết bài hát và ca hát là chuyện bình thường đối với anh, nhưng lúc đó anh cảm thấy làm chuyện này không đúng lúc. Anh cứ chống cự lại không chịu hát, thậm chí anh thưa với Chúa, “Đây không phải lúc để sáng tác thánh ca.” Cuối cùng, Chúa làm anh để ý và Ngài chỉ cho anh thấy đây thực sự là bài hát giải cứu dành cho anh, nhưng anh cần phải hát lên. Đây là một bài hát nói Chúa là Nơi Nương Náu và là Đấng Giải Cứu trong lúc thử thách.
Thế là anh vẫn đến buổi hẹn, ca ngợi Chúa suốt đường đi. Lúc anh đến nơi thì lòng anh tràn ngập niềm vui và anh có một thời gian thú vị. Anh kể người cộng sự của anh thì khó chịu và bối rối và thậm chí không tin nỗi điều mà cô ta nhìn thấy. Anh bạn này thì rất là vui vẻ và thân thiện với cô, trong khi cô này cứ chua chát và sầu thảm. Bất chợt cô ta nói, “Cuộc hẹn chấm dứt, tôi sẽ gọi cho anh để lên cuộc hẹn khác.” Ba tuần trôi qua anh bạn này nhận một lá thư qua bưu điện cho biết mọi việc đều ổn, không cần cuộc hẹn nào nữa. Vụ việc đã kết thúc.
Tôi hy vọng từ hai ví dụ này bạn được khích lệ để ca hát khi thử thách đến, thay vì bạn bị cám dỗ để làm những việc khác.
Vua Giê-hô-sa-phát có lẽ cũng cảm thấy tương tự như tôi có khi tôi ngồi trên sàn phòng tắm hay như người bạn của tôi khi lái xe đến điểm hẹn, nhưng vua Giê-hô-sa-phát đã vâng lời Chúa, và điều đó đã mang lại kết quả như bạn sẽ thấy.
CHỈ THỜ PHƯỢNG
Khi chúng ta có nhu cầu trong đời sống, chúng ta nên thờ phượng Chúa hơn là nài nỉ Chúa. Kinh Thánh phán chúng ta không có vì chúng ta không xin (Giacơ 4:2). Nên chúng ta cần cầu xin – chúng ta cần nói ra nhu cầu của mình – nhưng chúng ta không nhất thiết phải cứ nài nỉ ỉ ôi hoài. Chúng ta là những người tin chứ không là những người “ăn xin.” Mathiơ 6 dạy khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta không nên lặp đi lặp lại cùng một nhu cầu, cho rằng do nói nhiều mà được Chúa nghe. Chất lượng quan trọng hơn số lượng. Chúng ta thường có quan niệm sai trật cho rằng nếu lời cầu nguyện dài thì nó sẽ hiệu quả, nhưng điều này không đúng.
Cá nhân tôi tin rằng đôi khi chúng ta nói nhiều đến độ chúng ta không biết chắc những gì chúng ta cầu xin. Thực tế tôi thấy mình nói nhiều trong lúc cầu nguyện đến nỗi tôi rối trí luôn. Cách đây vài năm Chúa xử lý tôi về việc này và thách thức tôi hãy bắt đầu xin Ngài điều tôi muốn và xin thật đơn giản, nói càng ít càng tốt. Tôi phải học kỷ luật làm chuyện này, nhưng tôi đã bắt đầu làm. Kể từ đó tôi để phần lớn thì giờ chờ đợi trong sự hiện diện của Ngài hoặc giả là chỉ thờ phượng Ngài. Tôi thấy đời sống cầu nguyện của tôi rất tươi mới và hiệu quả. Tôi cũng thường thấy mình quay lại thói quen cũ, nghĩ rằng cầu nguyện cách cũ tốt hơn, và thế là Chúa lại phải nhắc tôi rằng tính đơn giản thật là quyền năng.
Điều duy nhất chúng ta cần làm là xem lại Lời Cầu Nguyện Của Chúa (Bài Cầu Nguyện Chung). Các môn đồ của Ngài thưa, . . . Lạy Chúa, xin dạy chúng con cầu nguyện . . . Bài cầu nguyện mẫu mà Chúa Chúa Giê-su dạy cực kỳ đơn giản nhưng chắc chắn hiệu quả. Tấm lòng chân thật là điều quan trọng đối với Chúa, chứ không phải nói ra toàn những lời rỗng tuếch mà thật sự không để lòng vào đó.
Tôi không có ý nói rằng không nên để nhiều thì giờ với Chúa mà rằng nên để thì giờ chờ đợi và thờ phượng Chúa cũng như thưa chuyện với Tôi thấy cách tốt nhất để kinh nghiệm nhu cầu chúng ta được đáp ứng là hãy xin Chúa điều mình muốn hay mình cần, rồi sau đó thờ phượng Chúa rằng Ngài là “muôn nhu cầu của con”. Ngài không chỉ ban cho điều chúng ta cần mà Ngài chính là điều chúng ta cần.
Khi chúng ta cần bình an, Ngài là sự bình an của chúng ta. Ngài là sự nên thánh, sự công chính của chúng ta. Ngài là Giê-hô-va Di-rê, là Đấng Chu Cấp của chúng ta. Chính sự vui mừng của Chúa là sức mạnh của chúng ta. Ngài không chỉ ban cho chúng ta vui mừng mà Ngài chính là sự vui mừng, hy vọng và đường đi của chúng ta.
Một trong những điều tôi để ý đã xảy ra trong đời sống tôi đó là khi tôi thờ phượng Chúa về thuộc tính nào của Ngài thì tôi thấy thuộc tính đó phóng thích trong đời sống tôi. Nếu chúng ta cần sự thương xót, chúng ta nên bắt đầu thờ phượng và ngợi khen Chúa về sự thương xót của Ngài. Nếu chúng ta cần sự chu cấp hay cần tài chánh,
chúng ta nên bắt đầu thờ phượng và ngợi khen Chúa rằng Ngài đã hứa với chúng ta là chúng ta sẽ không bao giờ thiếu bất cứ điều tốt lành nào. (Xem Thi Thiên 84:11). Chúng ta có thể vui mừng vì sự kiện Ngài là Đấng Chăn Giữ chúng ta nên chúng ta sẽ không thiếu thốn gì.
Bạn có thể nói với Ngài đại ý như vầy:
“Lạy Cha, con đến với Ngài trong Danh Chúa Giê-su, và con thờ phượng Ngài về sự oai nghi cả thể của Ngài. Chúa ơi, con biết Ngài làm được mọi sự. Con luôn nhớ rằng Ngài đã từng giúp đỡ con và giải cứu con, và con muốn cảm tạ Ngài vì sự tốt lành của Ngài trong đời sống con. Chúa ơi, Ngài là Đấng Cứu Giúp con, là Ngọn Tháp Cao của con, là Nơi Trú Ẩn trong cơn bão tố; Ngài là Nơi Ẩn Náu của con.
“Ngài là thành tín, và con quyết định đặt đức tin nơi Ngài. Cha ơi, Ngài biết bây giờ con có nhu cầu. Kẻ thù đang chống lại con mà con không biết nên làm gì. Dẫu có biết làm gì thì con cũng không đủ sức để làm nếu không có Ngài. Chúa ơi, con chờ đợi Ngài, Chúa ơi, xin ban cho con sự chiến thắng. Chúa ơi, cuộc chiến là của Ngài, chứ không phải của con.”
“Xin hãy giải cứu con cách nào Ngài muốn. Xin ý Ngài được nên, chứ không phải ý con. Thời gian của con ở trong tay Ngài. Chúa ơi, con ngợi khen và thờ phượng Ngài rằng Ngài có một kế hoạch mà không một ai hay thế lực ma quỷ nào có thể đảo ngược được. Con cảm ơn Ngài là Ngài đang giải cứu con ngay giờ phút này, và chính mắt con sẽ nhìn thấy sự giải cứu đó. Chúa ơi, con cảm ơn Ngài vì ban cho con sự bình an trong lúc chờ đợi. Con cảm tạ Ngài vì ban sức mạnh giúp con không bỏ cuộc. Xin giúp con bước đi trong bông trái của Thánh Linh, cho dù ngay bây giờ con đang bị áp lực của kẻ thù. Xin hãy giữ con trên con đường hẹp dẫn đến sự sống. Con yêu Ngài không sao tả xiết.”
Nếu mấy ngày sau mà nhu cầu vẫn hiện lên trong trí, hãy bắt đầu ngợi khen, thờ phượng và cảm tạ vì Chúa đã nghe lời cầu nguyện của bạn và đang hành động để ban cho bạn sự đắc thắng. Lời cầu nguyện như vậy sẽ khích lệ bạn và thêm lên đức tin cho bạn.
KHAI PHÓNG QUA THỜ PHƯỢNG
Có sự khai phóng qua thờ phượng. Đôi khi chúng ta cần sự khai phóng trong tâm trí hay tình cảm. Khi chúng ta thờ phượng Chúa, chúng ta vứt bỏ gánh nặng trong tình cảm hay tâm trí đang đè nặng chúng ta. Những gánh nặng đó sẽ bị “nuốt sống” bởi sự oai nghiêm của Chúa.
Hãy bắt đầu thờ phượng Chúa vào sáng sớm. Tôi đề nghị bạn hãy bắt đầu thờ phượng Chúa trước khi ra khỏi giường. Hãy thờ phượng đang khi bạn chuẩn bị đi làm; hãy thờ phượng đang khi đến sở làm. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy nhiều điều bắt đầu thay đổi ở nhà cũng như ở sở làm. Thờ phượng sẽ tạo ra bầu không khí mà Chúa sẽ hành động.
Than phiền, lằm bằm, bắt lỗi – thái độ tiêu cực – sẽ tạo nên bầu không khí mà satan sẽ ra tay, nhưng thờ phượng sẽ tác dụng ngược lại. Một số người hay càm ràm, và họ cằn nhằn suốt đoạn đường đến sở làm. Họ nói xấu người này người kia ở sở làm, than phiền về ông chủ hay điều kiện làm việc, nên tôi đoan chắc với bạn là không có gì thay đổi tại sở làm bởi những lời than phiền hay lằm bằm của họ ngoại trừ làm cho tình hình càng tồi tệ hơn.
Biết ơn và cảm tạ Chúa sẽ bắt đầu thay đổi chúng ta. Chúng ta nên cảm tạ Chúa rằng chúng ta có được việc làm trong khi nhiều người thất nghiệp. Tôi thường cảm tạ Chúa là tôi không phải ngủ ngoài đường và xếp hàng để chờ xin thức ăn. Hãy tập trung vào những điều bạn có, chứ đừng tập chú vào những điều bạn không có.
Hãy cảm tạ mà vào các cổng Ngài; hãy ca ngợi mà vào sân Ngài; hãy cảm tạ Ngài, hãy ca ngợi danh Ngài.
THI THIÊN 100:4
Tôi luôn luôn cảm tạ CHÚA, miệng tôi hằng ca ngợi Ngài.
THI THIÊN 34:1
Thờ phượng sẽ biến đổi chúng ta. Khi bắt đầu thờ phượng Chúa về những thay đổi Ngài đã hành động trong chúng ta rồi, chúng ta sẽ thấy những thay đổi này bắt đầu hiện rõ hơn, rồi chúng ta kinh nghiệm vinh hiển của Chúa, tức sự biểu lộ về tất cả mỹ đức của Ngài ở cấp độ mới mẻ hơn. Nói cách khác, Chúa sẽ tuôn đổ sự tốt lành của Ngài lên người thờ phượng Ngài.
Đừng quên những lời hứa của Chúa và những lời Ngài đã phán với bạn. Trong lúc chờ đợi Chúa bày tỏ điều bạn ước ao như Ngài đã hứa, bạn hãy để cả ngày lẫn đêm đầy dẫy thái độ tích cực, sự ngợi khen, thờ phượng và cảm tạ Chúa.
Nếu chúng ta quên mất Lời Chúa phán với chúng ta, chúng ta sẽ cảm thấy ngay nản lòng, thất vọng, thiếu kiên nhẫn, tiêu cực và giận dữ. Lúc đó điều gì ở trong lòng sẽ tuôn ra nơi miệng, nên lẽ tự nhiên là chúng ta sẽ bắt đầu nói bậy. Lời Chúa dạy chúng ta rằng nói sao nhận vậy. Chúa gọi những sự chưa có như đã có rồi (Rôma 4:17). Chúng ta nên theo gương Ngài và nói tương tự.
Khi chúng ta thờ phượng, chúng ta duy trì vị thế nhận lãnh.