CHƯƠNG HAI MƯƠI: NHỮNG ĐIỀU KIỆN CẦN CÓ NƠI UY QUYỀN ĐẠI DIỆN

Uy Quyền và Thuần Phục

Đăng vào: 11 tháng trước

.

CHƯƠNG HAI MƯƠI: NHỮNG ĐIỀU KIỆN CẦN CÓ NƠI UY QUYỀN ĐẠI DIỆN

Kinh Thánh: Êph. 5:22, 25, 28, 33; 6:1, 4, 9; Thi. 82:1-2; 1 Tim. 4:12; 3:4-6; Tít 2:15; 1:6-8; 1 Phi 1:21

Đức Chúa Trời đã chỉ định uy quyền tại nhiều nơi. Trong gia đình có người chồng, bậc cha mẹ và người chủ. Trên chúng ta có những người cai trị và các viên chức. Trong hội thánh thì có các trưởng lão và đồng công. Mỗi uy quyền đại diện đều có những điều kiện riêng. Hôm nay, chúng ta sẽ xem xét những điều kiện cần có nơi những uy quyền đại diện khác nhau ấy.

NHỮNG ĐIỀU KIỆN CẦN CÓ NƠI CÁC UY QUYỀN ĐẠI DIỆN KHÁC NHAU

Liên Quan Đến Người Chồng

Kinh Thánh dạy người vợ thuận phục chồng và người chồng thì thi hành uy quyền. Tuy nhiên, có những đòi hỏi mà người chồng phải thỏa đáp. Ê-phê-sô chương 5 nhắc đến ba lần rằng chồng phải yêu thương vợ. Chồng phải yêu thương vợ mình như chính mình. Tuy có uy quyền trong gia đình, nhưng những người có quyền cần phải thỏa đáp những đòi hỏi của Đức Chúa Trời. Điều kiện cần có nơi một người chồng với tư cách là uy quyền đại diện là yêu thương vợ mình. Có một khuôn mẫu cho tình yêu thương của người chồng dành cho vợ, đó là tình yêu thương của Đấng Christ dành cho hội thánh. Đấng Christ yêu thương hội thánh thế nào thì người chồng cần phải yêu thương vợ mình thế ấy. Tình yêu thương của người chồng đối với vợ mình cần phải tương xứng với tình yêu thương của Đấng Christ đối với hội thánh. Để duy trì uy quyền của mình trong việc đại diện cho Đức Chúa Trời, người chồng phải yêu thương vợ mình.

Liên Quan Đến Các Bậc Cha Mẹ

Con cái cần phải vâng phục cha mẹ. Nhưng là một uy quyền đại diện, cha mẹ cũng có trách nhiệm và những điều kiện cần đáp ứng. Kinh Thánh nói rằng cha mẹ không được chọc giận con cái. Tuy cha mẹ có uy quyền trên con cái, nhưng họ phải học tập tự kiềm chế mình trước mặt Đức Chúa Trời. Họ không thể nói rằng vì những đứa con ấy được họ sinh ra và nuôi nấng nên họ có thể cư xử với chúng tùy ý mình. Đức Chúa Trời đã tạo dựng chúng ta, nhưng không cư xử với chúng ta tùy ý Ngài. Ngài ban cho mọi người một ý chí tự do. Vậy, cha mẹ không nên chọc giận con cái mình. Một số người không dám làm nhiều điều trước mặt các bạn bè, học sinh, người cấp dưới hay bà con của mình, nhưng họ sẵn sàng làm những điều ấy trước mặt con cái mình mà không do dự gì cả. Điều đó thật sai trật. Điều trọng yếu nhất cha mẹ cần thực hiện là tự kiềm chế bản thân. Họ phải tự kiềm chế mình nhờ Thánh Linh. Cha mẹ chỉ có thể đối xử với con cái của mình đến một mức độ nào đó. Uy quyền của họ trên con cái là chỉ vì mục đích giáo dục chúng. Họ phải cảnh cáo và nuôi nấng con cái bằng sự dạy dỗ của Chúa. Ở đây không phải mục đích là thống trị và trừng phạt. Lòng của bậc cha mẹ cần phải vì giáo dục chứ không vì sự trừng phạt.

Liên Quan Đến Những Người Làm Chủ

Các đầy tớ cần phải vâng phục chủ mình. Nhưng cũng có những đòi hỏi cho người làm chủ. Một người chủ không nên hăm dọa đầy tớ mình. Họ không nên đe dọa hay nổi giận cùng chúng. Đức Chúa Trời không cho phép một uy quyền cư xử cách thiếu kiểm chế. Một uy quyền phải kính sợ Đức Chúa Trời. Cả tớ lẫn chủ đều có cùng một Chủ ở trên trời. Một người chủ phải ghi nhớ rằng chính mình cũng ở dưới uy quyền. Tuy những người khác có thể ở dưới người ấy, nhưng người ấy cũng ở dưới uy quyền, thậm chí là uy quyền của Đức Chúa Trời. Đó là lý do tại sao người ấy không thể khinh suất. Một người càng biết uy quyền thì càng ít hăm dọa hay dọa nạt. Chúng ta phải học tập để trở nên khiêm hòa và yêu thương, luôn luôn có một tấm lòng muốn làm cho người khác hoàn hảo. Đó là một thái độ cần thiết để một người trở nên một [người có] uy quyền. Nếu một [người có] uy quyền chỉ biết đe dọa và đoán xét người khác thì sớm muộn gì người ấy cũng sẽ đến dưới sự phán xét của Đức Chúa Trời. Vì vậy, người chủ phải học tập bước đi trong sợ hãi và run rẩy trước mặt Đức Chúa Trời.

Liên Quan Đến Những Người Cai Trị

Chúng ta cần phải thuận phục uy quyền của những người cai trị và các viên chức ở trên mình. Chúng ta không thể tìm thấy trong Tân Ước một lời dạy dỗ nào liên quan đến cách làm một người cai trị. Đức Chúa Trời giao cho những người vô tín trách nhiệm lo cho thế gian. Ngài không giao công việc ấy cho các Cơ Đốc nhân. Trong Tân Ước, Đức Chúa Trời không bày tỏ là các Cơ Đốc nhân nên làm những người cai trị trong thế gian. Nhưng trong Cựu Ước có những trường hợp người ta phục vụ với tư cách là các công chức (Thi. 82). Về những người có địa vị và thế lực, Đức Chúa Trời đòi hỏi sự công chính, chính trực, công bằng và thương xót đối với người nghèo. Đó là nguyên tắc thích đáng cho những người thi hành uy quyền trong một chức vụ công cộng. Một người có quyền trên người khác không nên cố giữ gìn chỗ đứng của mình; thay vào đó, người ấy cần phải hết sức cố gắng giữ gìn sự công chính.

Liên Quan Đến Các Trưởng Lão

Các trưởng lão là uy quyền tại hội thánh địa phương. Tất cả anh em đều phải thuận phục các trưởng lão. Tít chương 1 đề cập đến những điều kiện cơ bản của một trưởng lão, đó là tiết chế và thuận phục. Một người bất pháp không bao giờ có thể thi hành luật pháp, và một người nổi loạn không bao giờ làm cho những người khác thuận phục. Một trưởng lão phải tập tiết chế cách nghiêm ngặt. Một nhược điểm chung giữa vòng nhiều người là thiếu kỷ luật. Vậy, trong việc chỉ định các trưởng lão, chúng ta phải chọn những người đặc biệt luyện tập tính tự kiềm chế. Đức Chúa Trời chỉ định các trưởng lão để quản lý hội thánh. Vậy nên, họ phải thuận phục và phải luyện tập tính tự kiềm chế. Họ phải kiên quyết làm gương cho mọi người trong mọi sự. Đức Chúa Trời không bao giờ chỉ định một người ham thích đứng đầu giữa những người khác (như Đi-ô-trép) làm một trưởng lão. Các trưởng lão là uy quyền đại diện cao nhất tại hội thánh địa phương. Do đó, họ phải là những người có tính tự kiềm chế.

1 Ti-mô-thê 3:4-5 nói đến một điều kiện cơ bản khác để làm một trưởng lão, đó là người ấy phải có khả năng quản lý nhà mình. Quản lý nhà mình không chỉ về việc quản lý cha mẹ hay vợ mình, nhưng chính yếu chỉ về việc quản lý con cái. Một trưởng lão phải dạy dỗ con cái mình bước đi một cách nghiêm túc và vâng phục trong mọi sự. Một người trước hết phải là người cha tốt rồi mới có thể làm một trưởng lão. Người ấy trước hết phải làm một uy quyền tại nhà rồi mới có thể làm một trưởng lão tại hội thánh.

Trưởng lão không được kiêu căng. Nếu một người kiêu ngạo ngay khi đảm nhận uy quyền thì người ấy không đủ tư cách làm một trưởng lão. Trưởng lão tại một hội thánh địa phương cần phải cảm thấy như thể mình không có uy quyền gì cả. Nếu một trưởng lão luôn luôn ý thức về uy quyền của mình thì người ấy không đủ tư cách làm một uy quyền hay quản lý các công việc của hội thánh. Chỉ kẻ ngu dại và hẹp hòi mới kiêu ngạo. Những người như vậy không thể chịu nổi sự cám dỗ của vinh quang Đức Chúa Trời, và không thể gánh vác nhiệm vụ và phận sự Đức Chúa Trời [giao phó]. Một khi những người như vậy được phó thác cho điều gì thì họ liền rơi vào cạm bẫy. Đó là lý do tại sao một người vừa được cứu không thể làm giám mục (1 Tim. 3:6 – trong tiếng Hi-lạp, chữ này có nghĩa là một người mới vào nghề. Ví dụ, giữa vòng những người thợ mộc có thợ cả là những người đã hành nghề hàng chục năm, và có những người mới vào nghề chỉ mới tập cầm búa.), kẻo người ấy mù quáng vì kiêu ngạo mà rơi vào sự phán xét mà ma quỉ đã phải chịu.

Liên Quan Đến Những Công Tác Viên Của Chúa

Tít 2:15 mô tả những điều kiện mà một uy quyền đại diện trong công tác của Chúa [phải có]. Tít không phải là một trưởng lão trong hội thánh, mà là một công tác viên của Chúa, phục vụ trong khả năng của một sứ đồ. Phao-lô truyền cho Tít hãy khuyên bảo người ta. Không những ông cần phải giảng nơi công chúng mà cũng khuyên bảo từng người. Ông cần phải thuyết phục người ta bằng tất cả uy quyền. Đồng thời, ông không được để người khác khinh thường mình trong lời nói và hành động. Muốn những người khác không khinh thường mình, chúng ta phải tự biệt mình ra thánh. Nếu chúng ta cũng giống như những người khác trong nhiều điều, và nếu chúng ta phóng túng, khinh suất và không kiểm chế trong nếp sống hằng ngày của mình, thì những người khác sẽ khinh thường chúng ta. Chúng ta đừng đam mê bất cứ điều gì. Chỉ khi ấy những người khác mới kính nể và tôn trọng chúng ta là một uy quyền và là một người đại diện cho Đức Chúa Trời. Đó là những gì Phao-lô nói với Ti-mô-thê (1 Tim. 4:12). Mặc dầu một công tác viên [Cơ Đốc] không nên theo đuổi vinh quang và danh dự con người, nhưng người ấy cũng đừng để bị khinh thường đến mức độ làm mất đi tình trạng biệt ra thánh của mình.

Trong toàn bộ Tân Ước, Phao-lô chỉ viết hai sách nhắm vào các người đồng công trẻ. Hai sách ấy là Ti-mô-thê thứ nhất và Tít. Trong hai sách ấy, Phao-lô thường nói rằng một công tác viên không nên để mất phẩm cách mà cần phải làm gương trong mọi sự. Bất cứ điều gì gây cho người khác khinh thường mình thì cần phải tránh; người ấy cần phải từ bỏ những điều như vậy. Làm một uy quyền thì phải trả một giá. Người ấy phải tự biệt riêng mình khỏi những người khác. Người ấy phải có khả năng sống một mình. Một gương mẫu thì phải khác với những người khác; người ấy phải tự biệt mình ra thánh. Nếu cũng giống như những người khác thì người ấy không còn là gương mẫu nữa. Chúng ta không nên tự cao, nhưng đồng thời cũng không nên làm cho người khác khinh thường mình. Chúng ta cần phải luôn luôn tự biệt mình ra thánh và đừng đùa cợt cách khinh suất. Chúng ta phải học tập tự biệt riêng mình ra trong Chúa. Một công tác viên không nên kiêu ngạo, nhưng cũng không nên làm cho người khác có lý do khinh thường mình. Một khi trở nên quá tầm thường, một công tác viên liền bị loại khỏi công tác của mình. Một khi trở nên quá tầm thường thì người ấy không còn hữu dụng nữa, và bị mất đi uy quyền.

Một công tác viên cũng phải gìn giữ tư thế của mình và duy trì uy quyền của Đức Chúa Trời. Uy quyền tự biểu lộ trong sự biệt riêng và sự khác biệt. Điểm chính yếu của một uy quyền đại diện là người ấy đại diện cho Đức Chúa Trời, và làm một uy quyền thì hoàn toàn liên quan đến việc làm gương. Đó là một vấn đề nghiêm trọng. Một uy quyền đại diện là người “đại diện” uy quyền chứ không phải là người “vận dụng” uy quyền.

ĐỨC CHÚA TRỜI XỬ LÝ NHỮNG LỖI LẦM CỦA UY QUYỀN ĐẠI DIỆN THẾ NÀO

Dân Số Ký 30:13 cho chúng ta biết thế nào Đức Chúa Trời gìn giữ uy quyền đại diện được Ngài chỉ định. Câu ấy nói rằng người chồng có thể làm vững chắc lời thề của vợ mình, hay hủy bỏ lời thề ấy. Một mặt, Đức Chúa Trời truyền người vợ phải thuận phục chồng. Mặt khác, Ngài gìn giữ uy quyền của người chồng. Cho dầu người chồng hủy đi cả lời hứa nguyện lẫn lời thề của vợ, người vợ vẫn phải thuận phục, và nếu vợ không giữ lời thề ấy thì không kể là người vợ đã phạm tội. Nếu người chồng hủy lời thề của vợ thì chồng phải gánh lấy lỗi ấy của vợ. Chúng ta là những uy quyền đại diện có thể đề nghị một điều gì đó. Những người dưới chúng ta cần phải thuận phục uy quyền. Họ có thể sai trật, nhưng không kể là có tội. Tuy nhiên, chúng ta là những người đề nghị sẽ phải gánh lấy lỗi ấy của họ. Vì vậy, chúng ta đừng bao giờ đưa ra hay đề nghị một cách thiếu suy nghĩ, vì chúng ta sẽ phải gánh lấy hậu quả của lời đề nghị ấy. Điều nguy hiểm nhất là làm cố vấn cho hội thánh và đề nghị điều gì một cách quá khinh suất. Trong Kinh Thánh, chúng ta không tìm thấy một bức tranh nào rõ ràng hơn hình ảnh trong Dân Số Ký chương 30 mô tả việc đòi hỏi con người thuận phục uy quyền đại diện. Tại đó chúng ta nhìn thấy Đức Chúa Trời đòi hỏi con người thuận phục uy quyền đại diện cách vô điều kiện. Cũng vậy, không có một hình ảnh nào rõ ràng hơn cho thấy trách nhiệm nghiêm trọng mà một uy quyền gánh vác trước mặt Đức Chúa Trời như trong Dân Số Ký chương 30. Một uy quyền đại diện càng đưa ra nhiều đề nghị, thì người ấy càng tự gây cho mình nhiều phiền phức, và càng đem lại sự phán xét của Đức Chúa Trời [cho chính mình].

Chúng ta phải học tập đừng điều khiển cuộc sống của những người khác một cách quá tự tin. Chúng ta không nên bắt người khác thuận phục những ý kiến của mình. Chưa tin chắc thì chúng ta không nên chất gánh nặng của người khác lên mình. Chỉ một người đã được phá vỡ và mềm mại mới tránh khỏi lầm lỗi trước mặt Đức Chúa Trời. Một người cứng cỏi và đầy dẫy ý kiến sẽ gánh lấy nhiều sự quá phạm trước mặt Đức Chúa Trời. Nếp sống Thân Thể là nền tảng chỉ đạo trong hội thánh. Chúng ta phải sống trong nếp sống Thân Thể, để tương giao với Chúa, và tương giao với các anh chị em. Chúng ta không nên quyết định một mình, và đừng quá tự tin. Càng trình bày quyết định của mình với hội thánh và càng tương giao với các chi thể, thì chúng ta sẽ càng được bảo đảm. Chúng ta đừng bao giờ mang danh là Thân Thể trong khi đầy dẫy những hoạt động của xác thịt. Nếu làm vậy thì chúng ta sẽ không trông mong gì khác hơn là gánh lấy sự quá phạm của chính mình. Chúng ta cần phải chờ đợi trước mặt Chúa, hiểu ý chỉ của Ngài, và cởi mở với người khác. Chúng ta không nên nói ra nếu chưa được dạy dỗ, hay kể cho những người khác nhiều điều nếu chưa tận mắt trông thấy. Nếu làm vậy thì chúng ta sẽ chất chứa sự quá phạm cho chính mình. Một uy quyền đại diện phải nhu mì và khiêm nhường. Điều đó sẽ cứu người ấy khỏi rơi vào những nan đề rắc rối. Nếu không thì Đức Chúa Trời sẽ khiển trách người ấy vì người ấy gánh lấy sự quá phạm của những người khác. Đây là một vấn đề nghiêm túc.