Đăng vào: 11 tháng trước
Chương 16: CƠ ĐỐC NHÂN VÀ HỘI THÁNH
Anh em cũng được Thánh Linh kết hợp với Chúa Cứu Thế
và với nhau để tạo thành Ngôi Nhà của Thượng Đế.
Eph Ep 2:22
CON người là một sinh vật xã hội, bản tính thích sống quây quần với nhau và cảm thấy an toàn thỏa mãn hơn hết khi sống giữa đồng loại có cùng một quyền lợi và thái độ. Trong tất cả những nhóm người kết hợp thành tập thể, tất cả những bộ lạc, chi phái, tổ chức và xã hội từ trước đến nay, không có đoàn nhóm nào mạnh mẽ hơn, rộng rãi hay phổ cập hơn Hội thánh.
Thời sơ khai, con người đã quần tụ để bảo vệ nhau, sau đó rất lâu họ mới biết tổ hợp vì quyền lợi và những thú vui chung. Với nền văn minh tiến bộ hơn, những “xã hội kín đáo” (hội kín) được thành hình để hội viên hưởng cái tinh thần “riêng biệt” và do đó phân biệt họ với những người không phải là hội viên. Những lời thề đặc biệt, những nghi thức và điều tâm niệm đã được thiết lập và gán ghép nhiều ý nghĩa trọng đại.
Những nhóm chủng tộc và quốc gia đã được thiết lập với số người gia nhập giới hạn trong vòng những người cùng quê quán hay cùng có lòng trung thành dưới một lá cờ. Những hội đồng hương, những tổ chức ái hữu đại học, những hội thể thao, hội văn chương, đảng phái chính trị, tổ chức quân sự – tất cả những thứ đó – từ “những câu lạc bộ chọn lọc nhất” đến những “băng” du đảng ở trung học, đều biểu hiện cho nhu cầu con người là đi tìm sự an ủi và bảo đảm trong việc giao du với những người tán thành lối sống của mình, vì lối sống của họ cũng tương tự.
Tuy nhiên, không có nơi nào con người tìm thấy sự an ủi, yên tâm, bình an cùng một mức độ như trong Hội thánh, vì tất cả những đoàn nhóm khác đều do con người tạo dựng. Họ đã vẽ những ranh giới giả tạo và tạo ra ảo ảnh của sự bảo vệ. Trong khi đó Hội Thánh cung cấp một cơ cấu sống động với sức mạnh nội tại từ chính Thượng Đế thay vì nhờ cậy những nguồn ngoại tại để có ý nghĩa và sinh lực.
Nguồn gốc Hội thánh.
Danh từ Hội thánh xuất phát từ ngữ căn Hy-lạp ecclesia nghĩa là “những người được gọi ra” hay là một tập hợp dân chúng. Mặc dù danh từ “Hội thánh” đã sớm trở thành một thuật ngữ Cơ Đốc, nó có một lịch sử tiền-Cơ Đốc. Khắp thế giới Hy-lạp, danh từ Hội thánh mang ý nghĩa tổ hợp bình thường của một đoàn thể công dân trong một quốc gia tự do. Một nhóm công dân có thể được dân chúng lựa chọn để thảo luận và biểu quyết những vấn đề của công cộng. Danh từ “Hội thánh” này cũng đã được dùng trong Cựu Ước và đã được dịch là “hội chúng” hay “cộng đồng”, một tổ chức gồm những hội viên được chỉ định làm tuyển dân của Thượng Đế. Do đó chúng ta thấy trong sách Công-vụ Các Sứ-đồ, Ê-tiên (một trong bảy chấp sự đầu tiên của Cơ Đốc giáo. Ông là người có tiếng tốt, đầy dẫy đức tin, Thánh Linh và trí khôn; là người đầu tiên chết vì đạo đã dùng danh ấy từ khi diễn tả Mai-sen “là người thuộc Hội thánh tại nơi đồng vắng”. Vì vậy, trong thế kỷ thứ nhất, danh từ Hội thánh gợi cho người Hy-lạp, một ý niệm về một xã hội dân chủ tự trị, và cho người Do-thái, một xã hội thần quyền mà hội viên là thần dân của Thượng Đế.
Danh từ Hội thánh được chính Chúa Giê-xu dùng trước tiên để mô tả xã hội Cơ Đốc khi Ngài phán với Phê-rơ rằng: “Con là Phê-rơ, nghĩa là đá. Ta sẽ xây dựng Hội thánh ta trên vầng đá này, quyền lực của Địa ngục không thắng nổi Hội thánh đó” (Mat Mt 16:18). Như vậy, chính Chúa Giê-xu đã sáng lập Hội thánh. Ngài là hòn đá góc nhà vĩ đại và Hội thánh xây dựng trên đá đó. Ngài là nền tảng của mọi từng trải Cơ Đốc và Hội thánh được xây dựng trên Ngài. “Vì ngoài nền móng thật đã đặt xong là Chúa Cứu Thế Giê-xu, chẳng ai có thể đặt nền móng khác” (ICo1Cr 3:11). Chúa Giê-xu đã tuyên bố chính Ngài là Đấng sáng lập Hội thánh và Hội thánh thuộc về Ngài, và chỉ thuộc về Ngài mà thôi. Ngài đã hứa sẽ sống với và sống trong tất cả những hội viên của Hội Thánh Ngài. Đây không chỉ là một tổ chức mà còn là một cơ cấu hoàn toàn không giống bất cứ một cơ cấu nào thế gian này đã từng biết: Chính Thượng Đế sống với và sống trong những người tầm thường là hội viên của Hội Thánh Ngài.
Chúa Giê-xu là đầu.
Tân Ước dạy rằng mặc dù thực sự chỉ có một Hội thánh, có thể có những Hội thánh địa phương, không hạn chế số lượng, thành lập thành nhiều hệ phái, tổ chức hay hội đồng. Những Hội thánh địa phương và các đoàn nhóm thuộc những hệ phái có thể được phân chia theo đường lối quốc gia và thần học hay tùy tính khí của các hội viên. Tuy nhiên, Tân Ước dạy rằng dù có thể có những sự chia rẽ và phân hóa trong cơ cấu của Hội thánh, chúng ta vẫn chỉ có một “Chúa” mà thôi. Một thánh ca đã có lời lẽ như sau: “Nền móng duy nhất của Hội thánh là Chúa Cứu Thế Giê-xu”.
Chúa Cứu Thế Giê-xu là đầu của Hội thánh vĩ đại và phổ cập này. Mọi sinh hoạt và giáo lý của Hội thánh từ Ngài mà đến, vì Ngài là nguồn gốc của tất cả mọi từng trải tôn giáo của người Cơ Đốc.
Trong thời đại điện tử ngày nay, ta có thể so sánh dễ dàng điều này với một hệ thống có một tổng đài là nơi hội tụ và nối tiếp nhau của tất cả các đường dây. Trong một hệ thống hỏa xa, luôn luôn có một văn phòng trung ương ban hành mệnh lệnh, điều hành mọi chuyến tàu hỏa. Trong quân đội, vị tướng lãnh chỉ huy ra lệnh cho nhiều đơn vị dưới quyền mình. Các cấp thừa hành có thể hiểu mạng lệnh của cấp chỉ huy mình theo nhiều cách hơi khác nhau, nhưng lệnh của vị chỉ huy vẫn là căn bản cho hành động của họ.
Đứng về mặt Hội thánh, Chúa Giê-xu ở vào địa vị của vị tổng tư lệnh. Bởi lệnh Ngài, Hội Thánh đã hiện hữu, quyền năng của chính Hội thánh đến trực tiếp từ nơi Ngài, và mỗi nhóm người trong Hội thánh tùy nghi tuân theo mạng lệnh Ngài càng đúng càng tốt. Vị tổng tư lệnh mong rằng những mệnh lệnh của ông được thi hành cách trung thành, Chúa Giê-xu cũng vậy, Ngài mong mỗi nhánh của Hội thánh tuân giữ những lời dạy dỗ của Ngài cách trung thành trọn vẹn nhất.
Hội thánh đã từng bị chỉ trích rất nhiều về những tranh cãi nội bộ, những sự vụn vặt và thiếu đoàn kết hiển nhiên. Tuy nhiên, những điều này chỉ là những vấn đề bên ngoài, là những xung khắc xảy ra do việc hiểu hơi khác nhau về mạng lệnh của vị tư lệnh chứ không hề có tác dụng nào trên sự khôn ngoan của vị tướng hoặc quyền uy tuyệt đối của ông khi ban hành mạng lệnh!
Nghiên cứu những tín điều căn bản của các hệ phái, bạn sẽ thấy trên căn bản cũng như lịch sử, những tín điều này hầu như giống nhau. Các hệ phái có thể khác nhau về nghi thức, chống báng nhau về kỹ thuật phân giải trình bày thần học, nhưng trên căn bản tất cả đều nhìn nhận Chúa Giê-xu là Thượng Đế nhập thể, Đấng đã chết trên thập tự giá và đã sống lại để con người có sự cứu rỗi – và đó là tất cả sự kiện quan trọng cho toàn thể nhân loại.
Hội thánh – hay nhiều Hội thánh?
Bây giờ thì bạn đã chấp nhận Chúa Cứu Thế là Cứu Chúa của bạn và đặt niềm tin cậy mình trong Ngài, bạn đã trở thành một hội viên của Hội thánh vĩ đại phổ thông. Bạn là một phần tử của gia đình đức tin. Bạn là một phần thân thể của Chúa Cứu Thế. Bây giờ bạn đã được kêu gọi để vâng phục Chúa Cứu Thế và nếu vâng phục Ngài bạn sẽ theo gương Ngài, họp với những người khác để thờ phượng Thượng Đế. “Đừng xao lãng việc nhóm họp như một số người thường làm, nhưng hãy khuyến khích nhau, nhất là lúc này, vì Chúa gần trở lại” (HeDt 10:25).
Thật vậy, bây giờ chúng ta không bàn đến Hội thánh vĩ đại phổ thông nữa mà đề cập đến Hội thánh địa phương, Hội thánh trong chính cộng đồng của bạn, Hội Thánh có nhiều khuyết điểm và thiếu sót mà bạn biết rõ. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng giữa con người không có gì hoàn hảo và những cơ cấu do con người thiết lập để tôn vinh Thượng Đế đều đầy dẫy những nhược điểm tương tự. Chúa Giê-xu là con người trọn vẹn duy nhất từng sống. Còn tất cả chúng ta chỉ là tội nhân đã ăn năn, cố gắng theo gương tốt đẹp của Ngài, và nếu Hội Thánh xưng rằng chính mình hay bất cứ một phần tử nào của Hội thánh không lầm lẫn hoặc toàn bích thì đã tự bịt mắt bưng tai đối với mình.
Có lần Samuel Rutherford nhận được lời than phiền của một số thành viên trong Hội thánh bất mãn với vị mục sư và tình trạng chi hội địa phương của họ. Ông đã viết thư trả lời bằng cách nghiêm khắc trách cứ họ, bảo rằng họ chẳng có trách nhiệm gì về đời sống của vị mục sư. Nhưng họ phải có trách nhiệm cầu nguyện cho ông ta, phải cứ ở lại trong chi hội để làm việc cho Chúa. Được như vậy, thì Chúa sẽ tôn vinh và ban phước cho họ.
Đền Tạm vào thời Hê-li đã thoái hóa khủng khiếp, đến mức dân chúng khinh dể lễ vật dâng cho Chúa bởi vì Hê-li “đã biết tánh nết quái gở của các con trai mình mà không cấm” (ISa1Sm 3:13). Nhưng cậu bé Sa-mu-ên vẫn sống trong một môi trường như thế và lớn lên trở thành một nhà tiên tri lớn.
Trong Tân Ước, chính các cấp lãnh đạo Đền thờ đã đóng đinh Chúa Cứu Thế vào thập tự giá, thế nhưng, sau khi Ngài phục sinh và thăng thiên, các môn đệ Ngài vẫn “cứ ở trong Đền thờ, ca ngợi Thượng Đế” (LuLc 24:53).
Khi Chúa Giê-xu sáng lập Hội thánh, Ngài định ý là các môn đồ Ngài sẽ gia nhập Hội thánh và trung thành với Hội thánh. Ngày nay, nếu không chánh thức gia nhập một Hội Thánh nào, bạn có thể ngạc nhiên trước số Hội thánh muốn mở cửa đón bạn. Trong khi chọn lựa Hội thánh để gia nhập, có thể bạn có xu hướng tự nhiên là trở lại với Hội thánh của mình thời thơ ấu, hay bạn có thể muốn lựa chọn dựa trên phán đoán thuộc linh nay đã già dặn hơn của bạn. Gia nhập một Hội thánh không phải là điều ta có thể thực hiện cách hời hợt, vì nếu Hội thánh thật có ích cho bạn, và quan trọng hơn nữa, nếu muốn Hội thánh cho bạn cơ hội lớn lao nhất để phục vụ người khác, bạn phải lựa chọn với lòng nguyện cầu, một Hội thánh mà bạn thấy có thể hầu việc Thượng Đế một cách đắc lực nhất.
Một Hội thánh cho tất cả mọi người.
Có người thấy dễ đến gần Thượng Đế hơn trong những đền thờ tráng lệ và với một vài nghi thức. Người khác lại thấy họ chỉ có thể tìm được Thượng Đế trong sự giản dị. Người này chỉ có cảm tình với một loại công việc nào đó, người khác lại cảm thấy dễ chịu hơn trong bầu không khí khác. Vấn đề quan trọng không phải là chúng ta làm như thế nào, mà là sự thành thật và mục đích sâu xa của công việc chúng ta làm, và mỗi người nên tìm gia nhập một Hội thánh để với tư cách cá nhân, chúng ta có thể thực hiện mục đích đó một cách hiệu quả nhất.
Đừng lầm lẫn gắn bó mình với vị mục sư nào đó thay vì với chính toàn thể Hội thánh. Vị mục sư có thể thay đổi – điều này có lợi cho sự bảo trì và khích lệ Hội thánh – nhưng những chủ trương của Hội thánh vẫn thế; và chính bạn cần trung tín với Hội thánh và Chúa Cứu Thế. Nếu các hội viên trong hội chúng nhìn nhận rằng chính tình yêu thương giữa họ đối với Chúa Giê-xu và lòng ước muốn thành thật theo bước Người đã liên kết họ lại, thì điều đó tạo nên một Hội thánh vững vàng.
Cơ Đốc nhân thật không đi nhà thờ vì thời trang, vì làm cho mình có một địa vị trong cộng đồng, vì công khai thừa nhận mình là một người công bình và ngay thẳng. Người Cơ Đốc chân thật cũng không đi nhà thờ để xoa dịu linh hồn và đem lại cho mình sự bình an, mặc dù chính điều đó là một trong những phần thưởng dồi dào nhất của việc gia nhập Hội thánh.
Người Cơ Đốc chân thật đi nhà thờ không chỉ vì những điều lợi Hội thánh mang lại cho mình, nhưng còn vì những gì mình có thể đóng góp vào đấy. Người Cơ Đốc đi nhà thờ, để góp thêm lời cầu nguyện của mình vào lời cầu nguyện của những người khác; để hòa giọng mình vào những giọng khác ca ngợi Chúa, để thêm sức trong việc cầu xin Chúa ban phước, để thêm giá trị cho lời làm chứng về ơn cứu rỗi trong Chúa Cứu Thế Giê-xu. Người Cơ Đốc đi nhà thờ để cùng những người khác thờ phượng Thượng Đế, cùng chiêm ngưỡng lòng thương xót và yêu thương vô bờ bến của Ngài. Người ấy cũng đi nhà thờ để có mối thông công cần thiết với các bạn bè cũng là tín hữu như mình.
Các Cơ Đốc nhân không tích cực tham gia sinh hoạt của một chi hội địa phương nhắc tôi nhớ đến một cục than đang cháy bị gắp ra khỏi lò lửa. Chắc bạn cũng từng thấy và biết việc gì xảy ra rồi. Khi bị đem ra khỏi một lò than đang cháy rực, cục than lần lần nguội lạnh và tắt đi.
Tại miền Viễn Tây, khi chó sói tấn công một đàn cừu, việc đầu tiên chúng làm là cố gắng khiến bầy cừu chạy tan lạc, rồi chúng xông vào để giết con cừu nào bị cô lập.
Hội thánh là nơi để ký thác ngân quỹ.
Hội thánh phải là nơi để ký thác ngân quỹ của bạn vào các công trình Cơ Đốc. Kinh Thánh dạy về sự dâng một phần mười. Một phần mười là phần mười lợi tức của bạn. Phần mười lợi tức đó thuộc về Chúa. Ngoài phần mười đó, bạn nên dâng cho Chúa tùy theo sự thạnh vượng Chúa ban cho mình. Dâng tiền là một đức tính Cơ Đốc cần phải dệt vào nếp sống hằng ngày của chúng ta cho đến khi nó trở thành một phần không thể phân biệt được với những phần còn lại. Sự rộng rãi là động cơ của chúng ta trong mọi việc.
Chúa Cứu Thế phán: “Người cho có phúc hơn kẻ nhận” (Cong Cv 20:35). Ngài hiểu biết sự hiến dâng làm cho tâm tư ấm áp và linh hồn được thỏa mãn như thế nào. Ngài muốn dành đặc ân đó cho chúng ta. Sự ích kỷ bắt nguồn từ sự sợ hãi – và một Cơ Đốc nhân phải đứng vững không sợ hãi. Chúa Giê-xu luôn luôn đứng vững với hai bàn tay mở ra – chứ không phải nắm chặt cách ích kỷ và tham lam. Nếu được, ta nên dâng hiến cách âm thầm lặng lẽ. Chúa Giê-xu cũng dạy, khi bố thí chúng ta “… đừng cho tay trái biết tay phải làm việc gì” (Mat Mt 6:3).
Không thể đo lường sự hiến dâng bằng tiền bạc, cũng bằng những thùng quần áo cũ. Có khi món quà lớn lao nhất là sự thân hữu và tình giao hảo. Một câu nói tử tế, một lời chào thân mật, một buổi chiều dành cho người cô đơn, có thể đem lại nhiều kết quả cho vương quốc của Thượng Đế. Bạn không thể nào trở thành một người chinh phục linh hồn, trừ phi bạn đã dự bị để dâng một phần nào của mình. Chẳng những tiền bạc của bạn, nhưng thì giờ, tài năng của bạn, tất cả đều phải cung hiến cho việc phục vụ Chúa Cứu Thế.
Không nên hạn chế sự dâng tiền quá một phần mười bằng những qui luật nhất định hay những phương cách máy móc, mà nên tùy theo các nhu cầu bạn nhận thấy. Phải căn cứ vào nhu cầu mà Chúa Cứu Thế đã nêu ra làm luật lệ (Mat Mt 6:1-4). Có thể đó là một người láng giềng, em bé giao báo hằng ngày, hoặc một người ở Phi châu hay Nam Mỹ xa xôi. Sự dâng tiền là biểu hiện tình thương của chúng ta đối với Thượng Đế. Chúng ta dâng cho Ngài để đáp ứng tình thương vĩ đại Ngài đã ban cho chúng ta và nhờ đó chúng ta gieo rắc tình yêu thương của Ngài rộng ra.
Cơ Đốc nhân cũng phải chia xẻ các trách nhiệm của cộng đồng khi thì giờ và tiền bạc cho phép. Những người được tặng sẽ phải biết là bạn đã nhơn danh Chúa Cứu Thế dâng tặng. Thư kèm theo tiền gửi đến một tổ chức xã hội hoặc từ thiện nên viết: “Là một Cơ Đốc nhân tin rằng Chúa muốn tôi trợ giúp cộng đồng tùy khả năng, tôi xin gởi món quà này. Xin Thượng Đế ban phước cho quí vị”.
Hãy cẩn thận đừng phạm tội ăn trộm đối với Thượng Đế. Kinh Thánh chép: “Các ngươi hãy đem hết thảy phần mười vào kho, hầu cho có lương thực trong nhà ta, Thượng Đế phán, xem ta có mở các cửa sổ trên trời cho các ngươi, đổ phước xuống cho các ngươi đến nỗi không chỗ chứa chăng” (MaMl 3:10).
Tấn sĩ Louis Evans đã nói: “Phúc Âm không vụ lợi, nhưng cần có tiền để phát triển Cơ Đốc giáo và để cung cấp cho người truyền giảng đạo Chúa”. Hành động dâng hiến cũng là một hành động thờ phượng như cầu nguyện hay hát thánh ca.
Hội thánh truyền bá Phúc Âm.
Hội thánh có mục đích phổ biến Phúc Âm. Hội thánh nhận mệnh lệnh “Vậy, các con hãy đi dìu dắt tất cả các dân tộc làm môn đệ ta” và làm phép báp-tem cho những ai tin. Sứ mạng căn bản và chính yếu của Hội thánh là truyền rao Chúa Cứu Thế cho những người hư mất. Ngày nay thế giới đang kêu cứu vô cùng khẩn cấp, nài xin Hội Thánh giúp đỡ. Thế giới bị tràn ngập bởi nan đề xã hội, đạo đức và kinh tế. Nhân loại đang đi xuống và bị cuốn trôi dưới những làn sóng tội ác và nhục nhã. Thế giới cần Chúa Cứu Thế. Sứ mạng của Hội thánh là quăng dây cứu sinh cho những tội nhân đang hư mất ở khắp mọi nơi.
Chúa Giê-xu phán: “Nhưng khi Thánh Linh giáng trên các con, các con sẽ nhận được quyền năng làm chứng cho ta tại Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, và khắp thế giới” (Cong Cv 1:8). Với quyền năng của Thánh Linh, chúng ta có thể hợp tác với những Cơ Đốc nhân khác để chinh phục kẻ khác cho Chúa Cứu Thế. Sáu mươi lăm phần trăm dân chúng trên thế giới chưa nghe về Phúc Âm của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Trong thế hệ này chúng ta đã thất bại thê thảm trong việc rao giảng Phúc Âm cho một thế giới đang cần. Theo các dịch giả bản Kinh Thánh Wycliffe vẫn còn trên ba ngàn ngôn ngữ và thổ ngữ mà Kinh Thánh chưa được phiên dịch.
Hội thánh đầu tiên không có Kinh Thánh, không có thần học viện, nhà in, văn phẩm Cơ Đốc, cơ sở giáo dục, vô tuyến truyền thanh, truyền hình, xe hơi, máy bay vậy mà trong vòng một thế hệ, Phúc Âm đã được truyền rao ra hầu hết những nơi trên thế giới mà người ta được biết thời bấy giờ. Bí quyết rao truyền Phúc Âm đó là quyền năng của Đức Thánh Linh.
Ngày nay trước những phương pháp truyền thông vô cùng cải tiến, quyền năng của Đức Thánh Linh vẫn y nguyên. Chúng ta không nên dùng sức riêng của mình làm mọi sự để rồi phải gặp thất bại.
Ngày nay, những bàn chân duy nhất mà Chúa Cứu Thế có là bàn chân của bạn. Những bàn tay duy nhất Ngài có là tay của bạn. Lưỡi duy nhất mà Ngài có là lưỡi của bạn. Hãy sử dụng tất cả tài năng, phương tiện và phương pháp có thể áp dụng được để chinh phục người khác cho Chúa Cứu Thế. Đó là sứ mạng lớn lao của Hội thánh. Phương pháp chúng ta có thể thay đổi. Chúng ta có thể truyền Phúc Âm bằng sự viếng thăm, giáo dục, những đoàn truyền giáo, cơ xưởng kỹ nghệ, nhóm nhỏ thông công, truyền thanh và truyền hình, điện ảnh hay phương pháp truyền giảng đại chúng.
Tôi biết rằng hiện nay, tại nhiều nơi trên thế giới, Hội thánh đang bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, bị mất tín nhiệm, và nhiều khi hầu như còn bị tiêu diệt nữa. Thế nhưng câu “Huyết của những người tử vì đạo là hột giống tốt cho Hội thánh” rất nhiều lần vẫn cứ được chứng minh là đúng. Mà Hội thánh của Thượng Đế là một Hội thánh tập trung vào Kinh Thánh; dầu bị bách hại, vẫn ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. “Nơi nào có hai ba người nhóm nhau lại, thì ta ở giữa họ” đã ứng nghiệm đúng nguyên văn tại nhiều nơi trên thế giới. Ở những nơi như thế, mặc dầu các tín hữu Cơ Đốc phải chịu nghèo thiếu, học vẫn trung tín dâng phần mười. Và khi có một thành viên nào gặp hoạn nạn, thì những người khác vẫn góp phần mình để cứu trợ. Không được cơ hội truyền giảng công khai, họ vẫn tìm cơ hội để làm chứng bằng đời sống mình. Chẳng hạn khi có một Cơ Đốc nhân bị trừng phạt tàn nhẫn vì một lý do bất công nào đó nhưng vẫn vui vẻ cam chịu, thì một khách qua đường tình cờ nào đó sẽ len lén tới gần và rỉ tai người ấy: “Tôi thấy cả. Việc này thật bất công. Vậy mà bạn vẫn vui!” Thế là người tín hữu Cơ Đốc được cơ hội tốt để san sẻ đức tin nơi Chúa Cứu Thế của mình.
Cho nên, tuy Hội thánh của Chúa Cứu Thế có chịu đau khổ, nhưng vẫn tăng trưởng. Thật là một thách thức để mỗi chúng ta đều cùng hành động giống như vậy!