CHƯƠNG MƯỜI BỐN: ĐẶC TÍNH UY QUYỀN ĐẠI DIỆN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI – NHÂN TỪ VỚI NGƯỜI KHÁC

Uy Quyền và Thuần Phục

Đăng vào: 12 tháng trước

.

CHƯƠNG MƯỜI BỐN: ĐẶC TÍNH UY QUYỀN ĐẠI DIỆN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI – NHÂN TỪ VỚI NGƯỜI KHÁC

Kinh Thánh: Dân Số Ký chương 16

MÔI-SE XỬ LÝ SỰ NỔI LOẠN THẾ NÀO

Không cuộc nổi loạn nào giữa vòng con dân Israel trầm trọng như cuộc nổi loạn được chép trong Dân Số Ký chương 16. Cô-rê thuộc chi phái Lê-vi cầm đầu, cấu kết với Đa-than và A-bi-ram thuộc chi phái Ru-bên. Ngoài ra, 250 người lãnh đạo của hội chúng liên kết với họ. Họ tự nhóm lại và nói những lời táo bạo chống đối Môi-se và A-rôn. Đó là một cuộc nổi loạn lớn. Việc nhạo báng trong Dân Số Ký chương 12 thu hẹp giữa vòng A-rôn và Mi-ri-am, và chỉ là một sự lằm bằm sau lưng. Nhưng cuộc nổi loạn trong chương mười sáu có tính cách tập thể, và trực tiếp chống lại Môi-se và A-rôn. Những kẻ nổi loạn nói: “Các ông đã đi quá xa!… Tại sao các ông tự tôn cao mình trên hội chúng của Đức Giê-hô-va?” (c. 3). Những lời buộc tội của họ thật nghiêm trọng và cay nghiệt. Chúng ta cần phải lưu ý đến (1) tâm trạng của Môi-se, tức là thái độ của ông, và (2) cách ông đối phó với tình cảnh, tức cách ông trả lời họ.

Phản Ứng Thứ Nhất – Sấp Mặt Xuống

Câu 4 nói rằng phản ứng đầu tiên của Môi-se là sấp mặt mình xuống. Đó là thái độ đúng đắn của đầy tớ Đức Chúa Trời. Tất cả những kẻ nổi loạn đều đứng lên khi họ phát biểu; chỉ có Môi-se là sấp mặt mình xuống. Ở đây chúng ta nhìn thấy một người từng chạm đến uy quyền. Ông thật sự khiêm hòa; ông không có cảm xúc riêng tư nào cả. Ông không tự biện minh hay tranh luận. Điều đầu tiên ông làm là sấp mặt mình xuống. Từ câu 5 đến câu 7, dường như ông nói rằng: “Đức Giê-hô-va sẽ cho biết ai thuộc về Ngài, ai thánh khiết, và Ngài sẽ chọn ai, và Ngài sẽ làm cho người ấy đến gần Ngài. Chúng ta không cần tranh luận. Vào buổi sáng, tất cả chúng ta sẽ biết. Tôi không dám tự biện hộ cho mình. Ngài sẽ cho chúng ta thấy ai thuộc về Ngài một cách rõ ràng. Nếu rốt cuộc hóa ra người ấy là anh em thì cũng tốt, mà nếu là tôi thì cũng tốt. Hãy để Đức Chúa Trời quyết định. Chúng ta không phải quyết định gì cả. Ngày mai, tất cả chúng ta đến trước mặt Chúa và được thử nghiệm bằng những lư hương. Hãy để Chúa quyết định người ấy là ai; chúng ta không phải tranh giành quyền hành. Đức Chúa Trời sẽ chọn người thuộc về Ngài. Chúng ta hãy đến với Đức Chúa Trời và mở ra [tiếp nhận] lời phán của Ngài”. Môi-se nói những lời này một cách khiêm hòa trong khi ông sấp mặt mình xuống. Tuy nhiên, một vài câu sau cùng thật mạnh mẽ và nghiêm trọng: “Hỡi con cháu Lê-vi, các ông đã đi quá xa rồi!” (c. 7). Đó là tiếng thở dài đau buồn của một vị lão thành biết Đức Chúa Trời. Dân Israel đi lang thang trong đồng vắng đã lâu, mà vẫn chưa vào xứ Ca-na-an. Môi-se vẫn hi vọng họ có thể bước vào xứ Ca-na-an; ông vẫn hi vọng mình có thể phục hồi họ.

Khuyên Bảo Và Phục Hồi

Từ câu 8 đến câu 11 là những lời Môi-se khuyên bảo Cô-rê; ông cố gắng phục hồi Cô-rê. Vì phải giải quyết lời tố cáo của họ nên ông phải đợi kết quả vào ngày hôm sau. Đồng thời, ông có ý thức về tính nghiêm trọng của vấn đề ấy, và lo ngại cho họ. Chỉ thở dài và lo ngại không cũng chưa đủ, ông cảm thấy mình phải khuyên bảo họ nữa. Dường như ông nói với Cô-rê rằng: “Các con trai của Lê-vi được Đức Chúa Trời chọn để phục vụ đền tạm của Đức Giê-hô-va không phải là một điều nhỏ nhoi. Các ngươi nên thỏa lòng với nhiệm vụ ấy. Tại sao các ngươi còn muốn làm thầy tế lễ? Khi làm như vậy, các ngươi không chống đối ta mà chống đối Chúa”. Môi-se là một người rộng lượng, và tin tưởng vào những gì ông làm. Ông nhận biết tính nghiêm trọng của vấn đề ấy, và lo ngại cho các con trai của Cô-rê. Đó là lý do tại sao ông khuyên bảo họ. Sự khuyên bảo của ông không phải là một dấu hiệu bày tỏ tính kiêu ngạo mà là lòng khiêm nhường. Người khác công kích ông và gây khó khăn cho ông. Nhưng bất kể họ có sai trật thế nào đi nữa, ông vẫn có thể khuyên bảo họ. Đó là một dấu hiệu cho thấy một người thật sự khiêm hòa. Nếu chúng ta để người khác tiếp tục trong lầm lỗi của họ thì điều đó có nghĩa là lòng của chúng ta đã bị chai cứng và chúng ta không có ý định phục hồi họ. Không chịu khuyên bảo là một dấu hiệu thiếu lòng khiêm nhường; điều ấy cho thấy đó là một người kiêu ngạo. Khi Môi-se bị khiển trách, ông quay lại khuyên bảo những người chống đối mình và công khai giải quyết với họ. Thậm chí ông cho họ một đêm để suy nghĩ về điều đó, hi vọng là họ sẽ ăn năn.

Đối phó với những kẻ nổi loạn, Môi-se giải quyết vấn đề với họ một cách riêng biệt. Trước hết, ông đối phó với Cô-rê thuộc chi phái Lê-vi, rồi đối phó với Đa-than và A-bi-ram. Trong câu 12, ông sai mời Đa-than và A-bi-ram đến, nhưng họ không chịu đến, điều này cho thấy họ muốn tách ra. Ở đây chúng ta nhận thấy thậm chí khi một uy quyền đại diện bị khước từ, người ấy không muốn những kẻ nổi loạn tách ra. Thay vào đó, ông cố phục hồi những kẻ hư mất. Đa-than và A-bi-ram nói: “Ông đã đem chúng tôi ra khỏi xứ đượm sữa và mật” (c. 13). Lời tuyên bố ấy đảo ngược sự thật; đó chính là điều trái ngược với sự thật. Họ quên rằng mình đã làm gạch tại Ai Cập. Không có sữa và mật; thậm chí không có rơm để làm gạch. Điều này cũng như mang một thanh niên đến với Chúa, rồi người ấy quay lại tố cáo anh em đã đem họ vào địa ngục. Điều này cũng giống như mười thám tử rõ ràng nhìn thấy sự trù phú của xứ Ca-na-an nhưng không chịu vào, mà thay vào đó, lại lằm bằm chống đối Môi-se. Khi sự nổi loạn của Đa-than và A-bi-ram lên đến cực điểm, thì không còn làm gì được nữa ngoại trừ phải phán xét. Môi-se hết sức cố gắng phục hồi họ, nhưng họ tuyên bố hai lần rằng họ sẽ không đi lên. Sau những sự kiện ấy, Môi-se không còn hi vọng nữa, ông nổi giận, và đến với Đức Giê-hô-va để giải quyết vấn đề (c. 15). Sau đó, ông nói với Cô-rê: “Ngày mai ngươi và toàn thể phe nhóm ngươi với A-rôn hãy ra mắt Đức Giê-hô-va. Mỗi người hãy lấy lư hương mình bỏ hương ở trong, rồi mỗi người dâng lư hương mình trước mặt Đức Giê-hô-va, tức là hai trăm năm mươi cái lư hương. Ngươi và A-rôn, mỗi người cũng phải có lư hương mình” (cc. 16-17). Sau đó, bè đảng của Cô-rê đến trước lều nhóm họp, lại nhạo báng Môi-se và A-rôn. Lúc ấy, vinh quang của Đức Giê-hô-va xuất hiện cho cả hội chúng.

Đức Chúa Trời bước ra để phán xét. Cô-rê là người chủ mưu, và hội chúng đi theo hắn. Đức Chúa Trời chuẩn bị tiêu diệt không những người chủ mưu mà toàn thể hội chúng nữa (c. 21). Nhưng Môi-se lại sấp mình trước mặt Chúa. Lần thứ nhất, Môi-se sấp mặt mình xuống trước các anh em của mình. Lần thứ hai thì ông sấp mình trước mặt Chúa. Ông cầu nguyện cho toàn thể hội chúng và cầu thay cho sự an toàn của họ. Đức Chúa Trời nhậm lời cầu nguyện của ông và truyền hội chúng tránh khỏi lều của những kẻ gian tà (cc. 22-24). Môi-se đứng lên, tiến đến Đa-than và A-bi-ram. (Họ thuộc về chi phái Ru-bên và sống ở một nơi tách biệt). Vì họ không đến với Môi-se nên ông đến nơi họ. Ông truyền hội chúng tránh khỏi họ, và Đức Chúa Trời thi hành sự phán xét của Ngài trên Cô-rê, Đa-than và A-bi-ram (cc. 25-33).

Không Có Một Linh Xét Đoán

Trong khi Đức Chúa Trời sắp thi hành sự phán xét của Ngài thì Môi-se nói: “Nhờ điều này các ngươi sẽ biết Đức Giê-hô-va đã sai ta làm những việc này, và đó không ra từ tâm trí của ta” (c. 28). Môi-se là một người khiêm hòa. Ông giải thích tại sao ông phải làm như vậy. Ấy là Đức Chúa Trời truyền ông làm điều đó. Theo cảm giác riêng của bản thân thì ông không đoán phạt người nào nổi loạn chống lại ông cả. Ông làm điều đó vì Đức Chúa Trời muốn vậy. Môi-se tiếp tục chứng tỏ mình là đầy tớ của Đức Chúa Trời. Ông không nói họ đã xúc phạm đến ông, mà chỉ nói họ đã xúc phạm đến Chúa. Chúng ta phải học tập chạm đến linh của một người như vậy. Trong Môi-se tuyệt nhiên không có cảm giác đoán xét nào cả. Ông là một đầy tớ của Đức Chúa Trời, và chỉ muốn vâng phục Đức Chúa Trời. Ông không có cảm xúc riêng tư nào cả. Cảm xúc duy nhất ông có là hội chúng đã xúc phạm đến Đức Chúa Trời, tức Đấng đã sai ông đến. Sau đó, ông nói với họ rằng Đức Chúa Trời đã sai ông đến và sẽ có bằng cớ để chứng minh điều này. Chúng ta phải nhận thức rằng ở đây, Môi-se không thể thất bại. Giả như Môi-se thất bại thì cuộc ra đi của dân Israel khỏi Ai Cập đã là một sự thất bại. Môi-se được Đức Chúa Trời sai đến để dẫn dắt dân Israel ra khỏi Ai Cập, cũng như Đấng Christ được Đức Chúa Trời sai đến để truyền sự sống đời đời cho loài người. Đức Chúa Trời phải củng cố Môi-se. Kết quả sự phán xét của Ngài là ba gia đình bị tiêu diệt và 250 người lãnh đạo bị lửa thiêu hủy. Đức Chúa Trời thi hành một cuộc phán xét trên một bình diện rộng lớn để củng cố uy quyền đại diện của Ngài. Con đường của những kẻ nổi loạn là con đường xuống Ha-đét; sự nổi loạn và sự chết liên hệ mật thiết với nhau. Uy quyền được Đức Chúa Trời thiết lập, và khi một người xúc phạm đến uy quyền của Đức Chúa Trời, thì người ấy xem thường Đức Chúa Trời. Ở đây chúng ta thấy thế nào Môi-se đã hành động với tư cách là uy quyền đại diện. Ông không đưa ra lời tuyên án riêng của mình hay nêu lên đề nghị riêng của mình, và không có linh đoán xét ở trong ông.

Cầu Thay Và Vãn Hồi

Khi tất cả dân Israel nhìn thấy mặt đất mở miệng ra, họ sợ hãi và bỏ chạy (c. 34). Nhưng họ chỉ sợ sự phán xét mà không sợ Đức Chúa Trời. Họ vẫn chưa biết Môi-se, và lòng họ chưa xoay chuyển. Vì vậy, sự sợ hãi của họ không mang lại ích lợi gì cho họ. Họ suy nghĩ kỹ qua một đêm, rồi hôm sau họ lại nổi loạn. Cả hội chúng của các con trai Israel lằm bằm chống lại Môi-se và A-rôn, họ nói: “Hai ông đã làm chết dân của Đức Giê-hô-va” (c. 41). Sự thật là nếu một người chưa chạm đến ân điển của Đức Chúa Trời thì đừng hi vọng có sự thay đổi gì trong người ấy. Đức Chúa Trời muốn bước ra và lập tức tiêu diệt toàn thể hội chúng. Ở đây chúng ta nhìn thấy một uy quyền đại diện nên phản ứng thế nào trước sự chống đối. Thật sự Môi-se có thể rất tức giận trước sự công kích của toàn thể hội chúng Israel. Đó là hành động của Đức Chúa Trời. Tại sao dân Israel lại trách ông? Họ không chạm trán với Đức Chúa Trời mà quay lại đối xử với uy quyền đại diện một cách gay gắt. Các câu từ 42 đến 45 cho chúng ta biết rằng phản ứng của Đức Chúa Trời nhanh hơn so với phản ứng của Môi-se hay A-rôn. Vinh quang của Chúa thình lình hiện ra, và một đám mây bao phủ trên lều nhóm họp. Đức Chúa Trời sắp sửa phán xét toàn thể hội chúng. Ngài bảo Môi-se và A-rôn đứng lên từ giữa hội chúng. Dường như lệnh ấy nói với Môi-se và A-rôn rằng: “Lời cầu nguyện hôm qua của các ngươi là sai trật, nhưng Ta nhậm lời cầu nguyện ấy. Hôm nay Ta sắp sửa tiêu diệt toàn thể hội chúng. Các ngươi muốn nói gì?” Đức Chúa Trời không bao giờ sai trật, mà đầy dẫy lòng thương xót. Ngài nhậm lời cầu nguyện ngày hôm trước. Nhưng ngày hôm nay, Ngài không chịu được sự nổi loạn của họ nữa.

Do đó, Môi-se và A-rôn sấp mặt mình xuống lần thứ ba. Cảm nhận thuộc linh của Môi-se thật nhạy bén. Ông biết rằng lần này chỉ cầu nguyện thôi sẽ không giải quyết được nan đề. Tội vào ngày hôm trước còn có phần nào ẩn giấu, nhưng tội ngày hôm này thì rõ ràng là tội công khai. Ông bảo A-rôn hãy lập tức đến với ông, và ông cầm lư hương của A-rôn đến với hội chúng để làm lễ vãn hồi cho họ (cc. 45-47). Môi-se thật sự có đủ tư cách làm uy quyền đại diện. Ông biết kết cuộc bi thảm mà dân Israel sẽ gặp phải, và ông nhận thức rằng sự mất mát của họ sẽ là sự mất mát của Đức Chúa Trời. Ông khẩn nài ân điển tha thứ của Đức Chúa Trời; lòng của ông tràn đầy sự trắc ẩn và thương xót. Đó là tấm lòng của một người biết Đức Chúa Trời. Môi-se không phải là một thầy tế lễ; ông không thể dâng lên sinh tế nào cả. Nhưng ông biết rằng tình cảnh thật nguy kịch và không còn thời giờ để nài xin Đức Chúa Trời. Ông truyền A-rôn dâng lên một sinh tế và lập tức làm lễ vãn hồi cho dân chúng. Đó là sự cầu thay cùng với lễ vãn hồi. Khi ấy bệnh dịch đã khởi phát. A-rôn chạy vào giữa hội chúng, đứng giữa kẻ chết và người sống, và bệnh dịch được chặn lại. Mười bốn ngàn bảy trăm người chết vì bệnh dịch (cc. 48-49). Giả như Môi-se và A-rôn phản ứng chậm hơn thì sẽ còn nhiều người bị chết.

Ở đây chúng ta thấy Môi-se là loại người ra sao và hành động với tư cách là uy quyền đại diện của Đức Chúa Trời thể nào. Ý định của ông là [tìm cách] vãn hồi. Lòng [muốn] vãn hồi của ông cũng rộng lượng như lòng [muốn] vãn hồi của Chúa vậy. Lòng của Môi-se là để vãn hồi và tha thứ. Ông không lấy sự đoán xét làm vui. Loại người có thể phục vụ với tư cách uy quyền đại diện là người một mặt đại diện cho Đức Chúa Trời và mặt khác quan tâm và gánh vác con cái Đức Chúa Trời trên vai mình. Uy quyền đại diện của Đức Chúa Trời phải quan tâm đến dân của Đức Chúa Trời. Người ấy không những phải gánh vác những người vâng phục trên vai mình mà còn phải gánh vác những kẻ nổi loạn. Nếu người ấy chỉ quan tâm đến chính mình, để tâm đến cách người khác cư xử với mình, và nếu liên tục than phiền rằng mình không thể chịu nổi người này hay người kia, thì người ấy không đủ tư cách làm uy quyền đại diện. Khi Đức Chúa Trời tìm kiếm uy quyền đại diện, Ngài không những xét xem sự vâng phục của cá nhân người ấy đối với Ngài mà còn xét xem phản ứng của người ấy đối với sự chống đối của người khác trong khi người ấy phục vụ với tư cách là một uy quyền đại diện. Phản ứng của một người đối với sự nổi loạn và chống đối của người khác sẽ phơi bày người ấy là loại người nào. Nhiều người chỉ quan tâm đến thể diện của mình. Họ rất lưu tâm đến những sự chỉ trích, lời nói, sự hiểu lầm và sự chống đối. Tâm trí của họ đầy ắp chính họ. Họ tự xem mình là người quan trọng nhất. Những người như vậy không bao giờ có thể làm uy quyền đại diện của Đức Chúa Trời.

ĐẶC TÍNH CỦA UY QUYỀN ĐẠI DIỆN – ĐẦY ÂN ĐIỂN ĐỐI VỚI NGƯỜI KHÁC

Lần này, khi bắt tay vào công tác của mình, anh em phải học hỏi [gương] Môi-se. Ông trung tín trong cả nhà Đức Chúa Trời. Ông không trung tín đối với chính mình. Nếu ông để nhà Đức Chúa Trời chịu thiệt thòi, xác thịt của ông có thể hưởng thụ được phần nào thoải mái và dễ chịu. Nhưng nếu làm như vậy thì ông không trung tín. Chúng ta có thể bị khước từ và xem thường. Chúng ta vẫn phải gánh vác công việc của con cái Đức Chúa Trời trên vai mình, và chúng ta đừng để nhà Đức Chúa Trời chịu thiệt thòi. Ở đây chúng ta nhìn thấy một bức tranh đẹp đẽ thể nào Môi-se trung tín trong cả nhà Đức Chúa Trời. Trong khi A-rôn dâng sinh tế cho con dân Israel, Môi-se sấp mình xuống cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Ông không biết Đức Chúa Trời sẽ làm gì. Ông để A-rôn dâng sinh tế và làm lễ vãn hồi cho dân Israel. Mặc dầu dân chúng nổi loạn chống lại Môi-se, ông quay lại gánh vác những tội lỗi của họ trên vai mình. Ông mang lấy cảnh ngộ của họ. Trong khi họ chống đối và khước từ ông, thì ông cầu thay cho họ. Môi-se là bên bị xúc phạm, nhưng lại là người nài xin sự tha thứ. Ông bị nhạo báng, nhưng lại là người cầu thay trước mặt Đức Chúa Trời. Ở đây chúng ta thấy loại người có thể làm uy quyền đại diện của Đức Chúa Trời. Người làm uy quyền đại diện không được hành động theo cảm xúc riêng, và không được quan tâm đến chính mình hay tự cho mình là trung tâm.

Nếu muốn làm uy quyền đại diện của Đức Chúa Trời, chúng ta phải học tập gánh vác tất cả con cái của Đức Chúa Trời trên vai mình. Nguyện Chúa làm cho chúng ta trở nên những người đầy ân điển, những người có thể khoan dung đối với mọi con cái Đức Chúa Trời và có thể gánh vác con cái Ngài trên vai mình. Nếu chỉ quan tâm đến cảm giác riêng của mình, chúng ta sẽ không có khả năng gánh vác những gánh nặng của con cái Đức Chúa Trời. Chúng ta phải xưng nhận những tội lỗi của mình. Chúng ta quá hẹp hòi và khắc nghiệt, chứ không như Môi-se. Đức Chúa Trời có ân điển trong chính Ngài, nhưng không muốn trực tiếp ban phát ân điển. Ngài muốn các đầy tớ Ngài tìm kiếm ân điển của Ngài ở bên trong khi họ thi hành sự công chính của Ngài ở bên ngoài. Công tác của Đức Chúa Trời thì công chính ở bên ngoài, nhưng lòng của Ngài thì đầy dẫy ân điển. Ngài muốn tất cả những đầy tớ Ngài, tức những người làm uy quyền đại diện của Ngài, cũng có tấm lòng của Ngài và đầy dẫy ân điển. Đức Chúa Trời muốn chúng ta đầy ân điển đối với người khác. Chúng ta cần phải cầu xin thêm ân điển ở bên trong. Điều đó làm vui lòng Đức Chúa Trời. Tại sao quá nhiều người có đầu óc hẹp hòi và ích kỷ? Nhiều người hoàn toàn không thể chịu được bất cứ sự xúc phạm nào. Nhưng nếu Đức Chúa Trời có thể chịu được những sự xúc phạm thì chúng ta cũng cần phải chịu được những sự xúc phạm.

Nếu chúng ta thật sự mang gánh nặng của hội thánh và con cái Đức Chúa Trời, và nếu chúng ta học tập sấp mình trước mặt Chúa, thì ngày nay Đức Chúa Trời sẽ tìm ra uy quyền đại diện của Ngài trên đất. Càng ban phát ân điển thì chúng ta càng đủ tư cách làm uy quyền đại diện của Đức Chúa Trời. Đầy ân điển đối với người khác là một đặc tính của uy quyền đại diện. Những người [chỉ] đối xử cách công chính với người khác không đủ tư cách làm uy quyền đại diện. Chúng ta phải dành trọn thời giờ cầu nguyện về vấn đề này rồi mới có thể học được bài học này một cách thấu đáo. Chúng ta phải học tập chúc phước khi mình bị nhạo báng, cầu thay cho người khác khi mình bị khước từ, và nài xin sự tha thứ khi mình bị xúc phạm. Các uy quyền đại diện của Đức Chúa Trời là những người đầy ân điển. Tất cả những người chỉ chú tâm đến sự công chính đều cần sự thương xót của Đức Chúa Trời. Chúng ta cần phải để một mình Đức Chúa Trời thi hành sự công chính của Ngài trong mọi sự, trong khi chính mình cần phải đầy ân điển đối với mọi người. Đó là đặc tính của uy quyền Đức Chúa Trời.