Đăng vào: 12 tháng trước
CHƯƠNG 8
Những Lời Đầy Hy Vọng
Tại sao tôi buồn thảm? Tại sao tôi lại bực dọc? Tôi sẽ tiếp tục đặt niềm hy vọng nơi Thượng Đế và vẫn sẽ ca ngợi Ngài, Cứu Chúa và là Thượng Đế tôi.
Thi thiên 43:5
“Trước thềm năm mới, hy vọng mỉm cười và thì thầm, “Năm nay mình sẽ hạnh phúc hơn…”
-Alfred Lord Tennyson.
Thức ăn chúng ta ăn sẽ ảnh hưởng cơ thể chúng ta thể nào thì lời chúng ta nói cũng sẽ ảnh hưởng tâm linh, tâm trí và tình cảm chúng ta thể ấy. Tôi tin rằng lời nói cũng ảnh hưởng đến thân thể chúng ta, vì lời nói chúng ta càng đầy hy vọng và niềm hạnh phúc thì chúng ta càng cảm thấy năng động hơn. Một thái độ tích cực, đầy hy vọng sẽ làm vơi đi nỗi căng thẳng, là căn nguyên chính của nhiều bệnh tật và đau yếu.
Vài năm trước đây, tôi đã quyết định nghiêm túc về sức khỏe của mình. Lúc đó tôi đang thiếu năng lực, dễ bệnh, và vất vả với những căn bệnh dai dẵng. Trong quá khứ, tôi đã thử các chế độ ăn uống và kế hoạch luyện tập khác nhau, nhưng công việc của tôi chiếm hết thời gian tôi dành để chăm sóc bản thân. Rốt cuộc tôi cũng trở lại tốc độ bận rộn thường ngày, dù tôi biết điều đó không tốt cho tôi. Cuối cùng tôi quyết định “thế là đủ rồi.” Tôi đoán bạn có thể nói tôi quá ngán việc quá mỏi mệt.
Một trong những điều đầu tiên tôi nhận ra khi tôi nghiên cứu về chế độ ăn uống phù hợp và thói quen tập thể dục đó là mọi thứ chúng ta ăn đều ảnh hưởng tới hoạt động của cơ thể. Tất cả chúng ta đều biết chế độ ăn uống lành mạnh là quan trọng, nhưng tôi nghĩ chúng ta không phải lúc nào cũng nhận ra những chọn lựa về dinh dưỡng sẽ tác động rất nhiều đến thân thể. Những thứ bạn ăn trong ngày có thể quyết định bạn cảm nhận thế nào, bạn hoàn thành công việc bao nhiêu, và bạn sẽ có thái độ như thế nào. Ngon hay dở – món salad hay bánh ngọt – thức ăn đi vào miệng sẽ ảnh hưởng đến cơ thể. Nó cũng có thể tác động đến tình cảm và quá trình suy nghĩ.
Tương tự, những lời công bố đầy hy vọng hay lời tuyên bố tiêu cực – những lời bạn nói sẽ ảnh hưởng đời sống rất nhiều. Lời nói có sức mạnh. Những lời bạn nói sẽ tạo nên khác biệt. Ngay khi bạn nói điều gì đó, những lời này sẽ đi vào tai và trực tiếp vào phần hồn bạn. Nếu lời nói của bạn đầy sự sống, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn và thêm năng lực hơn. Tuy nhiên, nếu bạn có khuynh hướng nói về những điều tiêu cực trong đời và than phiền về hoàn cảnh của bạn, thì những lời này có một ảnh hưởng tiêu cực và sẽ làm tiêu hao năng lực của bạn và khiến bạn cảm thấy nản lòng và thậm chí là chán nản. Đừng trì hoãn hy vọng vào một dịp khác vì “Hy vọng bị trì hoãn làm lòng dạ đau đớn;” (xem Châm Ngôn 13:12).
Những lời tràn đầy hy vọng rất quan trọng, đặc biệt khi bạn đối diện với khó khăn. Một trong những điều quan trọng nhất bạn có thể làm khi bị tổn thương là nói những lời tích cực, đầy đức tin. Tôi không nói là chỉ nói là bạn có sức mạnh thay đổi hoàn cảnh – chỉ có Chúa mới làm điều đó – nhưng lời nói có sức mạnh trong lĩnh vực thuộc linh, và khi bạn đồng ý với Chúa, kế hoạch của Ngài sẽ bắt đầu ứng nghiệm trong đời sống bạn một cách ngoạn mục. Những lời nói của bạn có thể thay đổi thái độ của bạn về hoàn cảnh tiêu cực và giúp bạn định đoạt chiến thắng.
Dân Y-sơ-ra-ên đã than phiền khi ở sa mạc, và thế là họ vẫn còn ở đó. Hành trình 11 ngày đã mất tới 40 năm, và hầu hết trong số họ không hề đến đích mà họ muốn.
Than phiền và nhắc lại mọi thứ mà chúng ta nghĩ là sai trái trong đời là một nan đề lớn mà hầu hết người ta không nhận ra. Nó là tội khi Chúa nghe được. Tôi không biết có bao nhiêu người sống mà cứ than phiền và khi làm vậy, họ không bao giờ có được cuộc sống mà họ ước ao. Bạn thấy đó, ước ao không đủ để làm cho những điều tốt đẹp ứng nghiệm. Chúng ta cần hy vọng sống động và đức tin mạnh mẽ nơi Chúa. Chúng ta cũng cần những ý tưởng mạnh mẽ và những lời đầy hy vọng. Chúng ta cần hành động khi được yêu cầu và một tấm lòng cảm tạ khi chờ đợi.
Tôi đã phí 45 năm trong đời phá hỏng những tháng ngày của tôi và ngăn trở tương lai của tôi do thiếu hiểu biết về sức mạnh của lời nói. Tôi thiếu hiểu biết trong nhiều lĩnh vực, nhưng đây là một nan đề lớn đối với tôi. Nếu bạn được dạy về sức mạnh lời nói, chương này chỉ là bài học căn bản giúp bạn đi đúng hướng, nhưng nếu đây là một điều mới với bạn, thì nó có thể là một sự đổi đời. Bạn có lẽ đã không nhận ra rằng bạn kiểm soát được lời nói của mình. Bạn có thể chọn những gì bạn sẽ nói, và hãy tin tôi đi khi tôi nói với bạn rằng những lời bạn nói có ý nghĩa quan trọng. Hãy làm người quản lí giỏi lời nói của mình. Hãy lựa lời cách khôn ngoan và tin những gì Lời Chúa nói về lời nói đầy dẫy quyền lực của sự sống hay sự chết.
Sống chết đều do lời nói mà ra. Ăn nói thận trọng sẽ được khen thưởng.
Châm Ngôn 18:21
Chấm Dứt Nói Về Nan Đề
Bạn có để ý là Chúa Giê-su không nói về các nan đề của Ngài không? Ngài có thể, Ngài đã phải giải quyết nhiều vấn đề như của bạn và tôi. Chúa Giê-su có lịch làm việc kín. Chúa Giê-su gặp những con người thô lỗ và đáng ghét. Chúa Giê-su đối diện với những hoàn cảnh khó khăn. Chưa nói đến sự thật là Ngài biết Ngài sẽ chịu khổ cách khủng khiếp và chịu chết trên thập tự giá vì tội lỗi của thế gian.
Nhưng khi bạn đọc các sách Phúc Âm, bạn không bao giờ nghe Chúa Giê-su nói bất cứ lời chỉ trích nào hay lời than phiền hay lằm bằm nào. Rõ ràng Ngài biết sức mạnh của lời nói. Khi thời điểm Ngài chịu khổ và chịu chết đến gần, Ngài nói với các môn đồ rằng từ lúc này trở đi Ngài sẽ không nói chuyện với họ nhiều như lúc trước (xem Giăng 14:30). Tại sao Ngài lại nói điều đó? Vì Ngài biết sức mạnh của lời nói, và Ngài biết khi chúng ta trải qua những lúc khó khăn hay đau đớn thì rất dễ bị cám dỗ nói những lời sai trật. Ngài biết Cha Ngài có một chương trình cứu rỗi con người và Ngài cứ bám lấy kế hoạch đó, và Ngài quyết định làm mọi sự cần thiết để duy trì sự hiệp nhất với Thượng Đế, kể cả nói những lời mà Thượng Đế có thể sử dụng, không phải những lời mà ma quỷ có thể lợi dụng.
Ta không thể nói thêm nhiều nữa với các con vì kẻ cầm quyền thế gian này đang đến. Kẻ ấy không có quyền gì trên Ta nhưng thế gian phải biết rằng Ta yêu Cha nên Ta làm đúng theo điều Cha dặn bảo. Thôi chúng ta hãy đi.
Giăng 14:30-31
Dĩ nhiên, Chúa Giê-su nói về nhiều điều, kể cả tội lỗi. Có những lúc Ngài quở những người Pharisi và sửa dạy các môn đồ. Khi bạn đọc các sách Phúc Âm, bạn thấy Chúa Giế-su nói về rất nhiều vấn đề, nhưng trong số đó không có nói về các nan đề của Ngài. Luca 4:22 nói người ta, “lấy làm ngạc nhiên bởi lời kỳ diệu mà Ngài nói ra.” Chúa Giê-su đang thi hành sứ mạng, và Ngài sẽ không để bị chệch hướng do tập trung vào nan đề của cuộc sống mỗi ngày. Ngài nói những Lời Ngài là thần linh và sự sống (xem Giăng 6:03).
Lời nói của bạn có phải là thần linh và sự sống, hay xác thịt và sự chết? Tin mừng là ngay bây giờ bạn có thể thay đổi nếu cần. Tôi là người đầu tiên thừa nhận rằng không thể kiểm soát môi miệng nếu không có Chúa giúp. Tuy nhiên, nếu chúng ta đưa ra quyết định đúng và hợp với ý Chúa trong lĩnh vực này, thì chắc chắn Ngài sẽ giúp chúng ta tạo ra những sự thay đổi tích cực.
Chọn Đường Hẹp
Chúa Giê-su dạy chúng ta hãy chọn đường hẹp dẫn đến sự sống và tránh đường rộng dẫn tới hủy diệt (xem Ma-thi-ơ 7:13-14). Rõ ràng, đường hẹp khó đi hơn. Tôi hay nói trên đường hẹp không có chỗ cho lối hành xử xác thịt. Chúng ta có thể sống, nói những gì thích nói mà không màng đến sức mạnh của lời nói, nhưng làm thế sẽ đưa chúng ta vào đường rộng mà Chúa Giê-su nói là dẫn tới hủy diệt, và tôi nghĩ là không ai muốn bị hủy diệt.
Rất dễ cứ tập chú vào những chuyện sai trái. Dường như trong các cuộc nói chuyện chúng ta tập chú vào những chuyện sai trái nhiều hơn là những chuyện ngay lành. Cuộc nói chuyện đó không tràn đầy hy vọng mà đầy tràn tuyệt vọng. Bọn trẻ bị đau. Giao thông thật khủng khiếp. Chân tôi đau quá. Kinh tế đang xuống. Bạn có tin nổi những gì cô ta nói về tôi không? Tôi không đủ khả năng làm điều đó. Nhưng càng nói về những điều sai trái, chúng ta càng trao cho nó sức mạnh trong cuộc đời chúng ta.
Bạn có bao giờ nghĩ bạn có thể làm cho nan đề tồi tệ hơn khi nói về nó quá nhiều không? Bạn có bao giờ nghĩ khi bạn than phiền thì bạn không thể tiến xa hơn trong đời không? Dĩ nhiên, tôi đã không nghĩ đến những điều này cho đến khi Thánh Linh quở tôi về chuyện này, và tôi vui là Ngài đã làm điều đó vì chúng ta không thể thay đổi bất cứ lĩnh vực nào trong đời sống mà chúng ta thiếu sự hiểu biết.
Khi bạn trải qua thời gian thử thách, điều tốt nhất bạn làm là chấm dứt nói về vấn đề to lớn thể nào mà hãy bắt đầu nói về việc Chúa lớn to thể nào. Hãy để thì giờ mỗi ngày suy gẫm Lời Chúa và công bố các lời hứa của Ngài cho hoàn cảnh của bạn. Sức mạnh sẽ xuất hiện khi bạn tập chú vào những gì có thể xảy ra khi có Chúa đứng về phía bạn thay vì tập chú vào những gì đang xảy ra trong đời bạn ngay bây giờ.
Chủ Ý Làm Điều Đúng
Có thể không phải lúc nào bạn cũng cảm thấy tích cực, và cũng không phải lúc nào bạn muốn nói những lời tích cực. Có những ngày bạn thức dậy và cảm thấy thật sự kinh khủng. Đây là những ngày rất dễ cay đắng, than phiền và có cái nhìn bi quan về cuộc sống. Nhưng bạn không cần phải sống khuất phục trước cảm xúc của mình. Cảm xúc hay thay đổi – chúng thay đổi nhanh chóng lệ thuộc vào nhiều yếu tố.
Một trong những điểm chính tôi muốn nêu ra trong cuốn sách này đó là chúng ta phải chủ ý hy vọng. Chúng ta không thể ngồi đó mà ước ao mình cảm thấy hy vọng hay chỉ cầu nguyện để chúng ta có hy vọng. Chúng ta chọn làm người đầy hy vọng mỗi ngày. Một trong những điều kỳ diệu nhất về việc có ý chí tự do đó là chúng ta có thể chọn thái độ, tư tưởng, lời nói và hành động. Tôi chắc, nếu bạn giống tôi, điều đầu tiên bạn thích nghĩ khi bạn làm sai là Mình bất lực, và sau đó đưa ra lời bào chữa về lí do bạn không thể làm điều đúng.
Sự thể sẽ như thế này: Ước gì mình cảm thấy có hy vọng, nhưng chẳng có điều hạnh phúc nào xảy ra trong cuộc đời mình. Mình không thể mong là có cái nhìn tích cực trong khi mọi thứ mình thấy toàn là nan đề. Nếu mình có nhiều lợi thế như người ta, thì thái độ của mình đã tốt hơn rồi. Nhưng cũng có thể là như thế này: Ngay bây giờ hoàn cảnh của tôi không được tốt lắm, nhưng tôi chọn tràn đầy hy vọng. Tôi mong đợi điều tốt đẹp xảy ra trong cuộc đời tôi hôm nay. Vâng, điều tốt đẹp sẽ xảy ra với tôi và qua tôi.
Hãy chủ ý làm điều này mỗi ngày ngay cả khi bạn cảm thấy không muốn làm, nhưng cuối cùng nó sẽ thay đổi cách bạn cảm nhận. Cảm giác sẽ khuất phục trước quyết định của bạn khi đúng thời điểm. Dù hoàn cảnh trông như thế nào đi nữa, ngày nào mà có Chúa cũng tốt hơn ngày nào không có Ngài. Chúng ta có thể luôn tràn đầy hy vọng vì Ngài yêu thương chúng ta, Ngài ở về phía chúng ta, và Ngài có thể thay đổi mọi điều! Ngài là Chúa công bình, và Ngài biến sai thành đúng.
Vào những ngày bạn cảm thấy nản lòng, hãy quyết định không để những cảm giác này kiểm soát đời sống bạn. Thay vì có cái nhìn tiêu cực và nói những lời tiêu cực, hãy công bố phù hợp với Lời Chúa!
- Tôi biết Chúa yêu thương tôi (xem Ê-phê-sô 3:19).
- Tôi tin sẽ nhìn thấy sự tốt lành của Chúa trong cuộc đời tôi (xem Thi Thiên 27:13).
- Tôi là người chiến thắng bội phần qua Chúa Giê-su Đấng yêu thương tôi (xem Rôma 8:37).
Tôi đã giảng dạy gần 40 năm, và tôi vẫn còn suy gẫm và công bố Lời Chúa gần như mỗi ngày. Dù tôi có cảm thấy như thế nào, tôi nhắc nhở bản thân mình là ai trong Chúa – và bạn cũng có thể làm điều tương tự. Đừng đợi ai đó an ủi, khích lệ bạn, hãy khích lệ mình trong Chúa.
Tôi thích nghĩ đến chuyện này như một buổi cổ động cá nhân. Nếu bạn từng tham dự một buổi cổ động ở trường cấp 2 hay cấp 3, thì bạn biết điều tôi đang nói. Cổ động là khi người trưởng nhóm cổ động, ban nhạc chơi nhạc và đám học sinh sẵn sàng vào cuộc. Sự cổ động là một sự chúc mừng chiến thắng đang mong đợi. Dù đội chưa giành chiến thắng, nhưng sự cổ vũ đã bắt đầu rồi.
Chắc chắn bạn có điều gì đó trong đời để ăn mừng. Dù bạn đang đối diện với sự chống đối như thế nào đi nữa, Chúa ở về phía bạn, và Ngài không thể bị đánh bại. Vậy hãy tiến tới và có một sự cổ động cá nhân – hãy phấn khởi về chiến thắng mà Chúa đem đến cho cuộc đời bạn.
Hy Vọng Được Tìm Thấy Trong Ngợi Khen
2Sử Ký chương 20 kể câu chuyện về một đạo quân đông đảo chống lại vua Giê-hô-sa-phát và quân đội Giu-đa. Dân chúng sợ hãi và họ biết quân địch đông hơn (xem 2Sử Ký 20:15). Bạn có bao giờ cảm thấy như thế chưa, hoặc hiện tại bạn đang cảm thấy như thế? Bạn có cảm thấy nan đề quá lớn nên bạn dễ dàng thất bại không?
Vua Giê-hô-sa-phát được thông báo rằng cuộc chiến không phải của ông mà là của Chúa. Được trang bị bằng một lời từ Chúa, vua Giê-hô-sa-phát chuẩn bị một quân đội cho cuộc chiến. Nhưng ông đã làm một việc rất khác cho cuộc chiến này. Thay vì xếp các chiến binh dũng mãnh nhất lên phía trước chiến tuyến như mọi người mong đợi ông làm, thì vua Giê-hô-sa-phát lại dành vị trí đó cho những người thờ phượng, 2Sử Ký 20:21 nói:
…Sau đó ông chọn các nam ca sỹ cho Chúa để ca ngợi Ngài vì Ngài là Đấng Thánh Khiết và uy nghiêm. Khi họ đi diễu hành trước quân đội thì họ kêu lên, “Cảm tạ Chúa, vì tình yêu Ngài còn đến đời đời.”
Vua Giê-hô-sa-phát bắt đầu cuộc chiến bằng lời ngợi khen. Thật là một bức tranh tuyệt vời – cả quân đội diễu hành vì cuộc chiến dưới ngọn cờ ngợi khen.
Kinh Thánh nói trong câu 22 rằng “Khi họ bắt đầu ngợi khen Chúa,” Chúa làm cho quân đội kẻ thù rối loạn. Thay vì đánh chống lại Giu-đa, những người này lại quay sang giết hại lẫn nhau trong sự hỗn loạn. Vừa lúc vua Giê- hô-sa-phát và đạo quân của ông tới và chứng kiến cảnh đó, thì kẻ thù đã hoàn toàn bị tiêu diệt. Chúa đã đánh thắng cuộc chiến như Ngài đã hứa.
Tôi tin ma quỷ sẽ rối loạn khi chúng ta ngợi khen Chúa giữa những lúc lẽ ra chúng ta sợ hãi và than phiền. Ngợi khen và cảm tạ sẽ đánh bại ma quỷ.
Ngợi khen là một vũ khí quyền năng. Nó tuyên bố rằng bạn tin cậy Chúa và hoàn toàn lệ thuộc nơi Ngài. Đừng chờ cho hoàn cảnh thay đổi trước khi bạn nói ra những lời hy vọng. Tôi sẽ nói đơn giản thế này: Dù chuyện gì đang xảy ra trong cuộc đời bạn ngay bây giờ, đừng để bệnh tật hay nan đề hay mất mác, hay sợ rắc rối đe dọa ngăn trở bạn không ca ngợi Chúa. Hãy chọn kỹ những lời nói của bạn, hãy mở miệng và dạn dĩ công bố rằng Chúa là thành tín và bạn mong đợi điều tốt đẹp xảy ra trong đời bạn.
Rô-ma 4:20 nói ông Áp-ra-ham “vững tin hơn và ca ngợi Thượng Đế.” Điều tương tự xảy ra trong cuộc đời bạn khi bạn nói những lời ca ngợi – bạn sẽ tăng trưởng mạnh mẽ và được thêm sức bởi đức tin để chiến thắng mọi trở ngại mà bạn đang đối diện. Hãy đặt sự ca ngợi ở chiến tuyến đầu trong đời bạn!
Nói Thế Này, Đừng Nói Thế Kia
Khi người ta đầy hy vọng, họ mong đợi điều tốt đẹp xảy ra cho họ, và bạn biết được điều đó qua những lời họ nói ra. Họ tin quyết rằng những điều tốt đẹp sẽ xảy ra trong hoàn cảnh của họ, họ phấn khởi rằng sự thay đổi sắp xảy ra, họ mong đợi sự đột phá – cho nên họ thích nói về những điều đó. Những người hy vọng thì lạc quan và yêu đời. Thật vui khi gần họ. Hy vọng có thể lây lan! Nó là món quà quí giá chúng ta có thể ban cho bất cứ ai. Tại sao không xem mình là người phân phát hy vọng? Nó là món quà mà xã hội chúng ta rất cần ngày nay. Tôi đặc biệt đồng cảm cho các bạn thanh thiếu niên ngày nay. Họ rất cần sự khích lệ.
Thế gian, trường học và giảng đường thường chuyển tải thông điệp rằng Chúa là nhân vật huyền thoại hay quá lắm là một nhân vật không cần phải xem xét hay bàn luận. Thế gian dường như đang cố gắng cho Thượng Đế vào góc, như thể Ngài là một sự xấu hổ. Khi còn trẻ, tôi nhớ người ta nói công khai về Chúa trong mọi lĩnh vực xã hội. Ngài là một phần trong cuộc nói chuyện hàng ngày. Chúng ta thấy mười điều răn được treo trên các bức tường phòng học, và cầu nguyện nơi công cộng là chuyện phổ biến. Cha mẹ tôi không phải là người tin kính, nhưng tôi vẫn nghe về Chúa tại trường học và từ những người hàng xóm. Thanh niên ngày nay không có lợi thế đó, và rất dễ để họ tuyệt vọng.
Nhiều bậc phụ huynh bận rộn kiếm sống và có rất ít hay không có thời gian với con cái. Áp lực trong gia đình thường xui khiến cha mẹ nạt nộ, rầy la con cái ở tuổi vị thành niên về quần áo của chúng, cách chúng để kiểu tóc, cách chọn bạn bè, điểm số, việc vặt chưa làm xong, và vô số những điều khác. Tôi hoàn toàn tin rằng phụ huynh cần sửa trị con cái, nhưng nếu con cái có nhiều hy vọng hơn, thì chúng sẽ không cần nhiều sự sửa dạy. Nếu chúng không có hy vọng thì mỗi ngày, chúng đi học cảm thấy vô vọng trước khi chúng đối diện với thế gian, là điều chắc chắn làm cho tình trạng của chúng càng tuyệt vọng hơn.
Hãy nói những lời khích lệ, lời nâng đỡ và đầy hy vọng cho mọi người và đặc biệt là cho giới trẻ ngày nay.
Hãy quyết định bạn sẽ là người có nhiều lời hy vọng. Hãy quyết định là bạn sẽ có ảnh hưởng tích cực ở đời này. Hãy là người mà nhiều người khác muốn gần gũi. Hãy sống cuộc đời với niềm tin và hy vọng rằng điều tốt đẹp sẽ xảy ra hôm nay.
Hãy Thắp Sáng Hy Vọng!
Những gì bạn nói hôm nay về lâu về dài sẽ quyết định cuộc sống bạn sẽ sống trong tương lai. Đừng cho phép áp lực thế gian và lời dối trá của kẻ thù làm bạn nản chí, khiến bạn chỉ thấy toàn những điều tiêu cực ở đời. Hãy ngửa trông Lời Chúa, đứng trên lời hứa của Chúa, và nói ra sự sống cho hoàn cảnh của bạn.
Mỗi lời bạn nói sẽ ảnh hưởng bạn, vậy hãy chọn nói những lời lành mạnh, những lời sự sống. Hãy để những lời này dọn đường khi bạn trải qua mỗi hoàn cảnh khó khăn. Thay vì nói về các nan đề, hãy bắt đầu nói về những lời hứa của Chúa, và hãy để những lời công bố hy vọng đó khơi dậy đức tin của bạn.
Hãy tiến tới và thắp sáng hy vọng của bạn hôm nay. Dù bạn cảm thấy yếu đuối hay hoàn cảnh có vẻ bất năng, dù bạn cảm thấy cuộc chiến không chắc chắn và sợ hãi, hãy đặt sự ca ngợi ở chiến tuyến đầu. Khi bạn làm thế, bạn sẽ thấy Chúa đánh trận cho bạn – bạn sẽ không đời nào thua được.