CHƯƠNG 12: Thành Câu Trả Lời Cho Lời Cầu Nguyện Của Người Khác

Thắp Sáng Hy Vọng

Đăng vào: 11 tháng trước

.

CHƯƠNG 12

Thành Câu Trả Lời Cho Lời Cầu Nguyện Của Người Khác

Mỗi một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa.

Phi-líp 2:4

Không có hoàn cảnh nào là tuyệt vọng; chỉ có những người đâm ra tuyệt vọng về bản thân họ mà thôi.

–Clare Boothe Luce

Tôi muốn bạn thật sự kinh nghiệm hy vọng và hạnh phúc trong cuộc sống, điều hay nhất bạn có thể làm là giúp ai đó. Tôi biết điều đó nghe nghịch lí, nhưng nó mang lại kết quả. Đừng nghĩ về bản thân mà hãy tìm cách chúc phước cho người khác sẽ khiến bạn không còn suy nghĩ về nan đề của mình nữa, và khi bạn mang lại hy vọng và khích lệ cho người khác qua lời nói hay hành động phục vụ, bạn nhận lại gấp bội những gì bạn đã ban ra.

Khi một nông dân trồng vườn, anh ta gieo hạt giống nhỏ xuống đất, và sau một thời gian anh ta thu hoạch cả một vườn rau cung cấp thức ăn cho anh ta và gia đình. Lời hứa của Chúa rằng chúng ta sẽ gặt những gì chúng ta gieo vẫn còn làm tôi ngạc nhiên. Nếu chúng ta muốn điều gì đó, điều duy nhất chúng ta cần làm là bắt đầu cho đi điều đó.

Gary Morsch, người sáng lập tổ chức Heart to Heart International tại thành phố Kansas, là một bác sỹ đã làm nhiều công việc để cung cấp thiết bị y tế và nhu yếu phẩm cho người nghèo tại nhiều nước trên khắp thế giới. Trong cuốn sách The Power of Serving Others, ông kể một câu chuyện về việc làm tình nguyện tại Mother Teresa’s Home hầu giúp những người bần cùng sắp chết tại Calcutta, Ấn Độ.

The Home for the Dying Destitutes là một trung tâm mục vụ nơi mà những người ốm yếu được đem tới khi đã biết rõ là họ sắp chết. Nếu họ không có ai chăm sóc và không có tiền chi trả điều trị, thì họ được đem tới căn nhà này, nơi Mẹ Teresa và các tình nguyện viên của bà giúp đỡ họ. Bạn có thể nhìn thấy nhiều căn bệnh kinh khủng nhất, không thể tưởng tượng nổi ngay tại đây, và những người nghèo nhất cũng được chăm sóc ở đây mỗi ngày.

Biết được nhu cầu cấp thiết và được trang bị với lòng tự tin và chuyên ngành y khoa, Morsh đã phấn khởi lên đường. Rất lạc quan ông nghĩ, Tôi sẽ biến nơi này thành chỗ kinh doanh. Nhờ sự giúp đỡ của tôi, họ sẽ phải thay đổi tên. Lòng của ông đặt đúng chỗ và ý định của ông là tốt, những ông chưa sẵn sàng cho điều tiếp theo.

Khi ông và đội tình nguyện gồm 90 người xuất hiện để phục vụ, thì sơ Priscilla, một nữ tu ăn nói mềm mại với chất giọng Anh êm dịu, bắt đầu giao công việc. Morsch cẩn thận đeo ống nghe quanh cổ trong một nỗ lực không được tinh tế để sơ Priscilla biết ông là một bác sỹ. Chắc chắn cô sẽ cho ông một công việc quan trọng phù hợp với khả năng và chứng chỉ nghề nghiệp của ông.

Sau khi bảo mọi người đi ra phục vụ trong những công việc khác nhau, sơ Priscilla nhìn vào tình nguyện viên cuối cùng đang đứng trước mặt cô, Gary Morsch. Họ bước vào khu dành cho nam, trong đó chật kín giường người bệnh và người sắp chết dần. Ông nghĩ, Chắc đây là công việc của mình, nhưng sơ Priscilla đi qua khu đó và bước vào khu tiếp theo. Bước vào khu dành cho nữ – ở đó cũng chật kín những người phụ nữ hấp hối trong giai đoạn cuối của cuộc đời – Morsch cho rằng, Chắc ở đây nhu cầu lớn hơn. Đây là chỗ họ sẽ để tôi làm việc, nhưng sơ Priscilla cứ đi tiếp. Khi họ bước vào nhà bếp, tại đó người ta rang lúa trên đống lửa không có sự che chắn, ông bắt đầu lo lắng. Tại sao họ lại muốn một bác sỹ phục vụ trong nhà bếp? ông thắc mắc, nhưng sơ Priscilla cũng đi nhanh qua nhà bếp.

Sau khi ra khỏi nhà bếp, Morsch được dẫn tới một con hẻm nhỏ ngoài trời, sơ Priscilla chỉ vào đống rác lớn đang hôi thối. Mùi bốc cũng đủ khiến Morsch bịt miệng lại. Cô giải thích, “Chúng tôi cần anh đưa đống rác này ra đường, tới bãi rác. Bãi rác cách đây vài tòa nhà, nó nằm bên phải. Anh sẽ thấy ngay thôi.” Nói xong, cô đưa cho bác sỹ hai cái xô, một cái xẻng, một nụ cười tạm biệt, và để anh ta một mình làm việc.

Morsch đứng đó hơi bối rối và một chút tự ái. Ông không biết nên làm gì. Ông có nên từ chối nhiệm vụ? Ông có nên nói chuyện với ai đó về công việc mới không? Sau một vài phút xem xét, ông quyết định làm điều duy nhất ông có thể làm – làm việc. Cả ngày dài, vị bác sỹ có lòng tự trọng đã mang những cái xô đầy rác thối tới bãi rác thành phố. Cuối ngày, ông đổ mồ hôi, bị bốc mùi, nhưng ông di chuyển được toàn bộ đống rác hôi thối.

Bực bội và giận dữ về những chuyện trong ngày đó, Morsch đi thẳng qua nhà bếp, khu của nữ và khu của nam, ông muốn tập hợp đội của mình và trở lại nơi họ đang ở. Khi ông đi qua những căn phòng này, ông không thể kìm nén nổi, ông cảm thấy sự công hiến của mình phải được dùng một nơi nào khác tốt hơn. Ngay cả việc phụ giúp trong nhà bếp cũng tốt hơn việc kéo rác. Đó là lúc ông nhìn thấy vấn đề. Đang chờ để nói lời tạm biệt hững hờ với sơ Priscilla thì Morsh thấy một tấm biển nhỏ viết tay, ghi chính lời của mẹ Teresa, “Ở đây chúng ta không làm những công việc vĩ đại, chỉ làm những công việc nhỏ bé với tình thương vĩ đại.”

Chính giây phút đó là bước ngoặc đối với Gary Morsch. Ông nói, “Lòng tôi tan chảy. Tôi đã hiểu sai vấn đề. Tôi cần bài học này. Phục vụ người khác không phải nằm ở chỗ tôi biết bao nhiêu, tôi có được bao nhiêu bằng cấp, hay chứng chỉ hành nghề của tôi là gì. Mà nó là vấn đề về thái độ và sự sẵn sàng làm những gì cần thiết – bằng chính tình thương.”

Gary Morsch tiếp tục công việc rồi sau đó trở thành bạn thân của mẹ Teresa, và ông đã tìm thấy một mục đích đặc biệt trong cuộc sống đó là giúp đỡ những người khác. Ông đã đem rất nhiều nhóm người trở lại Calcutta để giúp những người nghèo khổ nhất tại Ấn Độ, và mỗi lần ông đều thấy rất thỏa lòng khi thấy đội tình nguyện của ông chịu ảnh hưởng qua kinh nghiệm này. Ông giải thích, “Thường các tình nguyện viên đến rất tự tin, đầy kiêu hãnh như tôi trước đây. Nhưng từng người trong số họ đã được biến đổi qua hành động phục vụ người khác.”

Trao Hy Vọng Để Được Hy Vọng

Công Vụ 20:35 nói:

Tôi từng bày bảo luôn cho anh em rằng phải chịu khó làm việc như vậy, để giúp đỡ người yếu đuối, và nhớ lại lời chính Đức Chúa Jêsus có phán rằng: Ban cho thì có phước hơn là nhận lãnh.

Chúa Giê-su nói hạnh phúc đến khi bạn giúp người khác. Điều này trái ngược với những gì chúng ta cho là đúng. Chúng ta nghĩ nếu chúng ta tập trung vào bản thân, làm việc siêng năng để theo đuổi hạnh phúc thì cuối cùng chúng ta sẽ tìm thấy nó. Nếu chúng ta kiếm được nhiều tiền hơn, thâu góp đủ tài sản, hoàn tất đủ mục tiêu, giảm được vài cân, được tiếng tăm gì đó – rồi khi đó chúng ta mới hạnh phúc. Điều này khiến chúng ta làm việc siêng hơn và chăm hơn để rồi một ngày nào đó chúng ta có được hạnh phúc.

Tôi có thể nói cho bạn biết có rất nhiều người ngán ngẫm ngoài thế gian. Việc đeo đuổi hạnh phúc có thể trở thành cuộc chơi sức tàn lực kiệt. Tôi biết, vì tôi đã sống như vậy một thời gian dài. Nhiều năm trong cuộc đời tôi, tôi là một Cơ Đốc Nhân đau khổ. Tôi yêu mến Chúa, nhưng hiếm khi hạnh phúc. Tôi rất dễ bực bội và làm hỏng cả ngày hôm đó. Nếu chiếc xe phát tiếng ồn gì đó, nếu chồng tôi đi chơi gôn thay vì dành buổi sáng thứ Bảy cho tôi, nếu một trong các con tôi cãi lại tôi, nếu tôi không làm xong tất cả công việc mà tôi đã lên danh sách – nếu bất cứ điều nào trên đây xảy ra, tôi không hy vọng ngày hôm đó tốt lành gì cả. Và tôi càng làm việc cực nhọc, cố gắng có được hạnh phúc, thì hạnh phúc dường như biến mất.

Nhưng trong suốt những thời gian ấy, Chúa chỉ cho tôi nhiều điều liên quan đến cách để tận hưởng cuộc sống. Càng học lời Chúa, tôi càng thấy những suy nghĩ mà tôi nghĩ, những lời mà tôi nói ra, và những thái độ mà tôi chấp nhận đã tác động rất lớn đến cuộc sống mà tôi đang sống. Tôi biết tôi không cần phải bị cảm xúc và tình cảm của tôi kiểm soát. Nhờ Chúa giúp, tôi có thể sống vượt trên cảm giác và tận hưởng cuộc sống Chúa Giê-su đã chết để ban cho tôi.

Tôi đã để nhiều năm viết sách và giảng dạy các nguyên tắc từ Lời Chúa về mỗi chủ đề này, nhưng một trong những điều đơn giản nhưng quyền năng nhất Chúa chỉ cho tôi là điều này: Nếu chúng ta muốn có hy vọng và hạnh phúc, thì chúng ta cần trao ban hy vọng và hạnh phúc. Khi bạn không nhìn nan đề của mình và tìm cách giúp người khác giải quyết nan đề của họ thì Chúa sẽ làm những điều lạ lùng.

Mỗi lần tôi gác qua những thất vọng và nhu cầu của tôi và tập trung giúp đỡ ai đó gần tôi, thì toàn bộ thái độ của tôi thay đổi. Thay vì cầu nguyện, “Chúa ơi, con cần cái này…” hay “Chúa ơi, sao con không có cái kia?” – tôi bắt đầu cầu nguyện, “Chúa ơi, hôm nay con có thể giúp đỡ ai đây?” và “Chúa ơi, hãy cho con một cơ hội để đáp ứng nhu cầu của ai đó.” Tôi phát hiện ra có một niềm vui khôn tả khi được Chúa dùng để thành câu trả lời cho lời cầu nguyện của ai đó.

Có lẽ bạn để ý những điều tương tự như thế trong đời sống bạn. Thật sự ban cho có phước hơn nhận lãnh. Bạn sẽ không bao giờ kiếm đủ, thâu góp đủ, hay thành đạt đủ để lấp đầy khoảng trống hạnh phúc. Cõi hư vô chẳng bao giờ lấp đầy. Nhưng giây phút bạn chấm dứt không hướng nội nữa mà bắt đầu hướng ngoại, bạn sẽ khám phá ra hy vọng và hạnh phúc mà bạn chưa hề biết nó tồn tại. Như Gary Morsch và đội tình nguyện của ông, bạn sẽ được “biến đổi qua hành động phục vụ người khác.”

Tôi xin Chúa mỗi ngày chỉ cho tôi thấy ai đó mà tôi có thể giúp đỡ. Đôi khi những gì Ngài dẫn dắt tôi làm là những điều quan trọng, nhưng nhiều lần nó chỉ là những điều nhỏ nhặt. Đôi khi những thứ mà dường như không ai để ý. Hôm nay một người đến sửa nhà vệ sinh của tôi, và khi anh làm xong, anh hỏi liệu anh có thể nói chuyện với tôi một chút được không. Khi tôi nói được, anh ta kể tôi nghe là anh ta có vợ và năm người con và anh ta muốn biết cuốn sách nào của tôi là phù hợp để anh ta tặng cho vợ vào ngày lễ của mẹ. Tôi nói chuyện với anh ta một hồi về gia đình và rồi tôi dẫn anh tới kệ sách của tôi và để anh chọn hai cuốn làm quà cho vợ. Chỉ mất vài phút và tôi chẳng tốn kém gì, những nó có ý nghĩa rất nhiều với anh ta. Tôi tin hôm nay tôi sẽ hạnh phúc nhờ một nghĩa cử nho nhỏ như thế. Tôi tiếc là tôi đã mất một thời gian rất lâu để học nguyên tắc tuyệt vời này, nhưng bây giờ tôi biết ơn là tôi đã biết nó. Chúng ta có thể tranh đấu chống lại nỗi tuyệt vọng mỗi ngày trong đời qua những nghĩa cử nho nhỏ như thế!

Ngay Cả Sự Phục Vụ Cao Quí Nhất

Trong cuộc cách mạng Hoa Kỳ, một người đàn ông mặc thường phục đã đi ngựa qua một nhóm lính đang sửa cái hàng rào bảo vệ. Lãnh đạo của họ la hét chỉ bảo nhưng không xắn tay áo lên giúp họ. Khi người cưỡi ngựa này hỏi tại sao, thì người lãnh đạo nói vặn lại với vẻ trang nghiêm, “Ông ơi, tôi là một hạ sĩ quan!”

Vị khách lạ xin lỗi, xuống ngựa và tiến đến để giúp những người lính bị kiệt sức. Xong việc, anh ta quay sang hạ sĩ quan và nói, “Thưa ngài hạ sĩ quan, lần sau nếu có công việc như thế này và không có đủ người làm, thì hãy đến gặp tổng tư lệnh của anh, và tôi sẽ đến và giúp anh nữa.” Người lạ này không ai khác chính là George Washington.

Dù bạn có quan trọng cỡ nào, đừng cho phép mình tin rằng bạn quá quan trọng nên không thể giúp ai khác. Có thể bạn đã làm việc lâu, có thể bạn đã thành đạt nhiều trong đời sống cá nhân và nghề nghiệp, có thể bạn có các tên gọi tôn trọng ghi trước tên bạn hay khắc sau tên bạn, nhưng bạn không bao giờ quá quan trọng không thể hạ mình giúp người khác. Chúa Giê-su bước xuống từ một nơi cao sang và hạ mình xuống chỗ thấp nhất (Phi-líp 2:7). Trong Kinh Thánh chúng ta được dạy là hãy để Chúa trở thành tấm gương của chúng ta trong sự khiêm nhường (Phi-líp 2:5).

Tôi có vinh dự trở thành chủ tịch của một chức vụ toàn cầu. Suốt cả ngày, có rất nhiều quyết định tôi phải đưa ra và nhiều nơi tôi cần đến. Tôi biết ơn vì những cơ hội Chúa ban cho tôi, nhưng một trong những giây phút vui nhất trong đời tôi không phải là thời gian để hội họp hay giảng dạy. Tôi rất thích những điều này, nhưng những giây phút vui mừng và thỏa lòng nhất trong đời tôi là khi tôi đi phục vụ người khác qua các chương trình hướng ngoại của tổ chức Hand of Hope. Mỗi lần tôi đứng chung với các tình nguyện viên và để chút thời gian chúc phước người khác – trao thức ăn cho người đói, cung cấp các giếng nước sạch cho người khát, cung cấp trang thiết bị trường học cho người nghèo – điều đó nhắc nhở tôi lí do chúng tôi làm điều chúng tôi đang làm. Khi vươn ra người khác qua cánh tay hy vọng, bản thân tôi nhận niềm hy vọng và hạnh phúc tươi mới. Nhiều lần tôi kiệt sức khi rời cánh đồng truyền giáo ở các nước thuộc thế giới thứ ba, nhưng tôi chưa hề ra khỏi đó mà thấy tiếc về cơ hội tôi có để phục vụ.

Chúng tôi bắt đầu sứ mạng nhánh của chức vụ của chúng tôi gần 20 năm trước, và tôi cảm thấy nên đặt tên tổ chức là Hand of Hope (Vòng Tay Hy Vọng) vì vươn ra để mang hy vọng giúp đỡ những người tuyệt vọng là mục tiêu của chúng tôi. Tôi nghĩ thật không ngoa khi nói nếu ai đó cứ mang lại hy vọng cho người khác thì người đó không bao giờ cảm thấy mất hy vọng.

Chúa Giê-su là Con của Thượng Đế, Đấng đã đến cất tội lỗi thế gian, nhưng Ngài cũng dành thời gian để phục vụ. Trong Mác 10:45, Chúa Giê-su nói Ngài, “đến không phải được phục vụ mà để phục vụ và làm giá chuộc cho nhiều người.” Trong các sách Phúc Âm hết lần này tới lần khác chúng ta thấy Chúa Giê-su giúp đỡ người khác: nuôi đám đông, chữa người bệnh, dành thời gian với trẻ em, và thậm chí rửa chân cho các môn đồ. Chắc chắn Chúa Giê-su đã tìm thấy niềm vui lớn lao khi phục vụ người khác, vì lúc nào Ngài cũng phục vụ. Ngài để lại cho chúng ta một tấm gương để chúng ta noi theo dấu chân Ngài. Thật là một tấm gương vĩ đại để chúng ta noi theo. Đừng trở nên quá quan trọng hay quá bận rộn đến nỗi không thể trao ban hy vọng cho những người thiếu thốn. Hãy dành thời gian mỗi ngày tìm ai đó để bạn có thể chúc phước. Có thể đó là một cử chỉ tử tế, hay một hành động hào phóng – bất cứ điều nào bạn làm được để giúp những người thiếu thốn, tôi khích lệ bạn hãy làm điều đó. Không chỉ người ta được phước qua hành động phục vụ của bạn, mà chính bạn cũng được phước nữa.

Cách Hay Nhất Để Nói Cho Người Ta Về Chúa Giê-Su Là Chỉ Cho Họ Thấy Ngài

Rô-ma 2:4 dạy lòng tốt của Chúa dẫn người ta đến ăn năn. Bạn sẽ ngạc nhiên vì có nhiều bạn bè, người thân, đồng nghiệp muốn tiếp nhận Chúa Giê-su nếu bạn tử tế với họ. Đôi khi chúng ta cần chấm dứt giảng đạo với ai đó và bắt đầu tử tế với nhiều người trong chính đời sống chúng ta – thật sự quan tâm tới họ và chúc phước cho họ, cầu nguyện cho họ và xin Chúa giúp chúng ta biết cách phục vụ họ. Nói cách khác, chúng ta nên cho người khác thấy tình yêu thương của Chúa Giê-su!

Gia-cơ 2:15-16 nói:

Ví thử có anh em hoặc chị em nào không quần áo mặc, thiếu của ăn uống hằng ngày, mà một kẻ trong anh em nói với họ rằng: Hãy đi cho bình an, hãy sưởi cho ấm và ăn cho no, nhưng không cho họ đồ cần dùng về phần xác, thì có ích gì chăng?

Ta đừng có thành những người nói như thế này, “Tạm biệt, hãy ăn no mặc ấm nhé.” Nếu ai đó có nhu cầu, nếu bạn có thể đáp ứng nhu cầu đó, thì hãy làm. Chúng ta thường bỏ qua một nhu cầu khi nói, “Tôi sẽ cầu nguyện cho bạn,” mà không xin Chúa bày tỏ cho chúng ta thấy mình có thể làm gì để giúp đỡ. Tôi học được rằng tôi không cần cầu nguyện và xin Chúa đáp ứng nhu cầu mà tự tôi có thể đáp ứng dễ dàng nhưng có lẽ là không muốn làm. Nếu bạn cầu nguyện xin Chúa giúp đỡ ai đó thì hãy sẵn sàng để Ngài sai bạn đi ra làm điều đó. Có một người kể anh gia nhập một nhóm để tới nước Nga phát Kinh Thánh trong giai đoạn khó khăn khi mà có nhiều người chết đói. Nhóm này đem Kinh Thánh tới một dòng người đang xếp hàng chờ nhận bánh mì và bát súp. Khi một người định trao cuốn Kinh Thánh cho một phụ nữ, thì cô ta tức giận và la lên, “Kinh Thánh của anh không làm cho tôi no bụng.” Như thể cô ta tức giận các Cơ Đốc Nhân vì chỉ giảng cho họ về một Thượng Đế tốt lành trong khi đó chẳng giúp đỡ gì thiết thực. Những tín hữu phân phát Kinh Thánh này không bao giờ quên câu chuyện đó. Tôi tin một số người bị tổn thương quá nặng nề đến nỗi họ không thể nghe Phúc Âm nếu chúng ta trước hết không làm gì để làm vơi đi nỗi đau đó.

Dĩ nhiên, tôi không có ý nói chúng ta không cho Kinh Thánh, nhưng tôi nói ngoài việc phân phát Lời Chúa, chúng ta cần đáp ứng nhu cầu của họ. Đó là điều Chúa Giê-su đã làm. Chúa Giê-su cho người ta Lời Chúa lẫn đáp ứng các nhu cầu của họ. Ngài cho họ ăn, Ngài chữa lành họ, Ngài dạy dỗ họ, Ngài lắng nghe họ. Ngài không chỉ nói về sự tốt lành của Chúa Cha; Ngài chứng tỏ lòng tốt đó một cách rất thiết thực.

Nếu có ai đó trong đời bạn hôm nay cần biết Chúa Giê-su, thì tôi đề nghị bạn hãy thử phương pháp chia sẻ Phúc Âm mới này. Thay vì chỉ nói với họ về hy vọng trong Chúa, hãy ban cho họ hy vọng đó. Hãy tìm hiểu họ có nhu cầu gì và xin Chúa giúp bạn đáp ứng các nhu cầu đó. Có lẽ họ cần thức ăn, cần đổ xăng, hay cần tiền khám bác sỹ. Có lẽ họ cần người trông trẻ để họ có một đêm thư giãn. Có lẽ họ cần một người biết lắng nghe. Bất cứ điều nào bạn làm được để bày tỏ tình yêu thương của Chúa Giê-su cho họ, hãy làm đi. Khi bạn giúp đỡ các nhu cầu thuộc thể của họ, thì bạn sẽ ngạc nhiên là họ sẽ nhanh chóng mở ra với các nhu cầu thuộc linh của mình.

Hãy Thắp Sáng Hy Vọng!

Điều quan trọng cần nhớ là cuộc sống không chỉ có nghĩ đến chúng ta. Có thể chúng ta đã trải qua những khó khăn trong cuộc sống, và khi chúng ta trải qua, thì rất dễ để chúng ta chỉ chú tâm xin Chúa giúp đỡ chúng ta, đáp ứng nhu cầu của chúng ta, cung cấp những thứ mà chúng ta cảm thấy thiếu. Nhưng khi đối diện với các vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới bạn, thì đừng quên những người xung quanh bạn. Chỗ nào bạn nhìn thấy đều có bạn bè, họ hàng, đồng nghiệp, hàng xóm và người lạ là những người đang có nhu cầu – nhu cầu nào đó mà bạn có thể đáp ứng được.

Cách tốt nhất để nhận được hy vọng là ban cho hy vọng. Trong hoạt động của Chúa, kẻ cuối nên đầu (xem Ma-

thi-ơ 20:16), và kẻ nhỏ nhất là người lớn nhất (xem Luca 9:48), kẻ yếu đuối là mạnh mẽ (xem Giô-ên 3:10), và khi bạn dâng thì bạn nhận (xem Luca 6:38). Vậy hãy tiến lên và thắp sáng hy vọng của bạn. Bạn sẽ khám phá ra một cách tươi mới để tận hưởng cuộc sống khi giúp người khác tận hưởng cuộc sống của họ. Hãy nhìn quanh bạn và xem ai bạn có thể giúp đỡ – tôi hứa với bạn là bạn sẽ thấy ngay thôi. Ai đó mà bạn quen biết đang xin Chúa giúp đỡ ngay bây giờ. Có thể bạn là câu trả lời cho lời cầu nguyện đó.