CHƯƠNG BẢY: ĐỨC CHÚA TRỜI CÓ Ý ĐỊNH LÀ CON NGƯỜI PHẢI THUẬN PHỤC UY QUYỀN ĐẠI DIỆN

Uy Quyền và Thuần Phục

Đăng vào: 11 tháng trước

.

CHƯƠNG BẢY: ĐỨC CHÚA TRỜI CÓ Ý ĐỊNH LÀ CON NGƯỜI PHẢI THUẬN PHỤC UY QUYỀN ĐẠI DIỆN

Kinh Thánh: La. 13:1; 1 Phi. 2:13-14; Êph. 5:22-24; 6:1-3; Côl. 3:18, 20, 22; 1 Tê. 5:12-13; 1 Tim. 5:17; 1 Phi. 5:5; 1 Cô. 16:15-16

CÁC HỆ THỐNG UY QUYỀN ĐƯỢC ĐỨC CHÚA TRỜI THIẾT LẬP

Trong Thế Gian

Trong vũ trụ, Đức Chúa Trời là nguồn của mọi uy quyền. Mọi uy quyền trên đất đều được Ngài lập nên. Như vậy, những uy quyền ấy đại diện cho uy quyền của Đức Chúa Trời và thậm chí sở hữu uy quyền của Đức Chúa Trời. Chính Đức Chúa Trời đã lập nên các hệ thống uy quyền để bày tỏ Ngài hầu khi con người gặp các uy quyền ấy thì họ gặp chính Đức Chúa Trời. Khi Đức Chúa Trời hiện diện, thì con người nhờ sự hiện diện của Ngài mà có thể biết Ngài. Khi Đức Chúa Trời không hiện diện, thì con người có thể gặp Đức Chúa Trời bằng cách gặp uy quyền của Ngài. Trong vườn Ê-đen, khi có sự hiện diện của Đức Chúa Trời, thì con người có thể biết Đức Chúa Trời. Khi Đức Chúa Trời không có mặt, thì con người có thể tự nhắc nhở mình về mạng lịnh của Đức Chúa Trời, là lịnh cấm ăn trái cây ấy. Đó là một cách khác để con người biết Đức Chúa Trời. Trong thế gian, con người không thường gặp Đức Chúa Trời. (Tất nhiên, điều này không bao gồm sự kiện là trong hội thánh, khi sống trong linh, thì con người có thể luôn luôn tiếp xúc với Đức Chúa Trời). Sự biểu hiện của Đức Chúa Trời thường được thấy nhiều nhất trong những mạng lịnh của Ngài. Chỉ những kẻ trông vườn nho ngu dại mới cần người chủ vườn nho đích thân xuất hiện. Thật ra, các đầy tớ và con của người chủ cũng đủ để đại diện cho người chủ (Mác 12:1-9).

Một số người được Đức Chúa Trời lập nên để ban hành mạng lịnh và để làm uy quyền cho Đức Chúa Trời. Tất cả những người có uy quyền đều được Đức Chúa Trời chỉ định. Vậy nên, mọi uy quyền mà Đức Chúa Trời đã lập nên cần phải được tôn trọng. Ngày nay, Đức Chúa Trời đã giao phó uy quyền cho con người. Sau khi giao phó uy quyền cho con người, nhiều người trên thế giới đã được Đức Chúa Trời lập nên để biểu hiện uy quyền của Ngài. Nếu muốn học tập thuận phục Đức Chúa Trời thì chúng ta cần phải biết Đức Chúa Trời giao phó uy quyền của Ngài cho ai. Nếu chúng ta hiểu uy quyền của Đức Chúa Trời chỉ ở trong chính Ngài thì rất có thể hơn phân nửa thời gian [trong cuộc sống] của mình, chúng ta sẽ xúc phạm đến uy quyền của Đức Chúa Trời. Có bao nhiêu người mà trong họ anh em nhận thấy uy quyền của Đức Chúa Trời? Không có chuyện lựa chọn giữa uy quyền trực tiếp của Đức Chúa Trời và uy quyền đại diện của Ngài. Không những chúng ta phải thuận phục uy quyền trực tiếp của Đức Chúa Trời, mà còn phải thuận phục uy quyền đại diện của Ngài vì không uy quyền nào là không phát xuất từ Đức Chúa Trời.

Về uy quyền thế tục, Phao-lô không những đưa ra một lời [khuyên] tích cực là phải thuận phục, mà về mặt tiêu cực cũng cảnh cáo rằng chống lại uy quyền cũng giống như chống lại mạng lịnh của chính Đức Chúa Trời (La. 13:1). Con người phủ nhận uy quyền đại diện của Đức Chúa Trời là con người phủ nhận chính uy quyền của Đức Chúa Trời. Trong Kinh Thánh, uy quyền chỉ mang một tính chất. Không uy quyền nào là không thuộc về Đức Chúa Trời. Chống lại uy quyền là chống lại Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời sẽ không bỏ qua điều đó. Những người chống đối sẽ tự mình nhận lấy sự phán xét. Chúng ta không thể nào phản loạn mà không bị trừng phạt. Vậy, người nào chống lại uy quyền là mang sự chết chóc đến cho mình. Đối với vấn đề uy quyền thì không có quyền lựa chọn.

Vào thời A-đam, Đức Chúa Trời ủy thác quyền cai trị cho con người và truyền con người cai trị trái đất (Sáng. 1:28). Khi ấy, con người chỉ cai trị các thú vật. Mãi đến thời trận lụt xảy ra, Đức Chúa Trời mới giao phó cho Nô-ê quyền quản trị để cai trị trên con người. Ngài phán: “Hễ kẻ nào làm đổ máu người, thì sẽ bị người ta làm đổ máu lại” (9:6). Từ lúc đó trở đi, Đức Chúa Trời ủy thác cho con người uy quyền để cai trị trên con người. Từ thời Nô-ê, Đức Chúa Trời mới bắt đầu lập nên các chính quyền, và đặt con người dưới các chính quyền ấy.

Trong Xuất Ai Cập Ký chương 20, sau khi dân của Đức Chúa Trời rời Ai Cập và vào đồng hoang, Mười Mạng Lịnh được ban hành. Theo sau điều đó là những qui định liên quan đến hành vi của dân chúng. Một trong những qui định ấy nói: “Ngươi không được… rủa sả người cai trị của dân ngươi” (22:28). Điều này chứng tỏ rằng Đức Chúa Trời đã đặt họ dưới các quyền cai trị. Vì vậy, thậm chí vào thời Môi-se, chúng ta có thể đã nhận thấy rằng việc dân Israel chống lại uy quyền là họ chống lại Đức Chúa Trời.

Mọi quốc gia trên thế giới đều có những nhà cai trị. Tuy họ không tin Đức Chúa Trời, và tuy toàn thể vương quốc của họ ở dưới [quyền] Sa-tan, nhưng nguyên tắc của uy quyền vẫn còn đó, [uy quyền] đã được Đức Chúa Trời thiết lập. Vương quốc của Israel là vương quốc của Đức Chúa Trời. Tất nhiên, vua Đa-vít được Đức Chúa Trời lập nên. Nhưng vua của Phe-rơ-sơ cũng được Đức Chúa Trời lập nên (Ê-sai 45:1). Khi Chúa ở trên đất, Ngài cũng thuận phục chính quyền và thuận phục uy quyền của thầy tế lễ thượng phẩm. Đó là lý do tại sao Chúa trả thuế và nói rằng những gì thuộc về Sê-sa phải trả về Sê-sa. Khi Ngài bị thầy tế lễ thượng phẩm xét xử và thầy tế lễ ấy nhân danh Đức Chúa Trời mà truyền lệnh cho Ngài, thì Ngài đã phải vâng phục. Chúa công nhận họ là các uy quyền trên đất. Ngài không bao giờ cố khơi dậy một cuộc cách mạng.

Trong La Mã 13:4, Phao-lô cho chúng ta thấy rằng tất cả những nhà cai trị đều là đầy tớ của Đức Chúa Trời. Vào thời ấy, chính quyền ở trong tay người La Mã. Nói về mặt con người thì không cần thuận phục những kẻ ngoại xâm. Nhưng Phao-lô không bảo chúng ta phản loạn chống lại chính quyền nước ngoài. Không những chúng ta phải thuận phục đối với quốc gia và dân tộc của chính mình, mà còn phải thuận phục chính quyền tại bất cứ nơi nào chúng ta ở nữa. Tôi không thể không vâng phục chính quyền địa phương chỉ vì tôi thuộc về một quốc gia khác. Pháp luật không làm khiếp sợ những người tốt mà làm khiếp sợ những kẻ ác. Bất kể pháp luật của các quốc gia có khác nhau thế nào đi nữa thì tất cả đều vẫn bắt nguồn từ luật của Đức Chúa Trời. Nguyên tắc căn bản vẫn là thưởng người tốt và phạt kẻ xấu. Mỗi chính quyền đều có pháp luật riêng, và chức năng của chính quyền là duy trì và thi hành pháp luật ấy với mục đích là người tốt được thưởng và kẻ ác bị trừng trị. Họ không mang gươm giáo một cách vô ích. Tuy có các chính quyền nâng đỡ kẻ xấu và đàn áp người tốt, nhưng họ buộc phải thay đổi sự thật mà gọi xấu là tốt và tốt là xấu. Trong bất cứ trường hợp nào, họ cũng không thể nói rằng họ nâng đỡ người này người kia vì người ấy gian ác hay họ trừng trị người này người kia vì người ấy lương thiện. Cho đến ngày nay, mọi chính quyền đều duy trì nguyên tắc thưởng người tốt và phạt kẻ xấu. Nguyên tắc này không thể thay đổi được. Do đó, chúng ta nói rằng các chính quyền vẫn ủng hộ nguyên tắc của Đức Chúa Trời. Một ngày kia, khi kẻ bất pháp (Anti-christ) xuất hiện, hắn sẽ đảo lộn mọi uy quyền. Đó sẽ là thời điểm tận cùng của thế giới. Khi ấy người tốt sẽ thật sự bị xem là kẻ ác và kẻ ác được xem là người tốt. Người tốt sẽ bị giết và kẻ ác sẽ cai trị.

Có bốn dấu hiệu thuận phục đối với uy quyền trên đất: (1) nộp thuế cho người nào cần phải nộp, (2) đóng quan thuế cho người nào cần phải đóng, (3) kính sợ người nào cần phải kính sợ, và (4) tôn trọng người nào cần phải tôn trọng.

Đối với một Cơ Đốc nhân, tuân giữ pháp luật không phải là thực hiện điều gì đó vì sợ bị trừng trị mà vì vận dụng lương tâm mình trước mặt Đức Chúa Trời. Nếu không thuận phục thì lương tâm người ấy sẽ lên án. Đó là lý do tại sao chúng ta phải học tập thuận phục chính quyền địa phương của mình. Con cái Đức Chúa Trời không thể chỉ trích hay nhạo báng chính quyền một cách khinh suất. Thậm chí một viên cảnh sát trên đường cũng là uy quyền được Đức Chúa Trời thiết lập. Người đó là viên chức của Đức Chúa Trời liên tục chăm lo đến chính vấn đề ấy. Khi đối diện với việc trả thuế thu nhập, thì thái độ của chúng ta thế nào? Chúng ta có xem chính quyền địa phương của mình là uy quyền của Đức Chúa Trời không? Chúng ta có thuận phục chính quyền ấy không? Nếu chưa từng gặp uy quyền thì con người không thể thuận phục. Anh em càng yêu cầu một người như vậy thuận phục thì người ấy càng khó thuận phục. 2 Phi-e-rơ 2:10 chỉ về “những kẻ buông theo xác thịt, miệt mài trong tư dục ô uế mà khinh dể bậc chủ quyền. Bọn đó táo tợn, bướng bỉnh, chẳng run sợ mà nhạo báng các bậc tôn trọng”. Có nhiều người mất đi quyền năng và cạn dần sự sống là do nhạo báng. Con người đừng để bị sa vào tình trạng vô chính phủ. Đức Chúa Trời xử lý một chính quyền bất chính thế nào không phải là mối quan tâm của chúng ta. Tất nhiên, khi chúng ta cầu nguyện để Đức Chúa Trời thi hành sự công chính của Ngài, thì đó là một vấn đề khác. Nhưng đối với chúng ta, bất cứ sự không vâng phục uy quyền nào cũng là không vâng phục uy quyền của Đức Chúa Trời. Nếu không thuận phục thì chúng ta thật ra đang củng cố nguyên tắc của Anti-christ. Khi huyền nhiệm của sự bất pháp hành động, thì chúng ta là những người kiểm chế hay là những người giúp đỡ nó?

Trong Gia Đình

Đức Chúa Trời đã thiết lập uy quyền của Ngài trong gia đình. Nhiều con cái Đức Chúa Trời không chú ý đúng mức đến vấn đề gia đình. Nhưng trong các Thư tín, đặc biệt là trong Ê-phê-sô và Cô-lô-se, tức hai quyển sách có tính thuộc linh cao nhất, thì vấn đề gia đình vẫn không bị bỏ qua. Hai sách ấy nói đến sự thuận phục trong gia đình một cách cụ thể. Lơ là trong vấn đề này sẽ gây rắc rối trong sự phục vụ Đức Chúa Trời. 1 Ti-mô-thê và Tít là các sách về công tác, mà cũng nói đến gia đình, vì sợ gia đình ảnh hưởng đến công tác. 1 Phi-e-rơ là một quyển sách đặc biệt về vương quốc, và trong sách ấy chúng ta nhìn thấy rằng nổi loạn chống lại uy quyền trong gia đình là nổi loạn chống lại vương quốc. Khi con người đối diện uy quyền, thì các nan đề gia đình sẽ giảm bớt.

Đức Chúa Trời thiết lập người chồng làm uy quyền đại diện của Đấng Christ, và người vợ làm người đại diện cho hội thánh. Nếu người vợ không nhìn thấy uy quyền mà người chồng đại diện, tức uy quyền Đức Chúa Trời đã lập nên, thì nàng khó mà thuận phục. Người vợ phải nhận thấy rằng đó không phải là vấn đề chồng bà mà là vấn đề uy quyền Đức Chúa Trời. Tít 2:5 nói những thiếu phụ cần phải “thuận phục chồng, hầu cho lời của Đức Chúa Trời khỏi bị nhạo báng”. 1 Phi-e-rơ 3:1 nói: “Cũng vậy, hỡi người làm vợ, hãy thuận phục chồng mình, hầu cho nếu có người chồng nào không vâng phục lời, mà không [cần phải dùng đến] lời nói, họ cũng có thể nhờ cách ăn ở của vợ mà được chiếm hữu”. Câu 5 và 6 nói: “Vì cũng theo cách ấy mà các phụ nữ thánh khiết xưa kia, là những người đặt hi vọng nơi Đức Chúa Trời, từng trang sức mình, thuận phục chồng mình, như Sa-ra vâng phục Áp-ra-ham, gọi ông là chúa”.

Ê-phê-sô 6:1-3 nói: “Hỡi những người con, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lẽ. ‘Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi’, là mạng lịnh thứ nhất có kèm theo lời hứa, ‘Để ngươi được an lành và sống lâu trên đất’ ”. Trong Mười Mạng Lịnh, duy mạng lịnh này là có phần thưởng đặc biệt. Khi hiếu kính cha mẹ mình, thì người ấy sẽ được phước và sống lâu trên đất. Có lẽ nhiều người chết sớm vì họ không hiếu kính cha mẹ mình. Một số anh em xung đột với cha mẹ mình. Do đó, họ thường bị bệnh. Mãi cho đến khi họ vâng phục thì mới khỏe mạnh. Cô-lô-se 3:20 nói: “Những người làm con, hãy vâng phục cha mẹ mình trong mọi sự, vì đó là làm vui lòng Chúa”. Chính mình chúng ta phải thuận phục dưới uy quyền của cha mẹ. Điều này cũng đòi hỏi chúng ta trước hết phải nhìn thấy uy quyền của Đức Chúa Trời.

Các đầy tớ cần phải vâng phục chủ mình, cũng như vâng phục Chúa. Họ cần phải có thái độ sợ sệt và run rẩy, không dối trá hay xảo quyệt, chỉ làm để người ta thấy. Dù một người có thấy chủ mình hay không, người ấy vẫn phục vụ như vậy. Người ấy không nên chỉ phục vụ khi chủ mình thấy được, mà cần phải phục vụ theo lòng chân thành, không phải cho người ta mà là cho Chúa, vì chúng ta phục vụ Chúa Christ. 1 Ti-mô-thê 6:1 nói: “Bao nhiêu người đang ở dưới ách nô lệ đều nên xem chủ mình là đáng tôn trọng mọi mặt, kẻo danh Đức Chúa Trời và lời dạy dỗ của chúng ta bị nhạo báng”. Tít 2:9-10 nói: “Hãy khuyên các nô lệ phải thuận phục chủ mình trong mọi sự, làm cho chủ mình thật hài lòng, đừng cãi lại, đừng ăn cắp, nhưng bày tỏ lòng trung thành hoàn toàn để họ có thể làm tăng vẻ đẹp cho sự dạy dỗ của Đấng Cứu Rỗi chúng ta là Đức Chúa Trời trong mọi sự”. Trước hết chính anh em phải duy trì uy quyền của Chúa, rồi những người khác sẽ duy trì uy quyền của Chúa, là điều đang ở với anh em. Khi nói những lời này, Phao-lô và Phi-e-rơ vẫn ở dưới Đế quốc La Mã mà việc mua bán nô lệ rất thịnh hành. Chế độ nô lệ đúng hay sai là một việc khác, nhưng Đức Chúa Trời đã ấn định nô lệ cần phải vâng phục chủ mình.

Trong Hội thánh

Đức Chúa Trời có các uy quyền được Ngài chỉ định trong hội thánh. Họ là các trưởng lão hướng dẫn tốt và là những người lao khổ trong lời và việc dạy dỗ. Đức Chúa Trời truyền mọi người phải thuận phục họ. Ngoài ra, tất cả những người trẻ tuổi cần phải thuận phục những người lớn tuổi. 1 Phi-e-rơ 5:5 nói: “Cũng vậy, hỡi người trẻ tuổi, hãy thuận phục người lớn tuổi”. Chương 5 nói đến những người tuổi tác lớn hơn, trong khi 1 Cô-rin-tô 16:15 nói đến nhà Sê-pha-na là “trái đầu mùa của A-chai (chỉ về mức độ thâm niên theo thứ tự thời gian được cứu rỗi), và họ đã tận tâm phục vụ các thánh đồ”. Sê-pha-na vô cùng khiêm nhường và tận tâm phục vụ các thánh đồ. Trong câu 16, vị sứ đồ nói thêm rằng: “Anh em hãy thuận phục những người như vậy, cùng cả mọi người đồng công đồng lao”.

Trong hội thánh, người nữ cũng phải thuận phục người nam. 1 Cô-rin-tô 11:3 nói: “Tôi muốn anh em biết rằng Đấng Christ là đầu mỗi người nam, người nam là đầu của người nữ, và Đức Chúa Trời là đầu của Đấng Christ”. Đức Chúa Trời chỉ định người nam làm uy quyền là một biểu tượng về Đấng Christ và người nữ thuận phục là một biểu tượng về hội thánh. Do đó, phụ nữ cần phải có uy quyền ở trên đầu vì cớ các thiên sứ. Hơn nữa, người phụ nữ phải thuận phục chồng mình. 1 Cô-rin-tô 14:34 nói: “Phụ nữ phải im lặng giữa hội thánh; vì không được phép nói tại đó, nhưng phải thuận phục cũng như luật pháp dạy”. Nếu muốn học hỏi điều gì thì họ có thể hỏi chồng mình ở nhà. Có lẽ một vài chị em hỏi rằng: “Trường hợp chồng tôi không biết thì sao?” Nếu Đức Chúa Trời truyền chị em hỏi thì hãy đơn giản hỏi đi. Nếu chị em kiên trì hỏi thì một thời gian sau, chồng của chị em sẽ biết. Vì bị hỏi nên người chồng phải tìm hiểu để trả lời. Nhờ vậy, chị em tự giúp đỡ mình và giúp đỡ chồng mình nữa. 1 Ti-mô-thê 2:11 cũng nói đến việc phụ nữ phải học biết “im lặng trong sự thuận phục hoàn toàn”. Phụ nữ không được phép hành quyền trên người nam, vì A-đam được tạo ra trước rồi mới đến Ê-va (cc. 12-13).

Giữa vòng con cái Đức Chúa Trời, mọi người cần phải thắt lưng bằng tính khiêm nhường và cần phải thuận phục lẫn nhau. Một số người thích khoe khoang địa vị hay uy quyền của mình một cách tự phụ. Điều đó thật thấp hèn và đáng xấu hổ.

Không những Đức Chúa Trời đã lập nên uy quyền đại diện của Ngài trong vũ trụ, mà Ngài cũng thiết lập uy quyền của Ngài trong thế giới thuộc linh. 2 Phi-e-rơ 2:10-11 nói: “Đặc biệt là những người buông theo xác thịt trong dục vọng ô uế, và khinh dể chủ quyền. Họ táo tợn, theo ý riêng, nhạo báng các bậc đáng tôn kính mà không hề run rẩy; dầu các thiên sứ có sức mạnh và quyền năng lớn hơn, vẫn không quở trách mà xét đoán họ trước mặt Chúa”. Tại đây, chúng ta có một vấn đề rất quan trọng. Trong vũ trụ thuộc linh có các bậc chủ quyền cùng bậc tôn trọng, và Đức Chúa Trời thậm chí đã đặt các thiên sứ ở dưới họ. Mặc dầu một số bậc chủ quyền và bậc tôn trọng đã thất bại, ngày nay các thiên sứ vẫn không dám nhạo báng họ, vì đã có lần các bậc chủ quyền và bậc tôn trọng ấy là các uy quyền trên họ. Ngày nay, tuy một số bậc chủ quyền và bậc tôn trọng đã sa ngã, nhưng các thiên sứ khác chỉ có thể nhắc đến những sự kiện ấy. Họ không thể đưa ra lời xét đoán của mình. Nếu thêm lời xét đoán của mình vào các sự kiện thì họ đang nhạo báng. Giu-đe câu 9 nói: “Khi thiên sứ trưởng Mi-ca-ên giành với ma quỉ mà tranh luận về thi hài của Môi-se, còn chẳng dám lấy lời nhạo báng mà tố cáo hắn, chỉ nói rằng: ‘Nguyện Chúa quở trách ngươi!’ ” Đã có lần, Đức Chúa Trời thiết lập Sa-tan đứng đầu các thiên sứ trưởng. Là một trong các thiên sứ trưởng, Mi-ca-ên từng ở dưới quyền của Sa-tan. Một ngày kia, Môi-se sẽ sống lại. Có lẽ sự kiện ấy sẽ xảy ra trên núi biến hình. Mi-ca-ên theo mạng lịnh của Đức Chúa Trời tìm kiếm thân thể của Môi-se, nhưng Sa-tan đã ngăn cản thiên sứ ấy. Mi-ca-ên có thể chống lại linh phản loạn bằng một linh phản loạn. Mi-ca-ên có thể thẳng thừng quở trách Sa-tan, nhưng [thiên sứ ấy] không dám làm như vậy. Mi-ca-ên chỉ nói: “Nguyện Chúa quở trách ngươi”. (Đối với loài người thì khác. Đức Chúa Trời chưa bao giờ đặt loài người dưới quyền Sa-tan. Chúng ta đã bị sa ngã dưới năng lực của hắn; chúng ta chưa bao giờ bị đặt dưới uy quyền của hắn). Cùng một nguyên tắc ấy áp dụng cho Đa-vít. Ông từng ở dưới [quyền] Sau-lơ là uy quyền đại diện của Đức Chúa Trời; vì vậy, ông không dám lật đổ uy quyền trước kia của Sau-lơ. Một uy quyền đại diện trong các vấn đề thuộc linh đáng được tôn trọng biết bao! Uy quyền ấy không thể bị nhạo báng. Những người nhạo báng sẽ bị mất đi năng lực thuộc linh của mình.

Một khi chạm đến uy quyền, anh em sẽ nhìn thấy uy quyền của Đức Chúa Trời ở bất cứ nơi nào anh em đến. Câu hỏi đầu tiên anh em cần phải hỏi là mình cần phải thuận phục ai và lắng nghe lời nói của ai. Một Cơ Đốc nhân cần phải có hai loại cảm nhận: một là cảm nhận về tội và hai là cảm nhận về uy quyền. Khi hai anh em đến với nhau thảo luận và suy xét các ý kiến, cả hai đều có thể phát biểu. Nhưng khi đến lúc quyết định, thì chỉ một người đưa ra lời phán quyết. Công vụ các Sứ đồ chương 15 ghi chép về một hội đồng lớn. Mọi người dầu già hay trẻ đều có quyền tự do đứng lên phát biểu. Mọi anh em đều có thể phát biểu. Sau đó, Phi-e-rơ và Phao-lô nói. Rồi, Gia-cơ quyết định. Phi-e-rơ và Phao-lô đưa ra những sự kiện; Gia-cơ quyết định. Thậm chí giữa vòng các trưởng lão và sứ đồ cũng có thứ bậc. Phao-lô nói ông là người thấp kém nhất giữa vòng các sứ đồ (1 Cô. 15:9). Ngay cả giữa vòng các sứ đồ cũng có sự phân biệt lớn nhỏ. Đây không phải là vấn đề có người nào đó sắp xếp chúng ta. Trái lại, điều này liên quan đến việc [chúng ta] nhận biết vị trí của mình. Đây là một chứng cớ tốt đẹp nhất và là một hình ảnh kỳ diệu nhất. Điều này làm cho Sa-tan run sợ, và điều này sẽ lật đổ vương quốc của hắn. Khi tất cả chúng ta đi con đường thuận phục, thì Đức Chúa Trời sẽ phán xét thế gian.

CHÚNG TA CẦN PHẢI CÓ SỰ TIN TƯỞNG KHI THUẬN PHỤC UY QUYỀN ĐẠI DIỆN

Việc Đức Chúa Trời thiết lập uy quyền [đại diện] cho chính Ngài thật là một sự liều lĩnh nguy hiểm! Ngài phải chịu khổ biết bao nếu uy quyền đại biểu mà Ngài đã lập nên lại đại diện cho Ngài một cách sai trật! Nhưng Đức Chúa Trời tin tưởng vào uy quyền Ngài thiết lập. Việc chúng ta tin tưởng khi thuận phục các uy quyền đại diện còn dễ dàng hơn nhiều so với việc Đức Chúa Trời phải tin tưởng khi thiết lập các uy quyền ấy. Nếu Đức Chúa Trời tin tưởng giao uy quyền cho con người, thì chúng ta không tin tưởng thuận phục con người sao? Chúng ta cần phải tin tưởng trong việc thuận phục uy quyền mà Đức Chúa Trời tin tưởng khi thiết lập. Nếu có lỗi lầm thì đó không phải là lỗi lầm của chúng ta. Đó là lỗi lầm của uy quyền. Chúa nói rằng mỗi người cần phải thuận phục uy quyền ở trên mình (La. 13:1). Phần của Đức Chúa Trời khó hơn phần của chúng ta. Khi Đức Chúa Trời tin tưởng con người, thì chúng ta cũng có thể làm như vậy. Khi Đức Chúa Trời tin tưởng về sự tín nhiệm của Ngài, thì chúng ta cần phải hơn thế nữa.

Lu-ca 9:48 nói: “Hễ ai vì danh Ta mà tiếp nhận đứa bé này, tức là tiếp nhận Ta; còn hễ ai tiếp nhận Ta, tức là tiếp nhận Đấng đã sai Ta”. Việc Chúa đại diện cho Cha không có vấn đề gì cả, vì Cha giao phó mọi sự cho Ngài. Chúng ta tin nơi Ngài có nghĩa là chúng ta tin nơi Cha. Nhưng theo cái nhìn của Chúa thì thậm chí một đứa trẻ cũng có thể đại diện cho Chúa. Chúa có thể giao thác chính Ngài cho một đứa trẻ. Đó là lý do tại sao Chúa nói tiếp nhận một đứa trẻ nhỏ là tiếp nhận Chúa. Trong Lu-ca 10:16, Chúa sai các môn đồ ra đi và nói: “Ai nghe các ngươi, ấy là nghe Ta; ai khước từ các ngươi, ấy là khước từ Ta”. Mọi lời nói, huấn lệnh, quyết định và ý kiến của các môn đồ đều đại diện cho Chúa. Chúa rất tự tin đến nỗi đã giao phó mọi uy quyền cho các môn đồ. Bất cứ điều gì họ nói trong danh Chúa, Ngài đều công nhận. Vì vậy, khước từ các môn đồ cũng giống như khước từ Chúa. Chúa có thể bình an trọn vẹn mà giao phó chính Ngài cho họ. Ngài không nói rằng họ nên cẩn trọng trong lời nói hay không nên sai phạm trong lời nói khi họ ra đi. Chúa tuyệt nhiên không quan tâm đến chuyện gì sẽ xảy ra nếu như họ phạm sai lầm. Chúa có đức tin và can đảm để tin tưởng giao uy quyền cho các môn đồ.

Nhưng những người Do Thái lại không như vậy. Họ nghi ngờ và nói: “Làm sao có thể vậy được? Làm thế nào tôi biết mọi điều Ngài nói là đúng? Chúng tôi cần suy gẫm thêm!” Họ không dám tin. Họ rất e ngại. Giả sử anh em đang làm việc với tư cách là một ủy viên quản trị trong một công ty, và anh em sai một người đi và nói: “Hãy làm hết sức mình. Bất cứ điều gì anh làm, tôi sẽ công nhận. Khi người ta nghe anh, thì họ nghe tôi”. Nếu là trường hợp đó thì có lẽ anh em sẽ yêu cầu người ấy gởi về một bản báo cáo hằng ngày về công việc của mình, vì sợ có lầm lỗi. Nhưng Chúa có thể ủy nhiệm chúng ta làm những đại diện của Ngài. Đó thật là một sự tin cậy lớn lao biết bao! Nếu Chúa tin cậy uy quyền đại diện của Ngài như vậy thì chúng ta cần phải tin cậy uy quyền ấy còn hơn nữa.

Một số người có thể nói: “Trường hợp uy quyền phạm sai lầm thì sao?” Nếu Đức Chúa Trời dám tin tưởng những người được ủy nhiệm làm uy quyền, thì chúng ta cũng cần phải có đủ can đảm để thuận phục. Dầu uy quyền có phạm lỗi lầm hay không thì cũng không liên quan gì đến chúng ta. Nói cách khác, uy quyền đại diện đúng hay sai là một vấn đề mà người ấy phải trực tiếp chịu trách nhiệm trước mặt Chúa. Những người thuận phục uy quyền chỉ cần thuận phục một cách triệt để. Cho dù vì thuận phục mà họ phạm lỗi, Chúa sẽ không kể đó là tội. Chúa sẽ bắt uy quyền đại diện chịu trách nhiệm về tội ấy. Không vâng phục là phản loạn. Về điều này, người thuận phục phải chịu trách nhiệm trước mặt Đức Chúa Trời. Do đó không có yếu tố con người liên quan đến sự thuận phục. Nếu chúng ta chỉ thuận phục một con người thì ý nghĩa của sự thuận phục bị mất đi. Hơn nữa, vì Đức Chúa Trời đã thiết lập uy quyền đại diện của Ngài rồi nên Ngài phải duy trì uy quyền ấy. Những người khác có đúng hay không là việc của họ. Tôi có đúng hay không là việc của tôi. Mỗi người phải chịu trách nhiệm đối với Chúa về chính mình.

KHƯỚC TỪ UY QUYỀN ĐẠI DIỆN LÀ KHƯỚC TỪ CHÍNH ĐỨC CHÚA TRỜI

Toàn bộ ẩn dụ trong Lu-ca 20:9-16 là nói về uy quyền đại diện. Đức Chúa Trời cho người làm vườn thuê vườn nho, nhưng không đích thân đến thâu tiền thuê. Lần thứ nhất, thứ hai và thứ ba, Ngài đều sai đầy tớ của Ngài đến; lần thứ tư Ngài sai Con Ngài đến. Tất cả những người ấy đều là đại diện của Ngài. Đức Chúa Trời có thể tự mình đến, nhưng thay vào đó Ngài sai những đại diện của Ngài đến. Theo cái nhìn của Đức Chúa Trời, tất cả những người khước từ các đầy tớ của Ngài đều khước từ Ngài. Chúng ta không thể lắng nghe lời của Đức Chúa Trời, nhưng lại khước từ lời từ uy quyền đại diện của Ngài. Chúng ta phải thuận phục uy quyền của Đức Chúa Trời cũng như phải thuận phục uy quyền đại diện của Ngài. Chúa giao phó uy quyền của Ngài cho các uy quyền đại diện trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, ngoại trừ trong Công vụ các Sứ đồ 9:4-15, là phân đoạn nói đến uy quyền trực tiếp của Chúa. Có thể nói rằng hầu hết mọi uy quyền đều được giao phó cho con người. Nhiều người nghĩ điều này có nghĩa là thuận phục con người. Nhưng nếu đã từng gặp uy quyền thì anh em sẽ nhận biết đó là uy quyền đại diện của Đức Chúa Trời. Một người không cần phải khiêm nhường để thuận phục uy quyền trực tiếp của Đức Chúa Trời. Nhưng để thuận phục uy quyền đại diện thì phải có sự khiêm nhường và sự tan vỡ. Chỉ nhờ hoàn toàn để xác thịt sang một bên, một người mới có thể chấp nhận và vâng phục uy quyền đại diện. Chúng ta phải liên tục nhìn biết rằng Đức Chúa Trời không đích thân đến thâu tiền cho thuê. Đức Chúa Trời sai những người đại diện đến thâu tiền thuê. Chúng ta nên làm gì đối với Đức Chúa Trời? Chúng ta có nên chờ Đức Chúa Trời đích thân đến không? Khi Ngài đích thân đến, đó không phải để thâu tiền thuê mà để phán xét.

Một lần kia, Chúa chỉ cho Phao-lô thấy rằng việc ông chống cự Chúa là đá vào gậy nhọn (Công. 26:14). Khi nhìn thấy ánh sáng, thì Phao-lô cũng nhìn thấy uy quyền nữa. Ông nói: “Thưa Chúa, tôi phải làm chi?” (22:10). Đó là Phao-lô tự đặt mình trực tiếp ở dưới chính uy quyền của Chúa. Nhưng sau đó Chúa đặt Phao-lô dưới uy quyền đại diện mà Ngài chỉ định. Chúa nói: “Hãy đứng dậy, vào thành phố, ngươi sẽ được chỉ bảo những điều phải làm” (9:6). Từ đó trở đi, Phao-lô biết đến uy quyền. Ông không nói rằng: “Rất hiếm khi tôi gặp chính Chúa; hãy để Ngài cho tôi biết phải làm gì”. Khi ấy, Chúa đặt Phao-lô ở dưới một uy quyền đại diện. Chúa không thích trực tiếp cho Phao-lô biết. Từ khi tin Chúa đến nay, chúng ta đã thuận phục bao nhiêu uy quyền đại diện? Chúng ta thuận phục họ bao nhiêu lần? Trước kia, chúng ta không có ánh sáng, nhưng ngày nay chúng ta phải nghiêm túc nhìn thấy uy quyền đại diện của Đức Chúa Trời. Chúng ta đã nói đến sự thuận phục trong năm hay mười năm, nhưng chúng ta đã thuận phục uy quyền gián tiếp được bao nhiêu? Điều Đức Chúa Trời nhìn đến không phải là uy quyền trực tiếp của riêng Ngài. Ngài nhìn đến các uy quyền gián tiếp được Ngài thiết lập. Tất cả những ai không thuận phục uy quyền gián tiếp của Đức Chúa Trời thì không thể thuận phục uy quyền trực tiếp của Ngài.

Để giải thích rõ ràng, chúng tôi đã phân biệt giữa uy quyền trực tiếp và uy quyền gián tiếp. Thật ra, theo cái nhìn của Đức Chúa Trời thì chỉ có một uy quyền. Chúng ta không thể xem thường uy quyền trong gia đình hay trong hội thánh. Chúng ta không thể xem thường bất cứ uy quyền đại diện nào. Tuy Phao-lô bị mù, nhưng dường như ông đang mở to cặp mắt trông đợi A-na-nia. Khi nhìn thấy A-na-nia, thì như thể ông nhìn thấy Chúa. Khi lắng nghe A-na-nia, thì như thể ông lắng nghe Chúa. Uy quyền đại diện liên quan đến những vấn đề nghiêm trọng như vậy đến nỗi nếu xúc phạm đến uy quyền ấy thì chúng ta bị rắc rối với Đức Chúa Trời. Anh em khước từ ánh sáng từ uy quyền đại diện mà lại hi vọng nhận được ánh sáng từ Chúa là điều không thể xảy ra được. Phao-lô không nói: “Vì Cọt-nây đã mời Phi-e-rơ đến nên tôi cũng xin Đức Chúa Trời sai Phi-e-rơ hay Gia-cơ đến. Tôi không muốn người anh em nhỏ bé này là A-na-nia làm uy quyền trên tôi”. Việc chúng ta khước từ uy quyền đại diện và trực tiếp thuận phục Đức Chúa Trời là điều không thể xảy ra được. Đó là vì khước từ uy quyền đại diện là khước từ chính Chúa. Chỉ những người ngu dại mới muốn uy quyền đại diện thất bại. Ai không thích người đại diện của Đức Chúa Trời cũng không thích chính Đức Chúa Trời. Bản chất phản loạn của con người thích thuận phục uy quyền trực tiếp của Đức Chúa Trời, nhưng khước từ uy quyền đại diện được Đức Chúa Trời chỉ định.

ĐỨC CHÚA TRỜI TÔN TRỌNG UY QUYỀN ĐẠI DIỆN CỦA NGÀI

Dân Số Ký chương 30 nói đến sự hứa nguyện của một người nữ. Khi một người nữ còn trẻ ở trong nhà cha mình, cha nàng phải im lặng chấp nhận lời hứa nguyện ấy trước khi nó trở nên hiệu nghiệm. Nếu người cha không chấp nhận thì lời hứa nguyện ấy sẽ không hiệu nghiệm. Nếu nàng lập gia đình thì lời hứa nguyện phải được người chồng im lặng chấp nhận. Nếu người chồng không công nhận thì lời hứa nguyện ấy bị hủy bỏ (cc. 3-8). Khi uy quyền đại diện bằng lòng, thì uy quyền trực tiếp thi hành điều đó. Nếu uy quyền đại diện không công nhận điều đó thì uy quyền trực tiếp cũng không nhìn nhận điều đó. Đức Chúa Trời hài lòng đối với việc có uy quyền đại diện. Ngài cũng tôn trọng uy quyền đại diện. Khi một người nữ ở dưới uy quyền của chồng mình, hễ người chồng không chấp nhận lời hứa nguyện của nàng thì Đức Chúa Trời sẽ không ủng hộ lời hứa nguyện ấy. Đức Chúa Trời chỉ muốn nàng thuận phục uy quyền. Nhưng nếu uy quyền đại diện sai trật thì Đức Chúa Trời sẽ xử lý uy quyền ấy; người ấy phải chịu trách nhiệm về hành động sai trật của vợ mình, còn người vợ thuận phục thì vô tội (c. 15). Chương này cho chúng ta biết rằng con người không thể vượt quá uy quyền đại diện để thuận phục uy quyền trực tiếp. Vì Đức Chúa Trời đã trao cho uy quyền của Ngài nên thậm chí chính Ngài cũng không vượt quá uy quyền đại diện của Ngài. Thậm chí chính Đức Chúa Trời cũng bị uy quyền đại diện của Ngài ràng buộc. Đức Chúa Trời thiết lập [điều gì] qua việc thiết lập uy quyền đại diện, và Ngài hủy bỏ [điều gì] qua việc hủy bỏ uy quyền đại diện. Đức Chúa Trời muốn duy trì uy quyền đại diện của Ngài. Vì vậy, chúng ta chỉ có một con đường đối với uy quyền đại diện, đó là con đường thuận phục.

Toàn bộ Tân Ước ủng hộ uy quyền đại diện. Chỉ trong Công vụ các Sứ đồ 5:29, khi Công hội bắt bớ Phi-e-rơ bằng cách cấm ông giảng trong danh Chúa, Phi-e-rơ mới nói: “Cần phải vâng phục Đức Chúa Trời hơn là vâng phục người ta”. Chỉ khi nào uy quyền đại diện rõ ràng thách thức mạng lịnh của Đức Chúa Trời và xúc phạm đến Thân vị của Chúa thì chúng ta mới có thể cự tuyệt uy quyền đại diện. Vậy nên, loại lời nói như vậy chỉ có thể nói ra dưới một tình huống như vậy. Còn trong những trường hợp khác, chúng ta phải thuận phục uy quyền đại diện trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chúng ta không thể khinh suất. Chúng ta đừng thực hiện sự thuận phục bằng hành động phản loạn.