Đăng vào: 12 tháng trước
CHƯƠNG NĂM: SỰ THUẬN PHỤC CỦA CON
Kinh Thánh: Phil. 2:5-11; Hê. 5:7-9
CHÚA TẠO RA SỰ THUẬN PHỤC
Lời của Đức Chúa Trời nói với chúng ta rằng Chúa Jesus và Cha là một. Ban đầu có Lời cũng như ban đầu có Đức Chúa Trời. Lời là Đức Chúa Trời, và Lời ấy dựng nên các từng trời và trái đất. Với Đức Chúa Trời, ban đầu có vinh quang. Đó là một vinh quang không thể đến gần được, là vinh quang của Con. Cha và Con thì bình đẳng, có quyền lực như nhau, đồng hiện hữu và tồn tại cùng một lúc. Nhưng trong Thân vị thì có một sự khác biệt giữa Cha và Con. Đó không phải là một sự khác biệt trong bản chất nội tại mà theo sự sắp đặt trong Đức Chúa Trời Tam Nhất. Kinh Thánh nói rằng Chúa không xem sự bình đẳng với Đức Chúa Trời là điều quí trọng nên nắm giữ (Phil. 2:6). Nắm giữ có nghĩa là dùng sức mạnh mà đoạt lấy. Sự bình đẳng của Chúa với Đức Chúa Trời không phải là điều gì đó Ngài đạt được bằng sức mạnh. Đó không phải là tự đề bạt hay tiếm đoạt vì từ đầu Chúa đã có hình ảnh của Đức Chúa Trời.
Phi-líp 2:5-7 tạo nên một phân đoạn, trong khi các câu 8-11 tạo nên một phân đoạn khác. Phân đoạn thứ nhất nói về việc Đấng Christ tự làm cho mình trống không. Phân đoạn thứ hai nói về việc Đấng Christ tự hạ mình xuống. Chúa tự hạ mình xuống hai lần, thứ nhất là tự làm cho mình trống không trong thần cách của Ngài, rồi sau đó tự hạ mình xuống trong nhân tính của Ngài. Khi Chúa xuống trên đất, Ngài tự làm cho mình trống không về mặt vinh quang, uy quyền, địa vị và hình ảnh trong thần cách của Ngài. Kết quả việc Ngài tự làm cho mình trống không là những người không có khải thị không thể nhận biết Ngài và nhìn nhận Ngài là Đức Chúa Trời, mà chỉ xem Ngài là một người bình thường. Trong Đức Chúa Trời Tam Nhất, Chúa tự nguyện làm Con, tự thuận phục uy quyền của Cha. Do đó, Ngài phán rằng Cha lớn hơn Ngài (Gi. 14:28). Địa vị của Con là một sự lựa chọn tự nguyện của Chúa chúng ta. Trong Đức Chúa Trời Tam Nhất có sự hài hòa trọn vẹn. Trong Đức Chúa Trời Tam Nhất có sự bình đẳng, nhưng vui lòng sắp xếp là Cha cần phải làm Đầu và Con cần phải thuận phục. Cha trở nên đại diện cho uy quyền, và Con trở nên đại diện cho sự thuận phục.
Chúng ta là con người. Sự thuận phục đối với chúng ta là điều đơn giản. Hễ tự hạ mình xuống thì chúng ta có thể thuận phục. Nhưng sự thuận phục của Chúa không phải là một vấn đề đơn giản. Việc Chúa thuận phục còn khó hơn việc Ngài dựng nên các từng trời và trái đất. Để thuận phục, Ngài phải tự làm cho mình trống không khỏi mọi vinh quang, quyền năng, địa vị và hình ảnh trong thần cách của Ngài. Ngài cũng phải nhận lấy hình thái nô lệ. Chỉ khi ấy Ngài mới có thể đạt đến tiêu chuẩn thuận phục. Vậy nên, sự thuận phục là một điều được Con Đức Chúa Trời tạo nên.
Trước kia, Cha và Con chia sẻ cùng một vinh quang. Khi Chúa giáng thế, một mặt Ngài từ bỏ uy quyền, mặt khác Ngài nhận lấy sự thuận phục. Ngài quyết tâm trở thành một nô lệ, làm một con người bị giới hạn trong thời gian và không gian. Nhưng không chỉ có vậy. Chúa tự hạ mình xuống, vâng phục. Sự vâng phục trong Đức Chúa Trời Tam Nhất là điều kỳ diệu nhất trong cả vũ trụ. Ngài vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên thập tự giá, một cái chết đau đớn và nhục nhã. Cuối cùng, Đức Chúa Trời tôn cao Ngài đến tột đỉnh. Ai tự hạ mình xuống sẽ được tôn cao. Đó là nguyên tắc của Đức Chúa Trời.
NHỮNG NGƯỜI ĐẦY DẪY ĐẤNG CHRIST SẼ ĐẦY DẪY SỰ THUẬN PHỤC
Trong Đức Chúa Trời Tam Nhất vốn không cần đến sự thuận phục. Vì Chúa tạo ra sự thuận phục nên Cha trở thành Đầu đối với Đấng Christ trong Đức Chúa Trời Tam Nhất. Cả uy quyền lẫn sự thuận phục đều được Đức Chúa Trời thiết lập. Hai điều ấy đã có từ ban đầu. Vì vậy, những người biết đến Chúa sẽ tự phát thuận phục. Những người không biết đến Đức Chúa Trời hay Đấng Christ cũng không biết đến uy quyền hay sự thuận phục. Với Đấng Christ thì có nguyên tắc thuận phục. Những người chấp nhận sự thuận phục chấp nhận nguyên tắc của Đấng Christ. Vậy nên, những người đầy dẫy Đấng Christ cũng đầy dẫy sự thuận phục.
Nhiều người hỏi: “Tại sao tôi phải thuận phục?” Họ cũng hỏi: “Tại sao tôi phải thuận phục anh? Tôi là một anh em, và anh cũng là một anh em”. Thật ra, con người không có quyền nói những lời như vậy. Chỉ Chúa mới có đủ tư cách nói như vậy, nhưng Ngài chưa từng nói những lời ấy. Thậm chí trong Ngài cũng không có ý tưởng nào như vậy. Đấng Christ tiêu biểu cho sự thuận phục, một sự thuận phục hoàn toàn, cũng như uy quyền của Đức Chúa Trời là uy quyền tuyệt đối. Ngày nay, một số người nghĩ rằng mình nhận biết uy quyền, nhưng họ không biết đến sự thuận phục. Chúng ta chỉ có thể cầu xin Đức Chúa Trời thương xót những người như vậy.
CÁCH CHÚA RA KHỎI HÌNH THÁI THẦN THƯỢNG VÀ CÁCH NGÀI TRỞ LẠI
Về mặt thần cách của Ngài, Chúa bình đẳng với Đức Chúa Trời. Nhưng việc Ngài làm Chúa là điều được Đức Chúa Trời ban cho Ngài. Làm Chúa là điều xảy ra sau khi Ngài tự làm cho mình trống không về mặt thần cách của Ngài. Thần cách của Chúa Jesus được đặt nền tảng trên những gì Ngài “là”. Làm Đức Chúa Trời là địa vị nguyên thủy của Ngài. Nhưng việc Ngài đạt đến địa vị làm Chúa là căn cứ vào những gì Ngài đã thực hiện. Khi Ngài từ bỏ hình thái thần thượng của mình để duy trì nguyên tắc thuận phục một cách trọn vẹn và sau đó thăng thiên lên các từng trời, thì Đức Chúa Trời ban cho Ngài địa vị làm Chúa. Căn cứ trên chính Ngài thì Ngài là Đức Chúa Trời. Căn cứ trên sự thành đạt của Ngài thì Ngài là Chúa. Quyền làm Chúa ấy vốn không có trong Đức Chúa Trời Tam Nhất.
Phân đoạn này trong Phi-líp chương 2 rất khó giải thích và rất dễ gây ra tranh luận, nhưng cũng là một phân đoạn thần thượng nhất. Ngày nay, chúng ta phải đến với phân đoạn này với đôi chân không, đứng trên đất thánh. Dường như ban đầu có một cuộc hội nghị trong Đức Chúa Trời Tam Nhất mà trong đó một kế hoạch được lập ra để tạo dựng vũ trụ. Trong kế hoạch ấy, các Thân vị thần thượng của Đức Chúa Trời Tam Nhất đồng ý với nhau và đi đến nhận thức rằng Cha đại diện cho uy quyền. Nhưng nếu chỉ có uy quyền mà thiếu sự thuận phục thì uy quyền không thể được thiết lập vì uy quyền không phải là điều gì đó cô lập. Do đó phải có sự thuận phục trong vũ trụ. Ban đầu, hai loại tạo vật được dựng nên. Loại thứ nhất là thiên sứ, tức các linh. Loại thứ hai là con người, tức các hồn. Bởi sự biết trước của Ngài, Đức Chúa Trời thấy trước sự nổi loạn của Sa-tan và thất bại của con người. Uy quyền của Đức Chúa Trời không thể thiết lập trên các thiên sứ hay trên dòng dõi của A-đam. Khi ấy, trong Đức Chúa Trời Tam Nhất có chung một quyết định đồng ý rằng trước hết uy quyền phải được thiết lập ở bên trong Đức Chúa Trời Tam Nhất. Từ đó trở đi, nói đến việc hành động thì có một sự khác biệt giữa Cha và Con. Một ngày kia, Con bằng lòng tự làm cho chính mình trống không để trở nên một con người thọ tạo đại diện cho sự thuận phục uy quyền. Chính tạo vật này đã phản loạn. Vì vậy, chỉ có sự thuận phục của một tạo vật mới có thể thiết lập uy quyền của Đức Chúa Trời. Chính con người đã phạm tội và phản loạn. Vì vậy, chỉ qua sự thuận phục của một con người mà uy quyền của Đức Chúa Trời mới có thể được thiết lập. Đó là lý do tại sao Chúa đã phải đến thế gian để trở nên con người và để trở nên giống như một tạo vật về mọi mặt.
Sự ra đời của Chúa là sự đến của Đức Chúa Trời. Ngài đã không giữ lại uy quyền của Ngài bằng cách làm Đức Chúa Trời. Trái lại, Ngài tiếp nhận những giới hạn của con người bằng cách trở nên một người, thậm chí là sự giới hạn của một nô lệ. Đây là một vấn đề rất mạo hiểm đối với Chúa. Một khi Chúa ra khỏi hình thái của Đức Chúa Trời thì với tư cách là một con người có thể Ngài không thể trở lại. Nếu không thuận phục thì Ngài chỉ có thể đòi lại hình thái thần thượng của thần cách Ngài trong địa vị của Ngài với tư cách là Con. Tuy nhiên, như vậy thì nguyên tắc thuận phục ắt phải bị hủy bỏ mãi mãi. Khi Chúa đi ra, thì chỉ có hai cách để Ngài trở lại. Cách thứ nhất là làm một người đúng đắn, tuyệt đối và hoàn toàn thuận phục mà không có chút dấu vết phản loạn nào cả, vâng phục từng bước một, và để Đức Chúa Trời đem Ngài trở lại và lập Ngài lên làm Chúa. Nếu việc làm một nô lệ là quá khó đối với Ngài, nếu sự yếu đuối và những giới hạn của xác thịt trở nên quá nặng nề cho Ngài, và nếu sự thuận phục đã vượt quá sức của Ngài, thì cách duy nhất để trở lại là Ngài buộc phải trở về bằng cách vận dụng uy quyền cùng vinh quang của thần cách Ngài. Nhưng Chúa chúng ta đã khước từ cách ấy, một cách mà Ngài không có ý tiếp nhận. Ngài quyết tâm tự khuất phục chính mình theo đường lối thuận phục thậm chí cho đến chết. Vì Ngài tự làm cho mình trống không nên Ngài không thể tự làm đầy chính mình lại. Ngài không dao động trong tâm trí mình. Vì Ngài tự làm cho mình trống không đối với mọi vinh quang cùng uy quyền thần thượng và bước tới làm một nô lệ, Ngài không muốn trở lại bằng cách nào khác hơn là cách thuận phục. Trước khi trở về, Ngài đã hoàn tất cuộc chạy của mình bằng cách vâng phục cho đến chết với tư cách là một con người. Ngài có thể trở lại vì Ngài đã hoàn thành một sự thuận phục trọn vẹn và thuần khiết. Hết nỗi khổ này đến nỗi khổ khác chồng chất trên Ngài, nhưng Ngài vẫn cứ tuyệt đối thuận phục. Không có một chút phản ứng hay phản loạn nào cả. Vì vậy, Đức Chúa Trời tôn cao Ngài và đưa Ngài trở lại với tư cách là Chúa trong Đức Chúa Trời Tam Nhất. Đây không chỉ là đổ đầy lại những gì đã bị làm cho trống không, mà đây là Cha đem một CON NGƯỜI vào trong Đức Chúa Trời Tam Nhất. Con trở nên Jesus (Con Người), và được đón nhận lại trong Đức Chúa Trời Tam Nhất. Bây giờ chúng ta biết đến sự quí báu của danh Jesus. Trong cả vũ trụ không có một ai như Ngài. Khi Chúa tuyên bố: “Xong rồi” trên thập tự giá, Ngài không chỉ có ý nói rằng sự cứu rỗi đã đạt được rồi, mà mọi sự Ngài phán đều đã được thực hiện. Do đó, Ngài có được một danh vượt trên hết mọi danh. Nghe đến danh Jesus mọi đầu gối phải quì xuống và mọi lưỡi phải công khai xưng nhận Jesus Christ là Chúa. Từ thời điểm ấy trở đi, Ngài không những là Đức Chúa Trời mà còn là Chúa nữa. Quyền làm Chúa của Ngài nói lên mối quan hệ của Ngài với Đức Chúa Trời, nói lên những gì Ngài đã đạt được trước mặt Đức Chúa Trời. Sự kiện Ngài là Đấng Christ nói lên mối liên hệ của Ngài với hội thánh.
Tóm lại, khi Chúa “ra đi” từ Đức Chúa Trời, Ngài không có ý định trở lại bằng thần cách của mình. Trái lại, Ngài có ý định trở lại qua việc Ngài được tôn cao với tư cách là một con người. Đó là cách Đức Chúa Trời duy trì nguyên tắc thuận phục. Đối với chúng ta chỉ một chút dấu vết phản loạn cũng đã là sai trật. Chúng ta phải hoàn toàn thuận phục uy quyền. Đây là một vấn đề lớn lao. Việc Chúa Jesus về trời là do Ngài làm một con người và thuận phục trong hình thái của một con người. Kết quả là Ngài được Đức Chúa Trời tôn cao. Chúng ta phải đối diện với vấn đề này. Trong cả Kinh Thánh gần như không có phân đoạn nào huyền nhiệm như phân đoạn này. Chúa đã tạm biệt hình thái thần thượng của Ngài. Ngài đã không trở lại chỉ trong hình thái thần thượng của Ngài vì Ngài đã mặc vào xác thịt. Trong Ngài không có một dấu vết gì liên quan đến sự không vâng phục; do đó, Ngài được Đức Chúa Trời tôn cao trong nhân tính Ngài. Ngài ra đi từ bỏ vinh quang của mình. Ngài trở về lấy lại vinh quang của mình. Tất cả những điều này đều được Đức Chúa Trời thực hiện. Chúng ta cần có trong mình tâm trí từng ở trong Christ Jesus. Tất cả chúng ta đều cần phải theo con đường của Chúa chúng ta, tiếp nhận nguyên tắc thuận phục của Ngài làm nguyên tắc của mình để đạt đến sự thuận phục và học tập thuận phục lẫn nhau. Người nào biết đến nguyên tắc này đều sẽ nhận thức rằng không tội lỗi nào xấu xa hơn nổi loạn và không điều gì quan trọng hơn sự thuận phục. Chỉ khi nào nhìn thấy nguyên tắc thuận phục thì chúng ta mới có thể hầu việc Đức Chúa Trời. Nguyên tắc của Đức Chúa Trời có thể chỉ được duy trì bằng cách thuận phục theo như Chúa đã thuận phục. Một khi có sự nổi loạn thì chúng ta ở trong nguyên tắc của Sa-tan.
HỌC TẬP VÂNG PHỤC QUA VIỆC CHỊU KHỔ
Hê-bơ-rơ 5:8 nói với chúng ta rằng Chúa học tập vâng phục qua việc chịu khổ. Việc chịu khổ mang Ngài đến chỗ vâng phục. Sự thuận phục thật được tìm thấy khi một người vẫn vâng phục cho dầu phải chịu khổ. Sự hữu dụng của một người không nằm trong việc người ấy có chịu khổ hay không, mà nằm trong việc người ấy có học tập vâng phục trong việc chịu khổ hay không. Chỉ những người vâng phục Đức Chúa Trời mới hữu dụng. Nếu lòng không mềm lại thì nỗi khổ sở sẽ không bỏ đi. Con đường của chúng ta là con đường đau khổ mọi mặt. Một người ao ước được thoải mái và hưởng thụ thì không mấy hữu dụng. Chúng ta đều phải học tập vâng phục trong những nỗi khổ. Khi Chúa đến trên đất, Ngài không mang theo Ngài sự vâng phục; mà Ngài học tập vâng phục qua những nỗi khổ.
Sự cứu rỗi không những mang đến niềm vui mà còn mang đến sự thuận phục. Nếu một người chỉ muốn niềm vui thì những kinh nghiệm của người ấy sẽ không được dồi dào. Chỉ những người thuận phục mới kinh nghiệm được sự đầy trọn của sự cứu rỗi. Nếu không thì chúng ta thay đổi tính chất của sự cứu rỗi. Chúng ta cần phải thuận phục thậm chí như Chúa đã thuận phục. Chúa trở nên nguồn cứu rỗi của chúng ta qua sự vâng phục. Đức Chúa Trời cứu chúng ta với hi vọng chúng ta sẽ thuận phục ý chỉ của Ngài. Khi một người gặp uy quyền của Đức Chúa Trời, sự thuận phục là một vấn đề đơn giản và nhận biết ý chỉ của Đức Chúa Trời cũng là một vấn đề đơn giản, vì Chúa là Đấng thuận phục trong suốt cuộc đời mình đã ban cho chúng ta sự sống thuận phục của Ngài.