Chương 1: Giai Đoạn 1 – Nghe Chúa Trực Tiếp

Cuộc Chiến Của Chúa

Đăng vào: 12 tháng trước

.

p>Chúa muốn chúng ta được tự do hoàn toàn khỏi sợ hãi. Ngài không muốn sợ hãi ngăn chặn chúng ta không dám làm những việc Ngài bảo chúng ta làm. Khi chúng ta hiểu rõ tình yêu vô điều kiện của Chúa dành cho chúng ta, chúng ta sẽ nhận ra rằng Ngài luôn chăm sóc mọi điều liên quan đến chúng ta – rồi chính sự hiểu biết đó sẽ giải phóng chúng ta khỏi sợ hãi. Khi chúng ta có kinh nghiệm nơi Chúa và hiểu rằng Ngài luôn chăm sóc chúng ta và cung ứng mọi nhu cầu của chúng ta, chúng ta bắt đầu thấy lòng nhẹ nhàng.

Ai không yêu thương thì không biết Đức Chúa Trời vì Đức Chúa Trời là tình yêu thương.

1GIĂNG 4:8

Chúa hành động vì cớ chúng ta khi chúng ta tập trung vào Ngài thay vì vào nỗi sợ hãi của chúng ta. Cảm giác hay ý tưởng sợ hãi chỉ đơn giản là kẻ thù của chúng ta tức satan tìm cách tách chúng ta khỏi Chúa và ý muốn của Ngài dành cho đời sống chúng ta. Lúc này hay lúc khác chúng ta đều có cảm giác sợ hãi nhưng chúng ta có thể chọn tin cậy Chúa và nếu cần thiết, hãy “làm dù vẫn sợ”.

Ý niệm “xử lý nỗi sợ” là điều mà Chúa đã bày tỏ cho tôi nhiều năm trước đây. Tôi thấy được điều này khi Chúa bảo Giôsuê “chớ sợ” trong Giôsuê 1, Ngài cảnh báo ông rằng sợ hãi muốn ngăn chặn ông, nhưng thay vì để cho nỗi sợ kiểm soát mình, ông được khích lệ hãy mạnh mẽ, can đảm và hãy tiến lên.

Vì Thánh Linh Đức Chúa Trời ban cho chúng ta không làm cho chúng ta nhút nhát ,nhưng trái lại, Thánh Linh Ngài khiến chúng ta nên mạnh mẽ, giàu tình thương và biết tự chủ.

2 TIMÔTHÊ 1:7

Mỗi khi thử thách đến, sợ hãi thường là điều trước tiên chúng ta cảm nhận. Satan tiêm nhiễm ý tưởng “chuyện gì sẽ xảy ra nếu . . .” vào đầu óc chúng ta, và chúng ta thường bắt đầu nhìn thấy những hậu quả tồi tệ có thể xảy ra. Ngay khi chuyện đó xảy ra, chúng ta nên nhận biết việc gì đang diễn ra – satan đang cố kéo chúng ta bước ra khỏi ý muốn và kế hoạch tốt lành của Chúa dành cho đời sống chúng ta.

Khi chúng ta cảm thấy sợ hãi hay bắt đầu có những suy nghĩ sợ hãi, điều trước tiên chúng ta nên làm là hãy cầu nguyện. Tôi hay nói, “Chuyện gì cũng cầu nguyện nhưng không nên sợ chuyện gì” cả. Chúng ta nên sửa soạn để tìm kiếm Chúa cho đến khi chúng ta biết rằng chúng ta chiến thắng linh sợ hãi trong tâm trí và tình cảm của mình. Khi chúng ta tìm kiếm Chúa, chúng ta tập trung vào Ngài thay vì tập trung vào sự sợ hãi. Chúng ta thờ
phượng Ngài vì Ngài là ai và bày tỏ lòng ngưỡng mộ của chúng ta đối với Ngài vì những điều tốt lành Ngài đã làm, đang làm và sẽ tiếp tục làm.

Chúa đang cất trữ nhiều phước hạnh và những cơ hội mới cho chúng ta. Để nhận những điều đó, chúng ta phải đi những bước đức tin. Thường điều này có nghĩa là làm những việc chúng ta không cảm thấy muốn làm hay chúng ta nghĩ nó không mang lại kết quả, nhưng sự tin cậy và tôn kính của chúng ta đối với Chúa phải lớn hơn những gì chúng ta ước muốn, suy nghĩ hay cảm nhận.

Chúng ta thấy một ví dụ tiêu biểu cho ý này trong Luca chương 5. Phierơ và một số các môn đồ khác của Chúa Giê-su đã đánh cá suốt đêm; họ không bắt được con nào; họ mệt mỏi và rã rời; họ cần ngủ; tôi đoan chắc là họ cũng đói nữa. Họ vừa giặt lưới xong và đang cuốn xếp lưới lại cất. Đây quả là một công việc nặng nhọc. Chúa Giê-su xuất hiện bên bờ hồ và bảo họ nếu họ muốn bắt một mẻ cá đầy thì họ nên quăng lưới xuống nước lại, nhưng lần này hãy quăng lưới xuống sâu hơn. Phierơ giải thích với Chúa rằng họ quá mệt rồi; họ đã không bắt được gì, nhưng ông vẫn thưa, “Theo lời Thầy chúng con thả lưới xuống lần nữa.” Đây là thái độ mà Chúa muốn chúng ta có. Chúng ta có thể cảm thấy không thích hay không muốn làm điều gì đó; chúng ta có thể nghĩ đây không phải là một ý tưởng hay; chúng ta có thể ngại rằng không việc nào mang lại kết quả, nhưng chúng ta phải sẵn sàng vâng lời Chúa hơn là làm theo nỗi sợ hãi hay cảm xúc của mình.

Ma quỷ cố dùng sợ hãi trong nhiều hình thức khác nhau để giữ chúng ta ở chỗ nước cạn. Nhưng dù chúng ta cảm thấy sợ hãi, chúng ta vẫn cần tập trung vào Chúa, và theo lời Ngài chúng ta nên chèo ra sâu để nhận những phước hạnh mà Chúa dành cho chúng ta.

Sau đó, người Mô-áp, Am-môn cùng với người Mao-nít gây chiến cùng vua Giê-hô-sa-phát.

2 SỬ KÝ 20:1

Có phải “các dân” đuổi theo bạn không? Trong khúc Kinh Thánh này, các dân đó là dân Mô-áp, dân Am-môn và dân Mao-nít là những kẻ đang đuổi theo vua Giê-hô- sa-phát và dân Giu-đa. Ở chỗ khác trong Cựu Ước thì đó là dân Giê-bu-sít, dân Hê-tít và dân Ca-na-an là những kẻ gây rối cho dân sự của Chúa.

Nhưng áp dụng cho chúng ta ngày nay thì đó là những đám dân : “đám dân sợ hãi,” “đám dân bệnh tật,” “đám dân nghèo thiếu,” “đám dân hôn nhân đổ vỡ,” “đám dân trầm uất,” “đám dân hàng xóm khó ưa” “đám dân bất an,” “đám dân bị khước từ,” và nhiều thứ dân “nổi đình nổi đám” khác nữa.

Có bao nhiêu “đám dân” đang rượt đuổi bạn? Dầu có bao nhiêu đi nữa, chúng ta hãy xem những gì vua Giê-hô- sa-phát đã làm để hướng sự chú ý của ông nơi Chúa thay vì tập trung vào “các đám dân” đang tìm cách nổi lên cai trị.

TÌM KIẾM MỘT “LỜI” TỪ CHÚA

Người ta đến báo cho vua Giê-hô-sa-phát rằng, có đạo quân lớn từ Ê-đôm, từ bên kia biển kéo đến, kìa, chúng đang ở tại Hát-sát-son Tha-ma, tức là Ên-ghê-đi. Vua Giê-hô-sa-phát sợ hãi; vua để lòng tìm kiếm Chúa. Vua kêu gọi toàn thể Giu-đa kiêng ăn.

2 SỬ KÝ 20:2,3

Khi vua Giê-hô-sa-phát hay rằng “các dân này” đang chống lại ông, điều đầu tiên ông gặp là sợ hãi. Nhưng sau đó ông làm một điều khác : Ông dọn lòng tìm kiếm Chúa. Quyết tâm nghe cho được tiếng Chúa, ông đã công bố một kỳ kiêng ăn khắp xứ cho mục đích này. Ông biết ông cần nghe từ Chúa. Ông cần một chiến thuật, và chỉ có Chúa mới ban cho ông một kế hoạch bảo đảm thành công.

Chúng ta nên phát triển thói quen chạy đến Chúa mỗi khi gặp hoạn nạn thay vì chạy đến con người. Chúng ta phải tìm kiếm Chúa thay vì tìm kiếm quan điểm của chúng ta hay của người khác. Hãy tự hỏi, “Khi thử thách đến, tôi chạy đến người ta hay chạy đến Đức Giê-hô-va?” Chúa có thể hướng dẫn chúng ta đến với một người nào đó để tìm lời khuyên, nhưng chúng ta luôn đến với Chúa trước tiên để bày tỏ rằng chúng ta tôn trọng và tin cậy Ngài.

Giai đoạn 1 chiến thuật của Chúa là chống lại sợ hãi bằng cách nghe tiếng Chúa. Rôma 10:17 dạy chúng ta rằng đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe là khi Lời Chúa được rao giảng. Câu này không nói đến Lời thành văn của Chúa, mà là Lời phát ngôn của Chúa. Lời này được gọi là rhema trong tiếng gốc Hy- lạp của Tân Ước. Nói cách khác, khi chúng ta nghe tiếng Chúa, đức tin sẽ đầy dẫy tấm lòng chúng ta và xua tan nỗi sợ hãi. Vua Giê-hô-sa-phát biết ông phải nghe tiếng Chúa, và chúng ta cũng cần làm như vậy.

Chúa có thể phán bằng cách ban cho chúng ta sự bình an sâu xa trong lòng; Ngài cũng có thể ban cho một ý tưởng sáng tạo; Ngài có thể làm dịu đi tình cảm bối rối của chúng ta; Ngài có thể ban cho chúng ta sự bảo đảm trong lòng. Chúa phán bằng nhiều cách, nhưng nếu chúng ta tìm kiếm Ngài, chúng ta sẽ gặp Ngài. Ngài sẽ dẫn dắt chúng ta nếu chúng ta nhận biết Ngài trong mọi đường lối mình. (Châm 3:5,6)

Ai mà bạn quen biết cũng đều bảo bạn hãy tin cậy Chúa, và bạn cũng muốn tin, nhưng “cách nào để tin” thì bạn lại “mù tịt.” Nỗi sợ hãi kêu gào, đe doạ bạn. Các bạn của bạn đều khuyên, “Mọi sự rồi sẽ tốt đẹp,” nhưng không biết sao lời đó không trấn áp được nỗi sợ hãi cho đến khi Chúa phán sâu xa trong lòng bạn rằng, “Con có thể tin cậy Ta; Ta sẽ lo liệu chuyện này; mọi sự đều sẽ tốt đẹp.”

Năm 1989 tôi đi khám bác sĩ định kỳ. Bác sĩ phát hiện một khối u nhỏ trong ngực tôi và muốn tôi đi làm hoá trị ngay. Tôi tưởng không có gì, nhưng kết quả là tôi bị một chứng bệnh ung thư lây lan rất nhanh, và cần phải mổ ngay.

Tôi còn nhớ có lần khi đi lại trong phòng ăn ở nhà tôi, nỗi sợ ập đến tôi cách bất ngờ đến nỗi tôi có cảm giác như muốn ngã xuống. Hai đầu gối tôi muốn sụm xuống. Hàng đêm khi lên giường, tôi không ngủ được. Ngay cả khi đã ngủ rồi tôi cũng không ngủ ngon được mà chỉ ngủ chập chờn. Và thường khi tôi thức giấc thì nỗi sợ áp đảo tâm trí tôi.

“Ung thư” là một chữ thường đi kèm với nỗi sợ khủng khiếp. Dù có rất nhiều người trong gia đình và bạn bè của tôi trấn an tôi là Chúa sẽ lo liệu, tôi vẫn cứ tranh
chiến với nỗi sợ cho đến một tối nọ khoảng ba giờ sáng, Chúa phán sâu xa trong lòng tôi rằng, “Joyce ơi, con có thể tin cậy Ta.” Sau biến cố đó, tôi không còn bị ám ảnh bởi nỗi sợ nữa. Tôi hơi lo khi tôi chờ kết quả xét nghiệm khối u của tôi, không biết là tôi có cần điều trị thêm không, nhưng tôi vẫn biết rằng tôi ở trong tay Chúa, và dù chuyện gì xảy ra, Ngài sẽ lo liệu cho tôi.

Hoá ra là tôi không cần điều trị thêm gì nữa. Chúng tôi nhận biết nhờ phát hiện sớm mà Chúa cứu mạng sống tôi. Kết cuộc là thay vì sợ hãi tôi cảm tạ Chúa, và satan đã thua cuộc.

VUA GIÊ-HÔ-SA-PHÁT CẦN NGHE TIẾNG CHÚA

Khi vua Giê-hô-sa-phát nghe rằng một đạo quân đông đảo đang dàn trận chống lại dân Giu-đa, ông biết nên làm gì. Ông cần sửa soạn tìm kiếm Chúa – không phải tìm lời khuyên của con người – bạn bè, gia đình hay các cố vấn – mà là cần nghe tiếng Chúa.

Có lẽ vua Giê-hô-sa-phát đã từng tham chiến trước đây – sao vua không dùng những chiến thuật mà vua đã dùng trước đó? Cho dù một việc nào đó đã mang lại kết quả trong quá khứ, không có nghĩa là nó sẽ giải quyết được những khó khăn hiện tại nếu Chúa không xức dầu cho công việc đó cách tươi mới. Chúa có thể xức dầu cho một phương pháp cũ, nhưng Ngài cũng có thể ban cho chúng ta hướng đi mới mà chưa hề biết trước đây. Chúng ta phải ngửa trông nơi Chúa chứ không phải các phương pháp. Ngài có thể dùng phương pháp, nhưng phương pháp không có quyền năng gì cả nếu Chúa không hành động qua phương pháp đó. Chúng ta không thể tập trung vào phương pháp cũng như không tập trung vào sợ hãi. Sự tập trung của chúng ta, nguồn cung cấp của chúng ta phải là Chúa và chỉ Chúa mà thôi. Câu trả lời không nằm ở phương pháp mà ở mối quan hệ với Chúa.

Khốn cho những kẻ đi xuống Ai cập để cầu cứu; nhờ những ngựa, cậy các xe vì chúng nó đông; tin cậy vào kỵ binh vì chúng nó mạnh. Nhưng không nhìn xem Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên. Và không tìm kiếm Chúa .

ÊSAI 31:1

Tôi chưa biết hết ý nghĩa của chữ “khốn” là gì? Nhưng tôi biết tôi không muốn bị cho là “khốn.” Bị “khốn” rõ ràng là một điều đáng buồn; nó quả là một điều rắc rối và bất hạnh. Khi chúng ta tìm kiếm Chúa, chúng ta có sự bình an và vui mừng, vậy sao chúng ta lại chọn cái khốn này khi tìm kiếm thế gian?

NHU CẦU SỐNG CÒN CỦA VUA GIÊ-HÔ-SA-PHÁT

Vua Giê-hô-sa-phát biết rằng nếu không nghe tiếng Chúa, ông sẽ không thắng được. Nhu cầu của ông theo bản dịch The Amplified Bible dịch là “nhu cầu sống còn.” Có những điều chúng ta có thể làm mà không cần nó, nhưng có những điều chúng ta không thể làm mà không có nó. Vua Giê-hô-sa-phát biết việc ông cần sự hướng dẫn của Chúa là điều sống còn.

Có thể bạn cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự như hoàn cảnh của vua Giê-hô-sa-phát. Bạn cũng cần một lời nào đó từ Chúa. Có thể bạn cảm thấy cứ như một người sắp chết đuối, bạn đã bị “chìm xuống” sâu lắm rồi. Bạn rất cần một lời nào đó của Chúa cho riêng bạn nếu bạn muốn sống sót.

Chúa muốn phán với bạn hơn là bạn muốn nghe Ngài. Hãy để thì giờ tìm kiếm Ngài thì bạn sẽ không bị thất vọng.

Vua Giê-hô-sa-phát đã công bố một kỳ kiêng ăn cả xứ Giu-đa, và dân Giu-đa nhóm lại tìm kiếm Chúa xin cứu giúp, hết lòng khao khát Ngài .

Người Giuđa từ khắp các thành đến tìm kiếm Chúa. Vua Giê- hô-sa-phát đứng giữa cộng đồng Giuđa và Giêrusalem, phía trước sân mới của đền thờ Chúa; vua Cầu Nguyện : Lạy Chúa, Đức Chúa Trời của tổ phụ chúng con, chẳng phải Ngài là Đức Chúa Trời trên trời, Ngài cai trị mọi vương quốc, mọi quốc gia sao? Quyền năng và sức mạnh ở trong tay Ngài, không ai địch nổi.

2 SỬ KÝ 20:4-6

Vua Giê-hô-sa-phát đã tuyên bố một kỳ kiêng ăn để tỏ lòng thành của ông với Chúa. Không ăn vài bữa và để thì giờ tìm kiếm Chúa không phải là ý tưởng xấu. Tắt ti vi và dâng cho Chúa thì giờ mà bạn thường dùng để xem ti vi cũng không phải là một ý tưởng tồi. Ở nhà vài buổi chiều và dành thêm thì giờ với Chúa thay vì đi chơi với bạn bè và cứ kể lể nan đề của bạn cho họ nghe. Làm những việc như trên tỏ cho thấy việc nghe tiếng Chúa là điều quan trọng. Tôi học được rằng từ tìm kiếm nghĩa là đeo đuổi, khao khát và hết sức theo đuổi. Nói cách khác, chúng ta hành động như một người đói đang tìm thức ăn để sống còn.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng chúng ta cần tìm kiếm Chúa luôn luôn, chứ không chỉ khi chúng ta gặp thử thách. Lần nọ Chúa phán với tôi rằng lý do nhiều người cứ gặp thử thách luôn là vì đó là thời gian duy nhất họ tìm kiếm Ngài. Ngài tỏ cho tôi biết rằng nếu Ngài loại bỏ mọi nan đề thì người đó sẽ không có thì giờ nào dành cho Ngài. Ngài phán, “Hãy tìm kiếm Ta như thể lúc nào con cũng rất cần Ta thì trong thực tế con sẽ không thấy cùng cực.” Tôi nghĩ đây là lời khuyên hay và đáng để hết thảy chúng ta làm theo.

NÓI VỚI CHÚA VỀ NGÀI

Thay vì dâng nan đề cho Chúa ngay, vua Giê-hô-sa- phát liền nói với Chúa về việc Ngài là Đấng quyền năng thể nào. Ông hướng sự tập trung nơi Chúa thay vì hướng về nỗi sợ nan đề.

Vua cầu nguyện : Lạy Chúa, Đức Chúa Trời của tổ phụ chúng con, chẳng phải Ngài là Đức Chúa Trời trên trời, Ngài cai trị mọi vương quốc, mọi quốc gia sao? Quyền năng và sức mạnh ở trong tay Ngài, không ai địch nổi.

2 SỬ KÝ 20:6

Thay vì chỉ nói với Chúa về nan đề của chúng ta, chúng ta cần nói với Chúa về Ngài. Chúng ta cần nói với Ngài về việc Ngài là ai, về quyền năng của Danh Ngài và quyền năng của huyết Chúa Giê-su, về những điều lớn lao chúng ta biết là Ngài có thể làm và đã từng làm. Sau khi chúng ta ngợi khen và thờ phượng Ngài như vậy, rồi chúng ta mới bắt đầu đề cập đến nan đề. Tôi không thích nếu các con tôi chỉ đến nói với tôi khi chúng có vấn đề – tôi muốn chúng có sự thông công với tôi luôn.

Đến đây tôi nghĩ đến một vài người bạn mà họ chỉ gọi tôi khi họ có vấn đề, và điều này làm tôi khó chịu. Tôi cảm thấy họ thật sự không quan tâm đến tôi, mà chỉ quan tâm đến điều họ muốn tôi làm cho họ. Tôi đoan chắc là bạn cũng kinh nghiệm và cảm nhận tương tự. Những người này tự cho là bạn hữu, nhưng thực tế thì họ không phải là bạn gì cả. Bạn bè là để giúp nhau trong lúc khó khăn, nhưng bạn bè không chỉ có thế. Là bạn, chúng ta cần bày tỏ lòng biết ơn và để thì giờ khích lệ những người chúng ta quen biết. Chúng ta phải tránh trở thành hạng người mà tôi gọi là “người chỉ biết có nhận” thôi. Những người này lúc nào cũng muốn nhận chứ không bao giờ muốn cho.

Tôi muốn làm bạn của Chúa. Ngài đã gọi Ápraham là bạn Ngài, tôi cũng muốn thế. Chúa không chỉ là Đấng giải quyết nan đề của tôi, mà Ngài là mọi sự của tôi, và tôi vô cùng biết ơn Ngài.

“LẠY CHÚA,

HÃY ĐOÁI XEM NAN ĐỀ CHÚNG CON”

Lạy Đức Chúa Trời của chúng con, chẳng phải Ngài đã đánh đuổi cư dân xứ này khỏi trước mặt dân Y-sơ-ra-ên của Ngài và ban lãnh thổ cho dòng dõi Áp-ra-ham, bạn Ngài, đời đời sao? Họ đã sống trong xứ, xây một đền thánh cho danh Ngài. Họ nói: ‘Nếu chúng con gặp tai hoạ, gươm giáo, hình phạt, dịch lệ hay đói kém, chúng con sẽ đứng trước đền thờ này, trước sự hiện diện của Ngài vì danh Ngài ngự trong đền thờ này. Trong cơn khốn khổ chúng con sẽ cầu khẩn Ngài thì Ngài sẽ nghe và giải cứu chúng con.’ Giờ đây, kìa, người Am- môn, người Mô-áp và người vùng núi Sê-i-rơ là những dân mà khi người Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập Ngài đã không cho họ tấn công chúng nó nên họ đã tránh không huỷ diệt chúng. Nhưng kìa, chúng báo trả chúng con như thế đó; chúng đến để đuổi chúng con ra khỏi sản nghiệp mà Ngài đã ban cho chúng con.

2 SỬ KÝ 20:7-11

Đây là những lời lẽ của chiến trận. Nếu chúng ta lắng nghe điều Chúa muốn phán với chúng ta qua những lời này, chúng ta sẽ học được một điều sẽ thay đổi vĩnh viễn kế hoạch chiến trận của chúng ta và ban cho chúng ta hết chiến thắng này đến chiến thắng khác.

Sau khi cầu nguyện nhìn nhận Chúa là Đấng lớn lao, đáng kính, quyền năng và kỳ diệu thể nào, vua Giê-hô-sa- phát bắt đầu kể lại những công việc quyền năng mà Chúa đã làm ở quá khứ nhằm bảo vệ dân sự Ngài và giữ lời hứa Ngài đã hứa với họ. Và trong lời cầu nguyện kết thúc, vua bắt đầu bày tỏ lòng tin quyết của ông rằng Chúa sẽ giải quyết vấn đề. Vua nói đại ý, “Ôi Chúa, kẻ thù của chúng con đang chống lại chúng con để cướp đi tài sản mà Ngài ban cho chúng con làm cơ nghiệp. Con nghĩ nan đề quá nhỏ không cần nhắc đến vì Ngài quá vĩ đại; con biết Ngài hoàn toàn kiểm soát chuyện này.”

Khi chúng ta xin Chúa giúp đỡ, chúng ta phải biết rằng Ngài nghe chúng ta ngay từ lúc chúng ta xin Ngài điều đó. Chúng ta không cần phải để thì giờ cầu nguyện xin Chúa lặp đi lặp lại cùng một nhu cầu. Chúng ta vẫn có thể nói với Ngài về nhu cầu của chúng ta cho đến khi chúng ta biết chắc trong lòng rằng chúng ta nhận được sự đáp lời, nhưng chúng ta không cần phải nói hoài để lay động Chúa.

Chúa có kế hoạch giải cứu chúng ta trước khi nan đề xảy ra. Chúa không ngạc nhiên khi kẻ thù tấn công. Ngài
không ở trên thiên đàng mà vắt óc suy nghĩ nên làm gì. Phần của chúng ta là tập trung nơi Ngài và quyền năng của Ngài, thờ phượng Ngài và ngợi khen Ngài về giải pháp mà Ngài sẽ bày tỏ và lắng nghe lời chỉ dẫn từ Ngài.